Tự lập kế hoạch tài chính

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Chuyên viên tư vấn tài chính có thể giúp bạn lên kế hoạch cho mục tiêu cụ thể như nghỉ hưu hoặc đầu tư. Họ cũng có thể cho bạn những lời khuyên về nhiều vấn đề tài chính khác như thuế, tiết kiệm, bảo hiểm, v.v…[1] Tuy rằng thuê chuyên viên tư vấn tài chính trước khi ra những quyết định phức tạp luôn là một việc làm khôn ngoan, nhưng việc học cách lập kế hoạch tài chính không chỉ giúp bạn hiểu và quản lý tài chính cá nhân mà còn tiết kiệm được cho bạn một số tiền phí phải trả cho chuyên viên.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Đặt ra các mục tiêu tài chính[sửa]

  1. Xác định các mục tiêu tài chính và mục tiêu cá nhân chủ yếu. Trước khi có thể lập một kế hoạch tài chính vững vàng, bạn cần biết rõ các mục tiêu của mình. Các mục tiêu tài chính phổ biến bao gồm: kế hoạch khi nghỉ hưu, chi phí cho việc học hành, mua nhà, tạo dựng tài sản thừa kế cho người thân, phát triển "lưới bảo hiểm” để dự phòng cho các chi phí đột xuất, các biến cố không may hoặc thay đổi trong cuộc sống.[2]
    • Bạn có thể tìm kiếm trên mạng các biểu mẫu giúp bạn xác định các mục tiêu tài chính.[3]
  2. Xác định chính xác các mục tiêu mà bạn muốn hoàn thành. Đảm bảo các mục tiêu phải bám vào nguyên tắc SMART. Đây là các chữ cái đầu tiên của các từ specific (cụ thể), measurable (đo lường được), attainable (khả thi), realistic (thực tế) và timely (giới hạn thời gian).
    • Ví dụ, hiện tại bạn không để dành tiền, và mục tiêu của bạn là tiết kiệm hơn. Việc đặt mục tiêu dành ra 5% thu nhập hàng tháng để tiết kiệm không những cụ thể mà còn đo lường được (bạn dễ dàng nhận biết mình có đạt được hay không), và có tính khả thi trong một khoảng thời gian hợp lý.
    • Viết ra những mục tiêu của bạn. Điều này không những giúp bạn ghi nhớ mà còn khiến bạn có trách nhiệm. Một bản kế hoạch tốt cần bao gồm các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
  3. Xác định số tiền cần có để đạt được các mục tiêu chính. Để bản kế hoạch tài chính có thể thực hiện thành công, điều cần thiết là phải xác định lượng tiền dành cho các mục tiêu của bạn. Điều này có nghĩa là bạn cần chọn một mục tiêu và diễn giải bằng số tiền cụ thể.
    • Ví dụ, một mục tiêu tài chính phổ biến là lên kế hoạch nghỉ hưu khi bạn 60 hoặc 65 tuổi. Mặc dù người ta thường cho rằng 70-80% thu nhập hiện tại là mục tiêu hợp lý cho thu nhập hưu trí, nhưng một số người khác lại cho rằng con số 50-60% thu nhập của người có gia đình và 60-70% thu nhập của người độc thân thì hợp lý hơn.[4]
    • Lấy thí dụ như ở Mỹ, nếu hiện tại thu nhập hàng năm của bạn là $80.000, và bạn chưa có gia đình, như vậy thu nhập hưu trí của bạn có thể là vào khoảng $40.000 mỗi năm, dựa vào con số 50% ở trên. Đây là một ví dụ cho việc diễn giải một mục tiêu (về hưu năm 65 tuổi) thành một số tiền cụ thể ($50,000 mỗi năm). Một khi đã biết được con số này, bạn có thể lập bản kế hoạch xác định số tiền bạn cần để dành và/ hoặc đầu tư là bao nhiêu để bổ sung cho các nguồn thu nhập hưu trí khác nhằm đạt mức $50,000 mỗi năm.
    • Bạn có thể tìm trên mạng các biểu mẫu giúp tính toán các nhu cầu cho việc nghỉ hưu và các mục tiêu khác.[3]

