Thành công của học sinh gốc Việt ở Đức

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

THÀNH CÔNG CỦA HỌC SINH VIỆT NAM Ở ĐỨC giữa chừng đã trở thành một đề tài nghiên cứu hàn lâm, như bài báo sau đây trên tờ FAZ cho biết. Thông tin thú vị nhất có lẽ là từ công trình của Aladin El-Mafaalani thuộc Đại học Münster, người đã tiến hành phỏng vấn học sinh và phụ huynh từ Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ và so sánh hai nhóm nhập cư này với nhau. Xin mở ngoặc một chút để các bạn ở ngoài Đức biết là trên báo chí và công luận Đức, thành công của học sinh Việt Nam vẫn thường được đem ra để so sánh với kết quả học tập kém khả quan hơn của học sinh xuất thân từ Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí có những chính khách thân hữu như Thilo Sarazin còn coi đây như một bằng chứng về thái độ khước từ hội nhập của người nhập cư Hồi giáo. Tuy nhiên theo kết quả khảo sát của El-Mafaalan, không phải các bậc phu huynh có nguồn gốc Thổ Nhỹ Kỳ hay Ả Rập không dành một mối quan tâm tương xứng cho việc học tập của con cái. Điều khác biệt lớn nhất nằm ở chỗ họ đặt một niềm tin rất lớn vào giáo viên và gần như giao phó việc học hành của con cái cho nhà trường, trong lúc đó các bậc phụ huynh Việt Nam lại coi gia đình là nơi chịu trách nhiệm chính cho thành công của học sinh và thầy cô giáo, mặc dù rất được tôn trọng, chỉ đóng vai trò trọng tài đánh giá công bằng các kết quả học tập. El-Mafaalan đưa ra những nhận xét cụ thể như “các bậc bố mẹ Việt Nam sẵn sàng trả 20 đến 30 Euro cho một giờ học ngoại khoá hay học nhạc của con cái, ngay cả lúc bản thân họ chỉ thu nhập được đến mức 8 đến 10 Euro một giờ”. Tuy nhiên có một điều khá bất ngờ là theo Olaf Beuchling, một nhà nghiên cứu giáo dục ở Hamburg đã theo dõi kết quả học tập của học sinh Việt Nam từ mười lăm năm nay, không thể đưa ví dụ của học sinh Việt Nam để làm mẫu mực cho các nhóm nhập cư khác. Chính sách hội nhập của Đức nhắm tới đối tượng chủ yếu là trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ và xuất phát từ hình dung rằng hội nhập càng tốt thì thành công trong giáo dục càng cao. Kết quả khảo sát của Beuchling cho thấy có một quy trình diễn ra ngược lại đối với người Việt: càng thích ứng với văn hoá Đức, thành công của học sinh Việt Nam lại càng giảm sút. Theo ông, “người Việt ở thế hệ thứ hai và thứ ba ở Đức đã đánh mất một phần chuẩn mực ứng xử của Nho giáo” và kết quả nhãn tiền là: kết quả học tập của họ đi xuống – giống như các học sinh Đức.

Nguồn[sửa]