Thay đổi để cuộc sống tốt đẹp hơn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Việc thay đổi cuộc sống vì điều tốt đẹp hơn bao gồm con người bạn, các khía cạnh trong cuộc sống, môi trường của riêng bạn, mục tiêu và khát vọng của bạn và động lực thúc đẩy bạn phấn đấu cho một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Cuộc đời là một chuyến hành trình, và một cách để thay đổi cuộc sống cho tốt đẹp hơn là chấp nhận rằng có nhiều điều trong cuộc sống nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.[1] Những thứ bạn có thể kiểm soát là thái độ, tầm nhìn, sức bật, sức khỏe tinh thần của bạn, và cách bạn phản ứng với những tình huống mà cuộc đời thử thách bạn. Thay đổi cuộc sống luôn là một quá trình mà không phải chỉ là việc điều chỉnh đơn giản.[2]

Các bước[sửa]

Tự Nhận thức[sửa]

  1. Tuân theo điểm kiểm soát bên trong của bạn. Điểm kiểm soát bên trong cho thấy cách bạn nhìn bản thân mình trong mối liên hệ với các sự kiện của cuộc sống và thái độ của bạn đối với những điều xảy đến với mình.[3] Điểm kiểm soát bên trong mạnh mẽ có nghĩa là bạn nhận trách nhiệm cho mọi việc trong cuộc sống của mình, bạn can đảm trong khả năng giải quyết vấn đề hoặc các khó khăn có thể xuất hiện trên con đường của bạn. Để bắt đầu thay đổi cuộc sống vì điều tốt đẹp hơn, hãy nâng cao điểm kiểm soát bên trong của mình.
    • Ngược lại, nếu có điểm kiểm soát bên ngoài, bạn sẽ cảm thấy như mọi thứ tự nhiên xảy ra với bạn, bạn là nạn nhân của hoàn cảnh, bạn không cảm thấy mình có năng lực để đối phó với những sự kiện khó khăn.
    • Một ví dụ đơn giản, hãy hình dung rằng bạn vừa trải qua một tai nạn xe hơi, không ai bị thương, bạn và người lái xe kia đều có lỗi. Nếu là người thiên về điểm kiểm soát bên trong, bạn sẽ chấp nhận tình huống, tin tưởng rằng bạn có thể giải quyết hậu quả, và mặc dù đây là tình huống khó khăn, bạn vẫn nghĩ rằng mình có khả năng xử trí. Nếu điểm kiểm soát của bạn nằm bên ngoài, bạn sẽ suy nghĩ kiểu như: “Tại sao điều này luôn xảy ra với mình? Chẳng có việc gì được như ý mình hết. Mình luôn làm mọi việc hỏng bét. Cả thế giới này chống lại mình, cho dù mình có làm gì đi nữa”.
  2. Xác định điểm kiểm soát của bạn nằm ở đâu. Có một bài trắc nghiệm đúng – sai đơn giản sẵn trên mạng, bạn có thể thử làm và chấm điểm trong khoảng mười phút để biết điểm kiểm soát của mình nằm ở đâu.[4] Làm bài trắc nghiệm để biết điểm của bạn, từ đó bạn có thể bắt đầu hiểu cách xử trí của bạn trong cuộc sống.
    • Khi hiểu về niềm tin và khả năng xử lý nghịch cảnh của mình, bạn sẽ có thể nhìn ra đâu là nơi mà bạn phải bắt đầu thay đổi thái độ đối với cuộc sống theo cách tích cực hơn và hiệu quả hơn.
  3. Biết tại sao bạn cần thay đổi. Cảm giác không thể kiểm soát bản thân hoặc cuộc sống của mình có thể dẫn đến cảm giác tù đọng, phiền muộn, bất lực và tuyệt vọng. Làm sao bạn có thể thay đổi cuộc sống cho tốt hơn nếu bạn cảm thấy bị sa lầy như vậy? Bạn đang sống cuộc sống của mình hay đang để cuộc sống nuốt mất bạn? Phần đông mọi người thường có xu hướng suy nghĩ tiêu cực về bản thân khi cuộc sống không diễn ra như họ tưởng tượng. Phản ứng này là bình thường, nhưng không có nghĩa là bạn không thể thay đổi.[5]
  4. Khởi động sự thay đổi bằng cách ghi nhật ký. Khi đã biết điểm kiểm soát của mình ở đâu và tại sao bạn cần thay đổi, bạn có thể bắt đầu hướng tới một cách tiếp cận cuộc sống nội tâm hơn, mạnh mẽ hơn. Viết lại những sự kiện gần đây khiến bạn giận dữ và thất vọng - chẳng hạn như các bài kiểm tra ở trường, biểu hiện trong công việc, lòng tự trọng trong mối quan hệ - và cả những thành công cũng như khả năng xử trí của bạn trước nghịch cảnh. Viết ra tất cả những sự việc khiến bạn lo lắng, hồi hộp, giận dữ hoặc day dứt mà bạn có thể nghĩ đến. Tiếp theo, bạn viết ra phản ứng tự nhiên của mình trước những tình huống đó. Ghi lại thật nhiều ví dụ trong thực tế hoặc trong tưởng tượng mà bạn có thể nghĩ ra được, cả những phản ứng và suy nghĩ và trung thực của bạn khi cuộc sống không diễn ra như mong muốn.
    • Ví dụ, người ta thường căng thẳng vì những biểu hiện ở trường hoặc ở nơi làm việc. Bạn hãy thử viết: “Nếu mình không đạt trong kỳ kiểm tra này, mình là kẻ thất bại và ngu dốt. Bài kiểm tra đó có lẽ không công bằng và mình không có đủ thời gian học bài. Mình không thể làm được”. Những câu đó giảm nhẹ gánh nặng trách nhiệm của bạn khi có kết quả thực tế của bài kiểm tra.[6] Điều đó sẽ giúp bạn tiếp cận và bắt đầu thay đổi cảm giác của bạn.
  5. Điều chỉnh lại suy nghĩ của bạn. Hãy bắt đầu quan điểm mạnh mẽ hơn về cuộc sống với những dòng nhật ký. Sức mạnh của ngôn từ sẽ giúp bạn thấy rõ lựa chọn của mình trong cách nhìn về cuộc sống. Việc nhận thức về lựa chọn đó và vận dụng năng lực mà bạn có để nhìn cuộc sống theo cách của mình sẽ giúp bạn bắt đầu thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn. Bằng những cảm giác ghi trong nhật ký, bắt đầu điều chỉnh phản ứng của bạn với sự lựa chọn có triển vọng, với khả năng và sự trân trọng. Hãy làm chủ quyết định của bạn, làm chủ thời gian và hệ quả của bạn, đồng thời hãy thực tế về vai trò của bạn giữa các sự kiện xảy ra trong cuộc sống.
    • Ví dụ, bạn có thể viết về bài kiểm tra như: “Đáng lẽ phải học nhiều hơn nhưng mình đã không làm thế vì mải đi xem phim, nhưng không sao. Mình đã làm không tốt như mong muốn, nhưng lần sau sẽ tốt hơn. Mình biết như vậy vì mình biết cách học bài và quản lý thời gian tốt. Mình chỉ là con người, và thỉnh thoảng cũng mắc lỗi. Sẽ còn có nhiều bài kiểm tra khác nữa, và đây chẳng phải là ngày tận thế. Mình sẽ nói chuyện với giáo sư để xem mình có thể làm gì để cải thiện điểm số”.[5]
  6. Biến những điều tiêu cực trong cuộc sống của bạn thành tích cực. Hãy bắt đầu áp dụng sự lựa chọn có triển vọng và khả năng đó vào thế giới thực. Quá trình thay đổi cho cuộc sống tốt đẹp hơn bắt đầu bằng thái độ về bản thân bạn và cuộc sống của bạn. Lắng nghe tiếng lòng của mình khi bạn cảm thấy thất vọng và bực bội. Ghi lại trong nhật ký những điều tiêu cực bất chợt hiện ra trong tâm trí bạn vào ngày hôm đó. Cài đặt báo thức trong điện thoại sao cho cách một tiếng lại phát lên lời nhắn “Hãy nói những lời tích cực với mình hôm nay”. Làm những mảnh giấy nhỏ ghi “Chỉ nói điều tích cực với bản thân” và đặt ở những nơi như cạnh giường, trên tường văn phòng hoặc trong sổ tay.
    • Chịu trách nhiệm về cách bạn đối xử và đối thoại với chính mình. Khi bạn thấy mình xứng đáng để thay đổi vì một cuộc sống tốt hơn thì cảm giác đó sẽ đem đến sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của bạn.
    • Chẳng hạn như bạn làm rơi vỡ một chiếc đĩa. Thay vì nghĩ rằng, “Mình là kẻ hậu đậu!”, bạn hãy bắt đầu thay đổi kiểu suy nghĩ độc hại đó và viết vào nhật ký những ý nghĩ được chỉnh lại tích cực hơn. Bạn không phải là người hậu đậu, bạn chỉ là người thỉnh thoảng đánh rơi đĩa. Chỉ bằng câu đơn giản đó, bạn đang chuyển đổi trách nhiệm từ một người hậu đậu luôn đánh rơi đĩa thành một con người không phải lúc nào cũng hoàn hảo và đôi khi mắc lỗi. Bạn không phải là người không có khả năng như bạn nghĩ.[5]
  7. Nhận biết sự can đảm của bạn. Thay đổi cuộc sống đòi hỏi sự dũng cảm, và bạn thực sự dũng cảm, cho dù bạn không nghĩ như vậy. Viết vào trong nhật ký tất cả những lần bạn cảm thấy can đảm, tất cả những lần bạn đối mặt với tình huống mà bạn tưởng như không thể nào giải quyết được, hoặc các tình huống khiến bạn sợ hãi nhưng bạn thực sự đã vượt qua được. Hãy tôn vinh lòng can đảm của bạn dù đó chỉ là việc sống trong thế giới này.
    • Chẳng hạn, bạn hãy viết ra việc bạn đã đến trường để làm bài kiểm tra cho dù làm không đạt. Đôi khi chỉ riêng việc có mặt cũng cần phải có dũng khí. Dũng cảm không phải là phẩm chất dễ có, và cho dù bạn dũng cảm cũng không có nghĩa là bạn không sợ bất cứ điều gì. Nó chỉ mang ý nghĩa rằng bạn có năng lực để đương đầu với nỗi sợ và ứng phó với cuộc sống.
    • Thử sáng tạo. Tạo các hình ảnh cắt dán thể hiện bạn gan dạ như thế nào, viết một bài thơ về lòng can đảm hoặc làm một áp phích về mọi điều dũng cảm của bạn.[7]
  8. Hiểu rằng việc này cần thời gian và nỗ lực. Thay đổi để cuộc sống tốt đẹp hơn không có nghĩa rằng bỗng dưng bạn có cuộc sống tốt hơn khi mọi thứ đều đâu vào đó, còn bạn thì ung dung hưởng thụ và mãn nguyện với cuộc sống. Thay đổi cuộc sống đòi hỏi sự can đảm. Việc biến chuyển từ cảm giác bị sa lầy, cảm giác không thể làm gì để vượt qua nghịch cảnh thành thái độ và niềm tin mạnh mẽ, lạc quan và đầy sức bật là nhân tố thiết yếu để làm nên thay đổi tốt hơn trong cuộc sống của bạn.
    • Bạn không thể thay đổi cuộc sống, bạn cũng không thể đoán trước cuộc sống, và những kế hoạch được sắp đặt một cách kỹ càng nhất cũng có thể dễ dàng phá sản. Tuy nhiên, bạn có thể thay đổi bản thân và cách nhìn nhận về các vấn đề trong cuộc sống.[7]

Tìm hiểu Bản thân[sửa]

  1. Đánh giá phẩm chất cá nhân của bạn. Phát triển một phẩm chất lành mạnh là điều cần thiết cho việc thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn. Bạn là ai? Bạn muốn trở thành người như thế nào trong thế giới này? Bạn nhìn nhận bản thân mình ra sao? Bạn nghĩ người khác nhìn bạn như thế nào? Việc khám phá và thay đổi cách nhìn về bản thân và cảm giác về cách mà mọi người nhìn mình là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Nó có thể đem lại sự thay đổi thực sự to lớn trong hành vi và cho bạn động lực để tiếp tục phấn đấu thay đổi vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
  2. Làm những bài kiểm tra về cá tính của Briggs, Meyers, & Jung. Để tìm hiểu thêm về bản thân mình, bạn hãy làm các bài kiểm tra của Briggs, Meyers, & Jung gồm các câu hỏi trắc nghiệm ngắn có thể giúp bạn nhận ra những phẩm chất chủ yếu trong cá tính của bạn. Dùng kết quả đó để khám phá những gì có vẻ chính xác về bạn. Nhờ đó bạn sẽ hiểu về một số chức năng cơ bản trong cá tính của mình mà qua đó bạn có thể thay đổi cuộc sống. Việc tự nhận thức và thấu hiểu là điểm khởi đầu cho những thay đổi tích cực trong cuộc sống của bạn.
    • Bài trắc nghiệm này có sẵn miễn phí trên mạng.[8]
  3. Tập trung vào điểm mà bạn cảm phục mình. Viết vào nhật ký những phẩm chất mà bạn thán phục mình. Có phải bạn là người tốt bụng? Bạn có tài làm cho mọi người cười? Khi biết rằng trí tuệ hiện diện dưới nhiều dạng mà không chỉ là học vấn hay các giấy chứng nhận, bạn có cảm thấy mình thông minh không? Bạn có hiếu kỳ không? Hãy bắt đầu với những khía cạnh tích cực của con người bạn và dùng nhật ký để liệt kê một cách trung thực những điều bạn thực sự yêu thích về bản thân mình.
    • Đừng tự giới hạn mình! Hãy viết một cách thật thoải mái về bất cứ điểm gì bạn yêu thích ở mình, dù lớn hay bé. Bạn có thích mái tóc của mình không? Hay những ngón tay của bạn? Bạn thích giọng nói của bạn hay cách nói chuyện của bạn? Bạn có thích phong cách của mình không? Bạn là một con người tổng hòa từ nhiều thành phần mà bạn cảm nhận về mình.
    • Hãy làm chính bạn bất ngờ khi nhận ra mình phức tạp làm sao, đồng thời đi sâu vào khám phá nhiều khía cạnh của bản thân mà bạn thực sự cảm phục. Tạo ra những đổi thay tích cực trong cuộc sống tức là tìm thấy con người thực của mình vàn trân trọng con người ấy.[9]
  4. Xác định điều mà bạn muốn phát triển. Khi đã có một danh sách dài những điều bạn yêu thích, hãy lập bản danh sách về những phẩm chất trong cá tính của mình mà bạn muốn phát triển. Hãy nhớ rằng, việc thay đổi và phát triển đòi hỏi sự phấn đấu mà bạn không thể có được ngay. Không phải chỉ bằng cách viết vào nhật ký rằng bạn ghét mất bình tĩnh mà sáng mai thức dậy bạn sẽ có được sự điềm đạm. Bạn viết ra là để nhận thức về mình. Bạn không thể thay đổi hoặc phát triển điều mà bạn không nhận thức được.
    • Đừng quá khắt khe với mình khi ghi nhật ký. Tránh dùng những câu cực đoan hay thái quá như “Mình thật ngu ngốc” hay “Mình chẳng bao giờ làm điều gì đúng cả”. Tập trung vào ý thức rằng đã là con người thì không thể hoàn hảo và có thể phạm sai lầm. Bạn nên cố gắng suy nghĩ về những điểm như bớt nhút nhát, biết kiềm chế hơn, biết tổ chức hơn, hoặc trở thành người biết lắng nghe hơn.
    • Ai cũng có khuyết điểm, và một phần của việc phấn đấu đem đến sự thay đổi tốt hơn trong cuộc sống là coi bản thân và cá tính của mình như một công việc trong tiến trình phát triển.[10]
  5. Đặt ra các mục tiêu nhỏ và có thể đạt được. Sau khi đã biết mình muốn thay đổi những điểm nào, bạn hãy đặt ra những mục tiêu nhỏ và có tính khả thi để giúp bạn thay đổi từng phần nhỏ trong cá tính của bạn. Mỗi giai đoạn tập trung vào một đặc điểm. Ví dụ như, bạn tự hứa với bản thân rằng ngày hôm nay bạn sẽ áp dụng kỹ năng lắng nghe tích cực cho ít nhất một cuộc đối thoại. Viết ra các phương pháp mà bạn có thể dùng để lắng nghe tích cực trong những tương tác hàng ngày và thực hiện các phương pháp đó.
    • Đến cuối ngày, bạn viết nhật ký về trải nghiệm của mình, về việc bạn đã làm tốt đến mức nào. Đâu là lúc bạn thành công? Đâu là lúc bạn không nghe tốt đúng với khả năng của bạn? Ghi lại cảm giác về việc bắt đầu thay đổi các mặt trong tính cách của bạn.
    • Khởi đầu một cách chậm rãi, bởi chắc hẳn bạn không muốn tự nhấn chìm mình bằng cách dốc sức thay đổi tất cả cùng một lúc hoặc đòi hỏi sự hoàn hảo. Hãy lạc quan rằng điều đó sẽ đến. Càng cảm thấy chủ động trong việc tạo ra cái tôi vững vàng và thỏa mãn, bạn sẽ càng có động lực để tiếp tục thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn.[11]
  6. Hãy biết ơn vì bạn được là chính mình. Dành thời gian mỗi ngày để biết ơn vì bạn được là chính mình. Một phần trong việc thay đổi cuộc sống là tìm hiểu bản thân, chấp nhận cả ưu điểm và nhược điểm và cảm thấy thoải mái khi là chính mình. Chấp nhận bản thân có thể giúp bạn cảm thấy tự tin vào chính bạn, vào cuộc sống của bạn và những thay đổi mà bạn muốn thực hiện.
  7. Tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần. Nếu thấy khó khăn trong việc thay đổi cách suy nghĩ về mình, bạn hãy tìm một người có thể nâng đỡ tinh thần cho bạn. Đó có thể là thành viên trong gia đình, một người bạn hoặc một đồng nghiệp mà bạn tin cậy. Tự học các phương pháp để thay đổi suy nghĩ tiêu cực về bản thân.
    • Nếu cảm thấy việc tư vấn có thể giúp ích, hãy tìm một chuyên gia tư vấn mà bạn thấy thoải mái khi nói chuyện. Nếu bạn cảm thấy bị choáng ngợp khi hiểu hơn về bản thân, về những lựa chọn và cảm xúc của mình, có lẽ bạn cần tìm một bác sĩ trị liệu. Thay đổi cuộc sống ở tầm cao là một cuộc hành trình đầy thử thách, và việc biết rằng khi nào bạn cần sự hướng dẫn và giúp đỡ cũng là một biểu hiện của sự mạnh mẽ.[12]

Đặt Mục tiêu Ngắn hạn[sửa]

  1. Đánh giá cuộc sống của bạn. Sau khi đã hiểu biết hơn về bản thân, về phẩm chất và cá tính của mình, bạn có thể bắt đầu nhìn vào những thay đổi thực tế và mà bạn muốn thực hiện. Ghi vào nhật ký một danh sách những mục tiêu ngắn hạn mà bạn có thể thay đổi trong tương lai gần và những mục tiêu dài hạn có thể mất nhiều thời gian và nỗ lực hơn để thực hiện.
    • Chỉ có bạn mới biết bạn muốn cuộc sống của mình sẽ như thế nào, và cũng chỉ có bạn mới có năng lực để ra những quyết định tạo nên sự thay đổi vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
  2. Nâng cao sức khỏe thể chất. Một trong những cách mà bạn có thể thay đổi cho tốt hơn chính là quan tâm đến sức khỏe thể chất của bạn. Khi cơ thể khỏe mạnh thì trí não cũng minh mẫn. Đặt mục tiêu là giữ gìn vóc dáng. Bắt đầu vạch kế hoạch cho những hoạt động như chạy, đi bộ hoặc một kiểu hoạt động thể chất nào đó mỗi tuần ba đến năm lần. Thêm vào đó là bài tập tăng cường sức mạnh để giúp bạn dẻo dai hơn. Bạn cũng nên ăn uống tốt hơn cho sức khỏe toàn diện của mình.
    • Nếu có hút thuốc lá, bạn hãy cố gắng cai thuốc. Thuốc lá có hại cho sức khỏe của bạn và cả những người xung quanh. Sử dụng các hình thức giúp bạn cai thuốc như miếng dán nicotine, kẹo cao su, viên ngậm, thuốc lá hơi điện tử, hoặc các nhóm hỗ trợ.[13]
  3. Thể hiện mình qua diện mạo. Nếu bạn không hài lòng với phong cách hoặc sắc vóc của mình, hãy lên kế hoạch để thay đổi. Ăn mặc theo phong cách mới hoặc đổi kiểu tóc cho phù hợp hơn với cá tính của bạn và đúng với cách mà bạn cảm nhận mình. Bắt đầu bằng việc mặc những bộ trang phục khiến bạn vui vẻ và thoải mái với chính mình. Đeo những phụ kiện ngộ nghĩnh để thêm chút cá tính vào diện mạo thường ngày của bạn.
    • Đó có thể là những lựa chọn nhỏ và dần dần từng bước một nếu bạn chưa sẵn sàng thay đổi tất cả ngay một lúc. Hãy làm điều gì mà bạn cảm thấy là thích hợp cho mình.[10]
  4. Cải thiện điều kiện sống của bạn. Môi trường sống của bạn có thể dễ dàng được cải thiện với một chút nỗ lực. Nếu bản tính bạn hay bừa bộn, hãy thử dọn dẹp không gian căn phòng hay ngôi nhà của bạn thường xuyên hơn. Một nơi ở trong lành sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn và dễ kiểm soát cuộc sống hơn. Cố gắng tạo thói quen làm vệ sinh hàng ngày, bởi vì việc duy trì một không gian sống sạch sẽ và ngăn nắp hơn có thể khiến bạn thấy thoải mái và cuộc sống của bạn sẽ tốt hơn. Nếu chán ngán với thiết kế cũ kỹ của căn phòng hay ngôi nhà, bạn hãy thử trang trí lại với phong cách mà bạn thấy thích thú hơn. Thêm vào vài chiếc gối mới, thay màu sơn tường hoặc kê lại đồ nội thất cũng sẽ làm không gian sống của bạn thêm đáng yêu.
    • Môi trường xung quanh thực sự có tác động đến hạnh phúc của bạn và là một cách sáng tạo để biểu hiện sự thay đổi mà bạn cảm nhận trong cuộc sống của mình.
    • Thử sống cuộc sống thân thiện với môi trường hơn hoặc bớt đi “dấu chân carbon” của bạn. Giảm tiêu thụ điện bằng cách tắt đèn, tiết kiệm nước khi tắm, hoặc cố gắng tránh lãng phí trong không gian sống của bạn. Bắt đầu để thùng đựng rác tái chế trong nhà hoặc đi xe chung đến chỗ làm. Đó cũng là những cách dễ dàng giúp bạn cải thiện điều kiện sống của mình.[10]
  5. Tham gia cùng cộng đồng. Cảm giác kết nối với mọi người có thể giúp bạn liên lạc với những người khác và với chính mình. Đó cũng là một công cụ hữu ích trong việc tìm hiểu cuộc sống và cách mà bạn muốn thay đổi bản thân cho tốt hơn. Làm công việc tình nguyện ở bếp ăn từ thiện, tại nhà ở dành cho người vô gia cư, ở nơi cứu hộ động vật hay phân phối thực phẩm cho các hợp tác xã. Đa số các cơ sở đó chỉ yêu cầu khoảng thời gian không nhiều, thường là mỗi tuần một tiếng hoặc khi nào bạn có thời gian.
    • Làm công việc thiện nguyện vì mục đích mà bạn tin tưởng là một cách tuyệt vời để nâng cao lòng tự trọng và củng cố cảm giác mình có năng lực, vì bạn đang chủ động tham gia giúp đỡ người khác.[14]
  6. Nuôi dưỡng những sở thích mới. Nếu muốn làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, bạn hãy bắt đầu nuôi dưỡng những thú tiêu khiển mới hoặc làm những việc bạn thích. Tham gia một lớp khiêu vũ, học âm nhạc hoặc ghi tên vào một lớp tìm hiểu về loài chim. Đọc thêm sách hoặc đi đến nơi mà bạn vẫn mong ước được khám phá. Sở thích gì cũng không quan trọng, miễn đó là điều bạn muốn làm.
    • Nâng niu ý thức về cái tôi sẽ giúp bạn phát triển động lực để tiếp tục phấn đấu vì sự thay đổi cuộc sống cho tốt đẹp hơn.[10]

Đặt Mục tiêu Dài hạn[sửa]

  1. Thay đổi nghề nghiệp. Có những mục tiêu xa hơn các mục tiêu khác. Nếu không hài lòng về nghề nghiệp của mình, bạn nên suy nghĩ cách để cải thiện hoàn cảnh của bạn. Cân nhắc mọi mục tiêu thực tế khác về nghề nghiệp xuất hiện trong đầu bạn và cố gắng tiến tới mục tiêu đó. Nếu bạn yêu nghề nhưng không thích hoàn cảnh cụ thể hiện tại của mình, bạn hãy nghĩ cách hướng về mục tiêu thăng tiến hoặc chuyển chỗ làm.
    • Nếu muốn làm điều gì đó khác biệt, bạn hãy nghiên cứu về điều mà bạn thực sự muốn làm và thực hiện các bước theo hướng bạn muốn đi.
    • Việc này cần có thời gian, vì thế bạn hãy đi chậm, ra những quyết định chắc chắn, cân nhắc tài chính một cách khôn ngoan. Đừng quên rằng việc sử dụng các mục tiêu ngắn hạn khi phấn đấu cho sự thay đổi có thể giúp nới lỏng thời gian cho những thay đổi lâu dài.[15]
  2. Quay trở lại trường học. Cho dù đang ở tuổi nào, bạn vẫn có thể học những điều mới mẻ và thay đổi nghề nghiệp cũng như cuộc sống của bạn. Nếu có môn nào đó khiến bạn luôn thấy mệt mỏi khi học, hãy tìm ra những lớp học nào có ích cho bạn. Nếu cần bằng cấp để tìm một công việc mới, bạn hãy tìm một chương trình có cấp bằng mà bạn có thể theo được trong hoàn cảnh hiện tại.
    • Tin tưởng bản thân và khát vọng của bạn. Ra những quyết định sáng suốt, tìm hiểu kỹ về tương lai của bạn và biết cần phải học thêm như thế nào để có thể đạt được những mục tiêu đó.[15]
  3. Cải thiện các mối quan hệ. Nghĩ về mọi người trong cuộc sống của bạn, tất cả những quan hệ xã hội, gia đình và những người thân thiết, ngẫm nghĩ xem bạn có thấy thoải mái với họ không. Thay đổi cuộc sống cho tốt hơn cũng có nghĩa là ở giữa những người cùng chia sẻ ước mơ phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, đầy sức sống hơn và mãn nguyện hơn. Dành thời gian lắng nghe cảm giác của mình khi bạn ở bên cạnh những người thân thiết. Chọn những quyết định khiến bạn cảm thấy an toàn, tích cực và thoải mái tinh thần. Đề nghị người xung quanh giúp đỡ bạn thay đổi cuộc sống và xem phản ứng của họ. Việc này có thể giúp bạn xác định mối quan hệ nào là lành mạnh và có ích cho cuộc sống của bạn.
    • Đừng ra những quyết định vội vã về những người trong cuộc đời bạn. Suy xét từng quyết định và cảm giác của bạn về từng mối quan hệ. Nếu đang cố gắng thay đổi cuộc sống của mình, bạn cần người ủng hộ và tiếp sức để giúp bạn trở thành người mà bạn mong muốn. Tập trung nuôi dưỡng các mối quan hệ như thế.[16]
  4. Xem xét nơi sinh sống của bạn. Nghĩ xem bạn có hạnh phúc khi ở nơi bạn đang sống không. Liệu còn nơi nào mà bạn hình dung mình sống trong đó không? Việc chuyển nơi ở có thể thay đổi cuộc sống và triển vọng của bạn, nhưng việc di chuyển đến một nơi khác đòi hỏi phải có kế hoạch, điều kiện tài chính và lòng quyết tâm. Việc này có thể là điều tốt nhưng cũng có thể làm đảo lộn sự cân bằng trong cuộc sống của bạn và thay đổi nhiều thứ mà bạn không ngờ tới.
    • Thu thập thật nhiều thông tin như giá cả sinh hoạt, cơ hội việc làm, những hệ quả tác động lên cuộc sống của bạn hoặc gia đình bạn, và cả áp lực khi di chuyển đến nơi ở mới trước khi ra quyết định cuối cùng.[10]

Chăm sóc Bản thân[sửa]

  1. Nhận biết cảm giác của bạn. Thay đổi cuộc sống cho tốt hơn có thể là một công việc đầy thử thách. Điều quan trọng là bạn cần chăm sóc bản thân và đảm bảo rằng mình không tiêu hao hết năng lượng và bỏ cuộc khi lao vào hành trình thay đổi cuộc sống. Hãy khen ngợi bản thân vì chỉ riêng việc nuôi dưỡng ý tưởng thay đổi cũng là một điều dũng cảm, nhất là khi nó không hề dễ dàng. Quá trình tìm hiểu bản thân và nhận ra được tiềm năng của bạn về sự can đảm, trách nhiệm và năng lực có thể khiến bạn nản chí. Việc trung thực nhìn nhận phẩm chất của mình - không chỉ theo cảm nhận của bạn về bản thân mà còn theo cách mà bạn nghĩ mọi người nhìn nhận bạn - có thể khiến bạn mệt mỏi. Việc lựa chọn những điều mình muốn thay đổi để cuộc sống tốt đẹp hơn có thể đáng sợ, và bản thân việc thay đổi có thể làm bạn kiệt sức.
    • Hãy tự hào, thậm chí chỉ vì bạn đã nỗ lực thay đổi cuộc sống. Cuộc sống không hề dễ dàng, và việc chủ động biểu hiện chính mình và tìm ra khả năng của bản thân luôn đòi hỏi sự mạnh mẽ.
  2. Giảm căng thẳng trong cuộc sống của bạn. Nếu cảm thấy choáng ngợp vì các thay đổi mà bạn đang tạo ra, hãy tạm dừng và nghỉ ngơi. Xem một bộ phim hay một show truyền hình, đọc một quyển sách hay cùng bạn chơi một trò chơi. Đi chơi tối với bạn bè để thư giãn. Trò chuyện với một người bạn vui tính. Ngâm mình trong bồn tắm hoặc dưới vòi sen nước nóng để giải tỏa bớt căng thẳng.
    • Nếu muốn, bạn có thể nói chuyện với bạn bè về những thay đổi mà bạn cảm nhận được và tiếp nhận lời khuyên hoặc sự ủng hộ của họ.[17]
  3. Giữ bình tĩnh. Có những thời điểm bạn cảm thấy mệt mỏi vì hàng núi công việc chồng chất. Những lúc như vậy, bạn nhớ thực hành bài tập thở. Dành ra mỗi ngày 10 phút, ngồi đặt tay lên bụng và hít thở để xua tan căng thẳng. Hãy nhớ rằng thay đổi cuộc sống không có nghĩa là phải hoàn hảo. Mỗi ngày là một chuyến đi, và ngay cả những ngày khiến bạn cảm thấy sa lầy và nản chí cũng là một phần của hành trình hướng về cuộc sống tốt đẹp hơn.[18]
  4. Tự thưởng cho mình. Khi phấn đấu cho những thay đổi trong cuộc sống, bạn hãy dành thời gian tự thưởng cho mình. Ăn loại kẹo mà bạn thích, ra ngoài chơi hay nấu cho mình một bữa ăn ngon, mua một chiếc áo mới, một video game mới, hay bất kỳ phần thưởng nào lọt vào mắt bạn. Cố gắng nhớ rằng bạn đang ở trong cuộc hành trình, và bạn thật kỳ diệu vì đang tiếp tục đi trên con đường đó. Hãy tự thưởng cho mình vì bạn đã bước lên con tàu và bắt đầu chuyến hải trình thay đổi cuộc sống cho điều tốt đẹp hơn.
    • Nếu bị căng thẳng, bạn hãy tự đãi mình một suất mát-xa hoặc nhờ người mà bạn yêu thương mát-xa cho bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. Luhmann, Maike; Orth, Ulrich; Specht, Jule; Kandler, Christian; and Lucas, Richard E. Studying Changes in Life Circumstances and Personality: It's About Time. European Journal of Personality. May/Jun 2014, Vol. 28, Issue 3, p256-266
  2. Kenneth Bradford, G. and Sterling, Molly Merrill. The Journey Is the Goal: The Legacy of James F. T. Bugental. Journal of Humanistic Psychology. Jul 2009, Vol. 49, Issue 3, p316-328
  3. Chen, Jingqiu and Wang, Lei, Locus of control and the three components of commitment to change. Personality & Individual Differences. Feb 2007, Vol. 42, Issue 3, p503-512.
  4. http://www.oakland.edu/upload/docs/Instructor%20Handbook/Locus%20of%20Control.pdf
  5. 5,0 5,1 5,2 Jemmer, Patrick. Self-Talk: The Spells of Psyhco-chaotic Sorcery. European Journal of Clinical Hypnosis. 2009, Vol. 9, Issue 1, p51-58. 8p
  6. http://virgil.azwestern.edu/~dag/lol/ControlLocus.html
  7. 7,0 7,1 Wong, Paul T. P. Meaning Therapy: Assessments And Interventions. Existential Analysis: Journal of the Society for Existential Analysis. Jan2015, Vol. 26 Issue 1, p154-167
  8. http://www.myersbriggs.org/my-mbti-personality-type/mbti-basics/
  9. http://www.mayoclinic.org/healthy-living/stress-management/in-depth/positive-thinking/art-20043950
  10. 10,0 10,1 10,2 10,3 10,4 Van Deurzen, Emmy. Life is for Living. Existential Analysis: Journal of the Society for Existential Analysis. Jul 2009, Vol. 20, Issue 2, p226-239
  11. Padesky, Christine A. and Mooney, Kathleen A. Strengths-Based Cognitive-Behavioural Therapy: A Four-Step Model to Build Resilience. Clinical Psychology & Psychotherapy. Jul/Aug 2012, Vol. 19, Issue 4, p283-290
  12. http://www.helpguide.org/articles/emotional-health/finding-a-therapist-who-can-help-you-heal.htm
  13. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nicotine-dependence/basics/coping-support/con-20014452
  14. Adler, Alfred. The Practice and Theory of Individual Psychology, 1925
  15. 15,0 15,1 http://www.mindtools.com/page6.html
  16. http://www.apa.org/helpcenter/lifestyle-changes.aspx
  17. http://www.mindbodygreen.com/0-13868/28-easy-self-care-practices-anyone-can-do.html
  18. http://www.mindbodygreen.com/0-13868/28-easy-self-care-practices-anyone-can-do.html

Liên kết đến đây