Steven Spielberg
Bản mẫu:Infobox actor Steven Allan Spielberg (sinh ngày 18 tháng 12 năm 1946)[1] là một đạo diễn và nhà sản xuất phim của điện ảnh Mỹ. Spielberg đã giành được ba giải Oscar và là nhà làm phim đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại, với tổng doanh thu đạt được ước tính khoảng 3 tỷ USD[2]. Tính cho đến năm 2006, tạp chí Premiere đã xếp Spielberg là nhân vật quyền lực và có ảnh hưởng nhất của ngành công nghiệp điện ảnh. Tạp chí Time cũng bầu chọn ông là một trong 100 nhân vật vĩ đại nhất thế kỉ 20. Vào cuối thế kỉ 20, tạp chí LIFE chọn Steven Spielberg là người có ảnh hưởng nhất của thế hệ ông[3].
Trải qua gần 4 thập niên trong nghề điện ảnh, Spielberg đã làm phim ở rất nhiều đề tài và thể loại. Trong các thập niên 1970, 1980 và 1990, ba bộ phim của ông, Hàm cá mập, E.T. người ngoài hành tinh và Công viên khủng long đã trở thành những bộ phim ăn khách nhất vào thời điểm mà chúng được phát hành. Trong những năm đầu của sự nghiệp đạo diễn, những tác phẩm khoa học giả tưởng và phiêu lưu mạo hiểm của ông được xem như hình mẫu cho việc sản xuất những bộ phim bom tấn của Hollywood hiện đại. Còn những năm gần đây, những bộ phim của ông đã đề cập đến những đề tài gây xúc động lớn như nạn diệt chủng người Do Thái, tình trạng nô lệ, chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố.
Mục lục
Tiểu sử[sửa]
Spielberg sinh ra tại thành phố Cincinnati, tiểu bang Ohio, trong một gia đình Do Thái,[4] bố ông là Arnold còn mẹ là Leahanni Spielberg[5], ông có ba em gái. Họ của ông có nguồn gốc là tên một thành phố của Áo, thành phố Spielberg nơi những người tổ tiên Hungary gốc Do Thái của ông đã sống ở thế kỷ 17.
Ngay từ tuổi thiếu niên, Spielberg đã bắt đầu làm những bộ phim nghiệp dư 8 mm đề tài "mạo hiểm" với bạn bè, bộ phim đầu tiên được cậu bé Spielberg quay tại một nhà hàng ở Scottsdale, tiểu bang Arizona. Năm 13 tuổi, Spielberg giành giải thưởng đầu tiên với một bộ phim 40 phút về đề tài "chiến tranh" mà cậu đặt tên là Escape to Nowhere (dịch nghĩa: Không nơi tẩu thoát).[6]. Năm 1963, tại trường cấp III Arcadia thành phố Phoenix bang Arizona, cậu học sinh 16 tuổi Spielberg đã viết và đạo diễn bộ phim độc lập đầu tiên của mình, một bộ phim phiêu lưu khoa học viễn tưởng dài 140 phút có tên Firelight (dịch nghĩa: Ánh lửa) (bộ phim này đã tạo cảm hứng cho một tác phẩm lớn của Spielberg sau này, bộ phim Close Encounters of the Third Kind). Firelight với ngân sách 400 USD đã được chiếu ở một rạp địa phương và thu về 100 USD. Một nhà báo ở thành phố Phoenix khi đó đã viết rằng cậu học sinh này sau đó có thể làm được những tác phẩm lớn[7].
Sau khi bố mẹ ly dị, Steven Spielberg chuyển đến tiểu bang California với bố trong khi ba em gái và bà mẹ vẫn ở lại Arizona. Spielberg tốt nghiệp trường cấp III Saratoga ở Saratoga bang California năm 1965. Trong thời gian này, Spielberg đã trở thành một hướng đạo sinh và đã nhận được giải thưởng Distinguished Eagle Scout Award (hướng đạo sinh xuất sắc) của tổ chức Hướng đạo sinh Hoa Kỳ (BSA) nhờ việc phát triển những tiêu chuẩn trao tặng huy hiệu danh dự cho hoạt động điện ảnh của hướng đạo sinh.
