Làm quen với việc con cái lớn dần

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Là cha mẹ có thể thấy rất khó khăn khi phải chứng kiến con cái lớn dần. Việc này giống như chúng từ những đứa trẻ bé bỏng dễ thương bước vào lứa tuổi tính cách thất thường rồi trở thành người lớn độc lập một cách quá nhanh chóng. Làm quen với việc con cái dần trưởng thành có nghĩa là chuẩn bị cho cả bạn và con mỗi khi bước vào giai đoạn mới của cuộc sống. Điều đó có nghĩa là bảo bọc nhưng cũng nới lỏng dần để con bạn có thể trở nên tự lập.

Các bước[sửa]

Cho Con Đi học[sửa]

  1. Giữ thái độ tích cực dù lo lắng và buồn bã. Một thái độ tích cực đối với sự trưởng thành của con bạn là cần thiết. Nghĩ về việc con đã học được gì và tự hào về điều đó, cũng như khi bạn hãnh diện vì con tự tập đi hoặc ngủ một mình.[1]
    • Cũng theo cách đó, cố gắng đánh giá cao khả năng đang hoàn thiện của trẻ như tự đi học, hoàn thành bài tập không cần bạn giúp và tự ra quyết định.
    • Thay vì than vãn về việc con đang lớn lên, hãy tự hào về chúng và tự hào về bản thân bởi bạn, với sự hỗ trợ và tình yêu, đã giúp con bạn trở thành đứa trẻ như bây giờ.
  2. Cho phép trẻ vui chơi tự do trước khi bắt đầu đi học. Mong muốn được giám sát con để hướng dẫn và bảo vệ chúng là rất mạnh mẽ và khó kiểm soát.[1] Thường thì sự nới lỏng kiểm soát và cũng là thách thức đầu tiên đối với cha mẹ và trẻ là để chúng tự chơi trong sân.
    • Nói chuyện với con và cho trẻ biết điều gì được làm và điều gì không được làm.
    • Cho phép trẻ chơi nhưng theo dõi và sẵn sàng phản ứng.
    • Khi thấy trẻ tôn trọng quy ước và cư xử theo cách bạn mong muốn, bạn có thể dần dần nới lỏng sự kiểm soát và lùi lại một bước.
  3. Cho con biết trước những gì được mong đợi ở trường. Giúp con sẵn sàng với việc coi thời gian biểu hàng ngày, những kỳ vọng, niềm vui và nỗi sợ như là một phần của việc đến trường. Đồng thời, bạn cũng cần chuẩn bị để con được tự lập hơn.[2]
    • Hãy hỏi con về điều gì khiến trẻ nghi ngờ và sợ hãi và tìm những câu trả lời phổ biến cho chúng. Điều này sẽ nhắc bạn rằng con bạn vẫn cần bạn nhưng theo cách khác.
    • Nói chuyện và giải thích cho con hiểu điều gì sẽ được mong đợi ở trường mẫu giáo hay trường học.
    • Tập đến trường bằng cách dậy sớm, chuẩn bị bữa trưa mang theo và đưa trẻ đến trường. Chỉ cho trẻ lớp học của mình. Điều này sẽ giúp cả bạn và con cảm thấy sẵn sàng về tinh thần khi ngày đó cuối cùng cũng đến.
  4. Bù đắp sự trống vắng trong sinh hoạt hàng ngày của bạn bằng điều gì đó tích cực. Mặc dù bạn chắc chắn vẫn sẽ rất bận rộn nhưng bạn có thể cảm thấy trống trải trong cuộc sống hàng ngày khi con ở trường. Khỏa lấp chỗ trống bằng một việc bạn yêu thích sẽ khiến quá trình thay đổi dễ dàng hơn và có lợi cho cả bạn và con về lâu dài.[1]
    • Mặc dù thực tế bạn không có thêm thời gian khi con cái đi học, nhưng đã đến lúc bắt đầu một thú vui mới. Thời điểm này giống như một giai đoạn mới trong cuộc đời bạn bởi đúng là như vậy, và đó là lúc thuận lợi để cải thiện bản thân, mở rộng hiểu biết của mình hoặc thử điều gì đó mà bạn luôn muốn thực hiện.
    • Có thể bạn sẽ có nhiều cơ hội tự nguyện và tham gia các hoạt động tại trường của con bạn. Đó có thể là giải pháp tích cực và tạo ra sự gắn bó mới giữa bạn và con. Tuy nhiên, hãy thận trọng sử dụng những cơ hội như vậy để tiếp tục được "quanh quẩn" bên con. Dù với lứa tuổi nhỏ như vậy, bạn cũng cần bắt đầu nới lỏng việc giám sát con dần dần.

