Nắm bắt cơ hội

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cuộc sống là phải biết nắm bắt cơ hội, bạn đã bắt đầu làm việc này từ khi mới chào đời. Ban đầu mọi chuyện có vẻ đáng sợ, nhưng bạn sẽ nhận ra rằng điều này giúp bạn bước đi hay thậm chí là chạy. Khi còn nhỏ hay thời niên thiếu bạn có nhiều cơ hội mạo hiểm, nhưng khi trưởng thành thì cơ hội lại giảm dần.[1] Nếu bạn bỏ lỡ cơ hội thử một điều mới mẻ và khám phá khía cạnh khác của bản thân, hãy mạnh mẽ lên và nắm bắt cơ hội này. Bạn chỉ có thể phát triển bản thân khi sẵn sàng đối mặt với nỗi sợ hãi và tiến lên phía trước.

Các bước[sửa]

Chấp nhận rủi ro[sửa]

  1. Đánh giá rủi ro. Với hầu hết mọi người, nỗi sợ không thể kiểm soát kết quả chính là mối đe dọa lớn nhất khi mạo hiểm.[2] Mạo hiểm một cách thông minh không đồng nghĩa với việc tiếp cận cuộc sống với sự liều lĩnh. Bạn cần lường trước kết quả, cân nhắc và đưa ra quyết định. Bạn cũng cần tự tin vào chính mình và khả năng của bản thân, cho dù kết quả có ra sao thì điều này cũng giúp bạn dám mạo hiểm.
    • Lên danh sách những rủi ro có thể xảy ra, theo hướng tích cực và tiêu cực. Liệt kê toàn bộ kết quả mà bạn nghĩ tới. Bao hàm cả những yếu tố tích cực và tiêu cực. Nhận thức được rằng không phải tất cả kết quả đều thành sự thật, mọi thứ đều phụ thuộc vào sự kiểm soát của bạn.
    • Nếu bạn đang phân vân nên tiếp tục làm công việc hiện tại hay tìm việc mới ở một công ty khởi nghiệp, bạn cần nhận thức rằng bạn không thể biết được vị trí mới sẽ như nào hay không thể đoán trước tương lai. Thay vào đó, bạn phải hiểu rằng tìm việc mới là một rủi ro và tiếp tục công việc hiện tại cũng là rủi ro. Hãy cân nhắc các lựa chọn và khả năng (giờ giấc, lương, kiểu công việc, đồng nghiệp) rồi đưa ra quyết định.
  2. Vượt qua nỗi sợ thất vọng. Nếu bạn sợ phải đối mặt với nỗi thất vọng thì hẳn là bạn không bao giờ dám mạo hiểm. Có thể bạn sợ những phản hồi tiêu cực hay cảm thấy không thể kiểm soát được nếu mọi chuyện xấu đi. Bạn cần hiểu rằng thất vọng chỉ mang tính tương đối, dù có thất vọng thì vẫn có thể đem lại kết quả tích cực. Nếu sợ hãi thất vọng, bạn sẽ sống cuộc sống đầy hối tiếc, đây chính là một hình thái khác của sự thất vọng.[2]
    • Nếu bạn muốn yêu cầu tăng lương nhưng lại sợ bị từ chối hay nhận phản hồi tiêu cực, hãy cố vượt qua nỗi sợ hãi. Bắt đầu cuộc trò chuyện về vấn đề tăng lương. Bạn có thể nhận phản hồi tiêu cực nhưng biết đâu bạn lại được nghe rằng mình đang làm một công việc tuyệt vời.
  3. Ra khỏi vùng an toàn. Thoát khỏi vùng an toàn tức là cảm thấy thoải mái cả trong những trường hợp không chắc chắn. Không nắm rõ kết quả của tình huống có thể khiến bạn thấy lo âu. Học cách tỏ ra thoải mái với những điều không chắc chắn sẽ giúp bạn đối phó với những thay đổi bất ngờ trong kế hoạch hay tương lai không lường trước. Nếu né tránh những điều không chắc chắn, bạn sẽ mãi sống trong sợ hãi, ngược lại nếu đối mặt với chúng, bạn có thể tiến về phía trước và cảm thấy thoải mái hơn.[3]
