Nhìn nhận bản thân như người khác nhìn bạn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có nhiều lý do tại sao sự tự nhận thức của chúng ta lại không phù hợp với nhận thức của người khác. Có thể chúng ta thiếu ý thức về bản thân, như thường hình thành các thói quen mà không để ý. Chúng ta có thể đánh lừa chính mình để ngăn chặn suy nghĩ và cảm xúc vô ích.[1] Hoặc chúng ta chỉ có tầm nhìn hạn hẹp, như một hành vi cụ thể nào đó có thể là kết quả của nhiều động cơ.[2] Bạn hoàn toàn có thể tự đánh giá bản thân như cách người khác nhìn nhận bạn; tuy nhiên, điều này cần sự dũng cảm và sự hiểu biết sâu sắc.

Các bước[sửa]

Tăng cường hiểu biết bằng cách phản hồi[sửa]

  1. Yêu cầu một người bạn tham gia lắng nghe có phản hồi. Lắng nghe có phản hồi là phương pháp lần đầu được phát triển bởi Carl Rogers. Nó liên quan đến truyền đạt cảm xúc hay ý định ngầm của người nói. Mục đích của việc diễn đạt hay trình bày lại những gì người nghe nghĩ rằng người nói đang truyền đạt là tạo ra cơ hội để làm rõ ý của người nói. Việc này có lợi cho cả người nghe và người nói. Nghe thông điệp được lặp nhiều lần cho phép chúng ta có cơ hội để lắng nghe chính mình và quyết định liệu mình có hạnh phúc với thông điệp đang chia sẻ cho người khác.[3]
    • Bạn bè của bạn không cần phải được huấn luyện bởi bác sĩ chuyên khoa Rogerian; bạn chỉ cần yêu cầu họ lắng nghe, diễn giải thông điệp và xác định cảm xúc cơ bản, mà không phán xét hay có ý kiến riêng về chủ đề nào đó.
    • Nếu họ dường như không nắm bắt được cảm xúc, bạn sẽ có nhiều cơ hội để làm sáng tỏ ý của bạn. Tiếp tục trò chuyện cho tới khi bạn hài lòng mình đã giúp họ hiểu. Bạn sẽ ngạc nhiên rằng bạn hiểu chính mình nhiều hơn khi kết thúc hoạt động này.
  2. Tham gia phản hồi có hệ thống để phân tích kết quả của hành vi. Thuật lại hành vi trong một tình huống cụ thể, sau đó ghi chép một số hậu quả hoặc kết quả. Lập danh sách các hành vi và kết quả sẽ giúp bạn sắp xếp suy nghĩ. Liệu kết quả hoặc hậu quả có lợi không? Nếu không, hãy xác định hành vi để đạt được kết quả mong muốn.[4]
    • Điều này sẽ giúp bạn tự hiểu rõ hơn về các kiểu hành vi của mình và tạo ra khuôn khổ để thay đổi hành vi có hại.
  3. Làm bài trắc nghiệm tính cách là một cách thú vị để khám phá bản thân. Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều hoạt động như vậy trên mạng. Dù chúng hiếm khi có căn cứ hoặc đáng tin cậy, chúng thực sự giúp định hướng cho ý định trong nội tâm của bạn. Thực hiện hoạt động này với một người bạn sẽ rất thú vị và tạo ra cơ hội để có phản hồi về cách người khác nhìn nhận bạn.
    • Làm bài trắc nghiệm với bạn bè cho phép bạn kiểm tra sự tự nhận thức của mình có thật sự khớp với cách nhận thức của người khác về bạn hay không. Nhờ bạn bè trả lời một vài câu hỏi có thể áp dụng cho bạn, trong khi bạn làm bài trắc nghiệm cho bản thân. Sau đó bạn có thể so sánh câu trả lời và thảo luận các trường hợp mà câu trả lời của bạn không trùng khớp với nhau.
    • Sự phản hồi, suy ngẫm chỉ cần sự tập trung chú ý bên trong, nhưng một vài người lại nhận thấy việc này khá khó khăn. Sự trầm ngâm yên tĩnh một mình có thể thực sự cải thiện ý thức về bản thân và sự thấu hiểu về nhận thức của người khác dành cho bạn.[5] Nếu không có thói quen suy ngẫm về hành vi, có lẽ bạn thấy cách này không hiệu quả và khó chịu. Tham gia bài tập có tổ chức sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
  4. Yêu cầu thông tin phản hồi thẳng thắn và ghi chú lại. Mọi người thường kiềm chế sự chỉ trích hoặc tô hồng những phản hồi mà không quan tâm cảm xúc của người khác. Đó là lý do vì sao để hiểu cách người khác nhìn nhận về bạn lại khá khó khăn. Điều này có nghĩa là bạn phải cho phép người khác chia sẻ sự thật mà không để ý đến cảm xúc của bạn. Bạn có thể thử giải thích cho họ biết bạn đang có một cuộc hành trình tự khám phá bản thân, và bạn muốn biết sự thật dù nó đau đớn thế nào. Nói với họ đây là một phần trong quá trình để bạn hiểu rõ mình hơn. Ghi chú sẽ cho phép bạn so sánh câu trả lời từ nhiều người bạn khác nhau theo thời gian. Điều này sẽ mang lại cho bạn sự thấu hiểu sâu sắc hơn về hành vi của mình và giúp bạn theo dõi sự thay đổi.
    • Nếu người đưa ra phản hồi vẫn còn do dự, hãy hướng dẫn anh ấy/cô ấy trả lời. Yêu cầu họ xác định điểm mạnh của bạn. Sau đó, hỏi họ về điểm yếu của bạn. Thực hiện theo hướng xây dựng bằng cách hỏi ý kiến về cách để khắc phục điểm yếu.
    • Tốt nhất là thực hành với ai đó biết rõ bạn và bạn tin là họ sẽ không sử dụng việc này như một cơ hội chỉ để tỏ ra xấu tính.
    • Có tâm thế chuẩn bị để nghe một số điều khó chịu trước khi đặt câu hỏi. Nếu bạn trở nên phòng thủ, bài tập sẽ không có ích. Nếu cảm thấy mình đang chuyển sang thế phòng thủ, nhớ rằng đây là cơ hội để bạn trưởng thành.

Hiểu sự phản chiếu[sửa]

  1. Đánh giá cao giá trị của sự phản chiếu. Chúng ta thực sự bị liên kết về mặt sinh học để phản chiếu một người khác. Các nơron phản chiếu trở nên bị kích động khi chúng ta gắn kết với người khác. Điều này đôi khi dẫn đến các biểu hiện bắt chước trên cơ thể và cho phép chúng ta trải nghiệm trạng thái cảm xúc bên trong của người khác.[6] Đây là cơ sở sinh học cho sự đồng cảm. Chúng ta hiểu cảm xúc của người khác bằng cách tự mình cảm nhận. [7] Điều này là do sự kết nối mà chúng ta cảm nhận khi chia sẻ câu chuyện cá nhân với nhau. Sự đồng cảm giúp chúng ta phát triển lòng từ bi và thiết lập mối quan hệ.
    • Trải nghiệm nội tậm của việc phản chiếu thường tự động xảy ra và nằm ngoài tầm kiểm soát. Điều này có nghĩa nó thường xuyên xảy ra dù bạn muốn hay không, và có thể ảnh hưởng hành vi bên ngoài mà bạn không nhận thức được.
  2. Nhận biết sự phản chiếu đang ảnh hưởng hành vi của bạn ra sao. Khi hiểu rõ bản thân hơn, bạn sẽ nhận ra sự phản chiếu ảnh hưởng đến tư thế, kiểu cách, lời nói, cảm xúc và thậm chí hơi thở. Điều này cơ bản là tốt, nhưng trong một số trường hợp bạn có thể nhận thấy mình đang áp dụng cảm xúc tiêu cực của người khác và trải nghiệm cảm xúc trở nên mãnh liệt khi những người xung quanh bạn ngày càng bị kích động.[8] Nếu bạn thấy suy nghĩ hay cảm xúc về một người hay vấn đề cụ thể bỗng trở nên tiêu cực hơn sau khi tương tác với người khác, hãy suy ngẫm xem liệu có sự thay đổi nào đã diễn ra trong các trường hợp đó, hoặc bạn có thể đang phải nhận quá nhiều sự tiêu cực từ người đó.
    • Dù trải nghiệm nội tâm của sự phản chiếu thường là tự động, bạn vẫn có thể kiểm soát các biểu hiện bên ngoài. Bạn có thể chọn phản ứng trái ngược điều phản chiếu.
  3. Nhờ một người bạn để quan sát bạn tương tác với người khác và ghi chú các biểu hiện phản chiếu có tính cường điệu hoặc gượng gạo. Những ghi chú quan trọng này sẽ giúp bạn và bạn bè trở nên có ý thức hơn với hành vi cụ thể mà bạn đang tìm để thay đổi. Sau đó tạo một số dấu hiệu, như kéo tai, để bạn bè có thể cảnh báo và khiến bạn có ý thức nhiều hơn khi bạn đang bắt chước một cách không phù hợp. Sau đó bạn có thể chủ động thay đổi hành vi của mình.
    • Xác định khi sự phản chiếu đang củng cố các phản ứng cụ thể hoặc nhận thức che giấu. Vì sự phản chiếu phần lớn xảy ra ngoài nhận thức, sự thay đổi trong các biểu hiện của phản chiếu vô tình ảnh hưởng đến ấn tượng của người khác về chúng ta. Những người mà không thể hiện được các biểu hiệu của việc phản chiếu có thể bị xem là lạnh lùng và vô cảm, trong khi những người phản chiếu một cách sôi nổi có thể được xem như là quá hoạt bát, hung hăng, không ổn định hoặc khó chịu.[9]
    • Nếu bạn thấy những ấn tượng về mình bị sai lệch vì các kiểu phản chiếu không đúng, hoặc là bạn sẽ phải chấp nhận sự mô tả đặc điểm của người khác về bạn, hoặc có ý thức thay đổi kiểu phản chiếu. Có lẽ bạn cần hoạt động tích cực để tăng hoặc giảm việc mình bắt chước người khác. Bạn có thể thực hành tăng hoặc giảm sự bắt chước với bạn bè thân thiết.
  4. Giảm kiểu phản ứng dữ dội. Sự phản chiếu có thể trở thành chu kỳ cho việc tương tác trực diện. Khi một người trở nên kích động, thì người khác cũng thế. Sau đó sự tương tác càng ngày càng trở nên căng thẳng, điển hình là âm lượng tăng lên, lời nói thì gây sức ép nhiều hơn, ngôn từ mang tính công kích, và cử chỉ tay cùng nét mặt thì cường điệu hơn. Nếu bạn dễ dàng bị cuốn vào các kiểu tương tác dữ dội, bạn nên cân nhắc liệu sự tương tác như vậy có thể hiện cảm xúc thật sự của bạn hay không. Liệu người khác có chứng kiến cảm xúc mạnh mẽ của bạn hoặc trốn chạy để phù hợp với sự phản chiếu hay không. Khi bạn biết sự tham gia tương tác của mình không còn thể hiện cảm xúc thật sự nữa, bạn có thể hạ giọng điệu trò chuyện. Điều tuyệt vời khi nhận ra thời điểm mà sự phản chiếu đại diện cho suy nghĩ và cảm xúc tệ hại là: lúc đó bạn có thể dùng bản chất theo cùng một chu kỳ của sự phản chiếu để thay đổi cách tương tác. Đây là phương pháp để kiểm soát ấn tượng và đảm bảo người khác đánh giá bạn chính xác.
    • Nếu cuộc thảo luận trở nên tiêu cực hơn mong muốn, bạn có thể mở đầu bằng những lời tích cực. Thỉnh thoảng mỉm cười nhẹ nhàng, sẽ tạo ra hành vi phản ứng tương tự.
    • Dần giảm âm lượng và nói nhẹ nhàng để bớt cảm xúc mãnh liệt.
    • Cười đùa sẽ lan tỏa sự hài hước đến người khác để làm nhẹ bớt tâm trạng.

Thừa nhận sự phóng chiếu[sửa]

  1. Hãy tham gia lắng nghe có phản hồi với tư cách là người nghe để chắc rằng nhận thức của bạn dành cho người nói chuyện là chính xác. Nói với người phát biểu rằng bạn muốn lắng nghe có phản hồi để chắc rằng bạn đang hiểu họ. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội để bạn làm rõ ý và xác minh nhận thức của mình với người khác.
    • Phản hồi của bạn với người khác có thể bị bóp méo vì một số thành kiến cá nhân hoặc sự phóng chiếu. Sigmund Freud đã giới thiệu sự phóng chiếu như là một cơ chế bảo vệ và sau đó được mở rộng bởi Anna Freud. Để tránh phải giải quyết với những suy nghĩ và cảm xúc khó chấp nhận hoặc không mong muốn của riêng mình, chúng ta quy chúng cho người khác.[10] Điều này sau đó tô vẽ ấn tượng của chúng ta về hành vi của người khác và định hình cách mà chúng ta phản ứng với họ. Điều này cũng ảnh hưởng tới nhận thức của người khác về bạn. Để đảm bảo bạn đang cảm nhận đúng đắn về người khác và có phản ứng thích hợp, bạn nên tìm cách để xác minh nhận thức của mình.
  2. Trung thực với chính mình. Chúng ta tự lừa dối để bảo vệ ý thức về bản thân. Tất cả chúng ta đều sở hữu các phẩm chất và biểu lộ hành vi khiến ta không tự hào.[1] Carl Jung gọi tập hợp phẩm chất khó chịu và suy nghĩ, cảm xúc không được chấp nhận là bóng tối. Việc gán ghép bóng tối của chúng ta lên người khác giúp chúng ta giải tỏa khỏi tội lỗi và sự xấu hổ mà chúng ta trải nghiệm khi thừa nhận nó [11]. Những người khác sẽ không cố ý phớt lờ những phần thuộc về cá tính của bạn. Vì vậy phủ nhận chúng sẽ chỉ hạn chế khả năng để nhìn nhận chính mình như những gì người khác thấy ở bạn. Nếu người khác phê bình tính ghen tỵ, sự không khoan dung hoặc bất kỳ đặc điểm nào khác mà hầu hết bạn muốn phủ nhận, hãy tìm hiểu nếu bạn thực sự sở hữu chúng và chấp nhận điều đó.
    • Nếu điều gì đó thuộc về tính cách khiến bạn đủ mệt mỏi để chọn cách nói dối hay giấu nó đi thì bạn nên hành động để thay đổi. Trước tiên, bạn phải thừa nhận các đặc điểm để thay đổi chúng.
  3. Nhờ người khác giúp bạn hiểu rõ mình hơn. Cũng như bất kỳ thói quen nào, sự phóng chiếu thường xảy ra trong tiềm thức. Một khi bạn đã thừa nhận, hãy nhờ người khác giúp bạn hiểu bản thân hơn bằng cách trò chuyện khi bạn có hành vi đó.
    • Ngoài việc gán ghép suy nghĩ và cảm xúc của mình lên người khác, đôi khi chúng ta kết hợp sự phóng chiếu của người khác vào nhận thức của mình về bản thân. Có thể ai đó trong cuộc sống đặt cảm giác và cảm xúc tiêu cực lên bạn, vậy nên bạn phản ứng lại với sự tiêu cực đó. Và rồi người đó lại dùng phản ứng của bạn để kiểm chứng những cảm nhận về bạn [12] Hãy nhờ người ngoài quan sát sự tương tác của bạn với người đó và chia sẻ ý kiến của họ về động cơ.

Lời khuyên[sửa]

  • Rủ bạn bè đáng tin cậy tham gia vào quá trình khám phá. Họ có thể giúp xác định các đặc điểm và thói quen mà bạn đã không nhận ra.
  • Giữ một cuốn nhật ký để phân tích hành vi theo thời gian.
  • Đón nhận thông tin phản hồi và sự phê bình mà không trở nên phòng thủ.
  • Nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia tư vấn để có được kết quả tốt nhất từ các hoạt động khám phá.

Cảnh báo[sửa]

  • Chúng ta không phải lúc nào cũng thích những gì mình nhận ra khi thành thật và khách quan khám phá bản thân. Tránh trì hoãn quá lâu ở đặc điểm không mong muốn, và thay vào đó nên tập trung vào cơ hội để phát triển.
  • Các sự kiện chấn thương tâm lý trong quá khứ có thể khiến việc tự khám phá trở nên khó khăn hay đau đớn. Chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp bạn vượt qua vết thương lòng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]