Cách nhận ra hành vi thao túng

Từ VLOS
(đổi hướng từ Nhận ra hành vi thao túng)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Thao túng biểu thị sự nỗ lực tác động lên hành vi hoặc hành động của người khác một cách không trực tiếp. Bản thân hành vi thao túng không mang nghĩa tốt hay xấu: một người có thể cố điều khiển người khác đi theo mục đích cao cả hoặc lừa ai đó làm việc phi pháp. Tuy nhiên thao túng không bao giờ là ngay thẳng và thường xoáy vào những điểm yếu của chúng ta, khiến chúng ta khó nhận ra các hành vi này. Các khía cạnh mang tính kiểm soát liên quan đến hành vi thao túng đôi khi rất tinh vi và có thể không dễ nhận diện vì chúng bị khỏa lấp bởi trách nhiệm, tình yêu hoặc thói quen. Tuy nhiên bạn có thể nhận biết các dấu hiệu và tránh trở thành nạn nhân của hành vi thao túng.

Các bước[sửa]

Quan sát hành vi của họ[sửa]

  1. Để ý nếu người đó lúc nào cũng muốn bạn nói trước. Người thao túng muốn nghe xem bạn nói gì để tìm ra ưu điểm và nhược điểm của bạn. Họ sẽ hỏi dò để bạn nói lên ý kiến và cảm giác của riêng bạn. Những câu hỏi này thường bắt đầu bằng những từ như “cái gì”, “tại sao”, hay “như thế nào”. Các phản ứng và hành động của họ sẽ dựa vào các thông tin mà họ nhận được từ bạn.[1]
    • Không nên chỉ dựa vào việc người đó luôn muốn bạn nói trước để coi đó là hành vi thao túng. Bạn nên xem xét thêm các hành động khác của họ.
    • Người thao túng chỉ tập trung vào bạn mà không tiết lộ nhiều về thông tin cá nhân của họ trong các cuộc đối thoại.
    • Nếu điều này xảy ra trong phần lớn các câu chuyện giữa bạn và người đó thì đây có thể là một dấu hiệu của hành vi thao túng.
    • Mặc dù sự quan tâm của họ có vẻ chân thành, nhưng bạn hãy nhớ rằng ẩn sau đó có thể là một kế hoạch mờ ám. Nếu bạn cố gắng tìm hiểu người đó nhưng họ không chịu trả lời hoặc vội vã đổi đề tài thì có lẽ đây không phải là tình cảm quan tâm thực sự.
  2. Lưu ý xem người đó có lợi dụng sự mê hoặc để đạt được mục đích không. Một số người toát lên vẻ quyến rũ một cách tự nhiên, nhưng người thao túng thường dùng sự quyến rũ để đạt được điều họ muốn. Họ có thể khen ngợi ai đó trước khi đưa ra đề nghị của mình. Họ có thể tặng thiệp hoặc một món quà nhỏ trước khi đưa ra đòi hỏi hoặc nói rằng họ sẽ làm điều gì đó cho bạn để bạn phải làm một việc nào đó cho họ.[2]
    • Ví dụ, người có ý định thao túng có thể nấu một bữa ngon để thết đãi bạn và tỏ ra thật ngọt ngào trước khi hỏi mượn tiền hoặc nhờ làm giúp dự án.
    • Cần hiểu rằng mặc dù kiểu hành vi này thông thường khá vô tư, bạn không có bổn phận làm một việc chỉ vì ai đó đã làm điều tốt cho bạn.
  3. Chú ý đến hành vi ép buộc. Kẻ thao túng sẽ dùng vũ lực hoặc đe dọa để ép người khác làm một việc gì đó. Họ có thể thét lác, chỉ trích hoặc dọa nạt để buộc người khác làm điều họ muốn. Người đó có thể bắt đầu theo kiểu, “Nếu cô không làm điều này, tôi sẽ___” hoặc “Tôi sẽ không ___ cho đến khi nào cô ____”. Người thao túng dùng chiến lược này không chỉ để ép người khác làm điều gì đó mà còn để bắt người khác dừng hành vi của mình.[2]
  4. Để ý xem người đó xử lý các sự kiện như thế nào. Nếu người đó thao túng các sự kiện hoặc muốn nhấn chìm bạn với các sự kiện và thông tin thì nghĩa là có thể họ đang cố thao túng bạn. Mánh khóe này có thể biểu hiện qua việc nói dối, viện cớ, giấu giếm thông tin hoặc phóng đại. Một số người còn ra vẻ hiểu biết và “giội” lên bạn hàng tấn các dữ liệu và các con số thống kê. Họ làm như vậy để có cảm giác uy lực hơn bạn.[1][2]
  5. Lưu ý nếu người đó luôn ra vẻ hy sinh hoặc làm như mình là nạn nhân. Người thao túng có thể làm những việc mà bạn không yêu cầu và lấy đó để khiến bạn phải áy náy. Khi “làm ơn cho bạn”, họ chờ đợi bạn phải trả ơn và có thể than phiền nếu không được như ý.[1]
    • Người thao túng có thể kêu ca rằng, “Anh không được yêu thương/ đau ốm /bị đối xử tệ, v.v…” để cố lấy lòng thương cảm của bạn và khiến bạn vì anh ta mà làm điều gì đó.
  6. Xem xét liệu có phải lòng tốt của người đó luôn kèm theo điều kiện không. Họ có thể rất ngọt ngào và tử tế khi bạn làm tốt một việc nào đó, nhưng mọi thứ sẽ quay ngược một trăm tám mươi độ nếu bạn dám làm khác đi. Kiểu người thao túng này dường như có hai bộ mặt: một là gương mặt thiên thần khi họ muốn lấy lòng bạn, và một là bộ mặt khủng khiếp khi họ muốn bạn phải sợ. Mọi thứ có vẻ như đều ổn cho đến khi bạn không đáp ứng được sự trông đợi của họ.
    • Có thể bạn cảm thấy như mình đang đi trên bờ vực, luôn luôn lo sợ họ nổi giận.
  7. Quan sát các kiểu hành vi. Mọi người ai cũng có lúc thực hiện hành vi thao túng. Tuy nhiên kẻ thao túng thực sự thường xuyên có hành vi này. Kẻ thao túng có mục đích cá nhân và có chủ ý khai thác người khác để giành được quyền lực, sự kiểm soát và ưu thế cho mình.[1] Nếu những hành vi này thường xuyên xuất hiện, người đó có thể là một kẻ thao túng.
    • Bạn thường phải nhượng bộ nếu bị thao túng, khi đó các quyền và lợi ích của bạn đối với họ là không quan trọng.
    • Cần hiểu rằng điều này cũng có thể xảy ra với người khuyết tật và mắc bệnh tâm thần. Ví dụ như người bị trầm cảm có thể rơi vào vòng xoáy mặc cảm tội lỗi nhưng không có ý định thao túng, và người mắc chứng tăng động giảm chú ý có thể gặp khó khăn trong việc kiểm tra email thường xuyên. Điều này không có nghĩa họ là người thao túng.

Xem xét qua giao tiếp[sửa]

  1. Lưu ý nếu họ khiến bạn cảm thấy như mình không xứng đáng hoặc bị phán xét. Một mánh khóe thường gặp là chê bai và chế giễu để bạn cảm thấy mình tầm thường. Cho dù bạn làm bất cứ việc gì, người đó cũng đều tìm được cái sai của bạn. Mọi việc bạn làm đều thiếu sót. Thay vì đưa ra những gợi ý có ích hoặc lời phê bình mang tính xây dựng, thái độ của người đó đối với bạn chỉ là bới lông tìm vết.[1]
    • Hành vi này có thể biểu hiện bằng sự châm biếm hoặc đùa cợt. Người thao túng có thể chế giễu về trang phục bạn đang mặc, chiếc xe bạn đang đi, nơi làm việc, gia đình, ngoại hình của bạn hoặc bất cứ thứ gì khác. Mặc dù những lời bình luận đó có thể được ngụy trang bằng sự khôi hài, nhưng nó nhắm thẳng vào bạn. Bạn là tấm bia cho những trò đùa. Và họ sử dụng chiến thuật này để khiến bạn cảm thấy mình thấp kém.
  2. Để ý nếu bạn bị người đối xử bằng cách câm lặng. Người thao túng dùng sự im lặng để giành quyền kiểm soát. Họ có thể phớt lờ các cuộc gọi, tin nhắn và email trong một thời gian bất thường. Hành động này nhằm làm cho bạn cảm thấy lo lắng hoặc để trừng phạt vì bạn đã “làm sai điều gì đó”. “Cách xử sự câm lặng” khác với việc im lặng một thời gian cho nguôi bớt và sau đó liên lạc lại; cách hành xử này được sử dụng để khiến người kia cảm thấy mình mất ưu thế.
    • Cách xử sự câm lặng của họ có thể phát sinh từ hành động của bạn, nhưng cũng có thể không có căn nguyên nào cả. Nếu kẻ thao túng muốn làm cho người kia cảm thấy thấp thỏm thì việc tự nhiên cắt đứt liên lạc sẽ là một chiến thuật hiệu nghiệm.
    • Nếu bạn hỏi người đó lý do im lặng, có thể họ chối rằng chẳng có vấn đề gì cả, hoặc nói rằng bạn bị hoang tưởng hay vô lý.[1]
  3. Nhận ra sự quy kết khiến bạn cảm thấy tội lỗi. Mánh khóe này nhằm để bạn cảm thấy có trách nhiệm về hành vi của kẻ thao túng. Nó cũng khiến bạn phụ thuộc vào các cảm xúc của người đó như vui sướng, thất bại, thành công, giận dữ hoặc những cảm xúc tương tự. Rốt cuộc bạn sẽ cảm thấy phải có bổn phận làm mọi thứ cho anh ta, dù điều này là vô lý.[1]
    • Sự quy kết thường được phủ đầu bằng những câu như, “Nếu em hiểu anh hơn, em sẽ…” hoặc “Nếu em thực sự yêu anh thì em…”, hoặc “Anh đã làm điều này cho em, tại sao em không làm điều đó vì anh?” (mặc dù bạn không yêu cầu anh ta làm).
    • Nếu nhận thấy mình đồng ý với những việc mà vào lúc khác bạn sẽ không đồng ý hoặc không thấy thoải mái thì có lẽ bạn đang là nạn nhân của hành vi thao túng.
  4. Để ý xem bạn có luôn phải nói lời xin lỗi không. Kẻ thao túng có thể lật ngược tình huống để làm như bạn đã sai. Họ có thể đổ lỗi cho bạn về một việc bạn không làm hoặc khiến bạn cảm thấy có trách nhiệm về tình huống nào đó. Ví dụ, bạn hẹn gặp người đó vào lúc một giờ trưa, nhưng họ đến muộn những hai tiếng. Khi bị chất vấn, người đó sẽ phản ứng kiểu như, “Em nói đúng. Anh chẳng làm được điều gì tốt cả. Anh không biết tại sao em vẫn còn nói chuyện với anh. Anh không xứng đáng có được em trong cuộc đời anh”. Vậy là người đó lấy được sự thông cảm của bạn, đồng thời làm thay đổi bản chất của cuộc đối thoại.[3]
    • Kẻ thao túng cũng sẽ diễn giải sai mọi điều bạn nói theo nghĩa xấu nhất để khiến bạn phải xin lỗi về điều mình vừa nói.
  5. Nhận biết nếu người đó luôn so sánh bạn với những người khác. Để ép bạn làm một điều gì đó, kẻ thao túng có thể bảo rằng bạn không tốt như những người khác. Họ có thể còn bảo rằng bạn sẽ biến thành kẻ khờ nếu không làm việc đó.[4] Hành vi này là để bạn cảm thấy day dứt và ép bạn phải làm điều họ muốn.[5]
    • Những câu nói kiểu như "Bất cứ ai cũng sẽ _____”, hoặc, "Nếu anh mà nhờ Hằng thì cô ấy sẽ làm ngay," hoặc, "Ai cũng cho là không sao, chỉ trừ em ra," là để buộc bạn phải thực hiện điều gì đó bằng cách so sánh.

Đối phó với người có hành vi thao túng[sửa]

  1. Biết rằng bạn có quyền từ chối. Kẻ thao túng sẽ tiếp tục thao túng nếu bạn cho phép anh ta làm như vậy. Bạn cần phải nói “không” để bảo vệ hạnh phúc của mình. Hãy nhìn vào gương và tập nói, “Không, em không thể giúp anh việc đó được,” hoặc “Không, việc đó không làm được đâu”.[6] Bạn phải đứng lên bảo vệ mình, và bạn xứng đáng được tôn trọng.
    • Bạn không cần phải day dứt khi nói “không”. Đó là quyền của bạn.
    • Bạn có thể từ chối một cách nhã nhặn. Khi người thao túng yêu cầu bạn làm việc gì đó, bạn hãy thử nói : “Em cũng muốn lắm, nhưng mấy tháng tới em rất bận”, hoặc , “Cảm ơn vì anh đã tin em, nhưng em không làm được”.
  2. Vạch ra ranh giới. Khi kẻ thao túng thấy rằng mọi việc trở nên tồi tệ, họ sẽ cố gắng lợi dụng sự thông cảm của bạn để có được điều họ cần. Khi đó kẻ thao túng sẽ dựa vào tình cảnh “không nơi nương tựa” để bạn phải hỗ trợ về tiền bạc, tình cảm hoặc các hình thức giúp đỡ khác. Để ý những thái độ hoặc những câu nói như, “Em là chỗ dựa duy nhất của anh”, hoặc “Anh chẳng có ai để nói chuyện cả”, v.v… Bạn không có bổn phận đáp ứng nhu cầu của người đó vào mọi lúc.
    • Nếu người đó nói, "Anh chẳng có ai để nói chuyện cả,” bạn thử phản ứng bằng những dẫn chứng cụ thể:
      • "Anh có nhớ hôm qua anh Minh đến và nói chuyện với anh suốt cả buổi chiều không? Còn Lan cũng từng nói cô ấy rất sẵn lòng nói chuyện qua điện thoại với anh nếu anh cần người lắng nghe. Em sẵn lòng nói chuyện với anh trong năm phút, nhưng sau đó em có cuộc hẹn quan trọng không bỏ được.”
  3. Tránh tự trách mình. Kẻ thao túng sẽ cố gắng khiến bạn cảm thấy mình thấp kém. Nhớ rằng bạn đang bị thao túng để cảm thấy như vậy, và vấn đề không phải ở bạn. Khi bắt đầu cảm thấy mình tồi tệ, bạn cần nhận biết điều gì đang xảy ra và xem lại cảm giác của bạn.[7]
    • Tự hỏi, “Người đó đối xử với mình có tôn trọng không?” “Những yêu cầu và trông đợi của họ đối với mình có hợp lý không?” “Liệu đây có phải là mối quan hệ một chiều không?” “Mình có cảm thấy hài lòng về bản thân không?”
    • Nếu câu trả lời là “không”, có lẽ kẻ thao túng mới là vấn đề trong mối quan hệ của bạn chứ không phải bạn.
  4. Quyết đoán. Kẻ thao túng thường bẻ cong và bóp méo sự thực để khiến mình có vẻ có lý hơn. Khi phản ứng với sự bóp méo này, bạn cần phải làm rõ. Nói rằng bạn nhớ là không phải như vậy, và bạn muốn hiểu rõ hơn về vấn đề này. Hỏi người đó vài câu đơn giản về việc hai người cùng đồng thuận vào lúc nào, họ đã tin vào cách giải quyết ra sao, v.v… Khi cả hai đã cùng đồng ý, bạn hãy lấy đó làm điểm mới để khởi đầu chứ không dùng sự kiện bị bóp méo kia. Ví dụ:
    • Người đó nói, “Anh không bao giờ ủng hộ tôi trong các cuộc họp; anh chỉ ở đó vì lợi ích của chính anh và để mặc tôi với đám người hung dữ đó.”
    • Bạn đáp lại, “Anh nói như vậy là không đúng. Tôi biết là anh đã sẵn sàng nói chuyện với các nhà đầu tư đó. Nếu anh có sơ xuất thì tôi đã can thiệp rồi, nhưng tôi thấy anh đã làm rất xuất sắc”.
  5. Lắng nghe bản thân mình. Điều quan trọng là bạn nên lắng nghe bản thân và cảm giác của mình trong các tình huống. Liệu bạn có cảm thấy bị ép buộc, áp lực hoặc có bổn phận làm mọi việc cho người đó trái với ý muốn của mình không? Có phải dường như hành vi của anh ta tác động đến bạn không có điểm dừng, tức là bạn phải làm hết việc này đến việc khác? Các câu trả lời sẽ chỉ cho bạn bước tiếp theo trong mối quan hệ với người đó.
  6. Cắt đứt sự quy kết để khiến bạn day dứt. Một trong những điều quan trọng cần nhớ để thoát khỏi sự ràng buộc của cảm giác tội lỗi là loại trừ ngay từ khi nó bắt đầu manh nha. Dùng phương pháp “gậy ông đập lưng ông” để đối phó với xảo thuật này và đừng để những diễn giải của người đó về hành vi của bạn quyết định tình huống. Phương pháp này là dùng những điều kẻ thao túng vừa nói để cho họ thấy rằng họ đang cư xử thiếu tôn trọng, vô tâm, không thực tế hoặc tàn nhẫn như thế nào.
    • Nếu họ nói, “Em không quan tâm đến những việc anh đã làm cật lực vì em", bạn hãy thử nói, “Chắc chắn là em có quan tâm đến những việc anh đã làm cho em. Em đã nói rất nhiều lần rồi. Giờ thì em thấy anh không muốn hiểu rằng em quan tâm như thế nào”.
    • Cắt bớt ảnh hưởng của họ lên bạn. Khi kẻ thao túng cố làm cho bạn cảm thấy tội lỗi bằng cách nói rằng những điều đó không quan trọng thì bạn cũng đừng tin.
  7. Chuyển sự tập trung sang kẻ thao túng. Thay vì để người đó đặt các câu hỏi và ra lệnh, bạn hãy giành quyền kiểm soát tình huống. Khi bạn bị hỏi hoặc bị áp lực phải làm điều gì đó quá đáng hoặc khiến bạn thấy không thoải mái, bạn hãy hỏi người đó vài câu thăm dò.[8]
    • Hỏi người đó, “Điều này có công bằng cho em không?” “Anh thực sự nghĩ rằng điều này là hợp lý à?” “Điều này sẽ giúp em/ có lợi cho em như thế nào?” “Anh nghĩ em sẽ cảm thấy thế nào?”
    • Những câu hỏi này có thể khiến kẻ thao túng phải thừa nhận.
  8. Không quyết định vội vã. Kẻ thao túng có thể cố ép bạn phải quyết định nhanh hoặc đòi hỏi bạn phải trả lời ngay. Thay vì nhượng bộ, bạn có thể nói, “Em sẽ suy nghĩ về việc này”. Điều này sẽ giúp bạn không phải chấp thuận làm việc mà bạn thực sự không muốn hoặc bị đẩy vào chân tường.[8]
    • Nếu một đề nghị biến mất khi bạn dành thời gian suy nghĩ thì có thể là vì bạn sẽ không làm điều đó nếu bạn có thời gian suy nghĩ. Nếu họ thúc ép bạn phải quyết định tức khắc thì câu trả lời “không” là thích hợp nhất.
  9. Thiết lập hệ thống hỗ trợ. Tập trung vào những mối quan hệ lành mạnh hơn và dành thời gian ở bên cạnh những người khiến bạn hạnh phúc và tự tin. Đó có thể là người thân trong gia đình, bạn bè, cố vấn, đồng đội, và/hoặc bạn trên internet. Những người này có thể giúp bạn duy trì sự cân bằng và hài lòng với bản thân. Đừng để mình cách biệt với mọi người!
  10. Tránh xa kẻ thao túng. Nếu nhận thấy việc tiếp xúc với một người thao túng trở nên khó khăn hoặc gây tổn hại cho mình, bạn hãy giữ khoảng cách với người đó. Bạn không có nhiệm vụ phải thay đổi người đó. Nếu kẻ thao túng là người thân trong gia đình hoặc là một đồng nghiệp thường xuyên ở gần, bạn hãy cố gắng hạn chế tương tác. Chỉ giao tiếp với họ khi thực sự cần thiết.[7]

Lời khuyên[sửa]

  • Hành vi thao túng có thể xuất hiện trong mọi mối quan hệ, bao gồm tình yêu, quan hệ gia đình hoặc quan hệ tình cảm thuần khiết.
  • Tìm một kiểu thức ở các hành vi nhất định. Nếu bạn có thể đoán đúng cách người đó cư xử như thế nào để đạt được kết quả nào đó, có lẽ bạn đang đi đúng hướng trong việc nhận ra những hành vi thao túng.
  • Nếu bạn đang vướng vào mối quan hệ mang tính thao túng, bạn có thể rời bỏ hoặc nhờ sự giúp đỡ của một người thấu hiểu tình cảnh của bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này