Thuốc tránh thai - yếu tố nguy cơ hay bảo vệ trước ung thư

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Từ giữa thế kỷ 20, sự xuất hiện của thuốc viên uống tránh thai là một phát minh lớn. Đây là phương pháp tránh thai tạm thời, hiệu quả cao. Vì tính không xâm lấn và sự tiện lợi của mình so với các phương pháp tránh thai khác, mà thuốc tránh thai dạng uống đã được sử dụng rất phổ biến để tránh mang thai ngoài ý muốn.

Đã có những thông tin về việc sử dụng thuốc uống tránh thai và các bệnh ung thư ở phụ nữ. Tuy nhiên, sự hiểu biết không đầy đủ đã gây ra những ngộ nhận, và sự đánh giá quá thấp hoặc quá cao mức độ nghiêm trọng của vấn đề này là đều điều không nên.

Ở bài này, chúng tôi đưa ra một cái nhìn tương đối khách quan theo y học chứng cứ, không phải để chị em lo lắng hay ghê sợ phải dùng thuốc tránh thai mà để hiểu rõ hơn và tránh lạm dụng nó. Chị em cần lưu ý những điều sau:

– Thuốc tránh thai là con dao 2 lưỡi, nhưng TÁC HẠI CHỈ RÕ RÀNG KHI SỬ DỤNG THỜI GIAN DÀI HOẶC NỒNG ĐỘ CAO. Chị em nào đang phải sử dụng thời gian dài hoặc đang lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp thì cần xem tiếp các yếu tố bên dưới.

– Sử dụng thuốc tránh thai thời gian dài làm tăng nguy cơ ung thư vú và cổ tử cung, nhưng làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng và nội mạc tử cung. Thời gian sử dụng càng dài thì tác động càng rõ rệt.

– Dù có sử dụng thuốc tránh thai hay không, chị em phụ nữ cũng đều cần biết cách tự khám vú và phát hiện sớm triệu chứng.

– Đối với ung thư cổ tử cung, nguyên nhân chính vẫn là do virus HPV. Chúng tôi sẽ có bài nói về ung thư cổ tử cung và vai trò của tiêm phòng HPV sau.

– Việc lạm dụng thuốc tránh thai, nhất là thuốc tránh thai khẩn cấp sẽ tăng nguy cơ ung thư vú, bên cạnh đó là những hậu quả khác có thể xảy ra nhanh hơn so với ung thư.

Vậy thuốc uống tránh thai ảnh hưởng gì đến nguy cơ ung thư?[sửa]

Cần nói một chút về thuốc viên tránh thai. Về cơ bản có thể chia thuốc viên tránh thai thành 3 loại: viên tránh thai kết hợp, viên tránh thai đơn thuần và viên tránh thai khẩn cấp. Sự khác biệt ở đây nằm ở thành phần viên thuốc và liều lượng các thành phần.

+ Viên thánh thai kết hợp: gồm Estrogen và Progestin

+ Viên tránh thai đơn thuần: chỉ có Progestin

+ Viên tránh thai khẩn cấp: cũng chia thành loại kết hợp và loại đơn thuần, với liều cao hơn.

Các nhà khoa học đã tìm ra ảnh hưởng của Estrogen với sự phát triển và tăng trưởng của một số loại ung thư. Điều này đặt ra câu hỏi là liệu có mối liên hệ gì giữa những loại thuốc đang được sử dụng rộng rãi này, vốn có thành phần Estrogen, và nguy cơ ung thư.

Những kết quả từ các nghiên cứu để làm rõ mối liên quan giữa sử dụng thuốc tránh thai đường uống và nguy cơ ung thư không thực sự thống nhất. Một tổng kết nhỏ về kết quả nghiên cứu cho một số loại ung thư được ghi nhận sau đây.

Thuốc tránh thai tác động thế nào đến ung thư vú?[sửa]

Nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có một số yếu tố liên quan đến nội tiết tố tự nhiên, những yếu tố cho phép mô vú phơi nhiễm với nồng độ cao hormone trong một thời gian dài như: có kinh sớm, mãn kinh muộn, có con muộn hoặc không có con.

Một phân tích năm 1996 từ dữ liệu dịch tễ của hơn 50 nghiên cứu trên toàn thế giới cho thấy, những phụ nữ đang sử dụng hoặc sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian gần có nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn một chút so với những phụ nữ chưa từng sử dụng[1]. Nguy cơ cao nhất thuộc về những người sử dụng thuốc tránh thai từ trước 20 tuổi. Điều này phù hợp với một nghiên cứu gần đây (2013), so sánh 2 nhóm nữ sinh sau dậy thì chưa dùng thuốc tránh thai bao giờ (với hơn 25 ngàn người), với nhóm đã và đang dùng thuốc tránh thai (với hơn 16 ngàn người) cũng cho kết quả tương tự, khi mà nhóm có dùng thuốc có tỷ lệ bị ung thư vú cao gấp rưỡi nhóm không dùng bao giờ (0.60% vs 0.42%) [2].Tuy nhiên, nguy cơ ở những người ngưng sử dụng được 10 năm giảm về bằng nhóm đối chứng, tức là nhóm chưa sử dụng thuốc tránh thai đường uống bao giờ. Có vẻ như thời gian sử dụng càng lâu làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Trong một nghiên cứu công bố năm 2010 từ Nurse's Health Study, theo dõi hơn 116,000 nữ y tá từ 24 đến 43 tuổi kể từ lúc họ tham gia vào nghiên cứu năm 1989 [3], đã tìm ra rằng nguy cơ ung thứ cú tăng nhẹ ở những người tham gia có sử dụng thuốc uống tránh thai. Dù vậy, gần như tất cả những phụ nữ tăng nguy cơ này đều dùng lợi thuốc tránh thai “3 pha” – loại thuốc tránh thai kết hợp mà liều lượng hormone thay đổi trong 3 pha của 1 chu kỳ kinh, có tổng lượng progesterone thấp hơn loại 1 pha. Về việc này, chúng tôi nhận thấy cần có thêm những nghiên cứu xác nhận lại phát hiện của Nurse's Health Center, làm rõ hơn mối liên quan giữa công thứ “3 pha” này với nguy cơ ung thư.

Một nghiên cứu cực lớn với trên 1 triệu phụ nữ trong độ tuổi 50-64 ở Anh quốc, báo cáo năm 2003, trong đó một nửa sử dụng liệu pháp thay thế hormone, cho thấy, tỷ lệ bị ung thư vú của nhóm có sử dụng cao gấp 1.5 lần so với nhóm không sử dụng. Tuy nhiên, tác nhân này biến mất nếu dừng sử dụng từ 5 năm trở lên. Một cách chính xác hơn, việc sử dụng thuốc tránh thai kết hợp (chứa oestrogen và progestagen) làm tăng khả năng ung thư vú gấp 2 lần, và con số đối với thuốc tránh thai chỉ chứa oestrogen là 1.3 lần.[4]

Tuy nhiên, một nghiên cứu có uy tín được thực hiện từ 1994 tới 1998 bởi Women's Contraceptive and Reproductive Experience (Women's CARE) chỉ ra rằng không có sự tăng nguy cơ ung thư vú đối với người đã và đang sử dụng thuốc tránh thai.

Thuốc tránh thai ảnh hưởng lên ung thư buồng trứng thế nào?[sửa]

Với ung thư buồng trứng thì đạt được mức độ thống nhất cao và được xác nhận rằng sử dụng thuốc tránh thai có thể giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Trong một phân tích năm 1992 từ 20 nghiên cứu, các nhà nghiên cứu tìm ra rằng thời gian sử dụng thuốc tránh thai càng lâu thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng càng giảm. Giảm từ 10 đến 12% sau 1 năm sử dụng và 50% sau 5 năm sử dụng.[5]

Thuốc tránh thai ảnh hưởng thế nào lên nguy cơ ung thư nội mạc tử cung[sửa]

Tình hình với ung thư nội mạc tử cung có vẻ cũng giống như ung thư buông trứng, sáng sủa và rõ ràng hơn so với ung thư vú. Những phụ nữ dùng thuốc tránh thai có có nguy cơ ung thư nội mạc tử cung giảm và tác dụng bảo vệ này tăng theo thời gian sử dụng, và còn duy trì vài năm sau khi ngưng dùng thuốc[6].

Thuốc tránh thai ảnh hưởng thế nào đến nguy cơ ung thư cổ tử cung?

Sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài (5 năm hoặc hơn) có liên quan đến dự tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung[7].

Trong một báo cáo vào năm 2002 của Cơ quan Quốc tế về Nghiên cứu Ung thư (International Agency for Research on Cancer – một bộ phận của WHO), dữ liệu từ 8 nghiên cứu đã được kết hợp lại để đánh giá sự liên quan giữa việc áp dụng biện pháp tránh thai bằng đường uống với nguy cơ ung thư cổ tử cung trong số các phụ nữ đã nhiễm HPV. Báo cáo đã chỉ ra những người sử dụng thuốc tránh thai từ 5 đến 9 năm có nguy cơ ung thư cổ tử cung tăng gấp 3 lần so với những người chưa từng sử dụng. còn đối với phụ nữ đã dùng từ 10 năm trở lên, nguy cơ ung thư tử cung cao hơn gấp 4 lần[8].

Những câu hỏi về cách thức của việc sử dụng thuốc tránh thai liên quan thế nào đến sự tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung sẽ được trả lời trong một nghiên cứu đang được thực hiện[9].

Thuốc tránh thai ảnh hưởng thế nào lên ung thư gan?[sửa]

Thánh thai bằng thuốc uống liên quan đến sự tăng nguy cơ xuất hiện những u gan lành tính, như u tuyến tế bào gan (hepatocellular adenomas)[10]. Mặc dù có nguy cơ cao chảy máu hoặc vỡ, những u này hiếm khi trở thành ác tính[11].

Câu hỏi là liệu sử dụng thuốc tránh thai có tăng nguy cơ mắc ung thư ác tính ở gan, thì chưa có câu trả lời rõ ràng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người sử dụng thuốc tránh thai từ 5 năm trở lên có tăng nguy cơ mắc ung thư gan, trong khi một số khác nói không.

Tổng kết[sửa]

Rõ ràng là có những nguy cơ từ việc sử dụng thuốc tránh thai, và nó phụ thuộc rất nhiều vào thời gian sử dụng cũng như liều lượng các thành phần. Những loại thuốc tránh thai hiện nay sử dụng một liểu thấp estrogen so với những viên thuốc thời kỳ đầu, cho nên cũng đã phần nào giảm các nguy cơ.

Nhiều ý kiến chuyên gia khi cân nhắc giữa ích lợi của việc sử dụng thuốc tránh thai và những nguy cơ nó có thể gây ra thì những ích lợi nó mang đến có trọng lượng hơn hẳn.

Ở bài này, tôi đưa ra một cái nhìn tương đối khách quan theo y học chứng cứ, không phải để chị em lo lắng hay ghê sợ phải dùng thuốc tránh thai mà để hiểu rõ hơn và tránh lạm dụng nó. Chị em cần lưu ý những điều sau:

Sử dụng thuốc tránh thai chỉ là một trong nhiều yếu tố nguy cơ của ung thư vú. Phụ nữ cần biết cách tự khám và phát hiện sớm triệu chứng.

Mặc dù các số liệu đã chỉ ra có mối liên hệ giữa sử dụng thuốc tránh thai và tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung nhưng cơ chế chưa rõ và nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung là do HPV.

Việc sử dụng thuốc tránh thai có làm giảm nguy cơ buồng trứng và ung thư nội mạc tử cung, nhưng cần lưu ý rắng nếu sử dụng trong thời gian dài, sự phơi nhiễm với estrogen của mô vú càng dài thì lại tăng nguy cơ ung thư vú.

Việc lạm dụng thuốc tránh thai, nhất là thuốc tránh thai khẩn cấp (vốn có nổng độ E.E cao hơn nhiều so với các loại khác) sẽ tăng nguy cơ ung thư vú, bên cạnh đó là những hậu quả khác có thể xảy ra nhanh hơn so với ung thư

Tác giả[sửa]

  • Chịu trách nhiệm thông tin: Đặng Phước Hưng.

(fb.com/danghung072)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Collaborative Group on Hormonal Factors in Breast Cancer. Breast cancer and hormonal contraceptives: collaborative reanalysis of individual data on 53,297 women with breast cancer and 100,239 women without breast cancer from 54 epidemiological studies. Lancet 1996; 347(9017):1713–1727
  2. Chlebowski, R.T., et al., Estrogen plus progestin and breast cancer incidence and mortality in the Women’s Health Initiative Observational Study. J Natl Cancer Inst, 2013. 105(8): p. 526-35.
  3. Hunter DJ, Colditz GA, Hankinson SE, et al. Oral contraceptive use and breast cancer: a prospective study of young women. Cancer Epidemiology Biomarkers and Prevention2010; 19(10):2496–2502.
  4. Beral, V., Breast cancer and hormone-replacement therapy in the Million Women Study. Lancet, 2003. 362(9382): p. 419-27.
  5. Hankinson SE, Colditz GA, Hunter DJ, et al. A quantitative assessment of oral contraceptive use and risk of ovarian cancer. Obstetrics and Gynecology 1992; 80(4):708–714.
  6. Emons G, Fleckenstein G, Hinney B, Huschmand A, Heyl W. Hormonal interactions in endometrial cancer. Endocrine-Related Cancer 2000; 7(4):227–242
  7. Franceschi S. The IARC commitment to cancer prevention: the example of papillomavirus and cervical cancer. Recent Results in Cancer Research 2005; 166:277–297.
  8. Moreno V, Bosch FX, Munoz N, et al. Effect of oral contraceptives on risk of cervical cancer in women with human papillomavirus infection: the IARC multicentric case-control study. Lancet 2002; 359(9312):1085–1092.
  9. IARC Working Group on the Evaluation of Carcinogenic Risks to Humans. Combined estrogen-progestogen contraceptives and combined estrogen-progestogen menopausal therapy. IARC Monographs on the Evaluation of Carcinogenic Risks to Humans 2007; 91:74–84.
  10. La Vecchia C, Tavani A. Female hormones and benign liver tumours. Digestive and Liver Disease 2006; 38(8):535–536.
  11. Farges O, Ferreira N, Dokmak S. Changing trends in malignant transformation of hepatocellular adenoma. Gut 2011; 60(1):85–89.
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

  • Ruy Băng Tím
  • Đặng Phước Hưng - Sinh viên Y5, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này