Tiếp nhận sự phê bình

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Điều lạ lùng là, mặc dù rất khó chịu nhưng lời phê bình lại là yếu tố quan trọng giúp chúng ta tốt hơn lên ở mặt nào đó. Chấp nhận lời phê bình và biến nó thành một điều mang tính xây dựng là một kỹ năng. Nếu không giỏi kỹ năng này, có lẽ bạn cần nỗ lực tập luyện. Điều này không những cải thiện sự tương tác của bạn mà còn giúp bạn hoàn thiện mình, đồng thời bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn mỗi khi đối mặt với những rắc rối.

Các bước[sửa]

Xử lý cảm giác của bạn[sửa]

  1. Giữ bình tĩnh. Cảm giác thủ thế khi bị phê bình là tự nhiên, nhưng việc cho phép mình tức giận và biểu lộ cảm xúc sẽ không có ích gì. Hãy nhớ rằng ai cũng phạm sai lầm khi đang học một kỹ năng mới, vì vậy sự phê bình là không thể tránh khỏi, và nếu xử lý nó theo cách xây dựng, bạn có thể học được điều gì đó giá trị. Vì thế hãy cố gắng giữ bình tĩnh, ngay cả khi người chỉ trích bạn có vẻ đang bị kích động. Đừng bị cuốn theo cảm xúc của họ, vì nếu làm như vậy bạn sẽ không có khả năng xử lý lời phê bình, và điều này sẽ ngăn cản bạn học hỏi.[1]
    • Hít thở sâu. Khi bị chỉ trích, việc tập trung vào hơi thở có thể giúp bạn giữ bình tĩnh. Thử đếm đến mười (nhẩm trong đầu) khi hít vào, nín thở khi đếm đến năm, sau đó từ từ thở ra.
    • Cố gắng mỉm cười. Chỉ một nụ cười mỉm cũng giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn và có thể khiến người kia cũng thư giãn đôi chút.[2]
  2. Cho bản thân thời gian nguôi bớt. Trước khi phản ứng và thậm chí trước khi suy nghĩ về lời chỉ trích dành cho mình, bạn hãy cho bản thân thời gian để “làm nguội”. Làm một việc mà bạn thấy dễ chịu trong khoảng 20 phút, chẳng hạn như nghe những bản nhạc yêu thích, đọc sách hoặc đi dạo một vòng. Việc dành một khoảng thời gian bình tĩnh lại sau khi nhận được lời chỉ trích gay gắt sẽ giúp bạn đối mặt với nó bằng tinh thần xây dựng thay vì hành động theo cảm xúc.[1]
  3. Tách sự chỉ trích ra khỏi các vùng khác trong con người bạn. Khi muốn chấp nhận lời phê bình một cách hữu ích cho mình, bạn cần biết tách biệt. Cố gắng không coi lời chỉ trích như sự công kích cá nhân hoặc sự chống đối những việc làm khác của bạn. Xem xét lời phê bình như nó vốn thế, không thêm thắt hoặc đưa ra giả định về các khía cạnh khác của bản thân mình dựa trên những điều họ vừa nói.[3]
    • Ví dụ, nếu ai đó chỉ trích tranh của bạn thì điều đó cũng không có nghĩa bạn là họa sĩ tồi. Tuy bức tranh của bạn có vài lỗi mà nhiều người không thích, nhưng bạn vẫn có thể là một họa sĩ tuyệt vời.
  4. Cân nhắc về động cơ của lời chỉ trích. Đôi khi mục đích của những lời chỉ trích không phải để giúp đỡ mà là để làm tổn thương. Trước khi quyết định phải làm gì với lời chỉ trích đó, bạn hãy dành thời gian suy nghĩ về nó. Tự hỏi mình vài câu để hiểu tại sao họ lại nói những lời đó.[1]
    • Có phải những lời bình luận đó nói về một điều mà bạn có thể kiểm soát? Nếu không, bạn nghĩ tại sao lại có những lời đó?
    • Ý kiến chỉ trích của người đó thực sự có quan trọng không? Tại sao quan trọng và tại sao không?
    • Có phải bạn đang cạnh tranh với người đó? Nếu là vậy, liệu lời chỉ trích có phản ánh điều đó không?
    • Bạn có cảm giác như mình bị bắt nạt không? Nếu có, bạn đã tìm sự giúp đỡ chưa? (nếu cảm thấy mình bị bắt nạt ở trường hoặc ở nơi làm việc, bạn hãy nói với người có thể giúp bạn như giáo viên hoặc đại diện quản lý nhân sự).
  5. Nói với ai đó về những điều đã xảy ra. Dù lời chỉ trích dựa trên biểu hiện của bạn hoặc chỉ xuất phát từ tính nhỏ nhen, điều quan trọng là bạn cần thảo luận về những gì đã diễn ra và cảm giác của bạn. Đợi đến khi không có mặt người đó, bạn hãy tìm đến một người mà bạn tin cậy để tâm sự. Kể với họ điều gì đã xảy ra và cảm giác của bạn về việc đó. Việc thảo luận với người thân hoặc bạn bè tin cậy có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về lời chỉ trích và lý do tại sao nó lại được nói ra.
  6. Đổi hướng tập trung. Khi đã thực hiện các bước để giữ bình tĩnh và hiểu được lời chỉ trích, bạn cần cố gắng hướng sự tập trung vào các khía cạnh tích cực hơn của bạn. Nếu chú ý quá nhiều vào các mặt cần cải thiện của mình, bạn có thể bắt đầu thấy buồn phiền và bất lực. Thay vào đó, hãy thử liệt kê mọi ưu điểm của bản thân mà bạn có thể nghĩ ra để xây dựng lại lòng tự trọng.
    • Ví dụ, bạn có thể đưa vào danh sách nhưng ưu điểm như “giỏi nấu ăn”, “hài hước”, hoặc “ham đọc sách”. Liệt kê mọi ưu điểm mà bạn nghĩ ra được và đọc lại để nhắc nhở mình về những việc bạn làm giỏi.

Phản ứng với lời chỉ trích[sửa]

  1. Lắng nghe lời chỉ trích. Khi có ai đó phê bình, bạn cần chú ý và tỏ ra mình đang nghe họ nói. Duy trì tiếp xúc bằng mắt và thỉnh thoảng gật đầu để cho thấy bạn đang lắng nghe. Việc này có thể là khó, nhưng nó thực sự có lợi cho bạn. Nếu không lắng nghe, có thể bạn sẽ không phản ứng theo cách thích hợp và bạn sẽ bị chỉ trích nhiều hơn.[4]
    • Thậm chí nếu lời khuyên hoặc lời phê bình là xấu, việc nghe người đó nói vẫn là điều quan trọng. Nếu họ chỉ gửi lời nhắn, bạn vẫn có thể “nghe” trong tâm trí.
  2. Nhắc lại lời người đó vừa nói. Sau khi người chỉ trích bạn dứt lời, bạn nên nhắc lại những lời phê bình của họ để cả hai bên cùng hiểu. Nói cách khác, bạn cần loại bỏ khả năng có thêm lời chỉ trích xuất phát từ sự hiểu lầm. Bạn không cần nhắc lại nguyên văn những gì người đó nói, chỉ cần tóm tắt là đủ.[5]
    • Ví dụ, tưởng tượng bạn bị phê bình vì đã nộp không đúng tài liệu, và điều này gây rắc rối cho đồng nghiệp. Bạn có thể nhắc lại với người đó như, “Tôi hiểu là anh vừa nói rằng tôi cần phải cẩn thận hơn khi nộp tài liệu để đồng nghiệp có thể làm việc của họ hiệu quả hơn. Có phải như vậy không?”
    • Nếu không hiểu lời phê bình, bạn hãy đề nghị họ giải thích hoặc nhắc lại điều mà bạn không rõ. Nói những câu như, “Tôi muốn hiểu rõ để có thể sửa chữa vấn đề. Anh có thể giải thích lại ý anh muốn nói theo cách khác được không?”
  3. Đáp lại khi bạn đã sẵn sàng. Một số kiểu chỉ trích có thể quá gay gắt hoặc phức tạp nên không thể phản ứng ngay lập tức. Nếu có thể, bạn hãy chờ đến khi mình bình tĩnh, tự chủ và dành thời gian suy nghĩ về lời chỉ trích trước khi đáp lại. Đôi khi bạn cần phản ứng lại ngay, nhưng tốt hơn là bạn nên chậm lại. Bạn có thể đạt được kết quả tốt nhất khi dành thời gian để quyết định phản ứng chín chắn.[5]
    • Nói những câu như, “Cảm ơn anh vì đã phản hồi. Để tôi kiểm tra lại tài liệu và xem có thể làm gì. Sáng mai tôi có thể gửi tin nhắn cho anh để hỏi anh về một số thay đổi không?”
  4. Xin lỗi vì sơ xuất của bạn, nếu cần thiết. Nếu lời phê bình xuất phát từ việc bạn đã phạm sai lầm hoặc làm tổn hại đến ai đó, điều quan trọng là bạn cần xin lỗi ngay.[6] Xin lỗi khác với đối phó với lời chỉ trích, do đó bạn đừng cho rằng lời xin lỗi buộc bạn phải thay đổi hoặc chấp nhận mọi lời chỉ trích mà bạn vừa nhận được.
    • Trong đa số trường hợp, mọi điều bạn cần nói ngay lúc đó là, “Tôi rất xin lỗi. Tôi không muốn việc xảy ra như vậy. Tôi sẽ kiểm tra lại xem chúng ta có thể làm gì để đảm bảo điều đó không lặp lại”.
  5. Biết họ đúng ở điểm nào. Khi đã sẵn sàng đáp lại sự phê bình bằng lời nói, bạn hãy bắt đầu bằng việc công nhận phần phê bình nào của họ là đúng. Khi nghe được điều này, người đó sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và biết rằng bạn thực sự suy nghĩ về điều họ vừa nói.[6]
    • Bạn có thể nói đơn giản, “Anh nói đúng”, và lướt qua. Bạn không cần phải đi vào nhiều chi tiết giải thích tại sao người đó đúng. Chỉ cần bạn công nhận rằng bạn đồng ý với quan điểm của họ cũng giúp người đang chỉ trích cảm thấy những ý kiến của họ đã được lắng nghe.
    • Tất nhiên, người chỉ trích có thể hoàn toàn sai. Trong trường hợp này, bạn nên tìm ra một khía cạnh đúng nào đó trong lời nói của họ (“lẽ ra tôi có thể xử lý việc này tốt hơn”) hoặc chỉ cần cảm ơn sự phản hồi của họ, và dừng lại ở đó.
  6. Nói về kế hoạch thay đổi của bạn. Nói với họ rằng bạn dự định làm theo lời khuyên của họ như thế nào hoặc xử lý vấn đề mà họ phê bình ra sao. Điều này sẽ khiến họ yên tâm rằng bạn có quan tâm đến vấn đề đó. Việc tiếp nhận phê bình, hoàn toàn công nhận và phản hồi theo cách như vậy sẽ tạo cho bạn một vẻ chín chắn. Khi bạn nhận ra vấn đề và bắt tay vào hành động để sửa chữa, sau này mọi người sẽ bao dung với bạn hơn nhiều.
    • Bạn có thể nói những câu như, “Lần sau tôi sẽ đến gặp anh trước khi nói chuyện với khách hàng để biết chắc chúng ta đồng ý tiếp nhận sự phản hồi như thế nào”.
  7. Đề nghị họ cho lời khuyên. Nếu họ chưa đề nghị cách nào tốt hơn để giải quyết vấn đề, bạn hãy hỏi rằng họ có thể làm khác đi như thế nào. Nếu họ đã đưa ra lời khuyên, bạn vẫn có thể hỏi thêm. Tiếp nhận lời khuyên không những giúp bạn học hỏi mà còn khiến người kia cảm thấy dễ chịu hơn.
    • Bám vào những câu hỏi “cái gì” thay vì “tại sao”. Câu hỏi “cái gì” sẽ nhận được thêm những lời khuyên hữu ích, trong khi câu hỏi “tại sao” có thể khiến tình huống xấu hơn và đẩy người kia vào thế phòng thủ. Ví dụ, bạn hãy hỏi những câu như, “Anh nghĩ lần sau tôi nên làm gì?” Đừng hỏi câu, “Tại sao anh lại nói về tôi như vậy?”[7]
  8. Truyền đạt rằng bạn cần sự kiên nhẫn. Đề nghị họ kiên nhẫn nếu những thay đổi đó không phải là điều mà bạn có thể thực hiện ngay tức khắc. Sự thay đổi, nhất là những thay đổi lớn, cần phải có thời gian. Việc đề nghị họ kiên nhẫn sẽ giảm bớt áp lực cho bạn và giúp hai bên hiểu nhau hơn. Khi truyền đạt rằng mình cần thời gian để cố gắng cải thiện, bạn cũng đã cho thấy rằng bạn nghiêm túc tiếp nhận lời phê bình của họ.[8]

Dùng sự phê bình để hoàn thiện bản thân[sửa]

  1. Xem đây là một cơ hội. Cách lành mạnh nhất để xử lý sự chỉ trích là xem đó như một bước lùi để đánh giá hành động của mình và tìm cách cải thiện. Sự phê bình là một yếu tố có ích giúp bạn lên đến đỉnh cao trong cuộc chơi. Khi nhìn sự chỉ trích theo cách này, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng chấp nhận hơn. Không những bạn có khả năng tiếp nhận lời phê bình mà bạn còn nhận thấy rằng mình đang đi tìm những lời phê bình.[9]
    • Thậm chí khi có người chỉ trích sai thì điều đó vẫn có thể giúp bạn thấy được những lĩnh vực mà bạn cần cải thiện. Sự việc có người cảm thấy có vấn đề trong công việc bạn đang làm ít ra cũng cho bạn biết rằng có lĩnh vực bạn cần cố gắng, ngay cả khi đó không phải là điều mà người chỉ trích nói đến.
  2. Phân biệt giữa lời khuyên hữu ích và lời khuyên vô ích. Điều quan trọng khi xử lý sự chỉ trích là hiểu lời phê bình nào cần lắng nghe. Nói chung, nếu ai đó chỉ phàn nàn mà không đề nghị bạn nên thay đổi như thế nào, bạn nên bỏ qua những lời nói của họ. Bạn cũng không nên lo lắng về những chỉ trích xung quanh những điều bạn không thể thay đổi. Một số người đưa ra những chỉ trích chỉ để cảm thấy bản thân mình tốt đẹp hơn, và bạn phải nhìn ra được những tình huống như vậy. Đừng phản ứng lại với những lời chỉ trích vô ích. Việc nhìn nhận và chống lại sự chỉ trích đó chỉ trao thêm quyền lực cho người kia.[2]
    • Nếu người đó không đưa ra lời khuyên nào tốt thì bạn biết rằng phản hồi của họ không mang tính xây dựng. Ví dụ, những lời như “Ôi thật kinh khủng, màu sắc thì chẳng ra gì, còn trình bày thì lộn xộn”. Hỏi xem họ có lời khuyên nào để cải thiện không. Nếu họ vẫn tỏ ra khó chịu và chẳng giúp ích gì, bạn hãy lờ đi và sau này bỏ ngoài tai những lời nói của họ.
    • Những lời phê bình tốt là khi những điều tiêu cực đi kèm với những điều tích cực, và người đó đưa ra các gợi ý để cải thiện. Ví dụ, “Tôi không thích lắm về phần màu đỏ, nhưng tôi thích sắc xanh lơ trên dãy núi”. Đó là những lời phê bình mang tính xây dựng và bạn nên lưu ý đến những điều họ nói. Có lẽ lần sau bạn sẽ để tâm đến lời khuyên này.
  3. Suy nghĩ và viết ra thông tin. Cân nhắc những lời khuyên bạn vừa nhận được. Chúng có nói cho bạn biết bạn nên thay đổi điều gì không? Cố gắng suy nghĩ về một số cách giải quyết khác nhau có thể đem lại cùng một hiệu quả. Điều này sẽ cung cấp một số lựa chọn để bạn có thể tìm được điều tốt nhất cho mình. Bạn cũng nên suy nghĩ xem liệu còn điều gì bạn có thể học được từ những lời chỉ trích không.[9]
    • Một ý tưởng tuyệt vời là viết ra những thông tin đó, từng từ một, ngay sau khi bạn nhận được lời khuyên. Điều này giúp trí nhớ của bạn sau này sẽ không bóp méo từ ngữ khiến bạn chỉ làm theo cảm giác bị tổn thương của mình vì những lời chỉ trích trong tưởng tượng của bạn.
  4. Lập kế hoạch. Khi đã xác định những lời khuyên nào là quan trọng, bạn sẽ phải lên kế hoạch thay đổi. Khi có một kế hoạch, đặc biệt là kế hoạch được viết ra, bạn sẽ dễ dàng hơn khi làm theo kế hoạch và tạo nên sự thay đổi. Bạn cũng có nhiều khả năng hành động hơn.[9]
    • Những việc bạn cần làm để đem đến sự thay đổi là gì? Viết ra từng bước thực hiện để bạn có thể bắt đầu phấn đấu.
    • Đảm bảo rằng những mục tiêu đặt ra phải đo lường được và trong vòng kiểm soát của bạn. Ví dụ, nếu bạn nhận được lời phê bình về một bài viết của mình, mục tiêu đo lường được và nằm trong tầm kiểm soát của bạn có thể là “bắt đầu làm bài kế tiếp ngay khi được giao” hoặc “nhận phản hồi từ giáo viên trước thời hạn cuối”. Bạn KHÔNG nên đặt mục tiêu như “trở thành người viết giỏi hơn” hoặc “đạt được điểm số hoàn hảo trong bài kế tiếp” vì những mục tiêu như vậy là khó đo lường và kiểm soát.
  5. Đừng bao giờ từ bỏ nỗ lực để trở nên tốt hơn. Hãy bền bỉ trong việc xử lý những lời phê bình. Sự phê bình thường dẫn bạn đi theo một hướng hoàn toàn khác với hướng đi bình thường của bạn hoặc không giống như cách mà bạn tin là đúng. Điều này có nghĩa là bạn phải gắng sức để hoàn thiện bản thân. Bạn cần lường trước những trở ngại khi cố gắng thay đổi hành vi của mình.
    • Nhớ rằng bạn có thể đồng ý với những điều người đó nói, nhưng hãy đấu tranh và quay về những điều bạn biết. Đừng cho rằng điều này nghĩa là không thể thay đổi hoặc có cảm giác mình kém cỏi vì thất bại. Bạn đang học hỏi. Nếu quyết tâm và bền chí, cuối cùng bạn sẽ đi đến đích.

Lời khuyên[sửa]

  • Tránh có thái độ thủ thế khi nhận được sự chỉ trích. Thái độ này sẽ khiến tình hình xấu đi. Điều quan trọng nữa là tránh khóc lóc, phủ nhận hoặc trách móc người khác khi bạn bị chỉ trích.[7]

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng để mình bị bắt nạt. Nếu có người liên tục chỉ trích bạn và khiến bạn cảm thấy mình tồi tệ, bạn hãy nhờ ai đó giúp đỡ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]