Soạn giáo án

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Soạn một tập giáo án hiệu quả đòi hỏi phải đầu tư thời gian, công sức cũng như sự hiểu biết về mục tiêu và khả năng của học sinh của bạn. Mục đích của giáo án, cũng như của việc giảng dạy là để thúc đẩy học sinh tiếp thu những gì bạn đang truyền đạt và ghi nhớ càng nhiều càng tốt. Sau đây là một vài ý tưởng giúp soạn giáo án hiệu quả cho hầu hết các giờ lên lớp của bạn.

Các bước[sửa]

Lập Dàn ý Cơ bản[sửa]

  1. Nắm chắc mục tiêu của bạn. Khi bắt tay vào một bài học nào đó, trên hết hãy ghi mục tiêu bài học đặt ra là gì. Nên ghi thật đơn giản, ví dụ như: “Học sinh có thể xác định cấu trúc của các bộ phận cơ thể động vật giúp chúng ăn uống, hô hấp, di chuyển và phát triển”. Nói một cách đơn giản thì sau khi học bài này, học sinh của bạn sẽ nắm được những gì. Nếu bạn muốn chi tiết thêm một chút, thì có thể viết thêm cách thức để thực hiện mục tiêu đó (thông qua phim ảnh, trò chơi, flashcard, v.v.)
    • Nếu học sinh của bạn còn nhỏ tuổi, thì mục tiêu sẽ giản lược hơn như “Cải thiện khả năng đọc và viết”. Điều này có thể dựa trên kỹ năng hoặc có thể mang tính khái niệm. Xem thêm bài "Cách để viết mục tiêu giáo dục" để hiểu rõ hơn về điều này.
  2. Viết phần tổng quát. Sử dụng in đậm để ghi các đề mục của bài học. Ví dụ, nếu bạn chuẩn bị dạy bài “Hamlet” của Shakespeare, thì ở phần tổng quát bạn có thể viết các ý như: Shakespeare đã cho ra đời tác phẩm Hamlet ở đâu? Tác phẩm này tái hiện lịch sự chân thật như thế nào? Mong muốn của tác giả cũng như sự lẩn tránh của ông đối với xã hội đương thời thể hiện qua tác phẩm như thế nào?
    • Viết nhiều hay ít ý còn tùy thuộc vào thời lượng của tiết học. Đối với một bài học, thường thì chúng ta sẽ đi qua 6 tới 7 ý chính, tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể vạch thêm ý.
  3. Lên kế hoạch cho quỹ thời gian. Trong trường hợp có quá nhiều ý so với khoảng thời gian quy định, hãy chia nhỏ bài học thành từng phần, như vậy bạn có thể điều chỉnh tốc độ truyền đạt nhanh hay chậm tùy thuộc vào tiến trình của bài. Hãy lấy tiết học một giờ đồng hồ để làm ví dụ.
    • 1:00-1:10: “Khởi động”. Tập trung học sinh và tóm lược thảo luận của buổi học về các bi kịch điển hình; từ đó dẫn dắt đến tác phẩm Hamlet.
    • 1:10-1:25: “Đưa thông tin”. Khái quát tiểu sử Shakespeare. Tập trung vào khoảng thời gian sáng tác trong vòng 2 năm trở lại, trong đó Hamlet là mốc trung tâm.
    • 1:25-1:40: “Hướng dẫn thực hành". Thảo luận liên quan đến cảnh chính trong vở kịch.
    • 1:40-1:55: “Bài tập sáng tạo”. Yêu cầu học sinh mỗi người viết 1 đoạn văn mô tả những gì liên quan đến Shakespreare. Yêu cầu những học sinh giỏi viết 2 đoạn và gợi ý đối với những học sinh yếu hơn.
    • 1:55-2:00: “Kết luận”. Thu bài, ra bài tập về nhà, và cho lớp ra về.
  4. Hiểu học sinh của mình. Xác định rõ đối tượng truyền đạt kiến thức của bạn, phong cách của người học là gì (nghe, nhìn, cầm nắm, hay tổng hợp các hình thức), học sinh đã nắm được những gì rồi và chỗ nào trong bài học có thể làm cho các em lúng túng. Hãy tập trung để giáo án của bạn thích ứng tốt với phần đông học sinh trong lớp và điều chỉnh đặc biệt với những em có năng khiếu bẩm sinh, những đối tượng yếu hơn hoặc là khó tiếp thu trong quá trình giảng dạy.
    • Sẽ chẳng có gì đáng bận tâm ngoại trừ việc học sinh của bạn bao gồm các em có tính cách cả hướng nội và hướng ngoại. Có em chỉ thích làm việc một mình trong khi em khác lại thích ngồi thành nhóm để cũng nhau thảo luận. Nắm rõ đặc điểm này sẽ giúp bạn tìm ra hướng giải quyết cho từng học sinh cụ thể.
    • Có đôi lúc bạn sẽ phải bối rối khi có một vài cá nhân trong lớp hiểu rõ bài học như bạn và cách các em nhìn bạn như "người đến từ sao Hỏa". Nếu bạn có thể nhận biết các em có khả năng vượt trội này, hãy xếp các em đó ngồi chung với những bạn khác, và không nên xếp các em này ngồi gần nhau (nói cách khác là để bạn dễ quản lý lớp học hơn).
  5. Dùng nhiều phương pháp tương tác khác nhau. Một vài học sinh trong lớp có thể tự học, một số khác thì học theo cặp, trong khi một số khác nữa lại thể hiện rất tốt khi học theo nhóm. Bạn có thể duy trì như vậy, miễn là học sinh của bạn tiếp thu tốt. Nhưng vì học sinh của bạn mỗi người một tính cách, do đó, hãy tạo cơ hội để các em trải nghiệm nhiều loại hình tương tác khác nhau, hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều.
    • Thật vậy, bất cứ hoạt động nào cũng có thể được phân ra để thực hiện một mình, theo cặp hay theo nhóm. Nếu đã có ý tưởng hình thành trong đầu, hãy xem xét liệu bạn có thể điểu chỉnh cách thức làm việc của học sinh hay không. Biết đâu, bạn lại phát hiện thêm nhiều cái hay!
  6. Đa dạng hóa hình thức học tập. Bạn đang cảm thấy khó xử vì có những cô cậu học sinh không có đủ kiên nhẫn để xem một đoạn video dài 25 phút hoặc đọc một trích dẫn dài 2 trang sách? Không sao, không học sinh nào là “ngốc” hơn học sinh nào cả. Việc bạn cần làm là tìm ra phương pháp học tập khác để tận dụng hết khả năng của những em đó.
    • Mỗi học sinh có phương pháp học riêng. Có em cần xem thông tin, em khác thì chỉ cần nghe, trong khi các em khác lại tiếp thu bài học tốt hơn với đồ dùng trực quan. Nếu bạn vừa giảng một đoạn dài, hãy dừng lại và để các em thảo luận. Nếu học sinh của bạn thích đọc sách, hãy thay đổi phương pháp dạy thông thường sang nghiên cứu tài liệu. Việc học từ đó sẽ thú vị hơn nhiều.