Định hướng Thời kỳ Chuyển tiếp của Tuổi dậy thì[sửa]

  1. Nói chuyện với con về những thay đổi thể chất mà con đang trải qua. Con bạn đang lớn lên, điều này trở nên rõ ràng khi bạn bắt đầu nhận thấy những thay đổi về cơ thể của trẻ. Hãy dùng kinh nghiệm và sự đồng cảm để định hướng và bảo đảm cho con bước vào giai đoạn chuyển tiếp này.[3]
    • Những thay đổi thể chất rõ nét xuất hiện tại thời điểm này là do thay đổi hoóc môn trong cơ thể. Các tuyến nội tiết sản sinh hoóc môn dẫn đến sự thay đổi của cơ thể.
    • Những thay đổi thể chất/hoóc môn này kéo theo thay đổi về tâm lý và cảm xúc.
    • Hãy cởi mở trong việc trả lời câu hỏi khi những thay đổi cơ thể bắt đầu. Thực ra, tốt nhất nên bắt đầu trao đổi về những biến chuyển của cơ thể trước khi vào tuổi dậy thì. Hãy nói với con rằng những thay đổi như vậy là bình thường và là một phần của sự trưởng thành. Hãy thẳng thắn và chân thành trả lời mọi câu hỏi một cách trực diện, dù có bất kì cảm giác không thoải mái một cách tự nhiên (và giữa bạn và con).[4]
    • Mặc dù nhiều trường tổ chức các buổi học hoặc lớp học đặc biệt khi trẻ đến giai đoạn dậy thì nhưng bạn đừng phụ thuộc hoàn toàn vào điều đó. Kết hợp những bài giảng ở trường về sự thay đổi của cơ thể với quan điểm của bạn sẽ tạo hành trang tốt hơn cho con bạn và khuyến khích trẻ tin tưởng và tương tác với bạn khi những thay đổi đó diễn ra.
  2. Sẵn sàng đón nhận những cảm xúc thất thường vào giai đoạn này trong cuộc sống của trẻ. Thay đổi hoóc môn mà con bạn đang trải qua ảnh hưởng trực tiếp đến bộ não. Vì vậy, sở thích, mong muốn và nhu cầu của trẻ cũng sẽ thay đổi. Bạn gần như có thể biết chắc chắn rằng trạng thái buồn bã và cáu giận sẽ tăng lên trong giai đoạn này.[4]
    • Trẻ có thể muốn được tự do, thậm chí từ chối kể cho bạn nghe về một ngày của mình. Nhưng ngày hôm sau, chúng có thể yêu cầu bạn tập trung và muốn bạn phải lắng nghe chúng ngay lập tức. Hãy cứ lắng nghe. Trẻ sẽ cho bạn biết nếu cần ý kiến hoặc lời khuyên của bạn.
    • Hiểu rằng trẻ yêu bạn, thậm chí cả khi chúng hành động như một đứa trẻ xấc xược thất thường. Những biến động cảm xúc đó là do nồng độ hoóc môn thay đổi đột ngột trong cơ thể trẻ. Nhưng hãy nhớ rằng đúng là con bạn có thể to tiếng một cách giận dữ chỉ để chọc tức bạn một chút, điều đó không có nghĩa là trẻ không yêu bạn!
  3. Cho trẻ thấy bạn yêu và ủng hộ chúng. Nếu con bạn muốn thử một điều gì mới mẻ, hãy ủng hộ con. Khi con thành công hay thất bại, hãy ủng hộ con. Bằng cách này, bạn đã khẳng định vai trò là cha mẹ và góp phần vào quá trình phát triển của con.[4]
    • Những biến động cảm xúc của con có thể khiến bạn đau đầu nhưng hãy nhớ rằng trẻ cũng bị ảnh hưởng bởi điều đó. Chúng đang cố gắng phát triển tính cách của mình trong khi phải đối mặt với những thay đổi như vậy, và cần sự ủng hộ của bạn trong thời điểm này.
    • Dù vấn đề là gì, hãy thể hiện bản thân một cách rõ ràng với trẻ. Cho con biết rằng bạn yêu chúng và luôn luôn có mặt để ủng hộ chúng. Cách này sẽ tạo cho trẻ một chỗ dựa để trông cậy trong những lúc khủng hoảng.
    • Bạn cũng nên nhớ rằng bộ não của trẻ chưa hoàn thiện trước lứa tuổi 20. Sự phát triển chưa đầy đủ của bộ não có thể gây ra những bồng bột về cảm xúc thường khiến cha mẹ buồn lòng.
  4. Chấp nhận những mối quan hệ mới nhưng có giới hạn. Khi trẻ theo dõi những thay đổi trong cơ thể, chúng bắt đầu một loạt những trải nghiệm xã hội mới lạ. Điều đó có thể được bộc lộ bằng tình bạn mới và bắt đầu có những mối quan tâm lãng mạn.
    • Hãy duy trì mối giao tiếp cởi mở. Khi bạn chấp nhận sự lựa chọn và bạn bè của con, trẻ sẽ bớt ngại ngùng và muốn chia sẻ về những điều đang diễn ra trong cuộc sống của mình.
    • Sẵn sàng chấp nhận việc con bạn bắt đầu đi chơi với các nhóm bạn mới. Trẻ ở tuổi mới lớn có cảm giác an toàn khi thuộc về một nhóm. Chúng có mong muốn mãnh liệt để trở thành một phần trong nhóm bạn vì vẫn chưa phát triển cá tính độc lập của riêng mình.
    • Cố gắng giữ quan hệ và dành thời gian ở bên con, ăn tối và nói chuyện với con. Bạn muốn trở thành bạn của con mình.
    • Tuy nhiên, bạn cũng nên đặt ra những giới hạn vì trẻ ở lứa tuổi này có xu hướng hành xử mạo hiểm. Đặt ra những giới hạn rõ ràng giữa cách hành xử tốt và xấu, giữa những quan hệ lành mạnh và không lành mạnh.[5]
  5. Hãy nhận biết rằng con sẽ không cần đến bạn nhiều, hay ít nhất là theo cách như trước. Đây là giai đoạn con bạn cho thấy nhu cầu tự lập tăng lên. Ví dụ, trẻ muốn dành thời gian ở cùng bạn bè nhiều hơn là với bạn.[4]
    • Cho con không gian, nhưng sẵn sàng có mặt khi con cần. Cho con không gian để thoải mái và tự giải quyết vấn đề của mình. Nếu bạn bảo vệ con quá mức và giải quyết mọi vấn đề của trẻ, chúng sẽ khó có thể xử lý những vấn đề quan trọng trong cuộc sống.[5]
    • Đây cũng là thời điểm thích hợp để trao đổi về vấn đề tiền bạc. Khoản tiền tiêu vặt hàng tuần cho con có lẽ không chỉ để chi cho những lần đi xem phim và ăn uống với bạn bè. Hãy thảo luận một cách nghiêm túc ngân sách gia đình với con và có thể giúp con cách kiếm thêm chút tiền để dành. Tự kiếm tiền sẽ tạo dựng lòng tự trọng và tính độc lập.
  6. Giải quyết căng thẳng của chính bạn. Nuôi dạy một đứa trẻ ở lứa tuổi nào cũng là sự cố gắng đầy vất vả nhưng nuôi trẻ tuổi mới lớn khó hơn tất cả. Trong khi giúp con giải quyết căng thẳng về sự thay đổi và thách thức chúng phải đối mặt, bạn cũng đừng quên kiểm soát sự căng thẳng của bản thân. Nếu bạn không tự chăm sóc cho chính mình, bạn sẽ không thể chăm sóc cho con.[5]
    • Chủ động tập trung ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ, tập thể dục thường xuyên, thư giãn, tham gia các hoạt động yêu thích, đón nhận sự hỗ trợ từ vợ/chồng, anh em, bạn bè, v.v... để giải quyết căng thẳng.
    • Con bạn đang theo dõi và học hỏi từ những việc bạn làm, thậm chí cả khi mới bước vào tuổi dậy thì và có xu hướng từ chối sự tồn tại thực sự của bạn. Hãy cho con thấy việc chăm sóc tâm trí và cơ thể là cần thiết.

Để Con Sống Tự lập[sửa]

  1. Hiểu khái niệm “hội chứng tổ ấm trống vắng”. Bạn có thể nghĩ rằng mình sẽ thích thú khi có thêm thời gian rảnh rỗi (và không gian trong nhà) khi con ra ở riêng, nhưng thay vào đó lại cảm thấy buồn bã và chới với. Thật khó buông tay để con tự lập và điều chỉnh bản thân sau đó dù bạn biết con đã sẵn sàng.[6]
    • Trước hết, bạn cần tự nhận thức rằng con không cần sự giúp đỡ hàng ngày của bạn nữa. Trẻ không thích bạn kè kè bên cạnh như trước và bạn không còn được biết hết mọi vấn đề trong cuộc sống của con. Điều đó là bình thường và cảm thấy buồn cũng là bình thường.
    • Là bố mẹ có sự từng trải, hãy hiểu những thay đổi đang diễn ra trong cuộc sống của đứa con đang trưởng thành. Hiểu rằng trẻ yêu bạn và không có ý làm cho bạn tổn thương.
    • Trải qua cảm giác mất mát vào lúc này là chuyện bình thường, kể cả khi bạn vẫn may mắn được gặp con thường xuyên. Đừng bỏ qua hay chối bỏ những cảm giác này; chấp nhận chúng như là một phần tự nhiên trong quá trình làm cha mẹ. Bạn đã dành cả cuộc đời để bảo vệ và nuôi dạy con, vì vậy, đương nhiên là sẽ khó buông con ra khỏi vòng tay của bạn.
  2. Nỗ lực dành thời gian ở bên con. Khi con bạn trở thành người lớn tự lập, không có nghĩa là chúng sẽ biến mất khỏi cuộc đời bạn mãi mãi. Thật vậy, chúng có thể cần đến bạn nhiều hơn bao giờ hết theo những cách khác. Hãy tận dụng thời gian sống bên con, dù đó là ngày quan trọng hay chỉ là những khoảnh khắc bất chợt.[6]
    • Công nghệ ngày nay cho phép bạn dễ dàng liên hệ với con, qua điện thoại hay trên mạng internet. Hãy giữ liên lạc và là một phần trong cuộc đời của con khi đã trưởng thành. Tuy nhiên, đừng lạm dụng quá (ví dụ như gọi điện cho con hàng ngày), vì bạn có thể khiến con lảng tránh bạn. Hãy nhớ rằng con đang trong quá trình cố gắng chèo lái cuộc sống khi là một người trưởng thành độc lập.
    • Luôn sẵn sàng khi con muốn nói chuyện hoặc gặp gỡ. Đừng bỏ qua những cơ hội này, vì bạn sẽ không bao giờ biết lúc nào chúng sẽ đến khi cuộc sống trưởng thành của con bạn ngày càng bận rộn hơn.
  3. Học cách sống thoải mái. Đừng bám vào con, cố gắng bảo vệ con khỏi mọi điều xấu. Để con được tự do mắc lỗi và thành công. Tất cả chúng ta đều học hỏi tốt nhất từ kinh nghiệm và sai lầm của chính mình.
    • Đừng lúc nào cũng vội vàng giúp đỡ con. Hãy cho lời khuyên khi con đề nghị, thường xuyên thông cảm và thấu hiểu con. Bạn sẽ không giúp gì được cho con nếu cứ xử lý mọi vấn đề trong cuộc sống của chúng.[7]
    • Đôi khi lời khuyên xác đáng của bạn sẽ bị bỏ qua, và bạn đơn giản là phải chấp nhận điều đó như một phần trong quá trình sống và học hỏi của con.
    • Ủng hộ sự nghiệp của con dù bạn hy vọng con theo đuổi công việc khác. Đừng cố gắng dùng con để hiện thực hóa giấc mơ của bạn. Khi theo đuổi công việc bằng niềm đam mê, con bạn sẽ trở nên tự tin vào bản thân hơn.
  4. Tiếp tục sống và làm những gì bạn muốn. Thực hiện những việc bạn không thể làm được khi con còn ở nhà. Làm cha mẹ là công việc nghiêm túc đòi hỏi bạn dành cho con toàn bộ sự chăm sóc và ít quan tâm đến bản thân. Giải quyết thực tế con đang lớn dần bằng cách dành nhiều thời gian cho mình hơn.[6]
    • Tìm một thú vui hoặc làm việc gì bạn không có thời gian thực hiện khi con còn ở cùng. Hãy tập trung vào thể dục và sức khỏe toàn thân, hoặc dành nhiều thời gian cho sự nghiệp của bạn hơn (đặc biệt nếu việc đó đem lại niềm vui).
    • Lên kế hoạch đi chơi với bạn bè. Bạn có thể bù đắp cảm giác cô đơn bằng cách trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm.
    • Làm những việc bạn yêu thích. Bạn vẫn sẽ là cha mẹ nhưng đừng quên rằng bạn cũng là một thực thể thống nhất. Bạn có nhớ tất cả những ước mơ và hoài bão bạn đã từng có trước khi sinh con không? Đã đến lúc bạn bắt đầu nghĩ và lập kế hoạch để thực hiện ước mơ và hoài bão đó.
    • Khi bạn nỗ lực một cách có ý thức để tiếp tục cuộc sống sau khi con cái trưởng thành, bạn sẽ không cảm thấy mất mát khi con ra ở riêng. Rất khó khăn và vất vả để vượt qua "hội chứng tổ ấm trống vắng" nhưng sẽ dễ dàng hơn nếu bạn lường trước được và có mục đích sống độc lập.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây