Loại bỏ mụn ẩn dưới da

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mụn là tình trạng nang lông bị tắc nghẽn bởi dầu, tế bào da chết và vi khuẩn. Một số mụn sẽ hình thành đầu trắng và đầu đen, một số khác thì không. Thay vào đó, mụn sẽ hình thành nốt đỏ cứng dưới da. Nếu được chăm sóc đúng cách, bạn có thể ngăn ngừa mụn dưới da trở nặng và giúp mụn biến mất.[1][2]

Các bước[sửa]

Giữ da sạch[sửa]

  1. Rửa sạch da. Rửa sạch da giúp loại bỏ dầu thừa và da chết kích ứng mụn và góp phần kích thích sự phát triển của vi khuẩn. [3] Mụn có thể bị đau nên bạn cần dùng khăn mềm nhẹ nhàng lau sạch bằng nước ấm.
    • Rửa mặt ít nhất 2 lần mỗi ngày. Không chà quá mạnh. Nang lông đã bị kéo giãn do nhiễm trùng nên bạn cần tránh làm khiến nang lông tổn thương thêm.
    • Nếu dùng xà phòng, bạn nên dùng sản phẩm dạng nước, không dầu và dịu nhẹ. Xà phòng dạng dầu có thể tạo một lớp dầu gây bít tắc lỗ chân lông.
    • Nếu mụn ở vị trí mà tóc chạm đến, bạn có thể dùng kẹp tóc, băng đô hoặc dây cột tóc để ngăn tóc khỏi dính lên mặt. Tóc có thể làm dính dầu lên da khiến tình trạng da trở nặng. Nếu không thể ngăn tóc dính lên mặt, bạn nên gội đầu sạch để giảm lượng dầu bị dính lên da.[4]
  2. Không chạm hoặc nặn mụn dưới da. Mụn không hở ra nên một phần nào đó được da bảo vệ. Chạm hoặc nặn mụn có thể khiến vùng da bên trên mụn vỡ ra.
    • Chạm hoặc nặn mụn có thể gây vết thương hở và dễ bị nhiễm trùng, sẹo.
  3. Tránh để ánh nắng gây kích ứng mụn. Ánh nắng có thể kích ứng mụn ở một số người. Nếu dễ bị mụn do ánh nắng, bạn nên bảo vệ da bằng kem chống nắng không dầu hoặc kem dưỡng ẩm có thành phần chống nắng.[5]
    • Ngoài ra, ánh nắng còn có thể gây cháy nắng, lão hóa da và tăng nguy cơ ung thư da.
    • Bước này đặc biệt là quan trọng khi ánh nắng chói. Bao gồm khu vực gần xích đạo, ở bãi biển nơi phản chiếu ánh nắng dưới nước, hay vào những tháng hè. Ngay cả vào những ngày trời nhiều mây, tia cực tím vẫn có thể xuyên qua mây nên bạn cần bảo vệ da.
    • Nếu lo lắng kem chống nắng kích ứng mụn, bạn có thể đội nón thay vì thoa kem, nhưng nhớ rằng đội nón vẫn khiến da vùng cổ và một phần mặt tiếp xúc với nắng.
  4. Không dùng mỹ phẩm trang điểm hoặc chỉ dùng mỹ phẩm không chứa dầu. Mỹ phẩm trang điểm có thể trộn với dầu trên da và gây tắc lỗ chân lông. Để an toàn nhất, bạn không nên trang điểm lên mụn. Nếu bắt buộc phải trang điểm, nên chọn mỹ phẩm trên nhãn có ghi “không gây tắc lỗ chân lông (noncomedogenic). Ngoài ra, bạn nên chọn mỹ phẩm chứa nước hoặc khoáng chất. [4][3]
    • Kem nền dạng sáp, dầu dễ khiến vi khuẩn và bụi bẩn mắc kẹt bên trong mụn. Vi khuẩn sẽ sinh sôi và tăng thêm áp lực lên mụn, khiến mụn dễ nổi lên đầu đen hoặc đầu trắng.
    • Không đi ngủ khi chưa tẩy trang. Rửa mặt sạch sẽ trước khi đi ngủ để da thở và nghỉ ngơi, đồng thời ngăn vi khuẩn tích tụ.
  5. Ngăn quần áo chà xát lên vùng da bị mụn ẩn khi tập luyện. Đây là bước quan trọng vì da bị giãn và sưng lên. Tiếp xúc thô ráp có thể làm rách da, còn quần áo thấm mồ hôi sẽ làm dính dầu lên da, vào lỗ chân lông và khiến da nhiễm trùng nặng hơn.[3]
    • Mặc quần áo rộng rãi được làm từ chất liệu tự nhiên để da dễ thở hơn. Chất liệu tự nhiên ngăn mồ hôi ướt dính lên da. Hoặc bạn có thể mặc quần áo từ chất liệu hút ẩm khỏi da, giúp mồ hôi bốc hơi nhanh hơn. Đọc mác quần áo để xác định xem chất liệu vải có hút ẩm không.
    • Tắm trước khi tập luyện. Cách này giúp loại bỏ dầu thừa và tế bào da chết.

Thoa thuốc không kê đơn[sửa]

  1. Thoa thuốc không kê đơn. Các sản phẩm này hỗ trợ lột da, làm khô dầu và giảm lượng vi khuẩn trên da. Đọc và tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất và không thoa quá tần suất được khuyến nghị. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang mang thai, đang cho con bú hoặc điều trị cho trẻ nhỏ. Sản phẩm chứa các thành phần sau thường hiệu quả:[5]
    • Benzoyl peroxide (thường là thuốc điều trị không kê đơn hiệu quả nhất)
    • Axit salicylic
    • Sulfur
    • Resorcinol
  2. Thử dùng thuốc thay thế và thực phẩm chức năng. Trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai, đang cho con bú hoặc điều trị cho trẻ nhỏ. Mặc dù là thuốc không kê đơn nhưng thuốc thay thế và thực phẩm chức năng có thể tương tác với thuốc chữa bệnh. Bên cạnh đó, liều dùng thuốc thay thế và thực phẩm chức năng không được kiểm soát chặt chẽ như thuốc chữa bệnh và chưa được nghiên cứu kỹ.[6]
    • Lotion chứa kẽm
    • Lotion chứa chiết xuất trà xanh 2%
    • Gel lô hội 50%
    • Men ủ bia, chủng CBS 5926. Đây là thuốc uống.
  3. Nghiền Aspirin để dùng làm nguyên liệu tại nhà. Thành phần hoạt chất trong Aspirin là axit salicylic, tương tự với thuốc trị mụn trứng cá.[7]
    • Giã nhỏ một viên Aspirin và nhỏ 1-2 giọt vào nước. Thoa hỗn hợp lên mụn và rửa sạch hỗn hợp thừa không hấp thụ vào da.

Dùng nguyên liệu tự nhiên và thay đổi lối sống[sửa]

  1. Chườm đá viên lên mụn. Đá lạnh sẽ giúp giảm sưng và giảm nguy cơ rách da. Đá viên cũng giúp mụn nhỏ lại và bớt đỏ hơn.
    • Có thể chườm túi đá viên hoặc túi rau củ đông lạnh quấn trong khăn tắm. Chườm đá lạnh khoảng 5 phút rồi chờ da ấm lại. Bạn sẽ thấy tình trạng mụn cải thiện đáng kể.
  2. Dùng tinh dầu tràm trà để giảm vi khuẩn trên da. Nếu da không hở, tinh dầu tràm trà có thể giúp da lành lại nhanh hơn.[8]
    • Phải pha loãng tinh dầu tràm trà trước khi thoa lên da. Đối với mụn trứng cá, nên pha tinh dầu với nước tạo thành hỗn hợp 5% tinh dầu, 95% nước. Dùng khăn sạch để thoa tinh dầu pha loãng lên da, cẩn thận không thoa gần mắt, mũi, miệng. Rửa sạch sau 15-20 phút.
    • Tinh dầu tràm trà không tốt cho người có da nhạy cảm vì có thể gây chàm (viêm da) tiếp xúc và bệnh Rosacea.[6]
  3. Thử dùng nguyên liệu tại nhà có tính axit. Tương tự như tinh dầu tràm trà, nguyên liệu có tính axit sẽ tiêu diệt vi khuẩn trong trường hợp mụn dưới da. Axit cũng giúp da khô và ngăn tích tụ dầu tự nhiên trên da. Có nhiều lựa chọn có sẵn trong nhà cho bạn: nước cốt chanh và giấm táo.
    • Hòa nước cốt chanh với giấm táo theo tỉ lệ 1:3 rồi dùng để rửa vùng da bị mụn ẩn. Không để dính vào mũi hoặc mắt. Nếu hỗn hợp dính vào mắt và gây đau, bạn cần rửa sạch bằng nước ngay lập tức.
  4. Không tẩy tế bào chết. Tẩy tế bào chết hay dùng chất có tính tẩy mạnh sẽ khiến mụn trứng cá trở nặng hơn. Không dùng:[9]
    • Sản phẩm tẩy tế bào chết
    • Chất làm se
    • Chất chứa cồn làm khô da
  5. Dùng mặt nạ dưa chuột để giúp da chống lại nhiễm trùng. Da sẽ hấp thụ kali, vitamin A, vitamin C và vitamin E. Da càng khỏe mạnh sẽ càng chống lại nhiễm trùng trong lỗ chân lông hiệu quả hơn.
    • Gọt vỏ và nghiền nhuyễn nửa quả dưa chuột. Có thể để nguyên hạt. Thoa hỗn hợp lên vết mụn và để ít nhất 15 phút cho thấm vào da. Cuối cùng, rửa lại bằng nước sạch.
    • Mặt nạ dưa chuột có thể hơi dính nên bạn cần tránh bụi bẩn khi đang đắp mặt nạ.
  6. Kiểm soát căng thẳng. Căng thẳng làm thay đổi về tâm lý và hormone trong cơ thể, bao gồm làm tăng tiết mồ hôi. Kiểm soát căng thăng sẽ giúp ngăn ngừa mụn dưới da phát triển thành mụn đầu đen và đầu trắng.[10]
    • Tập thể dục nhiều lần mỗi tuần. Khi tập thể dục, cơ thể tiết ra hormone endorphin giúp giảm đau tự nhiên. Endorphin giúp giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và giúp bạn thấy thư giãn. Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ) khuyến nghị nên tập thể dục ít nhất 75 phút mỗi tuần. Có thể bao gồm các hình thức như đi bộ, đạp xe, leo núi, chơi thể thao hoặc làm những công việc cần thể lực như quét rác, làm vườn.[11]
    • Thử các phương pháp thư giãn. Mỗi phương pháp khác nhau sẽ mang lại hiệu quả khác nhau ở từng người nhưng phổ biến nhất gồm có: thiền, Yoga, Thái Cực Quyền, tưởng tượng những hình ảnh giúp tĩnh tâm, liên tục giãn các nhóm cơ khác nhau trong cơ thể hay nghe nhạc thư giãn.[12]
    • Ngủ đủ giấc. Thời gian ngủ sẽ khác nhau tùy mỗi người nhưng phần lớn cần ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm. Thanh thiếu niên cần ngủ nhiều hơn.
  7. Tránh tiêu thụ thực phẩm kích thích mụn. Thực phẩm gây mụn ở từng người là khác nhau nhưng phổ biến nhất là chế phẩm từ sữa động vật, đường và thực phẩm chứa nhiều cacbon-hydrat.[10][4]
    • Trái với suy nghĩ của nhiều người, nghiên cứu không cho rằng thực phẩm giàu chất béo (hay nhiều dầu mỡ) và mụn có liên quan đến nhau.[4][10]
    • Để an toàn, bạn nên tránh ăn sôcôla. Bằng chứng đưa ra chưa rõ ràng nhưng hầu hết các loại sôcôla đều chứa nhiều đường - yếu tố kích thích mụn.[4][10]
  8. Đi khám bác sĩ nếu phương pháp tại nhà không hiệu quả. Thuốc kê đơn mạnh hơn có thể mang lại tác dụng. Có thể mất khoảng 1-2 tháng thì thuốc mới phát huy tác dụng. Lựa chọn cho bạn gồm có:[13]
    • Retinoid thoa ngoài (Avita, Retin-A, Differin và các loại khác) giúp giảm tình trạng bít tắc lỗ chân lông hoặc kháng sinh để ngăn nhiễm trùng da. Nếu mụn trứng cá nghiêm trọng, bác sĩ có thể khuyên dùng Isotretinoin (Accutane). Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và của nhà sản xuất khi dùng thuốc.
    • Thuốc uống kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, giảm viêm và hỗ trợ quá trình chữa lành da.
    • Thuốc uống tránh thai (Ortho Tri-Cyclen, Estrostep, Yaz) chứa estrogen và progestin có thể được kê đơn cho thiếu nữ và nữ giới. Thuốc này dùng điều trị mụn trứng cá nghiêm trọng và kháng các thuốc khác.
    • Bác sĩ cũng có thể khuyến nghị các phương pháp điều trị khác như tiêm vào mụn trứng cá, lột mặt nạ hóa học, nặn mụn, điều trị siêu mài mòn hoặc dùng ánh sáng/laser để điều trị và ngăn ngừa mụn.

Cảnh báo[sửa]

  • Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc, bao gồm cả thuốc không kê đơn, cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú hoặc trẻ nhỏ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]