Lên Kế hoạch cho Tiết học[sửa]

  1. Mở đầu tiết học. Có một quy luật bất thành văn là học sinh không chịu động não vào phần đầu tiết học. Lấy ví dụ giờ học giải phẫu, nếu mới vào tiết mà bạn đã giải thích ngay phương pháp mổ xẻ, thì học sinh của bạn sẽ không thể hiểu được. Hãy chậm rãi hướng học sinh vào trọng tâm bài học, đó là lý do mỗi tiết học cần được "khởi động". Không chỉ đánh thức bộ não đang ngái ngủ của các em, mà còn giúp các em chuẩn bị tiếp thu kiến thức mới.
    • Việc khởi động trí óc có thể bằng một trò chơi đơn giản (có thể chơi đoán chữ hoặc giải thích từ vựng để xem kiến thức của các em, hay chỉ đơn thuần hỏi xem tuần trước đã học những gì), hoặc là hỏi đáp, sử dụng tranh ảnh để bắt đầu vào bài. Bất kỳ phương pháp nào cũng hiệu quả, quan trọng là để học sinh bắt nhịp và hướng các em suy nghĩ về bài học (ngay cả khi bạn chưa giới thiệu về bài học).
  2. Truyền đạt thông tin. Đây là phần nên được truyền đạt trực tiếp tuy nhiên bạn có thể sử dụng một số phương pháp hỗ trợ như một đoạn video, bài hát, đoạn văn hoặc thậm chí là định lý. Phần này chính là yếu tố quyết định phần còn lại của bài học sẽ đi về đâu. Không có phần này, học sinh của bạn sẽ hoàn toàn không hiểu bài.
    • Phụ thuộc vào trình độ của học sinh mà bạn có thể đi thẳng vào kiến thức trọng tâm. Hãy nghĩ về mức độ rõ ràng bạn muốn truyền đạt. Ví dụ để phân tích câu "Anh ta treo chiếc áo khoác của mình lên giá", bạn phải hiểu được bối cảnh nơi "chiếc áo" và "giá treo" xuất hiện. Hãy đưa ra tình huống cụ thể và để phần học tiếp theo phát triển nó.
    • Việc cho học sinh biết trước nội dung bài học có thể sẽ hữu ích. Nói cách khác, đó là cho học sinh biết "trọng tâm của bài". Đây là cách cụ thể nhất để học sinh nhớ được kiến thức của bài ngay khi học xong.
  3. Làm bài tập có hướng dẫn. Sau khi học sinh có được thông tin, bạn cần đưa ra bài tập để học sinh thực hành. Tuy nhiên, do kiến thức vẫn còn mới mẻ, hãy để các em bắt đầu với thực hành có kèm theo hướng dẫn. Thử dùng các dạng thực hành như nối tranh, nhận biết hình ảnh,... Hãy nhớ rằng, các em không thể bắt đầu viết bài phân tích trước khi thực hành bài "điền vào chỗ trống".
    • Nếu được, hãy tiến hành hai bài thực hành. Sẽ tốt hơn khi cho học sinh thử tầm hiểu biết ở hai mức độ khác nhau – ví dụ, viết và nói (hai kỹ năng khác nhau). Cố gắng kết hợp các hoạt động khác nhau cho những học sinh có trình độ khác biệt.
  4. Kiểm tra kết quả và đánh giá quá trình. Sau khi đã hoàn thành bài thực hành có hướng dẫn, tiến hành đánh giá liệu học sinh của bạn có hiểu những gì bạn truyền tải không? Nếu có, bạn có thể chuyển qua bước tiếp theo. Nếu không, hãy nhắc lại kiến thức một lần nữa, nhưng lần này hãy dùng cách dạy khác.
    • Nếu đã dạy một nhóm học sinh đủ lâu, bạn sẽ thấy lạ là vì sao lại có những học sinh bị vấp ở những định nghĩa dường như là dễ nhất và không thể nào khiến các em đó hiểu được trong thời gian ngắn. Nếu điều đó là vấn đề, hãy xếp các em đó ngồi chung với các em giỏi hơn để không làm gián đoạn giờ học. Bạn không muốn các em đó bị tụt lại phía sau và càng không muốn gián đoạn việc dạy học, do đó hãy đợi đến lúc tất cả đều có thể tiếp thu một kiến thức.
  5. Tự làm lại bài tập. Khi học sinh đã được trang bị kiến thức cơ bản, hãy để các em tự củng cố. Điều này không có nghĩa là bạn rời lớp học! Mục đích là để học sinh nỗ lực sáng tạo để nắm vững kiến thức bạn vừa truyền đạt. Vậy để tư duy của học sinh phát triển như thế nào?
    • Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chủ đề và kỹ năng bạn muốn sử dụng. Đó có thể đa dạng từ một vở kịch rối 20 phút cho đến đề tài tranh luận quyết liệt kéo dài hai tuần.
  6. Dành thời gian để đặt câu hỏi. Nếu tiết học còn dư thời gian, hãy dành ra 10 phút cuối tiết để đặt câu hỏi. Có thể bắt đầu với sự tranh luận về một vấn rồi nhân lên thành nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề đó. Hoặc dùng 10 phút để làm rõ thắc mắc cho học sinh. Cả hai cách đều hữu ích cho các em.
    • Nếu phần lớn học sinh của bạn nều ngại giơ tay, hãy cho các em ngồi đối điện nhau. Sau đó, đưa ra một khía cạnh của chủ đề và yêu cầu các em thảo luận về nó trong vòng 5 phút. Tiếp đó, hướng sự tập trung về phía trước lớp bằng cách gọi một nhóm lên trình bày. Sự hứng thú sẽ được khởi sinh ngay lập tức!
  7. Kết luận bài học một cách cô đọng. Thực chất, thì mỗi bài học là một cuộc thảo luận. Nếu ngừng đột ngột, bài học sẽ giống như bị bỏ ngang lưng chừng. Điều này không có nghĩa là bài giảng tệ, chỉ là chúng ta sẽ cảm thấy không trọn vẹn. Nếu thời gian cho phép, hãy kết thúc bài giảng bằng một vài lời kết luận. Nhắc lại về kiến thức vừa học với học sinh là một ý hay.
    • Dành ra 5 phút để nhắc lại các nội dung đã học trong ngày. Hỏi học sinh của bạn các câu hỏi để kiểm tra (nhưng không nên đưa thêm bất kỳ thông tin mới nào) và để củng cố bài học và kiến thức đã tiếp thu. Công đoạn này khiến cho mọi thứ như một vòng tròn: Quay về điểm đầu để kết thúc!

Chuẩn bị Chu đáo[sửa]

  1. Nếu sợ mình quên, hãy viết ra giấy. Những giáo viên mới luôn cảm thấy an tâm khi viết ra giáo án như vậy. Mặc dù việc này sẽ tốn nhiều thời gian hơn chính thời lượng tiết học, những nếu việc đó làm bạn tự tin hơn thì cứ làm. Bạn sẽ cảm thấy tự tin nếu bạn biết trong giờ dạy mình sẽ nói gì, hỏi những gì và ở đoạn nào thì cần đối thoại.
    • Khi đã quen với việc giảng dạy, việc soạn bài có thể được giảm dần cho đến lúc bạn có thể dạy một cách tự nhiên mà không cần phải thực hành từ trước. Không nên dành quá nhiều thời gian để lên kế hoạch cũng như viết ra hơn cả thời gian đứng lớp. Kỹ năng này chỉ nên áp dụng khi bạn mới bước vào nghề.
  2. Tùy cơ ứng biến. Bạn đã giành nhiều tiếng đồng hồ để soạn bài? Thật tuyệt vời! Nhưng cũng chỉ để tham khảo. Bạn sẽ không máy móc nói trước lớp: “Nào các em, 1:15 rồi! TẤT CẢ BUÔNG BÚT NÀO!”. Đó thật sự không phải là cách giảng dạy. Biết rằng giảng theo bài soạn là tốt, nhưng cũng nên linh hoạt điều chỉnh theo tình huống.
    • Nếu bị cháy giáo án, hãy xét xem nội dung gì nên cắt bỏ và nội dung gì không nên. Cân nhắc xem học sinh cần nắm được kiến thức nào nhất. Mặc khác, nếu thời gian bị thừa, hãy sử dụng những hoạt động mà bạn đã dành cả tiếng để vạch ra từ trước.
  3. Vạch kế hoạch xa hơn mức bình thường. Câu nói "thừa còn hơn thiếu" có thể áp dụng trong trường hợp này. Kể cả khi bạn đã lập ra thời lượng cụ thể cho từng phần, hãy tính xa một chút. Nếu một phần giảng kéo dài 20 phút, hãy chỉ cho phép kéo dài trong 15 phút. Bạn không bao giờ biết học sinh của mình sẽ hợp tác như thế nào!
    • Dễ dàng nhất là tạo ra một trò chơi hay một cuộc thảo luận với mục đích nêu ra kết luận về bài học. Cho học sinh của bạn ngồi lại với nhau, đưa ra ý kiến hoặc câu hỏi, rồi để các em tự do thảo luận.
  4. Soạn giáo án sao cho người dạy thay cũng sẽ hiểu được. Trong trường hợp có việc ngoài dự kiến xảy ra và bạn không thể dạy buổi học đó được, bạn sẽ phải tìm người dạy thế. Để mọi chuyện êm đẹp thì người thay bạn cũng cần phải hiểu được giáo án. Mặt khác, lỡ như bạn có quên thì với một giáo án dễ hiểu, việc gợi nhớ sẽ dễ hơn nhiều.
    • Có nhiều mẫu giáo án bạn có thể tìm trên mạng, hoặc có thể tham khảo các giáo viên khác xem họ đang soạn theo định dạng nào. Nhưng chỉ nên theo một định dạng nhất định, nếu không bạn sẽ dễ bị lúng túng. Càng nhất quán càng tốt!
  5. Thiết lập phương án dự phòng. Trong nghề giáo, sẽ có một lúc nào đó những học trò tinh quái quậy tung giáo án và bạn chỉ biết đứng im nhìn mọi chuyện xảy ra. Sẽ có những tiết kiểm tra mà chỉ có một nửa số học sinh đến lớp, hay đĩa video cho bài học bị đầu DVD “nuốt” trọn. Để tránh những tình huống này, bạn cần có phương án dự phòng.
    • Hầu hết các giáo viên dày dặn kinh nghiệm đều có đủ tất cả các giáo án mà bất cứ khi nào cần họ đều có thể lấy ra dùng. Khi thành công trong một giờ học nào đó, hãy giữ giáo án bài đó lại và áp dụng cùng cách thức cho các bài giảng khác nhau như “Quy luật tiến hóa”, “Chọn lọc tự nhiên” hoặc “Kế thừa gien”. Hoặc luôn chuẩn bị sẵn sàng đĩa nhạc của Beyoncé để áp dụng cho các bài giảng về sự phát triển của nhạc pop, về bước tiến của phụ nữ trong xã hội đương thời hoặc đơn giản là một bài học âm nhạc cho lớp chiều thứ 6.

Lời khuyên[sửa]

  • Trong giáo án hãy lồng ghép thêm các thông tin đa dạng liên quan. Biết cách lấy lại sự tập trung cho học sinh khi các em đi lan man ra khỏi phạm vi bài học.
  • Đối với học sinh rụt rè, cố gắng để đến một lúc nào đó những cô cậu này sẽ trả lời câu hỏi của bạn.
  • Xem trước tài liệu học tập cùng với học sinh và đưa ra mục tiêu cho một hoặc hai tuần tới.
  • Sau giờ học, xem lại kế hoạch giảng dạy và cách bạn thể hiện trước các em trong thực tế và nghĩ xem, sắp tới bạn có thay đổi gì khác không?
  • Nhớ rằng những gì bạn dạy phải hợp với khung chuẩn của Bộ giáo dục và Sở giáo dục.
  • Nếu giáo án không phải là phương án cho bạn, hãy thử phương pháp dạy học Dogme. Cách dạy này không cần sách vở cụ thể và để cho học sinh chủ động hoàn toàn.[1]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây