Quyết định dùng ga rô cầm máu (liệu pháp tại nhà)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Khi thấy một người khi bị chảy máu ồ ạt thì bạn cần hiểu rằng họ đang lâm vào tình huống nguy cấp giữa sống và chết. Trong các trường hợp như vậy, có thể bạn cần làm ga-rô cầm máu ở các chi. Ga-rô là một dụng cụ ép, thường là dải băng có chất liệu mềm, quấn lỏng quanh tay hoặc chân và xoắn chặt lại để kiềm chế máu chảy bên dưới. Khi sử dụng ga-rô, bạn không bao giờ được sử dụng dải băng hẹp, dây kim loại hoặc dây thừng, vì chúng có thể cắt đứt da và cơ khi được buộc chặt.[1]

Các bước[sửa]

Ép vào vết thương đang chảy máu[sửa]

  1. Kiểm soát tình huống. Công việc của bạn là giữ yên nạn nhân và giúp họ không bị chảy máu đến chết. Bất cứ khi nào xảy ra tình huống khẩn cấp khi thấy một người đang bị chảy máu ồ ạt, xối xả, (hoặc thậm chí máu phụt ra), việc đầu tiên bạn cần làm là cố gắng dùng sức ép để cầm máu. Nếu lực ép không có tác dụng, bạn phải nhanh chóng quyết định liệu có thể dùng phương pháp ga-rô ở nhà không. Bạn chỉ nên làm và đặt ga-rô nếu đã dùng lực ép mà máu vẫn không ngừng chảy (không đặt ở cổ, thân trên, bụng).[1]
  2. Gọi số điện thoại cấp cứu 115 hoặc số cấp cứu khác ngay khi có thể. Nếu chỉ có một mình với nạn nhân, bạn hãy cố gắng cầm máu trước khi tranh thủ gọi điện thoại nhờ giúp đỡ.
    • Nếu có thêm người ở đó, bạn hãy nhờ chính xác một người gọi số cấp cứu 115 trong khi bạn xem xét và xử lý vết thương.[2] Nếu có một nhóm người ở đó, bạn đừng chỉ nói chung chung, “Ai đó gọi 115 đi!” Nhìn thẳng vào một người và nói, “Anh áo xanh, làm ơn gọi 115!”.
  3. Đánh giá vết thương. Để quyết định chính xác cách xử trí vết thương, bạn phải biết vết thương thuộc loại nào. Bạn đừng phí thời gian nếu không trông thấy vết thương vì máu chảy. Tìm vải sạch để lau máu và quan sát vết thương. Tháo hoặc cắt phần trang phục hoặc trang sức trên vết thương chỉ khi cần thiết. Tuy nhiên nếu có dị vật kẹt trong vết thương, bạn không nên lấy ra. Nếu có vật đâm vào vết thương, bạn hãy để yên đó cho đội cứu thương xử lý.[2]
    • Nếu có thời gian và có điều kiện, bạn hãy rửa tay hoặc đeo găng tay y tế để đề phòng nhiễm trùng và ngăn ngừa các bệnh lây qua máu.
  4. Ép lên vết thương. Khi đã nhìn thấy vết thương, bạn hãy nâng cao vết thương càng cao càng tốt. Giữ bộ phận bị thương cao hơn tim để máu không chảy quá nhanh. Tiếp đó dùng khăn sạch, gạc, áo thun hoặc bất cứ mảnh vải nào có sẵn ép lên vết thương đang chảy máu. Đặt băng ép lên vết thương và ép xuống thật mạnh.
    • Nếu vết thương là vết cắt nông, bạn chỉ cần đơn giản ép lên đó.
    • Nếu vết thương là vết đâm, xương gãy đâm ra ngoài, vết đạn hoặc vết thương khác nghiêm trọng hơn, có lẽ việc bạn cần làm không chỉ là ép lên vết thương. Tuy nhiên, ép lên vết thương luôn luôn phải là bước đầu tiên.
  5. Giữ chặt băng ép. Đầu tiên khi dùng băng ép, bạn cần giữ chặt ít nhất 15 phút. Nếu vết thương tiếp tục chảy máu, bạn hãy giữ lâu hết sức có thể.
    • Nếu băng ép ướt đẫm máu, bạn đừng lấy băng ra mà chỉ cần đơn giản đặt thêm băng ép mới lên trên. Nếu lấy băng ép ra, bạn sẽ gây nguy cơ làm rối loạn các cục máu đông đang hình thành bên dưới vết thương.
    • Nếu băng ép không bị ướt đẫm và có vẻ như máu đã ngừng chảy do vết thương không quá nghiêm trọng, bạn có thể nhấc băng ép ra để đánh giá tình trạng vết thương.[3]
  6. Quan sát dấu hiệu sốc. Nếu bị thương quá nặng, nạn nhân có thể rơi vào trạng thái sốc. Chú ý bất cứ thay đổi nào trong hành vi hoặc trạng thái ý thức của nạn nhân. Nếu nhận thấy các dấu hiệu sốc, bạn cần phải gọi cấp cứu nếu chưa gọi. Các dấu hiệu này bao gồm:[4]
    • Ngất xỉu hoặc mất ý thức
    • Chóng mặt hoặc lơ mơ
    • Yếu sức hoặc khó đứng dậy
    • Đồng tử giãn
    • Da nhợt nhạt, ẩm và lạnh
    • Mạch đập nhanh hoặc thở gấp
    • Có biểu hiện suy giảm ý thức, phản ứng khác lạ khi được hỏi, nhầm lẫn, sợ hãi hoặc bồn chồn

Sử dụng ga-rô cầm máu[sửa]

  1. Cân nhắc dùng ga-rô. Nếu động tác ép không thể khiến máu ngừng chảy, nếu bạn đang ở nơi hoang dã, nếu vì lý do nào đó mà bạn không thể gọi cấp cứu, nếu có quá nhiều vết thương khiến bạn không thể dùng biện pháp ép, hoặc nếu bạn đang ở trong trường hợp khẩn cấp khác, có lẽ bạn cần dùng ga-rô để cầm máu cho nạn nhân. Bạn chỉ nên dùng ga-rô như một biện pháp cuối cùng trong tình huống khẩn cấp.[5][1] Nguyên nhân là vì có một số vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng ga-rô.
  2. Đánh giá các yếu tố rủi ro. Nếu thấy hoàn toàn cần thiết dùng ga-rô để cứu mạng sống cho nạn nhân, bạn nên cân nhắc về một số biến chứng có thể xảy ra trước khi áp dụng biện pháp này. Các yếu tố cần ghi nhớ là:[1][6][5]
    • Ga-rô buộc quá lỏng có thể gây chảy máu nhiều hơn. Máu ở động mạch chịu áp lực cao hơn máu ở những nơi khác, do đó nếu ga-rô quá lỏng, máu ở động mạch vẫn chảy qua, trong khi máu ở những nơi khác bị chặn lại.
    • Ga-rô tháo ra quá sớm có thể gây tổn thương cho các mạch máu bị ép và máu sẽ chảy lại.
    • Ga-rô nếu buộc quá lâu có thể gây tổn thương các dây thần kinh, các cơ và mạch máu. Theo nguyên lý chung, tổn thương vĩnh viễn có thể xảy ra nếu ga-rô được đặt lâu hơn một hoặc hai tiếng.
    • Đặt ga-rô sai vị trí, chẳng hạn như ga-rô đặt quá xa vết thương hoặc trên các khớp có thể sẽ không có hiệu quả.
    • Ga-rô nếu buộc đúng có thể rất đau.
  3. Làm ga-rô. Nếu muốn làm ga-rô đúng cách, bạn cần tìm đúng vật liệu cho vùng tổn thương. Ga-rô phải có chiều rộng ít nhất từ 2,5 đến 5 cm. Vết thương ở cánh tay nên dùng ga-rô nhỏ hơn, và ga-rô dày hơn dùng cho chân. Xé hoặc cắt áo sơ mi, khăn hoặc vải trải giường thành những dải băng để làm vật liệu ga-rô.
    • Dải băng quá hẹp hoặc quá mỏng có thể cắt vào da, trong khi dải băng quá rộng cần phải buộc thật chặt mới có hiệu quả.
    • Đảm bảo chất liệu dải băng làm ga-rô không co giãn hoặc trơn để không bị xục xịch.
    • Bạn có thể dùng ga-rô bằng những vật liệu sẵn có như thắt lưng hoặc dây đai buộc áo.[5][1][6]
