Thành công như đóa hoa nở muộn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tiểu thuyết gia Robert Louis Stephenson từng nói: “Sống với con người thực của chúng ta và trở thành người mà chúng ta có khả năng trở thành chính là đích đến duy nhất của cuộc đời”.[1] Nói cách khác, mục đích xứng đáng nhất trong cuộc sống là trở thành chính mình, bất kể điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với bạn. Sự phát triển cá nhân có thể được mở ra với muôn vàn cách khác nhau, tùy vào hoàn cảnh của từng người.[2] Bởi thế, thật sai lầm khi cho rằng sự phát triển cá nhân phải phù hợp với những trông đợi đã hình thành trong suy nghĩ của chúng ta từ trước đó.[3] Bạn cảm thấy chưa phát huy đầy đủ tiềm năng của mình không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ thành công rực rỡ hoặc không thể trở thành con người mà bạn thực sự mong muốn. Có vô vàn những khả năng mà trí não và cơ thể con người có thể vươn tới, ngay cả trong giai đoạn muộn của cuộc đời.[4] Cho dù ở độ tuổi nào hay ở địa vị xã hội nào, bạn đều có thể chủ động theo đuổi những ước mơ của mình. Biết đâu bạn sẽ trở thành một đóa hoa nở muộn, một người trở thành chính mình muộn hơn những người khác.

Các bước[sửa]

Hiểu và đầy lùi ranh giới của bạn[sửa]

  1. Quyết định liệu bạn có muốn trở thành “đóa hoa nở muộn” không. “Đóa hoa nở muộn” ngụ ý về một người đạt tới tiềm năng của mình trong giai đoạn muộn của cuộc đời so với bạn bè hay đồng nghiệp. Họ không phải là người thất bại, họ chỉ thành công muộn hơn những người khác. Có nhiều kiểu “nở muộn”:
    • “Nở muộn” trong học vấn. Có thể thành tích học tập trong trường của bạn trước đây vẫn chỉ ở mức trung bình, cho đến một ngày bỗng nhiên bạn tỏa sáng và vượt xa nhiều học sinh khác trong một kỳ thi. Có thể do bạn kết nối được những điều học ở trường với mục tiêu nào đó trong cuộc sống tương lai. Hoặc có thể bạn sử dụng được những điều đang học để biến cuộc sống của bạn trở thành tốt đẹp hơn ngay trong hiện tại. Dù là trường hợp nào, bạn cũng có nhiều khả năng tỏa sáng trong môi trường học tập nếu bạn tìm được ý nghĩa ở những điều bạn đang học.[5]
    • “Nở muộn” trong sự nghiệp. Có thể kể từ khi trưởng thành, bạn mất đến 15-20 năm đầu phân vân không biết mình muốn theo đuổi nghề nghiệp gì. Thế rồi đột nhiên bạn bước vào nghề một cách tình cờ và thành công rực rỡ. Để tỏa sáng trong sự nghiệp, bạn phải tìm được sự đam mê trong những việc mình làm. Có thể bạn nhiệt thành với những người cùng làm việc với bạn hoặc với những điều bạn đã đạt được.[6] Nếu không cảm thấy say mê với những điều đó, bạn hãy thử hỏi bạn bè và người thân xem họ có thể tìm thấy sự đam mê trong nghề nghiệp của họ không. Hoặc bạn có thể thử tìm những ngành nghề mới có khả năng đáp ứng đam mê của bạn.
    • “Nở muộn” trong đời sống xã hội. Trong khi bạn bè ai cũng đã trải qua mối tình đầu thì ý tưởng làm quen bạn mới và hẹn hò đối với bạn vẫn xa lạ, thậm chí còn đáng sợ. Cho đến một ngày bạn nhận ra rằng nói chuyện với mọi người thực ra không đáng sợ như bạn tưởng, và đời sống xã hội của bạn bắt đầu phát triển và “nở hoa”.
  2. Suy nghĩ về những điều đang trói buộc bạn. Chúng ta thường ra những quyết định dựa trên mức độ an toàn trong môi trường của mình, đặc biệt trong thời niên thiếu. Quan trọng không kém là khả năng gắn kết với những người khác của chúng ta.[7] Ngay cả khi đã trưởng thành, những nỗi sợ hãi bắt nguồn từ sự bất an thời thơ ấu có thể chế ngự những hành động của chúng ta.
    • Bằng việc thử nghiệm bước ra khỏi giới hạn của môi trường quen thuộc, bạn có thể chống lại những bất an của mình. Từ đó, bạn sẽ khám phá được những khả năng mới cho cuộc sống của bạn.[8]
    • Để vượt ra khỏi bức tường giam hãm mình, bạn cần phải thử những điều mới mẻ thuộc nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của bạn. Mỗi lần có cơ hội, bạn nên cố gắng thử những trải nghiệm mới. Các bước tiếp theo đó sẽ cho bạn những gợi ý cụ thể.
  3. Thử nghiệm với những hoạt động hàng ngày của bạn. Các nhà tâm lý học tin rằng năng lực cá nhân của con người có liên quan mật thiết đến môi trường chúng ta đang sống.[9] Bạn hãy thử trải nghiệm với những hoàn cảnh đó bằng cách thúc đẩy bản thân bước ra khỏi vùng an toàn của mình.
    • Ví dụ, hãy tưởng tượng nếu phần lớn thời gian bạn ở nhà một mình hay làm việc tách biệt trong văn phòng riêng, bạn sẽ khó có cơ hội phát triển năng lực ở những lĩnh vực như vận động thể chất hay giao tiếp xã hội. Điều này là sự thực, cho dù những lĩnh vực này là một phần trong tố chất bẩm sinh của bạn.
    • Để vượt qua những giới hạn này, bạn có thể tham gia một lớp rèn luyện thân thể hàng tuần. Hoặc có thể bạn chỉ cần quyết tâm đi dạo công viên nhiều hơn. Cho dù bằng cách nào, việc trải nghiệm những sự thay đổi về hoàn cảnh hoặc thúc đẩy mình làm điều gi đó mới mẻ có thể khơi gợi cho bạn những cảm xúc và những ý tưởng mới về những điều có thể xảy ra.
  4. Phát triển các mối quan hệ mới. Nếu bạn chỉ tiếp xúc với cùng những con người mà bạn vẫn gặp hàng ngày, năng lực của bạn sẽ không thể phát triển theo hướng mới. Việc tiếp xúc với những người có quan điểm trái ngược với mình có thể giúp mở mang cơ hội cho bạn và cho mọi người.
    • Bạn có thể mở rộng tầm mắt khi giao lưu với những người mới. Điều đó sẽ giúp bạn chống lại những khuôn mẫu và những định kiến, đồng thời cho bạn cơ hội trải nghiệm những phong cách sống mới mẻ.[10]
    • Bắt chuyện với một người lạ trong tiệm cà phê hoặc tham gia một nhóm giao lưu gồm những người có cùng mối quan tâm với bạn.
    • Nếu cảm thấy mình không thể gặp gỡ người lạ nhưng vẫn muốn có người mới để trò chuyện, bạn có thể nghĩ đến sự giúp đỡ của chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc huấn luyện viên kỹ năng sống. Họ có thể lắng nghe và tư vấn cho bạn những chiến thuật nhằm thúc đẩy bản thân bước ra khỏi vùng an toàn của mình và tiếp xúc với những người khác.
  5. Xem xét lại quan niệm của bạn về bản thân. Chúng ta thường tự kìm hãm bản thân phát huy những tiềm năng do những mong đợi không thực tế về việc chúng ta phải trở thành người như thế nào.[11] Những mong đợi này bắt nguồn từ thời thơ ấu, và có thể là từ những kỳ vọng của cha mẹ chúng ta. Thậm chí chỉ cần một ý nghĩ so sánh thoáng qua trên facebook cũng tạo nên những kỳ vọng thiếu thực tế về cuộc sống.
    • Cho dù những quan niệm đó xuất phát từ đâu, điều bạn cần làm là thách thức chúng mỗi khi cảm thấy chúng cản trở bước đi của mình. Khi những ý nghĩ đó xuất hiện, bạn hãy hít một hơi thật sâu và tập trung vào những điều mà hiện giờ bạn có thể làm để cuộc sống được tốt đẹp hơn.
    • Thử đặt ra những kỳ vọng cho tương lai bằng nhận thức của bạn trong khoảnh khắc hiện tại. Tập trung vào tiến trình vươn tới mục tiêu thay vì chỉ chú ý đến kết quả.
    • Ví dụ, tưởng tượng bạn đang cần một người bạn mới. Bạn hãy suy nghĩ tìm cách đạt được mục tiêu đó bắt đầu từ thời điểm hiện tại. Liệu bạn có thể có một người bạn mới chỉ với ý nghĩ mong muốn kết bạn, hay trước hết bạn phải nói chuyện với một người mới? Có lẽ bước đầu tiên bạn cần làm là ở giữa những con người mới.
  6. Tránh so sánh cuộc sống của mình với những người khác. Mỗi người trong chúng ta đều là một cá thể duy nhất với những khả năng thể chất và cấu tạo sinh học riêng biệt. Điều đó có nghĩa là mỗi người đều phát triển theo nhịp điệu và tốc độ khác nhau. Con người thường đạt đến những cột mốc phát triển nhất định với những tốc độ khác nhau và theo cách của riêng mình.[12]
    • Những năm cuối độ tuổi 20 là thời kỳ mà thể chất và trí não của nhiều người không còn phát triển với tốc độ vững chắc như trước nữa. Dù vậy, cơ thể vẫn duy trì được sự dẻo dai nhất định trong suốt cuộc đời. Điều này chính là tiềm năng cho những thay đổi ngoạn mục trong cá tính và hành vi của con người vào thời điểm nào đó, ngay cả trong giai đoạn muộn của cuộc đời.[13]
    • Cơ thể con người phát triển theo nhịp độ và quỹ đạo không ai giống ai. Điều đó nghĩa là bạn hoàn toàn có thể đạt tới những cột mốc về sinh học và trí tuệ ở những thời điểm trong cuộc đời khác với những người khác. Thậm chí đôi khi bạn không đạt được những cột mốc đó cũng là hoàn toàn bình thường.
    • Ví dụ như, tuổi dậy thì có thể bắt đầu ở những độ tuổi rất khác nhau, tùy thuộc vào những yếu tố như chủng tộc, kết cấu mỡ của cơ thể và mức độ stress.[14] Bạn không thể ép mình bước vào giai đoạn dậy thì khi cơ thể chưa sẵn sàng. Bạn sẽ chỉ tự tạo áp lực không đáng có khi cố gắng làm một người không đúng với bản chất của bạn.
    • Khi nhận thấy bạn đang so sánh cuộc sống và những khả năng của mình với những người khác, bạn hãy hít một hơi thật sâu và cố gắng tập trung vào phút giây hiện tại. Tìm kiếm niềm vui và sự đam mê trong những hoạt động mà bạn tham gia thường ngày là cách tốt nhất để tỏa sáng ở bất cứ tuổi nào.
  7. Thực hành những bài tập hít thở sâu hoặc chú tâm. Các bài tập thiền và hít thở sâu sẽ giúp bạn chú ý vào cơ thể mình trong phút giây hiện tại. Đó là những công cụ tuyệt vời để đẩy lùi những ý nghĩ ám ảnh hoặc vô ích về quá khứ hoặc tương lai.[15]
    • Bạn có thể thực hành bài tập thiền đơn giản bằng cách ngồi ở một nơi thoải mái, hai bàn tay đặt trên đùi. Hít thở thật sâu và cảm nhận luồng không khí đang tràn khắp cơ thể. Tập trung hoàn toàn vào bài tập thở. Nếu những suy nghĩ của bạn bắt đầu đi lan man, bạn hãy cố gắng tập trung lại vào hơi thở và khoảnh khắc hiện tại.[16]
    • Khi đã thành thạo hơn trong việc tập trung vào hiện tại, bạn hãy cho phép mình cuốn vào những hoạt động mà bạn yêu thích. Bằng cách này, các mục tiêu và kỳ vọng của bạn vào tương lai có thể phát triển từ những khao khát và đam mê của riêng bạn.

Phát huy tối đa những điểm mạnh của bạn[sửa]

  1. Kết nối với nội tâm của bạn. Những người thành công muộn thường là những người suy ngẫm sâu sắc. Họ thường cố gắng kiểm soát nhiều khía cạnh trong cuộc sống hơn những người khác.[17] Có thể bạn là người thông minh; hãy tìm cách sử dụng bản chất biết suy ngẫm của bạn làm lợi thế.
    • Xu hướng suy ngẫm và kiềm chế của bạn có thể đồng nghĩa rằng những người khác đạt được mục tiêu của họ nhanh hơn bạn. Tuy nhiên nhờ việc dành thì giờ để suy nghĩ thấu đáo, bạn có thể có nhiều khả năng hơn mọi người và sẵn sàng nắm quyền chỉ huy một khi đã nắm bắt được cơ hội.
    • Tập viết lách. Nếu thường ở nhà hoặc thỉnh thoảng muốn tìm cách giết thời gian, bạn hãy thử tập sáng tác. Bạn có thể viết dưới dạng thơ hoặc văn xuôi. Dù bằng hình thức nào, viết lách có thể là một cách tuyệt vời để khơi lên tố chất sáng tạo của bạn.[18] Việc này có thể giúp bạn phát triển và tỏa sáng trong một lĩnh vực không ngờ tới.
    • Thử bước vào nghệ thuật hoặc âm nhạc. Nếu việc sáng tác không phải là sở trường của bạn, có thể nghệ thuật hội họa hoặc nhiếp ảnh hay âm nhạc lại là những loại hình thích hợp. Những hoạt động này cũng có thể giúp bạn kết nối với tính sáng tạo của mình.
  2. Ghi chép lại những suy nghĩ của bạn. Việc đi theo những suy nghĩ và ý tưởng của mình sẽ giúp bạn kết nối với những khao khát và tiềm năng của bạn. Xa hơn nữa, trong tiến trình hướng tới chỗ đứng của mình, bạn có thể giúp đỡ được những người khác, đặc biệt là người thân trong gia đình.
    • Những tố chất của bạn có thể được truyền lại cho người khác. Nếu con cái của bạn hoặc một thành viên khác trong gia đình học được từ những kinh nghiệm của bạn thì nghĩa là bạn đã giúp người khác có cuộc sống tốt đẹp hơn.
    • Ghi nhật ký hàng ngày. Viết nhật ký có thể là một cách tuyệt vời để khám phá các cảm xúc và cho phép chúng tuôn chảy vào đời sống hàng ngày của bạn.[19] Đừng cố gắng buộc mình phải viết theo một cấu trúc nhất định. Hãy viết ra bất cứ ý tưởng nào nảy ra trong đầu bạn. Ngồi xuống và bắt đầu để cho trí óc tự do liên tưởng – bạn sẽ rất kinh ngạc về những câu chữ chảy dưới ngòi bút của mình. Đây cũng là một cách hay để khuyến khích bạn xem xét nội tâm và suy nghĩ sâu sắc.
    • Luôn giữ “sổ ý tưởng” bên mình. Bạn hãy dành một quyển sổ để ghi lại những ý tưởng của mình, có thể để đầu giường hoặc trong túi. Sổ ý tưởng sẽ giúp ích cho bạn trong những giờ phút bạn do dự hoặc những khi nao núng. Mỗi khi trong đầu lóe lên một ý tưởng nào đó, bạn hãy ghi lại. Những người thành công muộn thường đầy ắp ý tưởng, đôi khi nhiều đến mức họ không biết phải làm gì. Bạn có thể lưỡng lự khi một ý tưởng nảy ra trong óc. Nhưng ý tưởng đó vẫn có ý nghĩa, và biết đâu sau này lại có ích khi bạn quay lại với nó.[20]
  3. Biết các điểm mạnh của bạn. Những người thành công muộn thường có nhiều phẩm chất rất quý giá. Đó là sự suy ngẫm, xem xét và kiên nhẫn. Họ thường có khả năng tư duy trừu tượng cao và có óc sáng tạo.[21]
    • Tận dụng những ưu điểm đó để xây dựng sự tự tin và để tự nâng đỡ mình trong những thời điểm khó khăn của cuộc đời.
    • Do bản chất kiên trì và suy ngẫm của bạn, mọi người có thể tìm đến bạn mỗi khi họ gặp rắc rối. Bạn hãy dùng những kỹ năng của mình để giúp đỡ họ. Tính kiên nhẫn và suy ngẫm của bạn cũng là những phẩm chất mà bạn có thể dùng trong việc chọn sự nghiệp hoặc lối sống. Ví dụ như bạn có thể trở thành một luật sư hoặc viện sĩ xuất sắc.
  4. Tin vào bản thân và những khả năng của mình. Bạn đang tiến bước và có thể vượt qua những thách thức của cuộc đời. Nếu có lúc nào đó bắt đầu cảm thấy chùn bước, bạn hãy tự nhắc mình rằng bạn là người có tài năng với những kỹ năng quý giá.
    • Có thể bạn mất nhiều thời gian hơn người khác để đạt được thành tựu của mình. Tuy nhiên bạn đừng quên là sự thành đạt chóng vánh không phải lúc nào cũng như một câu chuyện cổ tích hóa thành sự thực. Nhiều người e sợ đi những bước quả quyết bởi vì họ quá vội vã và không biết mình đang làm gì. Những người thành công muộn tránh được cảm giác đó bằng cách đi chậm rãi hơn và biết chắc điều họ đang làm.
    • Song song đó bạn cũng cần học từ những sai lầm của mình. Những trở ngại trên bước đường tiến tới thành công không phải là những thất bại. Chúng có thể trở thành những bài học quý báu giúp bạn suy ngẫm để tìm cách làm tốt hơn vào lần sau.[22]
  5. Tận hưởng thành quả của mình và tiếp tục phát huy. Khi đạt được một điều nào đó trong cuộc sống, bạn hãy công nhận thành quả của mình. Dùng thành công đó để làm động lực thúc đẩy mình vươn tới những thành tựu mới.[23]
    • Có thể bạn cần nhiều thời gian để đạt được những mục tiêu của mình. Nhưng có lẽ nhờ đó mà bạn biết rõ việc mình đang làm hơn những người thành đạt sớm.
    • Mọi người có thể bắt đầu tìm đến bạn để nhờ giúp đỡ khi họ nhận thấy kinh nghiệm và hiểu biết của bạn. Bạn đã dành nhiều thời gian để suy ngẫm về cuộc sống.Hơn thế nữa, bạn đã tự mình rút ra kết luận thay vì tiếp nhận từ những người khác.

Lời khuyên[sửa]

  • Giúp đỡ những “đóa hoa nở muộn” khác tìm ra con đường của họ trong cuộc sống. Khẳng định với họ rằng họ không chậm chạp hoặc kém thông minh hơn những người khác. Mỗi người trong chúng ta đều có giá trị và ai cũng có mục đích của mình.
