Sống sót qua cuộc tấn công hạt nhân

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chiến tranh lạnh đã kết thúc cách đây hơn hai thập kỷ, và nhiều người chưa từng trải qua các hiểm họa của hạt nhân và phóng xạ. Nhưng mối đe dọa về một cuộc tấn công hạt nhân vẫn còn đó. Nền chính trị toàn cầu còn rất bất ổn và bản tính con người vẫn không thay đổi qua hai thập kỷ. "Âm thanh vang vọng dai dẳng trong suốt chiều dài lịch sử con người là những tiếng trống trận".[1] Chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại thì vẫn còn nguy cơ chúng được sử dụng.

Bạn có thể sống sót qua chiến tranh hạt nhân không? Chỉ tồn tại những lời đồn đoán, người nói có người nói không. Nên nhớ vũ khí nhiệt hạnh mạnh gấp hàng trăm lần, và đối với những vũ khí lớn nhất thì mạnh gấp hàng ngàn lần hai quả bom được thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945. Thật sự chúng ta không thể hiểu đầy đủ chuyện gì sẽ xảy ra khi hàng ngàn những vũ khí này được kích nổ cùng một lúc. Đối với một số người, đặc biệt ở các trung tâm dân cư lớn, việc này dường như là nỗ lực tuyệt vọng.[2] Nếu có người sống sót thì đó sẽ là những người có sự chuẩn bị về tinh thần và nhu yếu phẩm cho một sự kiện như vậy, hoặc những người sống ở nơi xa xôi không có tầm quan trọng về chiến lược.

Các bước[sửa]

Chuẩn bị dự phòng[sửa]

  1. Lên kế hoạch. Nếu tấn công hạt nhân xảy ra, việc ra ngoài kiếm thực phẩm là rất nguy hiểm - bạn nên ở trong hầm ẩn náu tối thiểu 48 giờ hoặc lâu hơn. Chuẩn bị sẵn thực phẩm và trang thiết bị y tế có thể giúp bạn an tâm, và cho phép bạn tập trung vào các vấn đề sống còn khác.
  2. Cất trữ các thực phẩm không bị hư hỏng. Đó phải là những thực phẩm có thể trữ trong vài năm, dù với mục đích lưu trữ hay để giúp bạn sống sót sau một cuộc tấn công. Chọn thực phẩm chứa nhiều cacbohydrat để bạn có nhiều năng lượng hơn, và lưu trữ chúng ở nơi khô ráo, mát mẻ.
    • Gạo trắng
    • Bột mì
    • Đậu
    • Đường
    • Mật ong
    • Yến mạch
    • Mì sợi
    • Sữa bột
    • Hoa quả và rau sấy khô
    • Tăng dần lượng dự trữ. Mỗi lần đi siêu thị bạn chọn một hay hai món để trữ vào kho thực phẩm. Cuối cùng bạn sẽ tạo được một nguồn cung thực phẩm trong nhiều tháng.
    • Nhớ chuẩn bị dụng cụ mở hộp cho thực phẩm đóng hộp.
  3. Lưu trữ nước. Cân nhắc trữ nước trong các hộp nhựa chuyên dùng cho thực phẩm. Vệ sinh hộp bằng dung dịch tẩy rửa, sau đó đổ đầy nước lọc hoặc nước tinh khiết vào.
    • Lưu trữ đủ để mỗi người có 4 lít nước mỗi ngày.
    • Để làm sạch nước trong trường hợp bị tấn công, trữ dung dịch tẩy rửa gia dụng cơ bản và kali iotua.
  4. Chuẩn bị phương tiện thông tin liên lạc. Sở hữu khả năng nắm bắt thông tin bên ngoài cũng như báo cho người khác biết vị trí của bạn là điều tối quan trọng. Đây là những gì bạn cần có:
    • Máy nghe đài: Cố gắng tìm loại có thể quay tay phát điện hoặc dùng năng lượng mặt trời. Nếu mua máy nghe đài sử dụng pin thì bạn phải dự phòng pin. Cân nhắc mua máy nghe kênh thời tiết NOAA - kênh này phát thông tin khẩn cấp liên tục 24 giờ trong ngày.[3]
    • Một chiếc còi: Bạn có thể sử dụng còi để cầu cứu.
    • Điện thoại di động: Mạng điện thoại lúc đó có thể hoạt động hoặc không, nhưng bạn nên chuẩn bị sẵn phòng trường hợp dùng được. Bạn nên tìm mua sạc năng lượng mặt trời cho điện thoại.
  5. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế. Chỉ cần có trong tay vài dụng cụ y tế cũng tạo nên sự khác biệt lớn khi ở giữa ranh giới sự sống và cái chết. Bạn sẽ cần:
    • Bộ sơ cấp cứu cơ bản: Bạn có thể mua loại đóng gói sẵn hay tự mình làm. Bạn cần có gạc và băng vô trùng, thuốc bôi kháng sinh, găng tay cao su, kéo, nhíp, nhiệt kế và một cái chăn.[4]
    • Một cuốn sách hướng dẫn sơ cứu: Mua sách này từ một tổ chức như Hội chữ thập đỏ, hoặc tự lên mạng tìm thông tin và in ra giấy. Bạn nên biết cách băng vết thương, hô hấp nhân tạo, điều trị sốc và trị vết bỏng.
    • Lưu trữ thuốc kê toa cần thiết: Nếu hằng ngày bạn phải uống một loại thuốc nào đó thì phải tích trữ một lượng nhỏ dùng trong trường hợp khẩn cấp.
  6. Mua các vật dụng lặt vặt khác. Hoàn thiện bộ vật tư dùng trong trường hợp khẩn cấp với những dụng cụ sau:
    • Đèn pin và pin
    • Mặt nạ chống bụi
    • Bạt nhựa và băng keo vải
    • Túi rác, dây ni-lông và khăn lau dùng để vệ sinh cá nhân
    • Mỏ lết và kìm để vặn kín các tiện ích như bình ga và đường ống nước
  7. Chú ý nghe tin tức. Tấn công hạt nhân thường không được quốc gia thù địch tiến hành bất ngờ, mà trước đó phải xảy ra tình trạng căng thẳng và suy thoái về chính trị. Một cuộc chiến với các vũ khí truyền thống giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, nếu không kết thúc êm ả thì có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân; và những đợt tấn công hạt nhân vào một khu vực giới hạn cũng tiềm ẩn khả năng leo thang thành chiến tranh hạt nhân toàn diện.[5] Nhiều quốc gia có hệ thống đánh giá để chỉ ra khả năng bị tấn công. Ví dụ tại Mỹ và Canada, bạn nên biết cấp độ DEFCON (DEFense CONdition (Điều kiện Phòng vệ)).
  8. Đánh giá rủi ro và xem xét sơ tán nếu có khả năng xảy ra giao tranh bằng vũ khí hạt nhân. Nếu sơ tán không phải là một lựa chọn thì tối thiểu bạn cần xây dựng hầm trú ẩn cho mình. Tìm hiểu cự ly từ nơi bạn sống đến các mục tiêu sau[6] và lên kế hoạch phù hợp:
    • Các cơ sở không quân và hải quân, đặc biệt những vị trí được biết là nơi chứa bom hạt nhân, tàu ngầm chở tên lửa đạn đạo, hoặc si-lô chứa tên lửa ICBM. Một số vị trí nào đó sẽ bị tấn công ngay cả khi giao tranh hạt nhân chỉ diễn ra rất hạn chế.
    • Các cảng thương mại và đường băng dài trên 3.048 mét. Chúng dễ bị tấn công ngay cả khi giao tranh hạt nhân chỉ xảy ra hạn chế, và một số nào đó sẽ bị tấn công khi có chiến tranh hạt nhân toàn diện.
    • Các trung tâm chính phủ. Chúng dễ bị tấn công ngay cả khi giao tranh hạt nhân chỉ xảy ra hạn chế, và một số nào đó sẽ bị tấn công khi có chiến tranh hạt nhân toàn diện.
    • Các thành phố công nghiệp lớn và trung tâm dân cư đông đúc. Các khu vực này dễ bị tấn công khi xảy ra chiến tranh hạt nhân toàn diện.
  9. Tìm hiểu về các loại vũ khí hạt nhân khác nhau:
    • Bom phân hạch (Bom A) là vũ khí hạt nhân cơ bản nhất và được tích hợp vào các lớp vũ khí khác. Sức mạnh của loại bom này bắt nguồn từ sự phân tách hạt nhân nặng (plutonium và uranium) với các nơ-tron; khi plutonium và uranium phân tách, mỗi nguyên tử giải phóng một lượng năng lượng lớn và sinh ra nhiều nơ-tron hơn. Các nơ-tron con gây ra phản ứng dây chuyền hạt nhân cực nhanh. Cho đến nay bom phân hạch là loại bom hạt nhân duy nhất được sử dụng trong chiến tranh. Đây là loại bom có khả năng được sử dụng cao nhất bởi khủng bố.
    • Bom nhiệt hạch (Bom H) sử dụng lượng nhiệt cực lớn phát ra từ bom phân hạch để 'kích hoạt' quá trình nén và đốt nóng đồng vị phóng xạ deuterium và tritium (đồng vị của hi-đro) để chúng kết hợp lại và thải ra lượng năng lượng khủng khiếp. Bom nhiệt hạch còn gọi là bom nhiệt hạt nhân vì cần có nhiệt độ cao để kết hợp deuterium và tritium; loại vũ khí này mạnh gấp hàng trăm lần hai quả bom thả xuống Nagasaki và Hiroshima. Kho vũ khí chiến lược của Nga và Mỹ chứa các loại bom này.

Cách sống sót trong vụ tấn công sắp xảy ra[sửa]

  1. Ngay lập tức tìm nơi trú ẩn. Ngoài các dấu hiệu cảnh báo về địa chính trị, dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của một cuộc tấn công hạt nhân sắp xảy ra sẽ là tín hiệu báo động hoặc cảnh báo, nếu không thì đó chính là tiếng nổ. Ánh sáng từ việc kích hoạt vũ khí hạt nhân có thể nhìn thấy từ hàng chục cây số cách mặt đất. Nếu ở gần tâm chấn vụ nổ thì khả năng sống sót của bạn gần như bằng không, trừ khi bạn đang ở trong hầm trú ẩn được trang bị khả năng bảo vệ RẤT tốt. Nếu ở cách đó vài cây số thì bạn có khoảng 10-15 giây đến khi sóng nhiệt ập tới, và khoảng 20-30 giây trước khi sóng âm ập tới. Trong bất kì trường hợp nào bạn cũng không được nhìn trực tiếp vào quả cầu lửa. Vào ngày quang mây tạnh ánh sáng này có thể gây ra tình trạng mù tạm thời ở khoảng cách rất xa.[7] Tuy nhiên, bán kính sát thương thật sự rất khác nhau tùy thuộc kích cỡ bom, cao độ vụ nổ và thậm chí là điều kiện thời tiết tại thời điểm nổ.[8]
    • Nếu không tìm được nơi trú ẩn, bạn tìm một khu vực trũng gần đó và nằm úp mặt, để lộ da càng ít càng tốt. Nếu không có bất kì nơi trú ẩn nào như vậy thì bạn đào càng nhanh càng tốt. Cho dù ở khoảng cách 8 cây số bạn vẫn bị bỏng ở cấp độ ba; khoảng cách 32 cây số vẫn khiến da bạn có thể bị đốt cháy. Gió cũng tăng tốc độ thổi lên 960km/giờ và sẽ san phẳng mọi thứ và bất kì ai xuất hiện trên đường đi của nó.
    • Nếu không có các lựa chọn trên thì bạn chỉ nên vào nhà nếu chắc chắn tòa nhà đó không bị ảnh hưởng nhiều bởi vụ nổ và nguồn nhiệt. Cách này tối thiểu có thể bảo vệ bạn khỏi phóng xạ. Lựa chọn này có khả thi hay không còn phụ thuộc vào kết cấu của tòa nhà và khoảng cách của bạn đến vị trí kích nổ vũ khí hạt nhân. Tránh xa các cửa sổ, tốt hơn nên vào căn phòng không có cửa sổ; cho dù tòa nhà không chịu tổn hại đáng kể thì vụ nổ hạt nhân cũng sẽ thổi bay cửa sổ ở khoảng cách rất xa. Ví dụ, một vụ thử hạt nhân (dù là lớn bất thường) ở quần đảo Novaya Zemlya tại Nga được biết đã phá tan các cửa sổ tại Phần Lan và Thụy Điển.
    • Nếu đang sống tại Thụy Sĩ hoặc Phần Lan thì bạn kiểm tra xem nhà mình có hầm trú hạt nhân hay không. Nếu không, bạn cần biết vị trí hầm trú hạt nhân của làng/thị trấn/thị xã và cách đến đó. Nhớ rằng: bất kì nơi đâu tại Thụy Sĩ bạn đều có thể tìm thấy hầm trú hạt nhân. Khi tiếng còi vang lên tại Thụy Sĩ, bạn nên thông báo cho những người không nghe thấy tiếng còi (ví dụ người điếc) và chú ý nghe các kênh phát thanh quốc gia (RSR, DRS và/hoặc RTSI).
    • Không ở gần các vật dễ cháy nổ. Những chất như ni-lông hoặc vật liệu gốc dầu sẽ bắt lửa từ nguồn nhiệt.
  2. Tiếp xúc với phóng xạ là nguyên nhân khiến một số lượng lớn người tử vong.
    • Phóng xạ tức thời. Đây là phóng xạ phát ra vào thời điểm kích nổ, chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và di chuyển được quãng đường ngắn. Với năng lượng lớn phát ra từ vũ khí hạt nhân hiện đại, người ta cho rằng một số người không bị giết bởi vụ nổ hay nguồn nhiệt cũng sẽ chết do phóng xạ nếu ở cùng khoảng cách.[9]
    • Phóng xạ tồn lại. Nếu bom được kích nổ trên mặt đất hoặc quả cầu lửa chạm vào bề mặt trái đất, một lượng lớn phóng xạ sẽ còn tồn lại. Bụi và mảnh vỡ văng lên không trung rồi rơi xuống, kéo theo chúng là lượng phóng xạ nguy hiểm. Phóng xạ tồn lại có thể rơi xuống dưới dạng bồ hóng đen và còn gọi là "cơn mưa đen", có thể gây chết người dễ dàng và có nhiệt độ cực cao. Phóng xạ tồn lại sẽ làm ô nhiễm mọi thứ nó chạm phải.

      Một khi sống sót qua vụ nổ và phóng xạ tức thời (tối thiểu vào lúc này các triệu chứng của phóng xạ mới đang phát triển), bạn phải tìm biện pháp bảo vệ chống lại bồ hóng đen nóng bỏng.
  3. Nhận biết các loại hạt phóng xạ. Trước khi viết tiếp, chúng tôi muốn nói về ba loại hạt phóng xạ:
    • Hạt alpha. Đây là hạt phóng xạ yếu nhất và hầu như không phải là mối đe dọa. Hạt alpha chỉ tồn tại trong khoảng cách vài centimet trong không khí trước khi bị khí quyển hấp thu. Ở bên ngoài chúng gây nguy hiểm không đáng kể, tuy nhiên sẽ gây chết người nếu bạn hít phải. Quần áo bình thường sẽ bảo vệ bạn khỏi hạt alpha.
    • Hạt beta: Chúng di chuyển nhanh hơn hạt alpha và có thể xuyên thấu tốt hơn. Hạt beta đi được 10 mét trước khi bị khí quyển hấp thu. Tiếp xúc với hạt beta không nguy hiểm chết người trừ khi tiếp xúc trong thời gian dài; hạt beta có thể gây bỏng, giống như da bị đau khi cháy nắng. Tuy nhiên chúng gây nguy hiểm cho mắt nếu bị tiếp xúc trong thời gian dài. Hạt beta cũng độc hại khi bị hít phải và quần áo sẽ giúp bạn chống lại loại hạt này.
    • Tia gamma: Tia gamma có khả năng gây tử vong cao nhất. Nó có thể di chuyển được khoảng 1,5km trong không khí và xuyên thấu gần như mọi loại vật liệu che chắn. Vì vậy phóng xạ gamma sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho nội tạng chỉ qua tiếp xúc bên ngoài. Bạn cần có biện pháp che chắn đủ tốt.
      • Chỉ số PF của hầm trú hạt nhân sẽ cho bạn biết một người trú trong hầm bị tiếp xúc với phóng xạ ít hơn bao nhiêu lần so với người ở ngoài. Ví dụ, RPF 300 nghĩa là bạn bị tiếp xúc với phóng xạ ít hơn 300 lần so với người ở ngoài.
      • Tránh tiếp xúc với phóng xạ gamma. Cố gắng không tiếp xúc quá 5 phút. Nếu bạn sống ở vùng nông thôn, cố tìm một hang trú ẩn hoặc một khúc cây đổ mà có thể chui vào đó. Nếu không bạn chỉ cần đào một cái rãnh để nằm vào, và đắp đất xung quanh bạn.
  4. Bắt đầu gia cố hầm từ bên trong bằng cách đắp đất quanh tường hoặc bất kì thứ gì bạn có thể tìm thấy. Nếu trú trong hào thì bạn cần làm mái che, nhưng chỉ khi nào có vật liệu gần đó, không để lộ cơ thể ra ngoài quá lâu khi không cần thiết. Vải bạt từ cái dù hoặc lều sẽ bảo vệ bạn không bị các mảnh vụn chứa phóng xạ rơi lên người, mặc dù nó không thể chặn tia gamma. Ở mức độ vật lý cơ bản thì chúng ta không thể ngăn chặn tất cả phóng xạ, mà chỉ có thể giảm đến một mức chịu đựng được. Sử dụng dữ liệu dưới đây để xác định lượng vật liệu cần thiết để giảm khả năng xuyên thấu của phóng xạ xuống 1/1000:[10]
    • Thép: 21 cm
    • Đá: 70-100 cm
    • Bê tông: 66 cm
    • Gỗ: 2,6 m
    • Đất: 1 m
    • Băng: 2 m
    • Tuyết: 6 m
  5. Lên kế hoạch ở trong hầm trú ẩn tối thiểu 200 giờ (8-9 ngày). Trong bất kì trường hợp nào không được rời hầm trong 48 giờ đầu tiên.[10]
    • Lý do là để tránh các "sản phẩm phân hạch" do vụ nổ hạt nhân tạo ra. Phóng xạ i-ốt là sản phẩm độc hại nhất. Rất may là phóng xạ i-ốt có chu kỳ bán rã tương đối ngắn, chỉ 8 ngày (là thời gian để phân nửa lượng phóng xạ i-ốt phân rã thành đồng vị an toàn hơn). Nên nhớ sau 8-9 ngày thì vẫn còn rất nhiều phóng xạ i-ốt tồn tại quanh bạn, do đó nên hạn chế tiếp xúc. Có thể phải mất 90 ngày để lượng phóng xạ i-ốt phân rã còn 0,1% lượng ban đầu.
