Rèn luyện tính quyết đoán

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Có phải bạn đang buồn lòng vì bạn bè đối xử phũ phàng với bạn? Có phải cha mẹ bạn thường cố tình làm cho bạn có cảm giác tội lỗi? Hay bạn thường xuyên cháy túi vì đem hết tiền cho người khác vay? Nếu câu trả lời của bạn là “phải” cho bất cứ câu hỏi nào ở trên, có lẽ bạn cần học cách khẳng định bản thân. Rèn luyện tính quyết đoán có thể là một quá trình đòi hỏi sự chịu khó và nhẫn nại. Tuy nhiên, xét về lâu dài, việc học được kỹ năng này sẽ giúp bạn giao tiếp một cách hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Rèn luyện cách truyền đạt tốt hơn[sửa]

  1. Tập dùng câu có chủ thể là “Tôi”. Những thông điệp mang chủ ngữ là “Tôi” cho thấy bạn chịu trách nhiệm về cảm giác và quan điểm của chính mình mà không xúc phạm hoặc chĩa mũi dùi vào người khác. Những câu khẳng định này dựa trên trải nghiệm của riêng bạn về một chủ đề nào đó. Chúng không tập trung vào trải nghiệm của người khác. Các thông điệp mang chủ ngữ là “Tôi” chuyển tải đến người nghe rằng "theo tôi tình huống là như vậy". Một số ví dụ của những câu này là:[1]
    • ”Tôi cảm thấy sợ hãi và bực bội khi nghe tiếng la hét hoặc chửi rủa trong lúc tranh cãi” thay vì “Anh la hét và chửi rủa như thế làm cho tôi sợ. Anh phải thôi đi”.
    • "Tôi lo rằng khả năng của tôi không phù hợp với vị trí hiện tại” thay vì “Các anh đặt tôi vào một vị trí khiến tôi không phát triển được”.
  2. Tập thoải mái khi nói “không”. Từ chối những dự án hay những đêm bù khú với bạn bè có vẻ không được thân thiện cho lắm, nhưng thỉnh thoảng bạn cần nói “không” để còn nói “có” với những sự kiện và công việc có thể tạo điều kiện cho bạn phát triển. Nói cho cùng thì bạn có quyền sử dụng thời gian của mình theo cách mà bạn thấy thích hợp. Quyết đoán có nghĩa là biết từ chối những tình huống mà bạn không mấy thích thú.[2]
    • Ban đầu có thể bạn cảm thấy nói “không” quả là khó khăn, nhưng với sự tập luyện, dần dần bạn sẽ nhận ra rằng thực hiện đúng điều này sẽ giúp bạn tiến lên phía trước. Qua đó bạn có thể học được cách thiết lập ranh giới với những người khác và khẳng định bản thân mình. Đó là hai trong số những kỹ năng quan trọng nhất giúp bạn phát triển về tính cách và sự nghiệp.
  3. Hạn chế những lời phán xét. Nhiều người ngại tỏ ra quả quyết trong các tình huống xã hội vì họ đánh đồng tính quyết đoán với sự phán xét. Quyết đoán có nghĩa là đứng lên bảo vệ bản thân, nhưng được thực hiện với sự thỏa hiệp, quan tâm đến nhu cầu của người khác và với thái độ tôn trọng. Sự phán xét và chỉ trích thì không như vậy.[3]
  4. Kiểm soát các cảm xúc của bạn. Người quyết đoán là những người giỏi giao tiếp. Họ không để cảm xúc chi phối trong khi giao tiếp. Họ kiểm soát được cảm xúc của mình, vì việc để cảm xúc lấn át có thể dẫn đến những hệ quả khôn lường.[4]
    • Ví dụ, khi nghe người khác nói một điều gì đó mà bạn không đồng tình, việc nổi giận sẽ không đem lại hiệu quả. Những phản ứng giận dữ có thể gây tổn hại cho mối quan hệ vì bạn đang nói theo cảm xúc thay vì đứng ở góc độ khách quan.
    • Bước đầu tiên để bạn hướng đến làm chủ các cảm giác của mình là nhận thức được chúng. Bạn hãy bắt đầu theo dõi các cảm giác của mình trong nhiều ngày. Ghi chú về thời gian và tình huống gây nên những cảm xúc mạnh mẽ ở bạn. Tìm ra biểu đồ cảm xúc và cố gắng ghi chú những điều bạn cảm thấy.[5]
    • Tiếp theo là khám phá nhân tố kích thích sau những cảm giác đó. Nói cách khác, tại sao bạn phản ứng như vậy? Sau đó, xác định liệu cảm xúc đó có biểu hiện chính xác cho cách bạn muốn cư xử và tương tác với mọi người không. Nếu câu trả lời là không, bạn sẽ phải thay đổi cách nhìn của mình bằng cách điều chỉnh những suy nghĩ tiêu cực hoặc không có lợi.
  5. Cắt bỏ những tuyên bố dè dặt. Trong tiếng Anh, "qualifying statements" (tuyên bố dè dặt) là những ý thêm vào để giảm sức mạnh của một câu khẳng định. Trong các cuộc tranh luận bằng chữ nghĩa, việc chừa chỗ cho sự không chắc chắn là điều nên làm. Vì vậy những tuyên bố dè dặt là có ích trong ngữ cảnh đó. Tuy nhiên, trong ngữ cảnh cần quyết đoán, bạn cần đưa ra ý kiến của mình bằng những câu khẳng định tuyệt đối, những câu mà bạn tán thành 100%. Những câu khẳng định tuyệt đối không chừa chỗ cho sự hoài nghi, do vậy chúng biểu hiện cho sự quả quyết.[6][7]
    • Câu tuyên bố dè dặt có thể là “Điều này chỉ là ý kiến riêng của tôi, nhưng…” hoặc “Anh không cần phải để tâm đến điều này, nhưng…”
    • Câu khẳng định tuyệt đối mạnh mẽ hơn có thể là “Theo tôi…” (không thêm từ “nhưng” hoặc những từ ngữ giảm nhẹ) hoặc “Tôi nghĩ cách hành động tốt nhất là…”
  6. Quyết đoán trong ngôn ngữ cơ thể. Cách giao tiếp không lời cũng có tác động ngang bằng, nếu không muốn nói là còn mạnh hơn lời nói. Những người giao tiếp quyết đoán thường chú ý đển ngôn ngữ cơ thể để thể hiện thái độ không đe dọa, không quan tâm, v.v…
    • Người nói chuyện quyết đoán biết tôn trọng không gian riêng của mọi người với việc giữ khoảng cách 1,2 m giữa hai bên. Trong lúc nói chuyện, họ nhìn vào mắt người đối diện (nhưng không nhìn chòng chọc). Họ nói với âm lượng vừa đủ nghe (không quá nhỏ cũng không qua to), âm sắc phù hợp với tình huống và địa điểm.[8][9]
    • Bạn có thể đứng hoặc ngồi thẳng, nhưng với dáng điệu thoải mái (tay chân mở, hướng về phía người nói) và dùng cử chỉ điềm tĩnh để minh họa lời nói.
  7. Học cách chọn các chiến thuật. Cách xử sự dĩ hòa vi quý không phải lúc nào cũng tốt trong mọi lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên chỉ trích dữ dội người khác về một lỗi nhỏ khi tranh luận cũng không thể giành được sự ủng hộ. Duy trì sự quyết đoán là giữ thái độ thỏa hiệp, kiên quyết nhưng mềm dẻo.
    • Chọn cách tranh luận. Không phải mọi vấn đề đều cần phải tranh luận đến cùng hoặc diễn thuyết tràng giang đại hải. Bạn hãy xác định những vấn đề phù hợp với các giá trị của mình, và nói lên ý kiến của bạn.

