Sơ bộ về đánh giá xác thực
Đánh giá xác thực (hay còn gọi là đánh giá thực hoặc đánh giá qua thực tiễn hoặc đánh giá năng lực thực hành) là một thuật ngữ mới xuất hiện trong khoảng hai thập niên trở lại đây trong hệ thống lí luận về kiểm tra, đánh giá nhờ những đổi mới căn bản trong khoa học đo lường và kiểm tra, đánh giá. Thuật ngữ này được dùng trong mối quan hệ đối lập với thuật ngữ “đánh giá truyền thống” (traditional asessment) để chỉ các loại hình kiểm tra, đánh giá trên giấy (bài tự luận, câu hỏi trả lời ngắn, trắc nghiêm khách quan kiểu đúng sai, ghép hợp, điền thế, đa lựa chọn...) vốn đã rất quen thuộc đối với mọi nền giáo dục trên thế giới.
Đánh giá xác thực là loại hình đánh giá trực tiếp khả năng thực hiện các nhiệm vụ thực tiễn, bao gồm mọi hình thức và phương pháp kiểm tra, đánh giá được thực hiện với mục đích kiểm tra các năng lực cần có trong cuộc sống hàng ngày và được thực hiện trong bối cảnh thực tế.
Đánh giá xác thực nhằm đánh giá khả năng của người học trong “ngữ cảnh thực”. Trong đó đòi hỏi người học vận dụng các kĩ năng học được để thực hiện một nhiệm vụ của thực tiễn, hoặc thực hiện một dự án nào đó, hoặc tạo ra một sản phẩm hoặc thực hiện một kĩ năng (VD: thu thập và xử lí phân tích thông tin). Đánh giá xác thực không chỉ quan tâm đến sản phẩm học tập mà quan tâm đến cà quá trình làm ra sản phẩm đó. Ví dụ khi đánh giá dự án tạp chí, thì hồ sơ các mẫu văn bản có thể được sử dụng để vẽ biểu đồ về sự phát triển kĩ năng viết bài báo của từng học sinh từ khi bắt đầu bản nháp bài viết cho đến bản biên tập cuối cùng. Khi đánh giá một dự án bán hàng, bên cạnh báo cáo kết quả bán hàng, cần quan sát sự phát triển các kĩ năng bán hàng của từng học sinh qua video...
Việc đánh giá xác thực chú trọng đến năng lực thực hành, năng lực hành động giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn có thể khắc phục được những nhược điểm của đánh giá truyền thống (được cho là đã đặt học sinh vào một vai trò thụ động hơn là vai trò chủ động), huy động mọi khả năng của bản thân để giải quyết các vấn đề từ bối cảnh thực. Do vậv để vận dụng cách đánh giá này, giáo viên và học sinh cần chú trọng tạo ra các nhiệm vụ có ý nghĩa, sử dụng cách đánh giá đa diện, tương tác tích cực, tập trung vào các năng lực tư duy bậc cao.
Theo Jon Mueller (2005), đánh giá xác thực có một số hình thức cơ bản sau:
Sản phẩm: Học sinh phải tạo ra sản phẩm cụ thể, là bằng chứng của sự vận dụng các kiến thức đã học. Những sản phẩm rất đa dạng: bài luận, bài tập lớn, truyện ngắn, bài thơ, báo cáo khoa học, báo cáo thực hành, biểu đồ, biểu bảng theo chủ đề, băng hình ghi lại các hoạt động, danh mục sách tham khảo, đánh giá của bạn học, tự đánh giá của bản thân,... Học sinh phải tự trình bày sản phẩm của minh còn giáo viên đánh giá sự tiến bộ hoặc xem xét quá trình làm ra sản phẩm đó.
Dự án học tập: Thông qua các dự án thực hiện trong vài giờ hoặc một, hai tuần, giáo viên theo dõi quá trình học sinh thực hiện để đánh giá khả năng tự tìm kiếm và thu thập thông tin, tổng hợp và phân tích chúng theo mục tiêu của dự án, đánh giá các kĩ năng cần thiết trong cuộc sống như cam kết làm việc, lập kế hoạch, hợp tác, nhận xét, bình luận, giải quyết vấn đề, ra quyết định, trình bày,...
Trình diễn: Học sinh làm việc với nhà tài trợ, tìm hiểu yêu cầu của họ, hình thành câu hỏi nghiên cứu, tiến hành các hoạt động để tìm câu trả lời, sau đó trình bày trước nhà tài trợ, bạn cùng lớp và giáo viên. Có 4 yếu tố quan trọng để làm cơ sở cho đánh giá: hồ sơ ghi lại những phương án trả lời qua quá trình khảo sát; bài luận để trình diễn; trình bày bằng lời trước những người quan tâm; và khả năng sử dụng công nghệ thông tin.
Thực hiện (nhiệm vụ): Học sinh tiến hành thí nghiệm, đi khảo sát vả viết báo cáo về kết quả chuyến khảo sát, phỏng vấn hoặc trao đổi thư từ với các chuyên gia và viết các bài luận từ kết quả nghiên cứu; ghi lại tiến trình phát triển của một thực thể sống nhỏ; tổ chức một hoạt động (xemina, sinh hoạt câu lạc bộ, thảo luận nhóm, hội thảo,...).
Nguồn[sửa]
- Tài liệu tập huấn Dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh; môn Toán cấp trung học phổ thông; Vụ giáo dục trung học; 2014