Tự hào về bản thân

Từ VLOS
(đổi hướng từ Tự hào Về Bản thân)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Niềm tự hào và tự tin ở bản thân đến từ lòng tự trọng vững chắc, niềm tin lạc quan mà bạn nắm giữ ở chính bạn, tài năng, và thành tựu của bạn. Lòng tự trọng thấp có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân. Lòng tự trọng thấp cũng có thể làm cho việc tự hào về bản thân khó hơn, và thậm chí có thể gây ra những vấn đề tinh thần nghiêm trọng.[1] Để nâng cao khả năng cảm thấy tự hào về bản thân, bạn có thể sử dụng những chiến thuật đơn giản để thách thức những suy nghĩ tiêu cực và xây dựng sự tự tin.

Các bước[sửa]

Thách thức Suy nghĩ Tiêu cực[sửa]

  1. Nhận ra những điều bạn biết ơn. So sánh bản thân với người khác là một loại suy nghĩ tiêu cực phổ biến. Điều này có thể làm cho việc cảm thấy tự hào về bản thân trở nên khó hơn. Nếu bạn thấy mình đang so sánh bản thân với người khác, thì hãy dừng lại trong giây lát và xác định những điều mà bạn biết ơn có thể giúp ích cho bạn.[2]
    • Ví dụ, khi tìm kiếm điều gì đó để cảm thấy biết ơn, bạn có thể nhận ra mình khỏe mạnh hoặc có một người bạn trung thành. Tập trung vào điều này hoặc người này trong vài phút để bản thân chú ý đến tư duy tích cực hơn. Xem xét tại sao bạn cảm thấy biết ơn vì điều này hoặc người này.
  2. Tránh những nguyên nhân gây nên suy nghĩ tiêu cực. Đôi khi một thay đổi nhỏ về cảnh vật có thể giúp bạn ngưng những suy nghĩ tiêu cực. Nếu bạn bị mắc kẹt vào lối mòn tiêu cực trong một lúc, hãy đứng dậy và đi đâu đó.
    • Ví dụ, bạn có thể thử đi dạo bên ngoài hoặc ngồi trong một căn phòng khác trong nhà một lúc.[3]
  3. Nhắc nhở bản thân rằng mọi người đều có lỗi lầm. Đôi khi những suy nghĩ tiêu cực có thể phát sinh từ niềm tin rằng bạn có lỗi lầm còn người khác thì không. Cố gắng nhắc nhở bản thân rằng mọi người ai cũng phạm sai lầm, thậm chí khi bạn không thể thấy chúng.[2]
    • Ví dụ, một đồng nghiệp chung văn phòng với bạn dường như có tất cả, nhưng cô ấy có thể đang giải quyết những vấn đề cá nhân nghiêm trọng mà bạn không biết gì về chúng.
  4. Đứng lên vì bản thân mình. Không ai có quyền làm tổn thương, xúc phạm, hay đe dọa bạn. Nếu bạn đang bị bắt nạt hoặc bị chỉ trích theo những cách làm cản trở lòng tự hào trong bạn, bạn có thể cần trò chuyện với ai đó như giáo viên, người tư vấn, hoặc quản lý nhân lực để đứng lên vì bản thân mình.
    • Hãy nhớ rằng những người bắt nạt hay chỉ trích người khác thường làm vậy vì họ cảm thấy bất an về bản thân. Hiểu rằng người bắt nạt bạn có thể đang mắng nhiếc bản thân vì nỗi đau và vấn đề của riêng họ có thể giúp bạn đương đầu với nó tốt hơn.[4] Sự chỉ trích không hẳn phần nhiều là về bạn, mà là về cảm xúc không thỏa đáng của họ.
  5. Học cách chấp nhận lời phê bình có tính xây dựng. Mặc dù bạn nên bảo vệ bản thân trước những lời xúc phạm, nhưng điều quan trọng là bạn nên cởi mở với những lời phê bình có tính xây dựng. Lời phê bình có thể khó nghe, thậm chí khi nó có tính xây dựng. Học cách thừa nhận và đáp lại những lời phê bình có tính xây dựng có thể giúp bạn cải thiện bản thân và đây có thể là nguồn tự hào tuyệt vời.[5]
    • Cố gắng kiềm chế phản ứng đầu tiên khi bạn nhận lời phê bình. Cảm ơn người đó. Sau đó, ngầm đối mặt với điều họ đã nói trong đầu. Dành thời gian một hoặc hai ngày suy nghĩ về lời phê bình. Tự hỏi bạn có thể học được gì từ lời phê bình đó?
    • Giả sử bạn nhận lại bài luận từ giáo sư. Bạn thật buồn khi chỉ đạt điểm C- và lời phê bình nói rằng “ý tưởng khó hiểu.” Thay vì tức giận, hãy đọc lại bài luận khi đầu đóc sáng suốt. Khi bạn viết nó có vẻ rõ ý. Vậy liệu nó có còn rõ ý khi đọc lần thứ hai? Cố gắng hiểu lời phê bình thay vì gạt nó sang một bên.
  6. Chuyển suy nghĩ tiêu cực thành những câu hỏi hiệu quả. Rõ ràng mà nói, suy nghĩ về tình huống tệ nhất không hợp lý hoặc tốt cho bạn. Nhưng bạn có thể chuyển những suy nghĩ tiêu cực thành câu hỏi hiệu quả và điều này sẽ giúp bạn phát triển và thành công. Lần sau khi bạn có suy nghĩ tiêu cực, cố chuyển nó thành câu hỏi sẽ giúp bạn đạt mục tiêu của mình.
    • Ví dụ, nếu bạn thấy mình đang nghĩ, “Mình sẽ không bao giờ tìm được công việc mới,” hãy ngừng lại và thách thức suy nghĩ đó. Nó không có thật, và nó bắt nguồn từ điều gì đó không thực tế (sự lo lắng của bạn). Thay vì chấp nhận suy nghĩ tiêu cực này, hãy chuyển nó thành một câu hỏi, chẳng hạn như, “Mình có thể làm gì để cho bản thân cơ hội tốt nhất để có một buổi phỏng vấn?”[6]
  7. Tránh xa những người tiêu cực. Giữ khoảng cách với người hay chê bai và phản đối bạn. Nếu có thể, cố gắng tránh người này và bao quanh bản thân với những người lạc quan. Đôi khi có thể khó tránh một người tiêu cực, như ông chủ của bạn hay một thành viên thân thiết trong gia đình. Trong những tình huống này, bạn có thể cần trang bị cho bản thân trước và sau khi gặp mặt người đó.[7]
    • Cố gắng tự nói với bản thân điều tích cực. Trước hoặc sau khi gặp người bạn không muốn gặp, việc nhìn vào gương và tự khen mình có thể có ích cho bạn. Ví dụ, bạn có thể nói điều gì đó như, “Bạn thông minh, có năng lực, và chăm chỉ!”
  8. Tìm kiếm giúp đỡ từ bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn cảm thấy việc vượt qua suy nghĩ tiêu cực là một cuộc chiến kéo dài, hãy nói với chuyên gia sức khỏe tinh thần được cấp giấy phép. Bạn có thể cần có hướng dẫn để vượt qua những vấn đề và cảm thấy tốt hơn về bản thân. Bác sĩ chuyên khoa có thể giúp bạn vượt qua suy nghĩ tiêu cực và đồng thời giúp bạn xác định liệu bạn đang bị trầm cảm hay đang chiến đấu với nhiều vấn đề tinh thần khác nhau.

Xây dựng Bản thân[sửa]

  1. Hình dung sự thành công của bạn. Hình dung thành công của bạn về một việc nào đó cũng có thể giúp bạn tăng cường sự tư tin. Cố gắng nghĩ về khoảng thời gian bạn thực sự cảm thấy tự tin và tin tưởng và tái tạo khoảnh khắc đó trong đầu. Nếu không, hãy tưởng tượng thành công của bạn về điều gì đó mà bạn hy vọng đạt được. Bạn có thể lặp lại quá trình này mỗi khi bạn cần có thêm sự tự tin.
    • Đảm bảo rằng bạn tưởng tượng thành công của mình với càng nhiều chi tiết càng tốt. Bạn trông như thế nào? Ai ở bên bạn lúc đó? Bạn sẽ nói những gì?[8]
  2. Đứng thẳng và đi một cách tự tin. Cách bạn di chuyển cơ thể có thể tạo nên sự khác biệt lớn về việc bạn cảm thấy tự tin như thế nào.[9] Cố gắng đứng thật thẳng và giữ tư thế đứng tốt, nó có thể giúp bạn tưởng tượng rằng bạn đang cân bằng điều gì đó trong đầu khi bạn di chuyển.
  3. Ăn mặc. Cách bạn cảm nhận về vẻ ngoài của mình có thể ảnh hưởng đến sự tự tin, vì vậy hãy mặc những trang phục giúp bạn tự tin về vẻ ngoài của mình.[10] Chọn trang phục vừa vặn, tôn lên vóc dáng của bạn, và chất lượng tốt.
    • Cố gắng mặc trang phục phù hợp với tình huống. Ví dụ, nếu bạn sắp có buổi phỏng vấn, thì một bộ com lê hoặc trang phục công sở sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn là mặc áo thun và quần.
  4. Ghi nhật ký thành công. Tập trung vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời bạn có thể giúp bạn cảm thấy tự tin và hạnh phúc hơn. Dành ra vài phút mỗi ngày để viết những điều tốt đẹp xảy ra với bạn. Ví dụ, bạn có thể viết một thành công gần đây và những kỹ năng bạn đã dùng để xử lý tình huống khó khăn.[11]
  5. Lập danh sách những điểm mạnh và thành công của bạn. Việc ghi danh sách tất cả những thành công của mình, thậm chí những điều bạn cho là nhỏ bé, có thể giúp ích cho bạn. Những người thiếu tự tin ở bản thân thường tập trung nhiều vào thất bại thay vì thành công, vì vậy đôi khi nó có thể hữu ích khi buộc bản thân nhìn vào những điều tích cực.[12]
    • Nghĩ về lý do tại sao bạn tự hào về những thành công này. Xác định lý do tại sao một số việc khiến bạn cảm thấy tự hào có thể giúp bạn tự hào khi có một thành công khác tương tự vậy.[13]
  6. Thỉnh thoảng chia sẻ thành công của bạn. Kể với người khác về những việc bạn làm khiến bạn cảm thấy tự hào là cách hữu ích thể hiện niềm tự hào cũng như nhận được sự ủng hộ từ người khác. Thỉnh thoảng dành thời gian chia sẻ thành công sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn về bản thân và quên đi những gì người khác nghĩ về bạn.[14]
    • Ví dụ, bạn có thể đăng bức ảnh mình nhận giải thưởng vì thành tích học tập tốt hoặc kể với bạn bè ở phòng tập thể dục rằng bạn đã nâng số kilomet trong một giờ của mình.
  7. Dùng những câu hy vọng để xây dựng bản thân. Cố gắng đối xử tốt với bản thân thay vì lúc nào cũng tự trách mình. Ví dụ, nếu bạn sắp có buổi thuyết trình khiến bạn lo lắng, không nên nói với bản thân những câu như “Mình sẽ thất bại.” Thay vào đó, hãy nói với bản thân những điều như, “Việc này sẽ khó đây, nhưng mình biết mình sẽ giải quyết được.”[11]
    • Đồng thời, nhớ rằng bạn có thể khắt khe với bản thân nhiều hơn mức cần thiết. Ví dụ, bạn có thể tự trách mình vì đã bỏ lỡ phần thuyết trình của mình, nhưng đồng nghiệp của bạn sẽ không để tâm và thậm chí còn không biết điều đó.[11]
  8. Tha thứ cho bản thân. Nhớ rằng điều quan trọng là tha thứ cho bản thân khi phạm sai lầm. Từ chối tha thứ cho bản thân có thể ngăn cản bạn có khả năng tự hào về mình, vì vậy cố gắng tha thứ cho bản thân ngay khi có thể.[11]
    • Ví dụ, thay vì đổ lỗi cho bản thân, hãy cố gắng nói với bản thân những câu như, “Mình đã phạm sai lầm, nhưng không sao. Mình vẫn là người thông minh và có năng lực.”
  9. Khích lệ bản thân làm tốt hơn. Để tự hào về chính mình thậm chí khi sự việc không đi theo hướng của bạn, bạn sẽ cần phải có thói quen khích lệ bản thân. Nếu có điều gì không xảy ra theo kế hoạch của bạn, cố gắng điều chỉnh lại kỳ vọng của mình và khích lệ bản thân làm tốt hơn lần sau.
    • Ví dụ, nếu một dự án trường học của bạn không đạt được điểm số như mong muốn, bạn có thể tự nhủ với bản thân như, “Dự án của mình không hoàn hảo nhưng học sinh vẫn có hứng thú và đặt câu hỏi với mình. Điều đó có nghĩa mình đã đạt được mục tiêu cơ bản.”[2]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây