Tắc thứ nhì: Lời bình của Triệu Châu về câu "Chí đạo không khó"

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Bích Nham lục

Bích Nham lục

  1. Thánh đế đệ nhất nghĩa
  2. Triệu Châu "Chí đạo vô nan"
  3. Mã Tổ Nhật Diện Phật, Nguyệt Diện Phật
  4. Đức Sơn hiệp phức vấn đáp
  5. Tuyết Phong túc lạp
  6. Vân Môn "Nhật nhật thị hảo nhật"
  7. Huệ Siêu vấn Phật
  8. Thuý Nham mi mao
  9. Triệu Châu tứ môn
  10. Mục Châu lược không hán
  11. Hoàng Bá tràng tửu tao hán
  12. Động Sơn "Ma tam cân"

Thiền tông niên biểu

Lời bình của Triệu Châu về câu "Chí đạo không khó"[sửa]

Triệu Châu chí đạo vô nan 趙州至道無難

Thuỳ thị[sửa]

Nếu so sánh thì trời đất cũng còn chật hẹp. Nhật nguyệt tinh tú cùng lúc u mờ. Dù gậy vung như mưa, tiếng hét vang rền như sấm sét đi nữa, người ta vẫn chưa đạt việc hướng thượng của tông thừa. Ngay cả chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai—chư vị cũng chỉ tự biết. Các vị Tổ sư từ đời này sang đời khác—họ cũng không thể trình bày toàn vẹn. Cả Đại tạng giáo lí và những bài chú giải cũng không thể nào diễn bày hết tất cả. Và cũng có nạp tăng tự cho mình có mắt sáng—họ không biết tự cứu như thế nào.

Đến nỗi này thì còn hỏi han nữa làm gì? Đến đây với chữ "Phật" có khác gì hơn là lê lết trong bùn, vấy nước bẩn quanh thân; và còn nhắc đến chữ "Thiền" làm gì để mặt đầy hổ thẹn!

Thượng sĩ tham học lâu nơi này ta chẳng cần nói gì thêm, nhưng kẻ hậu học sơ cơ nên nghiên cứu kĩ!

Bản tắc[sửa]

Triệu Châu dạy chúng tăng: Chí đạo không khó, chỉ đừng phân biệt chọn lựa. Chỉ nói đến một chút thôi thì đã: đây "phân biệt chọn lựa", đây "rõ ràng minh bạch". Lão tăng chẳng ở trong cõi minh bạch, còn bọn ngươi bảo hộ, tiếc giữ nó—không phải như vậy hay sao? Một vị tăng bước ra hỏi: Nếu đã không ở ngay trong cõi minh bạch thì còn bảo hộ, tiếc giữ cái gì?

Triệu Châu đáp: Ta cũng chẳng biết.

Tăng thưa: Hoà thượng đã không biết, thì sao lại bảo là không ở trong cõi minh bạch?

Triệu Châu bảo: Hỏi việc đã xong, lễ bái rồi lui!

Trước ngữ[sửa]

"Triệu Châu dạy chúng tăng"—Lão Hán làm gì thế?—Hãy khuất mắt với đám cát đằng!

"Chí đạo không khó"—Không khó và không dễ!

"Chỉ đừng phân biệt chọn lựa."—Cái gì đang ở ngay trước mắt? [Đáp: Chẳng gì khác hơn là "phân biệt chọn lựa", thiện và ác, yêu và ghét!]—Ông ta nói tương tự như trường hợp chính Tam tổ đang có mặt tại đây! [Nghe qua như chế diễu nhưng lại là sự thật.]

"Chỉ nói đến một chút thôi thì đã: đây phân biệt chọn lựa, đây rõ ràng minh bạch."—Hai đầu với ba gương mặt! [Từ "Chí đạo" xuất phát ra một hiện tượng quái gở: từ một thành hai, và cái Một lơ lửng phía trên! Và cái đó lại là "Không khó"!] Ông ấy lại sa lạc vào những việc nhỏ nhặt!—Cá bơi nước đục, chim bay thì rụng lông. [Triệu Châu cũng quấy nhiễu thanh tịnh nhất vị với lời bình phẩm của mình; chẳng ai tránh được sự kiện này khi đá động đến nó.]

"Lão tăng chẳng ở trong cõi minh bạch"—Thân giặc đã lộ bày!—Lão Hán này muốn gì đây?

"Còn bọn ngươi bảo hộ, tiếc giữ nó—không phải như vậy hay sao?"—Thất bại rồi, hay cũng có một hoặc nửa phần nam nhi tại đây? [Trong câu hỏi của Triệu Châu có cạm bẫy! Người nào nhận ra nó đây?]

"Một vị tăng bước ra hỏi: Nếu đã không ở ngay trong cõi minh bạch thì còn bảo hộ, tiếc giữ cái gì?"—Cho hắn một đòn là hay nhất. Lưỡi cong cứng đụng nóc giọng! [Triệu Châu cứng lưỡi, chẳng biết nói gì nữa! Sư không ngờ phải tiếp nhận một đòn tấn công như thế.]

"Triệu Châu đáp: Ta cũng chẳng biết."—Bây giờ thì lão Hán bị hạ lăn, đại bại, thối lui ba nghìn lí!

"Tăng thưa: Hoà thượng đã không biết, thì sao lại bảo là không ở trong cõi minh bạch?"—Hãy nhìn xem ông ta chạy trốn hướng nào!—Vị tăng đuổi hắn chạy tuốt lên cây! [Với sự liều lĩnh này mà vị tăng buộc vị thầy phải trèo tuốt lên cây, để rồi không theo kịp ông ta!]

"Triệu Châu bảo: Hỏi việc đã xong, lễ bái rồi lui!"—May mà ông ta còn chiêu cuối này!—Đúng là lão tặc!

Bình xướng về bản tắc[sửa]

Hoà thượng Triệu Châu thường lấy thoại đầu này làm chủ đề dạy chúng, đặc biệt là câu "Chỉ đừng phân biệt chọn lựa". Câu này xuất xứ từ bài Tín tâm minh của Tam tổ, cụ thể là:

Nguyên bản tiếng Hán

至道無難,唯嫌揀擇
但莫憎愛,洞然明白
Phiên âm
Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch
Đãn mạc tăng ái, đỗng nhiên minh bạch
Dịch nghĩa
Chí đạo không khó, chỉ đừng phân biệt chọn lựa
Chỉ cần không yêu không ghét, thì tự nhiên rõ ràng minh bạch

Nhưng, nếu còn một chút thị, một chút phi thì đã có "đây phân biệt chọn lựa", "đây rõ ràng minh bạch". [Như thế, Triệu Châu muốn nói:] Nếu bọn ngươi chỉ hiểu suông [những câu kệ của Tam tổ] thôi thì đã sai lạc rồi. Kéo, đinh, keo hồ—dùng những thứ này mà có thể chắp nối, tạo được một vật gì đó bền vững hay sao? [Nghĩa là: Những câu lô-gic gượng gạo như "phân biệt chọn lựa" và "rõ ràng minh bạch" không thể nào diễn bày mối liên hệ bất khả phân biệt, bất khả phân li của những cặp đối đãi nằm ngay trong cái Nhất vị.]

Triệu Châu bảo: "Đây phân biệt chọn lựa, đây rõ ràng minh bạch." Giờ đây, những người tham thiền hỏi đạo nếu không ở nơi phân biệt chọn lựa thì cũng ngồi chết cứng ở cõi rõ ràng minh bạch. "Lão tăng chẳng ở trong cõi minh bạch. Còn bọn ngươi bảo hộ, tiếc giữ nó—không phải như vậy hay sao?"—Còn bọn ngươi! Nếu ông ta không ở trong cõi minh bạch thì thử nói xem Triệu Châu ở chỗ nào? Và vì sao ông ta lại dạy người bảo hộ và tiếc giữ nó?

Ngũ Tổ tiên sư thường dạy như sau khi bình phẩm lời nói của Triệu Châu: "Ông ấy thõng tay và trình bày qua dấu hiệu". [Khán thính giả nên tưởng tượng Triệu Châu ngay trước mặt mình, xem sư đứng trước chúng như thế nào khi tự nhận là không ở trong cõi minh bạch. Hoàn toàn thư thái, sư thõng xuôi tay, cứ tự trình như mình thật là. Ngực chẳng phồng lên, cặp mắt chẳng nhìn trừng như mắt cú vọ, chẳng thương, chẳng ghét—nhưng lại là một tư thái cởi mở và thông suốt.] Bọn ngươi hiểu như thế nào? Thõng xuôi tay có nghĩa lí gì? Hãy chú ý đến móc câu đầu cân, chớ có nhận định bánh xe hoa cân! Việc vị tăng bước ra đứng trước Triệu Châu quả là kì đặc. Ông ta tấn công ngay vào chỗ trống rỗng của Triệu Châu và đánh một đòn: "Nếu đã không ở ngay trong cõi minh bạch thì còn bảo hộ, tiếc giữ cái gì?"

Triệu Châu không dùng gậy đập, mà cũng chẳng quát tháo, chỉ nói: "Ta cũng chẳng biết". Nếu một người khác không phải lão Hán này thì đã bị ăn gậy tan nát, chẳng còn biết lúc trước đã nói gì và sau này nên nói gì. May mắn thay, lão Hán có tài chuyển thân tự tại mới có thể trả lời vị tăng như thế. Kẻ tham thiền thời nay có lẽ cũng trả lời câu hỏi trên [của vị tăng]: "Ta cũng chẳng biết." Nhưng như vậy không có giá trị! Bọn ngươi đi cùng đường, nhưng lại không cùng lối. [Nghĩa là: Lời nói tương tự như lời Triệu Châu, nhưng lại xuất phát từ một tâm thức khác.]

Vị tăng này thật là kì đặc. Chỉ có ông ta, và chẳng ai khác mới dám đề ra câu hỏi: "Hoà thượng đã không biết, thì sao lại bảo là không ở trong cõi minh bạch?" Cú đánh này quả thật hay hơn trước. Người khác Triệu Châu có lẽ bắt đầu phân sơ [với những lời luận lí bình thường] và cũng chẳng khá hơn chút nào. Nhưng Triệu Châu lại là một tác gia, chỉ nói với vị tăng giản đơn: "Hỏi việc đã xong, lễ bái rồi lui!" Vị tăng này chẳng biết làm gì trước mặt lão Hán. Chỉ biết im hơi nuốt lời mà thôi.

Như vậy thì đây chính là một vị Đại tông sư với một bàn tay thiện nghệ. Sư chẳng luận huyền luận diệu, luận cơ luận cảnh cùng người, chỉ giúp người bằng cách chỉ họ bản phận sự. [Và sự việc này đưa sư đến một địa vị cao cả, vượt khỏi những đòn tấn công của người khác.] Chính vì vậy mà Sư có thể nói được: "Ngươi nên gắn thêm mỏ vào để chửi mắng, nên đổ nước thêm vào bãi nước bọt vừa phun!" Chưa bao giờ nghe thấy Sư bình sinh tiếp độ chúng bằng gậy, bằng tiếng quát, mà chỉ lấy ngôn ngữ bình thường làm phương tiện, ngay cả những người nổi danh cũng đứng bẽ bàng trước mặt Sư. Và Sư làm được như vậy bởi vì chẳng bao giờ để lạc vào những chi tiết vô bổ. Chính như vậy nên Sư mới có thể nắm sự vật ngay bên hông [như câu tụng đầu của bài Tín tâm minh], đảo ngược nó [như "Rõ ràng minh bạch"], lưu chuyển ngược dòng [như câu "Còn bọn ngươi bảo hộ, tiếc giữ nó"] xuôi dòng [như câu "Ta cũng chẳng biết"], đạt đại tự tại. Người thời nay không hiểu, chỉ nói Triệu Châu chẳng đáp lời người, chẳng giải thích câu hỏi. Họ chẳng biết là đã té nhào chính lúc nói như thế.

Kệ tụng[sửa]

Nguyên văn chữ Hán

至道無難
言端語端
一有多種
二無 兩 般
天際日上月下
檻前山深水寒
髑髏識 盡喜何立
枯木龍吟銷未乾
難難
揀擇明白君自看
Phiên âm Hán-Việt
Chí đạo vô nan
Ngôn đoan ngữ đoan
Nhất hữu đa chủng
Nhị vô lưỡng ban
Thiên tế nhật thượng nguyệt hạ
Hạm tiền sơn thâm thuỷ hàn
Độc lâu thức tận hỉ hà lập?
Khô mộc long ngâm tiêu vị kiền
Nan nan!
Giản trạch? Minh bạch? Quân tự khan!
Dịch nghĩa
Chí đạo không khó
Ngôn ngữ vẫn trình bày đúng
Một nhiều chủng loại
Hai lại chẳng phải hai
Chân trời: mặt trời mọc, mặt trăng lặn
Trước hiên: suối lạnh, núi khe sâu
Đầu lâu hết thức, làm sao biết vui?
Trong bộng cây khô rồng đang ngâm, chưa chết hẳn.
Khó, khó thật!
Phân biệt chọn lựa? Rõ ràng minh bạch? Bạn ơi, anh tự xem lấy!

Trước ngữ về kệ tụng[sửa]

"Chí đạo không khó"—Một công án lặp lại ba lần! [lần đầu do Tam tổ, lần thứ hai do Triệu Châu và bây giờ, chính Tuyết Đậu—và cứ như thế mãi!]—Ông ta miệng ngậm đầy tuyết sương [vì vậy không nói được]—Nói năng quả quyết gì vậy?

"Ngôn ngữ vẫn trình bày đúng"—Cá bơi nước đục, chim bay mất lông.—Hoa bị xé thành bảy tám phần.—Ông ta bôi hồ vào mặt!

"Một nhiều chủng loại"—Ông ấy phân chia khá đấy.—Nếu chỉ có Một thôi thì cũng chẳng còn chung kết nào [không có nhận thức cuối cùng].

"Hai lại chẳng phải hai"—Như vậy thì làm thế nào kham chịu nổi bốn, năm, sáu, bảy?—Ông ta muốn gì với đám cát đằng này?

"Chân trời: mặt trời mọc, mặt trăng lặn."—Nhìn nhau, mặt đối mặt!—Trên đầu rộng mênh mang, dưới chân rỗng thênh thang.—Chỉ đừng ngước đầu, cúi đầu! [Chính bây giờ bạn phải đương đầu với Chí đạo; nơi đây người ta không chú trọng đến những gì vụn vặt! Tất cả sự việc ở đây chẳng xoay quanh ngoại cảnh, chỉ hướng về chính Bạn!]

"Trước hiên: suối lạnh, núi khe sâu."—Chết hoàn toàn đi và đừng sống lại!—Ngươi cảm thấy lạnh, lông tóc dựng đứng cả chứ?

"Đầu lâu hết thức, làm sao biết vui?"—Nhưng ngay trong quan tài lại mở mắt ra!—Lô hành giả [Lục tổ Huệ Năng] là bạn đồng hành của ông ta.

"Trong bộng cây khô rồng đang ngâm, chưa chết hẳn."—Ối chà!—Cây khô lại đâm hoa!—Trường hợp Đạt-ma sang Đông độ [mặc dù đã cao niên] cũng tương tự như thế.

"Khó, khó thật!"—Tà pháp! Không thể nào ưng chịu được.—Ông ta đảo ngược lời của chính mình.—Đây là chỗ nào mà có thể bảo khó bảo dễ?

"Phân biệt chọn lựa? Rõ ràng minh bạch? Bạn ơi, anh tự xem lấy!"—Nhưng ta mù mà! [Viên Ngộ giả bộ như kẻ nhát gan, muốn trốn tránh việc quyết định.]—Cứ tưởng việc này chỉ liên can đến người khác.—May mắn thay, ông ta [Tuyết Đậu] còn phải tự xem xét lấy.—Chẳng tương can gì đến việc của sơn tăng [Viên Ngộ]!

Bình xướng về kệ tụng[sửa]

Tuyết Đậu biết điểm trọng yếu Triệu Châu muốn đá động đến trong khi thị chúng. Vì vậy nên Sư đề cao yếu điểm này với câu: "Chí đạo không khó." Nếu Sư sau đó bảo "Ngôn ngữ vẫn trình bày đúng" thì lời này phải được hiểu là Sư chỉ chỉ một góc mà không lưu ý đến ba góc còn lại. Nhưng khi Tuyết Đậu nói tiếp câu tụng "Một nhiều chủng loại, Hai lại chẳng phải hai" thì—trong một ý nghĩa nào đó—Sư đã thông qua ba góc còn lại mà quay về góc thứ nhất.

Bọn ngươi hãy nói thử: Trong những trường hợp, dưới những điều kiện nào mà "Ngôn ngữ vẫn trình bày đúng"? Vì sao mà "Một" lại có "nhiều chủng loại" và "Hai" lại "chẳng phải hai"? Nếu các ngươi không đủ mắt sáng để nhìn thấy thì nên nhắm hướng nào để lần mò? Nhưng, nếu các ngươi thấu đắc hai câu ấy...

Thế nên, cổ nhân mới bảo: "Chắp lại thành một mảnh!" Và sau đó, các ngươi sẽ thấy được, cứ y như trước đây, núi là núi, nước là nước, dài là dài, ngắn là ngắn; trời là trời, đất là đất. [Bởi vì "Một nhiều chủng loại."] Có lúc các ngươi lại bảo trời là đất, có lúc bảo đất là trời. Rồi lại bảo núi chẳng phải núi, nước chẳng phải nước. [Bởi vì "Hai chẳng phải hai."] Ngắn gọn: Làm thế nào đạt được bình ổn? Gió đến thì cây động; sóng dấy khởi thì thuyền được nâng cao; xuân đến đâm chồi; hè phát triển tốt tươi; thu là mùa thâu hoạch và đông là thời tích chứa. [Chính vì vậy mà Tam tổ mới trình bày trong Tín tâm minh, cặp kệ thứ mười:]

一種平懷,泯然自盡
Nhất chủng bình hoài, mẫn nhiên tự tận.
Cứ ôm ấp Nhất chủng, thì tự nhiên tự tận

Với bốn câu này thì bài tụng của Tuyết Đậu chấm dứt một cách đột ngột.

Nhưng Tuyết Đậu còn dư tài. Sư cởi mở những gì được buộc chặt trước đây, chỉ có điều là sau bốn câu kệ đầu "Chí đạo không khó, ngôn ngữ vẫn trình bày đúng, Một nhiều chủng loại—Hai lại chẳng phải hai" chẳng còn gì nhiều để nói. Mặc dù vậy, Sư vẫn tụng tiếp: "Chân trời: mặt trời mọc, mặt trăng lặn. Trước hiên: suối lạnh, núi khe sâu". Chính ngay đây người ta cũng có thể nói: Ngôn ngữ này cũng vẫn trình bày đúng. Mỗi câu kệ ở đây chính là Đạo, mỗi mỗi chữ ở đây là Toàn chân. Đây há không phải là nơi tâm cảnh đều được quên, tất cả đều được chắp lại thành một mảnh hay sao?

Sau khi tỏ vẻ khó chịu, nghiêm ngặt ban đầu, Tuyết Đậu đã cởi mở hơn nhiều về sau. Nếu bọn ngươi thấu triệt những lời tụng này thì tự nhiên sẽ nếm được mùi vị tương tự như đề hồ. Nhưng, nếu chưa quên được tình giải tầm thường thì bông hoa đẹp sẽ bị xé tan thành bảy, tám mảnh, và các ngươi quyết định không thông hiểu được những lời nói trên.

"Đầu lâu hết thức, làm sao biết vui? Trong bộng cây khô rồng đang ngâm, chưa chết hẳn." Tiện lúc, ông ta thêm hai câu này vào bài tụng. [...] Và đó chính là bản công án của cổ nhân có liên can đến Đạo. Tuyết Đậu lôi nó ra, chắp thành một chuỗi với lời tụng "Chí đạo không khó, chỉ đừng phân biệt chọn lựa". Nhưng người thời nay chẳng hiểu ý cổ nhân, chỉ nhai đi nhai lại ngôn cú. Cứ như thế thì chẳng khi nào bước đến một chung kết. Người giỏi lắm mới có thể thông suốt chuyện này.

Nhìn xem đây: Một vị tăng hỏi Hương Nghiêm: "Thế nào là Đạo?" Hương Nghiêm đáp: "Rồng ngâm nga trong bộng cây khô." Tăng lại hỏi: "Thế nào là người sống trong Đạo?" Hương Nghiêm đáp: "Một đầu lâu có tròng mắt."

Sau, tăng đến Thạch Sương hỏi: "Thế nào là rồng ngâm nga trong bộng cây khô?" Thạch Sương đáp: "Vẫn còn vui thú." [Tăng hỏi tiếp:] "Thế nào là một đầu lâu có tròng mắt?" Thạch Sương đáp: "Vẫn còn tình thức."

Vị tăng này [... vẫn chưa hài lòng ...] cũng đến Tào Sơn, hỏi: "Thế nào là rồng ngâm nga trong bộng cây khô?" Tào Sơn đáp: "Huyết mạch chưa bị cắt đứt hẳn." [Tăng lại hỏi:] "Thế nào là một đầu lâu có tròng mắt?" Tào Sơn đáp: "Chưa chết hẳn." [Tào Sơn rất thương người, đã trả lời câu hỏi thứ hai khi nghe câu thứ nhất, và trả lời câu hỏi thứ nhất sau khi nghe câu thứ hai. Chân lí nằm chính ngay trong đó, một chân lí mà vị tăng đang hỏi không thể thâm nhập được: "Hai lại chẳng phải hai". Cứ thế mà hỏi thêm:] "Ai đã nghe được?" Tào Sơn đáp: "Tận đại địa mênh mông chưa có ai chẳng từng nghe". Tăng lại bảo: "Bây giờ muốn biết: câu 'Rồng ngâm' ở trong chương nào?" [Tào Sơn liền đáp:] "Chẳng biết nằm trong chương cú nào. Tất cả những người nghe đều chết cả."

Cũng có một bài kệ như sau:

Nguyên văn chữ Hán

枯木龍吟真見道
髑髏無識眼初明
喜識盡時消息盡
當人那辨濁中清

Phiên âm Hán-Việt
Khô mộc long ngâm chân kiến đạo
Độc lâu vô thức nhãn sơ minh
Hỉ thức tận thời tiêu tức tận
Đương nhân na biện trọc trung thanh.

Dịch nghĩa

Nghe rồng ngâm trong cây khô: Bạn thật sự thấy Đạo
Đầu lâu chẳng còn nhận thức: Bây giờ mắt mới sáng
Hoan hỉ, nhận thức không còn: Còn gì để nói!
Ai đã được như thế, thử hỏi: Ông ta làm sao biết được
sự khác biệt của trong sạch trong vẩn đục?

Có thể nói: Những gì Tuyết Đậu nêu ra đều có chân, có tay đầy đủ. Sư nhất thời gán một lời tụng vào để các ngươi nghe. Mặc dù đó là lời tụng nhưng, nếu cộng tất cả những lời còn lại thì chúng cũng "chẳng phải là hai."

Cuối cùng, Tuyết Đậu vì người lại tụng thêm: "Khó, khó thật!" Người ta cũng phải thấu suốt câu "Khó, khó thật!" này mới thông hiểu được. Làm sao hiểu bây giờ? Bách Trượng nói như sau: "Tất cả ngữ ngôn, sơn hà đại địa, mỗi mỗi sự vật đều quay trở về chính mình cả." Cũng như thế, tất cả những gì Tuyết Đậu góp nhặt, lựa chọn ở đây, chúng cuối cùng cũng phải xoay trở về chính tự kỉ các ngươi.

Thử nói xem: Điểm trọng yếu mà Tuyết Đậu vì người gửi kèm theo nằm ở chỗ nào? "Phân biệt chọn lựa? Rõ ràng minh bạch? Bạn ơi, anh tự xem lấy!" Sau khi đã đan kết được đám cát đằng và tụng xong, vì sao sư lại bảo thêm: "Bạn ơi, anh tự xem lấy"? Một lời dạy rất hay, các ngươi phải tự xem xét lấy! Tất cả bọn ngươi tại đây, các ngươi chớ nói là không thể hiểu nổi! Ngay cả sơn tăng đây đến nơi ấy cũng trong tình thế tương tự: Ông ta không hiểu nổi.

Bình giảng[sửa]

Về lời thuỳ thị[sửa]

Thiền sư Viên Ngộ chỉ một cách rõ ràng là công án này xoay quanh một sự việc vĩ đại, tối cao. So sánh với sự vật gì mà trời đất trở nên chật hẹp? Vì sao mà nhật nguyệt tinh tú bỗng nhiên lu mờ? Chúng ta bỗng dưng nhớ đến câu: Thiên đường và thiên đường của tất cả những thiên đường không thể nào nắm bắt được ngươi (I. Könige 8, 27), và có cảm giác như một ngọn gió cùng cường độ vi vu tại đây. Chỉ có một điều là ngọn gió này được các vị Thiền sư Trung Hoa trình bày hoàn toàn khác. "Sự việc" ở đây được xử lí một cách rất âm thầm, rất kín đáo nhẹ nhàng. Trong tựa đề và sau này, trong chính bản công án, nó được gọi là "Chí đạo"—"Con đường tối cao", cùng ý nghĩa với cái Lương Vũ Đế gọi trong công án thứ nhất là "Thánh đế", và việc trình bày, xử lí Thánh đế này được dành riêng cho chẳng ai khác hơn là Bồ-đề Đạt-ma. Như Viên Ngộ trình bày, nó chính là tinh hoa trong "Việc hướng thượng của tông thừa." Bởi vì, việc quan trọng đầu tiên phải được thực hiện để thoát khỏi ràng buộc của nhân thế chính là, để nhắc đến lời của một thi hào người Đức, "Ta quên ta cũng như quên thế giới xung quanh ta", và "Tâm ta bay vút như chim lượn trên bầu trời". Tuy nhiên, việc "Hướng thượng" này cũng không phải tất cả những gì nằm trong sự việc của tông thừa. Từ đỉnh cao mà tâm thức đã được dẫn dắt đến, nó phải—nếu không muốn chết cứng nơi này—trở về phía dưới, phải trở về thế gian với những nỗi khổ của chúng sinh để rồi cứu độ, hướng dẫn chúng đến đỉnh cao đó với một tấm lòng từ bi. Tâm thức "Hướng thượng" phải được hộ tòng bằng một tâm thức "Hướng hạ". Nhưng, chúng ta tạm thời không đá động đến tâm hướng hạ này; nó thuộc vào hàng thứ hai và mất tất cả giá trị nếu trước đó, một tâm thức hướng thượng chưa được phát triển, chưa được thành tựu.

Chính "sự việc" nằm trong hướng này, nó siêu việt mọi tư duy, mọi tri tính thông thường. Vì vậy, chẳng có thể đạt được bằng bất cứ ngữ ngôn nào. Nhưng chính vì nó mà con người mới cảm nhận một nhu cầu diễn đạt và cũng dùng không biết bao nhiêu danh hiệu, ngôn từ để trình bày nó, đã tôn sùng nó, đã cấm đoán việc sử dụng ngôn ngữ—một cách vô hiệu quả—diễn bày nó, và chẳng bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc nhắc đi nhắc lại nó mãi, nói cho đến lúc—trong nhiều trường hợp—năng lực, sức sống nằm trong những ngôn từ này dần dần kiệt quệ, và tất cả những lời thuyết pháp, dù hùng hồn thế nào đi nữa, cũng chỉ làm tâm thức mệt mỏi thay vì đánh thức, làm cho nó tinh duệ thêm.

Đó chính là tình thế Phật giáo mà Bồ-đề Đạt-ma tìm thấy khi đặt chân đến Trung Quốc. Vì vậy nên những gì quan trọng còn được nhắc đến về sư xuất phát không phải từ những bài thuyết giảng—những bài giảng pháp này cũng được xác nhận bởi những tài liệu cổ nhất –, mà hơn nữa, xuất điểm từ hành động toạ thiền im lặng của sư. Sự kiện này ban đầu đánh thức một số người ít ỏi, cho họ biết là Chân lí không nằm trong ngữ ngôn. Và trào lưu Thiền lúc đó được dẫn khởi bởi chính những số người trên, sau bốn, năm thế thệ thì lan toả khắp nơi—nó chẳng được lưu ý gì hơn ngoài kỉ luật nghiêm ngặt về việc sử dụng ngôn từ, cẩn thận trước những thánh điển, ngôn ngữ diễn bày sự việc tối cao này. Với phương cách mới này, họ xử lí một cách rất đặc biệt sự việc được Lão Tử trình bày ngay đầu quyển Đạo đức kinh:

Đạo mà ta có thể gọi được không phải là đạo thường còn; cái Danh mà ta có thể gọi được không phải là Danh thường còn.
道可道非常道。名可名非常名
Đạo khả đạo—phi thường đạo. Danh khả danh—phi thường danh

Triệu Châu, môn đệ của Nam Tuyền[sửa]

Để làm ví dụ cho tâm thức vừa được nhắc đến, Tuyết Đậu đưa Thiền sư Triệu Châu ra làm nhân vật chính và đồng thời trình bày quá trình phát triển của gốc cây Thiền mà Bồ-đề Đạt-ma đã vun trồng tại Trung Quốc. Bởi vì theo cách tính truyền thống với Bồ-đề Đạt-ma là Sơ tổ thì Triệu Châu đã đứng ở hàng thứ mười. Ba trăm năm phân li giữa hai người. Nhưng lại chẳng phân li, bởi vì qua mối quan hệ mật thiết trong Thiền tông giữa thầy và trò, một mối quan hệ được đảm bảo bởi phương pháp "Dĩ tâm truyền tâm" thì việc thay đổi các thế hệ không quan trọng lắm. Nhưng, tính đa dạng của những mối quan hệ ngày một gia tăng với mỗi thế hệ mới. Vị thầy đứng trước đệ tử lúc nào cũng được xem là truyền nhân và nhìn qua vị thầy này hướng về dĩ vãng, là cháu chắt của những vị tiền bối.

Để hiểu những sự việc được trình bày ở đây, chúng ta nên theo dõi con đường từ Đạt-ma dẫn đến Triệu Châu và những điểm quan trọng trên chặng đường này. Ngay vị cháu của Sơ tổ là Tăng Xán, tức Tam tổ (?-606), đã nổi danh với bài tán tụng tầm cỡ đầu tiên của Thiền tông với tựa "Tín tâm minh". Bởi vì chính bài tụng này được Triệu Châu lưu tâm đến trọn cuộc đời, và cuộc đối thoại được trình bày trong công án này, nó được mở đầu với những lời tụng đầu của bài Tín tâm minh.

Quan trọng cho những người hậu học, thậm chí quan trọng hơn trong một ý nghĩa nhất định lại chính là vị Tổ thứ sáu với pháp hiệu Huệ Năng (慧能; 638-713, đồ biểu truyền thừa II, 6.), vì qua sư mà những gì chư vị tiền bối truyền từ Bồ-đề Đạt-ma mới thật sự bộc phát, xuất hiện một cách rõ ràng, đồng thời lại mang những đặc tính rất "Trung Hoa". Tâm thức chất phác, nhưng lại rất tinh anh này hoát nhiên ngộ được bí mật của Đạt-ma—một bí mật được trình bày trong hai câu "Trống rỗng không có gì là thánh" và "Chẳng biết" –, biết được nó không phải là một cái gì đó có thể đạt được qua từng cấp bậc tư duy, qua tu tập từng bước, mà hơn nữa, nó lúc nào cũng bộc phát trong khoảnh khắc như làn sét đánh, rọi sáng tâm địa—vì nó lúc nào cũng đã ở trong ta, rất thân cận, thân cận hơn mỗi sự vật trên thế gian. Chỉ vì tri thức phân biệt, phân tích cũng như tâm tư chấp vào một ngã nhỏ bé, chật hẹp mà nó bị che đậy, có vẻ như siêu việt, xa lìa thế giới hiện tượng.

Từ miền Nam xa thẳm như truyền thuyết thuật lại: Lại có thể có sự việc tốt lành nào đến? Lục tổ đã đóng dấu ấn của mình cho những thế hệ Thiền tông sau này với phương cách trực nhận chân lí chớp nhoáng. Trong khi "Bắc thiền" khô kiệt chỉ sau vài thế hệ thì "Nam thiền", với chủ trương "Đốn ngộ" (theo ý nghĩa trình bày trên) được phổ truyền cho đến ngày nay. Có nghĩa là: tất cả những vị Thiền sư sau này lập tông chỉ đều dựa vào Bồ-đề Đạt-ma, và kế sau vị Sơ tổ này đã là Lục tổ Huệ Năng.

Từ Huệ Năng cho đến sư Triệu Châu—với mười ba năm cuối đời đã bước vào thế kỉ thứ tám—cách nhau chỉ bốn thế hệ. Một vị Thiền sư thế hệ thứ bảy là Hoài Nhượng, hoằng hoá tại Nam Nhạc. Mặc dù giữ một vai trò rất quan trọng cho Thiền tông, sư lại không được nhắc đến tường tận nơi nào, nhưng một môn đệ quan trọng của sư, Mã Tổ Đạo Nhất, theo hệ thống truyền thừa thuộc thế hệ thứ bảy lại rất nổi danh, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và chúng ta sẽ yết kiến sư ngay trong công án thứ ba. Nơi Mã Tổ (nghĩa là ông Tổ họ Mã), thầy của Triệu Châu là Nam Tuyền đã khám phá được bí mật của tâm nhất như trong câu nói giản đơn, nhưng chính vì vậy mà khó thông hội bằng lí trí thông thường: Mỗi mỗi các ngươi, cứ tin đi: tâm của mình chính là Phật. Và chính Nam Tuyền đã cố gắng trình bày môn đệ của mình một cách cụ thể hơn chân lí huyền diệu này qua lời nói "Tâm bình thường chính là Đạo." (Công án 28 sẽ cho thấy tất cả những gì chứa đựng trong công án này, cho thấy người ta có thể hiểu nó hoàn toàn sai, mặc dù vậy nó vẫn đúng, nếu hiểu một cách chân chính, như thế nào.)

Như vậy, với Nam Tuyền, cuộc sống và cách hoằng hoá của sư, nhân vật chính của bản công án thứ hai này là Triệu Châu có một mối quan hệ rất mật thiết. Sinh năm 777 tại tỉnh Sơn Đông, Sư sớm đã mộ đạo và vào chùa tu học. Năm lên mười bảy, Sư đến Trì Châu (Trì Dương) bên cạnh sông Dương Tử tham học với một thiền tăng lớn hơn độ ba mươi tuổi, người đã gây ấn tượng mạnh mẽ đến Sư qua một tư thái trầm tĩnh, mặc nhiên hiếm có. Vị tăng này xuất thân từ trường dạy của vị Thiền sư danh tiếng bấy giờ là Mã Tổ và đang chuẩn bị lập một am nhỏ quạnh hiu trên núi Nam Tuyền để tiếp độ chúng. Vị Cao tăng này—từ đây được gọi theo tên của nơi hoằng hoá là Nam Tuyền –, rất hài lòng với tâm tư lanh lợi, thật thà sùng tín của đồng tử vừa đến yết kiến và nhận ngay làm đệ tử và thị giả. Công án 30 sẽ tường thuật lại cuộc đàm thoại nhập môn cũng như sự kiện Nam Tuyền làm vị đồng tử này sáng mắt như thế nào. Triệu Châu lưu lại nơi Nam Tuyền gần bốn mươi năm, cho đến khi vị này viên tịch, vào năm 834. Ở một thời điểm nào đó trong khoảng thời gian này, Sư đến Tung Sơn, nơi Sơ tổ Đạt-ma ngồi thiền lặng lẽ chín năm ròng, để rồi thụ giới và từ đây mang pháp danh Tòng Thẩm, "phục tòng theo lời khuyên". Trong những năm sống cùng Nam Tuyền, Sư dần dần hấp thụ theo phong cách riêng của mình năng lực ung dung thư thái của vị thầy. Sau khi Nam Tuyền tịch, Sư lưu lại vài năm nữa để tỏ lòng tôn kính.

Sau đó, Sư mới bắt đầu một cuộc hành cước, một cuộc hành trình thông thường chỉ được thực hiện bởi những vị tăng lúc còn trẻ tuổi—mặc dù Sư lúc này đã gần sáu mươi. Tương truyền Sư tự nguyện khi cất bước như sau: "Đứa bé bảy tuổi giỏi hơn ta, ta sẽ học hỏi nơi hắn. Còn ông lão trăm tuổi chẳng thông hiểu hơn ta thì ta sẽ dạy hắn" (七歲童兒勝我者,我即問伊,百歲老翁不及我者,我即教他). Sư chu du đây đó, đọ sức với nhiều vị Thiền sư khác, già cũng như trẻ và cuộc hành cước này kéo dài hai mươi năm, cho đến lúc Sư—lúc này đã đầu tám mươi—quyết định dừng chân tại Triệu Châu, 175 km phía Tây nam thủ đô Bắc Kinh bây giờ. Sư từ đây trụ trì viện Quan Âm, bắt đầu giáo hoá chúng công khai. Mặc dù tuổi đã cao nhưng, quy về công hiệu sự nghiệp hoằng pháp của Sư thì vẫn chưa trễ; nó kéo dài thêm bốn mươi năm nữa, môn đệ xa gần đến tấp nập và Sư từ lúc này mang hiệu Triệu Châu. Sư viên tịch năm 896, thọ gần 121 tuổi. Nhiều vị Thiền sư danh tiếng đã đến thụ giáo nơi Sư. Rất nhiều Pháp ngữ của Sư được truyền tụng—Tuyết Đậu trình bày trong tập công án này không ít hơn con số mười hai (xem thêm ngoài công án này các công án 9, 30, 41, 45, 52, 57, 58, 59, 64, 80, 96).

Tất cả những pháp ngữ của Sư đều chứng minh đức tính trầm tĩnh cao thượng, bản chất mộc mạc của trí huệ siêu việt và Sư lúc nào cũng sử dụng nó một cách toàn mĩ để tiếp độ mỗi người đến tầm đạo; mỗi lời dạy, thô cũng như tế, bác bỏ hoặc tán dương, lúc nào cũng tự nhiên cởi mở, được phát ra rất nhẹ nhàng, cứ như vô tình vô ý, nhưng lúc nào cũng trúng ngay tim của sự việc được xử lí. Ai đã từng nghiên cứu, thâm nhập pháp ngữ của Sư thì chẳng thấy gì là lạ lùng nữa khi khán thính giả, môn đệ của Sư tường thuật lại là khi Sư thị chúng, người ta có cảm giác như có một luồng ánh sáng thầm kín phát ra từ đôi môi.

Về bản công án[sửa]

Như đã nói, Triệu Châu lấy bài tụng của Tam tổ Tăng Xán làm chủ đề dạy chúng. Chỉ tựa đề của bài tụng này thôi, Tín tâm minh, cũng đã tiết lộ nội dung của nó. Người ta có thể hiểu nó theo nghĩa: Một bài minh của tâm sùng tín, hoặc: của tâm tin tưởng. Nhưng Tín tâm cũng có nghĩa: Tâm được tin hoặc là "niềm tin vào Tâm". Và khi đọc qua thì ngưới ta sẽ rõ ngay là tựa đề này được hiểu như thế. Rõ ràng là niềm tin xuất phát từ tâm, từ tấm lòng; thế nhưng, đối tượng của niềm tin này lại chẳng phải gì khác hơn chính cái Tâm này. Bởi vì vậy nên chung quy không có điểm khác biệt nào giữa niềm tin và Tâm. Và cũng chẳng có điểm khác biệt nào giữa tâm tín ngưỡng và đối tượng được tín ngưỡng, chủ thể và khách thể; nó chỉ là Một, không Hai. Được ôm ấp che chở bởi cái Nhất như này chính là "Chí đạo", như lời tụng đầu của bài Tín tâm minh gọi—tương tự ý nghĩa của chữ Giác ngộ hoặc Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà đức Phật từng nhắc đến.

Ý nghĩa căn bản của cái Nhất như được cặp kệ đầu trình bày và Triệu Châu nhắc đến. Sư quan niệm rằng, khán thính giả cũng đã quen cặp kệ thứ hai. Hai cặp kệ này cụ thể là:

Chí đạo không khó, chỉ đừng phân biệt chọn lựa
Chỉ cần không yêu không ghét, thì tự nhiên rõ ràng minh bạch
至道無難,唯嫌揀擇。但莫憎愛,洞然明白

Để hiểu đúng biểu thị "không khó" của bài tụng này thì trước hết, người ta phải biết, phải nhớ lại là "Chí đạo" đang được nhắc đến. Dường như thấy chưa đủ, trong bài kệ tụng bình phẩm, Tuyết Đậu lại đưa thêm vào phần bổ sung không thể nào thiếu được; nơi đây, sư lại nêu ra trường hợp đối nghịch: "Khó, khó thật!" Như vậy có nghĩa là: Chí đạo siêu việt những cặp đối đãi nhị nguyên như thế. Phần còn lại của cặp kệ tụng đầu tiên cũng xác nhận điều này: "chỉ đừng phân biệt chọn lựa". Và phân biệt chọn lựa được miêu hoạ ngay trong cặp kệ kế tiếp với yêu ghét, thị phi. Nó chính là cặp đối đãi xuyên suốt mọi tư duy, cảm nhận của chúng ta, nói đúng hơn: cai trị, khống chế mọi suy nghĩ, hành động, cảm nhận, hoàn toàn không để chúng ta an tịnh, bình yên. Tịch tĩnh chỉ có thể được tìm thấy nơi những cặp đối đãi câm lặng, trong nhất thể. Bài Tín tâm minh của Tam tổ độc duy là một bài ca tán tụng cái Nhất thể, một Nhất thể không thể nào tiếp nhận được qua tri tính tầm thường vướng mắc vào những trình hiện nhị nguyên, nhưng lại là thể tính, lại là bản chất của chính tri tính này. Như vậy, Nhất thể này lúc nào cũng bao hàm tất cả, lúc nào cũng hiện diện và vì vậy mà người ta chẳng cần phải tìm kiếm đâu xa.

Những dòng kệ đầu của bài tụng này là chủ đề rất được Triệu Châu ưa chuộng. Điều đó có thể được làm rõ hơn khi độc giả biết rằng, ngoài công án này ra, bộ Bích Nham lục này còn ba công án (57, 58, 59) với sư là nhân vật chính, giảng thuật cũng chính cặp kệ tụng này. Nhưng hãy lưu ý, Triệu Châu chẳng phải là người chỉ biết mô phỏng. Sư chẳng lặp đi lặp lại, xử lí vấn đề như một thuyết sư bình thường. Điểm quan trọng đối với Sư là sự thâu đắc một cách sinh động hoạt bát chân lí được trình bày trong đó. Sư đã nghe được chân lí huyền diệu nơi Nam Tuyền qua câu trả lời giản đơn: "Tâm bình thường chính là Đạo". Qua lời dạy này mà tâm địa của Sư hoát nhiên mênh mông; Sư cảm nhận một chiều sâu không hề bị ảnh hưởng bởi những làn sóng tâm thức bình thường, siêu việt mọi tư lự thông thường, một chiều sâu có vẻ như thâu tóm, dung nạp, rồi lại sản sinh tất cả từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác: chính là Tâm bình thường. Mặc ai đó cứ ca tụng Chí đạo—đối với Sư, người ta chẳng cần phải tìm Đạo nơi xa. Nó ở đây, mỗi lúc mỗi hiện diện trong tâm bình thường. Nó là cơ sở, nguồn gốc của Triệu Châu. Và chính trên cơ sở này mà Sư mới giảng thuật bài tụng Tam tổ một cách tự do tự tại. Vì những gì Sư nói về bài tụng Tín tâm minh này, nếu chỉ lưu ý đến lời văn thôi thì chúng có vẻ như đối nghịch nội dung được trình bày trong đó.

"Chí đạo không khó", với câu này, Triệu Châu rất mực vừa ý. Sư chẳng biết sự vật nào khác thân cận hơn chính cơ sở này. Và Sư cũng hài lòng với câu thứ hai: "Chỉ đừng phân biệt chọn lựa." Nhưng ngay sau đó thì Sư đã đưa ra một lời phê bình: "Chỉ nói đến một chút thôi thì đã: đây phân biệt chọn lựa." (Câu này được những tài liệu cổ nhất về Triệu Châu ghi lại. Còn nếu Tuyết Đậu chắp thêm thành phần đối nghịch "đây rõ ràng minh bạch" thì đó chính là một cách mở rộng, chắp thêm vào lời dạy của Triệu Châu một cách hợp lí.)

Như thế thì, khi Tam tổ vừa nhắc đến Chí đạo thì sư đã rơi vào cõi "phân biệt chọn lựa". Rõ là sư phân biệt giữa "phân biệt chọn lựa" và "rõ ràng minh bạch" và quan niệm "phân biệt chọn lựa" là phần thấp kém hơn, "rõ ràng minh bạch" là phần cao quý hơn. Chí đạo chính nó lại chẳng muốn được chọn lựa, chẳng muốn được cố gắng, tinh tiến thành đạt. Bởi vì nó quá cao—và cũng quá thấp, quá gần và cũng quá xa, quá khó và cũng quá dễ. Quả đúng như Lão Tử nói: "Đạo mà ta có thể gọi được không phải là đạo thường còn".

Triệu Châu bất bình về những câu văn của bài kệ tụng này. Mặc dù chúng chân chính, mặc dù Sư đắc ý, tán dương chúng tuyệt đỉnh trong thâm tâm: chúng không phải là những gì phải được nói, phải được nghe. Bởi vì, chúng phân li những gì không bao giờ có thể được phân li: cái Nhất thể và Hiện hữu đa dạng, sự phân biệt chọn lựa giữa những cặp đối đãi nhị nguyên, và rõ ràng minh bạch. Chúng quan hệ, kết cấu với nhau quá mật thiết—quá tinh tế, quá nhẹ nhàng âm thầm sự luân lưu giữa chúng, người ta không thể dùng bạo lực tách rời chúng thành hai phía, nhưng—văn tự, ngôn ngữ lại có thể! "Nhưng Lão tăng đây không đứng trong cõi minh bạch", một cõi minh bạch được Tam tổ đề cao, tán dương. Trầm tĩnh, an nhiên tuyệt đối, Sư tự cách biệt mục đích tối thượng, xóa bỏ những dấu tích tinh tiến thành đạt đạo quả thời niên thiếu và thêm vào đó, Sư gây huyên náo trong học chúng. Đúng, có vẻ như đây chính là thâm ý của Sư. Vừa mới tự cách li cõi rõ ràng minh bạch, Sư lại đề nghị đại chúng lìa thầy—cũng chỉ vì cõi rõ ràng minh bạch. Học chúng chắc chắn phải xem trọng cõi minh bạch này lắm vì nếu không, họ chẳng ở đây làm gì.

Quả thật, một vị tăng trong đại chúng, quyết không phải thuộc vào hạng kém cỏi nhất đặt chân ngay vào đám gai nhọn của Sư. Vị này nói ra những gì đang làm đại chúng bất ổn trong thâm tâm. Cái gì đã dẫn dắt chúng tôi đến Triệu Châu ngoài việc tầm Đạo và cõi minh bạch? Nếu bậc thầy tự chẳng biết hoặc ở chính ngay trong đó lại chẳng muốn làm tấm gương để học chúng noi theo, chẳng muốn làm đạo sư thì mục đích cao thượng nào ông ấy có thể dạy chúng ta được? Những gì được trình bày bởi vị tăng có cơ sở luận lí rõ ràng. Câu hỏi, lời yêu cầu của ông ta có đủ chân tay. Bậc Tông sư phải ứng đáp ra sao?

Danh tiếng, tài năng của bậc Tông sư đang đứng trên bàn cờ. Ông ta thật có một cái gì đó cao siêu hơn cõi minh bạch hay sao, một cõi minh bạch mà ông ta vừa tự cách li ra khỏi? Chúng ta hãy thiết tưởng cường độ căng thẳng đang nằm ở phía khán thính giả, ở những người đang hướng nhìn ông ta! Và ông ta trả lời ra sao? "Ta cũng chẳng biết". Đúng như câu trả lời của Tổ Đạt-ma dành cho Lương Vũ Đế! Ông ta đứng trước đại chúng, chẳng có gì che chở, bảo hộ, cứ như một kẻ si độn vô sự, ra vẻ như tất cả những sự kiện trước mặt chẳng tương can gì đến ông ta. Có nghĩa là: đòn tấn công trên cơ sơ luận lí vừa rồi vừa chạm đến ông ta thì rơi xuống như từng giọt nước. Ông ta không để dụ dỗ tham dự tranh luận, trung thành với chính mình và chính vì thế, trình bày một cách hiển nhiên cõi rõ ràng minh bạch hoặc, như Nam Tuyền gọi, "Tâm bình thường" mà ông ta dùng làm cơ sở.

Bây giờ vị tăng lại nghe một tiếng nói khác lạ, lạ hơn tất cả những gì đã lọt qua lỗ tai. Nhưng, nhịp điệu hùng hồn của những ý nghĩ vẫn còn đó, vẫn còn đủ năng lực thúc đẩy ông ta bước vào cuộc tranh luận. Như vậy thì Lão sư này cũng tự chẳng biết phải trả lời ra sao. Ông ta không có câu giải đáp nào dành cho câu hỏi quan trọng nhất mà mọi người có thể đặt ra. Đối thủ đã nằm dưới đất, một chiêu cuối có thể kết thúc, hạ thủ được ông ta. Nếu không có gì khác hơn, siêu việt hơn cõi minh bạch mà ông vừa tự cách li để trình bày thì tốt hơn hết là đừng nói gì cả. Đây là bản kết án nặng nề nhất mà một luận lí giả có thể tuyên bố và chính vì vậy, nó vừa chạm đến Triệu Châu thì rơi xuống vô công hiệu, như nước đổ lá sen. Người chiến thắng đích thật đuổi kẻ háo thắng trở về chỗ cũ một cách ngắn gọn.

Về kệ tụng[sửa]

Bài kệ của Tuyết Đậu cũng là lời bình giải Triệu Châu, một cách chú thích không những đi trước những gì Viên Ngộ nói về nó về mặt thời gian, mà còn đứng trên một tầng cấp hoàn toàn khác và vì vậy, đòi hỏi một cách giảng thuật riêng. Điểm quan trọng nơi đây không nằm ở những câu nói đơn chiếc, những móc ngoặc của cuộc đàm thoại mà là cái toàn thể, cái bí mật của thế đứng nội tâm huyền diệu của Triệu Châu. Nó cũng chính là địa vị của Tuyết Đậu, vì nếu không, sư không thể nào phân giải Triệu Châu một cách tinh thâm như thế. Nhưng quyền tự do tự tại trên địa vị này lại hoàn toàn thuộc về Tuyết Đậu và vì vậy, sư có thể giảng thuật Triệu Châu cũng như những lời nói tự do theo sở thích, tương tự như trường hợp Triệu Châu phân tích Tam tổ cũng như bài Tín tâm minh của ngài.

Nếu chúng ta có thể nghe những lời bình gần như những lời chê trách về những dòng kệ đầu của Tín tâm minh từ chính miệng Triệu Châu, quan niệm là ngài hay hơn hết là không đá động gì đến Chí đạo thì bây giờ Tuyết Đậu lại tán dương câu kệ đó, cho nó là chí lí. Nếu quả quyết một lần nữa là "Chí đạo không khó", thì quả là sư đã bắn trúng ngay điểm tinh yếu của sự vật. Lời nói này rất đúng—đúng từng chữ một! Quan trọng chỉ là một quan điểm chân chính về thể tính đích thật của Phật pháp, của Chí đạo, của tâm thức, của thế gian hoặc là bất cứ những danh hiệu người ta gán vào cái bất khả thuyết, bất khả tư nghị này. Thể tính này được Tuyết Đậu trình bày trong những câu kệ ngắn gọn: "Một nhiều chủng loại—Hai lại chẳng phải hai." Chúng tương tự như một lời sấm kí, thật là đơn giản nhưng lại có một chiều sâu, một sức nặng vô lượng. Tri tính tầm thường chẳng thể nào tiếp cận. Triệu Châu trình bày ý nghĩa của nó bằng toàn bộ thân, thể của mình.

Nhiều chủng loại đòn hỏi phân biệt chọn lựa. Trong Nhất thể thì rõ ràng minh bạch. Nhưng khi cả hai, Nhất thể và Đa chủng hợp nhất thì người ta nên nói gì bây giờ? Chính nơi đây, chúng ta nên đọc lại lời thuỳ thị của Viên Ngộ, xem sư nghiêm nghị từ khước tất cả những suy luận theo tri tính như thế nào, cũng như hậu quả hợp lí sẽ xảy ra là những người sống ngay trong chân lí không thể nào ôm ấp những khái niệm, danh cú như "Phật", "Thiền" và "Minh bạch". Nó chính là thế giới của Triệu Châu; vì thế nó rất giản đơn. "Tâm bình thường" của sư đã tự tìm được chính nó trong cõi này.

Với bốn câu kệ đầu ngắn gọn, Tuyết Đậu đã chiếu rọi đầy đủ lập trường của Triệu Châu. Nhưng lời bình "Không khó" cần phải được phát huy, diễn giảng thêm. Những câu kệ tiếp theo xác định phạm vi của Chí đạo, vốn đã mang tiếng là không khó. Một sự trống rỗng mênh mông như hư không, chẳng có một điểm cố định nào (kệ 5). Tâm tự chẳng hiểu được chính nó, nhưng độc duy tâm mới có thể tự hiểu được hư không mênh mông này trong chính nó (kệ 6). Sự khác biệt giữa Sinh và Tử không có nghĩa lí gì. Thành phần này chuyển biến, trở thành thành phần khác; đúng hơn: khâu này tạo điều kiện xuất hiện cho khâu kia. Khắc phục được chỉ người nào cùng biến chuyển theo dòng. Sống trong ĐẠO nghĩa là trước hết: phải chết trong ĐẠO. Nó là, đối nghịch với cái chết tầm thường mà mỗi người phải trải qua, một cái chết lớn. Đã chết một cái chết lớn nghĩa là sống một cuộc sống lớn (kệ 6 & 7). Tuyết Đậu dùng một câu nói của Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn, được bàn luận rất nhiều trong thiền lâm và cũng kích thích nhiều vị Thiền sư khác bình luận. Viên Ngộ cũng sẽ luận đàm về chủ đề này (xem lời bình về kệ tụng của Viên Ngộ). Trước hết thì đã đủ nếu người ta hiểu nó là một trạng thái luân chuyển liên tục giữa sinh và tử, một trạng thái hiện hữu, nhưng cũng là phi hiện hữu, có cũng như chẳng có. Và lời phát biểu "Không khó" tất nhiên phải được hộ tòng bằng lời quả quyết sau đó: "Khó, khó thật!" Và chỉ như thế, chỉ khi đã hợp nhất với nhau rồi thì hai lời trần thuật trên mới trình bày toàn vẹn sự thật.

Và nhìn như thế, Tuyết Đậu đã nói phần của mình về điểm mâu thuẫn nan giải giữa phân biệt chọn lựa và rõ ràng minh bạch, tương tự như Triệu Châu và trước đó lâu hơn nữa, Tam tổ Tăng Xán. Bây giờ đến phiên Bạn. Nhưng chính ngay lúc này thì ngôn ngữ không quan trọng—quan trọng chỉ là kiến ĐẠO và cất bước trên ĐẠO.

Về câu của Viên Ngộ: Lô hành giả là bạn đồng hành của ông ta[sửa]

Hai câu kệ về đầu lâu và bộng cây khô trình bày Triệu Châu là một người đã chết một cái chết lớn, đã tìm thấy một cuộc sống lớn. Sư đã khắc phục được cuộc tranh đấu của những cặp đối đãi, đã thâm nhập thống nhất thể và vì vậy, có thể xoay hướng về thế giới hiện hữu với những nỗi khổ đau của nó. Đó chính là một sự hoạt bát của tâm thức như Lô hành giả, tức Lục tổ Huệ Năng đã thực hiện, đã trải qua và khuyến khích chúng đệ tử thực hiện. Tổ có một vị bạn đồng sư lớn tuổi hơn với hiệu Thần Tú. Vị này khuyên chúng đệ tử nghiêm chỉnh toạ thiền, không được nằm, ngay cả ban đêm. Thần Tú xem đó chính là phương tiện để đạt được cõi minh bạch của Tam tổ. Huệ Năng, "Hành giả họ Lô" chỉ thấy trong thái độ này một tâm thức chết cứng, chẳng khác gì hơn là cố chấp cõi "phân biệt chọn lựa". Tổ phản bác cách tu tập hành hạ xác thể bất tự nhiên này qua một bài kệ:

Lúc sống thì ngồi chẳng nằm
Lúc chết nằm chẳng ngồi
Nguyên là đống xương hôi thối
Lập công phu như thế lợi ích gì?
生來坐不臥。死去臥不坐
原是臭骨頭。何為立功課
Sinh lai toạ bất ngoạ, tử khứ ngoạ bất toạ
Nguyên thị xú cốt đầu, hà vi lập công khoá?

Một bài kệ ngắn của Thiền sư người Nhật là Nhất Hưu cũng nêu rõ quan điểm tương tự:

Thành Phật và bám chặt vào trạng thái này
Nó chẳng mang đến ích lợi gì
Cứ nhìn những tượng đá thì rõ!

Như thế, Viên Ngộ muốn tỏ bày, Triệu Châu cũng tương tự như Lục tổ, muốn là một tấm gương của Thiền trong hoạt động, một loại Thiền khước từ mọi chấp trước, chấp trước vào một cõi niết-bàn riêng tư cũng như đắm say vào cuộc sống thế tục, các hiện tượng thế gian.

Liên kết đến đây