  • Nuôi dưỡng tính hài hước. Hãy cười đùa thường xuyên, nhất là tự cười mình. Tiếng cười có thể giảm căng thẳng và giúp những khó khăn trong cuộc sống trở nên dễ xử lý hơn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Maxwell, J. C. (2008). Today Matters: 12 Daily Practices to Guarantee Tomorrow’s Success. Center Street.
  2. Gilligan, C. (1993). In a Different Voice: Psychological Theory and Women’s Development (Reissue edition). Cambridge, Mass: Harvard University Press.
  3. Burman, E. (2007). Deconstructing Developmental Psychology. Routledge.
  4. http://www.huffingtonpost.com/2012/12/02/encore-career_n_2212614.html
  5. https://www.psychologytoday.com/blog/freedom-learn/201212/can-you-measure-education-can-you-define-life-s-meaning
  6. Robinson, K., & Aronica, L. (2009). The Element: How Finding Your Passion Changes Everything (Reprint edition). Concordville, Pa.; Norwood, Mass.: Penguin Books.
  7. Kidd, C., Palmeri, H., & Aslin, R. N. (2013). Rational snacking: Young children’s decision-making on the marshmallow task is moderated by beliefs about environmental reliability. Cognition, 126(1), 109–114. http://doi.org/10.1016/j.cognition.2012.08.004
  8. Schrage, M. (1999). Serious Play: How the World’s Best Companies Simulate to Innovate (1 edition). Boston, mass: Harvard Business Review Press.
  9. Morgan, P. (2010). Towards a developmental theory of place attachment. Journal of Environmental Psychology, 30(1), 11–22. http://doi.org/10.1016/j.jenvp.2009.07.001
  10. Putra, I. E. (2014). The role of ingroup and outgroup metaprejudice in predicting prejudice and identity undermining. Peace and Conflict: Journal of Peace Psychology, 20(4), 574–579. http://doi.org/10.1037/pac0000068
  11. http://www.joyfuldays.com/how-to-get-rid-of-unrealistic-expectations/
  12. Greenfield, P. M., Keller, H., Fuligni, A., & Maynard, A. (2003). Cultural pathways through universal development. Annual Review of Psychology, 54, 461–490. http://doi.org/10.1146/annurev.psych.54.101601.145221
  13. Doidge, N. (2007). The Brain That Changes Itself: Stories of Personal Triumph from the Frontiers of Brain Science (1 Reprint edition). New York: Penguin Books.
  14. http://www.medicinenet.com/puberty/article.htm
  15. Fairfax, H. (2008). The use of mindfulness in obsessive compulsive disorder: suggestions for its application and integration in existing treatment. Clinical Psychology & Psychotherapy, 15(1), 53–59. http://doi.org/10.1002/cpp.557
  16. http://secularbuddhism.org/meditation-support/basic-meditation-instructions/
  17. Baams, L., Overbeek, G., Dubas, J. S., & van Aken, M. A. G. (2014). On early starters and late bloomers: the development of sexual behavior in adolescence across personality types. Journal of Sex Research, 51(7), 754–764. http://doi.org/10.1080/00224499.2013.802758
  18. http://www.dailywritingtips.com/creative-writing-101/
  19. Hubbs, D. L., & Brand, C. F. (2005). The Paper Mirror: Understanding Reflective Journaling. Journal of Experiential Education, 28(1), 60–71. http://doi.org/10.1177/105382590502800107
  20. http://ideasuploaded.com/keeping-an-inventors-journal-or-ideas-book/
  21. http://www.2enewsletter.com/article_2012_05_eides.html
  22. http://www.rootsofaction.com/learning-from-mistakes-helping-children-see-the-good-side-of-getting-things-wrong/
  23. http://www.raminader.com/like_riding_a_bike.htm