Xây dựng lòng tự trọng[sửa]

  1. Hiểu điều bạn mong muốn.[10] Tính quyết đoán có thể giúp nâng cao lòng tự trọng, nhưng mặt khác bạn cần chút lòng tự trọng để tỏ thái độ quyết đoán trong các tình huống xã hội. Sự quyết đoán và lòng tự trọng đều bắt nguồn từ việc biết những gì bạn muốn. Bạn muốn được mọi người đối xử với mình như thế nào? Bạn đam mê điều gì? Bạn muốn ở bên cạnh những kiểu người như thế nào? Bạn coi trọng điều gì ở bản thân bạn và ở những người khác? Tất cả những câu hỏi đó sẽ cho bạn ý tưởng về điều bạn mong muốn.
    • Hãy lấy giấy bút ra để bắt đầu. Liệt kê những giá trị mà bạn ngưỡng mộ ở bản thân bạn và ở những người khác. Những giá trị này có thể bao gồm các phẩm chất như khát vọng, khoan dung, đam mê, trung thực, nhân ái, v.v… Sắp xếp thứ tự theo tính quan trọng của các giá trị mà bạn coi là đáng chú ý nhất. Cách xếp hạng các giá trị đó sẽ giúp bạn giải đáp nhiều câu hỏi khác nữa.
  2. Làm rõ những mong đợi của bạn – đối với bản thân bạn và cả những người khác. Khi đã biết những điều mình mong muốn ở cuộc sống, bạn hãy bắt tay vào hành động để biến chúng thành hiện thực. Ngừng việc chấp nhận cách đối xử của những người khác không phù hợp với các tiêu chuẩn của bạn. Nói lên điều bạn muốn bằng cách đứng lên tự vệ khi những ước muốn cơ bản của bạn không được đáp ứng.
    • Ví dụ, nếu người yêu của bạn nói dối bạn và điều này đi ngược lại mong muốn cơ bản của bạn là có một mối quan hệ thẳng thắn và trung thực, bạn cần khẳng định bản thân (tức là nói chuyện) với người đó về những điều bạn mong muốn. Nếu người đó không tôn trọng các quyền của bạn, có lẽ bạn phải suy nghĩ xem liệu bạn có nên tiếp tục mối quan hệ đó không.
    • Tránh nói vòng vo tam quốc hoặc chờ đợi người khác đoán ý. Hãy nói ra những nhu cầu và mong mỏi của bạn một cách thẳng thắn và rõ ràng, thể hiện cho người khác biết rằng những tiêu chuẩn và giá trị của bạn là điều không thể nhân nhượng. “Em muốn có bạn trai mà em có thể tin tưởng” hoặc “Anh muốn em luôn trung thực với anh”.
  3. Biết những thứ bạn đang có. Một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng lòng tự trọng là biết được những ưu điểm của mình. Bạn hãy làm hai bản danh sách: một bản liệt kê những việc bạn đã đạt được, và một bản ghi ra mọi điều mà bạn tự hào về mình. Huy động bạn thân hoặc người nhà tham gia nếu bạn thấy khó khăn trong việc xác định các phẩm chất đáng quý của bạn.[11]
  4. Chỉnh sửa các ý nghĩ. Không nhiều người hiểu được rằng một trong những công cụ hữu hiệu nhất để kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân nằm ngay trong đầu chúng ta. Những điều bạn nói với bản thân hàng ngày có thể khiến bạn cảm thấy mình tuyệt vời hoặc tồi tệ trong ngày đó. Bạn hãy học cách kiểm soát những lời độc thoại nội tâm bằng cách chú ý đến những câu nói tiêu cực và vô ích mà bạn nói với mình. Sửa lại những ý nghĩ tiêu cực thành tích cực bằng cách tìm bằng chứng - hoặc thiếu bằng chứng – để ủng hộ hoặc phủ nhận những suy nghĩ không có lợi đó.[12]
    • Ví dụ, khi nhận thấy mình đang nghĩ, “Mình sẽ không bao giờ được tăng lương. Chẳng ai chú ý đến biểu hiện của mình cả”, bạn hãy nghĩ lại. Bạn có thực sự tiên đoán được tương lai không (bạn sẽ không bao giờ được tăng lương)? Làm sao bạn biết rằng không ai nhận ra biểu hiện của bạn?
    • Bằng cách đưa ra các câu hỏi, bạn có thể chứng minh rằng ý nghĩ đó rõ ràng là vô lý, bởi vì không ai đoán trước được tương lai. Khi đem nhận thức vào những ý nghĩ tiêu cực, bạn có thể hạn chế những lời tự chỉ trích hạ thấp lòng tự trọng của bạn.
  5. Tỏ ra tôn trọng mọi người. Điều quan trọng là bạn cần nhận ra rằng “quyết đoán” khác xa với “hung hăng”. “Xông xáo” hay “năng nổ” được khen ngợi không ngớt trong thế giới kinh doanh như một phẩm chất tích cực. Tiếp thị xông xáo, bán hàng năng nổ - đó là những tính cách tuyệt vời trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, một người xông xáo - hay hung hăng - trong giao tiếp là người hay công kích, hạ thấp, thiếu tôn trọng và xâm phạm quyền của những người khác.[13]
    • Có tính quyết đoán nghĩa là tôn trọng quan điểm, thời gian và công sức của mọi người. Bạn hãy lên tiếng cho mình, trong khi đó cũng cần đối xử với mọi người với thái độ tích cực. Khi tỏ ra tôn trọng những người khác, tự nhiên bạn cũng sẽ thành người đáng tôn trọng hơn trong mắt mọi người.[14]

Lời khuyên[sửa]

  • Nhớ rằng tính quyết đoán là tổng hòa của nhiều yếu tố, bao gồm cách bạn ngồi, cách bạn nói chuyện, cách bạn thể hiện mình trước mọi người. Bạn cần thực hành và áp dụng mọi yếu tố đó để trở thành người giao tiếp hiệu quả.

Cảnh báo[sửa]

  • Tính quyết đoán thường rất hay bị nhầm với sự hung hăng. Như đã mô tả ở trên, đây là hai phong cách tương tác rất khác nhau. Tính quyết đoán bao hàm sự công bằng và đứng lên để tự vệ với phong thái đàng hoàng và không đe dọa.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này