Proceras venosata (Sâu đục thân hại mía)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sâu đục thân hại mía Proceras venosata Walker, còn có tên khác là Chilo sacchariphagus Boyer, là một loài côn trùng thuộc họ Pyralidae (Ngài Sáng), bộ Lepidoptera (Cánh Vảy).

Phân bố và ký chủ[sửa]

Sâu xuất hiện khắp các vùng trồng mía trên thế giới và nước ta. Ngoài mía, chúng còn có thể tấn công bắp, lúa miến...

Đặc điểm hình thái và sinh học[sửa]

Bướm dài 13-16 mm, sải cánh rộng 30-40 mm. Mắt kép màu nâu đen. Đầu ngực màu vàng xám. Bụng màu trắng vàng. Cánh trước màu vàng xám có nhiều sọc xám đen, gầm đầu cánh có 1 chấm đen nhỏ. Thời gian sống của bướm từ 3-7 ngày. Một bướm cái có thể đẻ từ 150-350 trứng.

Trứng hình bầu dục dài, màu trắng sữa. Trứng được đẻ ở mặt dưới lá thành 2 hàng, xếp như hình vảy cá. Thời gian ủ trứng từ 5-7 ngày.

Sâu lớn đủ sức dài từ 20-30 mm, màu vàng nhạt. Đầu màu nâu đỏ. Lưng có 4 sọc màu xám nâu chạy dọc cơ thể; mỗi đốt bụng có 6 đốm màu nâu, mỗi đốm có một sợi lông mọc ra. Sâu có 5 tuổi, phát triển từ 26 - 39 ngày.

Nhộng dài từ 12-15 mm, màu nâu. Thời gian nhộng từ 7-12 ngày.

Tập quán sinh sống và cách gây hại[sửa]

Bướm thường vũ hóa từ 21-22 giờ đêm và hoạt động vào ban đêm, ban ngày ẩn dưới lá hay thân cây. Phần lớn bướm đẻ trứng ở mặt dưới lá, gần gân chính.

Trứng được đẻ thành từng ổ, một ổ trứng có khoảng 10-20 cái; trong mỗi ổ, trứng được đẻ xếp thành hàng như vảy cá và được gắn chặt vào lá mía. Trứng nở vào buỗi sáng, rộ nhất lúc gần trưa.

Khi cây mía chưa có lóng, sâu non sau khi nở tập trung ăn phần mô mềm của lá mía, để lại lớp biểu bì mỏng. Thời kỳ này của sâu khoảng 10-14 ngày. Đến tuổi 3, sâu phân tán, chuyển xuống bẹ lá để đục vào nơi mềm gần đốt trên thân cây mía. Lúc mía còn nhỏ (giai đoạn đẻ nhánh), chưa có lóng, sâu đục vào bên trong, ăn từ dưới lên đến đỉnh sinh trưởng, gây ra hiện tượng chết đọt.

Khi mía đã lớn, có lóng, sâu đục phá phần lóng, không xuyên qua mắt được; do đó phải đục ra ngoài xong đục sang lóng khác. Lổ đục hình tròn, xung quanh có quầng màu vàng và trên một mắt mía có nhiều lỗ xếp thành hàng vòng theo thân cây mía. Đường đục phía trong thân thường ngoằn ngoèo và có nhiều đường ngang.

Sâu thường làm nhộng giữa bẹ và thân.

Sâu thích những vườn mía có lóng trên 3 tháng tuổi; có thể làm ngọn mía ngừng tăng trưởng hoặc chết, sẽ có nhiều chồi nách mọc ra ngay dưới nơi bị sâu đục. Chồi phụ phát triển nhiều làm lượng đường saccharose phải phân hủy thành đường glucose và fructose nên mía bị chua, bên trong thân cây mía có màu đỏ và mía có mùi rượu. Cây mía bị loài sâu này tấn công thường rỗng ruột, khi có gió mạnh cây dễ gảy. Mùa mưa sâu gây hại nhiều hơn mùa nắng.

Biện pháp phòng trị[sửa]

Không bón nhiều phân N trong mùa mưa, tránh thu hút bướm tới đẻ trứng.

Bóc lá mía, tránh nơi ẩn náu của sâu.

Rải thuốc hột vào ngọn và nách lá trong mùa mưa, từ 10-12 kg/ha.

Trồng giống mía thân cứng sẽ ít bị loài sâu này tấn công.

Một số loài sâu đục thân mía khác[sửa]

Sâu đục thân màu hồng Sesamia inferens (họ Noctuidae, bộ Lepidoptera).

Sâu đục thân năm vạch Chilo suppressalis (họ Pyralidae, bộ Lepidoptera).

Ghi chú[sửa]

Nội dung về sâu hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ Giáo trình Côn trùng Nông nghiệp, phần B: Côn trùng hại cây trồng chính ở đồng bằng sông Cửu Long (tác giả: Nguyễn Văn Huỳnh Lê Thị Sen, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: 2003).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Tham khảo[sửa]

  1. http://ebook.moet.gov.vn/?page=1.32&view=3305