    • Các sản phẩm chính khác của quá trình phân hạch hạt nhân là Xêsi và Stronti. Chúng có chu kỳ bán rã lâu hơn, lên đến 30 năm và 28 năm tương ứng cho từng nguyên tố. Sinh vật sống rất dễ hấp thu chất phóng xạ này và gây độc cho các sản phẩm thực phẩm trong nhiều thập kỷ. Chúng có thể được gió mang đi hàng ngàn cây số nên bạn sẽ không an toàn cho dù đang sống ở một nơi xa xôi.
  6. Hạn chế sử dụng nguồn cung ứng. Bạn cần phải hạn chế để tồn tại, vì cuối cùng rồi bạn cũng phải để cơ thể tiếp xúc với phóng xạ (trừ khi bạn đang ở trong hầm trú với đủ lượng thức ăn và nước uống).
    • Thực phẩm đã qua chế biến có thể ăn được, miễn là hộp chứa không bị thủng và còn tương đối nguyên vẹn.
    • Thịt động vật có thể ăn được nhưng bạn phải lột bỏ da, tim, gan và thận. Cố gắng không ăn phần thịt gần xương vì tủy xương lưu giữ phóng xạ.
      • Cách để Ăn thịt bồ câu
      • Cách để Ăn thịt thỏ rừng
    • Thực vật ở "điểm nóng" có thể ăn được, những thực vật có rễ ăn được hoặc mọc dưới mặt đất (như cà rốt và khoai tây) nên ưu tiên sử dụng. Kiểm tra để biết thực vật có thể ăn được không. Xem bài viết Cách để Kiểm tra xem một loài thực vật có thể ăn được không.
    • Nước trên mặt có thể đã dính bụi phóng xạ nên cũng có độc. Nước ngầm như nước chảy ra từ mạch ngầm hay giếng có mái che có thể sử dụng được. (Cân nhắc đào hố lấy nước ngưng tụ như mô tả trong bài viết Cách để Tạo ra nước trên sa mạc.) Nước suối và nước hồ chỉ là lựa chọn cuối cùng. Lọc nước bằng cách đào một cái lỗ sâu khoảng 30cm bên bờ suối và để nước ngấm vào. Lúc này nước đục và có bùn nên bạn chờ cho cặn lắng xuống rồi đun sôi để diệt khuẩn. Nếu bạn đang ở trong một tòa nhà thì nước vẫn an toàn để sử dụng. Nếu không có nước (mà khả năng cao là không có), bạn sử dụng nước có sẵn trong các đường ống bằng cách mở vòi cao nhất trong tòa nhà để không khí rút vào, sau đó mở vòi thấp nhất để nước chảy ra.
      • Xem Cách để Tìm nước uống trong trường hợp khẩn cấp từ máy làm nước nóng.
      • Biết Cách để Lọc nước.
  7. Mặc đầy đủ quần áo (mũ, găng tay, kính mắt, áo sơ mi tay dài, v.v...), đặc biệt khi ra ngoài để ngăn chặn hạt beta làm cháy da. Chống độc cho thân thể bằng cách giũ quần áo liên tục, rửa sạch vùng da lộ ra ngoài; bụi phóng xạ tồn đọng sẽ gây bỏng da.
  8. Điều trị bỏng phóng xạ và bỏng nhiệt.
    • Bỏng nhẹ: Còn gọi là bỏng do hạt beta (dù cũng có thể do các hạt khác gây ra). Nhúng vết bỏng trong nước lạnh cho đến khi cơn đau giảm bớt (khoảng 5 phút).
      • Nếu da bắt đầu phồng rộp, cháy hay loét, rửa bằng nước lạnh để loại bỏ chất ô nhiễm, sau đó đắp gạc vô trùng để ngăn chặn nhiễm trùng. Không làm vỡ vết rộp!
      • Nếu da không phồng rộp, cháy hay loét, đừng đắp gì lên da cho dù nó chiếm diện tích lớn trên cơ thể (tương tự như cháy nắng). Thay vào đó bạn nên rửa sạch da và thoa Vaseline hay dung dịch pha từ bột nở và nước nếu có. Nhưng đất ẩm ướt (không nhiễm bẩn) cũng có tác dụng tương tự.
    • Bỏng nặng: Còn gọi là bỏng nhiệt vì sức nóng của vụ nổ gây ra, không phải do các hạt i-ôn hóa, tuy nhiên cũng có thể do các hạt phóng xạ gây ra. Bỏng nặng có thể gây tử vong, vì nó dẫn đến tình trạng: mất nước, sốc, tổn thương phổi, nhiễm trùng và v.v... Làm theo các bước sau để trị bỏng nặng.
      • Bảo vệ vết phỏng không bị nhiễm bẩn nặng hơn.
      • Nếu quần áo vẫn còn trên khu vực bị bỏng thì nhẹ nhàng cắt và loại bỏ vải khỏi chỗ đó. KHÔNG cố gắng loại bỏ phần vải đã dính hay nóng chảy trên vết bỏng. KHÔNG cố gắng kéo quần áo che vết bỏng. KHÔNG bôi bất kì thuốc gì lên chỗ bỏng. Tốt hơn bạn nên gọi điện cho cấp cứu.
      • CHỈ dùng nước rửa sạch khu vực bị bỏng. KHÔNG thoa kem hay thuốc mỡ.
      • KHÔNG sử dụng gạc y tế vô trùng thông thường không được chỉ định dùng cho vết bỏng. Vì gạc không dính dùng cho vết bỏng (và tất cả các sản phẩm y tế khác) thường không có nhiều nên một giải pháp thiết thực hơn là sử dụng bọc nhựa (còn gọi là màng bọc thực phẩm), sản phẩm này cũng được vô trùng, không dính vào vết bỏng và luôn có sẵn.
      • Ngăn ngừa sốc. Sốc là hiện tượng máu không cung cấp đủ đến các mô và cơ quan nội tạng quan trọng. Nếu không chữa trị, sốc có thể dẫn đến tử vong. Sốc bị gây ra do mất máu nhiều, bỏng sâu, hoặc phản ứng khi thấy vết thương hay máu. Các dấu hiệu là bồn chồn, khát nước, da xanh xao và tim đập nhanh. Bạn có thể ra mồ hôi cho dù da lạnh và ẩm ướt. Khi tình trạng xấu đi, nạn nhân thường thở nông và gấp, ánh mắt ngây dại. Cách điều trị: duy trì nhịp tim và hô hấp phù hợp bằng cách mát xa ngực và định vị cơ thể nạn nhân để hô hấp dễ hơn. Nới lỏng quần áo chật và trấn an nạn nhân. Cứng rắn nhưng nhẹ nhàng với sự tự tin.
  9. Thoải mái hỗ trợ những người bị bệnh nhiễm xạ, còn gọi là Hội chứng Phóng xạ. Đây không phải là bệnh truyền nhiễm và mọi việc tùy thuộc vào lượng phóng xạ mà họ tiếp nhận. Sau đây là loạt thông tin về mức độ phóng xạ:
  10. Làm quen với các đơn vị phóng xạ. (Gy (Gray) là đơn vị thuộc hệ SI dùng để đo lượng hấp thụ phóng xạ i-ôn hóa. 1 Gy = 100 rad. Sv (Sievert) là đơn vị thuộc hệ SI dùng để đo lượng hấp thụ phóng xạ tương đương, 1 Sv = 100 REM. Để đơn giản hóa thì 1 Gy thường tương đương với 1 Sv.)
    • Thấp hơn 0,05 Gy: Không có triệu chứng nhìn thấy được.
    • 0,05-0,5 Gy: Số lượng hồng cầu giảm tạm thời.
    • 0.5-1 Gy: Giảm sản xuất tế bào miễn dịch; dễ bị nhiễm trùng; phổ biến là buồn nôn, nhức đầu, nôn mửa. Với lượng hấp thu phóng xạ này bạn vẫn có thể sống mà không cần điều trị y tế.
    • 1.5-3 Gy: 35% số người tiếp xúc sẽ chết trong vòng 30 ngày (LD 35/30). Buồn nôn, nôn mửa và rụng lông trên toàn cơ thể.
    • 3-4 Gy: Ngộ độc phóng xạ nặng, 50% sẽ chết sau 30 ngày (LD 50/30). Các triệu chứng khác giống với liều lượng 2-3 Sv, chảy máu không kiểm soát ở miệng, dưới da và trong thận (xác suất là 50% ở mức 4 Sv) sau giai đoạn ủ bệnh.
    • 4-6 Gy: Ngộ độc phóng xạ cấp tính, 60% sẽ chết sau 30 ngày (LD 60/30). Xác suất tử vong tăng từ 60% ở mức 4,5 Sv đến 90% ở mức 6 Sv (trừ khi được chăm sóc y tế tích cực). Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi chiếu phóng xạ từ nửa giờ đến hai giờ, và kéo dài lên tới 2 ngày. Sau đó là giai đoạn ủ bệnh từ 7-14 ngày, tiếp theo thường xuất hiện các triệu chứng tương tự như bị chiếu phóng xạ 3-4 Sv, với độ nặng tăng dần. Tại thời điểm này thường gây vô sinh ở nữ giới. Thời gian hồi phục từ nhiều tháng đến một năm. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tử vong (thường từ 2-12 tuần sau khi chiếu phóng xạ) là do nhiễm trùng và chảy máu trong.
    • 6-10 Gy: Ngộ độc phóng xạ cấp tính, gần 100% sẽ chết sau 14 ngày (LD 100/14). Khả năng sống sót tùy thuộc vào việc chăm sóc y tế chuyên sâu. Tủy xương gần như hoặc hoàn toàn bị phá hủy, vì vậy cần phải cấy tủy xương. Mô dạ dày và ruột bị tổn thương nghiêm trọng. Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi chiếu phóng xạ từ 15-30 phút, và kéo dài lên tới 2 ngày. Tiếp theo là giai đoạn ủ bệnh 5-10 ngày, sau đó nạn nhân chết vì nhiễm trùng hoặc chảy máu trong. Thời gian hồi phục cần nhiều năm và có lẽ không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Devair Alves Ferreira hấp thu lượng phóng xạ xấp xỉ 7,0 Sv trong tai nạn Goiânia và đã sống sót, một phần vì anh ấy chỉ tiếp xúc gián đoạn.
    • 12-20 REM: Mức độ này tử vong là 100%; các triệu chứng xuất hiện ngay lập tức. Hệ thống tiêu hóa hoàn toàn bị phá hủy. Chảy máu không kiểm soát từ miệng, dưới da và trong thận. Mệt mỏi và đau ốm nói chung sẽ lấy hết sức lực của bạn. Triệu chứng tương tự như trước với độ nặng tăng dần. Không có khả năng phục hồi.
    • Trên 20 REM. Các triệu chứng tương tự xuất hiện ngay lập tức với độ nặng tăng dần, sau đó ngừng trong nhiều ngày trong giai đoạn "tiềm ẩn". Các tế bào của hệ tiêu hóa đột ngột bị phá hủy với sự mất nước và chảy máu nhiều. Cái chết bắt đầu với tình trạng mê sảng và mất trí. Khi não bộ không thể kiểm soát các chức năng của cơ thể như thở hoặc tuần hoàn máu, nạn nhân sẽ chết. Không có liệu pháp y khoa nào có thể đảo ngược tình trạng này, chăm sóc y tế chỉ để giảm đau.
    • Đáng tiếc là bạn phải chấp nhận một sự thật là nạn nhân sẽ chết sớm. Mặc dù khắc nghiệt nhưng bạn không nên lãng phí đồ dùng hoặc vật tư cho những người sắp chết vì nhiễm xạ. Để phòng ngừa hết nguồn vật tư cung ứng bạn nên tiết kiệm chúng cho người khỏe mạnh. Bệnh nhiễm xạ xảy ra phổ biến ở trẻ em, người già hoặc người có bệnh trước đó.
  11. Bảo vệ thiết bị điện trước xung điện từ. Một vũ khí hạt nhân được kích nổ ở khoảng cách rất cao từ mặt đất sẽ tạo ra xung điện từ mạnh đến độ có thể phá hủy thiết bị điện và điện tử. Tối thiểu bạn phải rút nguồn tất cả thiết bị khỏi nguồn điện và ăng ten. Cho radio và đèn pin vào thùng kim loại KÍN có thể tránh được xung điện từ, với điều kiện các thiết bị cần được bảo vệ đó không được tiếp xúc với vỏ bảo vệ xung quanh. Vỏ kim loại phải bao quanh hoàn toàn thiết bị và tốt hơn là được nối đất.
    • Những thiết bị bên trong cần được cách ly khỏi lớp vỏ dẫn điện, vì trường xung điện từ tràn qua vỏ bọc vẫn có thể tạo ra điện thế trong các bảng mạch ở trạng thái rắn. "Chăn chân không" được kim loại hóa (có giá khoảng 50,000 đồng) bọc quanh một thiết bị được gói trong giấy báo hoặc giấy bìa cứng sẽ có tác dụng như hộp kim loại, cách này hữu hiệu nếu bạn đang ở cách xa vụ nổ.
    • Một phương pháp khác là gói hộp giấy bìa trong lá đồng hoặc nhôm. Đặt thiết bị vào đó và nối nó với mặt đất.
  12. Chuẩn bị cho các cuộc tấn công tiếp theo. Thông thường tấn công hạt nhân sẽ không diễn ra một lần duy nhất. Bạn nên chuẩn bị cho các cuộc tấn công khác từ kẻ thù, hoặc một cuộc xâm lược.
    • Giữ nguyên vẹn hầm trú ẩn, trừ khi các vật liệu dùng làm hầm rất thiết yếu cho sự sống. Thu gom nước sạch và thực phẩm còn dư.
    • Tuy nhiên, nếu kẻ thù tiếp tục tấn công thì khả năng sẽ xảy ra ở một khu vực khác của đất nước. Nếu mọi nơi đều thất thủ thì bạn chỉ còn cách sống trong hang.

Lời khuyên[sửa]

  • Nhớ rửa sạch mọi thứ, đặc biệt là thức ăn cho dù nó được trữ trong hầm.
  • Nhớ không để bất kì ai biết bạn đang có trong tay những gì và khối lượng bao nhiêu.
  • Chú ý quân đội! Có lẽ họ sẽ sớm xuất hiện cũng như rất nhiều người trong trang phục chống vũ khí sinh học. Họ không phải kẻ thù nhưng bạn phải phân biệt được xe tăng, máy bay, phương tiện của bên mình với những cái thuộc về kẻ thù!
  • Nhớ cập nhật những hướng dẫn và thông báo mới nhất từ chính phủ.
  • Không ra ngoài trừ khi bạn có quần áo chống độc và phải để ý tránh vũ khí hạt nhân hoặc xe tăng.
  • Xây dựng sẵn hầm trú hạt nhân trong nhà. Có thể sử dụng tầng hầm để tạo ra hầm trú phóng xạ hạt nhân. Tuy nhiên hiện nay nhiều nhà không có tầng hầm, nếu vậy bạn cân nhắc xây một cái trong cộng đồng dân cư hoặc xây riêng ở sân sau nhà.

Cảnh báo[sửa]

  • Dành thời gian tìm hiểu thật nhiều thông tin về trường hợp khẩn cấp này. Mỗi phút dùng để học hỏi "những gì cần làm và cái gì là an toàn" sẽ tiết kiệm nhiều thời gian quý giá cho bạn khi cần sử dụng những thông tin đó. Trông chờ vào vận may trong tình huống này là điều điên rồ.
  • Cho dù tình hình đã an toàn để rời hầm trú ẩn thì chính quyền địa phương và chính phủ vẫn ở trong trạng thái khủng hoảng. Điều không may có thể xảy ra nên hãy tiếp tục trú ẩn cho đến khi thật sự an toàn. Nói chung, nếu bạn thấy xe tăng (trừ khi đó là xe tăng của kẻ thù), thì trật tự đã phần nào được khôi phục.
  • Tìm hiểu xem liệu có một cuộc tấn công trả đũa hoặc lần kích nổ hạt nhân thứ hai trong khu vực đó. Nếu như vậy thì bạn phải chờ thêm 200 giờ (8-9 ngày) sau lần nổ bom hạt nhân cuối cùng.
  • Không uống, ăn hoặc để cơ thể tiếp xúc với bất kì thực vật, nước suối hay vật kim loại ở khu vực không quen biết.
  • Không để lộ cơ thể ra môi trường. Người ta vẫn chưa rõ một người có thể tiếp nhận bao nhiêu Rơn-ghen mà không dẫn đến bệnh nhiễm xạ. Thông thường 100-150 Rơn-ghen có thể gây ra bệnh nhiễm xạ nhẹ và con người có thể vượt qua được. Cho dù không chết vì bệnh nhiễm xạ thì bạn vẫn có thể bị ung thư sau này.
  • Không bao giờ mất bình tĩnh, đặc biệt khi bạn đang làm người lãnh đạo. Điều này rất quan trọng nếu bạn muốn duy trì tinh thần lạc quan cho mọi người, là yếu tố thiết yếu trong các tình huống khắc nghiệt.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Attributed to Arthur Koestler.
  2. Wiseman, p. 279.
  3. http://www.nws.noaa.gov/nwr/
  4. http://www.redcross.org/prepare/location/home-family/get-kit/anatomy
  5. Giraldi, Philip (2007). http://www.antiwar.com/orig/giraldi.php?articleid=11666 What World War III May Look Like].
  6. FEMA 196/September 1990
  7. Ehrlich 1985, p. 167, gives a distance of 13 miles on a clear day and 53 miles on a clear night for a one-megaton weapon.
  8. http://www.fas.org/nuke/intro/nuke/effects.htm
  9. Ehrlich, p. 175; Langford, p. 106. For, unlike the blast and heat effects, the prompt radiation dose received decreases in relation to the square of the distance from the blast. Ehrlich points out that a 100 kt weapon would only give 1/500th the lethal dose of radiation at the 5 psi overpressure distance.
  10. 10,0 10,1 Wiseman, p. 280.