Nhận biết dấu hiệu muốn tự tử

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Số lượng các vụ tự tử trên thế giới là rất lớn. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, tự tử là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, với 37.500 vụ ghi nhận năm 2010. Cứ trung bình 13 phút lại có một người tự tử tại Hoa Kỳ.[1] Tuy nhiên, tình trạng này có thể được ngăn chặn triệt để. Những người đang có ý định tự sát thường sẽ biểu hiện nguy cơ trước đó, và bạn có thể làm theo các hướng dẫn sau đây nhằm phát hiện dấu hiệu một người muốn tự sát và tìm cách ngăn chặn họ. Nếu bạn hoặc người quen đang muốn tự sát, hoặc cố gắng tự sát, bạn cần đưa người đó đến bệnh viện ngay lập tức.

  • Nếu đang ở Việt Nam, bạn có thể gọi đường dây nóng 113 để ngăn chặn hành vi tự sát.
  • Nếu đang ở Hoa Kỳ, bạn có thể gọi 911 trong trường hợp khẩn cấp hoặc gọi đường dây nóng tự sát thông qua 800-SUICIDE (800-784-2433) hoặc 800-273-TALK (800-273-8255).[2]
  • Nếu đang ở Anh, bạn có thể gọi 999 trong trường hợp khẩn cấp hoặc đường dây nóng tự sát 08457 90 90 90.[3]

Các bước[sửa]

Nhận biết dấu hiệu tinh thần và cảm xúc[sửa]

  1. Nhận biết loại suy nghĩ tự tử tiềm năng. Những người có ý định tự sát thường biểu hiện một số suy nghĩ đặc trưng.[4] Nếu ai đó cho hay họ đang gặp một hoặc nhiều vấn đề dưới đây, bạn cần hết sức lưu ý. Ví dụ như:
    • Suy nghĩ ám ảnh thường xuyên xuất hiện trong đầu.
    • Không còn một chút hy vọng nào, và cách duy nhất để giải quyết nỗi đau đó là tự kết liễu đời mình.
    • Cảm thấy cuộc sống trở nên vô nghĩa, hoặc không thể kiểm soát chúng.
    • Bộ não thường hay mơ hồ, hoặc không thể tập trung được.
  2. Nhận biết trạng thái cảm xúc muốn tự sát. Những người có ý định tự tử thường hay trải qua những giai đoạn cảm xúc khiến họ phải hành động quyết liệt. Ví dụ như:
    • Tâm trạng đột ngột thay đổi.[4]
    • Thường hay bực bội, giận dữ cực độ, hoặc có ý định báo thù.[5]
    • Thường xuyên căng thẳng lo âu cùng cực.[4] Ngoài ra họ rất dễ cáu kỉnh.[6]
    • Có cảm giác tội lỗi hay xấu hổ, hoặc cảm thấy bản thân trở thành gánh nặng cho người khác.[4]
