Ngừng hối tiếc về quyết định

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ai cũng đôi lúc hối tiếc về điều gì đó. Sự nuối tiếc sẽ làm bạn trưởng thành và phát triển hơn, trong khi đó cứ mãi suy nghĩ về quá khứ lại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và trạng thái cảm xúc của bạn. Bạn có thể tiến hành theo nhiều bước khác nhau, từ việc thay đổi tư duy đến thay đổi phong cách sống, sẽ giúp bạn đối mặt với điều đang bạn hối tiếc và rốt cuộc có thể dứt bỏ nó.

Các bước[sửa]

Thay đổi Tư duy[sửa]

  1. Hiểu rõ về tâm lý hối hận. Sự hối hận là một dạng cảm xúc mạnh mẽ. Học cách đương đầu với điều bạn hối tiếc tức là phải hiểu rõ tâm lý về nó.
    • Cảm giác hối hận là những cảm giác tội lỗi, buồn bã, hay tức giận về những quyết định trong quá khứ. Mọi người đều đã từng hối tiếc về điều gì đó trong khoảnh khắc nào đó của cuộc đời, đặc biệt là các bạn trẻ, song đây lại trở thành một vấn đề lớn khi bạn mãi nghĩ về những lỗi lầm quá khứ, khi nó khiến bạn trở nên thờ ơ với cuộc sống, sự nghiệp và những mối quan hệ cá nhân của mình.[1]
    • Suy nghĩ phản thực tế dẫn đến sự hối tiếc. Điều này nghĩa là càng dễ tưởng tượng một kết thúc khác tốt hơn thì chúng ta càng dễ hối tiếc với quyết định đó. Sự hối tiếc đạt đỉnh điểm khi bạn nghĩ rằng mình sắp tiến đến thành công song lại để cơ hội vuột khỏi tầm tay do thiếu kế hoạch và hành động. Giả dụ như khi bạn chọn số chơi xổ số, tờ vé số mà bạn không chọn thì lại có dãy số trúng thưởng.[1]
    • Sự hối tiếc mang lại tác động cảm xúc và thể chất tiêu cực. Nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe tinh thần như phiền muộn và lo lắng hay căng thẳng kéo dài, dẫn đến việc mất cân bằng hóc môn và suy yếu hệ miễn dịch.[1]
    • Cảm giác nuối tiếc lại hoàn toàn khác biệt giữa nam và nữ. Phụ nữ khi đã trải qua những mối tình trong quá khứ thường hay hối tiếc về ký ức lãng mạn của mình trước đây.[1]
  2. Đừng cố ép bản thân. Việc gánh quá nhiều trách nhiệm vượt quá sức mình chỉ làm bạn nhanh chóng hối tiếc. Học cách nới lỏng hơn những mong mỏi cá nhân và chấp nhận rằng có quá nhiều điều trong cuộc sống mà bạn không thể thay đổi được, để ngăn mình khỏi phải hối tiếc.
    • Khi cảm thấy bản thân hối tiếc, và nghĩ mãi về những điều mà bạn có thể làm khác hơn, hãy tự lôi mình khỏi tình huống này ngay. Tự hỏi rằng "nếu một người bạn hay người thân trong gia đình nói với tôi điều này, tôi sẽ nói gì đây? Liệu tôi có nên cho rằng việc mình bị khiển trách như thế là hợp tình hợp lí không?".
