Rita Levi-Montalcini - nhà khoa học 100 tuổi và khám phá yếu tố phát triển tế bào thần kinh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Nhân sinh nhật thứ 100 của Rita Levi-Montalcini - Nobel Y học năm 1986

Cách đây đúng 100 năm, ngày 22 tháng 4 năm 1909, Rita Levi-Montalcini được sinh tại thành phố Turin (Italia) cùng người chị em sinh đôi, Paola, trong một gia đình do thái. Bố của Levi-Montalcini là kỹ sư điện còn mẹ là họa sỹ. Anh của bà, ông Gino, khi còn sống là giáo sư đại học Turin và là kiến trúc sư nổi tiếng tại Ý. Tuy vậy Levi-Montalcini đã từng có ý định trở thành nhà văn do chịu ảnh hưởng của chị gái, một người mê văn chương và ngưỡng mộ nữ nhà văn Selma Lagerlöf.

Bố của Levi-Montalcini, một người yêu gia đình và sống cho gia đình, tôn trọng phụ nữ nhưng lại nghĩ rằng đối với phụ nữ, công việc chuyên môn sẽ không dung hòa được với bổn phận của một người vợ, người mẹ. Chính vì vậy ông đã quyết định không để những cô con gái của mình học đại học.

Paola có năng khiếu hội họa và được bố cho phép dành tất cả thời gian cho niềm đam mê này. Lớn lên bà đã trở thành một trong những họa sỹ nổi tiếng nhất tại Ý. Levi-Montalcini tự nhận thấy không thể theo những suy nghĩ và quyết định của bố và đã xin phép cha được theo đuổi con đường học hành, nghiên cứu. Chỉ trong 8 tháng bà hoàn thành chương trình các môn học tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp, và toán rồi tốt nghiệp trung học phổ thông để vào học đại học y khoa tại Turin. Tại đây bà trở thành bạn và sau này là đồng nghiệp của Salvador Luria và Renato Dulbecco, cả ba lần lượt nhận giải thưởng Nobel về Y học - sinh lý học vào các năm 1969 (Salvador Luria), 1975(Renato Dulbecco) và 1986 (Levi-Montalcini). Cả ba nhà khoa học đều là học trò và chịu nhiều ảnh hưởng từ giáo sư Giuseppe Levi giảng dạy và nghiên cứu mô học tại ĐH Turin.

Năm 1936, Levi-Montalcini tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành y học và ngoại khoa và bắt đầu nghiên cứu chuyên khoa thần kinh và bệnh học thần kinh 3 năm.

Cũng vào năm 1936, Mussolini áp dụng chính sách hạn chế và cấm đoán tư tưởng và công việc của những nhà khoa học gốc do thái. Vào dịp đó, sau một thời gian làm việc ở một viện thần kinh học tại Bruxen (Bỉ), Levi-Montalcini trở về Turin với gia đình khi Đức tấn công Bruxen. Trong tình hình chính trị và cuộc sống không ổn định lúc bấy giờ gia đình bà đứng trước hai lựa chọn hoặc sang Mỹ hoặc ở lại Ý . Cuối cùng, do lựa chọn thứ hai, cả gia đình tiếp tục sống tại Turin. Tại đây, vì không được làm việc trong trường đại học hay viện nghiên cứu, bà đã quyết định xây dựng nơi nghiên cứu riêng của mình. Phòng thí nghiệm cũng chính là phòng ngủ của bà.

Năm 1934 bài báo của Viktor Hamburger nghiên cứu thần kinh trên phôi gia cầm đã gây ấn tượng cho Levi-Montalcini. Với sự trợ giúp của Giuseppe Levi, trợ lý đầu tiên, duy nhất và là niềm hãnh diện của bà cũng trở về từ Bruxen, bà bắt đầu các công trình nghiên cứu độc lập đầu tiên về thần kinh học.

Năm 1941, quân đồng minh Anh-Mỹ tăng cường ném bom tại Turin và gia đình bà phải sơ tán về vùng nông thôn. Tại đây bà đã xây dựng lại phòng thí nghiệm của mình. Mùa thu năm 1943, sau khi Đức tấn công Ý, gia đình bà chạy về Florence và gần như không có cuộc sống tự do cho đến khi chiến tranh thế thới thứ hai kết thúc.

Mặc dù phải đối mặt với chiến tranh và tâm lý bài xích người do thái, hàng ngày bà vẫn liên lạc với những người bạn thân và đồng nghiệp. Tháng 8 năm 1944 khi Đức buộc phải rút khỏi Florence, bà được tuyển vào làm bác sỹ tại trại tỵ nạn của đồng minh Anh-Mỹ. Tại đó bà đã đối diện với những nguy hiểm của dịch bệnh, đặc biệt là thương hàn - những thứ bệnh hàng ngày cướp đi mạng sống của nhiều người trong trại tị nạn - những người bà hàng ngày chăm sóc với vai trò của một bắc sỹ và một y tá.

Sau khi chiến tranh kết thúc tại Ý vào tháng 5 năm 1945, Levi-Montalcini cùng gia đình trở về Turin và vào làm việc tại trường đại học. Mùa thu năm 1947, giáo sư Viktor Hamburger đã mời bà cộng tác. Tại nơi làm việc của Viktor ở St. Louis, Levi-Montalcini đã tiến hành lại các thí nghiệm bà đã làm trước đó trên phôi gà. Trước đó bà dự định làm việc tại đây trong khoảng 10 tháng đến 1 năm nhưng những kết quả nghiên cứu đã giữ bà ở lại. Năm 1956 bà trở thành phó giáo sư và hai năm sau đó trở thành giáo sư và làm việc ở cương vị đó đến năm 1977. Năm 1962, Levi-Montalcini thành lập cơ sở nghiên cứu tại Rome và từ đó bà di chuyển và làm việc giữa hai nơi Rome và St. Louis. Từ năm 1969 đến 1978 bà là giám đốc Viện sinh học tế bào thuộc hội đồng nghiên cứu quốc gia Ý. Sau khi về hưu (1979) Levi-Montalcini tiếp tục được mời làm việc với cương vị giáo sư tại đây.

Năm 1968, giải thưởng Nobel thuộc lĩnh vực Y học - sinh lý học đã được trao cho hai nhà khoa học và Rita Levi-Montalcini chính là một trong hai nhà khoa học được vinh danh đó. Yếu tố phát triển thần kinh (nerve growth factor) do Rita Levi-Montalcini tìm ra cùng với yếu tố phát triển thượng bì (epidermal growth factor), phát hiện bởi Stanley Cohen, nhà khoa học Mỹ đã giúp con người hiểu được cơ chế điều hòa quá trình sinh trưởng và biệt hóa của tế bào. Sau khi hai yếu tố này được làm sáng tỏ, hàng loạt các yếu tố phát triển, phân chia và biệt hóa khác của tế bào lần lượt được tìm ra. Có thể cho rằng Rita Levi-Montalcini và Stanley Cohen đã giúp mở cánh cửa một lĩnh vực mới cho các nghiên cứu cơ bản trong y sinh học, giúp chúng ta hiểu ngày một tường tận hơn về nhiều loại bệnh do sai lệch quá trình phát triển hay thoái hóa trong đó có quá trình hàn gắn vết thương, các khối u đồng thời là cơ sở cho những nghiên cứu cho ra đời các dược phẩm mới.

Ngày 1 tháng 8 năm 2001, Levi-Montalcini được tổng thống Ý, ông Carlo Azeglio Ciampi chỉ định là nghị sỹ trọn đời (Senatore a vita). Mặc dù phải đi khắp thế giới vì những hoạt động khoa học bà vẫn tham dự một cách tích cực với công việc của một nghị sỹ tại thượng viện. Sự ủng hộ giành cho bà từ những người đứng đầu chính phủ cũng là thành nguyên nhân của những chỉ trích từ phía cánh tả "giành" cho bà.

Ở tuổi 100, Levi-Montalcini là nhà khoa học được trao giải Nobel sống thọ nhất cho đến nay.


Nguyễn Bá Tiếp tổng hợp.

Liên kết đến đây