    • Xác định những điều không chắc chắn và viết ra giấy, theo thứ tự từ điều khiến bạn lo lắng nhiều nhất đến ít nhất. Hãy bắt đầu từ bước nhỏ và thử thách bản thân bằng cách đối mặt với điều không chắc chắn, chẳng hạn như không xem giờ trên điện thoại trong 1 tiếng hay thử món ăn mới. Xem xét cảm nhận của bản thân trước, sau và trong quá trình thực hiện thử thách. Mọi chuyện có ổn không? Ghi lại kết luận của bản thân và tiếp tục thực hiện thêm nhiều thử thách.[3]
  4. Tự khẳng định bản thân. Bạn có bao giờ thức dậy và nghĩ rằng hôm nay là một ngày tồi tệ, mọi thứ sẽ đổ bể? Mọi chuyện cũng diễn ra tương tự khi bạn thức dậy và nghĩ ngày hôm nay thật tuyệt, những điều bạn nghĩ hoặc nói có xu hướng trở thành sự thật. Sự khẳng định chính là những câu nói tích cực dành cho bản thân, giúp bạn tạo ra thực tế bạn mong muốn mặc dù bạn không thật sự cảm thấy vậy. Chúng khẳng định khả năng của bạn ở hiện tại.[4] Tự khẳng định với bản thân khi bắt đầu một ngày mới, trước những tình huống quan tọng hay khi cảm thấy lo lắng.
    • Nếu bạn lo lắng vì bài thuyết trình, hãy nói “Tôi tự tin với khả năng của mình và tôi sẽ thành công.”
    • Nếu bạn chưa chuẩn bị, hãy nói “Tôi đã chuẩn bị nhiều nhất có thể và cảm thấy rất tuyệt vì những gì đã làm.”
    • Nếu bạn thấy chật vật với cảm giác thành công, hãy tự động viên bản thân “Tôi có thể làm mọi thứ nếu tôi dành tâm huyết vào đó, và có thể hoàn thành bất cứ thứ gì tôi muốn.”
  5. Tin vào bản năng. Nhiều người gọi đó là sự cảm nhận, linh cảm, bản năng hay linh cảm. Có thể bạn từng trải qua cảm giác này khi tìm chỗ dỗ xe (“Tôi chắc là còn chỗ ở lối xuống tiếp theo”) hay khi học ôn thi (“Tôi nên học phần này, tôi nghĩ bài kiểm tra sẽ vào phần này”). Ta không thể tiếp cận mọi tình huống một cách hợp lý, đặc biệt là khi có rủi ro. Nếu bạn có cảm giác tốt hoặc xấu không thể lý giải, dường như là cảm giác “biết điều gì đó”, hãy lắng nghe nó.[5] Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phản ứng sinh lý xảy ra trước một sự kiện là do cơ thể cảm nhận được rằng sự việc đó sẽ xảy ra.[6]
    • Hòa hợp với cảm giác của cơ thể khi đưa ra quyết định lớn, cố gắng gạt bỏ nỗi sợ hãi và lo lắng trong phút chốc. Có thể trực giác của bạn sẽ mách bảo điều gì đó, niềm hạnh phúc của bạn có thể sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.[6]
    • Có thể bạn muốn du lịch vòng quanh thế giới nhưng bạn bè và gia đình lại phản đối, nhưng điều này không nghĩa lý gì. Nếu bạn “biết” điều này là tốt cho bản thân thì cứ làm đi!

Rèn luyện mạo hiểm theo hướng tích cực[sửa]

  1. Hiểu được lợi ích của việc nắm bắt cơ hội. Hành vi mạo hiểm giúp bạn cảm nhận được sự độc lập, có trải nghiệm mới và hoàn thiện bản thân.[1] Mặc dù rủi ro rất đáng sợ nhưng chúng cho phép bạn vượt qua nhận thức về hạn chế của bản thân và thử những điều mới lạ. Rủi ro có thể thay đổi nhận thức và giúp bạn nhận ra mình có thể làm nhiều thứ.
    • Nhiều người thử thách bản thân tham gia cuộc chạy marathon mặc dù họ không phải là người hay vận động thể chất. Một người không tập thể dục và chạy marathon đã là một kỳ tích, có thể họ không nghĩ mình làm được trước khi cán đích.
  2. Đánh giá niềm hạnh phúc. Những người vui vẻ là người dám mạo hiểm. Niềm hạnh phúc cho phép chúng ta cởi mở hơn với cơ hội, trở nên tin tưởng và hào phóng hơn. Khi bạn cảm thấy hạnh phúc, bạn sẵn sàng tin rằng tỷ lệ đặt cược hoàn toàn có lợi.[7]
    • Trước khi mạo hiểm, hãy đánh giá lại hạnh phúc của bản thân. Thực hiện điều mà bạn muốn (chẳng hạn như leo núi hoặc đạp xe) trước khi đưa ra quyết định lớn. Suy nghĩ về khả năng trải nghiệm những kết quả có thể xảy ra.
  3. Chấp nhận nhiều kiểu rủi ro khác nhau. Trong khi nhiều người dám chịu rủi ro về tài chính (đầu tư hay đánh bạc), số khác lại chấp nhận rủi ro về mặt xã hội (đưa ra ý kiến không phổ biến trong cuộc họp công việc). Bạn cần hiểu rằng rủi ro xuất hiện ở nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng đến cuộc sống theo nhiều cách khác nhau. Thứ mang tên rủi ro “ít nguy hiểm hơn” không hề tồn tại.[8]
    • Rủi ro thuộc nhiều khía cạnh: xã hội, tài chính, ổn định, thay đổi ngoại hình, v.v. Chấp nhận rủi ro nào là tùy thuộc ở bạn.
  4. Có những người bạn dám mạo hiểm. Mạng lưới bạn bè toàn những người ưa mạo hiểm sẽ thúc đẩy bạn dám chấp nhận rủi ro.[9] Hành động của một người có xu hướng lan tỏa đến toàn mạng lưới xã hội và ảnh hưởng tới người khác. Điều này có thể gây tổn hại nếu rủi ro là rượu hay ma túy, tuy nhiên nó sẽ đem lại lợi ích nếu rủi ro theo hướng tích cực, chẳng hạn như thử chơi môn thể thao mới như dù lượn hay trượt tuyết.
    • Nếu bạn sợ đi phượt, hãy chơi cùng những người thích leo núi và đi phượt. Lắng nghe những câu chuyện thú vị của họ. Biết đâu bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn về vấn đề này và thử đi phượt.
  5. Hãy nhớ rằng không mạo hiểm cũng là một dạng rủi ro. Khi đối mặt với một quyết định, bạn phải hiểu rằng con đường nào cũng có rủi ro. Cho dù bạn quyết định ở trong vùng an toàn hay vượt khỏi nó thì vẫn có những rủi ro gắn liền với hai kết quả. Khi ở trong vùng an toàn, rủi ro là bạn không được trải nghiệm niềm hạnh phúc theo một cách mới, không được khám phá khía cạnh khác của bản thân, không trưởng thành theo cách mới mẻ.
    • Khi đối mặt với quyết định, hãy thừa nhận rủi ro gắn với mỗi kết quả.
    • Nếu lựa chọn của bạn là ở nhà vào dịp cuối tuần thay vì đi cắm trại, bạn có thể hối hận vì đã bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ bạn mới và có những trải nghiệm mới, hoặc cảm thấy buồn bã và tội lỗi vì đã chọn ở nhà.

Lời khuyên[sửa]

  • Mặc dù chúng ta đều có những ý định tốt nhất, nhưng đừng để những người phản đối can thiệp khi bạn muốn nắm bắt cơ hội. Nếu bạn thấy muốn điều gì đó, hãy theo đuổi nó!
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]