Thiết lập mối quan hệ với người cha chưa bao giờ gặp mặt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Người cha thường không xuất hiện trong cuộc đời con cái vì nhiều lý do. Đôi khi nguyên nhân có thể là do mối quan hệ giữa cha mẹ tan vỡ khiến cho người cha mất toàn bộ liên lạc với con mình. Lý do khác có thể là đứa con được người khác nhận nuôi cho nên cha ruột không thể sống chung với người con. Có lẽ bây giờ bạn muốn tìm lại cha mình, hoặc người cha muốn liên lạc với con cái. Nhằm mang lại kết quả lâu dài tốt nhất, bạn nên chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi gặp mặt đầu tiên.

Các bước[sửa]

Tìm cha[sửa]

  1. Tìm kiếm thông tin của cha ruột. Nếu muốn liên lạc nhưng không biết làm sao để tìm cha, bạn cần phải tiến hành tìm hiểu thông tin. Nên lưu ý rằng việc tìm kiếm sẽ mất khá nhiều thời gian và chưa hẳn đã giúp bạn gặp lại cha ruột của mình.
  2. Tìm hiểu luật pháp địa phương hoặc nhà nước có liên quan. Nếu được nhận nuôi, bạn nên tìm hiểu phát luật liên quan đến việc quản lý hồ sơ nhận con nuôi. Ví dụ bạn sẽ có thể tiếp cận giấy khai sinh của mình để tìm tên cha.[1]
  3. Tìm thông tin đăng ký nhận con nuôi hoặc đoàn tụ gia đình. Những thông tin này cho phép cha mẹ và con nuôi muốn liên lạc đăng thông tin của họ. Truyền thông có thể đóng vai trò giúp bạn liên lạc với cha mình.[2]
    • Tuy nhiên bạn nên cẩn thận khi tìm kiếm qua mạng xã hội.[3] Kiểm tra thiết lập bảo mật hồ sơ để kiểm soát thông tin mở nếu muốn tìm cha.[4]
  4. Trao đổi với người thân để thu thập thông tin về cha mình. Ví dụ bạn có thể tìm hiểu nơi làm việc hoặc tên và địa chỉ của ông bà nội để lần ra thông tin của cha ruột.
  5. Thuê chuyên gia hoặc thám tử nghiệp dư. Nếu thuê chuyên gia, bạn nên bảo đảm rằng họ được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận phù hợp.[5] Thám tử nghiệp dư không chuyên về dịch vụ này, nhưng vẫn có thể giúp bạn thu thập thông tin quý giá.[6]

Quyết định gặp cha[sửa]

  1. Quyết định về việc gặp cha. Lý do thiết lập mối quan hệ có thể là để nắm rõ tiền sử bệnh tật gia đình hoặc đoàn tụ với người thân.[7]
    • Nếu người cha chủ động liên lạc, bạn cần ghi nhớ rằng quyết định còn lại nằm ở bạn, không phải ở người cha, người thân hay bạn bè. Bạn có thể chọn cách giữ liên lạc với cha ruột miễn là bản thân đã sẵn sàng cho cuộc gặp mặt.
  2. Chuẩn bị tinh thần. Bạn nên đọc câu chuyện của những người đoàn tụ lần đầu tiên với cha ruột của mình hoặc tham gia nhóm hỗ trợ dành cho người được nhận nuôi. Bạn cũng có thể trao đổi với bạn bè và người thân về quyết định của mình, và cũng cần biết rằng họ cũng có những cảm nhận riêng về vấn đề này.[7]
    • Lưu ý rằng người cha có thể chưa muốn gặp bạn ngay. Trước khi bắt đầu liên lạc, bạn nên dự tính trường hợp người cha từ chối liên lạc. Lên kế hoạch tiếp xúc với những người cụ thể, chẳng hạn như bạn bè hỗ trợ hoặc nhân viên xã hội nếu điều này xảy ra.
    • Người cha có thể cảm thấy bất ngờ, sợ hãi, vui mừng, hoặc có thể là toàn bộ những cảm xúc này. Cha mẹ thường cảm thấy tội lỗi hoặc bị sốc liên quan đến đứa con chưa bao giờ gặp mặt.[8] Lưu ý rằng phản ứng của cha mình thường tiến triển dần dần. Bạn cần bảo đảm rằng mình có thể bộc lộ cảm xúc của mình đối với phản ứng của cha ruột cho người nào đó mà bạn tin tưởng.
  3. Suy nghĩ về những điều mình muốn khi gặp cha ruột.[9] Không nên hình tượng hóa người cha của mình. Bạn muốn cha mình như thế nào, và bạn sẽ xử lý ra sao nếu ông hoàn toàn khác so với những gì bản thân mong đợi?
    • Thay vì mơ ước để tìm người cha hoàn hảo, bạn nên tập trung trả lời câu hỏi cơ bản hoặc tìm hiểu thông tin mới mà bản thân chưa biết.[10]

Gặp cha lần đầu tiên[sửa]

  1. Không nói quá nhiều về bản thân. Trong lần gặp đầu tiên, bạn không nên nói về họ tên đầy đủ của mình, hay địa chỉ nhà ở hoặc nơi làm việc. Tuy rằng đây là cha ruột, nhưng ông vẫn là người lạ và cũng có thể ít đề cập đến thông tin cá nhân ngay lập tức.[9]
    • Tránh áp đặt mối quan hệ tình cảm sâu sắc trong lần gặp đầu tiên. Bạn nên bắt đầu một cách chậm rãi để mang lại kết quả tích cực và ổn định lâu dài.[7]
    • Bạn có thể chọn cách giao tiếp bằng thư điện tử, tin nhắn, hoặc thư từ trước khi gặp mặt. Điều này giúp bạn tìm hiểu về cha mình một cách từ tốn và hiệu quả.
  2. Sắp xếp cuộc hẹn với cha ruột. Buổi gặp đầu tiên nên kéo dài khoảng hai tiếng là phù hợp.[11] Bạn có thể chọn địa điểm yên tĩnh như trong công viên hay quán cà phê ít người vào ban ngày để hai bên có thể trò chuyện và dễ dàng biểu lộ cảm xúc.[12]
    • Bạn có thể gặp cha một mình hoặc có người đi cùng. Chính quyền một số địa phương và nhà nước thường cung cấp dịch vụ trung gian trong đó nhân viên xã hội sẽ đi cùng bạn trong lần gặp đầu tiên.[13]
  3. Đặt câu hỏi. Cuộc gặp này là cơ hội để bạn giải đáp toàn bộ thắc mắc về xuất thân của mình. Bạn nên chuẩn bị trước một số câu hỏi về cuộc sống của người cha hoặc gia đình bên nội của mình.
    • Ví dụ, bạn có thể nói: “Có vẻ như con là người duy nhất trong nhà thích học toán. Bố có thích môn toán không? Có phải con thừa hưởng điều đó từ bên nhà nội hay không?”
    • Bạn cần đặt ra câu hỏi liên quan đến sức khỏe mang tính quan trọng đối với bản thân. Đây là cơ hội để bạn tìm ra nguy cơ di truyền có thể đối với bệnh tim, tiểu đường, hoặc ung thư.
    • Lưu ý đặc điểm chung. Trong cuộc gặp đầu tiên bạn có thể chú ý đến những đặc điểm chung của bản thân và cha ruột của mình.[14]
  4. Không đặt ra kế hoạch lớn lao cho tương lai. Cuộc gặp ban đầu thường mang nhiều cảm xúc. Bạn và người cha có thể ngạc nhiên với cảm xúc của mình, và cả hai cần thời gian để ngẫm nghĩ về cuộc gặp và dự tính hành động tiếp theo.
    • Nếu người cha muốn suy tính về tương lai, bạn nên đề nghị thứ gì đó không quá quan trọng nhưng phải vững chắc. Ví dụ, bạn có thể sắp xếp thời gian đi uống cà phê và tâm sự lần nữa trong vài tuần tới.
  5. Thiết lập hệ thống hỗ trợ cho bản thân. Bảo đảm rằng người thân hoặc bạn bè biết về cuộc gặp của bạn với cha ruột của mình. Dự tính kế hoạch ngay sau khi gặp và cả ngày hôm đó. Ví dụ, bạn có thể gọi cho bạn bè hẹn đi ăn tối. Không nên quay trở lại với công việc hay học tập ngay sau đó.[11] Nếu định ghé thăm bác sĩ trị liệu hoặc nhân viên tư vấn, hay làm việc với nhân viên xã hội, bạn nên sắp xếp cuộc hẹn hoặc gọi điện thoại để trao đổi.

Phát triển kế hoạch lâu dài[sửa]

  1. Không để cuộc gặp đầu tiên, ngay cả khi làm bạn thất vọng, ảnh hưởng đến mối quan hệ. Nếu buổi hẹn đầu tiên không thành công tốt đẹp, bạn vẫn nên duy trì mối quan hệ. Cố gắng tiếp tục làm quen với nhau. Không có tiêu chuẩn nào quy định sự đoàn tụ lý tưởng, và đây có thể là trải nghiệm rất khó khăn đối với hai cha con.
  2. Nhận ra rằng bạn có thể trải qua giai đoạn “trăng mật”. Nếu cuộc gặp đầu tiên kết thúc tốt đẹp, bạn có thể cảm thấy hưng phấn và cảm giác kết nối chặt chẽ. Nhưng sự kết nối này không kéo dài lâu, ít nhất là ở mức độ này. Bạn hoặc người cha cần phải nhìn lại và đánh giá tình hình bản thân.[14] Sẵn sàng dành ra thời gian để giải quyết mâu thuẫn, cảm xúc hỗn loạn và xây dựng mối quan hệ. Đây là giai đoạn bình thường của quá trình đoàn tụ.
  3. Thiết lập ranh giới giữa cuộc sống của hai người.[7] Khi đặt ra những kỳ vọng nhỏ, cả hai sẽ có thể xây dựng mối quan hệ bền vững và lâu dài. Bạn cần chủ động trong việc đặt ra giới hạn, vì cha mẹ thường có những mong muốn về sự đoàn tụ lớn lao hơn con cái.[15]
    • Ví dụ, nếu có con cái, bạn nên chờ cho đến khi cả hai quen biết nhau rồi mới giới thiệu con mình cho người cha.
    • Quy định hình thức liên lạc phù hợp. Có thể người cha nên gọi điện trước khi ghé thăm, ngay cả khi hai người sống gần nhau. Hoặc bạn có thể quy định thời gian gọi điện thay vì mối quan hệ gần gũi có thể gọi điện hoặc nhắn tin bất kỳ lúc nào.
  4. Dành thời gian phát triển mối quan hệ. Bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần được phát triển và trở nên sâu sắc.[10] Nếu bạn và cha ruột muốn tiếp tục mối quan hệ, cả hai nên sắp xếp thời gian gặp gỡ nhau. Ví dụ, bạn có thể hẹn ăn trưa hay gọi điện hàng tháng, hay thỉnh thoảng cùng nhau tham gia sự kiện thể thao hoặc âm nhạc.
  5. Chấp nhận thực tế rằng mối quan hệ có thể không sâu sắc hay kéo dài.[15] Tuy rằng việc đoàn tụ mang lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng một số người không muốn kéo dài mối quan hệ với cha mình. Có thể giá trị hay lối sống của hai người quá khác biệt, hoặc người cha không đủ khả năng tiếp tục mối quan hệ tốt đẹp với bạn.
  6. Không quên gia đình mà bạn đã lớn lên. Tiếp tục duy trì mối quan hệ thân thiết với gia đình hiện tại. Những người đã nuôi lớn bạn sẽ trân trọng một điều rằng cho dù bạn đã gặp lại cha ruột của mình, nhưng họ vẫn chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc sống của bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]