Tìm sự kiên định trong cuộc sống

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Các tình huống của cuộc sống vốn phức tạp và thất thường. Ngày hôm nay bạn có thể cảm thấy mọi việc đều hoàn hảo, nhưng ngày mai đột nhiên bạn lại băn khoăn về các quyết định của mình. Nếu muốn tìm sự kiên định trong cuộc sống, bạn phải kiên định trong các phương pháp, thói quen và cách suy nghĩ. Việc tìm sự kiên định có thể giúp bạn bền gan vượt qua những thời khắc khó khăn và hoài nghi bản thân. Bạn có thể bắt đầu từ việc xây dựng một lối sống vững vàng hơn, nhất quán hơn và vươn tới những lĩnh vực khác trong cuộc sống của mình.

Các bước[sửa]

Phát triển các thói quen để có cuộc sống kiên định[sửa]

  1. Quyết tâm thay đổi. Bước đầu tiên để tạo sự chuyển biến trong cuộc sống là quyết tâm thay đổi. Lời tuyên bố có chủ ý và kiên quyết với bản thân rằng sẽ trung thành và theo đuổi mục tiêu mơ ước có thể tạo động lực và thúc đẩy bạn vươn tới. Trong trường hợp này, bạn nên quyết tâm sống một cuộc sống kiên định hơn, vững vàng hơn.[1]
    • Nghĩ về các lý do khiến bạn muốn sống một cuộc sống kiên định hơn. Có phải bạn đang đi tìm sự ổn định cho bản thân mình, cho gia đình hoặc vì một lý do hoàn toàn khác?
    • Cho dù lý do đó là gì, bạn cũng cần sử dụng nó để giữ động lực. Mỗi lần bắt đầu cảm thấy băn khoăn hoặc hoài nghi về những nỗ lực của mình, bạn hãy nghĩ về viễn cảnh cuộc sống của bạn (hoặc của gia đình bạn) sẽ tốt hơn như thế nào.
    • Khẳng định lại với bản thân rằng bạn có thể làm được, và kết quả đạt được sẽ xứng đáng với những nỗ lực của bạn.
  2. Tránh sự hỗn loạn. Một số người say mê sự hỗn loạn, một điều cũng gây tác hại như nghiện ma túy hay rượu. Những người này khao khát một thứ mà có người gọi là sự thất thường đáng tin cậy – với ý nghĩa sự thất thường là thứ duy nhất không thay đổi trong cuộc sống của họ.[2] Tuy rằng thỉnh thoảng thêm chút gia vị vào cuộc sống để thoát ra khỏi lối mòn là một ý tưởng tốt, nhưng sự hỗn loạn dưới mọi hình thức là rất bấp bênh và không phù hợp trong thời gian dài.
    • Sự hỗn loạn xuất hiện dưới nhiều dạng. Có thể đó là hành vi được chăng hay chớ, sự biến đổi tâm trạng, hoặc mê mải với những vấn đề của người khác (thường là cách để tránh né vấn đề của bản thân mình).
    • Nếu nhận thấy mình trải qua nhiều hỗn loạn trong cuộc sống, bạn hãy lùi lại một bước và suy nghĩ nguyên nhân nào khiến bạn thấy lôi cuốn hoặc thậm chí theo đuổi sự hỗn loạn đó.
    • Cố gắng bước ra khỏi mớ hỗn độn của những người khác. Tuy nhiên điều này không nhất thiết là bạn phải loại những người đó ra khỏi cuộc sống của mình, mà bạn chỉ cần không để bị cuốn vào những vụ việc rắc rối và gay cấn xung quanh bạn.
    • Bạn không thể có một cuộc sống thực sự ổn định nếu luôn chạy theo sự hỗn loạn. Ngay khi quyết định tìm sự kiên định, bạn cũng phải quyết định phản kháng lại sự hỗn loạn phía trước.
  3. Tìm cảm giác sống có mục đích. Sống có mục đích không nhất thiết là phải có các mục tiêu. Những người sống có mục đích thường có các mục tiêu được xác định rõ ràng mà họ nỗ lực vươn tới, nhưng việc có các mục tiêu không làm cho cuộc sống trở nên có mục đích. Việc phát triển các mục tiêu thực tế dựa trên sự quan tâm và giá trị/ niềm tin có thể giúp bạn tìm ra mục đích cuộc sống của mình và thúc đẩy bạn bắt đầu bước vào hành trình thay đổi cuộc sống.[3]
    • Để tìm ra mục đích cuộc sống, có thể bạn phải xác định các giá trị, mối quan tâm và các mục tiêu của riêng bạn.
    • Việc có một mục đích thường giúp người ta phát triển các kiểu hành vi kiên định trong cuộc sống thường ngày của mình.
    • Thúc đẩy bản thân bước ra khỏi vùng an toàn để khám phá những điều mà bạn cảm thấy hứng thú là một ý tưởng hay khi bạn đi tìm mục đích của mình.[4]
    • Đi theo sự dẫn dắt của giá trị và niềm tin khi bạn dự tính cho sự thay đổi của cuộc sống và về những điều mà bạn có thể đạt được.
    • Bạn không nhất thiết phải có mọi thứ như đã định. Mọi điều cần có ở đây là sự hứng thú dành cho mục đích và chỉ một hành động khám phá để thúc đẩy bạn khởi động bước đầu tiên.[5]
  4. Duy trì lối sống lành mạnh một cách nhất quán. Sự kiên định trong cuộc sống bao gồm cả những thói quen và lịch trình hàng ngày. Lối sống không lành mạnh là lời mời gọi cho sự bất nhất và hỗn loạn. Một trong những cách tốt nhất để làm cho cuộc sống ổn định và vững vàng hơn là bắt đầu với sự thay đổi trong hoạt động hàng ngày.[6]
    • Biến hoạt động thể chất thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của bạn.
    • Ăn đúng bữa với chế độ dinh dưỡng cân bằng.
    • Tránh hút thuốc, hoặc cai thuốc nếu bạn có hút thuốc.
    • Tránh chè chén say sưa, kể cả thức ăn và bia rượu.
    • Đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi đêm.
  5. Tập thiền. Một trong những thách thức lớn nhất đối với sự kiên định là sự lo âu và rối loạn tinh thần/ cảm xúc. Thiền đã được chứng minh là giúp tâm thanh tịnh và phục hồi cảm giác cân bằng nội tại. Với sự tập luyện, thiền có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân, về những suy nghĩ/cảm giác của bạn và môi trường quanh bạn.[7] Hầu hết các kiểu thiền tập trung vào kỹ thuật thở thư giãn và cần thực hành theo lịch đều đặn (có thể là hàng ngày).[8]
    • Tìm một nơi thanh bình, yên tĩnh.
    • Ngồi với tư thế thoải mái. Nếu thích, bạn cũng có thể tập thiền khi nằm ngửa trên một mặt phẳng.
    • Giảm bớt những thứ gây xao lãng. Để điện thoại ở chế độ im lặng hoặc tắt điện thoại.
    • Nhắm mắt (nếu bạn cảm thấy thoải mái với điều đó). Nếu lo rằng mình ngủ thiếp đi, bạn có thể tập trung nhìn vào một điểm trên sàn ngay trước mặt mình.
    • Thở chậm và sâu bằng mũi, cảm nhận luồng không khí đi qua mũi.
    • Đảm bảo hơi thở của bạn phải đi sâu vào cơ hoành (bên dưới khung xương sườn, trong vùng bụng). Nếu chỉ thở bằng ngực, hơi thở của bạn sẽ rất nông.
    • Mỗi khi trong đầu bạn xuất hiện một ý nghĩ nào đó hoặc có điều gì gây xao lãng, bạn chỉ cần tập trung trở lại vào sự liên tục trong khi thở. Tiếp tục thở chậm và sâu, hít vào và thở ra qua mũi.
  6. Thực hành chánh niệm. Chánh niệm là một kiểu thiền. Nó có thể giúp bạn chú tâm hơn trong suy nghĩ, cảm giác và hành động của mình. Khi bạn sống một cách chú tâm hơn, bạn sẽ dễ kiên định hơn trong thói quen suy nghĩ và hành động.[9]
    • Chú ý vào các chi tiết nhỏ xung quanh mình. Bạn có thể bắt đầu ngay từ những hành động của mình (cách bạn lấy bàn chải đánh răng mỗi buổi sáng, những suy nghĩ chạy qua tâm trí bạn trên đường đi lại hàng ngày) và mở rộng ra bên ngoài.
    • Cố gắng nhìn mọi vật dưới một lăng kính khác với cái nhìn “tươi mới”. Tìm những chi tiết trong cuộc sống hàng ngày mà trước đây bạn không để ý.
    • Đắm mình trong các giác quan. Tập trung vào những sự vật tác động vào thị giác, khứu giác, thính giác, vị giác, xúc giác và cảm nhận của bạn.
    • Khi ăn một thứ gì đó, bạn hãy dành thời gian chú ý đến hương vị của thức ăn, hình thức bên ngoài của nó (màu sắc, kết cấu, hình dạng, v.v…), và khi cắn từng miếng, bạn hãy nhai chậm để thưởng thức hương vị tinh tế của nó.
    • Khi ăn một món nào đó, bạn hãy nghĩ về bao nhiêu công sức đã làm ra nó. Khởi đầu từ ánh sáng mặt trời và nước tưới nuôi dưỡng chúng lớn lên, công sức thu hoạch của người nông dân, nỗ lực của người lái xe vận chuyển và người bán hàng để đem thực phẩm đó đến nơi bạn ở.
  7. Luyện tập thói quen ngủ đều đặn. Giấc ngủ là cách để giúp cơ thể hồi phục và trẻ lại. Ngủ đủ giấc là điều vô cùng quan trọng để đảm bảo rằng giấc ngủ của bạn là một cách nghỉ ngơi hiệu quả. Cách tốt nhất để có một đêm ngon giấc là rèn luyện thành thói quen ngủ đều đặn và hàng ngày trung thành với nó.[10]
    • Tuân theo một giờ ngủ nhất định, kể cả cuối tuần. Đi ngủ vào cùng một giờ mỗi đêm và thức dậy vào cùng một giờ mỗi sáng.
    • Phát triển một trình tự trước giờ ngủ có thể giúp bạn thư giãn. Bạn có thể tập thiền, đọc sách hoặc thậm chí tập thể dục (tuy nhiên một số người lại thấy khó ngủ sau khi tập luyện).
    • Duy trì độ mát ổn định trong phòng. Nhiệt độ từ 16 đến 20 độ C là khoảng thích hợp nhất cho giấc ngủ.
    • Đảm bảo ngủ đủ giấc. Hầu hết người trưởng thành cần ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm, tuy một số người cần ngủ đến 10 tiếng.[11]
  8. Tiếp tục cố gắng. Thông thường bạn cần sự ổn định để trở nên kiên định. Tuy nhiên thực tế là bạn sẽ không thể tìm được sự ổn định trong cuộc sống mà không quyết tâm và không hình thành thói quen. Những điều này có thể chiếm nhiều thời gian, do đó đừng nản lòng khi bạn vẫn phải tự ép mình làm những việc mà bạn cảm thấy chưa trở thành bản chất tự nhiên của mình. Hãy kiên nhẫn, và đừng bỏ cuộc.[12]
    • Một số nghiên cứu cho thấy bạn cần đến 21 ngày để gắn một thói quen mới vào thông lệ hàng ngày. Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng cần đến 66 ngày để một thói quen mới trở nên ổn định trong cuộc sống của bạn.
    • Để thay đổi cuộc sống và làm cho cuộc sống kiên định hơn, bạn cần duy trì một động lực không thay đổi để theo đuổi sự kiên định.
    • Đừng bỏ cuộc. Việc tìm được sự kiên định có thể đem lại cho bạn sự ổn định, thỏa mãn, và cuối cùng là hạnh phúc hơn trong cuộc sống.

Xây dựng những mối quan hệ bền vững hơn[sửa]

  1. Tập trung vào những mối quan hệ lành mạnh. Những mối quan hệ lành mạnh thường đem lại cho bạn sự ổn định trong cuộc sống. Dù là tình bạn hay tình yêu, một mối quan hệ tốt luôn giữ vai trò quan trọng đối với cảm giác hạnh phúc và ổn định của bạn. Việc tìm cách củng cố các mối quan hệ sao cho vững bền và tốt đẹp hơn có thể đem lại cảm giác thỏa mãn và kiên định cho cuộc sống của bạn.[13]
    • Luôn luôn tôn trọng nhau. Bạn có thể bông đùa hoặc trêu chọc, nhưng sự trêu đùa của bạn không nên nghiêm trọng hoặc gây tổn thương.
    • Tỏ ra tôn trọng trong cách cư xử với nhau, bao gồm cả cách nói chuyện.
    • Cố gắng tin tưởng nhau. Nếu có khi nào thấy khó tin tưởng vào một ai đó, bạn hãy nhắc nhở bản thân rằng người đó không phải là người đã làm bạn tổn thương trong quá khứ, và thật là bất công cho họ nếu bạn cư xử với họ bằng thái độ đó.
    • Hết sức ủng hộ nhau.
    • Luôn trung thực. Đừng bao giờ nói dối, gian lận hoặc lừa bịp nhau, bằng không bạn sẽ không thể thiết lập nền tảng cho sự tin tưởng.
    • Cùng sẻ chia trách nhiệm trong tình yêu hay tình bạn. Tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình, và đảm bảo cả hai bên đều cùng dành thời gian cho nhau một cách ngang bằng.
    • Sẵn sàng nhượng bộ hoặc thương lượng để giải quyết những bất đồng.
  2. Phát triển những nghi thức với bạn bè/ người yêu. Nghi thức là những thói quen nho nhỏ hoặc những cử chỉ thân mật với một người khác. Đây có vẻ chỉ là những điều nhỏ nhặt, nhưng chúng khá hữu ích cho việc xây dựng mối quan hệ bền vững hơn giữa bạn và người đó.[14]
    • Nghi thức là rất quan trọng, vì nó giúp bạn gắn bó tình cảm với bạn bè hoặc người yêu hay bạn đời.
    • Nghi thức có thể giúp bạn xây dựng sự kết nối bền chặt hơn nhờ sự quen thuộc và thân mật.
    • Nghi thức không cần đến những cử chỉ trang trọng hoặc to tát. Những nghi thức hay nhất và thân mật nhất giữa bạn bè hoặc người yêu chỉ cần là những điều nho nhỏ - như cách chào đón nhau, nói với nhau những câu chuyện vui mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được và những thứ tương tự.
    • Nghi thức không cần phải cố gắng để tạo ra. Có lẽ những cử chỉ nho nhỏ biểu hiện thường xuyên đến mức bạn không nhận ra chính là một kiểu nghi thức giữa hai bên, và việc nhận biết đó là một nghi thức có thể giúp củng cố mối gắn kết của bạn.
  3. Giao tiếp với nhau. Giao tiếp là chiếc chìa khóa vàng nếu bạn muốn phát triển sự ổn định và bền chặt trong mối quan hệ của bạn và những người khác. Điều quan trọng là dành thời gian để giao tiếp riêng với nhau, nhưng sự trung thực và cởi mở vào mọi lúc cũng quan trọng không kém, ngay cả trong những cuộc trao đổi ngắn (chẳng hạn như trước khi bạn rời nhà đi làm).[15]
    • Sự giao tiếp hiệu quả là nền tảng của bất cứ mối quan hệ lành mạnh nào, dù trong tình bạn hay tình yêu.
    • Giao tiếp có thể giúp xây dựng sự nhất quán và ổn định. Khi các bạn có thể tâm sự với nhau về những nỗi sợ hãi, những bất an, hy vọng và ước mơ của mình, mối gắn kết giữa hai bên sẽ bền chặt hơn, và những cuộc chuyện trò như vậy sẽ trở thành thông lệ.
    • Nói lên những điều làm bạn buồn bực hoặc khiến bạn cảm thấy bất an khi những cảm giác đó xuất hiện (vào đúng lúc). Đừng ghìm nén mọi thứ trong lòng, bằng không sự hờn giận sẽ dần lớn lên giữa hai bên.
    • Hai bên phải có thể nói chuyện với nhau về bất cứ điều gì. Cố gắng giúp nhau cảm thấy thoải mái để có thể luôn giao tiếp cởi mở và chân thành.
  4. Hàn gắn những mối quan hệ/tình bạn. Điều cần thiết là duy trì những mối quan hệ/tình bạn quan trọng đối với bạn. Nếu một mối quan hệ quan trọng nào đó bị sứt mẻ chỉ vì những lý do lặt vặt hoặc dễ giải quyết, có lẽ việc bạn gạt qua những khác biệt và tập trung khôi phục mối quan hệ đó cũng là xứng đáng.[16]
    • Nếu thường tranh cãi với nhau vì những việc vặt vãnh, bạn hãy thử tránh xung đột bằng cách đứng về phía bạn mình. Nếu niềm tin căn bản của hai bên có sự xung khắc thì có vẻ phức tạp hơn, nhưng nếu sự mâu thuẫn chỉ là những việc như đến lượt ai rửa bát, bạn chỉ cần nhận làm việc đó.
    • Nếu hai bên không nói chuyện với nhau nữa chỉ vì một chuyện bất đồng chẳng đâu vào đâu, bạn hãy gọi điện hoặc nhắn tin cho bạn mình nói lời xin lỗi. Mời họ đi uống cà phê và hai người có thể hỏi thăm nhau.
    • Hiểu rằng không phải mối quan hệ nào hay tình bạn nào cũng lành mạnh và xứng đáng để bạn duy trì. Tuy nhiên những mối quan hệ tốt đẹp cần được chăm chút hơn.
    • Nếu quan hệ giữa bạn và người đó không có những tính chất của một mối quan hệ lành mạnh như được mô tả ở trên, có lẽ đó là một mối quan hệ lạm dụng. Nếu gặp trường hợp này, tốt nhất là bạn nên rời xa người đó vào thời gian này.

Tìm sự kiên định trong công việc[sửa]

  1. Cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Việc tách bạch giữa công việc và đời sống gia đình/cá nhân có thể là một thách thức. Tuy nhiên, nếu không cố gắng tách riêng hai mặt này của cuộc sống, bạn có nguy cơ bị quá tải và căng thẳng một cách vô nghĩa. Kiểu trộn lẫn này có thể tác động mạnh đến khả năng có một cuộc sống vững vàng và thỏa mãn trong cả hai lĩnh vực, gia đình và việc làm.[17]
    • Đừng bị ám ảnh vì công việc. Điều quan trọng là phải giữ động lực và tập trung vào sự nghiệp, nhưng bạn đừng dùng cả ngày ở nhà để lên kế hoạch hoặc căng thẳng vì ngày làm việc hôm sau.
    • Cố gắng điều chỉnh cách sử dụng thời gian. Nếu công việc vắt kiệt sức lực và tinh thần của bạn, bạn hãy tìm một điều gì đó hứng thú để làm sau giờ làm việc (thậm chí trước khi đi làm).
    • Chọn các hoạt động lành mạnh và hiệu quả để sử dụng thời gian nhàn rỗi ngoài công việc. Ví dụ, thay vì uống rượu thì bạn có thể chạy bộ hay đạp xe để giải tỏa stress.
    • Nuôi dưỡng một sở thích hoặc tìm một mục đích trong thời gian rỗi có thể đem lại cho bạn cảm giác về một cuộc sống có ý nghĩa hơn.
    • Đảm bảo sống một cuộc sống lành mạnh ở nhà, bao gồm tập luyện đều đặn, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc.
  2. Đúng giờ và kiên định. Nếu bạn muốn có một cuộc sống công việc vừng vàng, bạn cần phải kiên định từ lúc đến nơi làm việc cho đến khi ra về sau ca làm. Điều này bắt đầu từ việc đến nơi làm đúng giờ với tâm thế sẵn sàng, một điều quan trọng cho hiệu quả làm việc và để đảm bảo bạn không gặp rủi ro mất việc làm.[18]
    • Xác định những yếu tố khiến bạn muộn giờ. Có phải nguyên nhân là do tình trạng giao thông thất thường, khó tìm chỗ đậu xe hoặc phải giải quyết rắc rối ở nhà?
    • Nếu những vấn đề gia đình ảnh hưởng đến đời sống công việc, có thể bạn phải quyết định hoãn giải quyết các vấn đề gia đình cho đến khi hết giờ làm việc.
    • Nếu tình trạng giao thông hay việc tìm chỗ đậu xe khiến bạn muộn giờ làm, vậy thì bạn hãy đi sớm hơn để đối phó những yếu tố đó. Bạn có thể thử kiểm tra bản đồ giao thông (như Google Maps hay Waze) để biết đâu là nơi hay ùn tắc nhất, và cố gắng tìm lộ trình khác không đi qua khu vực đó để có thể tiết kiệm thời gian.
    • Tính tổng cộng thời gian đến nơi làm việc và thời gian thỉnh thoảng bạn bị muộn giờ do giao thông. Sau đó bạn chỉ cần rời nhà sớm hơn theo thời gian đó, có lẽ nên đi sớm hơn khoảng 10 phút để đề phòng trường hợp bạn thực sự bị chậm giờ.
    • Thưởng cho mình vì tính kiên định. Có lẽ bạn tìm ra cách để khoản đãi bản thân, chẳng hạn như ăn nửa còn lại của chiếc bánh xốp khi đến chỗ làm (nhưng chỉ khi bạn đến đúng giờ hoặc sớm hơn).
  3. Ưu tiên cho khối lượng công việc. Bạn có thể trải qua những ngày chìm ngập trong núi công việc cần làm đến nỗi bạn chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nhưng nếu ngày nào cũng như vậy, bạn sẽ rất khó mà hoàn thành bất cứ việc gì, và bạn cũng sẽ không thể làm đúng theo bất cứ lịch trình làm việc nào.[19]
    • Thử đặt một bảng đen hoặc bảng có thể xóa được tại nơi làm việc và liệt kê những điều cần làm trong ngày lên bảng.
    • Phân loại những việc bạn có thể (hoặc nên) làm xong trong hôm nay, việc nào cần hoàn thành vào cuối ngày mai, và việc nào cần hoàn tất vào cuối tuần.
    • Bạn có thể đánh dấu vào bản liệt kê hoặc xóa đi khi đã làm xong. Điều này có thể giúp bạn thấy được nhiệm vụ nào mình đã hoàn thành và cũng nhắc nhở bạn về những việc chưa làm.
    • Tổ chức và sắp xếp các công việc sao cho bạn cảm thấy ổn định hơn và có hiệu suất hơn. Điều này có thể đem lại cho bạn cảm giác trật tự trong cuộc sống.
  4. Tìm một người bạn thân trong công việc và cùng hỗ trợ nhau. Nếu bạn đang phải xoay xở tìm sự ổn định trong công việc thì việc cố gắng thực hiện cùng với một người khác có thể giúp ích cho bạn. Nếu có một đồng nghiệp hợp tính nết với bạn hoặc bạn nhận thấy ai đó cũng đang phải xoay xở tìm một thông lệ làm việc có hiệu quả, có thể bạn cần phối hợp với người đó để tạo động lực và hỗ trợ nhau. Điều này có thể giúp cả hai phát triển những thói quen làm việc nhất quán, hiệu quả bằng cách giúp nhau đi đúng hướng.[19]
    • Việc có ai đó ở nơi làm việc thúc đẩy bạn hướng đến sự kiên định và làm việc có hiệu quả có thể đem lại lợi ích cho cả đôi bên.
    • Có thể bạn cần phát triển các cách thức theo dõi sự tiến bộ của nhau và tạo động lực giúp nhau xây dựng thói quen làm việc kiên định hơn và có hiệu quả hơn.
    • Tìm cách chúc mừng nhau và thưởng cho nhau. Ví dụ, các bạn có thể ra ngoài ăn kem hoặc uống vài ly với nhau sau giờ làm vào những ngày cuối tuần nếu đạt được những mục tiêu của mình.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. https://www.psychologytoday.com/blog/fulfillment-any-age/201108/5-steps-breaking-bad-habits
  2. https://www.psychologytoday.com/blog/in-excess/201603/are-you-addicted-chaos
  3. https://www.psychologytoday.com/blog/curious/201502/what-do-scientists-know-about-finding-purpose-in-life
  4. https://www.psychologytoday.com/blog/turning-point/201404/how-live-purposeful-and-fulfilling-life
  5. https://www.psychologytoday.com/blog/real-women/201407/3-keys-finding-your-purpose
  6. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/nutrition-and-healthy-eating/expert-blog/physical-activity-habits/bgp-20085745
  7. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/meditation/in-depth/meditation/art-20045858
  8. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/meditation/in-depth/meditation/art-20045858?pg=2
  9. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/consumer-health/in-depth/mindfulness-exercises/art-20046356?pg=2
  10. https://sleepfoundation.org/sleep-tools-tips/healthy-sleep-tips
  11. https://sleepfoundation.org/how-sleep-works/how-much-sleep-do-we-really-need
  12. https://www.psychologytoday.com/blog/the-happiness-project/200910/stop-expecting-change-your-habit-in-21-days
  13. http://bpdfamily.com/bpdresources/nk_a115.htm
  14. https://www.psychologytoday.com/blog/smart-relationships/201310/co-creating-rituals-the-couple
  15. http://psychcentral.com/lib/5-secrets-to-a-successful-long-term-relationship-or-marriage//
  16. https://www.psychologytoday.com/blog/growing-friendships/201205/make-new-friends-keep-the-old-or-not
  17. https://www.psychologytoday.com/blog/presence-mind/201509/hows-your-work-life-balance
  18. http://www.entrepreneur.com/article/247065
  19. 19,0 19,1 http://www.jobaccess.gov.au/workplace-adjustment/job-requirement/demonstrating-consistent-work-habits