Thuốc viên và những tiến bộ trong kỹ thuật sản xuất viên thuốc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thuốc viên và những tiến bộ trong kỹ thuật sản xuất viên thuốc

Rất nhiều dạng bào chế khác nhau, nhưng khi nói đến thuốc thì đa phần là người ta nghĩ đến dạng thuốc viên. Dạng bào chế này thuận tiện cho việc phân chia liều lượng, bảo quản, vận chuyển, phân phối, sử dụng… Thông qua chỉ định của thầy thuốc, bệnh nhân có thể tự uống viên thuốc mà không cần sự trợ giúp của nhân viên chuyên môn như thuốc tiêm hay dịch truyền…

Tuy nhiên, không phải viên thuốc nào chứa cùng loại hoạt chất đều có tính năng và cách sử dụng giống nhau. Có loại viên được phép bẻ nhỏ trước khi uống, cũng có những loại viên tuyệt đối không được làm thay đổi trạng thái khi uống…

Song song với sự nghiên cứu, tìm kiếm các hoạt chất mới, các nhà dược học còn tìm cách tạo ra các dạng dùng mới có thể tối ưu hóa các hoạt chất cũ, tạo thuận lợi cho công tác điều trị. Quan trọng hàng đầu là kiểm soát sự giải phóng hoạt chất trong cơ thể.

Từ dạng thuốc quy ước cổ điển

Các dạng viên thuốc bào chế theo quy ước cổ điển (Conventional dosage forms) chỉ chứa một liều lượng hoạt chất nhất định, khi được đưa vào cơ thể sẽ được hấp thu, đạt đến nồng độ cực đại trong máu nó sẽ bị chuyển hóa và thời gian ngắn sau đó sẽ giảm dần nồng độ và bị đào thải. Nhưng trong việc điều trị vấn đề quan trọng là phải duy trì được nồng độ đỉnh của hoạt chất trong thời gian dài. Nên phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày (3-5 lần), hãy tưởng tượng sẽ bất tiện ra sao khi bệnh nhân phải thức dậy lúc đêm khuya để uống thuốc.

Tại sao người ta không sản xuất viên thuốc chứa hàm lượng hoạt chất thật cao? Đối với dược phẩm thì liều điều trị và liều có thể gây ngộ độc rất gần nhau. Cho nên, nếu không kiểm soát được sự phóng thích hoạt chất, không ai dám sản xuất những viên thuốc với liều cao như vậy.

Đến những viên thuốc có thể bẻ nhỏ

Trước hết đó là những viên thuốc được bào chế dưới dạng viên trần, không bao bọc bởi một lớp vỏ nào bên ngoài, trên bề mặt viên có khắc một rãnh nhỏ hoặc chữ thập để giúp người dùng có thể dùng tay bẻ viên thuốc làm đôi hoặc làm tư. Thông thường đó không phải là những loại thuốc xếp vào bảng thuốc độc. Những viên thuốc này được sản xuất với hàm lượng đủ cho một lần uống đối với người lớn, nhưng quá cao đối với trẻ em, vì vậy phải chia nhỏ cho phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ như viên thuốc chứa hoạt chất Paracetamol 500mg với tên thương mại khá quen thuộc là Panadol. Chi tiết quan trọng đối với dạng thuốc viên có thể bẻ nhỏ là trên vỏ bao bì có ghi Comprimés Sécables hoặc Scored tablets.

Một loại thuốc viên khác có tác dụng chống đầy bụng, khó tiêu với một trong những hoạt chất chính là than hoạt tính, được bào chế dưới dạng viên nén to kềnh càng, phải bẻ nhỏ để nhai. Những viên thuốc có tác dụng trung hòa acid dịch vị như Maalox, Gastrogel… với thành phần căn bản là những chất kiềm nhẹ (Nhôm, Magie) cũng phải nhai nhỏ chứ khó lòng mà nuốt trôi được nó.

Các loại viên nén sủi bọt không được phép nuốt trực tiếp mà phải hòa tan trong nước rồi mới uống dung dịch thuốc như: Normogasstryl, Calcium Bronat… có thể bẻ nhỏ.

Và những viên thuốc không được phép làm thay đổi dạng bào chế

1/ Dạng viên bao tan trong ruột:

Đó là dạng viên nén nhưng được bọc bên ngoài một lớp vỏ (thường là dạng bao film) giúp cho viên thuốc không tan rã tại dạ dày mà chỉ tan khi xuống đến ruột non. Một số hoạt chất sẽ bị phân hủy trong môi trường acid của dạ dày như các enzyme tiêu hóa, hoặc hoạt chất có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày như Aspirin, Diclofenac… thường được bào chế dưới dạng viên bao tan trong ruột.

2/ Dạng viên ngậm dưới lưỡi: Phải để nguyên viên, ngậm dưới lưỡi cho hoạt chất được hấp thu tại khu vực này ví dụ như Alphachymotrypsin, Ergomar

3/ Dạng thuốc bào chế theo Hệ điều trị (Therapeutic System): Những viên thuốc dạng này chứa hàm lượng hoạt chất gấp từ 2 đến 4 lần so với dạng quy ước, nó sẽ có tác dụng trong suốt 12- 24 giờ, một số trường hợp đặc biệt có tác dụng trong vòng nhiều ngày. Vì vậy, người dùng phải rất chú ý đến dạng thuốc này để tránh ngộ độc khi uống như viên thuốc dạng quy ước. Thuốc Hệ điều trị có nhiều dạng bào chế khác nhau.

+ Hệ giải phóng hoạt chất chậm (Delayed System) mà điển hình là viên thuốc có tác dụng lặp lại (Repeat Action Tablets: Repetabs). Ví dụ như viên thuốc có tác dụng chống dị ứng Polaramine. Dạng quy ước chỉ chứa 2mg/viên. Polaramine Repetabs chứa đến 6mg/viên. Nó được bào chế thành 2 lớp mỗi lớp 3mg và sẽ giải phóng hoạt chất từ từ sau khi được uống, kéo dài khả năng điều trị suốt 12 giờ.

+ Hệ thuốc tác dụng kéo dài (Sustained Release Systems): Là những dạng thuốc mà sau khi uống một thời gian ngắn sẽ đạt được nồng độ đỉnh trong máu và nó duy trì nồng độ này một thời gian dài theo nhu cầu điều trị. Những dạng bào chế ấy gắn liền với sự phát triển của việc ứng dụng công nghệ polymer trong kỹ nghệ bào chế dược phẩm.

  • Spansule (Viên nang chứa nhiều hạt nhỏ): Mỗi viên thuốc dạng này chứa bên trong là nhiều hạt nhỏ với nhiều màu sắc khác nhau, mỗi loại màu tương ứng với mỗi loại tá dược, có những tá dược sẽ tan và giải phóng hoạt chất trong dạ dày, có loại tá dược chỉ khi viên nhỏ xuống đến ruột mới tan và giải phóng hoạt chất, nhờ vậy sẽ kéo dài được nồng độ đỉnh của hoạt chất. Những viên nang mà một đầu trong suốt chứa nhiều hạt nhỏ bên trong thuộc dạng này như: Moriamin Fort, Contact…
  • Matrix Devices hay Monolithic Devices: Là hệ thuốc tác dụng kéo dài và kiểm soát sự giải phóng hoạt chất rất phổ biến. Một viên thuốc dạng này chứa bên trong nhiều khung (Matrix) thường được làm bằng chất dẻo (Poly (ethylen glycol)) những chất này không có tác dụng điều trị, không độc và không hòa tan trong cơ thể. Các hoạt chất có tác dụng trị liệu sẽ được chứa trong các khung này, khi uống vào cơ thể, dịch tiêu hóa sẽ ngấm vào khung, hòa tan dần dần và chuyển dần hoạt chất vào máu. Khi sử dụng hết hoạt chất, khung không chứa thuốc sẽ được đào thải theo phân.
  • Osmotic systems (Hệ thẩm thấu): Là dạng viên thuốc có chứa một nhân hoạt chất bên trong. Nhân hoạt chất này được bao bọc bởi 1 màng bán thấm có nghĩa là dịch tiêu hóa chỉ có thể ngấm từ bên ngoài vào trong nhân để hòa tan hoạt chất chứ không có trường hợp ngược lại. Làm thế nào để hoạt chất được hòa tan có thể ngấm vào máu cho tác dụng điều trị? Đó là nhờ vào một lỗ nhỏ trên màng bán thấm được đục từ trước bởi tia laser, hoạt chất sẽ thoát qua lỗ này dần dần để kéo dài thời gian cung cấp cho cơ thể.

Ngoài những dạng cơ bản nói trên còn có những dạng thuốc khác thuộc hệ tác dụng kéo dài có kiểm soát như: Pendent devices (dùng cho các thuốc giảm đau, thuốc chống suy nhược cơ thể), Electically stimulated release devices, Các loại hoạt chất được ngấm qua da bởi thuốc dán và có tác dụng điều trị kéo dài có kiểm soát (Transdermal drug delivery system: TTD)…

Một số thuật ngữ khác đối với các dạng thuốc tác dụng kéo dài và có kiểm soát là: LP: Libération Prolongée; TR: Time Release; XR: Extended Release; SR: Long Acting; Retard…

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật ứng dụng vào kỹ thuật bào chế dược phẩm đem lại nhiều dạng thuốc tiến bộ phục vụ tốt cho công tác điều trị. Tuy nhiên, cần chú ý dạng dùng để tránh những tác hại đáng tiếc có thể xảy ra, nói theo kiểu cho hết trách nhiệm khi người ta quảng cáo dược phẩm trên truyền hình là :” Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng!”

Tác giả và tài liệu tham khảo[sửa]

  • DS Tạ Xuân Quan
  • Literature Review of Pharmaceutical Controlled Release Methods & Devices)