Tiến lên trong cuộc sống

Từ VLOS
(đổi hướng từ Tiến lên trong Cuộc sống)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Quá khứ là miền ký ức đã trôi qua. Đôi lúc thật khó khăn để bạn tiến bước về tương lai, ví dụ như sau một sự kiện đau buồn, nhưng khi dành quá nhiều thời gian chìm đắm trong quá khứ, bạn đang lãng phí cuộc đời của chính mình.

Các bước[sửa]

Xác định nguyên nhân[sửa]

  1. Nghĩ về quá khứ. Ngẫm nghĩ về những điều đang kìm hãm bạn trong cuộc sống. Bạn có đang sợ hãi không muốn bắt đầu mối quan hệ mới chỉ vì một trải nghiệm tồi tệ trong quá khứ? Bạn có đang mắc kẹt trong những suy nghĩ về một điều xấu xa mình đã từng làm và không biết phải làm sao để vượt qua? Bạn có đang nhung nhớ tuổi thơ và khoảng thời gian không phải chịu nhiều trách nhiệm như bây giờ? Bạn có nhớ những khoảnh khắc tuyệt vời bên bạn bè cũ?
    • Xác định được nguyên nhân kìm hãm bạn là bước đầu quan trọng để bạn tiến lên.
  2. Lắng nghe cảm xúc của mình. Khi ngẫm nghĩ về những điều đang kìm hãm bạn, hãy chú ý đến cảm xúc của bản thân đối với ký ức của chính mình. Nếu có điều gì đó khiến bạn xúc động mạnh mẽ (bất kể tốt hay xấu), rất có thể điều đó là nguyên do.[1]
    • Giả sử, nếu bạn thấy mình hạnh phúc và bồi hồi mỗi khi nhớ về những năm tháng tuổi mới lớn, hãy tự đặt câu hỏi để đánh giá xem liệu những hồi tưởng quá khứ ấy có lành mạnh không, hay chúng tiềm tàng mối nguy hại và kìm hãm bạn trong cuộc sống.[2]
    • Ví dụ, bạn có thể tự hỏi liệu mình có chia sẻ về những ngày tháng tuổi mới lớn nhiều hơn các giai đoạn khác của cuộc sống hoặc tương lai hay không.
    • Bạn cũng có thể tự hỏi liệu rằng những ký ức tuổi mới lớn ấy có đang hạn chế tiềm năng của bạn hay không. Ví dụ, hãy tự hỏi liệu nỗi lưu luyến có đang khiến bạn không muốn trải nghiệm những điều mới mẻ hay không.
  3. Liệt kê những nguyên nhân đó. Ngay khi xác định được những điều đang kìm hãm bạn, hãy viết hết tất cả ra. Hành động này sẽ như lời cảnh tỉnh để bạn cố gắng tiếp tục tiến bước.
    • Hãy làm vậy nếu nguyên nhân kìm hãm bạn, giả sử, chính là việc bạn đã từng chứng kiến một sự kiện chấn động, ví dụ như hành vi hành hung, và bạn sợ rằng điều tương tự có thể xảy đến với mình.
    • Bạn có thể viết rằng, ví dụ, bạn sợ bị tổn thương, và bạn lo lắng về việc mất kiểm soát trong những tình huống tương tự.
    • Việc viết ra giấy những nguyên nhân khiến bạn không thể tiến lên phía trước cũng sẽ hỗ trợ quá trình mà bạn đối mặt với cảm xúc của bản thân.[1]
  4. Kiên nhẫn. Mặc dù việc bạn dành thời gian nghĩ tới những nguyên nhân, về mặt định nghĩa, chính là hành vi thâm nhập vào quá khứ, hãy luôn nhớ rằng bạn làm vậy cuối cùng cũng chỉ để tiến lên phía trước.
    • Cố gắng nhắc nhở bản thân về mục tiêu cuối cùng của chính mình khi ngẫm nghĩ về quá khứ.
    • Nếu bạn cảm thấy quá choáng ngợp, hãy nghỉ ngơi đôi chút bằng những hoạt động yên tĩnh và gây xao nhãng.[3]

Thay đổi Cách Suy nghĩ của Bạn[sửa]

  1. Chiến đấu với những ý nghĩ đang kìm chân bạn. Bạn có thể tiến lên trong cuộc sống bằng cách suy nghĩ khác đi về những điều đang kìm hãm chính mình. Ví dụ, nếu bạn đã từng chứng kiến một vụ hành hung và sợ hãi điều tương tự sẽ xảy ra với bản thân, hãy tự hỏi mình một vài câu để tránh được những ảnh hưởng bất lợi của sự kiện này tới cuộc sống của bạn.[4]
    • Ví dụ, bạn có thể tự hỏi bản thân về tần suất của những hành vi đó tại thành phố hoặc quốc gia nơi bạn sinh sống và tìm kiếm câu trả lời trên mạng. Điều này sẽ giúp bạn nhận ra rằng khả năng mình bị tấn công là rất thấp.
    • Bạn cũng có thể tự hỏi bản thân về số lần mình ra ngoài đường mà không chứng kiến bất kỳ vụ hành hung nào. Điều này sẽ giúp củng cố sự thật rằng những vụ việc gây thương tích như trên là rất hiếm, và bạn có thể bước tiếp về phía trước khi thay đổi quan điểm tiêu cực của mình về hoàn cảnh đó.[5]
  2. Đừng tự biến mình thành nạn nhân khi không cần thiết. Mặc dù việc chấp nhận thực tế của hoàn cảnh là điều hoàn toàn ổn, nhưng, giả sử khi ai đó khiến bạn tổn thương, hãy hiểu rằng bạn kiểm soát tất cả suy nghĩ và hành vi của chính mình. Vì vậy, sẽ hợp lý nếu bạn không tập trung quá nhiều tới những điều đã xảy ra với bản thân, mà thay vào đó xem xét liệu bạn có thể làm gì trong hoàn cảnh đó và làm gì để tiếp tục tiến về phía trước.[4]
    • Đừng đi quá xa về hướng tiêu cực và nghĩ rằng tất cả những gì đã xảy ra với bạn đều là lỗi của bạn. Thay vào đó, hãy nghĩ về những điều bạn có thể làm để bản thân cảm thấy tốt hơn, bất kể ai là người có lỗi, và tiến về phía trước.
  3. Luôn toàn tâm toàn ý. Sẽ chẳng có bất cứ ngày nào khác giống với ngày hôm nay bạn đang sống. Mỗi ngày đều quý giá, và thời gian sẽ vùn vụt trôi qua. Bạn không bao giờ biết được khi nào mình sẽ qua đời, vậy hãy sống hết mình. Những điều này nghe có vẻ sáo rỗng nhưng lại ẩn chứa quá nhiều sự thật, và đó là lý do khiến chúng phổ biến tới vậy! Có nhiều cách để trở nên toàn tâm hơn. Bạn có thể thử những mẹo sau[6] :
    • Thưởng thức những trải nghiệm của mình bằng cách cố gắng hết sức để tập trung vào xúc cảm đơn giản mà chúng mang lại. Chú ý nhiều hơn tới hương vị, mùi hương, vẻ ngoài và cảm giác của mọi vật.
    • Hít thở sâu, chú ý lắng nghe và cảm nhận hơi thở của chính mình.
    • Ngắm nhìn thế giới qua lăng kính mới mẻ bằng cách tưởng tượng rằng những điều bạn đang làm không hề quen thuộc; hãy tưởng tượng như thể đây là lần đầu tiên bạn quan sát khung cảnh quanh mình và chưa từng có chút hiểu biết gì về khung cảnh đó.
  4. Đừng nản chí. Tiến lên phía trước không phải việc dễ dàng. Đôi lúc bạn sẽ thấy khó kiểm soát tư duy của mình, khi tâm trí của bạn lang thang ở quá khứ hay tương lai nhưng bạn chỉ muốn suy nghĩ cho hiện tại.[7]
    • Tránh để bản thân nản lòng bằng lối hành xử dễ dãi với chính mình khi bạn lại trầm tư suy nghĩ hoặc không tiến về phía trước.
    • Hãy nhớ rằng tiến lên phía trước là cả một quá trình liên tục, vì vậy bạn không thất bại khi vẫn còn duy trì được phương hướng đó. Đừng buồn phiền vì những sai lầm nhất thời, thay vào đó, hãy quan sát tổng thể quá trình phấn đấu của bạn.
  5. Đối mặt với những nỗi sợ hãi. Nếu bạn đã trải qua điều gì đó gây tổn thương và gặp khó khăn để tiến lên phía trước, hãy cân nhắc đối mặt trực tiếp với những nỗi sợ ấy để vượt qua.[1]
    • Ví dụ, nếu bạn đã từng bị tai nạn ô tô, không thể quên nổi điều đó và từ đó không còn lái xe nữa, hãy từ từ làm quen lại với ô tô và việc lái xe.[8]
    • Bạn có thể bắt đầu bằng cách ngồi yên trong xe đang dừng đỗ khoảng hai phút. Sau đó, bạn có thể lái xe vòng quanh khu phố vào ban đêm hoặc những lúc ít hay không có xe cộ qua lại.

Tìm kiếm Trợ giúp từ Chuyên gia[sửa]

  1. Tìm một nhà tâm lý học. Việc gặp gỡ chuyên gia tâm lý sẽ giúp giải quyết vấn đề khi bạn chưa thể tiến lên trong cuộc sống.
    • Tại Hoa Kỳ, để tìm kiếm một chuyên gia tâm lý, bạn có thể truy cập vào trang trực tuyến sau đây: http://locator.apa.org/
  2. Hỏi ý kiến bác sĩ gia đình. Có thể bạn đã mắc chứng trầm cảm, trầm tư chính là một trong những biểu hiện của chứng bệnh này[9]. Trong trường hợp đó, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về khả năng sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm.[10]
    • Một số dấu hiệu của chứng trầm cảm bao gồm: cảm giác tuyệt vọng, sự lơ đãng, mất hứng thú với mọi hoạt động hoặc với tương lai, suy nghĩ chậm chạp, cảm giác bồn chồn không yên, nỗi âu lo và thiếu sinh lực.[11]
    • Bạn cũng có thể đang mắc phải chứng Rối loạn Căng thẳng sau Chấn thương Tâm lý, dạng âu lo thường xảy ra sau khi trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện gây chấn động.[12]
  3. Lên danh sách các triệu chứng của bạn. Nếu bạn quyết định tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia y tế hay sức khỏe tâm thần, hãy tận dụng những buổi gặp mặt bằng cách viết ra tất cả những triệu chứng bạn đã trải qua và hoàn cảnh mà chúng xảy ra.[11]
    • Đừng ngại liệt kê một cách tường tận. Cung cấp quá nhiều thông tin bao giờ cũng tốt hơn quá ít.
  4. Lên danh sách câu hỏi. Hãy chắc chắn rằng bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi gặp mặt bằng cách ghi lại những thắc mắc mà bạn có thể hỏi bác sĩ.[13] Bạn có thể hỏi về những điều sau đây:
    • Những loại thuốc bạn có thể sử dụng.
    • Ưu nhược điểm của từng loại thuốc khác nhau.
    • Phương thức thay thế việc uống thuốc, ví dụ như thay đổi phong cách sống (VD: tập thể dục, ăn uống điều độ).
    • Tác dụng phụ của các loại thuốc mà bạn được khuyên dùng.
    • Nguyên nhân căn bản cho chứng trầm cảm hoặc rối loạn sau chấn thương của bạn.

Lời khuyên[sửa]

  • Mọi thứ đều có khoảng thời gian nhất định của nó. Những điều đang xảy đến với bạn không kéo dài mãi mãi.

Cảnh báo[sửa]

  • Mắc kẹt trong quá khứ hay quá lo lắng về tương lai có thể là dấu hiệu của chứng trầm cảm.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây