Quyết đoán mà không ngạo mạn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sự quyết đoán diễn đạt nhu cầu của bạn một cách thẳng thắn với chính bạn và với cả những người khác. Phong cách giao tiếp quyết đoán cũng như hành vi quyết đoán có thể khiến bạn cảm thấy hài lòng hơn và mãn nguyện hơn. Nó cũng giúp bạn bộc lộ sự tự tin, khiến người khác thoải mái và tin tưởng khi tương tác với bạn. Tuy rằng sự quyết đoán trong giao tiếp đôi khi bị diễn giải sai thành sự kiêu ngạo, ích kỷ và vô bổ, nhưng nếu biết cách thiết lập những ranh giới rõ ràng, truyền đạt những nhu cầu và ý tưởng của mình một cách dễ hiểu và tôn trọng, bạn có thể nâng cao mối quan hệ với những người khác, dù người đó là đồng nghiệp, bạn bè hay “đối tượng” tình cảm của bạn.

Các bước[sửa]

Đặt Nền tảng cho Tính quyết đoán[sửa]

  1. So sánh hành vi quyết đoán và hành vi thụ động. Quyết đoán không phải là ngạo mạn. Người thụ động thường để cho quyền lợi của mình bị xâm phạm khi đồng ý làm những điều mà họ không muốn làm, không dám đưa ra quyết định của mình, khiêm nhường quá mức và không muốn truyền đạt những suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách thẳng thắn.[1] Người quyết đoán không ngại nói “không” trước những đòi hỏi không thích hợp và vô lý. Họ tự tin một cách đúng mức khi biểu lộ cảm xúc, nhu cầu và cách ứng xử của mình đối với mọi người.
    • Người quyết đoán không để quyền lợi của mình bị xâm phạm và cũng không xâm phạm quyền lợi hay cảm xúc của người khác vì lợi ích của mình. Người quyết đoán có cảm giác mạnh mẽ về niềm tin nội tại (là cảm giác họ đang hành động theo những giá trị của bản thân và đang làm hết sức mình).
    • Sự quyết đoán đề cao tính trung thực, thẳng thắn về mặt cảm xúc và các mối quan hệ giữa các cá nhân. Nến bạn không tự đứng trên đôi chân của mình hoặc phụ thuộc vào những người khác để đưa ra mọi quyết định thì bạn khó mà hài lòng với những quan hệ cá nhân của mình. Những người không quyết đoán nói chung thường có chỉ số hạnh phúc và mức độ an tâm thấp.[2]
  2. Nhận biết hành vi quyết đoán. Hành vi quyết đoán liên quan đến cách bạn nói cũng như những điều bạn nói. Quyết đoán không có nghĩa là xúc phạm hay hạ thấp người khác, mà đó là cách thể hiện quyền được suy nghĩ, được đáp ứng nhu cầu và cảm xúc. Những hành vi sau đây được coi là quyết đoán:[1]
    • Diễn đạt cảm xúc một cách rõ ràng
    • Nói với người khác về những nhu cầu của bạn với phong thái thoải mái
    • Không chửi rủa, nói tục và tránh các hình thức diễn đạt không thích hợp khác
    • Truyền đạt thẳng thắn và trung thực
    • Công nhận quyền của người khác trong giao tiếp
    • Có những phát biểu hợp tác và quan tâm những ý kiến của người khác.
    • Một ví dụ cho hành vi quyết đoán là khi có người chen ngang lên trước mặt bạn khi xếp hàng, bạn nói với họ bằng giọng bình tĩnh, “Tôi mới là người kế tiếp. Tôi không chấp nhận cho anh chen ngang như vậy”.
    • Nếu tình huống ngược lại khi bạn vô tình chen ngang hàng, thì hành vi quyết đoán sẽ là nhận trách nhiệm và xin lỗi: “Xin lỗi anh, tôi không nhìn thấy anh đang đứng trong hàng. Tôi sẽ xếp sau anh”. Nhận trách nhiệm một cách quả quyết không có nghĩa là bạn phải khom lưng hay hạ mình mà là công nhận nhu cầu của người khác và của chính bạn.
  3. Nhớ rằng quyết đoán là một kỹ năng được rèn luyện. Mặc dù một số người sinh ra đã có tính quyết đoán hơn người, nhưng giao tiếp một cách quyết đoán và thích hợp là một kỹ năng đòi hỏi thời gian và sự thực hành. Điều này đặc biệt đúng đối với phụ nữ, đối tượng thường bị những áp lực xã hội và văn hóa buộc phải kiềm chế hành vi và lối giao tiếp mang tính quyết đoán.
    • Xin lỗi và nhận trách nhiệm là một phản ứng lành mạnh, hữu ích khi bạn không thực hiện hành vi giao tiếp thích hợp.
  4. Nhận thức rằng bạn có quyền. Những áp lực văn hóa và xã hội có thể khiến bạn tin rằng bạn không có quyền nói “không” trong một số trường hợp nào đó, chẳng hạn như khi ở nơi làm việc hoặc với bạn bè. Nếu là phụ nữ, bạn có thể còn phải đối mặt với định kiến xã hội khi xử sự quyết đoán, bị gán cho những tính cách như “ồn ào”, “tự cao” hay “hung dữ”[3]. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng không ai đáng phải trải qua cảm giác thấy mình vô giá trị và bị đe dọa. Bạn có quyền có những nhu cầu, những suy nghĩ và cảm xúc, đồng thời có quyền biểu lộ những điều đó một cách thích đáng.[4]
  5. Nhận biết bạn cần thay đổi ở đâu. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy bị áp lực phải đồng thuận ở nơi làm việc hay với bạn bè, hoặc cảm thấy phiền muộn hay bất lực khi tương tác với những người khác thì có lẽ bạn cần rèn luyện tính quyết đoán ở những nơi đó. Bạn cần nhớ rằng hành vi thụ động thực chất không phải là làm điều tốt cho ai; nó có thể khiến bạn không được đánh giá đúng mức và bị coi nhẹ, và tính thụ động cũng có nghĩa là không thẳng thắn với mọi người.
    • Thử ghi nhật ký về những lần bạn cảm thấy bị đe dọa, ép buộc, chịu áp lực hoặc có cảm giác bị động hay rụt rè. Việc này có thể giúp bạn xác định được những khía cạnh nào gây ra vấn đề khó khăn nhất cho bạn, và bạn nên tập trung vào đâu để rèn luyện tính quyết đoán.
  6. Nhờ sự giúp đỡ. Nếu bạn biết rằng phản ứng một cách quyết đoán là điều khó khăn đối với mình, vậy thì nhờ sự giúp đỡ của một người đáng tin cậy cũng là một ý hay. Đó có thể là người bạn, người yêu, cấp trên hay là một chuyên gia tư vấn. Bạn hãy mô tả tình huống và vấn đề của mình càng cụ thể càng tốt và sau đó mô tả những thay đổi về hành vi mà bạn mong muốn.[4]
    • Ví dụ, nếu thấy mình khó từ chối các dự án làm thêm dù không được trả thêm thù lao, bạn có thể nói chuyện với một đồng nghiệp đáng tin cậy về các chiến thuật để đòi quyền lợi một cách quả quyết nếu lần sau cấp trên yêu cầu bạn làm thêm việc.
    • Bạn cũng có thể thực hành những phản ứng quyết đoán với những người mà bạn tin cậy trước khi áp dụng vào tình huống khó khăn thực tế. Việc diễn tập sẽ giúp bạn biết cách tiếp cận với tình huống một cách thích hợp, đồng thời cũng giúp bạn đỡ hồi hộp.
  7. Thực hành trong những tình huống ít căng thẳng. Để trở thành người quyết đoán trong giao tiếp, bạn phải mất thời gian và sự rèn luyện, và đối với những người không quen khẳng định mình thì điều này có thể gây nhiều lo âu. Bạn hãy thử thực hành kỹ năng này trong những tình huống an toàn mà bạn có thể biểu lộ sự quyết đoán của mình một cách chắc chắn và không phải chịu quá nhiều áp lực khi giao tiếp.[5]
    • Ví dụ, nếu bạn thường gặp khó khăn khi khẳng định ý muốn của mình, vậy thì lần sau khi ở nhà hàng hay trong quán cà phê mà món ăn bạn gọi bị nhầm lẫn, bạn hãy lịch sự nói cho rõ và yêu cầu xử lý việc đó: “Tôi gọi món bít tết chín vừa. Nhưng miếng thịt này trông có vẻ như đã chín kỹ. Anh có thể làm lại được không?”
  8. Kiểm tra bối cảnh của tình huống. Đôi khi những người thụ động hoặc hung hăng có thể cho rằng bạn kiêu ngạo mặc dù bạn không như thế. Điều quan trọng là bạn phải nhận ra khi nào thì những lời phê phán đó là sự diễn giải sai lệch về hành vi của bạn, và khi nào thì có thể là đúng. Để đáp lại những chỉ trích này, bạn thử nhấn mạnh rằng bạn muốn hợp tác chứ không muốn lấn át.
    • Những người thụ động có thể coi sự quyết đoán là thô lỗ vì họ không quen lên tiếng vì bản thân mình. Người thụ động có thể thấy phong cách cởi mở và trực tiếp trong lối truyền đạt quyết đoán khác với cách mà họ cư xử và sẽ đánh giá không đúng về tính quyết đoán.[6]
    • Những người có tính hung hăng thụ động thường diễn đạt những suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách gián tiếp, thường cố gắng che giấu cảm xúc thật của họ và trừng phạt người khác bằng cách rút lui, hờn dỗi, v.v….[7] Tính hung hăng thụ động rất có hại cho các mối quan hệ và giao tiếp. Vì quen che giấu cảm xúc của mình và chỉ biểu lộ một cách gián tiếp, những người hung hăng thụ động có thể coi sự thẳng thắn đi kèm với quyết đoán là thô lỗ hoặc thù địch.
    • Người hung hăng có thể bực tức khi người quyết đoán đứng lên tự vệ thay vì sợ hãi trước những đòi hỏi của họ.[8] Họ có thể quen với lối suy nghĩ về giao tiếp là chỉ xoay quanh những thứ họ muốn và họ cần. Họ thậm chí có thể diễn giải sự quyết đoán là thù địch vì đã quen đánh giá bản thân họ cao hơn người khác và chờ đợi người khác đối xử với họ theo cách đó.
    • Trong một vài trường hợp, những người khác có thể đánh giá sai hành vi của bạn do thành kiến và cách nhìn nhận của riêng họ. Nạn phân biệt chủng tộc và các kiểu định kiến và thành kiến khác có thể khiến người ta đánh giá hành vi của bạn theo những tiêu chuẩn sai lạc và không đem lại ích lợi nào. Ví dụ, trong văn hóa Mỹ, thành kiến tai hại và lan tỏa về “người đàn bà da đen hung dữ” có thể khiến một số người gán cho hành vi quyết đoán của mọi phụ nữ Mỹ gốc Phi đều là hung hăng.[9] Phụ nữ phương Tây thường được trông đợi phải “dịu dàng” và có thể bị phán xét gay gắt khi có thái độ quyết đoán.[10][11] Không may là bạn khó có thể làm gì để thay đổi suy nghĩ của người khác một khi họ đã có định kiến như vậy.
    • Sự thiếu cân bằng quyền lực trong các tình huống cũng có thể dẫn đến diễn giải sai. Ví dụ, nếu bạn là người phụ trách một đội, những người dưới quyền của bạn rất dễ coi các hành động và yêu cầu của bạn là ích kỷ hơn là quyết đoán. Bạn hãy tập trung vào việc hợp tác, quan tâm đến cảm giác và nhu cầu của mọi người, đồng thời khuyến khích người khác thể hiện bản thân. Quan tâm những người xung quanh là chìa khóa để giữ cho hành vi của bạn mang tính quyết đoán mà không rơi vào sự hung hăng.[12]
    • Tập trung vào các bước để có “Sự quyết đoán đúng đắn” ở phần 2 để đảm bảo hành vi của bạn mang tính quyết đoán mà không thụ động hoặc hung hăng.

Rèn luyện sự Quyết đoán Đúng đắn[sửa]

  1. Hãy là người lắng nghe tích cực. Cho mọi người biết ranh giới và cảm xúc của bạn đồng thời trao cho họ không gian để trò chuyện, thảo luận và giãi bày cảm xúc là một điều quan trọng. Hỏi những câu nối tiếp trong suốt cuộc nói chuyện và biểu lộ sự quả quyết bằng cách gật đầu, ra điệu bộ và thể hiện sự đồng ý.[13]
    • Nhìn thẳng vào người đang nói chuyện. Bạn không cần phải nhìn chằm chằm vào người đối diện, nhưng nên cố gắng duy trì sự giao tiếp bằng mắt khoảng 70% thời gian khi bạn nghe. Điều này truyền đạt cho người nói rằng bạn đang quan tâm và chú ý.[14]
    • Người ta rất dễ mắc lỗi là suy nghĩ về điều mà mình sẽ đáp lại trước khi người kia dứt lời. Ví dụ, khi một người bạn kể với bạn về ngày tệ hại của cô ấy, có thể bạn sẽ nghĩ đến việc kể về ngày kinh khủng của bạn trong khi cô ấy vẫn đang nói. Làm như vậy có nghĩa là bạn không tập trung vào người kia.
    • Nếu thấy khó khăn trong việc tập trung vào điều người kia đang nói với mình, bạn hãy thử nhắc lại hoặc tóm tắt trong đầu điều họ nói. Điều này sẽ buộc bạn phải chú ý hơn.
    • Khi đến lượt mình nói, bạn thử dùng câu hỏi hoặc cách diễn đạt nào đó để làm rõ điều mà bạn vừa nghe. Ví dụ như, nếu bạn nghe người yêu của bạn phàn nàn về điều bạn đã làm khiến cô ấy buồn lòng, bạn nên làm rõ lại điều mình vừa nghe: “Anh nghe em nói là_____, có đúng không?”. Việc này sẽ giúp bạn khỏi kết luận vội vàng hoặc hiểu sai.
  2. Nhún nhường và khiêm tốn. Tính quyết đoán và sự khiêm tốn tạo nên một sự kết hợp hài hòa. Người quyết đoán không cần phải trèo lên tận nóc nhà và hét lên “Tôi, tôi, tôi đây, nhìn xem tôi đã làm được gì này!” Bạn hoàn toàn có thể đón nhận những lời khen ngợi về một việc mà bạn đã làm tốt, và cũng hoàn toàn bình thường khi bạn nhắc cho mọi người biết bạn đã có đóng góp, miễn đó không phải là những lời huênh hoang hoặc nhắm vào việc hạ thấp người khác để đề cao mình.
    • Thể hiện sự nhún nhường không có nghĩa là bạn yếu đuối hoặc hạ thấp mình. Bạn có thể ăn mừng thành công và tự chúc mừng mình khi đã làm tốt một việc nào đó. Chỉ cần bạn không “dìm hàng” người khác để nâng mình lên.[15][16]
    • Ví dụ, nếu ai đó khen bạn rằng phần thuyết trình của bạn rất tuyệt, bạn đừng nghĩ rằng mình nên trả lời kiểu như “Ôi, nó chẳng là gì”. Cách phản ứng như vậy đã làm giảm giá trị công sức và thành quả thực sự của bạn. Thay vì thế, bạn hãy đáp lại một cách quả quyết, công nhận nỗ lực của chính mình tuy vẫn tỏ ra khiêm tốn: “Cảm ơn bạn! Mình làm việc cật lực và còn có sự giúp đỡ rất lớn”.
  3. Dùng những phát biểu có chủ ngữ là “Tôi”. Những câu phát biểu tập trung vào điều mà ‘’bạn’’ đang cảm nhận, suy nghĩ hoặc trải nghiệm chính là cách để diễn đạt nhu cầu của bạn mà tránh đổ lỗi cho người khác hoặc “đọc suy nghĩ” của người khác (cho rằng bạn biết người khác đang nghĩ gì hoặc đang trải qua điều gì). Bạn có thể bộc bạch những cảm nhận của mình như “Tôi thích___” và “Tôi không muốn___”, đồng thời đưa ra những phê bình mang tính xây dựng như “Tôi cảm thấy buồn bực khi bạn____”.
    • Ví dụ, nếu một đồng nghiệp quên buổi hẹn ăn trưa với bạn, bạn đừng cho đó là vì cô ấy không quan tâm. Thay vào đó, bạn hãy dùng câu có chủ ngữ là “tôi” và sau đó mở lối cho cô ấy giải thích: “Tôi thấy buồn khi bạn không đến nơi chúng ta đã hẹn ăn trưa. Có chuyện gì xảy ra vậy?”
    • Bộc lộ những cảm xúc thực sự của bạn. Ví dụ như khi bạn được mời dự sự kiện ở công ty mà bạn không muốn đi chút nào, bạn không nên nói kiểu như “Ôi, tôi nghĩ tôi sẽ đi, nhưng thực ra đó không phải là điều tôi thích”. Thay vào đó, bạn hãy nói “Tôi thực sự không thích đám đông. Tôi không muốn đi”.
  4. Tránh dùng từ “nên” hoặc “phải”. Dùng những từ như “phải” hoặc “nên” nghe như những lời răn dạy, khiển trách hoặc ra lệnh. Những từ như vậy được xếp vào loại “mệnh lệnh thức” và có thể gây nên cảm giác tức giận và tội lỗi cho người khác (hoặc cho bạn nếu bạn dùng những câu đó cho mình). [17]
    • Ví dụ, thay vì nói với con “Con phải nhớ nhiệm vụ đổ rác của con đấy”, bạn thử nói “con có một việc quan trọng là đem rác ra ngoài khi đến lượt con”.
    • Không thay thế những câu bắt đầu bằng “Tôi thích… hơn” hay “Tôi mong bạn…” bằng những câu nói với từ “nên”.
  5. Dùng giọng nói điềm đạm và dễ chịu. Tránh la hét hay quát tháo, vì những hành vi như vậy có thể gây khó chịu cho người khác và khiến người ta không nghe lời bạn nói. Thay vì to tiếng, bạn hãy nói với giọng bình tĩnh và điềm đạm nghe sao cho êm tai.[1]
  6. Mời gọi người khác chia sẻ suy nghĩ và trải nghiệm. Đừng cho rằng bạn “biết tuốt” về tình huống đó, hoặc bạn biết cách xử trí tốt nhất. Thay vì thế, bạn hãy mời mọi người trao đổi bằng những câu nói mang tính hợp tác như “Bạn nghĩ sao?” hoặc “Bạn có đề xuất nào về vấn đề này không?”[1]
    • Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn đưa ra những lời phê bình mang tính xây dựng hoặc chia sẻ những cảm giác tiêu cực. Việc mời người khác chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ sẽ khiến họ cảm thấy họ quan trọng đối với bạn.
    • Ví dụ, nếu có một người bạn “chuyên môn” hủy kế hoạch với bạn vào phút cuối, bạn hãy diễn tả cảm giác của mình và sau đó mời cô ấy chia sẻ: “Khi chúng ta đã lên kế hoạch mà bạn lại hủy vào phút cuối, mình cảm thấy rất nản vì đã quá muộn nên mình không thể lên kế hoạch riêng của mình. Đôi khi mình còn nghĩ là bạn không muốn dành thời gian cho mình. Có chuyện gì đang xảy ra thế?” [18]
  7. Tránh đổ lỗi cho người khác. Đổ lỗi cho người khác vì khuyết điểm hay lỗi lầm của chính bạn có thể gây tổn hại nghiêm trọng trong giao tiếp. Phê phán người khác vì sự thiếu sót của họ bằng những ngôn từ mang tính trách móc, đặc biệt những từ ngữ khái quát hóa như “Anh lúc nào cũng quên đón em!” hay “Anh thật là hậu đậu!” sẽ cản trở một cuộc đối thoại hiệu quả.[19]
    • Ví dụ, nếu nhân viên của bạn quên nộp một bản báo cáo quan trọng, bạn đừng trút lên họ những lời khiển trách với ngôn ngữ tiêu cực; có thể họ cũng đã cảm thấy áy náy vì đã quên. Thay vào đó, bạn hãy quả quyết tập trung vào việc người đó có thể làm khác đi trong tương lai: “Tôi thấy cô đã quên nộp bản báo cáo. Khi có thời hạn cuối thì tôi cài chế độ nhắc nhở trong lịch để khỏi quên. Cô thấy làm như vậy có giúp ích được cho cô không?”
  8. Phân biệt giữa thực tế và cách nhìn nhận. Nếu bạn và một người khác bất đồng về việc gì đó, bạn đừng tranh cãi xem ai “đúng”. Điều này đặc biệt hữu ích trong những trường hợp thông thường không có câu trả lời “đúng”, ví dụ như khi xảy sự cố gây tổn thương tình cảm của ai đó. Dùng những câu như “trải nghiệm của tôi lại khác” sẽ là cách để dành chỗ cho mọi người chia sẻ trải nghiệm của họ.
    • Ví dụ, cứ hình dung rằng người yêu của bạn đến và nói rằng bạn đã làm họ rất buồn trong cuộc nói chuyện lần trước. Thay vì ngay lập tức trả lời “Em/anh đâu có cố ý” hoặc dùng ngôn ngữ đề phòng, đầu tiên bạn hãy nhận thức rằng họ đã có cảm giác như vậy. Ví dụ bạn có thể nói: “Anh xin lỗi đã làm em buồn. Anh thực sự không có ý đó và anh sẽ cố gắng không nói những điều như vậy nữa”.
    • Một ví dụ khác, bạn nên nhớ rằng con người có nhiều cách tiếp cận cuộc sống. Không phải chỉ vì khác biệt với cách của bạn mà cách của người khác là sai. Bạn hãy tưởng tượng một đồng nghiệp đang xử lý dự án theo một phương pháp mà bạn không nghĩ nó sẽ đem lại hiệu quả cao nhất. Cách truyền đạt hung hăng nhất có thể là: “Cách đó thật là ngớ ngẩn” hay “Ai mà lại làm như thế?”[1]
    • Thay vào đó, nếu ở vị trí như người phụ trách dự án, hay là cấp trên của người đó, bạn hãy thể hiện sự quan tâm của mình về tính hiệu quả một cách quyết đoán: “Tôi thấy anh đang xử lý dự án theo cách X. Nhưng tôi có kinh nghiệm với các dự án như thế này, và tôi thấy cách Y có thể đem lại kết quả tốt hơn và nhanh hơn. Anh nghĩ thế nào nếu thử làm theo cách đó?”
    • Ghi nhớ rằng thông thường bạn không ở vị trí “sửa lưng” người khác. Một ý hay trong trường hợp này là kiềm chế áp đặt quan điểm của mình lên người khác.
  9. Sẵn lòng tìm hiểu các phương án khác nhau. Việc thỏa hiệp thường là cần thiết và hữu ích khi tương tác với người khác. Thay vì cứng ngắc bám chặt vào quan điểm hoặc kế hoạch của mình trong một tình huống, bạn hãy tỏ ý sẵn sàng tìm hiểu các giải pháp khác. Bạn vẫn có thể quyết đoán với ý tưởng của mình trong khi mời mọi người chia sẻ ý tưởng của họ. Điều này sẽ tăng khả năng khiến mọi người cảm thấy được đóng góp và được coi trọng. Những người khác sẽ sẵn sàng hợp tác hơn là chỉ tuân theo.
    • Ví dụ, nếu bạn và người ấy nhận thấy rằng hai người cứ hết lần này đến lần khác tranh cãi về cùng một vấn đề, bạn hãy hỏi: “Chúng ta có thể làm gì để cả hai cùng khắc phục được vấn đề này?”
  10. Nói những câu rõ ràng và chân thành. Ngay cả khi đang rất buồn nản, bạn cũng nên tránh các câu mỉa mai hoặc trịch thượng, vì đó là cách truyền đạt gây tổn thương và lạc hướng. Thay vào đó, bạn nên diễn đạt một cách rõ ràng, chân thành về suy nghĩ và nhu cầu của mình.
