Oxya chinensis (Cào cào xanh hại lúa)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Tập tin:Oxya chinensis.jpg
Oxya chinensis Thunberg.

Cào cào xanh tên khoa học Oxya chinensis Thunberg, là một loài côn trùng thuộc họ Acrididae (Cào Cào), bộ Orthoptera (Cánh Thẳng).

Phân bố và ký chủ[sửa]

Cào cào xuất hiện ở nhiều quốc gia vì phổ ký chủ rộng. Ngoài cây lúa, loài này còn gây hại trên bắp, mía, đậu phộng, đậu nành, rau cải, cỏ lồng vực.

Đặc điểm hình thái và sinh học[sửa]

Thành trùng dài từ 30-45 mm, màu nâu nhạt lẫn xanh vàng, một sọc màu nâu sẫm chạy dài từ mắt đến cuối cánh. Râu đầu dạng sợi chỉ, có từ 23-28 đốt. Hai bên đỉnh đầu xuôi về phía sau mắt kép có 1 vệt dọc màu nâu đậm chạy suốt tới 2 mảnh lưng ngực trước. Góc dưới mảnh sau lưng đốt thứ 3-4 của bụng con cái có dạng gai. Đùi chân sau nở to, màu đen và có nhiều gai nhọn. Thành trùng cái có thể sống từ 2-3 tháng và đẻ từ 2-3 ổ trứng, trung bình từ 20-100 trứng trong một ổ.

Trứng màu vàng đậm, hình ống, hơi cong ở giữa, một đầu nở to. Ổ trứng hình túi, trong đó trứng được xếp xiên thành 2 hàng. Thời gian ủ trứng khoảng 6 tuần, đôi khi lâu hơn.

Ấu trùng màu xanh, râu hình sợi chỉ. Mảnh lưng ngực trước dài hơn đầu. Mầm cánh kéo dài tới đốt thứ ba của bụng. Ấu trùng thay da từ 5-9 lần. Thời gian phát triển trong mỗi giai đoạn tuổi từ 10-16 ngày. Ấu trùng phát triển trong thời gian từ 6-10 tuần.

Tập quán sinh sống và cách gây hại[sửa]

Sau khi vũ hoá từ 5-40 ngày, tuỳ theo điều kiện thời tiết và nguồn thức ăn thì thành trùng bắt đầu giao phối, sau đó khoảng 10-40 ngày thì bắt đầu đẻ trứng.

Trứng được đẻ thành từng ổ trong đất, nơi bờ ruộng hay bãi cỏ hoang. Cào cào thường thích đẻ trứng nơi đất ẩm, có pha cát hơn là đất sét nặng, thích nơi có nhiều cỏ dại và nhiều nắng.

Thành trùng gây hại mạnh vào buổi sáng và chiều mát và có xu tính bay vào ánh lửa hoặc đèn tia tử ngoại và có thể bơi khi nhảy xuống nước. Thời kỳ mạ hay lúa non, cả thành trùng và ấu trùng đều ăn khuyết lá, đôi khi chỉ còn gân chính. Khi lúa trổ bông hay chín, thành trùng và ấu trùng có thể cắn đứt cuống bông làm bông bị lép.

Biện pháp phòng trị[sửa]

  • Trước khi gieo cấy cần dọn sạch cỏ ở bờ ruộng.
  • Ở giai đoạn mạ hay lúa non có thể dùng vợt để bắt cào cào.
  • Đốt lửa thu hút cào cào tới, xong dùng thuốc diệt.
  • Cào cào có nhiều thiên địch như các loài ruồi ăn thịt, tuyến trùng, bệnh ký sinh ấu trùng và thành trùng. Ngoài ra, chim, ếch, nhện và ruồi thuộc họ Sphecidae là những loài ăn cào cào nhiều.
  • Có thể dùng bã mồi gồm: cám + nước muối + thuốc trừ sâu, đặt nơi cào cào hay đẻ trứng để thu hút thành trùng.
  • Phun thuốc trừ sâu khi cào cào xuất hiện nhiều.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về sâu hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ Giáo trình Côn trùng Nông nghiệp, phần B: Côn trùng hại cây trồng chính ở đồng bằng sông Cửu Long (tác giả: Nguyễn Văn Huỳnh Lê Thị Sen, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: 2003).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://ebook.moet.gov.vn/?page=1.32&view=3305