Yêu thích đến trường

Từ VLOS
(đổi hướng từ Thích đi học)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trường học không nhất thiết phải trở thành nơi giam cầm. Cho dù việc đến trường đem lại cho bạn cảm giác khó khăn, nhàm chán, hoặc chỉ đơn giản là căng thẳng thì bạn cũng có thể học cách thay đổi nó theo hướng tích cực hơn. Hãy vạch ra những chiến lược cụ thể để trường học có thể trở thành một nơi dễ dàng hơn, nơi mà bạn có thể gặp gỡ được nhiều bạn mới và thú vị hơn.

Các bước[sửa]

Kết bạn[sửa]

  1. Tìm một nhóm bạn. Đi học sẽ trở nên vui hơn nếu bạn được vậy quanh bởi một nhóm bạn có cùng sở thích, những người bạn mà bạn quý mến. Dù sở thích của bạn có là về âm nhạc, bóng đá hay động vật đi chăng nữa thì việc tìm cho mình những học sinh mà bạn có thể nói chuyện và kết bạn là rất quan trọng. Hãy nhớ rằng một người bạn là người cùng chia sẻ những sở thích chung với bạn.
    • Giờ giải lao là thời điểm thích hợp nhất để kết bạn. Nếu bạn thấy có ai đó cũng đang làm những điều mà bạn thích làm thì hãy tiến đến và nói “Xin chào”. Nói chuyện là một trong những cách tốt nhất.
    • Đừng lo lắng về việc bạn có thể tạo sự chú ý, hay chơi cùng những bạn bè nổi trội. Hãy lo về việc lựa chọn kết bạn với những người bạn mà bạn thích chơi cùng và tránh những người mà bạn không thích.
  2. Tham gia câu lạc bộ ngoại khoá. Một cách hay khác để kết bạn là tham gia vào câu lạc bộ hoặc nhóm hoạt động của trường. Chẳng hạn như câu lạc bộ âm nhạc, câu lạc bộ cờ vua, hay thậm chí câu lạc bộ khiêu vũ. Hãy xem qua danh sách các câu lạc bộ của trường và xem xét việc tham gia vào một câu lạc bộ mà bạn thích.
    • Nếu không có câu lạc bộ nào mà bạn thích, bạn có thể tự lập ra một câu lạc bộ riêng của mình. Ví dụ như bạn có thể lập ra câu lạc bộ game hoặc câu lạc bộ ảo thuật. Khi bạn đã có ý tưởng về câu lạc bộ của mình và đã xác định lợi ích mà nó sẽ đem lại cho nhà trường, bạn có thể tìm một giáo viên để làm người bảo trợ cho câu lạc bộ của bạn, hoặc tự tay thành lập nó với một vài người bạn.
    • Hãy thử tham gia vào một câu lạc bộ nào đấy mà bạn chưa từng quan tâm, vì như vậy bạn sẽ có cơ hội gặp nhiều người mà thường ngày bạn hiếm khi gặp. Thậm chí nếu bạn hát không hay, bạn cũng có thể tham gia vào dàn hợp xướng của trường. Hãy tận dụng cơ hội này để giao lưu và kết bạn.
  3. Thử tham gia một môn thể thao đồng đội nào đó. Một số trường học cho phép các đội thể thao tổ chức buổi thi đấu giao lưu với các trường khác để học sinh có dịp làm quen với nhau. Bóng đá, điền kinh, bóng rổ, bóng chuyền sẽ là những hoạt động làm cho trường học trở nên thú vị hơn.
    • Nếu bạn không muốn chơi thể thao, hãy xem xét việc tham gia cổ vũ đội tuyển của trường cùng bạn bè. Thường thì bạn có thể tham dự miễn phí, và đây cũng sẽ là cơ hội tốt để làm quen thêm nhiều bạn mới.
    • Thể thao không phải dành cho tất cả mọi người, đôi khi có nhiều hoc sinh cường điệu hoá việc chơi thể thao. Thể thao có thể là một cách hay để học thêm nhiều kỹ năng, kết bạn, và có được khoảng thời gian vui vẻ, nhưng cũng có thể là nguồn đem lại căng thẳng cho bạn. Khuyến cáo bạn không nên tham gia vào các trò chơi làm bạn căng thẳng hơn; chỉ nên tham gia những trò chơi mà bạn thích.
  4. Hãy thả lỏng. Khi một ai đấy chọc giận bạn, thay vì suy nghĩ tiêu cực về nó và làm tổn thương bản thân mình, bạn hãy cười trừ và đáp lại một cách hài hước, và hãy thật tự nhiên. Một cách để kết bạn là đừng quan trọng hoá mọi vấn đề, đôi khi bạn cần phải học cách bỏ qua mọi chuyện. Trường học không nhất thiết phải là nơi giam cầm. Nó cũng có thể trở thành một nơi tuyệt vời để vui chơi. Cứ hy vọng rằng bạn sẽ có nhiều niềm vui thì chắc chắn bạn sẽ bắt đầu trở nên vui vẻ hơn và kết bạn nhiều hơn.
    • Học trò thường hay thích kết bạn với những người bạn trông có vẻ vui vẻ và hài hước, chứ không phải những người lúc nào cũng cau có và khó chịu. Nếu bạn muốn kết bạn, bạn nên thả lỏng và thoải mái.

Tạo Niềm vui[sửa]

  1. Giữ cho tinh thần luôn lạc quan mỗi ngày. Thức dậy với một thái độ tồi tệ sẽ làm hỏng ngày mới của bạn nên thay vào đó, hãy bắt đầu ngày mới với những giai điệu nhạc đầy sức sống, ăn một bữa sáng dành cho nhà vô địch, và làm cho buổi học hôm nay trở nên tuyệt vời. Nếu bạn tin rằng ngày hôm nay sẽ vui vẻ, thì chắc chắn mọi thứ sẽ giống như bạn mong đợi.
    • Chọn một bản nhạc “đánh thức” để nghe vào mỗi sáng trước khi đi học. Bạn có thể đặt báo thức bằng một bản nhạc bạn yêu thích trên điện thoại của bạn hoặc là trên đài phát thanh, vì như vậy mỗi khi thức dậy, điều đầu tiên bạn nghe sẽ là bản nhạc đem lại năng lượng và làm bạn cảm thấy hạnh phúc. Đừng cài báo thức theo kiểu chuông nhàm chán.
    • Cố gắng ăn một bữa sáng bổ dưỡng, có như vậy bạn mới có đủ năng lượng cho một ngày mới. Tập trung vào những loại hoa quả tốt cho sức khoẻ hoặc ngũ cốc nguyên hạt, tránh ăn các thực phẩm đã qua chế biến sẵn và các loại thực phẩm chứa nhiều đường như bánh ngọt. Ví dụ bạn có thể ăn một quả táo.
  2. Cá nhân hoá các vật dụng học tập. Nếu bạn cảm thấy làm như vậy sẽ vui vẻ hơn và thoải mái hơn khi đi học, hãy thử trang trí ba lô, bìa sách, tập vở, khoá, và các vật dụng cần thiết khác. Sử dụng miếng dán hình, vẽ bằng bút kim tuyến, cài huy hiệu yêu thích, hay những thứ khác để làm cho đồ dùng học tập trở nên thú vị hơn khi bạn mang chúng đến trường.
  3. Mặc trang phục mà bạn cảm thấy thoải mái. Xu hướng thời trang thay đổi liên tục nên không thể nói trước được kiểu trang phục nào là đẹp nhất. Tuy nhiên không có nghĩa là bạn phải chạy theo thời trang và chọn những quần áo đắt tiền. Mặc những trang phục làm bạn thấy thoải mái, các loại quần áo cho phép bạn có thể thả lỏng và vui chơi ở trường.
    • Nếu có thể, hãy chuẩn bị sẵn trang phục đi học vào đêm trước, như vậy thì bạn sẽ đỡ chật vật hơn vào sáng ngày mai, chỉ cần thức dậy và đã có ngay một bộ trang phục sạch sẽ để mặc và sẵn sàng đến trường. Hãy học cách tự giặt quần áo, như vậy thì bạn mới không phải lo lắng về việc chiếc áo yêu thích của bạn hôm nay sạch hay dơ.
  4. Hãy mơ mộng một chút. Thực tế thì có đôi khi đi học sẽ trở nên khá nhàm chán. Thay vì ngồi chịu trận trong các tiết học và buồn tẻ chờ đợi thời gian trôi qua thì bạn có thể sử dụng trí tưởng tượng của mình để mọi thứ trở nên thú vị hơn!
    • Hãy tưởng tượng mình đang nhập vai thành một thuyền trưởng, hay nghĩ về một câu chuyện mà bạn là tác giả và cũng là nhân vật chính. Hay bạn có thể trở thành một đặc nhiệm bí mật nào đó được cử vào trường để theo dõi một số đối tượng. Hãy thêm vào một chút gia vị để không khí bớt nhàm chán hơn.

Làm Trường học Trở nên Dễ dàng hơn[sửa]

  1. Luôn ngăn nắp. Một trong những phần gây căng thẳng nhất và bực bội nhất cho học sinh là bảo đảm mình đến trường với đầy đủ những vật dụng cần thiết. Vở tiếng Anh đâu? Sách Toán đâu? Bút chì đã được chuốt nhọn chưa? Càng ít phải lo lắng về những thứ này thì bạn sẽ càng có thể tập trung học tập và mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
    • Hãy mua bìa đựng tài liệu để dễ dàng sắp xếp bài tập và các bản ghi chú. Bỏ những tài liệu quan trọng vào đấy và nhớ thường xuyên dọn dẹp lại chúng để các tài liệu cũ không bị chất chồng trong đấy. Vứt bỏ các tài liệu cũ vào sọt rác.
    • Có một quyển sổ để ghi chú các bài tập về nhà, hoặc ghi chú các kế hoạch hằng ngày. Cách này sẽ giúp bạn không bao giờ quên làm bài tập về nhà. Theo dõi chặt chẽ thời hạn làm bài để luôn hoàn thành bài tập đúng hẹn.
  2. Đừng suy nghĩ quá khắt khe về giáo viên. Giáo viên cũng như học trò: nhiều giáo viên dạy hay, nhiều giáo viên lại không được hay lắm. Tuy nhiên giáo viên sẽ là những người phụ trách lớp học, vì vậy ngay cả khi bạn cảm thấy chán học, bạn cũng nên tử tế với thầy cô, vì có thể thầy cô cũng sẽ dễ dàng hơn với bạn. Có như vậy thì một ngày của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn.
    • Tán chuyện với bạn bè trong lớp khi thầy cô đang giảng bài nghe có vẻ hay ho, tuy nhiên về lâu dài, bạn có thể sẽ lâm vào tình thế căng thẳng và rắc rối hơn khi bạn bị cho điểm kém hay bị phạt.
    • Nếu bạn có biệt danh “cá biệt” trong lớp, bạn có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi bị thầy cô chú ý thường xuyên, tuy nhiên bạn cũng có thể thay đổi tình hình bằng cách gặp thầy cô sau tiết học và nói rằng bạn đang cố gắng để học tốt hơn. Hãy hỏi thầy cô làm cách nào để học tốt hơn hay làm thế nào để tránh gặp rắc rối. Thầy cô chắc hẳn sẽ có ấn tượng tốt với bạn.
  3. Dành thời gian học tập một cách hợp lý. Bài tập về nhà sẽ không phải là gánh nặng nữa nếu bạn tiết kiệm đủ thời gian để hoàn thành nó. Loại bỏ những lo lắng và căng thẳng về việc làm bài tập bằng cách ngồi vào bàn học sớm và nhanh chóng làm cho xong bài tập thay vì đợi đến phút chót mới làm. Không phải buổi sáng trước khi đi học sẽ trở nên bớt căng thẳng hơn nếu bạn không cần vội vàng cố gắng hoàn tất bài tập về nhà hay sao? Không phải đi học sẽ trở nên vui hơn nếu bạn không phải lo lắng về việc sẽ bị điểm kém hay sao?
    • Giả sử như bạn có thời hạn một tháng để hoàn thành một dự án quan trọng. Bạn có thể để đó và bắt đầu làm vào ngày cuối cùng. Hoặc là bạn có thể dành chỉ 30 phút mỗi tối để làm. Làm cách này vừa không tốn nhiều thời gian mà còn đỡ căng thẳng hơn việc phải ngồi suốt sáu tiếng đồng hồ vào ngày cuối cùng để hoàn thành dự án. [1]
  4. Yêu cầu trợ giúp nếu bạn gặp rắc rối với bài tập về nhà. Nếu bạn gặp khó khăn trong vấn đề học tập, đừng cố gắng một thân một mình chống chọi với nó. Đừng căng thẳng. Yêu cầu trợ giúp bằng cách tham gia các nhóm học tập ngoại khoá ở trường, hoặc đến học tại trung tâm gia sư nếu trường bạn có sẵn.
    • Hãy nhờ anh chị hoặc bố mẹ giảng bài cho bạn. Vì họ đã trải qua thời gian đi học rồi nên chắc chắn họ sẽ là một nguồn trợ giúp tuyệt vời cho bạn. Hãy nhờ gia đình giúp sức với các môn học ở trường.
    • Nếu bạn ngại đưa ra các câu hỏi trong giờ học, hãy hỏi giáo viên xem bạn có thể ở lại thêm 10- 15 phút sau giờ học hay không để họ có thể giảng lại cho bạn về những phần bạn chưa hiểu. Đừng giấu dốt!
  5. Quyết định xem bạn có nên chuyển trường khác hay không. Nếu bạn cảm thấy buồn chán và tẻ nhạt ở trường, hay là điểm số của bạn càng ngày càng tệ đi thì có thể các tài liệu dạy học của trường bạn chưa đủ thách thức với bạn. Trường học sẽ thú vị hơn nếu các tài liệu học tập gần gũi với sở thích của bạn hơn và thách thức khả năng tư duy hơn. Hãy xem xét các trường khác trong khu vực bạn ở và suy nghĩ xem nếu bạn nên chuyển trường khác hay không, hoặc là xem xét nếu bạn có đủ điều kiện để có thể "nhảy lớp" hay không.
    • Trường tư thục thường đắt đỏ, nhưng nếu bạn giỏi, bạn có thể đạt học bổng hoặc đủ tiêu chuẩn cho chương trình hỗ trợ tài chính của trường. Bạn nên tìm hiểu các lựa chọn trước khi quyết định.
    • Nếu bố mẹ bạn không ủng hộ việc chuyển trường, hãy nói chuyện với nhân viên tư vấn học tập hoặc với thầy cô mà bạn hay tâm sự. Hãy cho họ biết cảm xúc của bạn và nhờ họ giúp.
  6. Tránh xao nhãng khi học. Lén nghe nhạc bằng iPod trong lớp nghe thì hay nhưng nó cũng có thể đem lại rắc rối cho bạn, và thậm chí làm cho bạn theo không kịp bài vở nếu bạn không tập trung. Nghe có vẻ lạ nhưng cách tốt nhất để trở nên hứng thú với bài học là cố gắng tập trung nghe giảng, chứ không phải là tìm cách gây xao nhãng. [2]
    • Nghe có vẻ mơ hồ, nhưng bạn có thể liên tưởng rằng bạn đang học cách chế tạo robot thay vì học những công thức khô khan của môn toán học. Hãy sử dụng trí tưởng tượng của mình để có thể giữ tập trung.

Lời khuyên[sửa]

  • Tạo thói quen và thời gian biểu hợp lý cho riêng mình và theo đó mà thực hiện; hãy làm bất cứ thứ gì mà bạn cảm thấy thoải mái.
  • Tránh để tới phút cuối mới học bài, đặc biệt là khi học thi. Dù là kiểm tra một tiết hay thi cuối kỳ thì bạn cũng nên chuẩn bị trước đó ít nhất hai tuần.
  • Khi xem xét tham gia câu lạc bộ ngoại khoá, hãy suy nghĩ xem bạn quan tâm đến câu lạc bộ nào và bạn cần phải cam kết gì khi tham gia câu lạc bộ đó. Ngoài ra, bạn cũng nên tham khảo với ban quản lý của trường xem câu lạc bộ kéo dài bao lâu và xin phép bố mẹ xem sau giờ học bạn có được phép về trễ hay không.
  • Tính cạnh tranh trong học tập cũng có ích.
  • Kết bạn bằng cách nói chuyện về những thứ mà cả hai cùng thích, hay bạn có thể bắt đầu cuộc trò chuyện bằng một lời khen đơn giản. Ví dụ như khen chiếc áo mà người bạn ấy đang mặc chẳng hạn.
  • Hãy xử sự tử tế khi đi học.
  • Hỏi giáo viên dạy các môn học như Toán và Khoa học để biết bạn có thể sử dụng những kỹ năng này để làm gì trong cuộc sống. Ví dụ, phân số sẽ rất hữu ích trong việc thay đổi số lượng khẩu phần ăn của một công thức nấu ăn. Hiểu biết tầm quan trọng của các kỹ năng trong việc đem lại một cuộc sống dễ dàng hơn cho bạn sẽ thúc đẩy não bộ lưu trữ thông tin một cách tốt hơn.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn không xin phép bố mẹ trước khi quyết định trang trí các dụng cụ học tập như ba lô đi học, sách vở, ..., thì bạn có thể sẽ bị mắng nên trước tiên hãy hỏi ý kiến bố mẹ đã vì những cặp sách ấy khá mắc.
  • Đừng sử dụng những câu nói có ý xúc phạm một ai đó hoặc làm ai đó ghét bạn. Điều này sẽ đem lại rắc rối cho bạn và bạn có thể bị đình chỉ học tập hoặc tệ hơn.
  • Hãy cẩn thận với những người có ý hại bạn hay lợi dụng bạn vì mục đích riêng nào đấy. Nếu bạn nghĩ có người nào đấy đang có ý không tốt với bạn thì bạn nên báo cho người lớn biết.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây