Ngừng cảm thấy như cuộc sống của bạn chưa đủ tốt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trong thời đại mà mọi người đều tôn sùng chủ nghĩa tiền bạc, sự nổi tiếng và vẻ ngoài ưa nhìn thì thật khó để bạn có thể cảm thấy hài lòng với cuộc sống của bản thân nếu bạn không có những điều đó. Cảm giác thất vọng với cuộc sống không phải một điều xấu, nó có thể trở thành một động lực hữu ích giúp bạn đạt được cuộc sống mà bạn vẫn hằng ao ước. Tuy nhiên, bạn phải hiểu được rằng sự hài lòng trong cuộc sống phải tới từ việc bạn có những gì chứ không phải là bạn không có những gì. Hãy nhìn sâu vào trong con người bạn để thấy được những điều tốt đẹp mà bạn đang có.

Các bước[sửa]

Cải thiện quan điểm của bản thân[sửa]

  1. Tử tế. Dù bạn có tin hay không thì điều này có thể là bước đầu tiên giúp bạn cảm nhận thấy sức mạnh của bản thân. Nếu bạn không coi trọng và nhìn nhận bản thân một cách tích cực có thể bạn sẽ không nhận ra được ảnh hưởng của bản thân đối với người khác. Sự thật là cho dù bạn là ai, bạn vẫn sẽ có sức mạnh để gây tác động đến thế giới một cách tích cực (hoặc tiêu cực). Thói xấu rất dễ lây lan nhưng hạnh phúc và những điều tích cực cũng vậy. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng làm một điều gì đó tốt đẹp cho người khác sẽ giúp làm tăng chất hóa học ‘vui vẻ’ trong não bộ, hay còn được biết đến với tên gọi serotonin. Vì vậy, kể cả những khi bạn cảm thấy không mấy dễ chịu, hãy cố gắng đối xử tốt với mọi người xung quanh – bạn sẽ dần cảm thấy khá hơn. [1][2]
    • Dành chút thời gian để giao tiếp bằng mắt. Hãy hỏi người khác hôm nay họ cảm thấy như thế nào hoặc tặng họ một vài lời khen ngợi thật lòng. Cố gắng nhớ tên và hỏi chuyện bạn bè hoặc đồng nghiệp về người yêu của họ.
    • Tin tưởng vào mặt tốt đẹp của người khác. Bạn không thể biết được điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của họ. Có lẽ ngày hôm nay bạn là người duy nhất đối xử với họ như một “con người”. Có lẽ bạn không nhận ra được chỉ một lời nói hay nụ cười – cho dù là từ một người hoàn toàn xa lạ - cũng có thể giúp ai đó cảm thấy khá hơn.
  2. Hãy cứ giả vờ cho đến khi bạn thật sự làm được. Việc trải qua cảm xúc hạnh phúc và hài lòng thật sự có thể dẫn bạn đến với trạng thái thỏa mãn. Giống như việc đối xử tử tế với người khác có thể giúp chúng ta cảm thấy tốt đẹp hơn về bản thân, giả vờ như tâm trạng của chúng ta đang vui vẻ cũng có thể như vậy. [3]
    • Nếu một sáng bạn thức dậy và cảm thấy vô cùng chán nản, hãy cố gắng dừng chu kỳ đó lại bằng cách tập trung vào năng lượng tích cực. Nhìn vào gương và mỉm cười với chính mình. Có thể bạn sẽ cảm thấy điều đó có chút ngớ ngẩn nhưng nó thật sự có hiệu quả. Khi bạn bước ra ngoài và mọi người hỏi bạn cảm thấy như thế nào, hãy trả lời như hôm đó là ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời bạn. Nói gì đó như “Tôi đang có một ngày thật tuyệt vời” hoặc “Mọi chuyện đang càng ngày càng tốt đẹp hơn”.
    • Giả vờ như tâm trạng đang vui vẻ sẽ có thể biến nó trở thành hiện thực. Sau khi dành gần một tiếng đồng hồ để mỉm cười và nói về việc bạn đang có một ngày tuyệt vời như thế nào, bạn sẽ dần nhận ra bạn thực sự đang có một ngày tuyệt vời. Thực tế, các nghiên cứu đã cho thấy rằng việc giả vờ mỉm cười và điều chỉnh biểu cảm của gương mặt có thể dẫn đến những thay đổi tích cực mà một nụ cười thực sự có thể mang lại. Chẳng hạn, việc ngậm chặt một chiếc bút chì ngang miệng sẽ kích hoạt cơ hai bên má khiến bạn cảm thấy bình tĩnh và vui vẻ hơn. [4]
  3. Học cách trân trọng những giá trị tiềm ẩn. Đôi khi có thể bạn đang bỏ qua mặt tốt của cuộc sống bởi vì bạn quá tập trung vào những thứ hào nhoáng bên ngoài như xe cộ, ngoại hình, hoặc là nhà cửa. Đó có thể chỉ là những giá trị thoáng qua. Của cải có thể mất đi bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, tình yêu, danh dự, sự chính trực, và lòng trung thực thì sẽ còn mãi. Hãy học cách trân trọng vẻ đẹp tự nhiên, đức tính tốt đẹp, tình bạn thực sự và gia đình của mình.
    • Lập danh sách những ưu điểm của bạn và mọi người xung quanh. Tính đáng tin cậy, giàu lòng nhân ái đều là những đức tính tốt đẹp có thể bị bỏ qua. Nhận ra được những điều bạn trân trọng ở bản thân và những người xung quanh, sau đó cố gắng nhận biết được thời điểm bạn và mọi người thể hiện những đức tính đó.
    • Cố gắng khen ngợi người khác về đức tính của họ hơn là vẻ bề ngoài hay của cải (bạn vẫn có thể làm điều đó nhưng hãy thêm vào những lời khen về các phẩm chất tốt đẹp). Hãy nói với một người bạn rằng “Tớ thật sự trân trọng việc cậu luôn là người bạn đáng tin cậy và thành thật. Cho dù quan điểm của chúng ta khác nhau, tớ vẫn có thể hoàn toàn cởi mở và thẳng thắn với cậu. Cảm ơn cậu nhiều."
  4. Thay đổi những lời độc thoại của bạn. Những gì bạn cảm nhận về bản thân và cuộc đời mình sẽ trở thành những lời độc thoại trong đầu bạn. Những lời độc thoại này có thể giúp đỡ bạn và cũng có thể phá hủy bạn. Lời độc thoại tích cực sẽ làm tăng sự tự tin, tăng hiệu suất công việc và khiến tâm trạng của bạn trở nên vui vẻ hơn. Ngược lại, lời độc thoại tiêu cực sẽ dẫn đến một vòng luẩn quẩn của tuyệt vọng, lo lắng và tổn thương lòng tự trọng. Hãy làm theo những hướng dẫn dưới đây để thay đổi lời độc thoại của bạn:[5][6]
    • Cẩn trọng với những suy nghĩ của mình. Hãy tự hỏi bản thân liệu chúng khiến bạn cảm thấy tốt hơn hay tệ hơn?
    • Khi bạn nhận thấy một suy nghĩ tiêu cực, hãy cố biến đổi nó thành một câu nói tích cực. Chẳng hạn, những suy nghĩ như “Mình thật vô dụng. Mình sẽ chẳng bao giờ có được công việc mình yêu thích.” Chúng rất tiêu cực và sẽ kìm hãm sự phát triển cũng như các cơ hội của bạn trong tương lai. Hãy chuyển những câu này thành những câu có nghĩa tích cực và tràn đầy hy vọng hơn như: “Mình có rất nhiều tài năng. Mình phải tìm những công việc có thể giúp mình phát triển hơn nữa những tài năng đó.”
    • Hãy trò chuyện với bản thân giống như với một người bạn thân thiết. Bạn sẽ chẳng bao giờ xem thường hay chỉ trích bạn bè của mình. Bạn sẽ cho họ thấy sự nhân ái và thức tỉnh những đức tính tốt đẹp mà họ đang bỏ qua. Hãy đối xử với bản thân giống như vậy.

