Ra đi thanh thản

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Kiểm soát nỗi đau thể xác và tinh thần là việc khó khăn nhất khi cận kề giây phút sinh li tử biệt. Bạn có thể học được cách đối mặt với điều tồi tệ nhất bằng thái độ chững chạc và đường hoàng. Hãy chuẩn bị những điều cần thiết từ trước và tận dụng tối đa khoảng thời gian còn lại.

Lưu ý: Bài viết này có nội dung liên quan tới việc chuẩn bị cho cái chết. Nếu bạn đang gặp khó khăn với những suy nghĩ về việc tự sát, hãy gọi 800-273-TALK - đường dây nóng Phòng ngừa Tự sát Quốc gia, nếu đang ở Mỹ. Nếu bạn ở quốc gia khác, hãy gọi đường dây nóng ngăn ngừa tự sát của nước bạn hoặc dịch vụ cấp cứu.

Các bước[sửa]

Kiểm soát nỗi đau.[sửa]

  1. Trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn để kiểm soát cơn đau của bạn. Bạn nhất định phải ưu tiên việc làm dịu nỗi đau thể chất khi chuẩn bị cho sự ra đi của mình. Tuỳ thuộc vào thể trạng mà bạn có thể được kê toa nhiều loại thuốc hoặc được thực hiện một số thủ thuật khác nhau. Vì thế, quan trọng là bạn phải thảo luận mọi lựa chọn điều trị với bác sĩ để đảm bảo cảm giác thoải mái.
    • Morphine thường được kê toa cho những người mắc bệnh nan y, đôi khi, nó còn được kê theo nhu cầu sử dụng thường xuyên. Dù vẫn còn nhiều tranh cãi về việc morphine có làm giảm tuổi thọ hay không, nó vẫn là một loại thuốc giảm đau có công hiệu tốt. Nếu bạn phải chịu đựng nhưng cơn đau dữ dội, hãy trao đổi với bác sĩ về lựa chọn này.[1]
    • Trong vài trường hợp, bạn có thể chọn thêm vài phương pháp kiểm soát cơn đau phi truyền thống khác như y tế toàn trị, cần sa y tế hoặc các phương pháp trị liệu khác không thuộc về Tây y. Miễn là các phương pháp đó không ảnh hưởng tới quá trình điều trị hiện tại của bạn, bác sĩ có thể sẽ đồng ý cho bạn thực hiện.[2]
  2. Ở nhà càng nhiều càng tốt. Mặc dù không phải ai cũng có khả năng chi trả cho những dịch vụ chăm sóc tại nhà đắt đỏ, bạn vẫn nên nghĩ về những việc mang lại sự thoải mái và dễ chịu tối đa trong trường hợp riêng của mình. Bệnh viện có thể có nhiều sự trợ giúp y tế hơn, nhưng bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi được ở trong nhà mình.
    • Nếu bạn được phép rời khỏi bệnh viện, hãy ra ngoài trời càng nhiều càng tốt. Dù là đi dạo ngắn cũng có thể giúp bạn tránh xa khỏi tiếng máy móc trong bệnh viện và tạo ra sự khác biệt.
  3. Nhanh chóng nhận diện chứng khó thở. Chứng khó thở là triệu chứng thường gặp trong những giây phút cuối đời, có thể ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp của bạn, dẫn tới sự bất tiện và khó chịu. Với vài kĩ thuật đơn giản, bạn có thể nhận diện chứng khó thở và tự chăm sóc.
    • Nâng cao phần đầu giường và luôn mở cửa sổ, nếu được, để không khí lưu thông càng nhiều càng tốt.
    • Tuỳ thuộc vào tình trạng hiện tại, có thể bạn sẽ được cho dùng máy hoá hơi hoặc máy trợ thở trực tiếp qua đường mũi.
    • Đôi khi, chất dịch ứ đọng trong cổ họng có thể gây ra hiện tượng thở khò khè. Việc này có thể được giải quyết bằng cách nằm nghiêng hoặc nhờ bác sĩ sử dụng thủ thuật làm sạch.
  4. Nhận diện các vấn đề về da. Khô và kích ứng da mặt do dành nhiều thời gian nằm ở một tư thế có thể gây ra sự khó chịu trong hoàn cảnh sắp qua đời. Khi có tuổi, các vấn đề về da sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, khiến chúng dễ dàng bị nhận diện hơn.
    • Hãy giữ cho da được ẩm và sạch. Sử dụng sáp môi và kem giữ ẩm không chứa cồn để làm mềm những vùng da bị nứt nẻ. Đôi khi, vải ẩm và đá dăm cũng có thể có hiệu quả trong việc làm dịu da khô hoặc môi nẻ.
    • Đôi khi, hiện tượng "loét do tư thế nằm" - vết loét do nằm ở một tư thế quá lâu - sẽ xuất hiện. Hãy để ý tới những điểm bị đổi màu ở gót chân, hông, lưng dưới và cổ. Thay đổi tư thế nằm vài giờ một lần để tránh bị sưng loét, hoặc bạn có thể đặt một tấm mút mềm ở những vị trí nhạy cảm để làm giảm áp lực.
  5. Kiểm soát mức năng lượng. Việc ở trong bệnh viện sẽ gây ảnh hưởng lớn tới bất kì ai, những đợt xét nghiệm máu và truyền tĩnh mạch liên tục có thể sẽ khiến bạn khó ngủ. Hãy thành thật về mức năng lượng hiện tại, các triệu chứng chóng mặt hoặc nhạy cảm với nhiệt độ để được nghỉ ngơi và phục hồi tối đa.
    • Đôi khi, trong giai đoạn cuối của bệnh, các hộ lý hoặc y tá sẽ ngừng thực hiện các xét nghiệm khi chúng trở nên không cần thiết. Như vậy, bạn sẽ dễ dàng thư giãn và nghỉ ngơi hơn để duy trì mức năng lượng và sự tỉnh táo nhất định.
  6. Đặt các câu hỏi và cập nhật thông tin. Bạn có thể nhanh chóng cảm thấy quá tải, bối rối và khó chịu khi phải ở trong bệnh viện và có cảm giác mất kiểm soát đối với cuộc sống của mình. Thường xuyên đặt câu hỏi cho bác sĩ để có thông tin mới sẽ giúp bạn cảm thấy khá hơn. Hãy hỏi bác sĩ phụ trách những câu hỏi sau:
    • Các bước tiếp theo sẽ là gì?
    • Sao bác sĩ lại đề nghị phương pháp điều trị hoặc loại xét nghiệm này?
    • Việc đó sẽ khiến tôi thấy dễ chịu hơn hay khó chịu hơn?
    • Việc đó sẽ đẩy nhanh hay làm chậm quá trình điều trị?
    • Thời gian biểu của việc đó như thế nào?

Sắp xếp[sửa]

  1. Chuẩn bị một bản hướng dẫn chăm sóc y khoa (di chúc y khoa). Đó là một loại văn bản hoặc một chuỗi các văn bản giải thích về những việc mà bạn muốn chúng xảy ra trong quá trình chăm sóc lúc hấp hối. Trong đó có thể bao gồm nhiều chủ đề như: những phương pháp chăm sóc mà bạn muốn, những điều cần làm nếu bệnh có diễn tiến xấu, chỉ định luật sư có thẩm quyền nếu bạn rơi vào tình trạng mất ý thức.
    • Những văn bản này cần phải được luật sư soạn thảo và chứng thực. Đây không phải là những thứ mà bạn cần phải dành nhiều thời gian để tự thực hiện, vì thế, thường thì bạn sẽ giao chúng cho người khác.
  2. Chuẩn bị di chúc phân chia tài sản. Sẽ thật dễ chịu khi biết rằng bạn đã sắp xếp mọi thứ từ trước, nhờ đó, các quyết định lớn hoặc trọng đại đã được xử lí xong trước khi bạn ra đi. Nếu bạn muốn như vậy, hãy soạn thảo những văn bản pháp lí đó từ sớm.
    • Di chúc sống (living will) sẽ giải thích về những sự chăm sóc y tế mà bạn muốn, và trong trường hợp nào thì cần dùng phương pháp duy trì sự sống nếu bạn mất ý thức hoặc không thể đưa ra quyết định. Di chúc sống có thể được luật sư soạn thảo và cần được chuẩn bị từ trước.
    • Di chúc cuối cùng được sử dụng để phân chia tài sản cho người thụ hưởng, chỉ định người giám hộ cho trẻ nhỏ và làm sáng tỏ mọi mong muốn cuối đời. Nó hơi khác so với di chúc sống - văn bản được dùng để chuyển giao tài sản ngay lập tức thay vì chuyển giao sau khi bạn qua đời.[3]
  3. Cân nhắc việc chỉ định uỷ quyền chăm sóc sức khoẻ. Trong một số trường hợp, có thể bạn nên uỷ quyền những trách nhiệm này cho người được uỷ nhiệm nếu bạn không muốn hoặc không thể tự quyết định được. Người được uỷ nhiệm thường sẽ là vợ/chồng hoặc con cái đã trưởng thành, người đó sẽ lựa chọn các hình thức chăm sóc sức khoẻ cho bạn khi mọi thứ chuyển biến xấu.
  4. Nếu cần, cân nhắc việc chỉ định uỷ thác pháp quyền về y tế. Trong một số trường hợp, bạn có thể cảm thấy khó khăn khi phải chọn hoặc uỷ thác trách nhiệm cho một đơn vị tư nhân, và thay vào đó, bạn muốn uỷ thác chúng cho một người đại diện. Việc này rất phổ biến và có thể là một cách khá đơn giản để chuyển giao các trách nhiệm về mặt kĩ thuật cho người khác, cho phép bạn có thời gian để tự giải quyết những nỗi khó chịu và cảm xúc của mình.[4]
    • Uỷ thác pháp quyền về y tế khác với uỷ nhiệm toàn quyền - người sẽ hỗ trợ bạn về mặt tài chính sau khi bạn qua đời. Dù cả hai đều là những lựa chọn phù hợp, bạn vẫn nên biết những khác biệt của hai vai trò này.[5]
  5. Sắp xếp công việc an táng. Dù việc này hơi khó chịu, nhưng bạn cần phải quyết định chuyện gì sẽ xảy ra với cơ thể mình sau khi qua đời. Có rất nhiều lựa chọn khác nhau, tuỳ thuộc vào nền văn hoá và tôn giáo của bạn.
    • Nếu bạn muốn được tổ chức an táng hoặc thực hiện một nghi lễ nào đó theo tôn giáo sau khi qua đời, bạn có thể tự sắp xếp buổi lễ theo ý mình hoặc uỷ quyền trách nhiệm này cho người thân. Hãy chuẩn bị những việc như chọn nhà thờ và nhà tang lễ nếu điều đó khiến bạn thấy thanh thản.
    • Nếu muốn được chôn cất, hãy quyết định địa điểm và những người thân quá cố mà bạn muốn nằm cạnh. Hãy đặt trước một vị trí chôn cất bằng cách đặt cọc tiền, và sắp xếp mọi thứ với nhà tang lễ tại địa phương nếu cần thiết.
    • Nếu bạn muốn hiến xác, đảm bảo rằng hồ sơ hiến xác của bạn đã được cập nhật chính xác theo mong muốn của bạn. Liên hệ với trường đại học hoặc tổ chức mà bạn muốn hiến xác và tiến hành những sắp xếp cần thiết.

Tận dụng những ngày cuối đời[sửa]

  1. Hãy làm những điều mà bạn thấy tự nhiên nhất. Không có cách qua đời nào là đúng hay sai. Đối với vài người, họ có thể muốn dành thời gian càng nhiều càng tốt cho bạn bè và người thân, nhưng với vài người khác, họ lại thích được ở một mình và tự đối mặt với mọi thứ. Vài người lại muốn tự làm bản thân mình vui vẻ và tận dụng tối đa những ngày cuối đời, và vài người khác thì lại muốn thực hiện các công việc như bình thường.
    • Đừng ngại hưởng thụ những điều vui vẻ. Không ai nói rằng những lúc cuối đời là phải buồn bã. Nếu bạn chẳng muốn làm gì ngoài việc xem đội bóng đá yêu thích và cười đùa với người thân, hãy cứ làm vậy.
    • Đây là cuộc sống của bạn. Luôn ở bên những người hoặc những đồ vật mà bạn muốn. Tự tạo ra hạnh phúc, sự thoải mái và dễ chịu là ưu tiên hàng đầu.[6]
  2. Cân nhắc việc rời bỏ những trách nhiệm trong công việc. Có rất ít người khi nhận được những chẩn đoán về bệnh nan y lại ước rằng giá mà họ dành nhiều thời gian ở công sở hơn, thông thường, một trong những điều mọi người thấy hối tiếc nhất là đã làm việc quá nhiều và bỏ lỡ nhiều thứ. Đừng dành thời gian để làm những việc mà bạn không muốn làm nếu thời gian không còn nhiều.
    • Bạn sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn trong tài chính gia đình với một khoảng thời gian ngắn như vậy, vì thế, hãy tập trung vào những điều sẽ tạo ra sự khác biệt: xác định nhu cầu về cảm xúc của mình và gia đình.
    • Tuy nhiên, vài người lại thấy tràn đầy năng lượng và thoải mái khi được đi làm như bình thường, nhất là khi nếu bạn thấy mình vẫn còn đủ sức khoẻ để đi làm. Nếu tiếp tục đi làm khiến bạn cảm thấy thoải mái và an tâm, hãy cứ làm vậy.
  3. Gặp gỡ bạn bè và người thân yêu. Một trong những điều hối tiếc nhất của những người đang đối mặt với sự chia lìa là không thường xuyên liên lạc với bạn bè và người thân. Hãy tận dụng cơ hội này để dành thêm chút thời gian cho họ để cập nhật tình hình với nhau, gặp gỡ từng cá nhân riêng biệt nếu có thể.
    • Bạn không cần phải nói về những điều mình đang trải qua nếu không muốn. Hãy nói về quá khứ hoặc tập trung vào hiện tại. Cố gắng giữ cho mọi chuyện thật lạc quan.
    • Nếu bạn muốn cởi mở, hãy làm vậy. Bày tỏ những điều bạn đang trải qua cũng như sự đau buồn trong lòng mình với những người bạn tin tưởng.
    • Dù bạn không có nhiều sức để cười hoặc đối thoại, hãy để họ ngồi bên cạnh, như vậy bạn cũng sẽ cảm thấy được an ủi.
    • Tuỳ thuộc vào tình hình gia đình, bạn có thể gặp gỡ tất cả mọi người một lúc, hoặc gặp gỡ từng người một. Việc này có thể khiến thời gian như trôi chậm lại, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng những cuộc gặp gỡ. Đây cũng là một cách tuyệt vời để tận dụng tối đa khoảng thời gian còn lại.
  4. Tập trung vào việc hoà giải một số mối quan hệ. Đối với những người chuẩn bị đi xa, việc hoà giải một số mối quan hệ phức tạp là chuyện phổ biến. Việc này có thể bao gồm nhiều vấn đề, nhưng thông thường sẽ là giải quyết những bất đồng để có thể ra đi thanh thản hơn.
    • Hãy cố gắng kết thúc mọi cuộc tranh cãi, bất đồng hoặc hiểu lầm để có thể an tâm bước tiếp. Bạn không nên tham gia vào những cuộc tranh cãi nữa, thay vào đó, hãy chấp nhận những bất đồng khi cần thiết và kết thúc những mối quan hệ một cách êm đẹp.
    • Dù bạn không thể luôn ở bên những người mà mình quan tâm, bạn vẫn có thể lên kế hoạch để lần lượt gặp gỡ họ, nhờ đó, bạn sẽ đỡ cảm thấy cô đơn hơn.
    • Nếu bạn không thể gặp gỡ người thân yêu trực tiếp, hãy gọi điện thoại, điều đó cũng có thể tạo nên sự khác biệt.
  5. Quyết định xem bạn muốn tiết lộ những gì. Nếu bạn bè và người thân chưa biết về tình trạng sức khoẻ của bạn, bạn có thể kể cho mọi người biết chuyện đang xảy ra và cập nhật tình hình cho họ, hoặc bạn có thể giữ bí mật chuyện này. Mỗi lựa chọn đều có ưu điểm và nhược điểm, và đây là quyết định của bạn.
    • Để cho mọi người biết tình hình hiện tại có thể giúp bạn cảm thấy thanh thản và sẵn sàng bước tiếp hơn. Nếu bạn muốn cùng họ bày tỏ sự đau buồn, hãy cởi mở. Bạn có thể nói với từng người một để cảm thấy riêng tư hơn, và chỉ kể với những người mà bạn thực sự quan tâm, hoặc bạn cũng có thể kể với tất cả mọi người. Việc này có thể khiến bạn khó tránh khỏi đề tài đó và khó tập trung vào những chuyện vui vẻ hơn trong vòng vài tuần và vài tháng sau này. Đây là một nhược điểm đối với nhiều người.
    • Nếu bạn giữ bí mật chuyện này, bạn có thể duy trì được sự riêng tư và vẻ bình thản của mình, một trong những điều mà nhiều người mong muốn. Dù làm thế sẽ khiến các bạn khó chia sẻ nỗi đau buồn cùng nhau, nhưng nếu bạn muốn thực sự đối mặt với việc này một mình, bạn nên cân nhắc việc giữ bí mật.
  6. Cố gắng giữ cho mọi việc càng nhẹ nhàng càng tốt. Những ngày cuối đời của bạn không nên chỉ để dành cho việc khóc lóc và nhìn chằm chằm vào khoảng không trống rỗng, trừ khi bạn cảm thấy những việc này đem lại sự thoải mái. Hãy trải nghiệm những điều thú vị hơn. Bạn có thể tự rót cho mình một li rượu nhẹ, ngắm hoàng hôn, ngồi với một người bạn cũ. Hãy tận hưởng cuộc sống của mình.
    • Khi đối mặt với cái chết, bạn không cần phải cố gắng quá mức để chấp nhận nó. Nó sẽ tự chấp nhận bạn. Thay vào đó, hãy dùng khoảng thời gian còn lại để vui vẻ với mọi người và tận hưởng những điều mà bạn thích, đừng tập trung vào cái chết.
  7. Cởi mở về những điều bạn muốn nhận được từ người khác. Một điều mà bạn có thể sẽ phải giải quyết là: mọi người sẽ gặp khó khăn khi phải đối mặt với sự ra đi của bạn. Họ có thể đau buồn, khổ sở và đa cảm hơn bạn rất nhiều. Hãy cố gắng thành thật hết mức với gia đình khi nói về những cảm xúc và nguyện vọng của bạn.
    • Dù có thể bạn không cần gì từ họ hơn là sự an ủi, lạc quan, ủng hộ và tình yêu, bạn vẫn có thể thấy họ gặp khó khăn khi xử lí sự đau buồn của chính họ. Đó là việc hoàn toàn bình thường. Hãy chấp nhận rằng mọi người đang cố gắng hết sức và đôi khi, họ cũng cần được nghỉ ngơi. Cố gắng đừng giận dữ hoặc thất vọng về cách phản ứng của họ.
    • Bạn có thể thấy một số người thân thể hiện rất ít cảm xúc. Đừng vì thế mà cho rằng họ không quan tâm. Điều đó chỉ có nghĩa là họ đang âm thầm đối phó với tình trạng của bạn theo cách của riêng họ, và họ đang cố gắng không để cảm xúc của mình làm bạn buồn lòng.
  8. Trò chuyện với người đứng đầu giáo xứ nếu cần thiết. Nói chuyện với mục sư, thầy giảng hoặc những người đứng đầu giáo hội có thể giúp bạn thấy đỡ cô đơn hơn, và bạn luôn có một con đường đang mở rộng phía trước. Bạn cũng có thể tâm sự với những người bạn đồng tôn giáo, đọc kinh hoặc cầu nguyện để cảm thấy thanh thản hơn. Nếu bạn đủ khoẻ để tới nhà thờ, đền chùa hoặc bất kì nơi nào phù hợp với tôn giáo của mình, bạn cũng có thể tìm thấy sự bình yên khi ở bên cạnh những người có chung tín ngưỡng.
    • Tuy nhiên, nếu bạn không theo đạo, bạn không cần phải thay đổi điều đó và tin vào sự sống sau cái chết nếu đó không phải là con người thật của bạn. Hãy ra đi theo đúng cách mà bạn đã sống.
  9. Đừng vội kết thúc cuộc sống. Nếu bạn đang tìm một cách để ra đi thanh thản chỉ vì bạn muốn rời bỏ cuộc sống, đừng làm thế. Hãy nói chuyện với một người bạn hoặc người thân đáng tin cậy, đi khám bệnh và tránh ở một mình bằng mọi giá. Bạn có thể cảm thấy mình không có lựa chọn nào tốt hơn là kết thúc cuộc sống. Nếu muốn ra đi thanh thản, bạn hãy sống một cuộc sống viên mãn khi còn có thể.
    • Nếu đang nghĩ tới việc tự sát và cần sự trợ giúp ngay lập tức, hãy gọi vào Đường dây nóng Ngăn ngừa Tự sát Quốc gia tại số 800-273-TALK nếu bạn đang ở Mỹ. Nếu đang ở một quốc gia khác, hãy gọi đường dây nóng ngăn ngừa tự sát của quốc gia đó hoặc dịch vụ cấp cứu ngay lập tức. Hãy nhớ rằng tự sát là việc không đáng làm, và sẽ không đem lại kết quả tốt lành.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]