Ngừng hách dịch

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn có thường bị đánh giá là người không thể chịu đựng được? Phải chăng vì khuynh hướng kiểm soát mọi thứ mà chẳng ai muốn cùng nhóm với bạn, dù là trong công việc hay học tập? Nếu muốn dừng thái độ hách dịch, bạn cần học cách giảm bớt mong muốn kiểm soát và đặt niềm tin vào những người xung quanh. Hãy học cách từ bỏ thái độ hách dịch và hợp tác cùng người khác một cách hiệu quả, đôi bên cùng có lợi.

Các bước[sửa]

Hợp tác tốt hơn[sửa]

  1. Kiên nhẫn. Khi đã quen với vai trò lãnh đạo, có thể việc rời khỏi vị trí đó và chờ ai khác nắm quyền sẽ khiến bạn vô cùng đau khổ. Nó thậm chí còn đau khổ hơn khi phải chứng kiến người đó xoay sở với nhiệm vụ mà bạn có thể hoàn thành thật nhanh chóng và dễ dàng. Nhưng vội vã để làm gì? Liệu có phải là ngày tận thế nếu mọi thứ không suôn sẻ như kế hoạch? Thư giãn đi nào. Hít thở sâu. Chờ đợi. Bạn sẽ thấy chỉ cần kiên nhẫn, chẳng cần vật lộn, đấu tranh, đâu rồi cũng sẽ vào đấy.[1]
    • Nếu nhận thấy sự thiếu kiên nhẫn ở bạn, nhiều khả năng người khác sẽ vội vã và không thể hoàn thành công việc tốt như mong đợi. Có sự khác biệt rất lớn giữa thúc ép nhẹ nhàng và gây áp lực cho người khác.
    • Thay vì đòi hỏi mọi thứ phải được hoàn thành trong khung thời gian ngắn đến nực cười, hãy cho họ thời gian hợp lý để xử lý công việc.
  2. Từ bỏ chủ nghĩa cầu toàn. Đôi khi, hách dịch đến từ mong muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo và thật sự thì chẳng có gì là sai khi bạn đấu tranh, nỗ lực để không phạm lỗi lầm. Tuy nhiên, có nhiều cách để gặt hái được kết quả tốt nhất và chỉ vì con đường của bạn là hiệu quả nhất để có thể đi từ A đến B, không có nghĩa đó là cách tốt nhất. Tự cho rằng cách của mình là tốt nhất, bạn đã bóp nghẹt tính sáng tạo của người khác và đồng thời, làm giảm sút tinh thần của mọi người.[2]
    • Nếu việc này quá khó khăn với bạn, hãy tự nhắc nhở bản thân rằng khi là người cầu toàn, thực chất, bạn không hoàn hảo. Chủ nghĩa cầu toàn là một quan điểm ngược đời, khiến bạn không thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất.
    • Tự nhắc chính mình: "Cuộc sống vốn không hề hoàn hảo và điều đó hoàn toàn ổn".
  3. Khuyến khích mọi người. Nhiều người có tính hách dịch tập trung quá nhiều vào thiếu sót và không thể nhận thấy tiềm năng hay sự tiến bộ ở người khác. Hãy cố để tâm hơn đến sở trường của mỗi người. Đưa ra phản hồi tích cực. Phản hồi tích cực đem lại cảm giác tốt về mặt tâm lý và sẽ tạo động lực lớn hơn nhiều so với những phán xét nhỏ nhặt về việc làm của người khác.[3]
    • Nếu nhận thấy ai đó đang làm tốt và ấn tượng với việc họ làm, khen ngợi để người đó biết bạn không phải là kẻ chỉ chăm chăm tìm yếu điểm của người khác sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ bền vững hơn. Đồng thời, nó còn giúp bạn bớt hách dịch. Hãy khen ngợi một cách cụ thể, nó cho thấy bạn thật sự chú tâm.