Xác định tình hình tài chính hiện tại[sửa]

  1. Tính toán giá trị tài sản thực của bạn. Giá trị tài sản thực được xác định bằng cách lấy giá trị tài sản bạn có trừ đi các khoản nợ. Con số này sẽ cho bạn biết chính xác về tình hình tài chính hiện tại, đồng thời giúp bạn có những quyết định đúng đắn và đạt được các mục tiêu của mình. Bạn có thể làm bảng tính đơn giản để tính toán tài sản thực của bạn, hoặc tìm một biểu mẫu trên mạng.[5][3]
    • Bắt đầu bằng cách tạo ra hai cột, một ghi có và một ghi nợ.
  2. Liệt kê tài sản có. Tài sản có đơn giản là bất cứ thứ gì bạn sở hữu, có thể bao gồm tiền mặt, tài khoản tiết kiệm và tài khoản séc, quỹ hưu trí, bất động sản, tài sản cá nhân, các khoản đầu tư, v.v...
    • Bên cạnh mỗi loại tài sản, ghi giá trị của tài sản đó. Ví dụ, nếu có sở hữu nhà, bạn ghi giá trị của ngôi nhà bên cạnh. Áp dụng tương tự đối với các loại tài sản khác, ví dụ như cổ phiếu hay xe hơi.
    • Cộng tất cả các giá trị trên để tìm ra tổng giá trị tài sản bạn có.
  3. Liệt kê các khoản nợ. Số nợ bao gồm các khoản như tiền trả góp, nợ tín dụng, khoản vay sinh viên, vay mua xe, vay cá nhân, v.v…
    • Cộng tất cả các giá trị trên để tìm ra tổng số nợ của bạn.
  4. Lấy tổng giá trị có trừ đi tổng số nợ. Kết quả chính là số tài sản thực của bạn. Nếu đó là con số âm thì tức là bạn nợ nhiều hơn có. Ngược lại, nếu bạn có $100.000 và nợ $50.000, như vậy tài sản thực của bạn là $50.000. Nếu kế hoạch tài chính của bạn có tiến triển và để dành được nhiều hơn, số tài sản của bạn sẽ tăng lên (kèm theo số tiền tiết kiệm tăng) và số nợ giảm (khi bạn loại trừ các khoản nợ).

Tính toán ngân quỹ hàng tháng[sửa]

  1. Quyết định lập kế hoạch tài chính. Việc tính toán tài sản thực cho bạn một bức tranh về các khoản có và các khoản nợ. Tuy nhiên điều còn quan trọng hơn là bạn cần biết rõ dòng tiền vào và ra hàng tháng. Điều này sẽ giúp bạn nắm được các khoản chi tiêu hàng tháng, và việc ghi lại tất cả những chi phí này sẽ cho bạn biết chính xác có thể tìm được số tiền tiết kiệm ở đâu. Đây là phần trọng tâm của bất kỳ kế hoạch tài chính nào.[6][7]
  2. Xác định các nguồn thu nhập. Liệt kê các nguồn thu nhập hàng tháng (tiền lương, tiền cấp dưỡng nuôi con, v.v…) Cộng tất cả để tìm ra tổng thu nhập hàng tháng.
  3. Xác định các chi phí hàng tháng. Phần này bạn nên sắp xếp thành từng khoản mục. Ví dụ, ở mục “nhà ở”, bạn có thể ghi số tiền thuê nhà hoặc tiền trả góp, tiền bảo hiểm nhà hoặc bảo hiểm người thuê và các tiện ích như điện, nước, v.v…; Ở mục “đi lại”, bạn có thể liệt kê tiền trả góp mua xe, tiền xăng xe, phí bảo trì và bảo hiểm xe. Cộng tất cả để tìm ra tổng chi phí hàng tháng. Nhớ phải bao gồm cả những khoản như giải trí, thực phẩm, quần áo, thanh toán thẻ tín dụng, thuế và các chi phí đột xuất khác.
  4. Tính toán các chi phí không thường xuyên và chi phí khả biến. Nhớ rằng một số chi phí là “cố định” (khoản chi mỗi tháng bằng nhau hoặc gần bằng nhau), nhưng một số chi phí khác lại biến động (thường xuyên thay đổi hoặc xảy ra đột xuất). Khi tính toán ngân sách, bạn cần tính cả các chi phí khả biến, bao gồm các khoản chi không xảy ra hàng tháng.
    • Bạn có thể liệt kê các chi phí khả biến xảy ra trong khoảng thời gian nhiều tháng, cộng tất cả lại và chia đều cho số tháng. Kết quả sẽ là con số chi phí khả biến trung bình mà bạn có thể tính vào ngân sách hàng tháng.
  5. Lấy tổng thu nhập trừ đi tổng chi phí. Nếu thu nhập lớn hơn chi phí, bạn sẽ có số dư có thể để dành, đầu tư hoặc tiêu dùng tùy mục tiêu tài chính của mình. Nếu chi phí lớn hơn thu nhập, bạn cần xem lại ngân sách và tính toán những khoản chi nào có thể cắt giảm.
    • Nếu chưa biết chính xác thu nhập và/hoặc chi phí của mình, bạn cần theo dõi trong vài tháng để có số liệu.
    • Thường xuyên xem lại và cập nhật bản ngân sách. Nhớ ghi thêm vào các khoản chi mới và xóa đi các khoản không còn chi nữa.

Tiết kiệm tiền[sửa]

