Nhân tài Việt Nam mạnh gì, yếu gì?
Tài năng ‘chưa gọt giũa’ ở Việt Nam nằm trong giới thanh niên mới tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, thông minh, tham vọng, học nhanh và dễ thích nghi với môi trường làm việc mới và thử thách mới. Nhưng họ cũng bị phê bình là còn nặng về kiến thức hàn lâm, và thiếu lòng trung thành với công ty.
Đó là ý kiến ông Albert Ellis, từ công ty Harvey Nash có hơn 10 năm hoạt động tại Việt Nam trong ngành viết và gia công phần mềm công nghệ thông tin.
Trả lời BBC bên lề hội thảo về Thanh niên, tại London, ông Albert Ellis cho rằng: “Tài năng trẻ Việt Nam nghĩ sao nói vậy, nói sao làm vậy và đầu tư nhiều vào học vấn và đó là giá trị truyền thống cốt lõi của người Việt Nam."
Ở điểm này, Việt Nam chia sẻ các giá trị chung của châu Á.
Ưu và khuyết[sửa]
Giáo sư Ruth Kattumuri, Đồng chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Châu Á của Trường Kinh tế London (London School of Economics) nhấn mạnh truyền thống hiếu học của người Châu Á.
"Các gia đình Châu Á dốc hết vốn liếng đầu tư vào chuyện học hành của con cái. Đó là truyền thống hiếu học lâu đời tại đây.", bà Kattumuri nói.
Tuy nhiên, ông Albert Ellis cũng đã chỉ ra hai điểm khuyết cơ bản của 'nhân tài chưa gọt giũa' của Việt Nam.
Một là thiếu kỹ năng ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh - ngôn ngữ giao dịch thương mại quốc tế ngày nay, hay tiếng Đức, Pháp - các ngôn ngữ thường được dùng tại thị trường Châu Âu.
Hai là thanh niên Việt Nam vẫn thiếu tư duy ứng dụng lý thuyết đã học vào thực tiễn để hái ra tiền.
Theo ông, phần lớn các sinh viên mới ra trường hay nặng về kiến thức hàn lâm học thuật, và thiếu óc nhạy bén kinh doanh để biến công nghệ thành các sản phẩm mang lại lợi nhuận cho công ty.
Khi được hỏi, nếu có cơ hội nói chuyện với các sinh viên Việt Nam ngày khai giảng thì ông sẽ dặn dò họ điều gì, ông Ellis nói: "Tôi sẽ nói với họ hai điều. Điều một là: chúng tôi cần những người không quá nặng về lý thuyết. Bản thân thông tin không có giá trị gì cả. Giá trị chính nằm ở khả năng tư duy ứng dụng thông tin đó. Ông nói tiếp: "Lấy ví dụ về công cụ của người thợ mộc. Bản thân cái bàn mài không có giá trị vật chất gì cao, chính kỹ năng, khối óc của người thợ mộc khi sử dụng nó để tạo ra sản phẩm đẹp mới đáng giá. Nói tóm lại, kiến thức không có giá trị. Chính kỹ năng, tư duy sáng tạo mới có giá."
"Điều thứ hai là: hãy đầu tư vào thái độ giao tiếp, thiết lập quan hệ với mọi người, nhất là với khách hàng. Khác với các nước Châu Âu, đặc biệt là Hoa Kỳ, dịch vụ khách hàng, khả năng giao tiếp với khách hàng của Châu Á vẫn còn tụt hậu hơn."
‘Không chung thủy'[sửa]
Ông Ellis kể lại kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam khi công ty của ông chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu mạnh mình.
Theo ông, người Việt Nam nói riêng và người Châu Á nói chung rất 'sính' thương hiệu.
Nếu danh tiếng của công ty tốt và to, điều kiện làm việc tạo nhiều thách thức mới cho nhân viên thì công ty đó nghiễm nhiên trở nên sáng giá hơn.
Bên cạnh đó, công cụ quan trọng thứ hai là tiền lương. Ở thị trường Việt Nam lạm phát cao như hiện nay, tiền lương là yếu tố cốt lõi. Nhìn vào danh sách các vị trị vừa được tuyển dụng tại công ty này, mức lương tối thiểu cho kỹ sư là 400-700 đô la, và tối đa là 10.000-10.833 đô la cho vị trí giám đốc nghiên cứu.
Nhưng có lẽ thương hiệu và tiền lương là con dao hai lưỡi. Nếu thương hiệu và lương ở nơi khác cao hơn thì các nhân tài cao Việt Nam, lúc không còn ở dạng 'thô' nữa có thể dễ dàng từ giã công ty cũ của mình.
"So với Châu Âu, nhân viên ở đấy có thể làm việc cho một công ty tới 10-20 năm, rất trung thành. Còn ở Châu Á thì chuyện trung thành, chung thủy là giữa người với người với nhau, chứ không phải với công ty.
“Nếu công ty không thỏa mãn một số đòi hỏi của họ, thì họ có thể dễ dàng bỏ đi hoặc tìm hợp đồng mới tốt hơn."
Về tầm quan trọng của thị trường nhân tài Việt Nam, ông Ellis đánh giá: “Việt Nam là quốc gia đông dân tại Châu Á. Hơn 60% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi. Nếu đem dời cả nước Việt Nam tới khu vực các nước thuộc Liên minh Châu Âu thì nước này sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất và trẻ nhất ở đây”.
Phỏng vấn tại hội thảo về đề tài Thanh niên do Asia House ở London tổ chức, ngày 01/11/2011. Asia House là tổ chức phi lợi nhuận, phi chính trị được thành lập tại London vào năm 1996 để tăng cường hiểu biết văn hóa giữa các quốc gia Châu Á với Anh.