Tiếp cận đánh giá năng lực sáng tạo
Cũng giống như thuật ngữ “đánh giá xác thực”, thuật ngữ “đánh giá năng lực sáng tạo” (một số tài liệu dịch thuật là đánh giá phi truyền thống hay đánh giá thay thế) mới xuất hiện khoảng ba thập niên trở lại đây trong hệ thống lí luận về kiểm tra, đánh giá. Về ý nghĩa, bối cảnh xuất hiện, cả hai thuật ngữ này đều có những điểm tương đồng vì cả hai cùng đề cập đến những cách thức kiểm tra, đánh giá mới, khác biệt với các phương pháp kiểm tra, đánh giá viết trên giấy kiểu truyền thống. Tuy nhiên bên cạnh những điểm tương đồng, thì hai khái niệm này lại chú trọng vào những điểm khác nhau trong kiểm tra, đánh giá. Trong khi “đánh giá xác thực” nhấn mạnh sự liên hệ của việc kiểm ưa, đánh giá trong nhà trường với thực tế cuộc sống bên ngoài trường học, thì “đánh giá năng lực sáng tạo” nhấn mạnh đến tính mới mẻ, đa dạng và sáng tạo trong kiểm tra, đánh giá nhằm tích cực hoá hoạt động học tập. Vì vậy nếu dịch thuật ngữ “altemative assessment” là “đánh giá thay thế” sẽ khó hiểu và không làm rõ bản chất của phương pháp này.
Hãy phân tích một ví dụ sau về kiểm tra, đánh giá: giáo viên giao nhiệm vụ, yêu cầu học sinh làm việc theo nhóm nhỏ, sưu tầm tư liệu về một chủ đề nào đó. Các thành viên trong mỗi nhóm chia nhau sưu tầm tài liệu, sau đó có sự thảo luận giữa các thành viên trong nhóm và tổng hợp thành một bảo cáo chung của nhóm. Mỗi nhóm trình bày báo cáo của mình trước lớp để giáo viên và thành viên các nhóm khác thảo luận, nhận xét bình luận và đánh giá bằng điểm số. Phương pháp sử dụng ở đây vừa có thể xem là “đánh giá xác thực” vì cách thức đánh giá tương tự như một dự án học tập gắn với bối cảnh thực trong cuộc sống, đồng thời cũng có thể xem như là “đánh giá năng lực sáng tạo”, do cách thực hiện hết sức sáng tạo và phi truyền thống, trong đó kiểm tra, đánh giá và học tập luôn gắn chặt với nhau và kiểm tra, đánh giá cũng là một phần của quá trình học tập. Học sinh làm việc cùng nhau trong mỗi nhóm, báo cáo của nhóm là sản phẩm có sự đóng góp của từng thành viên, học sinh là người thực hiện cũng đồng thời là người đánh giá kết quả... Cách thức kiểm tra, đánh giá này tạo môi trường tương tác tích cực, học sinh chủ động học hỏi lẫn nhau và luôn phát huy được tính sáng tạo của từng cá nhân và của cả nhóm.
Khác với đánh giá truyền thống thường chỉ sử dụng các bài kiểm tra chính thức, “đánh giá năng lực sáng tạo” sử dụng rất nhiều mẫu đại diện để có thể đánh giá hoạt động học tập ở nhiều góc độ khác nhau, làm cho kiểm tra, đánh giá trở thành một bộ phận thường trực của sự trải nghiệm, phát triển năng lực học tập một cách bền vững.
Ví dụ: dưới đây là một item - bài tập tình huống đánh giá năng lực sáng tạo:
Bạn hãy nói rõ bằng cách nào có thể tính được chiều cao của cái cây dưới đây (xem hình vẽ), mà chỉ dựa vào chiều dài của bóng cây và chỉ dùng một khúc gậy để đo mà không nhờ bất cứ phương tiện hoặc sự trợ giúp nào khác?
........................................................................ ........................................................................
Nguồn[sửa]
- Tài liệu tập huấn Dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh; môn Toán cấp trung học phổ thông; Vụ giáo dục trung học; 2014