  1. Kiếm tiền tiết kiệm. Bất kể mục tiêu tài chính của bạn là gì, tiết kiệm vẫn là yếu tố quan trọng. Cho dù bạn có dự định mua nhà, nghỉ hưu sớm hay đầu tư cho việc học hành của con cái, tiết kiệm vẫn là biện pháp then chốt giúp bạn hoàn thành mục tiêu của mình.
    • Xem xét ngân sách để thực hiện việc này. Nhìn vào chi phí hàng tháng và tìm ra các khoản chi không cần thiết có thể cắt giảm. Ví dụ, nếu mỗi tháng bạn ăn nhà hàng ba lần, hay ngày nào cũng mua bữa trưa ở công ty, bây giờ bạn nên quyết định mỗi tháng chỉ ăn nhà hàng một lần, hoặc đem bữa trưa từ nhà đến công ty.
    • Nhìn vào bản ngân sách và quyết định khoản nào là “muốn”, khoản nào là “cần”. Nhắm vào các khoản “muốn” để tiết kiệm. Tương tự như vậy, nhìn vào các khoản bạn cho là “cần” và tự hỏi chúng có thực sự cần thiết không. Ví dụ, điện thoại di động là cần thiết, nhưng có thể bạn không cần gói cước 3GB mà chỉ cần gói 1GB.
  2. Học thói quen tiết kiệm. Bắt đầu bằng việc mở một tài khoản được bảo hiểm ở những ngân hàng uy tín. Các chuyên gia khuyên áp dụng phương châm “trả cho mình trước”, tức là cứ mỗi kỳ thanh toán, bạn dứt khoát phải dành ra một số tiền nhất định để tiết kiệm như một phần trong kế hoạch. Bạn có thể làm việc với nhiều ngân hàng để tự động rút ra một số tiền từ chi phiếu của bạn cho mục đích này.[8]
    • Tiết kiệm một số tiền mà bạn thấy thoải mái, phù hợp với nhu cầu và chi tiêu của bạn. Số tiền tiết kiệm của bạn có thể tăng (hoặc giảm) theo thời gian. Điều quan trọng là phải có gì đó để dành, cho dù chỉ là số nhỏ.
    • Mười phần trăm thu nhập là số tiền thích hợp để bắt đầu, tuy nhiên bạn có thể để dành bao nhiêu cũng được, ít còn hơn không.[9]
    • Ngay cả một số tiền nhỏ tiết kiệm trong tài khoản sinh lãi (tài khoản séc, tài khoản tiết kiệm, tài khoản tiền gửi, v.v…) cũng có lợi nhờ lãi gộp - tức là số tiền lãi từ vốn ban đầu sẽ được cộng thêm vào vốn rồi tiếp tục sinh lãi, và cứ như thế - khiến tổng giá trị của tài khoản càng gia tăng.[3]
    • Thực hành nhiều rồi sẽ quen. Khi mỗi tháng bạn đều để dành một khoản tiền hoặc áp dụng phương thức “trả cho mình trước”, dần dần mọi việc trở thành tự động, và bạn sẽ học được cách sống không cần số tiền đã để dành như thể là không có nó. Coi số tiền tiết kiệm như một khoản chi cần thiết như tiền thuê nhà hay tiền trả góp.
  3. Lập một quỹ khẩn cấp. Các chuyên gia khuyên nên để dành một số tiền để chi tiêu khi cần thiết trong ít nhất ba tháng như một quỹ khẩn cấp, phòng trường hợp mất việc làm hay đau ốm, v.v… Giữ quỹ này trong tài khoản có bảo hiểm để vừa an toàn mà vừa sẵn sàng dùng được khi cần.[8]
    • Bạn cũng có thể tự bảo vệ mình khỏi các rắc rối tài chính bằng cách tham gia bảo hiểm phù hợp. Nếu có thắc mắc về các loại bảo hiểm cho chủ nhà/ người thuê nhà, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm mất khả năng lao động hoặc bảo hiểm xe, bạn hãy trao đổi với đại lý liên quan.[10]
  4. Tận dụng mọi lợi ích tiết kiệm đặc biệt. Chú ý tận dụng nếu có chính sách ưu đãi từ chính phủ hoặc chủ lao động về tiền tiết kiệm (ví dụ như ưu đãi cho giáo dục hoặc hưu trí). Nếu chính phủ hoặc chủ lao động đóng góp vào các kế hoạch tiết kiệm hoặc đưa ra các ưu đãi khác (như giảm thuế), thì điều đó có thể giúp bạn tiến gần hơn đến các mục tiêu tài chính của mình.
    • Ví dụ như ở Mỹ, tài khoản hưu trí 401(k) của bạn có thể được tăng thêm nhờ chủ lao động đóng góp thêm một số tiền cùng với số tiền bạn bỏ vào đó. Tương tự, bất cứ ai cũng có thể mở tài khoản hưu trí cá nhân (IRA) và được hưởng lợi về thuế.[10]

Đầu tư tài chính[sửa]

  1. Cân nhắc việc đầu tư. Đầu tư là một phần cần thiết trong hầu hết các kế hoạch tài chính, nó cho phép bạn có thể đạt được các mục tiêu tài chính nhanh hơn với số tiền ít hơn nhờ sinh lợi nhuận. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý là mọi khoản đầu tư đều có độ rủi ro và bạn có thể bị mất tiền.[2]
    • Các lĩnh vực đầu tư phổ biến gồm có chứng khoán, quỹ tương hỗ, trái phiếu, bất động sản và hàng hóa.[11]
    • Mỗi loại hình đầu tư có tiềm năng lợi nhuận, chi phí và độ rủi ro khác nhau.
    • Bạn có thể bỏ tiền vào nhiều dạng đầu tư (như trái phiếu, chứng khoán và quỹ tương hỗ) thông qua ngân hàng, nhà môi giới và đôi khi trực tiếp qua các công ty, chính phủ, hoặc chính quyền thành phố.
    • Hiện tại nhiều hình thức đầu tư có thể giao dịch hoàn toàn trên mạng, nhưng có nhiều nhà môi giới đầu tư mà bạn có thể nhờ tư vấn trực tiếp. Tuy nhiên, phí tư vấn trực tiếp có lẽ sẽ cao hơn các giao dịch mà bạn tự thực hiện trên mạng.
  2. Hiểu về các loại hình đầu tư khác nhau. Tuy có quá nhiều loại hình được liệt kê, nhưng có ba loại đầu tư quan trọng là cổ phiếu chứng khoán, trái phiếu và quỹ tương hỗ.
    • Cổ phiếu đại diện cho quyền sở hữu trong một công ty. Khi mua cổ phiếu là bạn đã mua một phần kinh doanh, và giá trị của phần đó sẽ lên hoặc xuống tùy vào việc có bao nhiêu người muốn mua hay bán. Vì lý do đó, cổ phiếu có thể cực kỳ dễ biến động, và mặc dù nói chung cổ phiếu có lợi hơn bất cứ các loại hình đầu tư nào khác (lợi tức trung bình hàng năm là 8% kể từ năm 1029), chúng cũng có thể mất giá khủng khiếp trong một năm. Năm 2008, chứng khoán Mỹ rớt đến 50%. Cổ phiếu là lựa chọn tốt cho người đầu tư dài hạn, ví dụ như những người chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu.
    • Trái phiếu là hình thức đầu tư nợ. Khi bạn cho chính phủ hoặc công ty vay tiền nghĩa là bạn đã mua trái phiếu. Đổi lại, bạn sẽ nhận được tiền lãi từ số tiền bạn cho vay, thường được trả hàng năm hoặc nửa năm một lần. Thông thường trái phiếu ít rủi ro hơn cổ phiếu.
    • Quỹ tương hỗ là một tập hợp các khoản đầu tư (thường là cổ phiếu), được quản lý bởi một nhà đầu tư chuyên nghiệp. Khi mua một quỹ nghĩa là bạn đã mua quyền sở hữu trong rổ cổ phiếu, và bạn kiếm được tiền hay mất tiền là phụ thuộc vào việc rổ cơ sở này hoạt động như thế nào. Quỹ tương hỗ là một lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư thụ động, vì bạn sẽ hưởng lợi từ nhiều nguồn đa dạng hóa, và nhờ vào một nhà quản lý chuyên nghiệp mua, bán và quản lý danh mục đầu tư dựa trên điều kiện thị trường và chiến lược của họ. Tuy nhiên bạn phải trả phí.
  3. Xác định mức độ rủi ro mà bạn có thể gặp. Mọi hình thức đầu tư đều có rủi ro, và điều quan trọng trước khi đầu tư là bạn phải biết độ rủi ro mà bạn sẵn sàng đặt đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình vào đó.
    • Xem xét các mục tiêu của bạn để quyết định mạo hiểm. Ví dụ, nếu bạn đang tiết kiệm trong 6 tháng để dành cho kỳ nghỉ, vậy thì việc đầu tư vào cổ phiếu có lẽ là một quyết định tồi, vì cổ phiếu có độ rủi ro cao và có thể biến động rất lớn theo thời gian. Điều này có nghĩa là bạn có thể có cơ hội nhanh chóng đạt được mục tiêu tiết kiệm của bạn với một số tiền phải để dành không lớn, nhưng cũng có khả năng bạn phải hoãn kỳ nghỉ do khoản đầu tư của bạn thua lỗ quá nhiều. Trường hợp này có lẽ đầu tư vào trái phiếu (ít rủi ro hơn) thì tốt hơn, hoặc thậm chí chỉ cần giữ tiền trong tài khoản tiết kiệm lãi cao.
    • Một nguyên tắc chung rút ra từ kinh nghiệm là lợi tức tiềm năng càng cao thì độ rủi ro cũng càng cao – cũng đồng nghĩa với độ rủi ro thấp thì lợi tức tiềm năng cũng thấp.[2]
    • Các hình thức đầu tư tương đối “an toàn” bao gồm tài khoản tiết kiệm và trái phiếu kho bạc Mỹ.[2] Cổ phiếu có khả năng đem lại lợi tức cao hơn nhưng rủi ro cũng cao hơn. Quỹ tương hỗ giúp giảm thiểu rủi ro nhờ đầu tư vào nhiều loại cổ phiếu và chứng khoán và có thể là lựa chọn tốt cho việc đầu tư dài hạn.
    • Đừng bao giờ đầu tư số tiền mà bạn cần dùng trong thời gian ngắn hạn hoặc tiêu cho các khoản thiết yếu như thực phẩm, thuê nhà hay xăng xe.
  4. Chọn các khoản đầu tư phù hợp. Một khi đã biết các mục tiêu, hiểu về các loại hình đầu tư và biết về mức chịu đựng rủi ro của mình, bạn có thể chọn một loại hình đầu tư.
    • Đầu tư chứng khoán là thích hợp nếu bạn có mức chịu đựng rủi ro trung bình đến cao và có dự định tiết kiệm cho mục tiêu dài hạn. Ví dụ, bạn đang tiết kiệm cho kế hoạch nghỉ hưu thì việc mua cổ phiếu là rất đáng nghĩ đến. Nhớ rằng không phải mọi loại cổ phiếu đều có mức rủi ro cao. Ví dụ như đầu tư vào một công ty dược phẩm nhỏ (không khuyến khích) có thể cực kỳ rủi ro, trong khi đầu tư vào các công ty lớn, có dòng tiền ổn định và có tính cạnh tranh trên thị trường như Wal-Mart, Wells Fargo, hoặc Coca-Cola có thể ít rủi ro hơn.
    • Nếu không có thời gian, không thấy thoải mái hoặc không có mức chịu đựng rủi ro để mua cổ phiếu cá nhân, bạn nên nghĩ đến quỹ tương hỗ. Dạng đầu tư này thích hợp cho các mục tiêu trung hạn và dài hạn như nghỉ hưu hoặc tiết kiệm cho việc học hành của con cái, nhưng “thụ động” hơn, và bạn thường chỉ cần kiểm tra hàng năm hoặc nửa năm một lần để đảm bảo các khoản đầu tư hoạt động như bạn mong muốn. Bạn có thể tự tìm hiểu về quỹ hỗ tương và đầu tư qua nhà môi giới trên mạng hay đến ngân hàng hoặc chuyên viên tư vấn tài chính để lựa chọn.[12]
    • Trái phiếu thích hợp cho những cá nhân có mức chịu đựng rủi ro thấp, những người quan tâm đến việc bảo toàn số tiền tiết kiệm, trong khi vẫn tăng trưởng với mức độ thấp nhưng ổn định. Điều quan trọng cần lưu ý là trái phiếu có tên trong bất cứ danh mục đầu tư nào, và thường người ta khuyên những người ở độ tuổi 20 đến 40 nên đầu tư vào chứng khoán và quỹ tương hỗ lớn hơn, trong khi những người gần về hưu nên chuyển sang trái phiếu để bảo toàn số tiền tiết kiệm. Trái phiếu có thể là một cách hiệu quả để cân bằng danh mục đầu tư và giảm rủi ro. Một nguyên tắc hữu ích là lấy 100 trừ đi số tuổi của bạn, và đó là tỷ lệ phần trăm mà bạn nên giữ trong cổ phiếu.[12]
  5. Đa dạng hóa các khoản đầu tư. Không phải mọi khu vực của nền kinh tế đều có biểu hiện tốt (hoặc xấu) như nhau trong cùng một khoảng thời gian. Nếu rải ra nhiều danh mục đầu tư tài chính với nhiều loại hình khác nhau, bạn có thể giảm thiểu rủi ro mất toàn bộ giá trị trong trường hợp một hoặc nhiều phần trong các khoản đầu tư bị thua lỗ. Phương pháp này gọi là đa dạng hóa.[2]
    • Ví dụ, một kế hoạch cho việc nghỉ hưu có thể trải rộng với nhiều loại hình đầu tư, bao gồm quỹ tương hỗ, cổ phiếu và tài khoản tiết kiệm. Trong trường hợp này, quỹ tương hỗ dành cho mục tiêu dài hạn có thể cứu vãn cho phần thua lỗ nếu cổ phiếu cá nhân đầu tư cho kế hoạch nghỉ hưu bị mất giá. Số tiền giữ trong tài khoản tiết kiệm mặc dù lãi thấp nhưng được đảm bảo và có thể lấy ra dễ dàng khi cần thiết.

Tập trung vào các quyết định tài chính đúng đắn[sửa]

  1. Suy nghĩ cẩn thận khi ra các quyết định tài chính. Phương pháp SAVED (Stop - dừng lại, Ask - hỏi, Verify – Xác minh, Estimate – ước tính, Decide – quyết định) là nguyên tắc hướng dẫn khi ra các quyết định tài chính:[13]
    • Dừng lại và dành thời gian suy nghĩ trước khi ra bất cứ quyết định nào. Đừng để nhân viên kinh doanh, người môi giới, v.v… tạo áp lực cho bạn. Nói với họ (và với bản thân mình) rằng bạn cần thời gian suy nghĩ.
    • Hỏi về các chi phí (thuế, phí, tiền bảo chứng, v.v…) và các rủi ro. Đảm bảo phải biết kịch bản xấu nhất có thể là gì.
    • Xác minh lại mọi thông tin để đảm bảo độ chính xác và tin cậy.
    • Ước tính về chi phí cho quyết định đó và suy nghĩ xem nó có phù hợp với ngân sách của bạn không.
    • Quyết định nếu bạn thấy hợp lý.
  2. Thận trọng khi sử dụng thẻ tín dụng. Đôi khi vay tiền có thể là lựa chọn hợp lý – ví dụ như mua nhà, chi trả cho việc học hành hoặc mua sắm những thứ cần thiết. Tuy nhiên, việc vay nợ - nhất là nợ lãi cao – sẽ làm giảm giá trị tài sản thực và làm chậm quá trình hoàn thành một số mục tiêu tài chính của bạn.[11]
    • Không lạm dụng thẻ tín dụng. Cố gắng chỉ chi tiêu trong số tiền bạn kiếm được.
    • Thanh toán khoản nợ lãi cao càng sớm càng tốt. Đây có thể là chiến thuật tốt nhất cho việc tăng trưởng tài chính về lâu dài, vì ngay cả các khoản đầu tư tốt cũng thường không đủ để thanh toán cho khoản nợ lãi cao.
    • Nếu có nhiều tài khoản tín dụng, bạn cần cố gắng ưu tiên trả trước cho tài khoản có lãi cao nhất.
  3. Tìm lời khuyên đáng tin cậy khi cần thiết. Thông thường bạn có thể thành công khi tự mình lập kế hoạch tài chính, nhưng nếu không có thời gian để nghiên cứu và quản lý tài chính, không biết phải bắt đầu từ đâu, hoặc nếu bạn đang xử lý sự kiện đột xuất nào đó (như khoản thừa kế hoặc đau ốm), bạn nên cân nhắc tìm sự tư vấn của chuyên viên tư vấn tài chính có bằng chứng nhận.[9]
    • Cảnh giác với những lời khuyên, các khoản đầu tư, v.v… thiếu độ tin cậy. Nếu có mời chào nào đó nghe tốt đến mức khó tin là thực thì rất có thể đúng là như vậy.[14]

Lời khuyên[sửa]

  • Các luật lệ, quy định và thủ tục liên quan đến việc lập kế hoạch tài chính có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào nơi bạn sống và/hoặc làm việc. Bạn phải biết rõ các thông tin đó trước khi ra các quyết định tài chính, và tham khảo chuyên gia nếu có điều gì không hiểu.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này