    • Ví dụ, nếu bạn có một người bạn thường xuyên đến muộn khi đi chơi với bạn, bạn hãy biểu lộ rõ ràng cảm giác của mình mà không mỉa mai. Một phản ứng kém trong trường hợp này có thể là: “Ồ, ngạc nhiên chưa. Ít ra lần này thì cậu cũng chỉ đến muộn có một nửa thời gian của bữa ăn thôi mà”.[19]
    • Thay vào đó, bạn hãy thử nói thế này: “Khi mình đã hẹn mà cậu không đến đúng giờ, tớ có cảm giác như cậu không coi trọng thời gian của chúng ta. Tớ sẽ thấy vui vẻ khi đi chơi với cậu hơn nến cậu đến đúng giờ khi mình đã hẹn”.
  11. Dùng ngôn ngữ quyết đoán của cơ thể. Có nhiều cách giao tiếp không lời. Và những cử động của cơ thể biểu lộ thái độ của bạn khi tương tác với người khác. Bạn có thể dùng ngôn ngữ cơ thể khiến người khác thấy thoải mái để truyền đạt cảm giác của bạn. Những ví dụ về ngôn ngữ quyết đoán của cơ thể bao gồm:[1]
    • Giao tiếp bằng mắt. Áp dụng nguyên tắc 50/70: duy trì giao tiếp bằng mắt ít nhất 50% thời gian khi bạn nói, và 70% thời gian khi bạn nghe người kia nói.[14]
    • Cử động thoải mái, nhẹ nhàng. Ngôn ngữ quyết đoán của cơ thể không được căng thẳng, khép kín hoặc thu mình mà phải điềm tĩnh và mượt mà. Tránh các động tác chỉ trỏ mà nên mở lòng bàn tay. Cố gắng không cựa quậy nhiều.
    • Dáng điệu mở. Giữ vai mở ra sau và mặt quay về phía người đang nói chuyện với bạn. Đặt trọng tâm cơ thể đều lên hai chân thay vì dồn về một bên. Hai bàn chân giang ra cách nhau khoảng 10 -15 cm và không bắt chéo chân.[20]
    • Thả lỏng miệng và hàm. Động tác mím chặt môi hay nghiến chặt hàm răng biểu lộ sự căng thẳng, không thoải mái hoặc hung hăng.[21] Thả lỏng miệng và hàm, đồng thời thể hiện cảm xúc bằng nét mặt (mỉm cười khi vui, cau mày khi bực bội, v.v…)

Tránh Thái độ Ngạo mạn[sửa]

  1. So sánh giữa ngạo mạn và quyết đoán. Quyết đoán là cách mà bạn đứng lên bảo vệ suy nghĩ và nhu cầu của mình, trong khi ngạo mạn là một kiểu hung hăng, hống hách trong lối suy nghĩ cũng như hành vi xâm phạm vào quyền của người khác và hạ thấp người khác để tự đề cao mình. Người ngạo mạn bộc lộ suy nghĩ và nhu cầu của họ bằng sự hy sinh của người khác. Người ngạo mạn thường không nhận khuyết điểm và lỗi lầm của họ.[2]
    • Người ngạo mạn thường tỏ ra rất tự tin từ bên ngoài (nghĩa là họ dựa trên quan điểm của chính mình để đọc ý nghĩ của người khác về họ). Mặc dù bản chất kiểu tự tin này cũng không phải là tiêu cực, nhưng nó có thể khiến người kiêu ngạo đặt lòng tự tôn của mình lên trên cảm xúc của người khác.
    • Ngạo mạn là một dạng của tính hung hăng thường khiến người khác cực kỳ khó chịu, thậm chí bực bội hoặc tức giận sau khi tiếp xúc với một người ngạo mạn. Khi cảm thấy bị đe dọa, người ngạo mạn thường tấn công hoặc trách mắng người khác.[1]
  2. Nhận biết những hành vi ngạo mạn. Hành vi ngạo mạn cũng biểu lộ những suy nghĩ, nhu cầu và cảm xúc, nhưng theo cách thiếu tôn trọng hoặc hạ thấp người khác. Mặc dù nội dung chính của một câu nói ngạo mạn có thể cũng giống như câu nói quyết đoán – chẳng hạn như, “Tôi không muốn làm việc đó” – nhưng hành vi ngạo mạn không biểu đạt sự thông cảm hoặc trách nhiệm. Sau đây là một số ví dụ về hành vi ngạo mạn:[1]
    • Dùng ngôn ngữ không thích hợp đối với người khác
    • Làm người khác cảm thấy thấp kém và vô giá trị
    • Dùng giọng nhạo báng hoặc trịch thượng
    • Đe dọa
    • Tập trung vào việc khiển trách
    • Tấn công người khác
    • Tự bảo vệ mình nhưng không nghĩ đến người khác
    • Một ví dụ của hành vi ngạo mạn là hét lên với những tên gọi hoặc ngôn ngữ không thích hợp với người chen ngang trước mặt bạn khi đang xếp hàng; hoặc bạn nói với người đó rằng họ thật ngu ngốc và đe dọa họ nếu còn nhìn thấy họ lần nữa.
    • Nếu tình huống đảo ngược khi bạn là người vô tình chen ngang, thì hành vi ngạo mạn là đổ lỗi cho người khác hoặc dùng giọng điệu trịch thượng như: “Ồ, nếu anh không muốn tôi chen vào hàng thì anh phải làm rõ là anh đang xếp hàng chứ.”
