Nhận biết bệnh tâm thần phân liệt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Việc chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt là một quá trình lâm sàng diễn ra phức tạp mà trước đây là đề tài gây nhiều tranh luận. Bạn không thể tự mình chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt, mà phải nhờ một chuyên gia lâm sàng như bác sĩ chuyên khoa tâm thần hay nhà tâm lý học lâm sàng. Chỉ có chuyên gia về sức khỏe tâm thần mới có thể chẩn đoán chính xác bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, nếu bạn nghi ngờ mình bị tâm thần phân liệt thì có thể tìm hiểu một số đặc điểm bệnh để có cái nhìn rõ hơn về chứng tâm thần phân liệt và xác định xem mình có nguy cơ hay không.

Các bước[sửa]

Nhận diện Triệu chứng Đặc thù[sửa]

  1. Phân biệt triệu chứng đặc thù (Tiêu chí A). Để chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt, đầu tiên chuyên gia lâm sàng về sức khỏe tâm thần sẽ tìm triệu chứng thuộc năm “nhóm” sau: ảo tưởng, ảo giác, nói và suy nghĩ lộn xộn, hành vi có động cơ lộn xộn hoặc bất thường (bao gồm rối loạn tâm lý), và các triệu chứng tiêu cực cho thấy giảm biểu lộ hành vi.[1][2]
    • Bạn phải có ít nhất 2 triệu chứng trở lên. Mỗi triệu chứng phải xảy ra trong khoảng thời gian đáng kể trong chu kỳ 1 tháng (ít hơn nếu triệu chứng đã được điều trị). Tối thiểu một trong hai triệu chứng đó phải thuộc nhóm ảo tưởng, ảo giác hoặc nói năng lộn xộn.[3]
  2. Nhận biết chứng ảo tưởng. Ảo tưởng là một niềm tin vô lý thường xuất hiện khi người bệnh nhận thấy mối đe dọa nào đó, nhưng tất cả những người khác đều không nhận thấy mối đe dọa này. Ảo tưởng vẫn tiếp tục tồn tại dù có bằng chứng cho thấy điều đó không thể là sự thật.[4]
    • Có sự khác biệt giữa ảo tưởng và hoài nghi. Nhiều người đôi khi có những nghi ngờ không hợp lý, chẳng hạn như cho rằng đồng nghiệp đang “cố ý gây phiền toái cho mình” hoặc nghĩ rằng mình đang bị “vận xui đeo đuổi”. Bạn phải phân biệt dựa trên mức độ của những niềm tin này, liệu chúng có khiến bạn căng thẳng đến mức không thể làm việc hiệu quả.
    • Ví dụ, nếu bạn tin là chính phủ đang theo dõi mình, đến độ không dám ra khỏi nhà để đi làm hay đi học thì đó là dấu hiệu niềm tin vô lý đang gây bất ổn trong cuộc sống.[5]
    • Thỉnh thoảng có những ảo tưởng rất kỳ quái, chẳng hạn như tin rằng bạn là một loài vật hay sinh vật siêu nhiên. Nếu bạn phát hiện mình tin vào điều gì nằm ngoài khả năng bình thường có thể xảy ra thì đây có khả năng là dấu hiệu của ảo tưởng (nhưng chắc chắn không phải là khả năng duy nhất).
  3. Để ý xem bạn có mắc chứng ảo giác. Ảo giác là những trải nghiệm thuộc giác quan dường như có thật nhưng thực ra chỉ có trong tâm trí của bạn.[6] Ảo giác thường xảy ra dưới dạng thính giác (nghe được), ảo thị (thấy được), ảo khứu (ngửi được), hoặc ảo giác xúc giác (sờ được, như cảm giác kiến bò trên da). Ảo giác có thể tác động tới bất kì giác quan nào.[7]
    • Ví dụ, bạn có thường xuyên cảm thấy có gì đó bò trên tay không? Có hay nghe thấy tiếng động dù không có người xung quanh? Bạn có nhìn thấy những thứ mà “lẽ ra không thể” ở đó, hoặc không có ai nhìn thấy?
  4. Nghĩ về niềm tin tôn giáo và tập tục văn hóa. Có niềm tin mà người khác cho rằng “kỳ lạ” không có nghĩa bạn đang ảo tưởng. Tương tự như vậy, thấy những thứ mà người khác không thấy không phải luôn luôn là một ảo giác nguy hiểm. Niềm tin chỉ có thể phán xét là “ảo tưởng” hay nguy hiểm khi xét theo các tập tục tôn giáo và văn hóa ở địa phương. Niềm tin và cách nhìn nhận của mỗi người thường chỉ là dấu hiệu của chứng loạn tâm thần hay tâm thần phân liệt nếu nó gây trở ngại bất lợi trong cuộc sống hằng ngày.
    • Ví dụ, niềm tin cho rằng hành động xấu xa sẽ bị trừng phạt bởi “số kiếp” hay “nghiệp chướng” dường như khá ảo tưởng với một số nền văn hóa, nhưng hoàn toàn bình thường với các dân tộc khác.[8]
    • Cách nhìn nhận về ảo giác cũng tùy thuộc vào tập quán văn hóa. Ví dụ, trẻ em ở nhiều nền văn hóa có thể có ảo giác thính giác hay thị giác như nghe thấy giọng nói của người thân đã chết mà không bị xem là loạn tâm thần, và chúng cũng không mắc chứng loạn tâm thần khi lớn lên.[9][10][11]
    • Những người quá mộ đạo có nhiều khả năng thấy hoặc nghe một số điều khác thường, như nghe thấy giọng nói của thần thánh hoặc nhìn thấy thiên thần. Nhiều hệ thống tín ngưỡng chấp nhận các trải nghiệm này là thật và tốt, thậm chí là điều mà họ hằng tìm kiếm. Trừ khi trải nghiệm này gây căng thẳng hoặc nguy hiểm cho bản thân họ hoặc cho người khác, bình thường chúng không phải là điều đáng lo.[12]
  5. Cách nói năng và suy nghĩ của bạn có lộn xộn không? Bạn nên hiểu nói và suy nghĩ lộn xộn theo đúng nghĩa đen của nó. Nghĩa là bạn cảm thấy khó có thể trả lời thấu đáo và đầy đủ cho các câu hỏi. Câu trả lời của bạn thường lạc đề, rời rạc hoặc không hoàn chỉnh. Trong nhiều trường hợp, nói năng lộn xộn còn đi kèm theo sự bất lực hay không muốn nhìn thẳng vào người nghe, hoặc sử dụng cách giao tiếp không bằng lời, như dùng cử chỉ hay ngôn ngữ cơ thể.[13] Bạn phải nhờ người khác chú ý xem có xảy ra điều này hay không.
    • Với trường hợp bệnh nặng lời nói bị “đan xen lẫn lộn”, các chuỗi lời nói và ý nghĩ không liên quan với nhau và người nghe không thể hiểu.[14]
    • Cũng như các triệu chứng khác trong phần này, bạn phải xem xét tật nói và suy nghĩ “lộn xộn” trong bối cảnh văn hóa và xã hội nơi bạn sống.[15] Ví dụ, một số tín ngưỡng cho rằng người ta sẽ nói bằng thứ ngôn ngữ kỳ lạ không thể hiểu khi được tiếp xúc với một nhân vật thần linh nào đó. Ngoài ra, văn kể chuyện cũng có cách kết cấu khác rất nhiều giữa các nền văn hóa, một số nơi có những câu chuyện truyền miệng tỏ ra “kỳ lạ” hoặc “bố cục lộn xộn” đối với người ngoài không quen với tập tục và văn hóa của người kể.[16]
    • Ngôn ngữ của bạn chỉ có thể xem là lộn xộn nếu người khác đã quen với tập tục văn hóa và tôn giáo của bạn mà vẫn không thể hiểu hay giải nghĩa được (hay trong các tình huống mà ngôn ngữ của bạn “lẽ ra” phải hiểu được).
  6. Nhận diện hành vi loạn tâm thần hay hoàn toàn hỗn loạn. Hành vi loạn tâm thần hay hoàn toàn hỗn loạn biểu hiện dưới một số cách khác nhau. Bạn có thể cảm thấy không tập trung, thậm chí không thể làm các công việc đơn giản như rửa tay, hoặc bị kích động, khờ khạo hay hứng thú một cách không tưởng tượng nổi. Động cơ hành vi “bất thường” biểu hiện dưới dạng hành vi không phù hợp, không tập trung, thái quá hoặc không có mục đích. Ví dụ, bạn khua tay điên cuồng hoặc làm động tác kì lạ.[14][17]
    • Rối loạn tâm thần là một dấu hiệu khác của động cơ hành vi bất thường. Đối với người bị tâm thần phân liệt nặng, họ có thể ngồi yên không nói trong nhiều ngày liên tục. Những người bị rối loạn tâm thần không phản ứng với yếu tố kích thích từ bên ngoài, chẳng hạn như gợi ý nói chuyện hay đụng chạm vào cơ thể như sờ và khều.[18]
  7. Đánh giá tình trạng mất chức năng. Triệu chứng tiêu cực là những triệu chứng cho thấy “suy giảm” biểu hiện hành vi “bình thường”. Ví dụ, suy giảm biểu hiện tình cảm là một “triệu chứng tiêu cực”, kể cả mất hứng thú với những thứ bạn từng thích hoặc mất động lực làm việc cũng được xem là suy giảm chức năng tiêu cực.[19]
    • Triệu chứng tiêu cực cũng có thể liên quan tới mặt nhận thức, chẳng hạn như khó tập trung. Các triệu chứng về mặt nhận thức thường gây tổn hại nhiều hơn và người khác dễ dàng nhận ra hơn so với chứng thiếu tập trung hay thiếu chú ý thường thấy ở người bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).[20]
    • Không giống như bệnh thiếu chú ý (ADD) hoặc bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), những khó khăn về mặt nhận thức diễn ra trong nhiều bối cảnh khác nhau của cuộc sống và gây rắc rối đáng kể.

Xem xét Cuộc sống của Bạn bên cạnh Cuộc sống của Người khác[sửa]

  1. Đánh giá công việc và đời sống xã hội của bạn (Tiêu chí B). Tiêu chí thứ hai để chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt là “rối loạn chức năng xã hội/nghề nghiệp”. Tình trạng loạn chức năng phải xảy ra trong khoảng thời gian đáng kể từ khi bắt đầu biểu hiện triệu chứng. Nhiều vấn đề khác về sức khỏe cũng gây loạn chức năng trong công việc và đời sống xã hội, vì vậy ngay cả khi bạn đang gặp rắc rối ở một hay nhiều lĩnh vực của cuộc sống thì cũng không có nghĩa bạn bị tâm thần phân liệt. Một hoặc nhiều lĩnh vực “quan trọng” chịu ảnh hưởng tiêu cực là:[21]
    • Công việc/Học hành
    • Quan hệ cá nhân
    • Chăm sóc bản thân
  2. Nghĩ về cách bạn xử lý công việc. Một trong những tiêu chí để đánh giá “loạn chức năng” là khả năng hoàn thành yêu cầu công việc. Nếu còn là một sinh viên chưa ra trường đi làm thì bạn phải xem xét khả năng học tập của mình. Suy nghĩ về những câu hỏi sau:
    • Bạn có thấy tự tin mỗi khi rời nhà tới chỗ làm hay trường học?
    • Bạn có gặp khó khăn khi phải tới lớp đúng giờ hay có mặt đều đặn theo thời khóa biểu?
    • Có phần việc nào mà giờ đây bạn thấy sợ phải làm?
    • Nếu là sinh viên, kết quả học tập của bạn có bị ảnh hưởng xấu không?
  3. Ngẫm nghĩ về mối quan hệ của bạn với người khác. Việc này cần được xem xét trên cơ sở thế nào là bình thường với bạn. Nếu bạn vẫn luôn là một người rụt rè thì việc không muốn giao tiếp với người khác không nhất thiết là dấu hiệu của loạn chức năng. Tuy nhiên, nếu bạn để ý thấy hành vi và động cơ của mình trở nên không “bình thường” với mình, đó có thể là điều bạn cần cho chuyên gia sức khỏe tâm thần biết.
    • Bạn vẫn còn cảm thấy hứng thú với các mối quan hệ trước đây?
    • Bạn còn thích xã giao theo cách mình thường làm không?
    • Bạn có cảm thấy không còn thích nói chuyện với người khác nhiều như trước đây?
    • Bạn có cảm thấy sợ hay rất lo lắng mỗi khi tương tác với người khác?
    • Bạn có thấy bị người khác quấy rầy hoặc nghi ngờ họ có động cơ không muốn cho bạn biết?
  4. Nghĩ về hành vi tự chăm sóc bản thân. “Tự chăm sóc bản thân” ý nói khả năng tự lo cho chính mình để duy trì sức khỏe và chức năng hoạt động. Tiêu chí này cũng cần phải đánh giá dựa trên cơ sở “thế nào là bình thường với bạn”. Vì vậy nếu bạn thường tập thể dục 2-3 lần mỗi tuần nhưng đã ba tháng nay không còn thích tập thì đó có thể là dấu hiệu của sự rối loạn. Các hành vi sau cũng là dấu hiệu xao nhãng chăm sóc bản thân:[22]
    • Bạn bắt đầu sử dụng hoặc tăng lạm dụng chất kích thích, chẳng hạn như rượu bia hay ma túy
    • Bạn ngủ không ngon hoặc thời gian ngủ thay đổi trong phạm vi rộng (ví dụ, tối qua ngủ 2 tiếng, tối nay ngủ 14 tiếng v.v...)
    • Bạn không “cảm thấy” vừa ý, hoặc thấy “tẻ nhạt”
    • Vệ sinh thân thể ngày càng bê bối
    • Không thu dọn nơi ở

Nghĩ về Khả năng khác[sửa]

  1. Chú ý xem các triệu chứng đã xuất hiện bao lâu (Tiêu chí C). Để chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt, chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ hỏi bạn tình trạng rối loạn và các triệu chứng đã xảy ra bao lâu. Nếu đúng là bệnh tâm thần phân liệt thì tình trạng rối loạn phải xảy ra ít nhất 6 tháng.[21]
    • Thời gian này phải bao gồm ít nhất 1 tháng diễn ra “tình trạng hoạt động” của các triệu chứng được nói tới trong Phần 1 (Tiêu chí A), dù yêu cầu 1 tháng này có thể ít đi nếu triệu chứng được điều trị.
    • Thời gian 6 tháng cũng có thể bao gồm các giai đoạn xuất hiện triệu chứng “tiền triệu” hay triệu chứng tàn dư. Trong các giai đoạn này, triệu chứng có khi ít mãnh liệt (tức là “yếu ớt”) hoặc có khi chỉ xuất hiện những “triệu chứng tiêu cực” như ít có cảm xúc hay không muốn đụng tay vào bất cứ việc gì.
  2. Loại trừ các căn bệnh có thể là thủ phạm (Tiêu chí D). Rối loạn phân liệt cảm xúc và rối loạn lưỡng cực (hay chứng trầm cảm) cùng với các đặc điểm rối loạn thần kinh có thể tạo ra những triệu chứng rất giống với bệnh tâm thần phân liệt. Các bệnh khác hay những chấn thương thể chất như đột quỵ và khối u cũng gây ra triệu chứng rối loạn thần kinh.[23] Đó là lý do vì sao bạn rất cần một chuyên gia lâm sàng về sức khỏe tâm thần giúp đỡ. Bạn không thể tự mình phân biệt rạch ròi các triệu chứng này.[21]
    • Chuyên gia lâm sàng sẽ hỏi bạn liệu thời điểm vui buồn lẫn lộn hay trầm cảm nặng có xảy ra đồng thời với lúc các triệu chứng đang ở “giai đoạn hoạt động” không.
    • Thời điểm trầm cảm nặng bao gồm ít nhất một trong những tình trạng sau trong thời gian tối thiểu 2 tuần: tâm trạng ưu tư hay mất hứng thú, niềm vui trong những việc mà trước đây rất thích. Thời điểm trầm cảm cũng bao gồm những triệu chứng thường xuyên hay gần như lúc nào cũng diễn ra trong khung thời gian đó, chẳng hạn như thay đổi cân nặng, bất ngờ đổi thói quen ngủ, mệt mỏi, dễ kích động hoặc trầm lắng, cảm thấy tội lỗi hay vô dụng, khó tập trung và suy nghĩ, thường suy nghĩ về cái chết.[24] Chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ giúp bạn xác định liệu đã từng trải qua thời điểm trầm cảm nặng hay chưa.
    • Thời điểm vui buồn lẫn lộn là khoảng thời gian rất dễ nhận biết (thường ít nhất là 1 tuần) khi bạn có tâm trạng hưng phấn tăng cao bất thường, dễ nổi nóng hoặc cởi mở. Bạn cũng biểu hiện ít nhất ba triệu chứng khác như ít muốn ngủ hơn, ý tưởng thổi phồng về bản thân, suy nghĩ phù phiếm hoặc thoáng qua, xao nhãng, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động hướng mục tiêu, hoặc tham gia thái quá vào hoạt động vui chơi, đặc biệt những hoạt động có nguy cơ hay tiềm năng gây ra hậu quả tiêu cực.[25] Chuyên gia sức khỏe tâm thần giúp bạn xác định liệu đã từng trải qua thời điểm vui buồn lẫn lộn hay chưa.
    • Họ cũng hỏi bạn xem các thời điểm có tâm trạng này kéo dài bao lâu trong “thời gian hoạt động” của các triệu chứng. Nếu thời điểm có tâm trạng chỉ xảy ra ngắn gọn so với thời gian triệu chứng diễn ra ở giai đoạn hoạt động và tàn dư thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt.
  3. Loại trừ nguyên nhân sử dụng chất kích thích (Tiêu chí E). Sử dụng chất kích thích như rượu bia và ma túy có thể gây ra những triệu chứng tương tự như bệnh tâm thần phân liệt. Khi chẩn đoán bệnh chuyên gia lâm sàng phải đảm bảo rằng chứng rối loạn và triệu chứng bạn đang gặp phải không phải do “ảnh hưởng sinh lý học trực tiếp” của chất kích thích, như ma túy và các loại thuốc phi pháp.[21]
    • Cho dù hợp pháp nhưng các thuốc kê toa có thể gây ra tác dụng phụ như ảo giác. Đối với bác sĩ lâm sàng họ phải phân biệt được đâu là tác dụng phụ do sử dụng thuốc và đâu là triệu chứng của bệnh.
    • Rối loạn sử dụng chất kích thích (thường gọi là “lạm dụng chất kích thích”) hay xảy ra đồng thời với bệnh tâm thần phân liệt. Nhiều người mắc bệnh tâm thần phân liệt cố gắng “tự điều trị” triệu chứng của họ bằng thuốc, rượu bia và ma túy. Chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ giúp xác định liệu bạn có đang lạm dụng chất kích thích hay không.[26]
  4. Xem xét tình trạng của mình trong mối liên hệ với bệnh Chậm Phát triển Toàn diện hay Rối loạn Phổ Tự kỷ. Đây là một yếu tố khác mà chuyên gia lâm sàng cần xử lý. Chứng chậm phát triển toàn diện hay rối loạn phổ tự kỷ cũng gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh tâm thần phân liệt.[21]
    • Nếu thuở nhỏ bạn từng có tiền sử rối loạn phổ tự kỷ hay các bệnh rối loạn về khả năng giao tiếp thì chỉ có thể kết luận về bệnh tâm thần phân liệt khi những ảo tưởng hay ảo giác diễn ra rõ ràng.
  5. Các tiêu chí này không “đảm bảo” bạn bị tâm thần phân liệt. Người ta xem những tiêu chí để kết luận bệnh tâm thần phân liệt và nhiều bệnh tâm thần khác là có nhiều điểm chung. Nghĩa là có nhiều cách lý giải triệu chứng và chúng cũng kết hợp theo nhiều cách khác nhau, và biểu hiện không giống nhau tùy vào quan điểm mỗi người. Rất khó chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt ngay cả đối với chuyên gia đã qua đào tạo.[27]
    • Như đã nói ở phần trên, có khả năng các triệu chứng của bạn bắt nguồn từ một chấn thương tâm lý, bệnh tật hay do chứng rối loạn nào đó. Bạn phải nhờ chuyên gia y tế về sức khỏe tâm thần chẩn đoán chính xác bệnh hay chứng rối loạn của mình.
    • Tập tục văn hóa, đặc trưng riêng của mỗi cá nhân và người dân địa phương trong cách suy nghĩ và nói chuyện có thể ảnh hưởng tới nhận định về một hành vi “bình thường”.[28]

Hành động[sửa]

  1. Nhờ bạn bè và gia đình giúp đỡ. Có những điều mà bản thân mình rất khó nhận ra, chẳng hạn như sự ảo tưởng. Do đó bạn cần nhờ người thân và bạn bè xác định xem mình có đang biểu hiện những triệu chứng này hay không.
  2. Viết nhật ký. Bắt đầu viết khi bạn cho rằng mình đang bị ảo giác hay có các triệu chứng khác. Theo dõi những gì xảy ra ngay trước đó và trong khi bạn gặp tình trạng này. Như vậy bạn sẽ đánh giá được các triệu chứng này xảy ra thường xuyên thế nào, đồng thời đó cũng là dữ liệu cung cấp thêm cho chuyên gia khi bạn nhờ họ chẩn đoán.
  3. Chú ý đến hành vi bất thường. Đặc biệt ở trẻ vị thành niên, bệnh tâm thần phân liệt có thể tiến triển chậm chạp trong thời gian từ 6-9 tháng. Nếu bạn thấy mình đang có cách ứng xử khác thường và không hiểu lý do vì sao thì nên nói chuyện với bác sĩ tâm thần. Không “phớt lờ” những hành vi này như là chẳng có gì xảy ra, đặc biệt nếu chúng rất khác thường với bạn hoặc đang làm bạn căng thẳng hay loạn chức năng. Các thay đổi này là dấu hiệu có điều gì đó không ổn. Có thể đó không phải là bệnh tâm thần phân liệt nhưng bạn cần phải xem xét.
  4. Khám sàng lọc. Kiểm tra trực tuyến không thể cho bạn biết mình có bị tâm thần phân liệt hay không. Chỉ có bác sĩ lâm sàng mới đưa ra được chẩn đoán chính xác sau khi khám, kiểm nghiệm và phỏng vấn bạn. Tuy nhiên, một bảng câu hỏi tốt dùng để tầm soát bệnh có thể giúp bạn nhận ra mình đang mắc những triệu chứng nào, và đánh giá xem đó có phải dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt hay không.[29]
    • Trên trang web của Thư viện Tư liệu Sức khỏe Tâm thần có một phiên bản miễn phí của bài Kiểm tra Tâm thần Phân liệt và Chỉ số Đánh giá bệnh Loạn Tâm thần Giai đoạn đầu (STEPI).[30]
    • Trang web Psych Central cũng có một bài kiểm tra sàng lọc trực tuyến.[31]
  5. Nói chuyện với chuyên gia. Nếu bạn lo lắng mình mắc bệnh tâm thần phân liệt thì nên nói chuyện với bác sĩ hay chuyên viên trị liệu. Thông thường họ không có đủ kiến thức để chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt, nhưng bác sĩ hay chuyên viên trị liệu tổng quát có thể giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này và cân nhắc có nên tới bác sĩ tâm thần hay không.[22]
    • Bác sĩ cũng giúp bạn loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra triệu chứng đó, như chấn thương hay bệnh khác.

Nhận biết Đối tượng có Nguy cơ[sửa]

  1. Người ta vẫn đang tìm hiểu về nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt. Mặc dù các nhà nghiên cứu đã tìm ra một số yếu tố có quan hệ với quá trình phát triển của nguyên nhân dẫn tới bệnh tâm thần phân liệt, nhưng nguyên nhân chính xác là gì thì vẫn chưa rõ.[32]
    • Thảo luận tiền sử bệnh của gia đình với bác sĩ hoặc chuyên gia về sức khỏe tâm thần.
  2. Xem xét những người trong họ hàng có ai từng mắc bệnh tâm thần phân liệt hay một chứng bệnh rối loạn tương tự. Ít nhất thì căn bệnh này cũng có phần nào mang tính di truyền. Bạn có rủi ro mắc tâm thần phân liệt cao hơn 10% nếu có ít nhất một thành viên “cấp một” trong gia đình (như bố mẹ hoặc anh em ruột) mắc bệnh này.[33][34]
    • Nếu bạn có anh em sinh đôi hoặc cả hai bố mẹ đều được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt thì nguy cơ của bạn sẽ cao hơn từ 40-65%.
    • Tuy nhiên, khoảng 60% những người được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt không có người thân cận huyết bị tâm thần phân liệt.
    • Nếu một thành viên khác trong gia đình hoặc chính bạn mắc bệnh rối loạn tương tự tâm thần phân liệt, chẳng hạn như rối loạn ảo tưởng, thì bạn có nguy cơ mắc tâm thần phân liệt cao hơn.[35]
  3. Xác định xem bạn có tiếp xúc với rủi ro nào đó khi còn trong bụng mẹ. Trẻ sơ sinh tiếp xúc với các loại virus, độc tố hoặc suy dinh dưỡng khi còn là thai nhi sẽ dễ mắc bệnh tâm thần phân liệt hơn. Điều này càng đúng nếu rủi ro đó xảy ra trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ hai của thai kỳ.[32]
    • Tình trạng thiếu ôxi trong lúc sinh cũng khiến trẻ sơ sinh dễ mắc tâm thần phân liệt hơn.[33]
    • Trẻ sơ sinh ra đời ở những vùng đang diễn ra nạn đói có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp hai lần, có lẽ vì phụ nữ không nhận đủ chất dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai.[36]
  4. Chú ý đến tuổi của người cha. Một số nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa tuổi của người cha và nguy cơ phát triển bệnh tâm thần phân liệt. Trong đó có một nghiên cứu chứng minh trẻ sơ sinh có cha từ 50 tuổi trở lên lúc mới sinh có rủi ro mắc bệnh này cao hơn 3 lần so với trẻ có cha từ 25 tuổi trở xuống.[36]
    • Người ta cho rằng có lẽ là vì khi tuổi của nam giới càng cao thì tinh trùng của họ càng có nguy cơ đột biến cao hơn.[33]

Lời khuyên[sửa]

  • Viết ra giấy tất cả các triệu chứng của bạn, và nhờ bạn bè hay người nhà quan sát xem mình có thay đổi gì về hành vi hay không.
  • Thành thật với bác sĩ về các triệu chứng. Điều quan trọng là bạn phải chia sẻ cho họ biết tất cả triệu chứng và trải nghiệm của mình. Bác sĩ và chuyên gia sức khỏe tâm thần không phải ở đó để phán xét bạn, mà nhiệm vụ của họ là giúp bạn.
  • Nhớ rằng có nhiều yếu tố xã hội và văn hóa góp phần tác động vào cách chúng ta nhìn nhận về bệnh tâm thần phân liệt. Trước khi đi gặp bác sĩ tâm thần bạn nên nghiên cứu thêm về lịch sử chẩn đoán bệnh tâm thần và cách điệu trị tâm thần phân liệt.

Cảnh báo[sửa]

  • Không tự xử lý triệu chứng của mình bằng thuốc, rượu bia hoặc ma túy. Việc này khiến tình hình thêm trầm trọng và tiềm ẩn khả năng gây hại hay giết chết bạn.
  • Bài viết này chỉ đơn thuần cung cấp thông tin y khoa, không nhằm mục đích chẩn đoán hay điều trị bệnh. Bạn không thể tự mình chẩn đoán tâm thần phân liệt, vì đó là một vấn đề y khoa nghiêm trọng nên cần phải có chuyên gia chẩn đoán và điều trị.
  • Giống như bất kì căn bệnh nào khác, bạn càng sớm chẩn đoán và tìm cách điều trị thì cơ hội khỏi bệnh càng cao.
  • Bệnh tâm thần phân liệt không có “cách trị” nào phù hợp cho tất cả mọi người, bạn cần thận trọng với những phương pháp điều trị hay những người cố thuyết phục bạn rằng họ có thể “chữa bệnh” cho bạn, đặc biệt nếu họ cam đoan bệnh sẽ dễ dàng chữa khỏi.[37]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://dsm.psychiatryonline.org/doi/full/10.1176/appi.books.9780890425596.dsm02
  2. Tandon, R., Gaebel, W., Barch, D. M., Bustillo, J., Gur, R. E., Heckers, S., … Carpenter, W. (2013). Definition and description of schizophrenia in therel DSM-5. Schizophrenia Research, 150(1), 3–10 http://ccpweb.wustl.edu/pdfs/2013_defdes.pdf
  3. http://ccpweb.wustl.edu/pdfs/2013_defdes.pdf
  4. Miyazono, K. (2015). Delusions as harmful malfunctioning beliefs. Consciousness and Cognition, 33, 561–573.
  5. Seeman, M. V. (2015). On Delusion Formation. Canadian Journal of Psychiatry, 60(2), 87–90.
  6. Teeple, R. C., Caplan, J. P., & Stern, T. A. (2009). Visual Hallucinations: Differential Diagnosis and Treatment. Primary Care Companion to The Journal of Clinical Psychiatry, 11(1), 26–32.
  7. http://www.healthline.com/symptom/hallucinations
  8. Bhugra, D., & Kalra, G. (2010, July). Cross Cultural Psychiatry: Context and Issues. Journal of Pakistan Psychiatric Society, pp. 51–54.
  9. http://www.currentpsychiatry.com/home/article/hallucinations-in-children-diagnostic-and-treatment-strategies/f73eb1888adb367a84ba634abf0ce0a5.html
  10. Liester, M. B. (1998). Toward a new definition of hallucination. American Journal of Orthopsychiatry, 68(2), 305–312.
  11. Mertin, P., Niamh. (2013). High emotional arousal and failures in reality monitoring: Pathways to auditory hallucinations in non-psychotic children? Scandinavian Journal of Psychology, 54(2), 102–106.
  12. Reed, P., & Clarke, N. (2014). Effect of religious context on the content of visual hallucinations in individuals high in religiosity. Psychiatry Research, 215, 594–598
  13. Bergman, H. F., Preisler, G., & Werbart, A. (2006). Communicating with patients with schizophrenia: characteristics of well functioning and poorly functioning communication. Qualitative Research in Psychology, 3(2), 121–146.
  14. 14,0 14,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/schizophrenia/basics/symptoms/con-20021077
  15. Scull, A. (2014). Cultural Sociology of Mental Illness: An A-to-Z Guide. SAGE Publications
  16. American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders. American Psychiatric Association, p. 103.
  17. Strauss, G. P., Morra, L. F., Sullivan, S. K., & Gold, J. M. (2015). The role of low cognitive effort and negative symptoms in neuropsychological impairment in schizophrenia. Neuropsychology, 29(2), 282–291.
  18. Sixt, B., van Aaken, C., Hennighausen, K., Fleischhaker, C., & Schulz, E. (2013). Severe catatonic schizophrenia in a 17-year-old adolescent female. In N. Boutros & N. (Ed) Boutros (Eds.), The international psychiatry and behavioral neurosciences yearbook - 2012, Vol 2. (pp. 55–63). Hauppauge, NY, US: Nova Biomedical Books.
  19. http://emedicine.medscape.com/article/288259-overview
  20. Freedman, J. L. Z. (2012). Pseudo-ADHD in a Case of First-Episode Schizophrenia: Diagnostic and Treatment. Harvard Review of Psychiatry (Taylor & Francis Ltd), 20(6), 309–317.
  21. 21,0 21,1 21,2 21,3 21,4 Tandon, R., Gaebel, W., Barch, D. M., Bustillo, J., Gur, R. E., Heckers, S., … Carpenter, W. (2013). Definition and description of schizophrenia in the DSM-5. Schizophrenia Research, 150(1), 3–10 http://ccpweb.wustl.edu/pdfs/2013_defdes.pdf
  22. 22,0 22,1 http://teenmentalhealth.org/learn/mental-disorders/schizophrenia/
  23. http://www.health.am/psy/more/misdiagnosis-or-other-disorders-that-may-look-like-schizophrenia/
  24. http://www2.nami.org/Content/NavigationMenu/Intranet/Homefront/Criteria_Major_D_Episode.pdf
  25. http://psychcentral.com/lib/what-is-a-manic-episode/000629
  26. Gouzoulis-Mayfrank, E., & Walter, M. (2015). Schizophrenia and addiction. In G. Dom, F. Moggi, G. (Ed) Dom, & F. (Ed) Moggi (Eds.), Co-occurring addictive and psychiatric disorders: A practice-based handbook from a European perspective. (pp. 75–86). New York, NY, US: Springer-Verlag Publishing.
  27. Olbert, C. M., Gala, G. J., & Tupler, L. A. (2014). Quantifying heterogeneity attributable to polythetic diagnostic criteria: Theoretical framework and empirical application. Journal of Abnormal Psychology, 123(2), 452–462.
  28. Rashed, M. A. (2013). Psychiatric Judgments Across Cultural Contexts: Relativist, Clinical-Ethnographic, and Universalist-Scientific Perspectives. Journal of Medicine & Philosophy, 38(2), 128–148.
  29. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/schizophrenia/basics/tests-diagnosis/con-20021077
  30. http://counsellingresource.com/lib/quizzes/misc-tests/schizophrenia-test/
  31. http://psychcentral.com/quizzes/schizophrenia.htm
  32. 32,0 32,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/schizophrenia/basics/risk-factors/con-20021077
  33. 33,0 33,1 33,2 http://umm.edu/health/medical/reports/articles/schizophrenia
  34. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/10719141
  35. http://www.webmd.com/schizophrenia/tc/schizophrenia-what-increases-your-risk
  36. 36,0 36,1 http://www.nytimes.com/health/guides/disease/schizophrenia/risk-factors.html
  37. Luhrmann, T. M. (2012). Beyond the brain: in the 1990s, scientists declared that schizophrenia and other psychiatric illnesses were pure brain disorders that would eventually yield to drugs. now they are recognizing that social factors are among the causes, and must be part of the cure. The Wilson Quarterly, (3).

Liên kết đến đây