Ngừng suy nghĩ về một điều gì đó

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Học cách quên đi những điều khiến bạn khó chịu, căng thẳng hay nói cách khác là những thứ đang chiếm giữ suy nghĩ của bạn là một kỹ năng sống vô cùng quan trọng. Hãy thử những gợi ý dưới đây để thanh lọc hoặc làm sao nhãng tâm trí và giúp bạn cảm thấy thư giãn thoải mái trước những khó khăn trong cuộc sống.

Các bước[sửa]

Thanh lọc những suy nghĩ lo lắng[sửa]

  1. Đối mặt với nỗi lo lắng của bản thân. Cho dù điều đó nghe có vẻ như đi ngược với lẽ thường nhưng cách tốt nhất để khiến bạn ngừng suy nghĩ về một vấn đề nào đó về lâu về dài đó là đối mặt và vượt qua chúng. Nói cách khác, chừng nào bạn còn chưa giải quyết được chúng thì những vấn đề tương tự sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện và khiến bạn lo lắng.
    • Ngẫm nghĩ – xu hướng khi một suy nghĩ lặp đi lặp lại trong tâm trí bạn – là một thói quen tinh thần cần phải được phá bỏ. Hãy bắt đầu bằng cách để cho bản thân xem xét nguồn gốc nguyên nhân gây ra những suy nghĩ lo lắng đó. Viễn cảnh nào khiến bạn sợ hãi nhất và tại sao bạn lại lo lắng về điều đó?[1]
    • Sau khi bạn đã xác định được nguồn gốc của nỗi lo lắng đó, hãy để bản thân tưởng tượng ra viễn cảnh tồi tệ nhất. Thông thường thì chúng ta hay sợ hãi trước những viễn cảnh không rõ ràng, tuy nhiên trên thực tế chúng ta có thể giải quyết được tình huống tồi tệ nhất. Tự hỏi bản thân xem điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì và bạn có thể kiểm soát được nó hay không?[1]
  2. Đặt giới hạn thời gian lo lắng. Bạn không thể ép buộc bản thân ngừng lo lắng về vấn đề của bản thân, đặc biệt là nếu vấn đề đó gây khó khăn cho cuộc sống thường ngày của bạn (như tài chính hay các mối quan hệ). Cho bản thân một khoảng thời gian nhất định trong ngày để lo lắng có thể giúp bạn được thoải mái trong suốt thời gian còn lại của ngày.
    • Dành ra 20-30 phút vào cùng một thời điểm mỗi ngày để nghĩ về những vấn đề đang khiến bạn lo lắng. Vào những thời điểm khác, hãy nhắc nhở bản thân rằng đó không phải lúc để lo nghĩ.[1]
    • Chắc chắn rằng “thời gian lo lắng” của bạn vào buổi sớm trong ngày để nó không làm gián đoạn giấc ngủ buổi tối của bạn.[2]
  3. Cân nhắc đến việc thiền định . Trái ngược với những gì bạn thấy trên TV, thiền định không nhất thiết phải phức tạp, đáng sợ hay huyền bí. Rất nhiều người bình thường luyện tập thiền để giúp thư thái đầu óc. Thiền định chính là thiết lập các quy định để giữ cho tâm trí bình thản và tập trung.
    • Bắt đầu bằng việc ngồi xuống trong một căn phòng thoải mái, yên tĩnh và không bị làm phiền. Ngồi với tư thế bạn cho là thoải mái nhưng phải giữ cho lưng thẳng và tư thế vững chãi. Bạn có thể sử dụng ghế ngồi nếu muốn.[3]
    • Từ từ nhắm mắt lại và hít thở tự nhiên bằng mũi. Tập trung vào cảm giác không khí đi vào mũi bạn, tới cổ họng rồi tới phổi; sau đó tập trung vào cách không khí thoát ra ngoài.[3]
    • Nếu bạn cảm thấy khó tập trung vào hơi thở và tâm trí bạn bắt đầu xao động, hãy từ từ hướng suy nghĩ của bạn trở lại với hơi thở của bản thân. Bạn có thể làm điều này trong vài phút và sau đó tăng dần khoảng thời gian bạn dành ra để thư giãn đầu óc.[3]
  4. Tập yoga. Cũng giống như thiền định, yoga là một môn thể dục khá phổ biến nhưng thường bị hiểu sai. Nhiều người vẫn thường tập luyện yoga để thư giãn và tập trung vào bản thân sau một ngày dài. Thiền định và yoga đều sẽ giúp bạn thả lỏng và thư thái nhưng yoga có bao gồm một số bài vận động giúp bạn giữ gìn vóc dáng và tập trung vào những thứ khác một cách tích cực thay vì những điều khiến bạn phiền lòng.
    • Thử tìm một phòng tập yoga trong khu vực của bạn. Rất nhiều phòng tập yoga cho phép bạn tham gia một lớp học miễn phí để thử xem nó có phù hợp với bạn hay không.
    • Nếu bạn không đủ tiền để tập tại phòng tập hay trung tâm thể hình, hãy thử cân nhắc tới các trung tâm cộng đồng tại địa phương hoặc nhóm tập ngoài trời. Những nơi này thường có lớp yoga và một số lớp học giảm giá hoặc trả phí theo ngày hoặc miễn phí.
    • Nếu lớp học nhóm không phù hợp với bạn, bạn có thể mua bộ đĩa DVD hoặc tìm các bài giảng trên Youtube. Đây cũng là một cách học vô cùng hiệu quả giống như học tại lớp và khi bạn học được các động tác một các nhuần nhuyễn bạn sẽ có thể thực hiện được chúng mà không cần xem video.

Làm sao nhãng tâm trí[sửa]

  1. Cất những đồ vật khiến bạn suy nghĩ. Cho dù thứ đang làm phiền, gây sao nhãng hay khiến bạn căng thẳng là gì đi chăng nữa, hãy để nó xa khỏi bạn trong một thời gian và không để ý đến nó.
    • Nếu bạn mới đi làm về, hãy cất laptop, điện thoại, hóa đơn quá hạn và tất cả những thứ liên quan tới công việc của bạn. Nếu bạn mới chia tay với ai đó, bạn nên cất hết những thứ gợi nhớ về người đó. Hãy khiến cho bạn thật khó để nghĩ tới những điều đang khiến bạn phiền muộn.
    • Đối với những người đang vật lộn với nỗi lo chung chung, việc tránh xem TV hoặc tin tức trên mạng có thể sẽ có ích bởi tin tức thường được viết theo chiều hướng “giật gân” để lợi dụng nỗi lo lắng của bạn.[4]
  2. Đi bộ. Dành thời gian trong công viên, rừng cây, quanh hồ hoặc đồng cỏ gần nhà sẽ giúp bạn hòa nhập với môi trường xung quanh và quên đi những điều mệt mỏi. Ngoài việc mang lại lợi ích cho sức khỏe, dành thời gian ngoài trời cũng sẽ cải thiện sức tập trung và nâng cao mức độ hạnh phúc.[5]
    • Điều quan trọng đó là bạn không được biến thời gian vui chơi bên ngoài thành một nơi để bạn chìm ngập trong những vấn đề rắc rối của bản thân. Trong khi đi leo núi, hãy dừng lại để quan sát cây cỏ hoặc những thay đổi ánh sáng trên cây hoặc núi, hay những gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ. Những hình ảnh êm dịu này sẽ được hình thành trong tâm trí chúng ta và trở thành nơi chúng ta có thể dễ dàng nghĩ tới hơn. Hãy nhớ điều này.
    • Nếu bạn thấy khó tập trung vào những điều xung quanh và tâm trí bạn bắt đầu nghĩ tới những điều phiền muộn, hãy cân nhắc tới việc đi bộ với một mục tiêu cụ thể, như thu thập những vỏ quả đặc biệt, nhận biết các loài chim khác nhau hoặc theo dõi động vật hoang dã. Thực hiện nhiệm vụ sẽ giúp bạn tập trung tâm trí.
  3. Nghe nhạc. Âm nhạc là một cách tuyệt vời để thả lỏng và nhảy múa, hoặc tịnh tâm và thư giãn. Cho dù dòng nhạc bạn ưa thích là gì, nghe nhạc có thể giúp bạn thanh lọc đầu óc và sảng khoái tâm trạng.
    • Dòng nhạc với tiết tấu chậm có thể giúp bạn tịnh tâm và đã được chứng minh là có công dụng giảm căng thẳng và lo lắng giống như thôi miên và thiền định.[6]
    • Hoặc nếu bạn không muốn thư giãn nhưng vẫn cần giải trí một chút, hãy thử nghe những bài hát có lời phức tạp khiến bạn phải nghe thật cẩn thận. Tập trung vào một việc gì đó sẽ khiến bạn quên đi những muộn phiền. Hãy thử nghe nhạc của Leonard Cohen, Patty Smith, Bill Callahan, hoặc Vic Chesnutt.

Tập trung vào những hoạt động khác[sửa]

  1. Đọc một cuốn sách hay. Sử dụng văn học để cải thiện sức khỏe tâm thần được biết đến với tên gọi Bibliotherapy (phương pháp điều trị bằng văn học) và thật đáng ngạc nhiên là đây cũng là một cách hữu hiệu để giúp bạn quên đi những vấn đề của bản thân và tập trung vào câu chuyện của người khác.[7]
    • Chọn một thể loại sách mà bạn cảm thấy hứng thú và cho phép bản thân hòa vào với cuộc sống của các nhân vật. Thử tìm tại thư viện địa phương hoặc trang www.wattpad.com để nhận được gợi ý từ những người đọc khác.
  2. Tập thể dục. Nếu bạn không làm gì, rất khó để bạn có thể quên đi những vấn đề mà bạn đang muốn trốn tránh. Thêm vào đó, vận động có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng, giảm lo lắng và ngăn ngừa trầm cảm.[8] Tìm một loại hình vận động mà bạn thích, cho dù là tập thể dục nhịp điệu ở trung tâm thể thao hay chơi bóng rổ trong công viên. Dưới đây là một số phương pháp vận động bạn có thể áp dụng:
    • Nâng tạ
    • Bài tập tuần hoàn
    • Đi bộ
    • Bơi lội
    • Chơi bóng rổ
    • Đấm bốc
  3. Tham gia tình nguyện. Một cách tuyệt vời để khiến bạn quên đi vấn đề của bản thân đó là giúp đỡ người khác.
    • Bạn có thể gọi điện tới mái ấm tình thương, trại nuôi động vật bị bỏ rơi, ngân hàng thức ăn hoặc các tổ chức khác. Mỗi cộng đồng đều có cách để bạn tham gia.
    • Nghiên cứu đã chỉ ra rằng làm từ thiện 100 tiếng một năm sẽ gia tăng cảm giác hài lòng với cuộc sống, giảm căng thẳng và thậm chí là cải thiện sức khỏe.[9]
  4. Thử một thực đơn mới. Bạn sẽ có thể sử dụng cả tâm trí, sức lực và vị giác của bản thân. Tìm một thực đơn ngon miệng mới mà bạn muốn thử, mua nguyên liệu và bắt đầu nấu nướng. Và nếu bạn không muốn tăng cân trong quá trình khám phá ẩm thực này, bạn có thể quyên góp nó cho một gia đình khó khăn trong khu phố của bạn. Dưới đây là một số món ăn bạn có thể thử:
    • Thịt bò kho
    • Thịt hầm
    • Bánh nướng
    • Thịt gà rán
    • Bánh nướng (cupcake) chay
  5. Làm một việc gì đó. Thay vì tập trung vào những vấn đề đang khiến bạn phiền lòng, hãy dành thời gian để làm điều gì đó hữu ích khiến tâm trí và cơ thể bạn bận rộn. Bạn có thể chọn một dự án mà từ trước đến giờ bạn luôn muốn thử.
    • Vẽ tranh hoặc tô màu. Cho dù bạn không cho rằng bạn có năng khiếu nghệ thuật, nhưng dành thời gian để bắt chước tranh của Bob Ross hay vẽ vời theo phong cách tranh sơn dầu của Jackson Pollock có thể là cách tuyệt vời để thư giãn.
    • Cắt dán những bức ảnh bạn cắt từ báo, tạp chí hoặc bất cứ nơi nào khác. Bạn có thể biến những tranh dán này thành bưu thiếp và gửi chúng cho bạn bè của bạn.
    • Viết nhật ký, hoặc viết truyện hoặc thử tập làm thơ. Viết là một cách tuyệt vời để giúp tâm trí bạn ngừng suy nghĩ đến một điều gì đó, miễn là bạn chọn một chủ đề viết khác với vấn đề mà bạn đang cố trốn tránh.
  6. Dọn dẹp nhà cửa.Lấy máy hút bụi ra, lau dọn đồ đạc và vệ sinh chỗ ở của bạn.
    • Dọn dẹp chỗ ở của bạn có thể tượng trưng cho một khởi đầu mới và giúp bạn tái tập trung năng lượng của mình trong việc cải thiện môi trường sống của chính bạn. Trên thực tế sống trong một nơi bừa bộn có thể khiến bạn cảm thấy quá tải bởi áp lực.[10]
    • Bắt đầu bằng việc dọn dẹp nhanh, thu gọn đồ đạc, vứt rác và sắp xếp mọi thứ ngăn nắp. Sau đó hãy đi vào dọn dẹp kỹ càng hơn như hút bụi, quét nhà và cọ rửa đồ đạc. Vứt những thứ bị hỏng hoặc không thể sử dụng được nữa và quyên góp những đồ dùng hữu ích nhưng bạn không cần đến.

Giao tiếp xã hội[sửa]

  1. Gọi điện cho bạn bè. Một cách để khiến tâm trí bạn ngừng suy nghĩ về một điều gì đó đó là nói chuyện với người khác. Đừng để bản thân rối trí và phiền muộn một mình.
    • Gọi điện cho một vài người bạn và lên kế hoạch làm gì đó cùng nhau hoặc mời bạn thân của bạn đến nhà chơi và xem phim, ăn tối hoặc chơi điện tử.
    • Có thể bạn muốn quên đi một điều gì đó nhưng cũng có thể bạn muốn giãi bày những thứ đang khiến bạn muộn phiền hoặc xao nhãng. Nếu bạn đang cảm thấy buồn sau khi chia tay, sau một sự kiện đáng thất vọng hoặc bất cứ vấn đề nào khác, có thể bạn nên nói chuyện với một vài người bạn biết cảm thông thay vì cố gắng quên chúng đi.
  2. Dành thời gian với gia đình. Cho dù bạn có ở cùng với bố mẹ hay không, cho dù gia đình của bạn có nhiều người hay ít người, cho dù bạn gần gũi hay xa cách với gia đình của mình đi chăng nữa, dành thời gian ở bên gia đinh sẽ có thể giúp bạn quên đi những điều phiền muộn.
    • Sắp xếp kế hoạch đi chơi cùng gia đình hoặc dành thời gian ở nhà. Cho dù chỉ là ăn tối hay xem TV thì khi làm cùng với gia đình những hoạt động đó sẽ có thể giúp bạn thư giãn và thoải mái hơn nhiều.
  3. Đi tới những nơi công cộng. Nếu gia đình và bạn bè của bạn đều bận rộn, hãy cân nhắc tới việc đi tới một nơi công cộng và ở giữa nhiều người. Cho dù bạn không muốn ngồi ở đâu đó và nói chuyện cùng những người lạ nhưng việc quan sát mọi người cũng là một cách tuyệt vời để khiến bạn quên đi những điều phiền muộn.
    • Đi tới thư viện, quán café, quán bar, công liên hoặc cửa hàng băng đĩa để được hòa nhập và quan sát mọi người.
    • Mặc dù việc tới quán bar uống một vài ly để vui chơi và kết bạn là một hoạt động khá thú vị nhưng bạn không nên sử dụng rượu bia để làm xao nhãng tâm trí bởi nó có thể dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng hơn với việc phụ thuộc vào chất cồn. Bạn có thể tới quán bar để kết bạn nhưng đừng uống rượu để gạt đi những chuyện đau đầu.
  4. Viết thư hoặc bưu thiếp cho một người bạn ở xa. Nếu bạn bè của bạn không thể tới gặp bạn, hãy gửi một thứ gì đó cho họ. Viết một lá thư để liên lạc, hỏi một vài câu hỏi có thể giúp bạn nắm bắt được thông tin của người đó và cho họ biết thêm về cuộc sống của bạn.
    • Bạn thật sự muốn làm theo kiểu ngày xưa? Hãy thu một đĩa hát và gửi nó cho bạn của bạn qua thư.

Cảnh báo[sửa]

  • Tránh sử dụng rượu và ma túy. Mặc dù chúng có thể giúp bạn quên đi những vấn đề đó trong giây lát nhưng về lâu về dài chúng sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng hơn.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích như cà-phê-in, những chất này có thể khiến bạn cảm thấy lo lắng và khó lòng quên đi những điều gây ra ra áp lực cho bạn hơn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]