Thuốc diệt cỏ gây ung thư - glyphosate và những điều cần hiểu đúng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

“Glyphosate – chất độc gây ung thư cả thế giới tẩy chay vẫn tràn lan ở VN” đang là tiêu điểm của nhiều trang báo mạng trong những ngày vừa qua. Để giúp mọi người hiểu đúng và đủ, khách quan về glyphosate, chúng tôi xin gửi bài phân tích này, kèm những lời khuyên thiết thực hơn để đối phó với vấn đề trên.

1. Glyphosate là gì và tại sao lại cần quan tâm đến glyphosate?[sửa]

Glyphosate là loại thuốc diệt cỏ phổ rộng, tức là diệt được hầu hết các loại cỏ dại – những loài cây cạnh tranh chất dinh dưỡng với cây trồng, từ đó làm giảm năng suất.

Glyphosate được khám phá và đưa vào thương mại hóa dưới tên Roundup bởi công ty Monsanto, Mỹ, từ năm 1974 [1]. Sau đó, công ty này phát triển một loạt các giống cây trồng biến đổi gen để kháng glyphosate, tức là khi phun thuốc, các cây này hoàn toàn không bị hại bởi glyphosate, trong khi hầu hết cỏ dại sẽ chết. Từ đó, mức độ sử dụng glyphosate tăng vọt, và trở thành một trong những loại thuốc bảo vệ thực vật phổ biến nhất lịch sử[2].

Glyphosate trở thành tâm điểm của dư luận thế giới từ tháng 3/2015, khi mà Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố kết luận phân loại cho glyphosate là nhóm 2A, tức nhóm có khả năng gây ung thư cao[3]. Và điều đáng nói nhất là kết luận này đã đi ngược lại kết luận của nhiều tổ chức thẩm định an toàn trên thế giới trong suốt 30 năm qua.

2. Tranh luận về độc tính gây ung thư của glyphosate[sửa]

Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rõ cách phân loại của IARC, để có cái nhìn đúng hơn về kết luận của họ.

IARC có 4 mức phân loại về khả năng gây ung thư, gọi là 4 nhóm, trong đó nhóm 2 có hai nhóm nhỏ là 2A và 2B.

Nhóm 2A có nghĩa là các tác nhân này có khả năng gây ung thư ở người cao. Các phân loại này được sử dụng khi có bằng chứng hạn chế về tính gây ung thư ở người và đủ bằng chứng về tính gây ung thư trên động vật thực nghiệm, hoặc đủ bằng chứng mạnh mẽ về cơ chế gây ung thư của chúng. Bằng chứng hạn chế có nghĩa là đã có kết luận dương tính về mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với các tác nhân này và ung thư, nhưng không thể loại trừ các yếu tố khác như may mắn, thiên vị, hoặc gây nhiễu[4].

Đối với trường hợp của glyphosate, cũng có bằng chứng hạn chế về khả năng gây ung thư ở người, thông qua 3 báo cáo dịch tễ ở Mỹ[5], Canada[6] và Thuỵ Điển[7]. Cả 3 đều cho thấy có sự tăng về nguy cơ bị ung thư bạch huyết loại non-Hodgkin lymphoma, tuy nhiên, một báo cáo sử dụng phương pháp dịch tễ mạnh mẽ hơn (nghiên cứu đoàn hệ) thì không thấy mối liên hệ đáng kể nào[8]. Ngoài ra, kết luận còn dựa trên 4 nghiên cứu ở chuột cho thấy glyphosate làm tăng tỷ lệ ung thư[9] [unpublised].

Hơn nữa, glyphosate còn được tìm thấy trong máu và nước tiểu của nông dân, trong một báo cáo không công bố, cho thấy có bằng chứng về việc hấp thu chất này vào cơ thể người. Cơ chế gây ung thư của nó cũng có đủ bằng chứng[10].

Tuy kết luận của IARC là vậy, nhưng suốt 30 năm kể từ khi được thương mại hoá, glyphosate mặc dù bị kiểm tra và đánh giá không ít lần, nhưng các cơ quan chuyên môn khác đều cho rằng glyphosate an toàn. Điều này gây nên một cuộc tranh luận mạnh mẽ giữa các tổ chức và nhà khoa học, và hiển nhiên, tổ chức phản đối mạnh mẽ nhất là công ty mẹ của glyphosate, Monsanto.

Cuộc tranh luận đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Các tổ chức đối lập thì cho rằng quy trình xét duyệt của IARC thiếu tính tổng quát, tức không lấy hết các dữ kiện hiện có (báo cáo của IARC chỉ có 16 tài liệu tham khảo, trong khi nếu tìm thông tin về glyphosate trên pubmed, thư viện tài liệu y khoa lớn nhất thì có ngay hơn 30 báo cáo chính thức). IARC và các tổ chức đồng thuận thì cho rằng các tổ chức kia đánh giá quá thấp giá trị của các dữ kiện, và hơn hết là có thể có nguy cơ kết quả/kết luận đã bị “bóp méo” bởi thế lực kinh tế.

3. Điều cần quan tâm ở Việt Nam[sửa]

Thật ra, glyphosate không phải là loại thuốc bảo vệ thực vật phổ biến duy nhất bị xếp vào nhóm 2. 2,4-D, loại thuốc diệt côn trùng phổ biến vào loại bậc nhất ở Việt Nam cũng bị IARC xếp vào nhóm 2, nhưng do ít bằng chứng hoặc bằng chứng không đủ mạnh nên hiện đang ở nhóm 2B.

Vấn đề cần quan tâm thật ra không phải là mức độ nguy hiểm của các loại thuốc trên, mà là liều lượng và thời gian phun. Như chúng tôi thường nhắc nhở mọi người khi đọc báo, không có chất độc (hay chất bổ), chỉ có ngưỡng mà ở đó chất sẽ thành độc (hoặc bổ) đối với cơ thể người. Điều đó có nghĩa là, nếu glyphosate hoặc 2,4-D cho dù có vào cơ thể, nhưng với hàm lượng thấp dưới một mức nào đó thì cũng không gây ra tác dụng xấu nào đáng kể. Do đó, quan trọng là:

  • Thời điểm phun thuốc tốt nhất là giai đoạn nào trong khi canh tác, để tránh thuốc tồn dư trong thực phẩm.
  • Nếu có tồn dư, thì hàm lượng nào là ngưỡng cho phép.

Hai điều trên, rất tiếc, lại không phải thẩm quyền của IARC, mà là thẩm quyền (và là trách nhiệm) của các tổ chức, cơ quan quản lý của từng quốc gia.

Một số quốc gia và vùng lãnh thổ chọn nghiêng về kết luận của IARC, và đã có động thái xúc tiến lệnh cấm đối với glyphosate và các dẫn xuất của nó. Đứng ở góc độ chuyên môn, chúng tôi cho rằng hành động đó là hợp lí, vì xét về lợi hại của 2 hướng, thì việc tin theo kết luận của IARC, loại quyết định kiểu phòng bệnh hơn chữa bệnh, vẫn hơn là đưa người dân vào vòng nguy hiểm (nếu có) vì lợi ích kinh tế. Thiết nghĩ Việt Nam ta cũng cần có động thái tương tự.

Đứng ở góc độ người nông dân, thiết nghĩ cần hạn chế tối đa việc sử dụng glyphosate (và thuốc bảo vệ thực vật nói chung), cẩn thận hơn khi đi phun thuốc, tránh để hít thở hoặc dính thuốc lên da, cũng như phải dùng đúng liều lượng và các cảnh báo về thời điểm phun thuốc. Đó là để vừa tự bảo vệ mình, mà vừa bảo vệ người tiêu dùng.

Đứng ở góc độ người tiêu dùng, một mặt, chúng ta chưa cần phải lo lắng thái quá khi mà chưa có nghiên cứu, kiểm nghiệm nào về hàm lượng tồn dư chất này trong thực phẩm, mặt khác, điều cần làm bây giờ là làm sao để hạn chế việc tích tụ chất này (cũng như tất cả các độc tố khác) trong cơ thể, để tránh chúng đạt đến ngưỡng độc. Để làm được điều này, cách tốt nhất là, như chúng tôi vẫn thường nhắc, phải có một chế độ ăn uống đa dạng, tức là thay đổi nguồn thực phẩm thường xuyên, tránh ăn một món hoặc mua một loại thực phẩm nào quá thường xuyên, đồng thời bổ sung các chất chống ôxy hoá, chống viêm, chống ung thư có sẵn trong TẤT CẢ các rau củ quả mà chúng ta vẫn hay ăn hằng ngày. Đó mới là hành động cần làm từ bây giờ, hơn là chỉ lo lắng, than vãn mà không làm gì được.

Tác giả[sửa]

  • Chịu trách nhiệm thông tin: Nguyễn Cao Luân.
  • Lần cuối xem xét khoa học: 16/03/2016.
  • Lần cuối chỉnh sửa: 16/03/2016

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. US patent 3799758, Franz JE, “N-phosphonomethyl-glycine phytotoxicant compositions”, issued 1974-03-26, assigned to Monsanto Company
  2. EPA, U.S., Pesticide Market Estimates Agriculture, Home and Garden, 2007.
  3. Guyton, K.Z., et al., Carcinogenicity of tetrachlorvinphos, parathion, malathion, diazinon, and glyphosate. Lancet Oncol, 2015. 16(5): p. 490-1.
  4. IARC, Evaluation of five organophosphate insecticides and herbicides. IARC Monographs, 2015. 112.
  5. De Roos, A.J., et al., Integrative assessment of multiple pesticides as risk factors for non-Hodgkin’s lymphoma among men. Occup Environ Med, 2003. 60(9).
  6. McDuffie, H.H., et al., Non-Hodgkin’s lymphoma and specific pesticide exposures in men: Cross-Canada study of pesticides and health. Cancer Epidemiology Biomarkers & Prevention, 2001. 10(11): p. 1155-1163.
  7. Eriksson, M., et al., Pesticide exposure as risk factor for non-Hodgkin lymphoma including histopathological subgroup analysis. International Journal of Cancer, 2008. 123(7): p. 1657-1663.
  8. Alavanja, M.C.R., et al., Non-Hodgkin Lymphoma Risk and Insecticide, Fungicide and Fumigant se in the Agricultural Health Study. PLoS One, 2014. 9(10).
  9. WHO/FAO. Glyphosate. Pesticides residues in food 2004 Joint FAO/WHO Meeting on Pesticides Residues. Part II Toxicological. IPCS/ WHO 2004; 95–162. [cited 2015 March 6th]; Available from: http://www.who.int/foodsafety/areas_work/chemical-risks/jmpr/en/.
  10. Bolognesi, C., et al., Biomonitoring of Genotoxic Risk in Agricultural Workers from Five Colombian Regions: Association to Occupational Exposure to Glyphosate. Journal of Toxicology and Environmental Health-Part a-Current Issues, 2009. 72(15-16): p. 986-997.
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này