  3. Không coi thường và hạ thấp người kia. Hạ thấp hoặc coi thường người khác sẽ ngăn cản việc giao tiếp có hiệu quả. Thậm chí nếu họ có lỗi và làm tổn thương bạn, bạn cũng nên tránh dùng những ngôn từ xúc phạm hoặc thấp kém.
    • Ví dụ, một cách giao tiếp ngạo mạn với bạn cùng phòng có thể là: “Cậu đúng là bẩn như lợn! Tại sao cậu không giữ cho chỗ ở sạch sẽ được hả?” Trong khi đó, cách giao tiếp quyết đoán có thể là: “Cậu muốn làm gì ở chỗ riêng của mình thì làm, nhưng tớ mong là cậu cố gắng giữ gọn gàng ngăn nắp trong không gian chung của tớ và cậu”.
  4. Lắng nghe ý kiến của người khác. Những người ngạo mạn thường khăng khăng làm cho tình huống phải xoay quanh họ: họ cảm thấy thế nào, họ nghĩ ra sao và họ trải qua tình huống đó như thế nào. Bạn hãy tránh tính ngạo mạn bằng cách lắng nghe người khác khi họ nói về suy nghĩ, nhu cầu và cảm giác của họ.
  5. Tránh những câu có chủ ngữ là người kia. Những phát ngôn như vậy sẽ như lời tuyên bố mà có thể bạn không có khả năng chứng minh. Bạn chỉ có thể nói một cách tự tin và chính xác về sự việc có thật – ví dụ như thời gian đã định của một cuộc hẹn – và về cảm giác cũng như trải nghiệm của bạn. Dùng những câu nói có chủ ngữ là “tôi” bất cứ khi nào có thể, đồng thời nói về sự kiện có thật của tình huống thay vì đưa ra các nhận định về ý định của người kia.
    • Ví dụ, tránh dùng ngôn từ khiển trách như “Anh đang chọc tức tôi đấy!” Thay vào đó bạn hãy dùng câu với đại từ “tôi”, ví dụ như “Bây giờ tôi thấy buồn nản quá”.
  6. Không đe dọa người kia. Hăm dọa và đe nẹt không có chỗ trong cách giao tiếp quyết đoán, nhưng thường xuyên xảy ra ở cách giao tiếp ngạo mạn. Là một người quyết đoán, mục đích của bạn phải là khiến cho người khác cảm thấy thoải mái vì họ biết rằng bạn sẽ chân thành với họ. Những lời dọa nạt khiến mọi người sợ hãi, bực dọc và nó giết chết sự giao tiếp hiệu quả.
    • Ngôn ngữ hăm dọa thường bao gồm việc khiển trách. Ví dụ, nếu bạn hỏi nhóm của mình câu gì đó mà không ai đáp lời, một phản ứng hung hăng có thể là, “Mọi người thậm chí có hiểu gì không vậy?” Thay vì đưa ra những lời đe dọa hoặc trách mắng, bạn nên diễn đạt lại câu hỏi: “Tôi giải thích khái niệm này như vậy đã rõ chưa ạ?”[22]
  7. Tránh sử dụng ngôn ngữ không phù hợp. Ngoài những ngôn từ rõ ràng là không hay như chửi thề, lăng mạ, rủa sả, bạn cũng nên tránh những ngôn từ khái quát hóa hoặc gộp chung.[23] Ngôn ngữ kiểu này thường thể hiện bằng những câu với những từ như “luôn luôn” hoặc “không bao giờ” hoặc khái quát hóa về ý định của người kia.
    • Ví dụ, bạn hãy tưởng tượng bạn có một đồng nghiệp thường xuyên quên đón bạn đến bãi để xe. Phản ứng ngạo mạn có thể là: “Anh chẳng bao giờ nhớ đón tôi đến bãi xe cả, anh làm tôi rất bực mình. Không hiểu sao có một việc đơn giản thế mà anh cũng không nhớ được”. Trong khi đó, phản ứng quyết đoán có thể là: “Tuần qua đã hai lần anh quên đón tôi đến bãi xe. Tôi cảm thấy rất nản và hồi hộp mỗi khi anh quên vì sợ muộn giờ làm. Anh có thể cố gắng hơn để nhớ đón tôi không? Nếu không thì tôi sẽ phải có kế hoạch khác”.
  8. Tránh ngôn ngữ cơ thể hung hăng. Ngôn ngữ cơ thể hung hăng cũng truyền thông điệp nhiều như là cách dùng từ ngữ. Để tránh có biểu hiện như là ngạo mạn, bạn nên chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của mình và tránh những cử chỉ sau:[1]
    • Xâm phạm không gian riêng. Áp dụng “quy tắc một mét” ở nơi công cộng và trong các tình huống ở văn phòng. Không tiến lại gần hơn khoảng cách đó trừ khi bạn được mời, ví dụ như bạn đang hẹn hò hoặc ai đó nhờ bạn giúp đỡ.
    • Những cử chỉ hung hăng. Chỉ tay hoặc giơ nắm đấm là thủ phạm số một ở đây.
    • Khoanh tay. Trong khi bắt chéo chân là dấu hiệu của sự thiếu tự tin, điệu bộ khoanh tay biểu lộ một người không muốn giao tiếp.
    • Nghiến hoặc siết chặt hàm. Nếu bạn đẩy hàm ra trước quá xa hoặc nghiến chặt hàm, bạn có vẻ như kiêu ngạo hoặc thù địch.
    • Chiếm quá nhiều không gian. Điều này thường xảy ra ở nam giới hơn là ở ở phụ nữ. Kiểu ngôn ngữ cơ thể chiếm nhiều không gian không cần thiết có thể biểu hiện sự ngạo mạn hơn là tự tin. Bạn có thể chiếm chỗ theo nhu cầu để được thoải mái, nhưng đừng xâm phạm vào không gian của người khác.

Lời khuyên[sửa]

  • Sự ngạo mạn bao gồm cảm giác cao siêu, ưu tú, trưởng giả hoặc tự đắc. Nếu bạn có một trong những biểu hiện trên, có khả năng bạn bị coi là thô lỗ với người khác hơn là đang giao tiếp với sự chân thành qua lối truyền đạt quyết đoán và lắng nghe tích cực. Ngay cả những người thuần thục nhất trong việc giao tiếp một cách quyết đoán cũng có những khoảnh khắc yếu đuối khi họ buông lơi và cần phải tìm lại con đường của mình. Điều này chẳng có gì đáng xấu hổ; bạn cứ việc tiếp tục.
  • Sự cởi mở và tôn trọng trong cách giao tiếp quyết đoán thường đem lại kết quả tuyệt vời, nhưng đôi khi bạn gặp phải những người từ chối hợp tác cho dù bạn có tiếp cận kiểu gì đi nữa. Bạn chỉ có thể kiểm soát hành vi của chính mình, vì vậy hãy giữ sự quyết đoán nhã nhặn và cố gắng bỏ qua cách cư xử gây rắc rối của người khác.
  • Nếu không thấy mình tiến bộ như ý muốn, có thể bạn cần nhờ đến sự huấn luyện chính thức về tính quyết đoán. Nhiều chuyên gia tư vấn và bác sĩ trị liệu có thể giúp bạn, thông thường các nhà cung cấp y tế cộng đồng cũng có thể giúp.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 1,5 1,6 1,7 1,8 http://www.cci.health.wa.gov.au/docs/Assertmodule%202.pdf
  2. 2,0 2,1 http://socialwork.buffalo.edu/content/dam/socialwork/home/self-care-kit/exercises/assertiveness-and-nonassertiveness.pdf
  3. http://www.thebusinesswomanmedia.com/angry-shrill-and-pushy-the-female-leader/
  4. 4,0 4,1 http://psychcentral.com/blog/archives/2010/02/25/building-assertiveness-in-4-steps/
  5. http://www.mayoclinic.org/healthy-living/stress-management/in-depth/assertive/art-20044644?pg=2
  6. http://counsellingservice.eu/tell-the-difference-between-assertive-passive-and-aggressive-behaviour
  7. https://www.psychologytoday.com/blog/passive-aggressive-diaries/201406/passive-aggressive-vs-assertive-behavior-in-relationships
  8. http://www.mtstcil.org/skills/assert-3.html
  9. http://www.theroot.com/articles/culture/2014/09/the_angry_black_woman_stereotype_s_long_history.html
  10. http://www.npr.org/blogs/ed/2015/02/23/386001328/how-we-talk-about-our-teachers
  11. http://www.cnn.com/2013/06/19/living/women-cheerful-leaders/
  12. https://www.psychologytoday.com/blog/tame-your-terrible-office-tyrant/201305/how-be-assertive-not-aggressive
  13. http://www.mindtools.com/CommSkll/ActiveListening.htm
  14. 14,0 14,1 http://msue.anr.msu.edu/news/eye_contact_dont_make_these_mistakes
  15. http://www.assertivehumility.com/blog/what-is-assertive-humility/
  16. http://www.positivityblog.com/index.php/2008/05/05/six-steps-to-become-assertive-and-nice/
  17. https://www.psychologytoday.com/blog/think-well/201009/feeling-angry-or-guilty-maybe-its-time-stop-shoulding
  18. http://www.psychologicalselfhelp.org/Chapter13/chap13_21.html
  19. 19,0 19,1 http://www.usu.edu/arc/idea_sheets/pdf/assertive_communication.pdf
  20. http://www.businessinsider.com/the-right-body-language-to-use-2013-8
  21. http://www.gp-training.net/training/leadership/assertiveness/bodylang.htm
  22. http://www.compasstraining.com/Documents/ExampleHandouts/Facilitation/AskingNonThreateningQuestion.pdf
  23. http://well.wvu.edu/articles/becoming_assertive__not_aggressive

Liên kết đến đây