Học cách không so sánh bản thân với người khác[sửa]

  1. Suy ngẫm về những điểm tích cực ở bạn. Khi bạn so sánh cuộc đời mình với người khác là bạn đang hạ thấp giá trị của bản thân. So sánh là thứ sẽ khiến bạn đánh mất niềm vui. Và bạn sẽ không bao giờ cảm thấy cuộc đời mình tuyệt vời nếu như bạn đánh giá sự thành công của bản thân bằng thước đo của người khác. Luôn luôn có những người thông minh hơn, nhanh nhẹn hơn và giàu có hơn bạn. Tuy nhiên, trên thế giới này bạn vẫn là duy nhất. Dành thời gian để nhận ra những điều tuyệt vời bạn đã mang lại cho những người xung quanh.
    • Sau khi xem xét những điểm mạnh của mình, viết chúng vào một mảnh giấy nhỏ. Dán một vài mảnh lên gương để bạn có thể nhìn thấy chúng khi bạn chuẩn bị vào mỗi buổi sáng. Để một mảnh vào trong ví và tấm che nắng xe hơi. Hãy xem chúng như những lời nhắc nhở nho nhỏ mà bạn phải thực hiện.
    • Nếu như bạn cảm thấy khó trong việc tìm ra điểm mạnh của mình, hãy thử một hoạt động khám phá bản thân để tìm ra chúng. Cầm lấy một chiếc bút và tờ giấy, suy nghĩ về những kỷ niệm đẹp của cuộc đời bạn trong vài phút. Hãy nghĩ xem bạn đã làm gì và đã bộc lộ những điểm tốt như thế nào. Xem xét về những hoạt động và kế hoạch bạn thích làm nhất. Đó là những việc thể hiện điểm mạnh của bạn. [7]
  2. Dừng việc ca tụng những người nổi tiếng. Khi bạn so sánh cuộc đời mình với cuộc đời và lối sống của những người khác, bạn sẽ dễ dàng chìm vào suy nghĩ họ tốt hơn bạn. Đầu tiên, việc so sánh cuộc đời bạn với người khác đã là một việc phi thực tế, thứ hai, bạn hoàn toàn không biết được cuộc sống của họ thực sự ra sao đằng sau vẻ hào nhoáng bên ngoài và những lời ca tụng. Vẻ hào nhoáng bên ngoài có thể che đậy những nỗi đau to lớn, nợ nần, sự tức giận, sự thất vọng, mất mát, nỗi buồn và những điều không ai có thể biết được. [8]
  3. Nhận ra được rằng không ai hoàn hảo cả. Mọi người đều có mặt tốt và mặt xấu. Khi bạn thấy rằng mình quá chú trọng vào khuyết điểm của mình nhưng lại đánh giá quá cao điểm mạnh của người khác, bạn cần dừng lại và xem xét thực tế. Để ý lời độc thoại của bản thân và lắng nghe thật cẩn thận xem bạn đang nói gì với chính mình. Dừng ngay những suy nghĩ tiêu cực và phi lý như “Mọi người đều có quần áo đẹp ngoại trừ mình.” Nếu để ý kỹ xung quanh, bạn chắc chắn sẽ tìm thấy trường hợp ngoại lệ cho những điều như vậy.
  4. Làm giàu cho cuộc sống của bạn. Một lý do có thể khiến bạn cảm thấy không hài lòng với cuộc sống của mình đó là vì bạn chưa sử dụng hết tài năng và năng lực. Tìm cách khiến cuộc sống của bạn trở nên ý nghĩa. Chẳng hạn, nếu bạn thích viết nhạc, hãy đề nghị được biểu diễn cho một tổ chức địa phương hoặc tổ chức phi lợi nhuận.
    • Ngược lại, bạn có thể không cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình bởi vì bạn chưa gặp thử thách. Hãy nghĩ đến các cách mà bạn có thể thử thách cuộc sống của mình, cho dù là học một ngôn ngữ mới, bắt đầu một sở thích mới, hay là dạy cho người khác những kỹ năng bạn đã thành thạo.
    • Ngoài việc giúp thử thách bản thân, những sở thích còn giúp bạn củng cố các mối quan hệ xã hội, nâng cao lòng tự trọng và năng lực của bản thân.[9]

Phát triển lòng biết ơn[sửa]

  1. Trau dồi lòng biết ơn. Hầu hết những người luôn cảm thấy bản thân vô dụng đều thiếu lòng biết ơn. Nếu bạn có thể nhìn ra ngoài thế giới, và nhận ra rằng bạn đang hạnh phúc thế nào, bạn sẽ cảm thấy cuộc đời của mình quý giá hơn rất nhiều. Nếu bạn không mắc một căn bệnh hiểm nghèo, và hôm nay bạn có thứ gì đó để ăn, có một chiếc giường để ngủ, bạn đã hạnh phúc hơn 70% số người trên toàn thế giới.[10][11]
    • Hãy bắt đầu viết nhật ký biết ơn hoặc tải một ứng dụng trên điện thoại của bạn để thường xuyên ghi lại điều bạn thấy biết ơn. Làm việc này thường xuyên để thấy được tất cả những điều tích cực trong cuộc sống của bạn.
  2. Nhận ra những khoảnh khắc nhỏ bé nhưng có ý nghĩa đối với cuộc sống của bạn. Hãy nghĩ về những khoảng thời gian khi bạn cảm thấy tràn trề sức sống và có ý nghĩa. Có thể là lúc bạn giúp đỡ một người bạn vượt qua lúc khó khăn hoặc có thể là lúc bạn khiến cho ai đó cảm thấy đặc biệt và được yêu thương. Hồi tưởng lại những cảm xúc bạn có trong những khoảnh khắc đó. Hãy hiểu được rằng có rất nhiều điều ý nghĩa xảy ra trong cuộc sống của bạn mà có thể thể hiện giá trị của bạn.
  3. Hiểu được rằng gia đình là điều vô cùng quan trọng. Nếu bạn không có gia đình, bạn nên biết quý trọng những mối quan hệ bạn bè thân thiết mà bạn có. Nếu bạn có con cái, vợ chồng, bố mẹ, chị em hay bạn bè, bạn là một người vô cùng may mắn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người không có nhiều mối quan hệ xã hội sẽ có nguy cơ tử vong sớm hơn đến 50%.[12]
    • Việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với gia đình và bạn bè là một phần không thể thiếu đối với sức khỏe lâu dài của bạn vì vậy hãy làm những điều có thể giúp bạn củng cố những mối quan hệ này. Để cho bạn bè và gia đình bạn biết được tình cảm yêu mến mà bạn dành cho họ cũng như vai trò quan trọng của họ trong cuộc sống của bạn.
  4. Giúp đỡ người khác. Không có gì giúp bạn cảm thấy được quý trọng, cần thiết và quan trọng như việc tình nguyện giúp đỡ và hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn bạn. Hãy giúp đỡ người già, dạy học tại trung tâm dành cho trẻ em, quyên tặng thức ăn cho người vô gia cư, giúp đỡ xây nhà cho người khác (Nhà tình thương), hoặc thu thập đồ chơi cho trẻ mồ côi và dịp lễ Giáng sinh.
    • Làm tình nguyện sẽ giúp bạn: giải toả căng thẳng, luyện tập khả năng, cải thiện hệ thống miễn dịch và tạo ra thay đổi trong cộng đồng của bạn.[13]

Lời khuyên[sửa]

  • Đối với một vài người, việc có một thứ gì đó to lớn hơn bản thân để tin vào có thể sẽ rất hữu ích. Nếu bạn là một người hay cầu nguyện, hãy cho phép lòng tin đó giúp bạn vượt qua những lúc khó khăn trong cuộc sống. Nếu bạn không phải là một tín đồ đạo giáo nhưng bạn có xu hướng tín ngưỡng, bạn có thể đi tới thánh đường, giáo xứ, nhà thờ hoặc nói chuyện với một người bạn về các thực hành tín ngưỡng đã giúp người đó như thế nào trong những lúc khó khăn. Nếu bạn là người theo thuyết vô thần hoặc thuyết bất khả tri, có thể bạn sẽ tìm thấy niềm an ủi thông qua thiền định.
  • Đôi lúc chúng ta cảm thấy như cuộc sống của chúng ta không thú vị bởi chúng ta chỉ làm những việc chúng ta cần để kiếm sống. Hãy dành thời gian để làm những điều bạn yêu thích hoặc học một thứ gì đó mới ví dụ như ngoại ngữ. Bạn sẽ không chỉ dành thời gian để làm những điều có ích mà còn có cảm giác thỏa mãn khi đạt được những tiến bộ nhất định trong kỹ năng mới của bản thân.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]