Loại bỏ chất lỏng đọng trong tai

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chất lỏng ứ đọng trong tai là một trong những ảnh hưởng chủ yếu của tình trạng nhiễm trùng tai giữa, còn gọi là viêm tai giữa cấp (OM). Viêm tai xảy ra khi chất lỏng (thường là mủ) xuất hiện ở tai trong khiến màng nhĩ đỏ và đau, đôi khi kèm theo sốt. Tuy nhiên đôi khi chất lỏng vẫn đọng trong tai ngay cả sau khi đã hết viêm; tình trạng này được gọi là viêm tai giữa ứ dịch (OME). Thông thường trẻ em hay bị viêm tai và đọng chất lỏng trong tai hơn người lớn.[1] Một số liệu pháp tại nhà có thể giúp loại bỏ chất lỏng trong tai, mặc dù chất lỏng sẽ tự tiêu hết trong đa số trường hợp. Tuy nhiên, việc điều trị nguyên nhân tiềm ẩn vẫn là bước quan trọng nhất.[2]

Các bước[sửa]

Chẩn đoán bệnh[sửa]

  1. Lưu ý đến các triệu chứng rõ rệt có liên quan đến tai. Các biểu hiện thường gặp nhất của viêm tai giữa cấp (OM) và viêm tai giữa ứ dịch (OME) gồm: đau tai hoặc dùng tay kéo giật tai (nếu đứa trẻ chưa biết kêu đau), cáu kỉnh, sốt, thậm chí nôn.[3] Ngoài ra, có thể trẻ sẽ không ăn uống hoặc ngủ được như bình thường, vì áp suất trong tai sẽ thay đổi và gây đau khi trẻ nằm, nhai hoặc bú.[3]
    • Lưu ý rằng nhóm trẻ từ ba tháng đến hai tuổi thường bị viêm tai và đọng chất lỏng trong tai nhất. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần cung cấp càng nhiều thông tin và tiền sử bệnh của trẻ càng tốt. Như vậy, điều quan trọng là theo dõi và ghi chú cẩn thận mọi triệu chứng.
    • Biết rằng bệnh OME thường không có triệu chứng. Một số người có thể có cảm giác đầy hoặc “lụp bụp” trong tai.[3]
    • Đi khám ngay khi nhận thấy chất lỏng, mủ hoặc máu chảy ra từ tai.[4]
  2. Theo dõi các triệu chứng liên quan đến "bệnh cảm thường." Tình trạng viêm tai thường được coi là nhiễm trùng thứ phát sau bệnh “cảm thường” hoặc nhiễm trùng nguyên phát. Bạn nên theo dõi vài ngày về các biểu hiện như chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho, đau họng và sốt nhẹ, mọi triệu chứng điển hình của bệnh cảm cúm.
    • Hầu hết các trường hợp cảm cúm là do nhiễm virus, do đó thông thường bạn không cần tìm sự chăm sóc y tế vì không có cách nào để chữa khỏi bệnh nhiễm virus. Chỉ cần chăm sóc y tế khi không thể giảm sốt bằng thuốc Tylenol hoặc Motrin với liều thông thường (và thân nhiệt tăng đến mức 38,9°C). Bạn cần theo dõi mọi triệu chứng cảm cúm vì bác sĩ sẽ cần biết về tình trạng nhiễm trùng nguyên phát. Bệnh cảm cúm thường chỉ kéo dài một tuần. Bạn nên đến bác sĩ nếu bệnh không cải thiện sau một tuần.
  3. Để ý các dấu hiệu cho thấy vấn đề về thính giác. OM và OME có thể cản trở âm thanh, dẫn đến các vấn đề về thính giác. Các dấu hiệu ảnh hưởng đến khả năng nghe bao gồm:[3]
    • Không phản ứng với âm thanh nhỏ hoặc các tiếng động khác
    • Cần phải bật âm lượng ti vi hoặc radio to hơn
    • Nói chuyện với âm lượng to bất thường
    • Không chú ý nói chung
  4. Hiểu về các biến chứng có thể xảy ra. Hầu hết các trường hợp viêm tai không dẫn đến các biến chứng lâu dài và thường tự khỏi trong vòng 2-3 ngày. Tuy nhiên, tình trạng viêm và ứ dịch trong tai xảy ra thường xuyên có thể gây các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:[5]
    • Suy giảm khả năng nghe — Bệnh viêm tai có thể khiến người bệnh khó nghe hơn một chút, nhưng tình trạng giảm thính lực nghiêm trọng hơn có thể xảy ra do viêm tai dai dẳng hoặc ứ dịch lâu ngày, khiến một số trường hợp có thể gây tổn thương màng nhĩ và tai trong.[5]
    • Chậm phát triển khả năng nói — Ở trẻ nhỏ, tình trạng giảm thính lực có thể dẫn đến chậm phát triển khả năng nói, đặc biệt là khi trẻ chưa biết nói.[6]
    • Nhiễm trùng lây lan — Tình trạng nhiễm trùng không được điều trị hoặc không đáp ứng với các liệu pháp điều trị có thể lây lan sang các mô khác và cần được nhanh chóng xử lý ngay. Viêm xương chũm là một bệnh nhiễm trùng có thể khiến xương lồi ra phía sau tai. Tình trạng này không những làm tổn thương xương chũm mà còn phát triển các u chứa đầy mủ. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh viêm tai giữa nghiêm trọng có thể lan vào xương sọ và ảnh hưởng đến não.[7]
    • Rách màng nhĩ —Đôi khi tình trạng nhiễm trùng có thể làm thủng hoặc rách màng nhĩ.[8] Hầu hết các trường hợp rách màng nhĩ thường tự khỏi trong khoảng 3 ngày, cá biệt một số trường hợp có thể cần phải phẫu thuật.[5]
  5. Hẹn gặp bác sĩ. Nếu nghi ngờ mình bị viêm tai hoặc viêm tai giữa ứ dịch, bạn cần đến bác sĩ khám để được chẩn đoán.[9] Bác sĩ sẽ dùng phễu soi tai, một dụng cụ nhỏ giống đèn pin, để kiểm tra tai. Phễu soi tai giúp bác sĩ quan sát được màng nhĩ. Thông thường đây là dụng cụ duy nhất cần cho việc chẩn đoán.[3]
    • Sẵn sàng trả lời các câu hỏi về sự khởi phát và tính chất của các triệu chứng. Nếu người bệnh là trẻ nhỏ, bạn cần trả lời thay trẻ.
    • Có thể bạn cần đến chuyên gia tai mũi họng nếu bệnh kéo dài dai dẳng, tái đi tái lại hoặc không đáp ứng với phương pháp đang điều trị.[9]

Tháo chất lỏng khỏi tai[sửa]

  1. Dùng thuốc xịt mũi steroid. Đây là thuốc được kê toa, có thể giúp mở thông vòi nhĩ (Eustachian tube).[2] Thuốc này có tác dụng giảm viêm mũi, từ đó giúp làm thông vòi nhĩ. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý là phải mất vài ngày để chất steroid phát huy hết tác dụng; nghĩa là bạn sẽ không thấy khỏi ngay tức khắc.[10]
  2. Sử dụng thuốc thông mũi. Thuốc thông mũi không kê toa có thể làm thông tai và giúp chất lỏng thoát ra ngoài. Bạn có thể mua dạng xịt mũi hoặc thuốc uống ở hầu hết các hiệu thuốc. Đảm bảo sử dụng đúng theo hướng dẫn trên nhãn thuốc.[11][2]
    • Không nên dùng thuốc xịt thông mũi mỗi đợt quá ba ngày. Loại thuốc này nếu sử dụng lâu ngày có thể gây “tác dụng ngược” sưng trong hốc mũi.
    • Mặc dù các loại thuốc uống thông mũi thường không gây “tác dụng ngược” sưng hốc mũi, nhưng một số người xảy ra tình trạng tim đập nhanh và tăng huyết áp.[2]
    • Trẻ em có thể bị ảnh hưởng bởi các tác dụng phụ khác như tăng động, bồn chồn và mất ngủ.
    • Tránh thuốc xịt thông mũi có chứa kẽm. Loại thuốc này có liên quan đến tình trạng mất khứu giác vĩnh viễn (tuy hiếm).[2][10]
    • Tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc xịt hoặc thuốc uống thông mũi nào.
  3. Uống thuốc kháng histamine. Một số người nhận thấy thuốc kháng histamine có hiệu quả, đặc biệt trong các trường hợp viêm xoang lâu ngày, vì thuốc này giúp giảm nghẹt mũi.[10]
    • Tuy nhiên, các thuốc kháng histamine có thể gây các tác dụng phụ nghiêm trọng cho xoang, trong đó có tác dụng làm khô niêm mạc trong mô mũi và đặc các dịch tiết.[2]
    • Thuốc kháng histamine không được khuyến khich sử dụng để chữa các trường hợp viêm xoang không phức tạp hoặc viêm tai.[2]
    • Các tác dụng phụ khác gồm buồn ngủ, cảm giác mơ hồ lẫn lộn, mờ mắt, và có thể gây tâm trạng buồn bực và kích động ở một số trẻ em.
  4. Dùng liệu pháp hơi nước. Liệu pháp hơi nước tại nhà có thể thông vòi nhĩ và giúp chất lỏng thoát ra ngoài. Mọi thứ bạn cần căn bản chỉ là khăn ấm và nước nóng.
    • Đổ đầy bát nước nóng. Bạn có thể thêm thảo mộc có tác dụng chống viêm vào nước như tinh dầu trà hoặc hoa cúc. Trùm khăn lên đầu và để tai hứng trong hơi nước tỏa lên. Tránh vươn cổ, và chỉ trùm khăn trong khoảng 10-15 phút.[12]
    • Bạn cũng có thể tắm vòi sen với nước thật nóng, thử xem hơi nước có thể làm chất dịch lỏng ra và thoát khỏi tai không. Không thử dùng liệu pháp này cho trẻ em, vì trẻ không chịu được sự thay đổi nhiệt độ cực đoan.
  5. Dùng máy sấy tóc. Mặc dù gây tranh cãi và không được ủng hộ về mặt khoa học, nhưng phương pháp này được truyền miệng rằng có hiệu quả. Để chế độ thổi gió ở nhiệt độ thấp nhất cách tai khoảng 30 cm. Mục đích ở đây là dùng không khí ấm và khô biến chất lỏng trong tai thành hơi và thoát ra ngoài.[13]
    • Cẩn thận kẻo làm bỏng tai hoặc mặt. Ngưng lại ngay nếu cảm thấy đau hoặc quá nóng.
  6. Dùng máy tạo ẩm. Để giúp thông tai khi bị viêm hoặc cải thiện tình trạng xoang, bạn có thể đặt máy tạo ẩm trong phòng ngủ trên tủ đầu giường gần bên tai đau. Điều này giúp sinh hơi nước, đồng thời làm dịu và giảm sự tích tụ của chất lỏng trong tai. Máy tạo ẩm rất hữu ích trong mùa đông vì không khí trong nhà thường rất khô do tác động của máy sưởi.[14][15]
    • Thậm chí chai nước nóng đặt gần bên tai cũng có tác dụng tương tự và giúp chất lỏng trong tai thoát ra ngoài.
    • Máy tạo ẩm phun sương mát được khuyên dùng cho trẻ em nhờ giảm rủi ro bị bỏng hoặc bị thương.
  7. Lưu ý rằng tất cả các phương pháp này chưa được chứng thực bằng các dữ liệu khoa học. Đa số các nghiên cứu cho rằng chúng không có hoặc có rất ít hiệu quả. Nói cho cùng, đa số các trường hợp chất lỏng tích tụ ở tai trong thường tự khỏi, trừ khi đó là do bệnh mãn tính hoặc viêm tai dai dẳng.[2]
    • Dù sao thì các phương pháp này thực ra chỉ điều trị triệu chứng (như chất lỏng trong tai, nghẹt, v.v...) mà không xử lý được vấn đề chính (như viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa ứ dịch, tắc nghẽn hoặc các vấn đề khác ở vòi nhĩ).

Chữa viêm tai và ứ dịch dai dẳng[sửa]

  1. Bạn hãy hiểu rằng không có một cách điều trị nào là tốt nhất. Khi xác định phác đồ điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc một số yếu tố như tuổi tác của bạn, dạng nhiễm trùng, độ nặng nhẹ và thời gian kéo dài của tình trạng nhiễm trùng, tần suất bị viêm tai trong tiền sử bệnh, và tình trạng nhiễm trùng có gây suy giảm thính lực hay không.[3][16]
  2. Áp dụng liệu pháp “chờ và xem”. Trong đa số trường hợp, hệ miễn dịch của con người có thể đẩy lùi và chữa lành tình trạng viêm tai trong thời gian ngắn (thường từ hai đến ba ngày).[8] Do hầu hết các trường hợp viêm tai có thể tự khỏi, nhiều bác sĩ ủng hộ cách điều trị “chờ và xem”, nghĩa là chỉ dùng thuốc giảm đau mà không dùng kháng sinh để chữa viêm.[3]
    • Viện nhi khoa Hoa Kỳ và viện bác sĩ gia đình Hoa Kỳ khuyến nghị dùng cách điều trị “chờ và xem” cho trẻ em từ sáu tháng đến hai tuổi bị đau một bên tai và cho trẻ em trên hai tuổi nếu bị đau một hoặc hai bên tai trong ít nhất hai ngày và thân nhiệt dưới 39°C.[16]
    • Nhiều bác sĩ ủng hộ cách điều trị này do những hạn chế cố hữu của thuốc kháng sinh, bao gồm việc kháng sinh thường bị lạm dụng khiến vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh tăng nhanh. Hơn nữa, thuốc kháng sinh không chữa được bệnh viêm do virus.[3]
  3. Uống thuốc kháng sinh. Nếu tình trạng nhiễm trùng không tự khỏi, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh trong 10 ngày để chữa nhiễm trùng và có thể giảm một số triệu chứng. Các loại thuốc kháng sinh thường được kê toa gồm Amoxicillin và Zithromax (Zithromax được dùng trong trường hợp dị ứng với penicillin). Thuốc kháng sinh thường được chỉ định cho người bị nhiễm trùng thường xuyên hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng và cực kỳ đau đớn.[8][3] Trong hầu hết các trường hợp, thuốc kháng sinh có thể làm sạch chất lỏng trong tai.
    • Trẻ em từ sáu tuổi trở lên được bác sĩ chẩn đoán viêm tai mức độ nhẹ đến trung bình có thể được chỉ định dùng thuốc kháng sinh trong thời gian ngắn hơn (5 đến 7 ngày thay vì 10 ngày).[3]
    • Lưu ý rằng, tuy hiếm xảy ra nhưng benzocaine có liên quan đến tình trạng nguy hiểm chết người do giảm ô-xy trong máu, đặc biệt là ở trẻ em dưới hai tuổi. Không dùng benzocaine cho trẻ em. Người trưởng thành phải dùng đúng theo liều lượng chỉ định. Trao đổi với bác sĩ về các rủi ro có thể xảy ra.[8]
  4. Luôn tuân thủ đúng liệu trình điều trị kháng sinh. Ngay cả khi các triệu chứng đã được cải thiện trong thời gian điều trị bằng kháng sinh, bạn vẫn cần đảm bảo uống đủ liều lượng kháng sinh được chỉ định. Nếu được kê toa thuốc kháng sinh trong 10 ngày, bạn cần uống đủ 10 ngày. Tuy nhiên, bạn nên theo dõi sự cải thiện trong 48 giờ. Hiện tượng sốt cao kéo dài (từ 37,8°C trở lên) là một dấu hiệu cho thấy sự đề kháng với một loại kháng sinh nào đó và có thể bác sĩ phải chỉ định một loại kháng sinh khác.
    • Lưu ý rằng ngay cả khi sau khi đã được điều trị kháng sinh, chất lỏng có thể vẫn còn trong tai trong nhiều tháng. Bạn nên đến bác sĩ sau khi kết thúc liệu trình điều trị kháng sinh để kiểm tra lại tình trạng nhiễm trùng và xác định xem chất lỏng còn hiện diện hay không. Thông thường bác sĩ sẽ hẹn khám lại sau khi kết thúc đợt điều trị kháng sinh khoảng một tuần.[3]
  5. Sử dụng phương pháp rạch màng nhĩ. Phương pháp phẫu thuật tai có thể được lựa chọn trong các trường hợp chất lỏng đọng trong tai dai dẳng (trên ba tháng sau khi đã khỏi viêm hoặc không bị viêm), viêm tai giữa ứ dịch tái đi tái lại (ba đợt trong sáu tháng hoặc bốn đợt trong một năm và xảy ra ít nhất một lần trong vòng sáu tháng qua), hoặc chứng viêm tai xảy ra thường xuyên và không khỏi khi điều trị bằng kháng sinh. Thủ thuật rạch màng nhĩ có mục đích dẫn chất lỏng ra khỏi tai giữa và đặt vào đó một ống thông. Thông thường bạn sẽ cần tham khảo chuyên gia tai mũi họng để quyết định liệu thủ thuật này có thích hợp cho bạn không.[17][16]
    • Đây là loại phẫu thuật ngoại trú. Chuyên gia tai mũi họng sẽ đặt ống thông tai vào màng nhĩ qua một đường rạch nhỏ. Thủ thuật này sẽ giúp thông khí ở tai, ngăn chặn chất lỏng tiếp tục tích tụ và giúp chất lỏng đang có trong tai giữa thoát ra hoàn toàn.[16]
    • Một số ống thông dùng để đặt trong sáu tháng đến hai năm và sẽ tự rơi ra.[18] Số khác được thiết kế để đặt lâu hơn và có thể cần phẫu thuật để lấy ra.[16]
    • Màng nhĩ thường sẽ tự khít lại sau khi ống thông rơi ra hoặc được lấy ra.[16]
  6. Phẫu thuật nạo V.A (adenoidectomy). Phẫu thuật này nhằm loại bỏ các tuyến nhỏ trong cổ họng ở sau mũi (adenoid). Đây có thể là một lựa chọn cho các trường hợp có vấn đề dai dẳng và tái đi tái lại ở tai. Vòi nhĩ chạy từ tai đến cuống họng và gặp adenoid. Khi bị viêm hoặc sưng (do cảm cúm hoặc viêm họng), adenoid có thể chèn ép lên đầu vào của vòi nhĩ. Hơn nữa, vi khuẩn từ adenoid đôi khi có thể lan vào vòi nhĩ và gây viêm. Các vấn đề về tai và tình trạng tắc nghẽn dẫn đến viêm tai và ứ dịch.[6]
    • Phẫu thuật này thường thực hiện ở trẻ em vì adenoid ở trẻ em to hơn, do đó có nhiều khả năng gây ra vấn đề hơn. Với phẫu thuật này, chuyên gia tai mũi họng sẽ loại bỏ adenoid qua đường miệng trong khi bệnh nhân được gây mê. Ở một số bệnh viện, phẫu thuật nạo V.A được thực hiện trong ngày và bạn có thể ra về ngay ngày đó. Ở một số trường hợp khác, bác sĩ phẫu thuật có thể giữ bệnh nhân qua đêm để theo dõi.

Giảm đau[sửa]

  1. Dùng gạc ấm. Chườm khăn ướt và ấm lên vùng tai tổn thương để giảm đau và nhói. Bạn có thể dùng bất cứ loại gạc ấm nào, chẳng hạn như khăn nhúng nước từ ấm đến nóng, vắt bớt nước và áp lên tai để giảm đau tức thời.[19] Đảm bảo nước không quá nóng, nhất là khi sử dụng phương pháp này cho trẻ em.
  2. Dùng thuốc giảm đau. Bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc giảm đau không kê toa như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Motrin IB, Advil) để giảm đau và đỡ khó chịu.[3] Dùng đúng liều lượng khuyến nghị trên nhãn thuốc.
    • Thận trọng khi cho trẻ em hoặc trẻ vị thành niên uống aspirin. Về mặt kỹ thuật, aspirin được coi là an toàn cho trẻ em trên hai tuổi. Tuy nhiên, gần đây aspirin được coi là có liên quan đến hội chứng Reye, một căn bệnh hiếm, có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho gan và não ở trẻ vị thành niên vừa hồi phục sau bệnh thủy đậu hoặc cúm, do đó bạn cần thận trọng khi cho trẻ vị thành niên uống aspirin.[20] Tham khảo bác sĩ nếu bạn có bất cứ lo ngại nào.[16]
  3. Nhỏ thuốc trị đau tai. Bác sĩ có thể kê toa thuốc nhỏ tai như antipyrine-benzocaine-glycerin (Aurodex) để giảm đau, miễn là màng nhĩ không bị rách hoặc thủng.[3]
    • Khi nhỏ tai cho trẻ em, bạn nên làm ấm thuốc bằng cách ngâm lọ thuốc vào nước ấm. Điều này để tránh làm trẻ giật mình vì thuốc lạnh ngắt nhỏ vào tai. Để trẻ nằm trên mặt phẳng, bên tai đau của trẻ hướng về phía bạn. Nhỏ thuốc theo hướng dẫn trên nhãn. Tuân theo liều lượng được khuyến nghị và không dùng quá liều. Thực hiện cùng động tác đó khi nhỏ cho mình hoặc người lớn.[16]

Lời khuyên[sửa]

  • Trong một số trường hợp, viêm tai giữa ứ dịch có thể xảy ra nhưng trước đó không bị nhiễm trùng tai. Có thể vấn đề nằm ở chính vòi nhĩ.[8]

Cảnh báo[sửa]

  • Không cố gắng dùng tăm bông loại bỏ nước trong tai. Động tác này có thể đẩy các dị vật vào sâu hơn và làm tổn thương màng nhĩ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/basics/definition/con-20014260
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 2,5 2,6 2,7 http://thechart.blogs.cnn.com/2010/09/20/how-do-i-drain-my-ears/comment-page-1/
  3. 3,00 3,01 3,02 3,03 3,04 3,05 3,06 3,07 3,08 3,09 3,10 3,11 3,12 http://kidshealth.org/parent/infections/ear/otitis_media.html#
  4. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/basics/symptoms/con-20014260
  5. 5,0 5,1 5,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/basics/complications/con-20014260
  6. 6,0 6,1 http://www.nhs.uk/Conditions/Adenoids-and-adenoidectomy/Pages/Why-is-it-necessary.aspx
  7. (Miyamoto, Richard, MD. MS The Merck Manual, 19th edition, revised December 2012)
  8. 8,0 8,1 8,2 8,3 8,4 http://www.webmd.com/cold-and-flu/ear-infection/ear-infections-what-happens
  9. 9,0 9,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/basics/preparing-for-your-appointment/con-20014260
  10. 10,0 10,1 10,2 http://patient.info/health/eustachian-tube-dysfunction
  11. http://www.activebeat.com/your-health/10-easy-ways-to-remove-fluid-in-the-ear/2/
  12. http://www.activebeat.com/your-health/10-easy-ways-to-remove-fluid-in-the-ear/
  13. http://www.activebeat.com/your-health/10-easy-ways-to-remove-fluid-in-the-ear/4/
  14. http://www.activebeat.com/your-health/10-easy-ways-to-remove-fluid-in-the-ear/7/
  15. http://www.peachtreeentcenter.com/pediatric-ent/
  16. 16,0 16,1 16,2 16,3 16,4 16,5 16,6 16,7 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/basics/treatment/con-20014260
  17. (Current indications for tympanostomy tubes , American Journal of Otolaryngology, 1994, Mar-April 15 (2) 1-3-8)
  18. Rosenfield, RM Schwartz, SR, Pynnon, MA et al Otolaryngology Head and Neck Surgery 2013 July 149 ( 1 suppl) S1-35)
  19. http://www.healthguidance.org/entry/2408/1/Home-Remedies-For-Ear-Aches.html
  20. http://www.nhs.uk/conditions/reyes-syndrome/Pages/Introduction.aspx