Ngăn ngừa phát ban trên da

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Phát ban trên da là các mảng da viêm, đỏ, có thể đi kèm nhiều triệu chứng khác như đau, ngứa và sưng. Phát ban trên da có thể là do phản ứng dị ứng, nhiễm trùng, viêm nhiễm, tiếp xúc với tác nhân kích ứng hoặc nhiệt, hoặc do các vấn đề sức khỏe khác.[1] Mặc dù một số trường hợp phát ban trên da thường tự khỏi, một số trường hợp khác sẽ cần được điều trị. Mặt khác, bạn có thể thực hiện nhiều bước để phòng ngừa nhiều loại phát ban trên da khác nhau.

Các bước[sửa]

Phòng ngừa phát ban do nhiệt[sửa]

  1. Tránh những tình huống gây đổ mồ hôi. Phát ban nhiệt xuất hiện khi tuyến mồ hôi trong da bị tắc nghẽn. Khi đó, thay vì bốc hơi, mồ hôi sẽ bị giữ lại dưới da và dẫn đến phát ban.[2]
    • Phát ban do nhiệt thường xảy ra trong điều kiện nóng ẩm.
    • Giữ cơ thể khô ráo bằng cách tránh ra ngoài trời vào khoảng thời gian nắng nóng nhất trong ngày.
    • Bật máy điều hòa nhiệt độ.
    • Tắm để làm mát cơ thể hoặc chườm khăn ẩm, mát lên vùng cơ thể đang quá nóng.
  2. Tránh tập luyện cường độ cao trong điều kiện thời tiết nóng ẩm. Nhiệt độ mà cơ thể tỏa ra kết hợp với thời tiết ấm có thể gây phát ban ở một số vị trí trên cơ thể có nhiều tuyến mồ hôi nhất, ví dụ như dưới cánh tay.[3]
    • Thay vì tập thể dục ngoài trời khi thời tiết nóng bức, bạn nên đến phòng tập thể hình có máy điều hòa nhiệt độ.
    • Tắm nước mát sau khi tập thể dục.
  3. Mặc quần áo nhẹ, rộng rãi. Quần áo bó sát có thể gây kích ứng da và phát ban do nhiệt mà cơ thể tỏa ra bị giữ lại.[4]
    • Tạo điều kiện cho da thở và mặc quần áo nhẹ, rộng rãi. Điều này áp dụng tương tự cho trẻ nhỏ. Không mặc quá nhiều quần áo cho trẻ trong thời tiết nóng bức.
    • Mặt khác, khi tập luyện là một ngoại lê. Mặc quần áo vừa người được thiết kế để thấm mồ hôi và độ ẩm dư thừa có thể giúp phòng ngừa phát ban do nhiệt, đặc biệt là khi tập các bài tập cường độ cao như đạp xe và chạy bộ.
  4. Uống nhiều nước. Cơ thể cần có nước để thực hiện chức năng một cách hoàn chỉnh và lượng nước mất đi khi đổ mồ hôi cần được bù lại.[5]
    • Uống nước suốt cả ngày để phòng ngừa tình trạng mất nước.
    • Uống ít nhất 2-4 cốc (480-960 ml) nước mát mỗi tiếng.

Phòng ngừa bệnh hăm da[sửa]

  1. Giữ cho các nếp gấp trên da được khô ráo và sạch sẽ. Bệnh hăm da là do ma sát giữa các vùng da với nhau, gây kích ứng và phát ban. Hăm da xuất hiện chủ yếu ở vùng da ẩm và ấm, đặc biệt là vị trí da có thể chà xát vào các vùng da khác như ở bẹn, dưới ngực, giữa hai đùi, dưới cánh tay hoặc giữa các ngón chân. Hăm da cũng có thể dẫn đến nhiễm nấm hoặc nhiễm khuẩn. Khác với phát ban do nhiệt, hăm da có thể xuất hiện trong bất kỳ điều kiện môi trường nào.[6]
    • Giữ da sạch và khô ráo, đặc biệt là ở các vị trí da chà xát vào nhau. Sử dụng sản phẩm chống đổ mồ hôi cho vùng da dưới cánh tay. Sáp dưỡng ẩm có thể giúp tạo lớp bảo vệ cho những vùng da như đùi trong. Thoa phấn rôm hoặc phấn y tế có thể giúp thấm hút bớt hơi ẩm dư thừa.
    • Mang giày hở ngón hoặc xăng-đan. Cách này giúp giảm hơi ẩm giữa các ngón chân.[7]
  2. Thoa kem cân bằng độ ẩm. Kem cân bằng độ ẩm y tế có bán ở hầu hết các hiệu thuốc. Thuốc mỡ điều trị hăm tã (ví dụ như Desitin) có thể giúp ích đối với vùng da thường xuyên ẩm và dễ ma sát như vùng bẹn. Thuốc mỡ kẽm oxit cũng có hiệu quả.[7]
    • Nếu thường xuyên bị phát ban do ma sát da, bạn nên hỏi bác sĩ về kem cân bằng độ ẩm Tetrix chứa dimethicone. Kem này hiệu quả hơn so với dạng không kê đơn.
  3. Mặc quần áo sạch, rộng rãi. Quần áo ma sát với da có thể gây hăm da.[7] Nên mặc quần áo từ chất liệu tự nhiên như cotton, lụa hoặc tre vì vải nhân tạo có thể kích ứng da và khiến da không thở được.
  4. Giảm cân. Hăm da thường xuất hiện ở người thừa cân hoặc béo phì vì hầu hết các vùng da đều có thể gây ma sát. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ xem liệu giảm cân có giúp ích cho việc điều trị phát ban hay không.[8]
    • Không tự ý giảm cân khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

Phòng ngừa chàm bùng phát[sửa]

  1. Xác định và tránh các yếu tố kích thích chàm. Chàm hay viêm da cơ địa là rối loạn về da mãn tính, biểu hiện là vùng da phát ban đỏ, bong vảy và ngứa, có thể nhạy cảm khi chạm vào và sưng. Người bị chàm thường thiếu các protein trong da và một số vấn đề sức khỏe có thể khiến chàm trở nặng.[9] Học cách nhận biết và tránh các yếu tố kích thích chàm, ví dụ như:
    • Nhiễm trùng da
    • Dị nguyên như phấn hoa, mốc, mạt bụi, động vật và thực phẩm
    • Không khí khô, lạnh vào mùa đông, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, thay đổi nhiệt độ đột ngột
    • Hóa chất kích thích hoặc chất liệu thô ráp như len
    • Căng thẳng về mặt tinh thần
    • Hương liệu hoặc màu nhuộm trong sản phẩm dưỡng da hoặc xà phòng
  2. Hỏi bác sĩ về thuốc hoặc các phương pháp điều trị dị ứng. Bạn có thể không thể tránh khỏi việc tiếp xúc với tác nhân kích thích, đặc biệt là nếu dị ứng với những thứ như phấn hoa. Trong trường hợp đó, nên trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị dị ứng để giảm triệu chứng.[10]
  3. Tắm nhanh. Tắm quá nhiều và quá lâu có thể lấy đi lớp dầu tự nhiên trên da, khiến da khô thêm.[11]
    • Thời gian tắm chỉ nên kéo dài tối đa 10-15 phút.
    • Khi tắm, bạn nên tắm nước ấm thay vì nước nóng.
    • Sau khi tắm, dùng khăn mềm thấm khô nước trên da.
    • Chỉ dùng sữa tắm hoặc xà phòng dịu nhẹ. Sữa tắm, xà phòng tắm không gây dị ứng thường dịu nhẹ cho da và không lấy đi lớp dầu tự nhiên bảo vệ da.[11]
    • Tránh dùng sữa tắm kháng khuẩn hoặc sữa tắm chứa cồn vì sẽ dễ khiến da bị khô.
    • Chọn sữa tắm có tác dụng dưỡng ẩm.
  4. Dưỡng ẩm da ít nhất 2 lần mỗi ngày. Sản phẩm dưỡng ẩm giúp giữ lại độ ẩm tự nhiên của da, từ đó bảo vệ và giữ nước cho da.[11]
    • Da được dưỡng ẩm sẽ khó bị kích ứng hơn, ví dụ như khó bị kích thích do vải chà xát lên da, từ đó phòng ngừa được viêm da cơ địa.
    • Ngoài ra, nên thoa sản phẩm dưỡng ẩm sau khi tắm và lau khô người.

Phòng ngừa viêm da tiếp xúc[sửa]

  1. Tránh tác nhân kích ứng da và dị nguyên. Viêm da tiếp xúc là do các tác nhân kích ứng tiếp xúc với da. Viêm da tiếp xúc có thể là phản ứng dị ứng hoặc do một tác nhân kích ứng phổ biến (không gây dị ứng). Tránh tiếp xúc với tác nhân kích ứng có thể giúp phòng ngừa viêm da tiếp xúc.[12]
    • Tránh để da tiếp xúc với các tác nhân kích ứng phổ biến như mạt bụi, phấn hoa, hóa chất, mỹ phẩm, dầu thực vật (cây thường xuân độc) và các chất khác kích thích phản ứng viêm da tiếp xúc. Viêm da tiếp xúc do tác nhân kích ứng thường khiến da phát ban bong vảy, khô nhưng không ngứa. Tuy nhiên, một số loại viêm da tiếp xúc có thể gây ngứa và mụn nước.[13]
    • Một số người có thể phản ứng với tác nhân kích ứng ngay cả sau chỉ một lần tiếp xúc, trong khi một số khác sẽ xuất hiện triệu chứng sau khi tiếp xúc nhiều lần. Một số trường hợp có thể dần kháng lại tác nhân kích ứng.
  2. Tiếp nhận xét nghiệm dị ứng. Nếu chưa chắc chắn bạn có dị ứng hay không, bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm dị ứng để xác định yếu tố kích thích viêm da tiếp xúc.
    • Dị nguyên phổ biến gồm có niken, thuốc chữa bệnh (bao gồm thuốc kháng sinh và kháng histamine thoa tại chỗ), formaldehyde, hình xăm trên da và sản phẩm vẽ Henna.[12]
    • Một dị nguyên phổ bến khác là nhựa thơm Peru dùng trong mỹ phẩm, nước hoa, nước súc miệng và chất tạo hương vị. Ngưng sử dụng nếu sản phẩm mới gây phản ứng dị ứng.
    • Đọc kỹ nhãn sản phẩm để tránh mua phải sản phẩm chứa dị nguyên.
  3. Rửa sạch da ngay sau khi tiếp xúc. Nếu tiếp xúc với dị nguyên hoặc tác nhân kích thích, bạn cần rửa sạch da ngay lập tức để phòng ngừa hoặc giảm phản ứng.[14]
    • Dùng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ hoặc tắm vòi hoa sen nếu vùng da tiếp xúc lan rộng.
    • Giặt sạch quần áo và vật dùng tiếp xúc với dị nguyên hoặc tác nhân kích thích.
  4. Mặc quần áo bảo hộ hoặc đeo găng tay khi xử lý tác nhân kích ứng. Nếu phải xử lý các chất này, bạn cần bảo vệ để tránh khiến da tiếp xúc trực tiếp với dị nguyên hoặc tác nhân kích thích bằng cách mặc quần áo che phủ toàn bộ cơ thể, đeo kính bảo hộ và mang găng tay.[15]
    • Luôn tuân thủ đúng quy trình và hướng dẫn trong việc xử lý các chất gây hại.
  5. Thoa sản phẩm dưỡng ẩm để bảo vệ da. Sản phẩm dưỡng ẩm sẽ tạo lớp bảo vệ da và giúp khôi phục lớp da bên ngoài.[14]
    • Thoa sản phẩm dưỡng ẩm trước khi có khả năng tiếp xúc với tác nhân kích thích và thoa thường xuyên để giữ cho da được khỏe mạnh.
  6. Trao đổi với bác sĩ nếu bị phát ban sau khi uống thuốc. Có nhiều loại thuốc có thể gây "phát ban do thuốc" như một tác dụng phụ hoặc phản ứng dị ứng. Phát ban thường bắt đầu trong vòng một tuần sau khi uống một loại thuốc mới, với dấu hiệu là các đốm đỏ lan ra một vùng lớn trên cơ thể. Một số thuốc có thể gây phát ban gồm có:[16]
    • Thuốc kháng sinh
    • Thuốc chống động kinh
    • Thuốc lợi tiểu

Phòng ngừa bệnh vảy nến bùng phát[sửa]

  1. Uống thuốc kê đơn. Uống thuốc chữa vảy nến theo khuyến nghị của bác sĩ có thể giúp ngăn ngừa bệnh bùng phát. Điều này đặc biệt đúng đối với thuốc tác động đến hệ miễn dịch như nhóm thuốc chế phẩm sinh học.
    • Lưu ý không tự ý ngừng uống thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ. Tự ý ngừng thuốc chữa vảy nến nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ có thể khiến một loại vảy nến trở thành loại nghiêm trọng hơn.[17]
  2. Tránh căng thẳng. Vảy nến là rối loạn tự miễn dịch trên da, biểu hiện là phát ban, da bong vảy và ngứa. Nguyên nhân gây vảy nến thường không được xác định nhưng có một số yếu tố có thể khiến bệnh trở nặng và bùng phát, bao gồm căng thẳng.[18]
    • Bạn nên tiến hành các bước giúp giảm căng thẳng trong cuộc sống. Thử áp dụng các phương pháp thư giãn như Yoga và thiền.
    • Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục giúp tiết hormone endorphin và giảm căng thẳng.
  3. Tránh tổn thương trên da. Tổn thương da (khi tiêm vắc-xin, vết cắn, vết xước và cháy nắng) có thể kích thích sự hình thành của thương tổn vảy nến mới, được gọi là hiện tượng Koebner.[19]
    • Mặc quần áo bảo vệ và chăm sóc các vết xước, thương tổn ngay lập tức bằng các phương pháp vệ sinh.
    • Phòng ngừa cháy nắng bằng cách thoa kem chống nắng, mặc quần áo bảo vệ (đội mũ và mặc quần áo rộng, dài) và ở nơi có bóng râm. Ngoài ra, hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp.
  4. Tránh dùng các thuốc có thể kích thích vảy nến. Một số thuốc như thuốc kháng sốt rét, thuốc Lithium, Inderal, Indomethacin và Quinidine có thể kích thích bệnh vảy nến bùng phát.[19]
    • Nếu nghi ngờ thuốc kích thích bệnh vảy nến, bạn nên hỏi bác sĩ về loại thuốc thay thế.
    • Không đột ngột ngừng thuốc thuốc kê đơn khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
  5. Tránh và điều trị nhiễm trùng. Bất cứ thứ gì ảnh hưởng đến hệ miễn dịch đều có thể kích thích bệnh vảy nến bùng phát, bao gồm viêm họng liên cầu khuẩn (viêm họng có vi khuẩn Streptococcus), nấm miệng (do nấm Candida albicans) và nhiễm trùng đường hô hấp.[18]
    • Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu nghi ngờ nhiễm trùng.
  6. Không uống bia chứa nhiều calo. Một nghiên cứu lâm sàng cho thấy uống bia thường xuyên (trừ bia nhẹ, rượu vang và các thức uống chứa cồn khác) có liên quan đến tình trạng tăng nguy cơ bùng phát bệnh vảy nến.
    • Nữ giới tiêu thụ bia nhiều hơn 5 lần mỗi tuần có nguy cơ bị vảy nến cao gấp 2,3 lần so với nữ giới không uống bia.[20]
  7. Bỏ thuốc lá. Thuốc lá khiến bệnh vảy nến trở nặng. Hút thuốc lá còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nói chung. Bạn nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về những cách giúp bỏ thuốc lá.[17]
    • Nữ giới hút thuốc lá có nguy cơ khiến bệnh vảy nến trở nặng.[21]
  8. Tránh thời tiết khô, lạnh. Thời tiết khô lạnh làm mất đi lớp dưỡng ẩm tự nhiên trên bề mặt da và có thể kích thích bệnh vảy nến bùng phát.[18]
    • Giữ ấm và cân nhắc việc dùng máy tạo độ ẩm trong nhà.

Lời khuyên[sửa]

  • Tránh tác nhân kích ứng và dị nguyên có thể kích thích phát ban trên da.
  • Đi khám bác sĩ nếu phát ban trên da không khỏi.
  • Nếu nghi ngờ bản thân xuất hiện phản ứng dị ứng và có sẵn bút tiêm Epipen, bạn có thể tự tiêm thuốc trong khi chờ cấp cứu.
  • Nên dùng các thuốc như Cortisone tác dụng giảm ngứa để ngừng phát ban.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu không chắc thuốc chữa bệnh có gây phát ban hay không, bạn nên trao đổi với bác sĩ. Không tự ý ngừng uống thuốc mà bác sĩ kê đơn.
  • Một số phản ứng dị ứng có thể dẫn đến sốc phản vệ đe dọa đến tính mạng. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế hoặc gọi cấp cứu ngay nếu cho rằng bản thân gặp phản ứng nghiêm trọng. Dấu hiệu của phản ứng dị ứng nghiêm trọng bao gồm sưng môi hoặc lưỡi, phát ban lan rộng, ho, thở khò khè hoặc khó thở.
  • Một số trường hợp phát ban da có thể nghiêm trọng. Vì vậy, bạn cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay nếu không chắc chắn về mức độ nghiêm trọng của tình trạng phát ban.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.medicinenet.com/rash/article.htm
  2. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heat-rash/basics/causes/con-20033908
  3. http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/understanding-heat-rash-treatment
  4. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heat-rash/basics/prevention/con-20033908
  5. http://cchealth.org/heat/prevention.php
  6. http://www.mayoclinic.org/skin-rash/sls-20077087?s=6
  7. 7,0 7,1 7,2 http://emedicine.medscape.com/article/1087691-treatment
  8. http://emedicine.medscape.com/article/1087691-followup#e4
  9. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000853.htm
  10. https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/a---d/atopic-dermatitis/tips
  11. 11,0 11,1 11,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/eczema/basics/prevention/con-20032073
  12. 12,0 12,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/contact-dermatitis/basics/causes/con-20032048
  13. http://www.mayoclinic.org/skin-rash/sls-20077087?s=3
  14. 14,0 14,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/contact-dermatitis/basics/prevention/con-20032048
  15. http://www.nhs.uk/Conditions/Eczema-(contact-dermatitis)/Pages/Prevention.aspx
  16. http://www.mayoclinic.org/skin-rash/sls-20077087?s=4
  17. 17,0 17,1 https://www.aad.org/dermatology-a-to-z/diseases-and-treatments/m---p/psoriasis/tips
  18. 18,0 18,1 18,2 http://www.healthline.com/health/psoriasis/triggers-to-avoid#2
  19. 19,0 19,1 https://www.psoriasis.org/about-psoriasis/causes
  20. http://archderm.jamanetwork.com/article.aspx?articleid=422554
  21. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15891254