Một "linh hồn" tiếng Việt đã ra đi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

(Lao động): Giáo sư Cao Xuân Hạo sinh năm 1930, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, mất tối 16.10.2007 tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 78 tuổi ta. Ông là nhà ngôn ngữ học, nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và dịch giả văn chương nổi tiếng.

Giáo sư Cao Xuân Hạo. Nguồn hình: Nguyễn Như Huy

Nhà ngữ học Cao Xuân Hạo tài hoa của chúng ta đã mãi mãi ra đi...Tôi bỗng nhớ hôm cuối tháng bảy mới rồi, nhân dịp mừng ông thọ 78 tuổi, nhà khảo cứu An Chi có tặng ông một bức liễn lớn, trên đề tám chữ: "Văn chương siêu quần; ngữ học bạt chúng". Nhận món quà ấy ông cảm động lắm, nhưng vẫn thành thật bảo chúng tôi chớ vội cho ông "đi tàu bay giấy".

Tuy vậy, hơn hai mươi con người có mặt trong bữa tiệc ấm cúng ấy đều thành thực nghĩ: Những lời khen chân tình ấy có lẽ còn chưa thấm vào đâu so với bao đóng góp vừa sâu sắc, vừa bao quát của ông đối với nghệ thuật dịch văn chương và nhất là đối với nền ngữ học của chúng ta.

Thật thế, ông là một trong số ít ỏi những nhà nghiên cứu đã làm nên diện mạo của Việt ngữ học kể từ khi có nền đại học Việt Nam, vì ông là một trong số rất ít nhà ngữ học Việt Nam đã vượt lên khỏi cái địa vị thuần tuý cung cấp tư liệu minh họa cho các lý thuyết ngữ học của phương Tây để tranh luận đĩnh đạc với giới ngữ học phương Tây.

Ông là người đầu tiên và có lẽ là duy nhất chỉ ra rằng hệ thống ngữ âm tiếng Việt không thể mặc vừa chiếc áo mà lý thuyết ngữ âm học Châu Âu đã thửa cho. Phát hiện ấy của ông quả là một cú sốc đối với giới chuyên môn Âu-Mỹ, đến nỗi nhà ngữ học tên tuổi người Pháp Jean-Pierre Chambon đã phải thốt lên những lời nồng nhiệt: "Có lẽ chính cái hướng được Cao Xuân Hạo chỉ ra - chứ không phải hướng của ngữ pháp tạo sinh cải biến - mới đúng là cái hướng mà ta phải đi theo để tìm đến một cuộc cách mạng Copernic thực sự cho ngữ học thời nay".

Điều lý thú là ông làm được điều đó không phải chỉ đơn thuần vì đã thấu hiểu cặn kẽ mọi thành tựu lớn lao của ngữ học hiện đại (nhờ khổ công học tập), mà còn chính vì đã bám rất chắc vào mảnh đất tiếng Việt, hoàn toàn nhập thân vào tâm thức của người bản ngữ, quan sát cái thực tế nói năng sinh động của người Việt (sau khi dịch hàng vạn trang không chỉ riêng các tác giả kinh điển như Pushkin, L.Tolstoi, Tsekhov...mà cả những cây bút đương đại như Remarque, Aitmatov, Wantanabe) và lấy đó làm nơi kiểm nghiệm lý luận của ngữ học hiện thời.

Khác với rất nhiều nhà Việt ngữ học cứ cố gò bằng được tiếng Việt cho vừa cái khuôn lý luận hiện có, ông đã can đảm sửa đổi các chuẩn tắc vốn được giới ngữ học thừa nhận. Rất nhiều công trình lớn nhỏ của ông đều được viết theo tinh thần chống lại quan điểm "lấy Châu Âu làm trung tâm" (europeo- centrism) ấy.

Và chính cái tinh thần phê phán đối với ngữ học hiện đại phương Tây ấy đã khiến ông đặc biệt trân trọng và đánh giá công bằng các thành tựu của ông cha ta: Trong khi nhiều người làm ngôn ngữ ở ta chê Trương Vĩnh Ký là cổ lỗ thì ông đã coi nhà học giả đó là một trong những người đi tiên phong trong việc xây dựng nền ngữ pháp cách, một trong những thành phần chủ chốt của ngữ pháp chức năng hiện đại và là một trong những người đầu tiên trên thế giới đã xác định được tư cách danh từ của các từ ngữ bị gán cho cái tên là "loại từ" (như cái, con, chiếc, bài, tấm, bức, trang, v.v...và v.v...). Ấy là chưa kể những đánh giá đúng mực và đầy sức cảm thông của ông đối với các học giả Bùi Kỷ, và nhất là Phạm Duy Khiêm về ngữ pháp tiếng Việt của chúng ta.

Thôi, anh Cao Xuân Hạo ơi, nếu đã phải ra đi thì xin anh cứ thanh thản ra đi. Những gì anh chưa đi trọn được xin anh cứ để anh em chúng tôi đi tiếp đến tận đích. Nhưng dù có làm gì chăng nữa thì anh em chúng tôi cũng quyết sẽ đưa mọi thành tựu mà anh đã gặt hái được về đúng nơi nhận mà anh hằng tâm niệm: Thế hệ trẻ của chúng ta.

Để con em chúng ta sẽ được học tiếng Việt theo đúng cái tinh hoa mà họ đã được hấp thụ cùng với sữa mẹ và khí trời Việt chúng ta.


Xem thêm bài viết về giáo sư Cao Xuân Hạo trên Wikipedia tiếng Việt [1]

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này