    • Ví dụ, nếu làm trong ngành bán lẻ, bạn có thể nói: "Tôi đã thấy cách cậu xử lý mâu thuẫn với khách hàng. Cậu đã làm rất tuyệt!".
  4. Cải thiện kỹ năng giao tiếp. Trong nhiều trường hợp, hách dịch không đến từ điều bạn nói. Nó đến từ cách bạn thể hiện điều đó. Ngữ điệu, cách diễn đạt và ngôn ngữ cơ thể có thể khiến người khác cảm thấy họ chỉ là mắt xích bị lỗi trong cả hệ thống. Hoặc, nó cũng có thể là lời mời gọi cùng nỗ lực hướng đến mục tiêu quan trọng chung của bạn. Việc để tâm đến cách chọn thời điểm, lối diễn đạt và đưa ví dụ khi cố yêu cầu ai đó hoàn thành công việc gì hay khi đưa ra phản hồi là rất quan trọng. Trao đổi càng mượt mà, công việc càng dễ dàng được hoàn thành mà không cần đem lại cảm giác ngột ngạt cho người khác. Dưới đây là một vài gợi ý hỗ trợ bạn trong việc giao tiếp:[4]
    • Tập trung hoàn toàn vào những gì người đó nói. Tránh phân tán tư tưởng, chẳng hạn như nghịch điện thoại hay nhìn xuống sàn.
    • Thống nhất trong ngôn ngữ cơ thể. Giao tiếp không lời có thể truyền tải rất nhiều điều. Nếu vòng tay trước ngực và lộ vẻ cau có, bất kể bạn nói gì, chẳng ai có thể xem nó là tích cực.
    • Cân nhắc đối tượng người nghe. Ví dụ, nếu trao đổi với một đứa trẻ, có lẽ bạn sẽ không muốn sử dụng giọng điệu được dùng khi họp. Hãy dùng cách tiếp cận phù hợp với đối tượng mà bạn trò chuyện cùng.
  5. Nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận. Không gì gắn kết các thành viên trong nhóm bằng xây dựng sự đồng thuận. Bạn có thể giữ vai trò điều phối, đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được nêu ý kiến và cảm thấy hài lòng với quyết định được đưa ra. Nếu lời của bạn đơn giản là mệnh lệnh, nhiều khả năng mọi người sẽ cảm thấy ít được hỗ trợ vì môi trường làm việc/học tập này không đem lại lợi ích cho họ. Sự hợp tác trên sẽ giúp mọi người cảm thấy là một phần của nhóm và gia tăng lòng tin trong nhóm.[5]
    • Nếu là thành viên của nhóm, hãy đi một vòng và hỏi từng người: "Bạn có ý kiến gì không?".
    • Cho mọi người biết rằng họ có thể thoải mái tham gia thảo luận khi có câu hỏi hay nhận xét. Hãy xây dựng một nền tảng thảo luận cởi mở.
    • Trước khi chuyển sang vấn đề khác, hãy tìm kiếm sự đồng thuận của tất cả mọi người. Nếu ai đó không đồng ý, hãy để họ biết rằng bạn đánh giá cao phản hồi của họ và hy vọng có thể được lắng nghe ý kiến của họ trong những dịp tiếp theo.
    • Có thể bạn cho rằng đưa mọi thứ vào khuôn khổ là cách tốt nhất để hoàn thành bất kỳ điều gì nhưng thực tế thì nó sẽ khiến mọi người cảm thấy khó chịu hơn khi làm việc cùng bạn.
    • Bên cạnh đó, lắng nghe ý kiến của người khác có thể giúp bạn tìm được những phương pháp tiếp cận mới để giải quyết vấn đề. Nếu cảm thấy giải pháp của bản thân là cách khả thi duy nhất, bạn sẽ khó có thể kết hợp được ý tưởng sáng tạo từ người khác.
  6. Yêu cầu phản hồi chân thực. Hãy làm điều đó một cách chân thành, không phải chỉ vì nó là một ý kiến tốt hay chỉ để gây ấn tượng. Giải thích rằng bạn biết đôi khi bản thân có thể trở nên hách dịch hay độc đoán và bạn thật sự muốn thay đổi phong cách đó. Hãy nhờ họ nhắc nhở bằng cách kéo bạn lại hay thậm chí gửi email hoặc thư nhắc nhở nặc danh mỗi khi bạn trở nên hách dịch. Khiêm tốn và nhờ giúp đỡ. Nó chứng tỏ bạn muốn cải thiện bản thân và không hề khăng khăng một mực với ý kiến của chính mình.
    • Dùng phương pháp "SKS" để thu thập phản hồi.[6] Đặt ba câu hỏi sau với những người quanh bạn:
    • "Tôi nên dừng (S – stop) làm điều gì?"
    • "Tôi nên duy trì (K – keep) điều gì?"
    • "Tôi nên bắt đầu (S – start) làm gì?"

Điều chỉnh tư duy[sửa]

  1. Lùi lại và hít thở. Nếu rơi vào tình huống mà ở đó, bạn cảm thấy bị thôi thúc phải ra lệnh, điều khiển ai đó, hãy tạm dừng trong giây lát. Tập trung vào hơi thở và hít vài hơi thở "bụng" sâu: dạ dày phồng ra trong lúc ngực vẫn được giữ nguyên tư thế. Động tác này sẽ kích hoạt phần "nghỉ ngơi và tiêu hóa" trong hệ thần kinh, giúp bạn bình tĩnh lại và linh hoạt hơn trong phản ứng. Dùng kỹ thuật này để ngăn bản thân không rơi vào lối mòn cũ và trở nên hách dịch. Thay vào đó, bạn có thể chọn lối đi khác hơn, lối đi dễ chịu và thậm chí còn hiệu quả hơn.[7]
  2. Học cách thừa nhận khi phạm sai lầm. Một phần nguyên nhân khiến ai đó hách dịch đến từ việc cho rằng bản thân luôn đúng về mọi chuyện. Từ bỏ suy nghĩ đó và thừa nhận rằng chính mình cũng có thể sai lầm như bao người, bạn sẽ học được cách làm việc với người khác và nhận ra họ cũng có thể hỗ trợ bạn với kiến thức, kinh nghiệm riêng. Lần tới, khi mắc sai lầm, dù là trong công việc hay trong quan hệ với bạn bè, thay vì vờ vĩnh rằng mọi thứ là lỗi của người khác, hãy gạt bỏ lòng kiêu hãnh và thừa nhận sai lầm. Mọi người sẽ đánh giá cao thái độ đó.
    • Nếu phạm sai lầm, một lời xin lỗi chân thành sẽ giúp vấn đề được giải quyết và cho mọi người biết rằng thay vì chỉ biết hách dịch, bạn sẵn lòng thỏa hiệp.[8]
    • Ví dụ, bạn có thể nói: "Tôi xin lỗi vì những gì mình đã làm. Như bao người, tôi cũng phạm phải lỗi lầm".
  3. Chấp nhận mọi thứ như cách thức vốn có của chúng. Nếu hách dịch, điều khó khăn nhất trên thế giới này có lẽ là chấp nhận rằng một số điều sẽ chỉ như cách thức vốn có của chúng. Nó bao gồm thời tiết, đồng nghiệp, bạn bè hay kể cả bất kỳ điều gì mà bạn không thể hoàn toàn kiểm soát hay điều khiển. Dù một vài điều đáng để thay đổi hay cải thiện, nhiều thứ khác bạn đơn giản là không thể làm gì để thay đổi chúng. Càng sớm chấp nhận điều này, bạn sẽ càng nhanh chóng tìm ra con đường để bớt hách dịch hơn và có thái độ bình tĩnh, thư thái.
    • Nỗ lực chấp nhận những điều bạn không thể thay đổi. Tự hỏi bản thân liệu điều đó có nằm trong kiểm soát của bạn và đồng thời, liệu thay đổi có đem lại kết quả tích cực hay không. Ví dụ, đôi khi thay đổi không hoàn toàn cần thiết có thể sẽ khiến những người xung quanh phải tức giận khi mà bản thân họ muốn chúng được duy trì như tình trạng hiện tại. Đảm bảo rằng nó là đáng giá trước khi bắt đầu thay đổi bất kỳ điều gì.
    • Bạn có thể nói với chính mình: "Điều này khiến mình khó có thể chấp nhận. Thế nhưng, mình sẽ cố gắng hết sức để học cách chấp nhận bởi nó hoàn toàn nằm ngoài kiểm soát của mình".
    • Dĩ nhiên, không có gì sai khi bạn không thể chấp nhận một vài thứ. Nếu điều gì đó thật sự không phù hợp với môi trường quanh bạn, mong muốn thay đổi nó có thể là nhiệm vụ có ý nghĩa và đáng ngưỡng mộ.
  4. Biết rằng đôi khi, từ bỏ cũng quan trọng như giành lấy quyền kiểm soát. Có thể bạn cho rằng từ bỏ kiểm soát nghĩa là thừa nhận thất bại và từ bỏ viễn cảnh hoàn hảo mà bạn muốn có. Tuy nhiên, trên thực tế, từ bỏ kiểm soát thực sự có thể là một trải nghiệm đáng giá. Bạn sẽ không chỉ cải thiện được mối quan hệ với người khác bằng cách trao trách nhiệm cho họ mà đồng thời, còn giảm bớt áp lực cho bản thân và cho phép chính mình có nhiều thời gian hơn để làm những việc mà bạn thích (và đó không bao gồm ra lệnh, điều khiển mọi người). Đầu tiên, bạn có thể cảm thấy không thoải mái. Thế nhưng, càng thực hiện, bạn sẽ càng cảm thấy tuyệt hơn.
    • Khởi đầu từ những bước nhỏ để có thể làm quen với nó. Bạn đừng nên rũ bỏ mọi trách nhiệm từ dự án chính của bản thân hay dừng ra quyết định một cách triệt để. Đầu tiên, hãy chỉ từ bỏ một vài kiểm soát nhỏ. Đó có thể là để đồng nghiệp đọc lại bản báo cáo hoặc để một người bạn lựa chọn nơi dùng bữa. Bạn sẽ nhận thấy mọi việc ngày một dễ dàng hơn.
    • Từ bỏ sự kiểm soát thật sự có thể cải thiện hiệu quả công việc và thậm chí, sức khỏe của chính bạn. Chấp nhận phạm lỗi tốt cho năng suất làm việc và từ bỏ kiểm soát cho phép bạn rộng lượng hơn với chính mình.[9]
  5. Đặt ra kỳ vọng có tính thực tế cho những người khác.[10] Người hách dịch, hay ra lệnh thường muốn những người xung quanh trở thành ai đó vượt quá bản thân họ. Người hách dịch có thể sẽ muốn họ phải là những người bạn tận tâm hơn, những người làm việc chăm chỉ hơn hay có hiệu suất cao hơn trong mọi việc. Và người hách dịch có thể sẽ thử mọi cách để thay đổi họ. Thực tế thì, có vô số tình huống mà trong đó, con người ta có thể tiến bộ và trở nên tốt hơn, chẳng hạn như người bạn cùng phòng bừa bộn hay người đồng nghiệp luôn đi trễ - chúng thực sự đáng để cải thiện. Tuy nhiên, bạn không thể trông chờ sự thay đổi hoàn toàn ở một con người. Nếu làm vậy, bạn sẽ phải thất vọng vô cùng.
    • Ví dụ, nếu bạn cùng phòng là một người cực kỳ bừa bộn, hiển nhiên bạn có thể yêu cầu người đó hoàn thành phần việc rửa chén bát, đổ rác thường xuyên hơn và dọn dẹp phần không gian của họ. Bạn có thể làm vậy và hy vọng không cần nhắc nhở gì thêm. Tuy nhiên, bạn chẳng thể trông chờ người đó luôn hoàn tất mọi việc hoàn hảo 100%.
    • Có sự khác biệt đáng kể giữa kỳ vọng cao và kỳ vọng vô lý. Hiển nhiên rồi, bạn có thể kỳ vọng cấp dưới có thể thực hiện những điều mà người khác không thể. Thế nhưng, bạn chẳng thể nào yêu cầu họ đẩy nhanh tốc độ lên gấp hai lần trừ khi thật sự còn rất nhiều chỗ để họ có thể cải thiện.
  6. Đối phó với lòng tự tôn của chính bạn. Việc một người trở nên hách dịch liên quan mật thiết đến cảm giác không hài lòng với chính mình của họ. Bạn cảm thấy mọi người sẽ không thích bạn. Hoặc, họ sẽ không lắng nghe trừ khi bạn tỏ ra hách dịch, thô lỗ và cho họ biết chính xác điều cần làm. Thay vì vậy, bạn nên nhận ra bản thân là người đáng được lắng nghe và chẳng cần phải gây sức ép đến vậy để được tiếp nhận. Lần đầu tiên trong đời, hãy dành thời gian thực hiện những điều mà bạn thích, cải thiện những thiếu sót có thể cải thiện và nhận ra bản thân là con người đáng để được lắng nghe bằng những bước sau:[11]
    • Lên danh sách những điều mà bạn giỏi. Đó là tất cả những điều mà bạn tin rằng mình có thế mạnh về chúng. Nếu khó khăn trong việc lên danh sách, hãy nghĩ về những điều tích cực mà mọi người từng nói về bạn.
    • Đặt ra kỳ vọng thực tế cho bản thân. Một trong những cách khiến bạn dễ dàng khắt khe với chính mình chính là đặt kỳ vọng không thực tế. Xem xét kỳ vọng với bản thân khi thực hiện những hoạt động trong cuộc sống và tự hỏi liệu chúng có hợp lý hay không. Có thể bạn sẽ muốn tham khảo ý kiến một người bạn đáng tin cậy hay một thành viên trong gia đình để có tiếng nói từ bên ngoài.
    • Tập trung vào tiến trình hơn là kỳ vọng. Thay vì đặt mục tiêu thật sự cao, tập trung vào những cải thiện nhỏ mà bạn đạt được. Ví dụ, nếu bắt đầu tập thể dục, hãy tập trung vào việc tập nhiều hơn 10 phút so với hôm trước thay vì kỳ vọng rằng bạn sẽ có thể ngay lập tức tập được hai giờ đồng hồ.

Từ bỏ kiểm soát[sửa]

  1. Cân nhắc khi can thiệp. Có thể bạn sẽ muốn quản lý một cách chi li biểu hiện của người khác và đôi khi, sự can thiệp của bạn có thể thật sự có ích. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng bạn đã cân nhắc, lựa chọn điều cần tham gia và những điều có thể bỏ qua. Hãy dành sự can thiệp của bạn cho những tình huống thật sự quan trọng thay vì vấn đề nhỏ nhặt sẽ được giải quyết mà không cần đến bạn. Nhờ đó, những người xung quanh có không gian để thở và bản thân bạn duy trì được sự tỉnh táo của chính mình. Bạn sẽ không phải chạy vòng quanh, không ngừng kiểm tra tiến độ của mọi người và đồng thời, người khác không cảm thấy bạn đang theo dõi từng cử động của họ. Lựa chọn vấn để cần tham dự sẽ giúp tất cả thoải mái hơn.
    • Tại thời điểm đó, tự hỏi bản thân những câu hỏi sau có thể sẽ hữu ích: "Mình có thật sự cần chú ý đến điều này? Người khác có khả năng tự giải quyết nó không? Có điều gì quan trọng hơn đang diễn ra mà sự hỗ trợ của mình có thể sẽ có ích?".
  2. Hãy linh hoạt hơn. Người hách dịch không thật sự linh hoạt bởi ở họ, không có chỗ cho bất kỳ Nhân tố Bí ẩn nào và họ thật sự ghét cụm từ "Kế hoạch B". Tuy nhiên, nếu muốn dừng thái độ hách dịch, thay vì kỳ vọng mọi thứ tuân theo một lộ trình nhất định, bạn phải học cách trở nên linh hoạt hơn. Có thể trong nhiều tuần nay, bạn vô cùng chờ đợi để được dùng bữa tối cùng người bạn thân và rất muốn được thưởng thức đồ ăn Mê-xi-cô trong lúc cô bạn lại đang ao ước được dùng sushi. Có thể vì vài thay đổi phút chót, đồng nghiệp đã yêu cầu thêm thời gian hoàn thành báo cáo. Hãy dùng những kỹ thuật dưới đây nhằm cải thiện sự linh hoạt trong cuộc sống của bạn:[12]
    • Đứng trên những góc nhìn khác nhau. Nếu đồng nghiệp nói rằng anh ấy muốn thực hiện dự án theo một cách thức nào đó, trước khi bác bỏ, hãy tự hỏi bản thân vì sao anh ấy lại lựa chọn như vậy. Cân nhắc các ý kiến trước khi bác bỏ chúng. Nỗ lực hiểu những điều nằm ngoài cách nhìn nhận thông thường của bạn.
    • Tránh khái quát hóa quá mức với quy tắc ngón tay cái. Ví dụ, có thể bạn tin rằng trâu chậm thì sẽ phải uống nước đục. Đôi khi, điều đó có thể đúng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, việc đến muộn hơn lại là hợp lý. Hãy hiểu rằng luôn có ngoại lệ cho hầu hết mọi luật lệ.
    • Tránh đặt nặng quá mức cảm giác chắc chắn và không chắc chắn. Trực giác của bạn không phải lúc nào cũng chính xác. Hiển nhiên, bạn nên cân nhắc trực giác của chính mình nhưng đôi khi, chờ đợi và quan sát sẽ tốt hơn hành động cảm tính trong mọi thời điểm.
  3. Quản lý nỗi lo âu của bạn. Nhiều người hách dịch bởi họ không thể kiểm soát được ý nghĩ điều gì đó sẽ không theo đúng kế hoạch của bản thân. Họ trở nên căng thẳng với ý nghĩ ai đó sẽ đến trễ năm phút, một dự án sẽ không được viết đúng như họ muốn hay đến một nơi mới mà họ chưa bao giờ nhìn thấy thay vì nơi mà họ kiên quyết muốn đến. Nếu thái độ hách dịch xuất phát từ lo lắng rằng những điều không lường trước được sẽ làm chệch đường cả ngày của bạn, có lẽ bạn nên bắt đầu học cách gạt bỏ nỗi lo âu của chính mình.
    • Nếu lo lắng không quá nghiêm trọng, bạn có thể tự làm giảm bằng nhiều biện pháp, chẳng hạn như thiền, giảm lượng caffein nạp vào và tập thể dục.[13]
    • Bạn cũng có thể sử dụng những lời tự trấn an. Nếu bắt đầu cảm thấy bị choáng ngợp bởi sự lo lắng, hãy tự nói với bản thân những điều tương tự như: "Sự lo lắng không thể kiểm soát mình" hay "Mình an toàn và được bảo vệ".[14]
    • Nếu tình trạng lo lắng là nghiêm trọng và phải bật dậy lúc nửa đêm, run rẩy vì quá lo lắng hay cảm thấy không thể tập trung khi bị ám ảnh bởi suy nghĩ mọi thứ có thể sẽ hỏng bét, có lẽ bạn nên đến gặp chuyên gia tâm lý.
  4. Để người khác ra quyết định. Với những người hách dịch thật sự, đây có thể là điều đáng sợ nhất trên thế giới này. Nhưng một khi đã thử, bạn sẽ thấy rằng hoàn toàn chẳng có gì để bạn phải lo lắng. Hãy bắt đầu với những việc nhỏ. Nếu ra ngoài cùng bạn bè, hãy để họ chọn bộ phim sẽ xem hay nhà hàng sẽ dùng bữa tối. Nếu đang ở cơ quan, hãy để đồng nghiệp quyết định định dạng của báo cáo hoặc đồng nghiệp nào ở phòng khác nên được tham gia vào buổi thảo luận. Đây là cách giúp bản thân làm quen với việc từ bỏ kiểm soát một cách hiệu quả và đồng thời, cho thấy sẽ chẳng thảm họa nào xuất hiện khi bạn thả lỏng đôi chút.[15]
    • Nếu nhìn nhận bạn là người hách dịch, mọi người sẽ ngạc nhiên một cách dễ chịu và thật sự ghi nhận khi bạn cho họ cơ hội thể hiện.
    • Bạn có thể hít thở sâu và nói: "Sao bạn không đưa ra quyết định cho dự án của chúng ta? Tôi không phiền lòng gì đâu".
  5. Sống tùy ý hơn. Người hách dịch thường gặp khó khăn với những điều nằm ngoài kế hoạch. Hãy cố kiềm hãm khuynh hướng quen thuộc của bạn và tìm cách thích nghi với những điều nằm ngoài nếp sống thông thường của bản thân. Hãy tham gia đi phượt vào phút chót cùng những người bạn. Khởi đầu một sở thích hoàn toàn mới mà cho đến tuần trước, bạn thậm chí còn chưa từng nghĩ tới. Học một kiểu nhảy mới. Đột nhiên cất tiếng hát. Làm bất kỳ điều gì mà thông thường bạn sẽ không làm và tận hưởng luồng gió mới đến từ chúng. Nhanh thôi, bạn sẽ nhận ra rằng thật tuyệt khi thế giới trở nên nhiều màu sắc hơn và chẳng cần kiểm soát từng li từng tí trong cuộc sống.[16]
    • Dành thời gian với những người có phong cách thoải mái, không gò bó – người không lên kế hoạch quá nhiều về tương lai – cũng có thể sẽ giúp bạn trở nên tự do, thoải mái hơn.
    • Hãy thử và xem điều gì sẽ đến khi để trống cuối tuần thay vì lên kế hoạch từng giây, từng phút. Có thể một cuộc phiêu lưu đầy hứng khởi sẽ tự tìm đến với bạn.
    • Gọi một người bạn và nói: "Này, muốn bay lượn đâu đó cuối tuần này không?". Và rồi, các bạn có thể cùng tìm ý tưởng.
  6. Ủy quyền. Để có thể dừng thái độ hách dịch, bạn cũng có thể giao phó một vài nhiệm vụ cần được thực hiện cho ai đó. Nếu đang lên kế hoạch cho đám cưới, thay vì quát mắng tất cả mọi người xung quanh, hãy nhờ một người bạn chọn hoa, nhờ người khác hỗ trợ đặt thiệp mời,… Đừng tự gánh vác mọi việc và rồi quát tháo yêu cầu mọi người thực hiện mọi thứ ngay lập tức. Thay vào đó, hãy cẩn trọng với việc muốn nhờ ai làm gì và bạn sẽ nhận thấy rằng ủy quyền cho ai khác tốt hơn ra lệnh rất nhiều. Dưới đây là một số lợi ích của việc ủy quyền:
    • Ủy quyền giúp bạn có thời gian theo đuổi điều bạn có thể làm tốt nhất. Nó có thể giúp bạn hợp tác với người khác theo cách mà mọi người đều có thể hoàn thành tốt nhất phần việc của mình.
    • Ủy quyền xây dựng sự tin cậy lẫn nhau. Nó cho mọi người thấy rằng bạn tin tưởng ở khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao của họ.
    • Ủy quyền đem lại kết quả tốt nhất. Thay vì tự làm mọi thứ, việc đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực, khi ủy quyền, bạn sẽ có nhiều người cùng hợp tác nhằm đạt mục tiêu chung. Điều này sẽ giúp dự án hiệu quả và năng suất hơn.
    • Đề nghị một cách lịch sự khi giao nhiệm vụ. Bạn có thể nói: "Bạn có bằng lòng giúp tôi làm điều này không?".
  7. Dừng khuyên bảo khi không cần thiết. Người hách dịch cũng thường nói mọi người điều họ nên làm và cách họ nên hành động dù người nghe không hề hỏi xin lời khuyên đó. Nếu người bạn hỏi xin lời khuyên của bạn, đó là một chuyện. Nhưng nếu người bạn ấy chỉ đang phiền muộn với vấn đề của chính mình, bạn đừng nên khuyên họ chia tay người yêu hay đổi kiểu tóc. Hãy cảm thông với những nhu cầu của người khác và chỉ đưa lời khuyên khi họ yêu cầu hay thật sự cần giúp đỡ thay vì hành động như một kẻ-biết-tất, người luôn cho rằng cách làm của mình là đúng nhất.
    • Liên tục đưa ra lời khuyên không cần thiết sẽ cho mọi người thấy bạn không tin tưởng ở khả năng của họ. Đó là cách tồi tệ để chiếm được lòng tin của những người quanh bạn.[17]
    • Khi không được yêu cầu, lời khuyên của bạn sẽ ít khả năng được tiếp nhận hơn và đôi khi, tất cả những gì bạn đang làm chỉ là lãng phí thời gian.

Lời khuyên[sửa]

  • Hách dịch, ra lệnh không phải cách sẽ giúp bạn trở thành một thủ trưởng tốt. Các bước trong bài viết "Cách để trở thành một người cấp trên tốt của chúng tôi có thể sẽ giúp được bạn.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu ở vị trí lãnh đạo, đôi khi, bạn sẽ cần đưa ra chỉ dẫn. Tránh nghĩ rằng để không trở nên hách dịch, bạn không thể ra lệnh hoặc hành động như một người lãnh đạo.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. https://www.naspa.org/constituent-groups/posts/managing-to-lead
  2. http://sydney.edu.au/current_students/counselling/download-docs/learn-to-deal-with-perfectionism.pdf
  3. http://www.hartfordbusiness.com/article/20141103/PRINTEDITION/310319952/fulfilling-psychological-needs-key-to-boosting-employee-satisfaction
  4. http://www.helpguide.org/articles/relationships/effective-communication.htm
  5. https://www.psychologytoday.com/blog/in-one-lifespan/201309/learning-together-and-the-challenge-collaboration
  6. https://hbr.org/2011/08/three-questions-for-effective-feedback
  7. http://www.webmd.com/balance/stress-management/stress-management-breathing-exercises-for-relaxation
  8. https://www.psychologytoday.com/blog/happiness-in-world/201012/how-admit-youre-wrong
  9. http://psychcentral.com/blog/archives/2015/03/12/letting-go-of-the-things-you-cannot-change/
  10. https://books.google.com/books?id=ExdSsWJunf4C&pg=PA19&lpg=PA19&dq=realistic+expectations+employees&source=bl&ots=TXcqimVw_x&sig=vYcHQDkJiVANkO7eD_TBxBPj_8k&hl=en&sa=X&ved=0CFIQ6AEwCGoVChMI4NKN5oeixwIVw4MNCh0nyA2A#v=onepage&q=realistic%20expectations%20employees&f=false
  11. http://psychcentral.com/blog/archives/2011/10/30/6-tips-to-improve-your-self-esteem/
  12. https://www.psychologytoday.com/blog/in-practice/201409/become-more-flexible-thinker
  13. http://www.webmd.com/balance/guide/blissing-out-10-relaxation-techniques-reduce-stress-spot?page=2
  14. http://www.calmclinic.com/anxiety/treatment/affirmations
  15. http://psychcentral.com/lib/what-is-exposure-therapy/
  16. https://www.psychologytoday.com/blog/evolution-the-self/200903/the-wisdom-spontaneity-part-1
  17. https://www.psychologytoday.com/blog/evolution-the-self/201308/what-you-should-know-about-advice-givers