Sau khi chuyển đến California, Spielberg đăng ký tới ba lần vào trường điện ảnh của UCLA (Đại học California tại Los Angeles) và trường điện ảnh truyền hình của USC (Đại học Nam California) nhưng đều không được nhận vì chỉ tốt nghiệp cấp III với điểm trung bình loại C. Sau khi Spielberg đã là một đạo diễn nổi tiếng, USC đã trao tặng bằng tốt nghiệp danh dự cho ông năm 1994 và đến năm 1996 thì Spielberg đã trở thành một ủy viên quản trị của trường. Cuối cùng cậu thanh niên Spielberg vào học tại Đại học của tiểu bang California tại Long Beach (California State University, Long Beach) để tránh phải đi lính trong Chiến tranh Việt Nam[6]. Cũng tại đây Spielberg bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh với công việc thực tập không lương ở bộ phận biên tập của hãng phim Universal. Năm 1968, ông làm bộ phim ngắn đầu tiên để chiếu rạp, đó là bộ phim 24 phút với tựa đề Amblin. Sidney Sheinberg, người sau đó trở thành phó chủ tịch phụ trách sản xuất của hãng truyền hình thuộc Universal đã xem bộ phim và lập tức Spielberg trở thành đạo diễn trẻ nhất trong lịch sử được ký hợp đồng dài hạn với Universal, một trong các hãng phim chính của Hollywood, cậu bỏ học và bắt đầu sự nghiệp đạo diễn chuyên nghiệp.
Những năm đầu sự nghiệp (1968–1975)[sửa]
Công việc đầu tiên của Spielberg ở hãng truyền hình của Universal là thực hiện một phần cho kịch bản phim truyền hình Night Gallery trong tập phim Eyes, diễn viên chính của bộ phim này là Joan Crawford, người sau đó trở thành bạn thân của ông đến khi bà chết. Sau đó Spielberg được làm một tập phim truyền hình thực sự, đó là tập L.A. 2017 trong loạt phim Name of the Game. Tập phim khoa học viễn tưởng này đã gây ấn tượng với hãng phim Universal và họ ký hợp đồng ngắn hạn với Spielberg để làm ba bộ phim chiếu trên truyền hình, Duel, The Exorcist và Savage. Bộ phim dài chiếu rạp đầu tiên của ông là The Sugarland Express kể về một đôi vợ chồng bị cảnh sát săn đuổi vì họ cố giành lại quyền nuôi dưỡng con của mình. Những cảnh quay cuộc săn đuổi của cảnh sát được giới phê bình đánh giá cao, tuy nhiên bộ phim không thành công về mặt thương mại và chỉ được phát hành hạn chế.
Bước ngoặt cho sự nghiệp của Spielberg đến khi hai nhà sản xuất Richard Zanuck và David Brown đề nghị ông làm đạo diễn cho bộ phim Hàm cá mập (Jaws), một bộ phim kinh dị dựa theo tiểu thuyết của Peter Benchley. Bộ phim sau đó đã giành được 3 giải Oscar (cho biên tập, thu âm và tiếng động), và đã lập kỉ lục doanh thu tại thị trường Mỹ khi thu về tới hơn 100 triệu USD, thậm chí bộ phim còn tạo nên một cơn sốt trong công chúng được báo chí đặt tên là "Jawsmania".
Ông vua của những phim bom tấn (1975–1993)[sửa]
Từ chối đạo diễn phần 2 của Hàm cá mập, Spielberg và diễn viên Richard Dreyfuss gặp nhau trong một bộ phim mới sản xuất năm 1977, một tác phẩm về những vật thể bay không xác định (UFO) có tên Close Encounters of the Third Kind (Kiểu tiếp xúc thứ 3). Là một trong số ít phim Spielberg vừa viết kịch bản vừa đạo diễn, Close Encounters đã trở thành một sản phẩm ăn khách và đem lại cho ông đề cử đầu tiên ở giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất. Bộ phim giành hai giải Oscar cho quay phim và hiệu quả âm thanh, nhưng quan trọng hơn nó đã khẳng định khả năng đạo diễn cho những bộ phim bom tấn của Spielberg.
Thành công của Steven Spielberg với các bộ phim thương mại lại làm giới phê bình phim coi thường những tác phẩm tiếp theo của ông. Bộ phim tiếp theo của Spielberg là 1941, một tác phẩm tốn kém về đề tài Chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng lại bị cả giới phê bình và người xem chê bai. Ngay sau đó, Spielberg đã hợp tác cùng tác giả của loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars) là George Lucas để làm bộ phim Raiders of the Lost Ark (Cuộc truy tìm chiếc rương thánh tích), tập đầu tiên của bộ ba phim nổi tiếng Indiana Jones do diễn viên Harrison Ford thủ vai tiến sĩ khảo cổ Indiana Jones. Bộ phim đã đạt doanh thu cao nhất năm 1981 và được đề cử vài giải Oscar trong đó có đề cử giải Đạo diễn xuất sắc nhất thứ hai cho Spielberg và đề cử giải Phim hay nhất (bộ phim thứ hai của ông được đề cử giải này), cho đến ngày nay bộ phim này cũng vẫn được coi như một tác phẩm bước ngoặt của thể loại phim hành động.
Năm 1982 Spielberg trở lại với đề tài khoa học viễn tưởng quen thuộc với bộ phim E.T. người ngoài hành tinh (E.T. the Extra-Terrestrial, câu chuyện về tình bạn giữa một chú bé và một người ngoài hành tinh đang cố gắng quay trở về nhà trong vũ trụ. E.T. đã trở thành bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại (kỷ lục này chỉ bị phá vỡ bởi Công viên kỷ Jura, một tác phẩm khác của Spielberg). Ngoài ra bộ phim còn được đề cử rất nhiều giải Oscar trong đó có đề cử Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất (đề cử thứ ba của Spielberg). Đến năm 1984, Spielberg và George Lucas lại cùng hợp tác làm tập Indiana Jones tiếp theo với tên Indiana Jones and the Temple of Doom. Tuy vẫn là một thành công thương mại nhưng tập phim này không được đánh giá cao như phần đầu. Cũng trong thời gian này Spielberg còn sản xuất hai bộ phim ăn khách khách là Twilight Zone và The Goonies.
Năm 1985, Spielberg cho ra mắt bộ phim The Color Purple với sự tham gia của hai nữ diễn viên da đen sau đó rất nổi tiếng là Whoopi Goldberg và Oprah Winfrey. Bộ phim tương đối thành công về doanh thu và được giới phê bình đánh giá cao khi nhận xét Spielberg đã thành công với dòng phim chính kịch. Nhà phê bình phim Roger Ebert còn coi đây là bộ phim hay nhất của năm, The Color Purple cũng được đề cử 11 giải Oscar. Năm 1987, ngay khi Trung Quốc mở cửa với thế giới bên ngoài, Spielberg đã quay bộ phim Mỹ đầu tiên ở Thượng Hải kể từ thập niên 1930, bộ phim Empire of the Sun. Tuy không thành công khi công chiếu ngoài rạp, bộ phim lại được giới phê bình khen ngợi và được đề cử một số giải Oscar.
Năm 1989, Spielberg bắt tay vào làm phần 3 của loạt phim "Indiana Jones" với tựa đề Indiana Jones and the Last Crusade (Indiana Jones và cuộc Thập tự chinh cuối cùng). Bộ phim được đánh giá cao và cũng đạt doanh thu cao, nó được coi là phần kết tốt cho loạt phim Indiana Jones nổi tiếng.
Năm 1993 có thể coi là năm thành công nhất trong sự nghiệp đạo diễn của Spielberg cho đến ngày hôm nay khi ông cho ra đời liền hai bộ phim được đánh giá rất cao trong lịch sử điện ảnh. Bộ phim đầu tiên thuộc thể loại khoa học giả tưởng và phiêu lưu quen thuộc của Spielberg, dựa theo cuốn tiểu thuyết của Michael Crichton có tên Công viên kỷ Jura (Jurassic Park) nói về những con khủng long ăn thịt người. Với những hiệu ứng hình ảnh mang tính cách mạng được làm bởi hãng Industrial Light and Magic của người bạn George Lucas, bộ phim của Spielberg đã trở thành bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ, vượt qua bộ phim E.T..
Bộ phim thứ hai của Spielberg trong năm này là Bản danh sách của Schindler (Schindler's List), dựa trên câu chuyện có thật của nhà công nghiệp Oskar Schindler, người đã mạo hiểm tính mạng của mình để cứu sống 1.100 người Do Thái khỏi nạn diệt chủng. Bản danh sách của Schindler đã mang lại cho Spielberg giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất đầu tiên và cũng giành luôn giải Oscar Phim hay nhất. Một số nhà phê bình cho rằng bộ phim này là tác phẩm chân thực nhất về nạn diệt chủng người Do Thái và năm 1999, Viện phim Hoa Kỳ (American Film Institute) đã xếp bộ phim vào danh sách 10 tác phẩm vĩ đại nhất của điện ảnh Mỹ.
Từ năm 1993 đến nay[sửa]
Năm 1994, cùng với Jeffrey Katzenberg và David Geffen, Spielberg tham gia thành lập hãng phim độc lập DreamWorks SKG.
Sau thành công của năm 1993, Spielberg tạm ngừng sự nghiệp đạo diễn 4 năm trước khi quay trở lại với phần tiếp theo của Công viên kỷ Jura với tự đề The Lost World, bộ phim này đã thu về gần 230 triệu USD ở thị trường Mỹ mặc dù không được đánh giá cao như phần đầu.
Năm 1998, Spielberg cho ra đời bộ phim về Chiến tranh thế giới thứ 2 có tên Giải cứu binh nhì Ryan (Saving Private Ryan) với sự tham gia diễn xuất của nam diễn viên 2 lần đạt giải Oscar Tom Hanks. Spielberg giành được giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất thứ hai cho tác phẩm này. Những hình ảnh chân thực mô tả sự ác liệt của chiến tranh trong phim đã ảnh hưởng tới nhiều phim chiến tranh sau đó như Black Hawk Down hay Enemy at the Gates. Bộ phim cũng là tác phẩm lớn đầu tiên của Spielberg thực hiện cho hãng phim DreamWorks của ông.
Năm 2005, Spielberg làm lại bộ phim War of the Worlds dựa theo tiểu thuyết cùng tên của H.G. Wells, bộ phim có sự xuất hiện của ngôi sao điện ảnh Tom Cruise và Dakota Fanning. Không được đánh giá cao, bộ phim vẫn thu về 234 triệu USD chỉ tính riêng thị trường Mỹ và doanh thu tổng cộng lên tới 591 triệu USD. Năm 2008, Steven được mời đạo diễn chương trình khai mạc Thế vận hội Bắc kinh 2008 song đã từ chối vì bất đồng với chính phủ Trung Quốc trong vấn đề hòa bình ở Sudan.
Tác phẩm[sửa]
Đạo diễn:
- Duel (1971)
- The Sugarland Express (1974)
- Hàm cá mập (Jaws) (1975)
- Close Encounters of the Third Kind (1977)
- 1941 (1979)
- Raiders of the Lost Ark (1981)
- E.T. người ngoài hành tinh (E.T. the Extra-Terrestrial) (1982)
- Indiana Jones và ngôi đền của thần chết(Indiana Jones and the Temple of Doom) (1984)
- The Color Purple (1985)
- Đế chế của mặt trời (Empire of the Sun) (1987)
- Indiana Jones và cuộc Thập tự chinh cuối cùng (Indiana Jones and the Last Crusade) (1989)
- Always (1989)
- Hook (1991)
- Công viên khủng long (Jurassic Park) (1993)
- Bản danh sách của Schindler (Schindler's List) (1993)
- Công viên khủng long 2: Thế giới bị mất (The Lost World: Jurassic Park) (1997)
- Amistad (1997)
- Giải cứu binh nhì Ryan (1998)
- Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence: AI) (2001)
- Sắc lệnh cuối cùng (Minority Report) (2002)
- Catch Me If You Can (2002)
- The Terminal (2004)
- Chiến tranh giữa các thế giới(War of the Worlds) (2005)
- Munich (2005)
- Indiana Jones và Vương quốc sọ pha lê (Indiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skull) (2008)
- The Pacific (Mặt trận Thái Bình Dương) (2010)
- Lincoln (2012)
- Bridge of Spies (2015)
Tham khảo[sửa]
- ↑ McBride, Joseph (1997). Steven Spielberg. Faber and Faber. tr. 37. ISBN 0-571-19177-0.
- ↑ Steven Spielberg xếp thứ 287 trong danh sách các tỷ phú năm 2007 của Forbes
- ↑ Tạp chí Life
- ↑ Steven Spielberg: A Biography. Da Capo Press. 1999. ISBN 978-0-306-80900-2. http://books.google.com/?id=DbqATVZHvkQC&pg=PA35.
- ↑ “Fred A. Bernstein”. Fredbernstein.com. Truy cập Lỗi khi kêu gọi {{Chú thích web}}: hai tham số url và title phải được chỉ định..
- ↑ 6,0 6,1 Joseph McBride, Steven Spielberg, Nhà xuất bản Faber and Faber, 1997
- ↑ Ian Freer, The Complete Spielberg, Nhà xuất bản Virgin, 2001
Liên kết ngoài[sửa]
Bản mẫu:Steven Spielberg Bản mẫu:Oscar cho đạo diễn 1981-2000
Liên kết đến đây
- Wikipedia
- Đạo diễn điện ảnh Mỹ
- Sinh 1946
- Người Mỹ gốc Do Thái
- Giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc
- Nhân vật còn sống
- Nam diễn viên điện ảnh Mỹ
- Nam diễn viên Mỹ thế kỷ 20
- Nam diễn viên Mỹ thế kỷ 21
- Phim và người giành giải Oscar
- Tỷ phú Hoa Kỳ
- Nhà biên kịch Mỹ
- Người Cincinnati, Ohio
- Doanh nhân Mỹ thế kỷ 20
- Nhà văn Mỹ thế kỷ 21
- Nhà nhân đạo Mỹ
- Người đoạt giải Quả cầu vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất
- Đạo diễn điện ảnh
- Nam diễn viên đến từ New York