Tiêu và Nghệ – cặp bài trùng tự nhiên giúp bạn phòng ung thư

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Nghệ (Khương hoàn, Curcuma longa) chứa rất nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học quan trọng, trong đó, đáng chú ý nhất là Curcumin (diferuloylmethane).

Trong nhiều thế kỷ qua, Curcumin đã được sử dụng rộng rãi trong y học do nó không độc và có nhiều đặc tính chữa bệnh bao gồm giảm đau, chống viêm, hoạt động khử trùng và còn là chất chống oxy hóa. Gần đây hơn, curcumin từ nghệ được phát hiện là có hoạt tính chống ung thư thông qua tác động của nó trên một loạt các con đường tín hiệu sinh học liên quan đến đột biến, biểu hiện gen gây ung thư, điều hòa chu kỳ tế bào, quá trình chết của tế bào, hình thành khối u và di căn.

Trong bài viết này, chúng tôi tập trung giải thích:

  1. Cơ chế và bằng chứng thử nghiệm chống một số loại ung thư của curcumin
  2. Vì sao nên ăn tiêu chung với nghệ?


1. Cơ chế và bằng chứng thử nghiệm chống một số loại ung thư của curcumin[sửa]

1.1. Ức chế các chất Gây ung thư[sửa]

Curcumin đã cho thấy tác dụng chống tăng sinh ở nhiều bệnh ung thư[1]. Ngoài ra, chất curcumin ảnh hưởng đến một loạt các thụ thể yếu tố tăng trưởng và các phân tử bám dính tế bào liên quan đến sự phát triển khối u, mạch và di căn. Curcumin đã được nghiên cứu ở nhiều bệnh ung thư như u ác tính đầu và cổ, ung thư vú, đại tràng, tuyến tụy, tuyến tiền liệt và ung thư buồng trứng [2].

Curcumin chống lại ung thư bằng cách tác động vào nhiều cấp độ điều hòa trong quá trình sinh trưởng và sự chết theo chương trình của tế bào. Curcumin chống lại các chất ôxi hóa và tiêu diệt các gốc tự do, từ đó đóng vai trò quan trọng trong tác dụng ức chế các hợp chất hỗ trợ những giai đoạn đầu của quá trình sinh ung thư. Curcumin được chứng minh là chất có khả năng ngăn chặn tia cực tím chiếu xạ gây đột biến DNA và thúc đẩy sự hoạt động của chức năng nhận dạng nguy hiểm ở tế bào [3].

1.2. Thử nghiệm In Vitro (Trong ống nghiệm)[sửa]

NF-kB là một yếu tố thiết yếu nhằm kiểm soát quá trình biểu hiện một số gen quan trọng trong tế bào.. Biểu hiện của NF-kB chủ yếu được quan sát thấy ở nhiều tế bào ung thư biểu mô tế bào miệng hình vảy, và Curcumin cho thấy khả năng ngăn chặn sự phát triển và tồn tại của các dòng tế bào này bằng cách ức chế hoạt động của NF-kB [4].

Một báo cáo năm 2005 cho thấy Curcumin cũng ức chế con đường tín hiệu liên quan đến NF- kB ở các tế bào ung thư đầu và cổ, từ đó dẫn đến sư giảm tăng sinh ở khối u[5].

Hình 1: Curcumin có liên quan đến việc kiểm soát chu kỳ tế bào và kích thích quá trình chết theo chương trình thông qua việc tăng sự điều hòa p16 và p53. Ngoài ra, curcumin còn có tác dụng ức chế sự hình thành mạch khối u và di căn qua ức chế của một loạt các yếu tố tăng trưởng bao gồm VEGF, COX-2 , MMPs và ICAMs

1.3. Thử nghiệm In Vivo (Trong cơ thể sống)[sửa]

Curcumin cũng đã được chứng minh ở in vivo ức chế sự tăng trưởng ung thư biểu mô tế bào vảy ở đầu và cổ bằng cách sử dụng mô hình chuột. Curcumin được nghiên cứu ở các bệnh ung thư khác nhau bao gồm cả tuyến tụy, ruột kết và tuyến tiền liệt [6].

Curcumin được tiêm vào tĩnh mạch của chuột và kết quả cho thấy curcumin không độc hại cũng như hiệu quả mà nó mang lại trong việc ức chế sự phát triển khối u dòng tế bào ung thư miệng (CAL27 và UM-SCC-1).

2. Vì sao nên ăn tiêu chung với nghệ?[sửa]

2.1. Curcumin kém hấp thụ trong cơ thể[sửa]

Curcumin tinh khiết (bao gồm tất cả các Curcuminoids được biết đến) đều kém hấp thu vào máu sau khi ăn uống do chuyển hóa nhanh ở gan và ruột, và bị đào thải nhanh chóng. Điều này có thể là bởi vì nó có thể ức chế một số enzyme tiêu hóa đường ruột.

Các thử nghiệm lâm sàng ở người cho thấy tác dụng sinh học của curcumin trên toàn bộ cơ thể thông qua đường uống là tương đối thấp [7] [8] [9] và các chất chuyển hóa của curcumin, thay vì curcumin nguyên chất, được phát hiện trong huyết tương hoặc huyết thanh sau khi uống [10] [11]. Trong ruột và gan, curcumin dễ dàng liên hợp để tạo thành các chất chuyển hóa của curcumin [12]. Chất chuyển hóa của curcumin có thể không có hoạt tính sinh học tương tự như các hợp chất gốc. Trong một thử nghiệm lâm sàng được tiến hành tại Đài Loan, nồng độ huyết thanh đạt đỉnh curcumin 1-2 giờ sau khi uống. Có một số bằng chứng cho thấy curcumin đường uống sẽ tích tụ trong các mô dạ dày ruột.

2.2. Piperine trong tiêu đen giải quyết vấn đề trên[sửa]

Do hoạt tính sinh học thấp của curcumin, các hợp chất tự nhiên đã được sử dụng để làm tăng khả năng sinh học của curcumin. Một trong số đó là piperine, một thành phần chính của hạt tiêu đen (tiêu bắc), được dùng làm chất ức chế sự đào thải của curcumin ở gan và đường ruột và cũng tăng hoạt tính của curcumin. Tác dụng này của piperine về dược động học của curcumin đã được chứng minh là ở người lớn hơn nhiều so với ở chuột. Ở người, hoạt tính của curcumin đã tăng 2.000% (20 lần) ở 45 phút sau khi dùng curcumin với piperine thông qua đường miệng, trong khi đó ở chuột, dùng curcumin đồng thời với piperine giúp tăng nồng độ curcumin trong huyết thanh 154% trong một thời gian ngắn từ 1-2 giờ sau khi dùng thuốc. Nghiên cứu liều lượng sử dụng cho thấy piperine làm tăng nồng độ curcumin trong huyết thanh, mức độ hấp thu và hoạt tính của curcumin trong cả chuột và người, không có tác dụng phụ [13].

3. Kết luận[sửa]

Tác dụng của curcumin trong nghệ đã được tìm hiểu rất nhiều, và tiềm năng của nó trong việc phòng ung thư là điều rõ ràng. Cũng chính nhờ thói quen dùng thực phẩm chứa nghệ như là một gia vị chính trong nhiều món ăn của người Ấn Độ, có lẽ, đã giúp cho tỷ lệ ung thư ở Ấn Độ nói chung thì thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giơi (WHO) năm 2012, tỷ lệ mắc ung thư trung bình trên thế giới là 182/10000 người, trong khi ở Ấn Độ chỉ bằng một nửa, 94/10000 người[14]. Trong một báo cáo so sánh tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở những người Ấn Độ định cư tại Ấn Độ, Mỹ, Anh, Singapore, và người da trắng ở Mỹ, tỷ lệ ung thư người Ấn Độ ở Ấn Độ và Singapore là thấp nhất, và cao nhất là những người da trắng ở Mỹ. (Rastogi et al., 2008) [15].

Ngoài khả năng chống một số loại ung thư, curcumin từ nghệ cho thấy tiềm năng tốt trong việc hỗ trợ điều trị loét dạ dày tá tràng. Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy, trong 45 bệnh nhân có các triệu chứng loét dạ dày tá tràng được điều trị với 600 mg curcumin qua đường miệng, 5 lần/ngày, triệu chứng loét ở 12 bệnh nhân biến mất sau 4 tuần điều trị. Sau 8 tuần điều trị, kết quả tăng lên đến 72% bệnh nhân, và lên đến 76% bệnh nhân sau 12 tuần điều trị. Trong 20 bệnh nhân còn lại biểu hiện bệnh viêm dạ dày, loét, hoặc khó tiêu cũng cải thiện được triệu chứng trong vòng hai tuần của 4 tuần điều trị curcumin[16].

Vì vậy, một lời khuyên thiết thực là nên bổ sung curcumin trong chế độ ăn uống bằng cách đưa các món ăn có dùng nghệ và tiêu vào trong thực đơn hằng tuần, để giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh ung thư bằng các nguyên liệu tự nhiên. Do Curcumin là một chất ưa mỡ và do đó hầu như không hòa tan trong nước, và dễ tan trong dầu, nên sử dụng thêm dầu mỡ khi ăn thực phẩm chứa nghệ.

Tuy nhiên, xin lưu ý rằng, việc dùng curcumin trong điều trị ung thư lại là một vấn đề khác. Hiện chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy chỉ dùng curcumin là đủ để điều trị bất kỳ loại ung thư nào, nhưng có một số thử nghiệm cho thấy việc bổ sung curcumin đường uống có tác dụng làm giảm một số triệu chứng bất lợi khi điều trị, cũng như hỗ trợ ngăn ngừa ung thư quay trở lại sau điều trị[17].

Do đó, bài viết này chỉ khuyến khích mọi người phòng bệnh bằng nghệ, không cổ vũ việc dùng thực phẩm chức năng chứa curcumin trong điều trị ung thư, và đặc biệt là không nên tự ý sử dụng curcumin, nghệ hay bất kỳ thực phẩm chức năng nào khi điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ, vì cần có ý kiến của bác sĩ về khả năng tương tác thuốc.

Chịu trách nhiệm thông tin[sửa]

Lê Ngọc Hồng Phượng, Nguyễn Cao Luân.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Reason Wilken, Mysore S Veena, Marilene B Wang, Eri S Srivatsan. Curcumin: A review of anti-cancer properties and therapeutic activity in head and neck squamous cell carcinoma. Wilkenet al. Molecular Cancer 2011,10:12.
  2. Aggarwal S, Takada Y, Singh S, Myers JN, Aggarwal BB. Inhibition of growth and survival of human head and neck squamous cell carcinoma cells by curcumin via modulation of nuclear factor-kB signaling. Int J Cancer 2004,111:679-692.
  3. Oda Y. Inhibitory effect of curcumin on SOS functions induced by UV irradiation. Mutat Res 1995, 348:67-73.
  4. Chun KS, Keum YS, Han SS, Song YS, Kim SH, Surh YJ. Curcumin inhibits phorbol ester-induced expression of cyclooxygenase-2 in mouse skin through suppression of extracellular signal-regulated kinase activity and NF-kappa B activation. Carcinogenesis 2003, 24:1515-1524.
  5. LoTempio MM, Veena MS, Steele HL, Ramamurthy B, Ramalingam TS, Cohen AN, Chakrabarti R, Srivatsan ES, Wang MB. Curcumin suppresses growth of head and neck squamous cell carcinoma. Clin Cancer Res 2005, 11:6994-7002
  6. Li L, Braiteh FS, Kurzrock R. Liposome-encapsulated curcumin: in vitro and in vivo effects on proliferation, apoptosis, signaling, and angiogenesis. Cancer 2005,104:1322-1331.
  7. Sharma RA, Gescher AJ, Steward WP. Curcumin: The story so far. Eur J Cancer. 2005;41(13):1955-1968.
  8. Anand P, Kunnumakkara AB, Newman RA, Aggarwal BB. Bioavailability of curcumin: problems and promises. Mol Pharm. 2007;4(6):807-818.
  9. Maheshwari RK, Singh AK, Gaddipati J, Srimal RC. Multiple biological activities of curcumin: a short review. Life Sci. 2006;78(18):2081-2087.
  10. Baum L, Lam CW, Cheung SK, et al. Six-month randomized, placebo-controlled, double-blind, pilot clinical trial of curcumin in patients with Alzheimer disease. J Clin Psychopharmacol. 2008;28(1):110-113.
  11. Lao CD, Ruffin MTt, Normolle D, et al. Dose escalation of a curcuminoid formulation. BMC Complement Altern Med. 2006;6:10.
  12. Ireson CR, Jones DJ, Orr S, et al. Metabolism of the cancer chemopreventive agent curcumin in human and rat intestine. Cancer Epidemiol Biomarkers Prev. 2002;11(1):105-111.
  13. Shoba G, Joy D, Joseph T, Majeed M, Rajendran R, Srinivas PS. Influence of piperine on the pharmacokinetics of curcumin in animals and human volunteers. Planta Med. 1998;64:353–356.
  14. GLOCAN 2012, WHO, Access date February 16, 2016, Available at <http://globocan.iarc.fr/Pages/fact_sheets_population.aspx>
  15. Rostogi T, Devesa S, Mangtani P, et al (2008). Cancer incidence rates among South Asians in four geographic regions: India, Singapore, UK and US. Int J Epidemiol,37, 147-60.
  16. Purusotam Basnet and Natasa Skalko-Basnet. Curcumin: An Anti-Inflammatory Molecule from a Curry Spice on the Path to Cancer Treatment. Molecules 2011,16, 4567-4598; doi:10.3390/molecules16064567.
  17. Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (National Cancer Institute), Kết quả Thử nghiệm lâm sàng, Access date February 16, 2016, Available at <http://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/clinical-trials/search/results?protocolsearchid=6242135>
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này