    • Xem xét tình hình trong hoàn cảnh này hay quyết định mà bạn đang cảm thấy hối tiếc. Có rất nhiều yếu tố nằm ngoài kiểm soát có thể ảnh hưởng tới sự phán đoán của bạn. Liệu bạn có đang phải chịu áp lực khi bắt buộc phải lựa chọn quá vội vàng? Liệu có phải sự căng thẳng tột độ làm giảm đi tính chính xác sự phán đoán của bạn hay không?
    • Hãy nói rằng bạn chịu trách nhiệm quản lý một tổ chức từ thiện. Đối với người chịu trách nhiệm gây quỹ, bạn đã đặt sẵn một quán bar khách sạn/nhà hàng khá nổi tiếng. Cách sự kiện 1 tuần, chủ khách sạn gọi báo bạn rằng cuối tuần này khách đã đặt gần hết phòng. Vì nhóm bạn là người thứ hai đặt phòng, nên ông chủ ưu tiên cho nhóm đầu tiên. Quá hoảng hốt, bạn nhanh chóng tìm cách khác. Bạn tìm được một nhà hàng/quán bar khách sạn khác chừng 1 dặm trên đường và một nhà hát không có ai đặt vào cuối tuần. Không còn thời gian để cân đo cái ưu và khuyết điểm, bạn đã chọn khách sạn thứ hai. Tại sự kiện, nhân viên khách sạn lại có thái độ không lịch sự, món ăn không được chuẩn bị chu đáo, còn lại là một không gian quá chật hẹp để có thể sắp ghế ngồi cho khách tham dự. Trong viễn cảnh này, bạn có lẽ sẽ hối tiếc với quyết định khi đã lựa chọn khách sạn này và chỉ muốn mình biến nhanh đến nhà hát. Tuy nhiên, liệu bạn có thể kiểm soát được bao nhiêu ngần ấy thứ? Khi mà bị đặt vào một tình hướng khó xử và phải nhanh chóng quyết định. Dù sự việc không xảy ra như mong đợi thì cũng không nên trách cứ bản thân vì điều đó.
  3. Thừa nhận cái mình không thể biết. Hối tiếc, như đã nói, xuất phát từ lối suy nghĩ phản thực tế. Để ngừng nuối tiếc, chúng ta cần thừa nhận rằng lối suy nghĩ này thực sự có hại. Có nhiều thứ trong cuộc sống này mà chúng ta không hề hay biết.
    • Tất cả hành động của mỗi người chúng ta đều để lại một kết quả. Đó là, sự ảnh hưởng đến từ những lựa chọn của chúng ta mà ta không thể nào tính ra được. Thường thì ta sẽ thấy rõ ảnh hưởng từ những lựa chọn ấy nhiều năm sau sự quyết định của bạn. Dù bây giờ sự việc trông có vẻ tồi tệ, song chúng ta không biết tương lai mang đến điều gì và sự quyết định đầy nuối tiếc ấy có thể gây ra sự thay đổi nhỏ nhiều năm sau này.[2]
    • Hãy nhớ rằng, khi cứ phải "giả sử", bạn sẽ thường giả thiết, viễn cảnh ấy sẽ quá xa vời đối với bạn hiện tại. Thực tế thì đây không phải là điều mà bạn có thể biết được. Cứ tưởng tượng rằng viễn cảnh "giả sử" ấy lại thừa nhận lựa chọn của bạn là tốt hơn. Hãy cứ lấy việc chơi xổ số làm ví dụ. Giả sử như bạn chơi vào tuần đó và trúng lớn thì sao? Giả dụ như bạn bỏ việc, chán nản, thì cuối cùng bạn sẽ tìm đến cờ bạc, rượu bia, hay ma túy chỉ để sống qua ngày?[2]

Trở thành Người tiên phong[sửa]

  1. Học từ sai lầm bản thân. Hối tiếc giống như bất kỳ trạng thái cảm xúc khác; cũng có thời gian tồn tại nhất định. Hãy cởi mở với mặt hữu ích của sự nuối tiếc ấy để phần nào rút ngắn đi thời gian mà nó tồn tại.
    • Nuối tiếc là làm thế nào ta học cách kiểm điểm lại hành động bản thân. Ta sẽ không thể trưởng thành và thay đổi tích cực nếu không bị thúc ép nhận biết được quyết định nào sẽ dẫn đến hậu quả xấu sau này. Chẳng hạn, những người bị nghiện thường vịn vào cảm giác hối hận của bản thân để tạo cho mình động lực để cai bỏ hoàn toàn.[1]
    • Điều chỉnh lại suy nghĩ của mình về tình huống hay quyết định đầy hối tiếc nào đó. Hãy xem những lỗi lầm ấy là cơ hội phát triển và thay đổi bản thân. Người trẻ thường đương đầu với cảm giác nuối tiếc tốt hơn, và sự thật chứng minh là bởi họ nhìn nhận nó theo chiều hướng tích cực. Với họ, sự hối tiếc là chìa khóa đi đến sự phát triển và thay đổi.[1]
    • Chấp nhận lời khiển trách. Người ta thường viện cớ cho những hành động của mình. Điều này dẫn đến việc đưa ra những quyết định tồi tệ hơn, và kết quả là càng hối tiếc nhiều hơn. Ví dụ, nói rằng bạn đi làm trễ vì thức khuya uống rượu tối qua. Có thể bạn viện cớ là mình phải trải qua một tuần căng thẳng hay chịu áp lực từ bạn bè và khi đã vui vẻ trở lại bạn lại tiếp tục đưa ra những cái cớ đó. Thay vào đó, bạn nghĩ, "thức khuya là quyết định tồi tệ nên mình đã phải gánh chịu hậu quả để lại", bạn sẽ tránh lặp lại trường hợp như thế trong tương lai. Bạn cho rằng mình có khả năng kiểm soát tình huống hơn là hướng sự kiểm soát đó đến những tác động bên ngoài.[3]
  2. Cho phép mình buồn và thất vọng. Thỉnh thoảng, khi tình huống đặc biệt bất lợi, thì chúng ta cũng cần biết buồn. Cho phép bản thân cảm thấy thất vọng trong khoảng thời gian thích hợp để vực dậy tinh thần mình sau đó.[4]
    • Nỗi buồn cũng như sự nuối tiếc; là một dạng cảm xúc tiêu cực song nó cũng rất hữu ích với chúng ta. Những cảm giác buồn bã sẽ làm trí óc tập trung cao độ, cho phép bạn đánh giá đúng mọi vấn đề và tìm ra cách giải quyết với những khó khăn trong cuộc sống.[4]
    • Việc phản ứng lại với những tình huống xấu bằng nỗi buồn là điều bình thường. Né tránh những cảm xúc ấy chỉ kéo dài cảm giác hối tiếc và thất vọng của bạn thôi. Sau thất bại nặng nề, hãy dành một tuần để đau buồn cho sự mất mát ấy và trải qua nỗi thất vọng của bản thân.[5]
  3. Xem xét các mối quan hệ. Thường những giây phút nuối tiếc nhất của ta đến từ những mối quan hệ không tốt với bạn bè, người thân và những người quan trọng khác trong cuộc đời bạn.
    • Nếu đang phải trải qua khoảng thời gian khó khăn, điều này sẽ dẫn đến nỗi buồn và cảm giác nuối tiếc của bạn, liệu bạn bè có cùng bạn vượt qua hay không? Ai sẽ an ủi và giúp đỡ bạn và ai sẽ trở nên mờ nhạt trong tim bạn?[3]
    • Hãy xác nhận họ, những ai không ủng hộ bạn về mặt tinh thần và những ai, trước đây, đã kéo bạn vào tình thế khó xử. Cứ tiếp tục nuôi dưỡng các mối quan hệ cá nhân không mấy tốt đẹp ấy càng lâu thì rốt cuộc bạn sẽ chỉ cảm thấy hối hận. Hãy cắt đứt quan hệ với những người không đứng về phía bạn và lại gần hơn với những ai làm điều đó vì bạn.[3]
  4. Quyết định nên hành động thế nào. Như đã nói, xem nuối tiếc là cơ hội trưởng thành, nghĩa là bạn sẽ bớt nhìn lại những lỗi lầm đã qua. Tuy nhiên, bạn cần phải chuẩn bị để đưa ra hành động. Tìm hiểu xem bản thân cần làm gì để vượt qua sự nuối tiếc của chính mình.
    • Liệu có bất kỳ ai bị tổn thương bởi quyết định mà bạn đưa ra không? Liệu hậu quả từ những hành động đó của bạn có ảnh hưởng tới bạn bè hay người thân gia đình của mình không? Có lẽ bạn sẽ cần gọi điện hay viết một vài lá thư. Nếu cần, hãy dành chút thời gian để nói lời xin lỗi.
    • Viết cảm xúc của mình ra giấy. "Tôi buồn vì X, Y, và Z". "Tôi giận vì X, Y, và Z". Rồi nhìn lại bảng liệt kê của mình sau khi đã hoàn tất, và đánh giá xem điều gì đã dẫn đến tư duy hiện tại của bạn. Điều gì mà bạn đã có thể làm khác hơn? Điều gì mang đến tất cả những cảm xúc ấy và làm cách nào bạn có thể loại bỏ được chúng?[6]

Thay đổi Cách sống[sửa]

  1. Luyện tập chánh niệm. Chánh niệm là trạng thái tâm lý mà bạn nhận thức được khoảnh khắc hiện tại. Liệu pháp Hành vi Tư duy-Chánh nhiêm được áp dụng khá thành công trong việc điều trị phiền muộn gây ra bởi sự nuối tiếc.[7]
    • Có ý thức chánh niệm nghĩa là theo dõi suy nghĩ của mình từ xa. Bạn có thể đánh giá khách quan quá khứ và những lỗi lầm của bản thân, cho phép bạn nhận ra rằng những cảm giác tiếc nuối ấy có ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.[8]
    • Ngồi thiền có thể giúp ích cho chánh niệm. Tập trung hít thở sâu hay chú ý đến một từ hoặc một cụm từ. Cho phép luồng suy nghĩ ấy đi vào tâm trí mình và tránh phán xét trong suốt quá trình trải nghiệm.[9]
    • Chú ý đến cảm giác cơ thể, chẳng hạn như ngứa ngáy và hơi thở. Ghi chú lại tất cả các giác quan, như thị giác, khứu giác, thính giác, và vị giác. Hãy cố thử nhận thức môi trường xung quanh và cảm nhận của bản thân.[9]
    • Nếm trải xúc cảm mà không phán xét. Cho phép bản thân trải nghiệm nỗi buồn, sự sợ hãi, tức giận và nỗi đau mà không cố từ bỏ hay đè nén những cảm xúc ấy.[9]
    • Nếu thành công, chánh niệm sẽ giúp bạn tập trung hơn vào khoảnh khắc hiện tại. Điều này ngăn bạn mãi nhìn về quá khứ và những quyết định đã qua. Tập trung vào điều bạn có thể kiểm soát ở hiện tại sẽ giúp bạn bớt phán xét bản thân vì những quyết định và ký ức cũ. Liệu pháp chánh niệm cũng đặc biệt hữu ích đối với các bệnh nhân lớn tuổi, những người luôn cảm thấy tiếc nuối về cuộc đời của chính họ.[7]
  2. Phấn đấu vì những mục tiêu trừu tượng. Sự thất vọng và nuối tiếc đã nhiều lần khiến ta không đạt được mục tiêu đề ra. Thay đổi cách nghĩ về mục tiêu và thành quả đạt được có thể giúp ta đương đầu tốt hơn với sự nuối tiếc của bản thân và chấp nhận hiện tại.
    • Cố gắng đạt được những thành tựu trừu tượng từ mục tiêu dài hạn. Nói rằng "Trong 5 năm, tôi muốn lúc nào cũng hạnh phúc" thay vì quả quyết "Trong 5 năm, tôi muốn vươn lên đỉnh cao sự nghiệp". Theo cách này, bạn nhận thức được rằng tư duy bản thân giúp bạn đạt được thành quả mong muốn, mà đây là điều bạn có thể kiểm soát chứ không phải khía cạnh cuộc sống luôn nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.[10]
    • Nghiên cứu cho thấy các phần thưởng cụ thể thường không làm con người thấy vui bằng những thành tựu to lớn mà họ đạt được. Những ai đuổi theo tiền tài, danh vọng, sự giàu có và một sự nghiệp thành công thường không hạnh phúc bằng những người phấn đấu vì mục tiêu trừu tượng chẳng hạn như niềm vui bản thân, các mối quan hệ tốt đẹp, và nhiều thứ khác cần vận dụng trí óc.[10]
  3. Thảo luận về nó. Còn điều gì vô giá hơn nếu có người ủng hộ, khi đối mặt với nỗi thất vọng gây nên sự nuối tiếc bản thân. Nói ra cảm nhận của bản thân có thể giúp bạn hiểu hơn cảm giác của mình và nhận thức rõ hơn khi đứng từ khía cạnh một người ngoài cuộc.
    • Tâm sự với bạn bè hay người thân khi cảm thấy thất vọng. Cứ để bản thân day dứt chỉ làm cảm giác thất vọng trở nên tồi tệ theo thời gian. Chọn người có cùng trải nghiệm và hiểu bạn.[11]
    • Nếu cảm thấy khó vượt qua cảm giác thất vọng, hãy thử liệu pháp điều trị. Chuyên gia trị liệu có thể mang đến quan điểm khách quan trong vai trò người thứ ba trong trường hợp của bạn cũng như đưa ra lời khuyên giúp bạn khắc phục thái độ sống tiêu cực.
  4. Đánh giá hiện tại. Sự tiếc nuối xuất phát từ sự chọn lựa mà bạn mong muốn song lại để vuột mất nó. Đánh giá hiện tại, và trân trọng những mặt tích cực, có thể giúp giảm bớt cảm giác nuối tiếc.
    • Hối tiếc thường là kết quả của việc mất cân bằng trong cách nghĩ. Bám víu vào một quyết định đặc biệt nào đó, hay một loạt những quyết định, sự bóp méo sự thật có khả năng đánh giá cuộc sống của ta khi sự tập trung quá mức luôn hướng về những mặt tiêu cực.
    • Viết ra tất cả các mặt tích cực của cuộc sống, như gia đình, bạn bè, công việc, và bất kỳ thành công mà bạn đạt được cho đến hiện tại. Trên thực tế, mỗi hoàn cảnh đều có cái lợi và cái hại. Vấn đề là, khi chúng ta hối tiếc, trước mắt ta chỉ thấy được mặt hạn chế của nó. Trân trọng những điều tốt đẹp của hiện tại là cách tuyệt vời để giảm bớt cảm giác tiếc nuối.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây