Nhận biết bạn trai bạo hành

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đôi khi rất khó nhận thấy sự khác biệt khi người yêu của bạn có tâm trạng không vui hay người đó đang ngược đãi bạn. 57% sinh viên cho hay họ không biết rõ cách nhận diện bạo hành trong tình yêu.[1] Bạo hành xuất phát từ nhiều hình thức và không chỉ bao gồm bạo lực thể chất. Bạo hành cảm xúc, bạo hành tâm lý và sỉ nhục đều là hình thức bạo hành. Những kẻ bạo hành thường muốn kiểm soát bạn bằng cách đe dọa, ép buộc, thao túng, và dùng thủ đoạn. Mối quan hệ lành mạnh phải bao gồm sự tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng, chấp nhận, và cho phép nửa kia được là chính mình. Cho dù là đồng tính nam, thẳng, lưỡng giới, v.v…, bạn vẫn có nguy cơ bị bạo hành.[2] Nếu đang lo ngại về mối quan hệ xấu hoặc bạn trai có tính bạo lực, bạn cần nắm rõ dấu hiệu và cách thức để duy trì mối quan hệ lành mạnh và hạnh phúc.

Các bước[sửa]

Nhận biết dấu hiệu bạo hành cảm xúc và tâm lý[sửa]

  1. Nhận diện hành vi kiểm soát. Hành vi này có thể “bình thường” đối với bạn, nhưng đây lại là một dạng bạo hành.[3] Bạn trai có thể lúc nào cũng hỏi bạn đang làm gì vì anh ta quan tâm đến bạn rất nhiều, nhưng sự quan tâm thật sự phải bao gồm tin tưởng. Dưới đây là những dấu hiệu của hành vi kiểm soát:[4][5][6]
    • Yêu cầu bạn thường xuyên gọi cho anh ta, ngay cả trong lúc không phù hợp hoặc bất tiện
    • Muốn biết tất cả mọi thứ bạn làm
    • Không cho bạn đi với người khác mà không có anh ta đi cùng
    • Theo dõi điện thoại, hoạt động dùng internet, hoặc mạng xã hội
    • Tỏ thái độ không vui khi bạn ở bên người khác ngoài anh ta
    • Yêu cầu kiểm tra tin nhắn
    • Hỏi mật khẩu tài khoản
    • Kiểm soát trang phục, địa điểm lui tới, từng lời nói, v.v…
  2. Suy nghĩ về cảm nhận của bạn khi ở bên anh ta. Đôi khi bạn không thể nhận diện sự bạo lực trong tình yêu, đặc biệt nếu cho rằng “sự bạo hành” (thường là bạo lực thể chất) vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên, việc đánh giá cảm xúc đối với bạn trai có thể giúp bạn biết được mối quan hệ của mình có đang tốt đẹp hay không. Có thể bạn cảm thấy có điều gì đó “không đúng,” hoặc như thể đang “đi kiễng chân” và không biết điều gì khiến anh ta trở nên tức giận. Bạn sẽ cảm thấy mọi vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ đều do mình gây ra. Bạn nên cân nhắc những câu hỏi sau đây:[7]
    • Anh ta có chấp nhận con người của bạn, hay luôn ép bạn phải thay đổi?
    • Bạn cảm thấy xấu hổ hoặc bị lăng mạ khi ở cạnh bạn trai?
    • Bạn trai có đổ lỗi cho bạn về việc khiến cho cảm xúc hoặc hành động của anh ta trở nên như vậy?
    • Bạn có cảm thấy bản thân mình tồi tệ khi ở cạnh bạn trai?
    • Bạn cho rằng mình phải thay đổi để chứng minh “tình yêu” với bạn trai?
    • Bạn luôn cảm thấy đuối sức hay mệt mỏi khi tiếp xúc với anh ta?[8]
  3. Xem xét cách nói chuyện của bạn trai. Có những lúc chúng ta hối hận với những gì đã nói ra. Ngay cả trong mối quan hệ lành mạnh, không phải lúc nào cả hai đều nói chuyện tử tế và tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bạn trai không tôn trọng, làm mất thể diện, hăm dọa, hoặc sỉ nhục bạn, thì đây là những dấu hiệu của mối quan hệ xấu. Bạn nên tự hỏi bản thân những câu sau:[9][10]
    • Bạn có thấy rằng bạn trai luôn chỉ trích bạn, ngay cả khi trước mặt những người khác?
    • Bạn trai có gọi bạn bằng tên hay dùng từ ngữ sỉ nhục khác?
    • Bạn trai có la hét hay lớn tiếng với bạn hay không?
    • Bạn có thường hay cảm thấy bị làm nhục, phớt lờ hay nhạo báng?
    • Bạn trai có nói rằng bạn sẽ không bao giờ tìm được người nào “tốt hơn” anh ta, hay bạn không “xứng đáng” với người khác?
    • Bạn có thấy rằng những gì bạn trai nói về mình rất tiêu cực?
  4. Suy nghĩ về việc người kia có lắng nghe bạn hay không. Một vài người có bản tính thống trị mọi thứ, và đây là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn trai không quan tâm đến nhu cầu hay ý kiến của bạn, hoặc đưa ra quyết định liên quan đến hai người nhưng không trao đổi với bạn, thì đây không phải là điều bình thường. Trong một mối quan hệ lành mạnh, cả hai đều lắng nghe nhau, ngay cả khi bất đồng ý kiến, và thường cố gắng dàn xếp ổn thỏa. Mối quan hệ bạo hành thường chỉ thiên về một phía.[11]
    • Ví dụ, cân nhắc việc có tiếng nói trong kế hoạch chung. Bạn có thấy bạn trai biết lắng nghe, hay chỉ làm theo ý muốn của anh ta?
    • Bạn có thấy bạn trai quan tâm về cảm giác của bạn? Ví dụ, nếu bạn nói với bạn trai rằng lời nói của anh ta làm bạn không vui, liệu anh ta có chấp nhận và xin lỗi hay không?
    • Bạn có cảm thấy thoải mái khi trao đổi trực tiếp với bạn trai? Bạn có thấy rằng anh ta lắng nghe ý kiến trái ngược với mình?
  5. Suy nghĩ về việc bạn trai có nhận trách nhiệm hay không. Đặc điểm chung của những kẻ bạo hành đó là họ thường hay đổ trách nhiệm về hành động và cảm giác của mình cho người khác. Người có tính bạo lực cũng sẽ khiến bạn cảm thấy có lỗi vì đã không làm theo ý muốn của anh ta.[12]
    • Đôi khi điều này có thể khá hão huyền, đặc biệt nếu bạn trai so sánh bạn với người khác. Ví dụ, anh ta có thể nói rằng, “Anh rất mừng vì đã tìm thấy em. Em không như mấy cô dở hơi mà anh đã từng quen.” Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy người này thường xuyên đổ lỗi cho người khác vì đã khiến cho anh ta hành động hay có cảm giác nào đó, thì đây là dấu hiệu không tốt.[13]
    • Kẻ bạo hành cũng có thể gán trách nhiệm lên bạn vì hành động bạo lực của anh ta. Ví dụ, người này thường hay viện cớ rằng “Em làm anh bực quá nên anh không kiểm soát được” hoặc “Anh không thể không ghen với bạn em vì anh yêu em rất nhiều.” Bạn cần nhớ rằng mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về cảm giác và hành động của mình chứ không phải người khác.
    • Kẻ bạo hành thường hay có được thứ mình muốn bằng cách đổ lỗi cho bạn, như thể chính bạn đã mang lại cảm giác tiêu cực cho anh ta. Ví dụ, “Nếu em chia tay thì anh sẽ tự tử” hoặc “Anh sẽ điên tiết nếu em đi chơi với anh ta một lần nữa.” Loại hành vi này là không bình đẳng và lành mạnh.

Nhận biết lạm dụng tình dục[sửa]

  1. Cân nhắc xem bạn có thoải mái khi quan hệ với bạn trai hay không. Người ta thường cho rằng khi yêu thì “phải” quan hệ. Điều này không hề đúng đắn. Một mối quan hệ lành mạnh bao gồm hoạt động tình dục mang tính tự nguyện và thỏa mãn cả hai. Nếu bạn cảm thấy không được tôn trọng thì đây là dấu hiệu của lạm dụng.[11]
    • Một số người cho rằng bạn không thể đỗ lỗi cho bạn trai vì đã cưỡng hiếp mình, nhưng điều này hoàn toàn sai. Có bạn trai không có nghĩa là bạn không thể từ chối anh ta. Nếu người này ép buộc bạn quan hệ, ngay cả khi trước đó cả hai đều tự nguyện, thì đây vẫn là hành động cưỡng hiếp.[14][15]
    • Hành động quan hệ của anh ta khi bạn đang say, không tỉnh táo, bị đánh thuốc, hoặc không thể đồng ý đều mang tính chất lạm dụng.[16]
  2. Xem xét trường hợp bị áp đặt quan hệ. Ngoài hành động cưỡng hiếp thì có nhiều cách lạm dụng người khác. Ví dụ, kẻ bạo hành có thể ép buộc quan hệ ngay cả khi đối phương không muốn. Nếu bạn cảm thấy bị áp đặt hay thao túng phải quan hệ, thì đây là hành động lạm dụng.[17]
    • Ví dụ, bạn trai có thể nói rằng “Nếu em thật sự yêu anh thì phải chấp nhận điều này” hoặc “Người con gái nào cũng như vậy cả, cho nên em cũng phải làm theo.” Đây là những lời nói ép buộc, khiến bạn cảm thấy xấu hổ và phải đáp ứng nhu cầu của anh ta.
    • Yêu cầu hành động quan hệ cụ thể mà bạn không thích là một hành vi bạo hành. Ngay cả khi yêu thích một số hoạt động nào đó, bạn cũng không nên để bạn trai ép mình phải thực hiện khi không thấy hứng thú, hoặc làm bạn sợ hãi hay bị làm phiền. Bạn có quyền đồng ý và từ chối khi thích hợp.
    • Ép buộc nhắn tin kích thích hay gửi ảnh nóng là hành động lạm dụng. Bạn cần lưu ý rằng việc gửi hoặc nhận tin nhắn kích thích hay ảnh nóng khi đang dưới 18 tuổi bị xếp vào hình thức khiêu dâm trẻ em.[18]
  3. Xem xét hành vi tôn trọng sức khỏe. Bạn có quyền bảo vệ sức khỏe cá nhân và tình dục cả mình bằng cách sử dụng biện pháp tránh thai và phòng ngừa nhiễm khuẩn qua đường tình dục (STI).[19]
    • Đối tác phải tôn trọng quyết định của bạn. Ví dụ, nếu bạn muốn dùng bao cao su và áp dụng hành vi quan hệ tình dục an toàn khác, người kia không được đổ lỗi hay ép bạn dùng biện pháp khác.
    • Anh ta không được quan hệ nếu không dùng biện pháp tránh thai/phòng ngừa STI hay viện cớ rằng “Anh quên mang bao cao su rồi”.

Nhận biết bạo lực thể chất[sửa]

  1. Hiểu rằng bạo lực thể chất không xảy ra tức thời. Mối quan hệ bạo hành không nhất thiết luôn phải có hành vi bạo lực. Trên thực tế, ban đầu họ có vẻ là người tốt, giống như khi đối phương là “bạn trai lý tưởng” của bạn. Tuy nhiên, tất cả hành vi bạo lực đều chuyển biến xấu theo thời gian, và nếu một người sẵn sàng bạo hành theo cách này thì cũng sẽ trở nên bạo lực theo cách khác.[20]
    • Bạo lực thể chất có thể diễn ra theo chu kỳ. Đôi khi kẻ bạo hành có thể đối xử tốt với bạn, nhưng trong thời điểm căng thẳng leo thang thì anh ta có thể thực hiện hành vi bạo lực. Sau đó, người này có thể xin lỗi, cảm thấy tồi tệ và hứa hẹn thay đổi. Nhưng rồi anh ta lại tiếp tục hành vi của mình.[21]
  2. Lưu ý rằng ngay cả hành vi bạo lực chỉ diễn ra một lần cũng là quá nhiều. Bạo hành là điều không thể chấp nhận được. Kẻ bạo hành có thể viện cớ bằng việc “cảm thấy tức giận” hoặc rượu bia hay ma túy. Tuy nhiên, những người bình thường không bao giờ thể hiện cảm xúc bằng bạo lực. Nếu bạn trai có hành động như vậy, anh ta cần được khuyên răn.[22]
    • Một người không đơn giản chỉ “trở nên” bạo lực khi say xỉn. Nếu bạn trai viện cớ do rượu bia gây nên hành vi bạo lực, anh ta đang tìm cách trốn tránh trách nhiệm cho hành động của mình.[23]
    • Hành vi thể hiện cảm xúc bằng bạo lực là dấu hiệu cảnh báo bạo lực leo thang trong tương lai. Nếu bạn trai trở nên hung hăn thường xuyên, bạn nên cân nhắc từ bỏ mối quan hệ này.
  3. Suy nghĩ về cảm giác an toàn khi ở bên cạnh bạn trai. Đôi khi trong một mối quan hệ sẽ có một người giận dữ với người kia và điều này là bình thường. Tuy nhiên, một người tôn trọng đối phương sẽ không bao giờ làm hại hay đe dọa người kia, ngay cả khi đang giận dữ. Nếu bạn cảm thấy bất an khi ở gần bạn trai, điều này có nghĩa anh ta là kẻ bạo hành.[24]
    • Người chuyển giới và đồng tính thường bị kẻ bạo hành ép buộc tách khỏi cộng đồng, bạn bè, gia đình, hoặc trường học. Đây là hành vi mang tính bạo lực.[25]
    • Một số kẻ bạo hành đe dọa tự làm hại bản thân nếu bạn không làm theo ý muốn của chúng. Đây cũng là một dạng hành vi bạo lực.
  4. Nhận biết các loại bạo lực thể chất khác. Đấm, đá, tát là những hành vi bạo lực thể chất rõ ràng. Tuy nhiên, có một số hình thức bạo lực thể chất khác mà bạn chưa nắm rõ, bao gồm:[26][22]
    • Phá đồ đạc của bạn, chẳng hạn như đập điện thoại hoặc khóa xe máy
    • Không cung cấp nhu cầu cơ bản của bạn, chẳng hạn như thức ăn và giấc ngủ
    • Ràng buộc về thể chất mà không có sự đồng ý của bạn
    • Không cho bạn ra khỏi nhà hoặc xe, đi bệnh viện, hoặc gọi dịch vụ khẩn cấp
    • Dùng vũ khí đe dọa bạn
    • Đá bạn ra khỏi nhà hoặc xe
    • Bỏ rơi bạn ở nơi lạ hoặc nguy hiểm
    • Bạo hành con cái hoặc thú cưng của bạn
    • Lái xe bất cẩn khi đang chở bạn

Đối phó với bạo hành[sửa]

  1. Hiểu rằng bạo hành không phải do bạn gây ra. Người ta thường hiểu sai lệch rằng nạn nhân “đáng” bị như vậy. Ví dụ, khi Chris Brown đánh Rihanna, nhiều người tin rằng Rihanna đã làm điều gì đó tồi tệ và “đáng” bị như vậy. Điều này hoàn toàn sai. Cho dù bạn có hay không làm gì, không ai có quyền sử dụng bạo lực với bạn và bạo hành luôn thuộc về trách nhiệm của kẻ đã thực hiện hành vi này.[27]
    • Điều này áp dụng cho tất cả hình thức bạo lực, không chỉ riêng bạo lực thể chất. Mỗi người đáng được đối xử với lòng tự trọng và sự tử tế.
  2. Gọi đường dây nóng bạo lực gia đình. Các số điện thoại này có chức năng hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành. Bạn sẽ được gặp người hỗ trợ có thể lắng nghe và giúp bạn giải quyết tình huống của mình.[28]
    • Tại Việt Nam, bạn có thể gọi Đường dây nóng Phòng chống Bạo lực Gia đình: (04) 37 359 339.
  3. Trò chuyện với người mà bạn tin tưởng. Nếu lo ngại rằng bạn trai là kẻ bạo hành, bạn cần trao đổi điều này với người mà mình tin tưởng. Họ có thể là cha mẹ, tư vấn viên, cán bộ trường, hoặc ai đó ở trong chùa. Điều quan trọng là bạn cần tìm người biết lắng nghe nhưng không phán xét và hỗ trợ bạn.[29]
    • Thoát khỏi mối quan hệ bạo hành có thể khá nguy hiểm. Bạn cần trao đổi với người có thể giúp đỡ để bản thân không phải tự giải quyết một mình.
    • Ghi nhớ rằng việc nhờ giúp đỡ không phải là yếu đuối hay thất bại. Điều này chứng minh bạn đủ nghị lực để thực hiện những điều mình cho là tốt.
  4. Tìm nơi trú ẩn an toàn. Nếu cảm thấy người bạn trai đang gây nguy hiểm cho mình, bạn cần tránh xa càng sớm càng tốt. Gọi cho bạn thân hoặc người thân để ở nhờ trong nhà họ. Liên lạc với cơ quan phòng chống bạo lực gia đình tại địa phương để tìm trung tâm bảo vệ phụ nữ. Nếu bắt buộc thì phải gọi cảnh sát. Không nên tiếp tục ở gần kẻ bạo hành.[29]
    • Nếu bị xâm hại thể chất hoặc tình dục, bạn cần gọi cảnh sát và đi bệnh viện ngay lập tức.[30]
  5. Tận dụng sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè. Vượt qua mối quan hệ bạo hành không phải là điều dễ dàng. Kẻ bạo hành thường tách bạn ra khỏi bạn bè và người thân. Người cũ có tính bạo lực có thể khiến bạn cảm thấy sợ hãi, cô độc, hoặc vô dụng. Bạn cần liên lạc lại với bạn bè và người thân để thoát khỏi ám ảnh bị bạo hành và khẳng định rằng mình là người đáng được tôn trọng và quan tâm.[30]
    • Tham gia các hoạt động và câu lạc bộ ngoại khóa tại trường.
    • Trở thành người bảo vệ nạn nhân bị bạo hành. Nhiều trường học và cộng đồng tổ chức chương trình giáo dục về sự bạo hành. Nếu chưa có thì bạn có thể tự bắt đầu chương trình mới!
  6. Đánh giá cao bản thân. Có thể bạn đã phải nghe quá nhiều lời nói mang tính bạo lực đến nỗi bộ não dần chấp nhận đó là “bình thường” hoặc đúng đắn. Ghi nhớ rằng không có ngôn từ bạo hành nào của bạn trai là đúng cả. Nếu có suy nghĩ tiêu cực về bản thân, bạn cần loại bỏ chúng càng sớm càng tốt. Thay vào đó, bạn nên suy nghĩ tích cực, tìm lập luận hợp lý trong tư duy, hoặc điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực theo hướng tốt.[31]
    • Ví dụ, có thể bạn suy nghĩ tiêu cực về ngoại hình của bản thân, đặc biệt là khi kẻ bạo hành thường xuyên chỉ trích bạn. Thay vào đó, bạn nên tìm ưu điểm của mình và trân trọng nó. Ban đầu bạn có thể thấy hơi “giả tạo” vì chưa quen với lối suy nghĩ này, nhưng về sau bạn sẽ dần vượt qua được tổn thương khi bị bạo hành.
    • Nếu diễn tả chung chung về bản thân, chẳng hạn như “Mình là kẻ thất bại,” bạn nên tìm lý do để đưa ra kết luận này. Tuy nhiên, bạn sẽ không nhận ra cơ sở nào chứng minh điều này. Bạn nên tập trung vào chi tiết cụ thể, và nếu không phải là vấn đề quá lớn lao, bạn có thể tìm cách giải quyết ổn thỏa: “Hôm nay mình xem tivi nhiều và chưa làm bài tập. Ngày mai mình sẽ hoàn thành và tự thưởng cho bản thân mà không cảm thấy có lỗi.”
    • Ghi nhận thành tựu nhỏ. Những người bị bạo hành thường hay phải đối mặt với suy nghĩ rằng mình là kẻ vô dụng. Bạn nên trân trọng thành tích của mình, kể cả những điều nhỏ bé.

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng ngại nhờ giúp đỡ. Không ai có thể tự mình vượt qua khoảng thời gian tồi tệ này.
  • Có rất nhiều tổ chức hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành. Bạn có thể tra cứu trên internet hoặc danh bạ để tìm trung tâm cộng đồng, bệnh viện tâm thần, cơ quan phòng chống bạo lực gia đình, và các tổ chức khác.
  • Nếu ai đó phán xét khi bạn trao đổi với họ, bạn không nên chấp nhận đó là sự thật. Đôi khi người ta khó tin rằng sự bạo hành “đang thực sự diễn ra.” Điều quan trọng là bạn cảm thấy thế nào, chứ không phải là người khác nói gì. Nếu người này vội vã lên án thì bạn nên tìm người khác để được giúp đỡ.

Cảnh báo[sửa]

  • Không nên tin vào lời hứa thay đổi. Trừ khi kẻ bạo hành đã được tư vấn và thật sự muốn thay đổi, còn không thì anh ta sẽ không bao giờ sửa đổi.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.loveisrespect.org/resources/dating-violence-statistics/
  2. http://www.avp.org/storage/documents/ncavp_2012_ipvreport.final.pdf
  3. http://teens.webmd.com/boys/features/abusive-relationship-and-teens
  4. http://www.loveisrespect.org/is-this-abuse/
  5. http://kidshealth.org/teen/your_mind/relationships/abuse.html
  6. http://www.womenshealth.gov/violence-against-women/am-i-being-abused/
  7. http://psychcentral.com/blog/archives/2014/10/13/21-warning-signs-of-an-emotionally-abusive-relationship/
  8. http://www.conflictmanagementinc.com/uploads/Universal_Red_Flags.pdf
  9. http://www.biomedsearch.com/article/essential-elements-healthy-relationship-Relationships/99514103.html
  10. http://www.helpguide.org/articles/abuse/domestic-violence-and-abuse.htm
  11. 11,0 11,1 http://psychcentral.com/blog/archives/2013/09/28/recognizing-the-signs-of-domestic-violence/
  12. http://utpolice.utk.edu/files/2013/01/Signs-to-Look-for-in-an-Abusive-Personality.pdf
  13. https://www.psychologytoday.com/blog/anger-in-the-age-entitlement/200812/are-you-dating-abuser
  14. https://www.rainn.org/public-policy/sexual-assault-issues/marital-rape
  15. http://stoprelationshipabuse.org/educated/types-of-abuse/sexual-abuse/
  16. http://www.loveisrespect.org/is-this-abuse/types-of-abuse/
  17. http://teenrelationships.org/sexual-abuse/
  18. http://cyberbullying.us/summary-of-state-sexting-laws/
  19. http://www.plannedparenthood.org/learn/stds-hiv-safer-sex/safer-sex
  20. http://www.thehotline.org/is-this-abuse/abuse-defined/
  21. http://www.ncadv.org/need-support/what-is-domestic-violence
  22. 22,0 22,1 http://stoprelationshipabuse.org/educated/types-of-abuse/physical-abuse/
  23. http://www1.umn.edu/humanrts/svaw/domestic/link/alcohol.htm
  24. http://www.justice.gov/ovw/domestic-violence
  25. http://www.helpguide.org/articles/abuse/help-for-abused-men.htm
  26. http://www.thehotline.org/is-this-abuse/abuse-defined
  27. http://teens.webmd.com/boys/features/abusive-relationship-and-teens?page=2
  28. http://www.thehotline.org/help/what-to-expect-when-you-contact-the-hotline/
  29. 29,0 29,1 http://www.pamf.org/teen/abc/unhealthy/abusiverelationships.html
  30. 30,0 30,1 http://kidshealth.org/teen/your_mind/relationships/abuse.html#
  31. http://psychcentral.com/lib/challenging-negative-self-talk/