    • Thường hay cảm thấy cô đơn hay biệt lập, thậm chí là đang ở xung quanh nhiều người,[4] kèm theo cảm giác xấu hổ hay bị nhục mạ.[6]
  3. Nhận biết dấu hiệu muốn tự sát thông qua lời nói. Những người đang trải qua cảm giác đau khổ thường hay có những câu nói không bình thường và có ý định kết thúc cuộc đời của mình. Ví dụ như nếu một người đề cập nhiều đến sự chết chóc, thì đây là một dấu hiệu rõ ràng vì người bình thường không bao giờ làm như vậy.[5] Nếu một người phát ngôn những câu dưới đây, bạn cần hết sức thận trọng.[4][7][8]
    • “Điều này không tốt một chút nào,” “Cuộc đời này không đáng sống,” hay “Nó không còn quan trọng nữa rồi.”
    • “Họ sẽ không thể nào làm tổn thương tôi được nữa.”
    • “Họ sẽ nhớ về tôi khi tôi ra đi,” hoặc “Bạn sẽ thương tiếc khi tôi ra đi.”
    • “Tôi không thể chịu đựng nỗi đau này được nữa,” hoặc “Tôi không thể giải quyết hết mọi chuyện. Cuộc sống quá khó khăn đối với tôi.”
    • “Tôi cảm thấy cô đơn đến nỗi chỉ muốn chết đi.”
    • “Bạn/gia đình/bạn bè/bạn gái hoặc bạn trai tôi sẽ sống tốt hơn nếu không có tôi.”
    • “Lần sau tôi sẽ dùng nhiều thuốc để giải quyết vấn đề.”
    • “Đừng lo, tôi sẽ không ở đây khi phải đối mặt với nó.”
    • “Tôi sẽ không làm phiền bạn nữa.”
    • “Không ai hiểu tôi. Không ai biết được cảm nhận của tôi.”
    • “Tôi cảm thấy không còn lối thoát,” hoặc “Tôi không thể làm gì để cải thiện tình hình được nữa.”
    • “Tôi thà chết,” hoặc “Ước gì tôi chưa bao giờ được sinh ra trên đời này.”
  4. Không bị đánh lừa bởi những cải thiện đột ngột. Bạn cần nhớ rằng một người sắp sửa tự tử không nhất thiết phải thể hiện những cảm xúc đau khổ cùng cực, mà thay vào đó họ thường biểu hiện thái độ lạc quan yêu đời hơn.
    • Sự cải thiện tâm trạng đột ngột có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng một người đã quyết định kết liễu cuộc đời và có lẽ là đã lên kế hoạch cho điều này.[9]
    • Do đó nếu một người có dấu hiệu trầm cảm hay có ý định tự tử và đột nhiên trở nên vui vẻ hơn, bạn phải có biện pháp phòng ngừa càng sớm càng tốt.

Nhận biết dấu hiệu hành vi[sửa]

  1. Tìm dấu hiệu "giải quyết mọi vấn đề." Những người có ý định tự tử thường hay cố gắng giải quyết mọi vấn đề trước khi hành động.[10] Đây là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng vì một người đang ra sức giải quyết vấn đề thường đã lên kế hoạch tự sát. Một người muốn tự tử có thể làm những điều sau đây:
    • Cho đi tài sản có giá trị.[4]
    • Sắp xếp tài chính, chẳng hạn như bất ngờ viết di chúc.[7]
    • Nói lời tạm biệt với những người thân yêu. Một người đang có kế hoạch tự vẫn thường đột nhiên chào tạm biệt một cách xúc động tại nhiều thời điểm khác nhau.[8]
  2. Lưu ý các hành vi nguy hiểm và liều lĩnh. Vì người có ý định tự tử không tìm thấy lý do để tiếp tục cuộc sống, họ thường hay thực hiện những hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn như lái xe liều lĩnh. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo mà bạn cần lưu ý:
    • Sử dụng ma túy (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) và rượu bia quá liều.[4]
    • Lái xe không cẩn thận, chẳng hạn như lái quá nhanh hoặc điều khiển phương tiện trong lúc say rượu.[4]
    • Quan hệ tình dục không an toàn, thường là với nhiều bạn tình.[4]
  3. Quan sát cách thức tự tử. Bạn nên lưu ý khi một người vừa mới mua súng,[7] hoặc tích trữ thuốc hợp pháp hoặc bất hợp pháp.[5]
    • Nếu một người đang tích trữ thuốc hoặc mua vũ khí một cách bất ngờ, bạn cần hành động nhanh chóng. Sau khi kế hoạch hoàn tất, họ có thể tự tử bất cứ lúc nào.[11]
  4. Lưu ý sự thiếu hụt đời sống xã hội. Những người có ý định tự tử thường hay tránh né bạn bè, gia đình, hoặc đồng nghiệp nhằm rút khỏi sự tiếp xúc với xã hội một cách âm thầm lặng lẽ.[4]
    • Nên hành động thay vì chỉ ngồi đó và lắng nghe một người nói rằng "Tôi chỉ muốn ở một mình."
  5. Lưu ý thay đổi cực đoan trong thói quen thường ngày. Nếu một người đột nhiên ngừng chơi bóng rổ hàng tuần hay chơi trò chơi ưa thích hàng đêm, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo.
    • Việc ngừng tham gia vào các hoạt động giải trí hàng ngày có thể là dấu hiệu cảnh báo người này đang cảm thấy không vui, trầm cảm, hoặc có thể đang có ý định tự tử.[4]
  6. Lưu ý hành vi suy giảm bất thường. Những người có ý định tự tử, trầm cảm thường trông thiếu sức sống cho các hoạt động tinh thần lẫn thể chất. Đặc biệt, bạn nên xem chừng những hành vi sau:
    • Khó đưa ra quyết định đơn giản một cách bất thường.[4]
    • Không có hứng thú với tình dục.[4]
    • Thiếu hụt năng lượng, hành vi chẳng hạn như nằm trên giường cả ngày.[4]
  7. Lưu ý dấu hiệu cảnh báo ở thanh thiếu niên. Nếu đối tượng là trẻ vị thành niên, bạn cần quan sát các dấu hiệu cảnh báo phổ biến và tác nhân kích thích ở nhóm này.[4][12] Ví dụ như:
    • Gặp rắc rối về gia đình hoặc pháp luật.
    • Hoàn cảnh sống như là mới chia tay người yêu, không được vào đại học, hay mất bạn thân.
    • Không có bạn bè, gặp vấn đề trong các hoàn cảnh xã hội, hoặc tránh xa bạn bè thân thiết.
    • Vấn đề cá nhân, chẳng hạn như thiếu ăn hoặc ăn nhiều, ít vệ sinh thân thể, hoặc không quan tâm đến ngoại hình (ví dụ như một đứa trẻ vị thành niên đột nhiên ngưng trau chuốt ngoại hình).
    • Phác họa khung cảnh chết chóc.
    • Chuyển đổi hành vi thông thường một cách bất ngờ, chẳng hạn như điểm số tụt dốc, thay đổi tính cách, hoặc có hành vi nổi loạn cũng là những dấu hiệu cảnh báo.[13]
    • Các vấn đề rối loạn ăn uống chẳng hạn như chán ăn hoặc ăn uống vô độ cũng dẫn đến trầm cảm, lo âu, và thậm chí là ý định tự tử. Thanh thiếu niên bị bắt nạt hoặc đi bắt nạt người khác cũng có nguy cơ cao muốn tự sát.[13]

Xác định các yếu tố nguy cơ dẫn đến tự tử[sửa]

  1. Xem xét lịch sử ra đời và hoàn cảnh hiện tại. Trải nghiệm cá nhân gần đây hoặc đã lâu cũng có thể khiến họ hình thành ý nghĩ tự sát.
    • Một người có thể bị kích thích tự tử và có nguy cơ cao khi gặp phải những trường hợp như người thân yêu qua đời, mất việc, bị bệnh nặng (đặc biệt bao gồm đau mạn tính), ngược đãi, và những điều trong cuộc sống gây căng thẳng.[14]
    • Lưu ý đặc biệt khi một người đã từng có ý định tự sát. Những người này thường sẽ thử lại một lần nữa. Trên thực tế, một phần năm số người chết do tự sát thường có ý định từ trước.[14]
    • Tình trạng bị lạm dụng về thể chất hoặc tình dục trong quá khứ cũng có thể khiến một người gặp phải nguy cơ tự tử cao.[15]
  2. Lưu ý sức khỏe tâm thần của một người. Một số vấn đề sức khỏe tinh thần chẳng hạn như rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, hoặc tâm thần phân liệt, hay có tiền sử mắc các bệnh trên cũng góp phần rủi ro cao. Trên thực tế, 90% các vụ tự sát thường liên quan đến trầm cảm hoặc một số bệnh tâm thần khác, và 66% những người có ý định tự tử cũng bị rối loạn tâm thần.
    • Rối loạn do căng thẳng lo âu (ví dụ như rối loạn căng thẳng sau chấn thương) và thiếu kiểm soát tính cách bốc đồng (chẳng hạn như rối loạn lưỡng cực, rối loạn hành vi, rối loạn chất) cũng là những tác nhân dẫn đến ý định tự sát.
    • Triệu chứng bệnh tâm thần làm gia tăng nguy cơ tự tử bao gồm căng thẳng cực độ, hoảng loạn, tuyệt vọng, mất hy vọng, cảm thấy mình là gánh nặng, mất hứng thú và niềm vui, và suy nghĩ ảo tưởng.[14]
    • Mặc dù vẫn chưa có mối liên hệ chính xác giữa tự tử và trầm cảm, nhưng hầu hết những người chết do tự sát đều bị trầm cảm nặng.[16]
    • Người mắc nhiều bệnh tâm thần cùng lúc thường dễ có ý định tự sát. Việc mắc hai bệnh tâm thần làm gia tăng nguy cơ tự tử lên gấp đôi, và ba bệnh cùng lúc sẽ làm tăng gấp ba khi so sánh với bệnh nhân chỉ mắc phải một tình trạng rối loạn tâm thần.
  3. Điều tra tiền sử tự sát của gia đình. Các nhà khoa học vẫn chưa kết luận chính xác liệu nguyên nhân chính có phải do môi trường, di truyền, hoặc cả hai, nhưng việc tự sát thường xảy ra trong một gia đình.
    • Một số nghiên cứu cho hay nguyên nhân gây nên tự sát có liên quan đến gen di truyền, vì thế nếu một người là con nuôi của gia đình, đây có thể là yếu tố nguy cơ.[14] Ảnh hưởng môi trường sống gia đình cũng có thể là một tác nhân.
  4. Xem xét số liệu thống kê tự sát. Bất kỳ ai cũng có thể có ý định tự sát về mặt thống kê, nhưng một số nhóm người thường có tỷ lệ tự sát cao hơn nhóm khác. Nếu biết một người có nguy cơ, bạn cần lưu ý những điều sau:
    • Nam giới thường hay có nguy cơ tự tử. Đối với mọi lứa tuổi và chủng tộc, tỷ lệ tự sát ở nam giới cao gấp bốn lần so với nữ giới. Trên thực tế, 79% các vụ tự sát thường xảy ra ở nam giới.[2]
    • Bất kể giới tính thông thường, cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính, và chuyển giới) thường có nguy cơ tư sát cao gấp bốn lần.[17]
    • Người lớn tuổi thường có nguy cơ tự tử cao hơn so với nhóm trẻ. Những người ở độ tuổi từ 45 đến 59 có tỷ lệ tự sát cao nhất, và người trên 74 tuổi có nguy cơ cao thứ hai.[18]
    • Người Mỹ bản địa và Da trắng cũng được thống kê là có rủi ro tự sát cao hơn chủng tộc khác.[19]
    • Các số liệu thống kê này không có nghĩa là bạn không cần phải lưu ý những người không nằm trong các nhóm nêu trên. Nếu người mà bạn quan tâm có những biểu hiện tự tử, cho dù là nam hay nữ, ở độ tuổi nào, thì bạn cũng nên hết sức cẩn trọng. Tuy nhiên, nếu người đó thuộc một trong các nhóm trên, họ sẽ gặp nguy cơ cao hơn.

Trao đổi với người có ý định tự tử[sửa]

  1. Sử dụng tông giọng phù hợp. Nếu một người mà bạn quen biết đang có dấu hiệu muốn tự sát, điều quan trọng là bạn cần trò chuyện với họ về những điều mà mình phát hiện với một thái độ ân cần và không phán xét.
    • Biết lắng nghe. Tiếp xúc mắt thường xuyên, hết sức chú ý, và đáp lại với tông giọng nhẹ nhàng.
  2. Đề cập vấn đề trực tiếp. Bạn có thể bắt đầu bằng cách nói như sau: “Mình thấy là bạn đang rất sa sút tinh thần, và mình thật sự rất lo lắng. Có phải bạn đang muốn tự sát?”
    • Nếu người này nói có, bạn cần hỏi câu tiếp theo: “Bạn có kế hoạch tự sát hay không?”
    • Nếu câu trả lời là có, gọi 113 ngay lập tức! Người này cần được trợ giúp khẩn cấp. Luôn túc trực bên cạnh họ cho đến khi nhân viên hỗ trợ đến.[20]
  3. Không làm cho tình hình xấu đi. Có những thứ bạn nghĩ là hữu ích, nhưng khi nói ra lại làm cho người đang có ý định tự tử cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ hơn.[4] Ví dụ, bạn nên tránh nói những câu điển hình sau đây:
    • “Mai là một ngày mới. Mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.”
    • “Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn. Bạn nên cảm thấy may mắn với những thứ mình đang có.”
    • “Bạn có quá nhiều thứ mà người khác ao ước/Bạn đang sở hữu những thứ tốt nhất cho bản thân mình.”
    • “Đừng lo. Mọi thứ/Bạn sẽ ổn thôi.”
  4. Tránh tỏ thái độ đánh giá thấp. Có một số lời nói thể hiện rằng bạn không xem trọng cảm giác của một người.[20] Không nói những câu như sau:
    • "Mọi thứ đâu đến nỗi tệ."
    • “Bạn sẽ không dám làm tổn thương mình đâu.”
    • “Mình cũng từng ở trong hoàn cảnh này, và rồi cũng vượt qua được.”
  5. Không giữ bí mật. Nếu một người tâm sự với bạn rằng họ đang có ý định tự tử, bạn không được đồng ý giữ kín điều này.[20]
    • Người này cần được giúp đỡ càng sớm càng tốt. Việc giữ bí mật chỉ làm trì hoãn sự hỗ trợ cần thiết.

Hành động ngăn chặn kế hoạch tự sát[sửa]

  1. Gọi 113. Nếu tin rằng một người đang có nguy cơ tự sát cao, bạn cần gọi 113 ngay lập tức.
  2. Gọi đường dây nóng tự sát. Đường dây nóng này không chỉ dành cho những người muốn tự tử mà còn hỗ trợ những ai muốn ngăn chặn kế hoạch tự sát của người khác.
    • Chỉ cần bạn biết phải làm gì, đường dây nóng tự sát có thể hỗ trợ bạn. Họ sẽ hướng dẫn bạn cách giải quyết tình huống và đưa ra hành động quyết liệt hơn. Ngoài ra, họ cũng sẽ liên lạc với bác sĩ và chuyên gia tư vấn trên toàn quốc.[20]
    • Tại Hoa Kỳ, bạn có thể liên lạc 800-SUICIDE (800-784-2433) hoặc 800-273-TALK (800-273-8255).[2]
    • Tại Anh, bạn có thể gọi số 08457 90 90 90.[3]
  3. Đưa người có ý định tự sát đến gặp chuyên gia hỗ trợ. Bạn cần đưa họ đi khám bác sĩ tâm thần càng sớm càng tốt.[20] Số đường dây nóng tự sát nên trên có thể giúp bạn tìm đến nhà tâm lý học hay bác sĩ tâm thần, hoặc bạn có thể tìm chuyên gia về lĩnh vực này trên mạng Internet.
    • Bạn có thể ngăn chặn hành động tự sát và cứu một mạng người bằng cách luôn kèm cặp người đó và đưa họ đi khám bác sĩ.
    • Không nên lãng phí thời gian. Đôi khi việc ngăn chặn hành động tự sát phải mất vài ngày hoặc vài tiếng, vì thế bạn cần hỗ trợ người có ý định tự tử càng sớm càng tốt.
  4. Thông báo cho thành viên gia đình. Bạn nên liên lạc với cha mẹ, người bảo hộ, hoặc người thân khác của người đang có kế hoạch tự sát.[20]
    • Hành động này sẽ giảm bớt áp lực cho bạn, vì họ có thể chia sẻ trách nhiệm ngăn chặn hành động tự sát của người này.
    • Kêu gọi sự hỗ trợ từ họ cũng giúp cho người có ý định tự tử nhận thấy rằng vẫn có người quan tâm đến mình.
  5. Loại bỏ công cụ dùng để tự sát. Nếu có thể, bạn nên dọn sạch đồ đạc gây nguy hiểm trong nhà của người có ý định tự tử.[20] Chúng bao gồm súng cầm tay, ma túy, hay bất kỳ vũ khí và chất độc khác.
    • Loại bỏ triệt để công cụ dùng để tự sát. Người ta có thể tự kết liệu đời mình bằng những thứ mà bạn không hề nghĩ đến.
    • Những thứ như thuốc diệt chuột, sản phẩm tẩy rửa, và thậm chí là thìa đũa có thể gây tử vong.
    • Khoảng 25% các vụ tự sát xảy ra bằng cách treo cổ. Vì thế bạn cần dọn sạch các vật dụng như là dây thắt, nịt, dây thừng, và khăn trải.[14]
    • Cho người này biết rằng bạn sẽ giữ những món đồ này cho đến khi họ cảm thấy tốt hơn.
  6. Tiếp tục hỗ trợ. Ngay cả khi tình huống nguy hiểm đã qua, bạn vẫn nên túc trực bên người này. Những người bị trầm cảm hoặc cô lập thường không yêu cầu giúp đỡ, vì thế bạn cần phải ở bên cạnh họ liên tục. Gọi điện, hỏi thăm, và thường xuyên theo dõi họ để xem tình trạng như thế nào. Dưới đây là một số cách để bạn hỗ trợ người đó:[21]
    • Bảo đảm rằng họ tiến hành điều trị. Đề nghị chở họ đến gặp bác sĩ nhằm bảo đảm rằng anh ấy/cô ấy thực hiện liệu pháp chữa trị.
    • Bảo đảm rằng họ uống đủ thuốc kê toa.
    • Không cho người có ý định tự sát uống rượu bia hay dùng ma túy.
    • Hỗ trợ vạch ra kế hoạch an toàn trong trường hợp người này vẫn giữ ý định tự sát. Bạn có thể đưa ra một số hoạt động nhằm tránh tự tử, chẳng hạn như gọi điện cho người thân yêu, ở cạnh bạn bè hoặc đi bệnh viện.

Giải quyết ý định tự sát của bản thân[sửa]

  1. Gọi 113. Nếu đang có những ý nghĩ tự sát nêu trên và tin rằng bản thân sắp tự tử (có nghĩa là bạn lên kế hoạch và chuẩn bị phương tiện để thực hiện ý định tự sát), bạn cần gọi 113 ngay lập tức. Bạn đang cần hỗ trợ khẩn cấp.[8]
  2. Gọi đường dây nóng tự sát. Trong lúc chờ người hỗ trợ, ban có thể gọi đến đường dây nóng ngăn chặn tự sát 043-627-5762.[8] Hành động này giúp thời gian trôi qua nhanh và giảm nguy cơ tự sát cho đến khi tiếp cận hỗ trợ.
  3. Đi khám bác sĩ tâm thần. Nếu đang có ý định tự sát nhưng chưa lên kế hoạch, bạn cần tiếp xúc với bác sĩ trị liệu hoặc chuyên gia tư vấn.[8]
    • Nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn trong lúc chờ gặp bác sĩ và đã lên kế hoạch tự sát, bạn cần gọi 113 ngay lập tức.

Lời khuyên[sửa]

  • Không nên chờ cho đến khi một người tiến lại gần và nói với bạn rằng "Tôi muốn tự sát." Những người có kế hoạch tự tử không bao giờ tiết lộ cho bất kỳ ai. Nếu họ có biểu hiện lạ, bạn cần hỗ trợ ngay lập tức.
  • Những người khác không thể hiện ra nhiều. Vì thế, bạn cần hết sức lưu ý những người có nguy cơ tự sát, chẳng hạn như vừa mới bị chấn thương nặng, lạm dụng chất kích thích, có tiền sử mắc bệnh tâm thần, để nắm rõ bất kỳ dấu hiệu cảnh báo.
  • Lưu ý rằng không phải ai có ý định tự tử cũng đều biểu hiện rõ ràng. Trên thực tế, khoảng 25% nạn nhân tự sát không hề có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào.[22]

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu đã cố gắng hết sức nhưng người này vẫn thực hiện kế hoạch tự tử, bạn không nên tự trách mình.
  • Không nên thực hiện bất kỳ hành động nào mà không có sự trợ giúp. Nếu người nào đó đang có ý định tự tử, bạn không nên tự mình giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn này. Những người như vậy cần sự trợ giúp của chuyên gia.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://healthresearchfunding.org/many-people-commit-suicide-year/
  2. 2,0 2,1 2,2 http://www.webmd.com/depression/guide/depression-recognizing-signs-of-suicide
  3. 3,0 3,1 http://www.nhs.uk/Conditions/Suicide/Pages/Getting-help.aspx
  4. 4,00 4,01 4,02 4,03 4,04 4,05 4,06 4,07 4,08 4,09 4,10 4,11 4,12 4,13 4,14 4,15 4,16 http://www.crisiscenter.com/content/51/Suicide-Warning-Signs-and-Symptoms.aspx
  5. 5,0 5,1 5,2 http://www.nimh.nih.gov/health/topics/suicide-prevention/suicide-prevention-studies/warning-signs-of-suicide.shtml
  6. 6,0 6,1 https://www.afsp.org/preventing-suicide/suicide-warning-signs
  7. 7,0 7,1 7,2 http://psychcentral.com/blog/archives/2007/10/08/common-signs-of-someone-who-may-be-suicidal/
  8. 8,0 8,1 8,2 8,3 8,4 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/suicide/basics/symptoms/con-20033954
  9. http://my.clevelandclinic.org/services/neurological_institute/center-for-behavorial-health/patient-education/hic-recognizing-suicidal-behavior
  10. http://www.webmd.com/depression/guide/depression-recognizing-signs-of-suicide
  11. http://www.save.org/index.cfm?fuseaction=home.viewpage&page_id=705f4071-99a7-f3f5-e2a64a5a8beaadd8
  12. http://www.medicinenet.com/script/main/art.asp?articlekey=55145
  13. 13,0 13,1 http://www.natronaschools.org/images/media/documents/1969574887Teacher%20Guide%20recognizing%20suicide.pdf
  14. 14,0 14,1 14,2 14,3 14,4 http://www.afsp.org/understanding-suicide/key-research-findings
  15. http://psychcentral.com/news/2008/08/04/suicide-risk-among-abused-children/2685.html
  16. http://www.afsp.org/understanding-suicide/key-research-findings
  17. http://www.suicide.org/gay-and-lesbian-suicide.html
  18. https://www.afsp.org/understanding-suicide/facts-and-figures
  19. http://www.cdc.gov/violenceprevention/suicide/statistics/rates02.html
  20. 20,0 20,1 20,2 20,3 20,4 20,5 20,6 http://psychcentral.com/lib/what-to-do-when-you-think-someone-is-suicidal/0007461
  21. http://www.helpguide.org/articles/suicide-prevention/suicide-prevention-helping-someone-who-is-suicidal.htm
  22. http://www.afsp.org/understanding-suicide/risk-factors-and-warning-signs