  4. Đặt ga-rô. Để có hiệu quả, ga-rô phải được đặt đúng chỗ. Ga-rô cần đặt cách vết thương khoảng 5 cm về phía tim. Bạn cũng phải buộc đủ chặt để ngăn chặn hoàn toàn dòng máu chảy trong động mạch.
    • Không đặt ga-rô trên các khớp như khuỷu tay hoặc đầu gối. Dòng máu chảy qua khớp được bảo vệ để không bị gián đoạn khi khớp gập vào. Bạn cũng không nên đặt ga-rô lên trên quần áo để tránh bị trượt khi buộc.
    • Máu trong động mạch sẽ phụt ra do hoạt động bơm của tim.
    • Không bao giờ đặt ga-rô trên bất cứ bộ phận nào khác ngoài chân và tay.[5][1][6]
  5. Buộc ga-rô. Buộc ga-rô bằng nút thắt vuông thông thường. Đảm bảo nút thắt phải chặt. Nếu định dùng một vật để trợ giúp trong quá trình buộc, bạn sẽ phải buộc hai nút. Buộc nút thứ nhất để cố định băng trên chân hoặc tay. Sau đó đặt một que gỗ dài từ 12 đến hoặc 20 cm hoặc một que kim loại nhẵn (gọi là tay quay) lên và thắt thêm một nút nữa bên trên.
    • Đảm bảo tay quay phải nhẵn để không cắt vào da nạn nhân hoặc làm đứt ga-rô. Tay quay có thể là một chiếc que, vật dụng kim loại nhẵn, bút chì hoặc một vật dài.[5][1][6]
  6. Thắt chặt ga-rô. Nếu sử dụng thắt lưng, bạn cần thắt càng chặt càng tốt để cầm máu. Nếu sử dụng tay quay, bạn phải buộc chặt ga-rô hết mức có thể bằng cách vặn tay quay cho dải băng thắt chặt xung quanh cánh tay hoặc chân.
    • Ga-rô cho vết thương ở chân cần phải chặt hơn ở cánh tay vì mạch máu ở chân lớn hơn.[5][1][6]
  7. Chờ cấp cứu. Sau khi buộc ga-rô cầm máu, bạn hãy chờ đội cấp cứu đến. Đảm bảo ghi lại thời gian bắt đầu đặt ga-rô. Khi đội cấp cứu tới, họ sẽ cần biết thông tin này. Nếu dịch vụ cấp cứu chậm đến, bạn có thể làm mát chi bị thương bằng nước đá hoặc túi chườm lạnh để giảm rủi ro tổn thương mô khi đang đặt ga-rô.
    • Không tháo ga-rô trừ khi bạn có thể ép trực tiếp lên vết thương. Nếu có thể, bạn hãy tháo ga-rô một cách cẩn thận, chú ý tình trạng chảy máu và dấu hiệu sốc.
    • Nếu máu vẫn rỉ ra xung quanh vết thương, không tháo ga-rô. [5][1][6]

Cảnh báo[sửa]

  • Đặt ga-rô là biện pháp có tính rủi ro, do đó chỉ nên đặt ở cánh tay hoặc chân và chỉ khi không thể áp dụng biện pháp thay thế nào khác để cứu sống nạn nhân.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây