Trị mụn đầu đen

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Thử dùng sản phẩm không kê toa chứa a-xít salicylic nếu bạn có làn da nhạy cảm; hoặc benzoyl peroxide nếu có da thường. . Bạn cũng có thể thử dùng các sản phẩm a-xít alpha hydroxy. . Nghĩ đến các liệu pháp tại nhà như mặt nạ lòng trắng trứng hoặc xông hơi để mở lỗ chân lông. Cuối cùng, bạn có thể cân nhắc đến gặp bác sĩ da liễu để được kê toa thuốc điều trị.

Các bước[sửa]

Sử dụng các sản phẩm không kê toa[sửa]

  1. Nhận biết loại da của bạn. Việc xác định da mình thuộc loại da dầu, da thường, da khô hay da nhạy cảm sẽ giúp bạn quyết định loại cần tìm khi mua các sản phẩm làm sạch ở cửa hàng hoặc hiệu thuốc. Hai liệu pháp chính để điều trị mụn đầu đen là benzoyl peroxide và a-xít salicylic.
    • Những sản phẩm chứa các thành phần hoạt chất này có thể gây phản ứng dị ứng. Bạn phải ngừng sử dụng nếu thấy da có phản ứng xấu.[1]
    • Thực ra làn da của bạn có thể có dạng "hỗn hợp" chứ không chỉ thuần túy một loại. Ví dụ, da trên trán và mũi là da dầu, nhưng da hai bên má thuộc loại da khô.
    • Hầu hết da dễ nổi mụn thuộc loại "nhạy cảm", vì mụn thường là kết quả phản ứng của da với các sản phẩm như xà phòng mạnh, mỹ phẩm hoặc nước hoa. Nếu nghi ngờ, bạn nên dùng các sản phẩm dành cho da nhạy cảm.
  2. Với làn da nhạy cảm hơn, bạn hãy chọn các sản phẩm có chứa a-xít salicylic. Tốt nhất là nên dùng sản phẩm có chứa a-xít salicylic nếu bạn có làn da nhạy cảm dễ bị khô và kích ứng. Bạn chỉ cần kiểm tra trên nhãn sản phẩm để biết thành phần. A-xít salicylic dịu nhẹ hơn trên da, ít khi gây đỏ hoặc bong tróc da và có tác dụng chậm hơn các sản phẩm thay thế khác mạnh hơn.[2]
    • Tìm các sản phẩm kết hợp a-xít salicylic với a-xít glycolic.[3]
  3. Sử dụng benzoyl peroxide. Nếu làn da của bạn không thuộc loại đặc biệt nhạy cảm và dễ bị khô, bạn có thể tìm mua các sản phẩm có chứa benzoyl peroxide. Thành phần chính trong các sản phẩm này giúp phân hủy các chất cặn bã trên da, giúp chúng lỏng ra và thoát ra khỏi các lỗ chân lông. Đây là lựa chọn có tác dụng nhanh nhất có thể mua ở cửa hàng, nhưng hơi mạnh cho da.[2]
    • Nồng độ benzoyl peroxide thường là 2,5 đến 10%. Nồng độ benzoyl peroxide cao cộng với khoảng thời gian lưu lại trên da lâu có thể gây kích ứng. Nếu có làn da nhạy cảm, bạn nên thử dùng sản phẩm có nồng độ thấp nhất và không để trên da quá lâu.
    • Benzoyl peroxide có thể tác động mạnh hơn trên da, nhưng cũng hiệu quả hơn a-xít salicylic.
  4. Cân nhắc dùng sản phẩm a-xít alpha hydroxy. A-xít alpha hydroxy (AHA) bao gồm a-xít glycolic và có thể rất hiệu quả trong việc lột da.[4] A-xít glycolic thường có trong các sản phẩm lột da hàng ngày và các hóa chất lột da mặt. Hóa chất này giúp phân hủy và phóng thích các tế bào chết, một giải pháp hiệu quả để xử lý mụn đầu đen.
    • Sử dụng tương tự như benzoyl peroxide hoặc a-xít salicylic, và luôn luôn đọc hướng dẫn sử dụng.
    • AHA có thể tăng độ nhạy cảm khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, do đó bạn nên cẩn thận khi ra ngoài nắng mạnh sau khi sử dụng sản phẩm này.[5]
  5. Quyết định dùng kem bôi hay sữa rửa mặt. Thông thường các sản phẩm dành cho da có dạng sữa rửa mặt hoặc kem bôi. Kem bôi thường lưu lại trên da lâu hơn, đồng nghĩa là có nhiều thời gian phát huy tác dụng hơn nhưng khả năng kích ứng da cũng cao hơn. Luôn sử dụng theo hướng dẫn trên sản phẩm, và đặc biệt thận trọng nếu bạn có làn da nhạy cảm.

Dùng liệu pháp tại nhà với các thành phần tự nhiên[sửa]

  1. Hiểu về các hạn chế và rủi ro của các liệu pháp tại nhà. Có rất ít hoặc không có bằng chứng khoa học cho các liệu pháp tại nhà; tính hiệu quả của các phương pháp này hầu như chỉ được truyền miệng hoặc dựa trên ý kiến cá nhân. Các liệu pháp này có thể có tác dụng hoặc không, và có rủi ro gây tổn thương da. Bạn nên tham khảo bác sĩ trước khi thử dùng mọi liệu pháp tại nhà.
    • Nếu có làn da đặc biệt nhạy cảm, bạn cần thật cẩn thận và dùng các dung dịch pha loãng hơn.
    • Ngưng sử dụng khi da bị kích ứng.
  2. Thử dùng mặt nạ lòng trắng trứng. Protein trong trứng được cho rằng có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mụn. Làm mặt nạ bằng cách tách lòng trắng trứng khỏi lòng đỏ. Sau khi rửa và thấm khô mặt, thoa lòng trắng trứng lên da. Bạn có thể dùng khăn để thoa; đảm bảo ngón tay phải sạch và khô nếu dùng tay. Khi lớp trứng đầu tiên đã khô, thoa thêm một lớp nữa. Lặp lại 3-5 lần, nhớ để từng lớp khô rồi mới thoa lớp khác. Sau đó rửa sạch và thấm khô.[6]
    • Bạn có thể đắp một lớp khăn giấy giữa các lớp trứng. Bóc từng lớp ra trước khi rửa mặt.[6]
    • Lòng trắng trứng sống có thể chứa vi khuẩn salmonella.[7] Đảm bảo không nuốt lòng trắng trứng sống.
  3. Sử dụng mật ong ấm. Mật ong có đặc tính chống vi trùng và kháng khuẩn, có thể giúp chữa lành các vết thương và nhiễm trùng da. Tuy nhiên không có bằng chứng cho thấy mật ong có tác dụng trong việc trị mụn đầu đen hoặc mụn trứng cá. Người ta cho rằng độ dính của mật ong có thể kéo mụn đầu đen ra khỏi da.
    • Hâm nóng một ít mật ong trong xoong, hoặc ngâm hũ mật ong trong nước nóng. Khi mật ong đã ấm nhưng không nóng đến mức gây bỏng da, bạn hãy chấm lên các mụn đầu đen và để khô khoảng 10 phút.
    • Lau sạch mặt bằng vải ẩm.[8]
    • Bạn có thể để lớp mật ong trên mặt qua đêm, nhưng nhớ chờ cho khô, bằng không khi thức dậy có thể bạn sẽ thấy mặt mình dính vào gối đấy!

Sử dụng các liệu pháp tại nhà với các nguyên liệu tự tạo[sửa]

  1. Tham khảo bác sĩ trước khi thực hiện. Có rất ít bằng chứng về tính hiệu quả, thậm chí là tính an toàn trong việc điều trị mụn đầu đen và mụn trứng cá khi sử dụng các liệu pháp tại nhà bằng nguyên liệu tự nhiên. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi thử dùng liệu pháp tại nhà – làn da của bạn có thể bị tổn thương và dẫn đến các vấn đề còn nghiêm trọng hơn một vài nốt mụn.
  2. Làm dung dịch bột boric. Một liệu pháp được khuyên dùng là thoa dung dịch a-xít boric pha loãng với nước. Boric là một loại a-xít yếu có bán ở hiệu thuốc. Hòa nửa thìa canh bột a-xít boric với 350 ml nước nóng. Nhúng khăn mặt vào dung dịch và chấm lên da. Bạn có thể để dung dịch trên da 15-20 phút để phát huy tác dụng.[9]
    • Không có nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả của a-xít boric trong việc trị mụn. Có bằng chứng cho thấy a-xít boric có đặc tính kháng khuẩn và kháng virus, tuy nhiên hiệu quả trị mụn của a-xít boric vẫn chưa được chứng thực.
    • Với công thức pha loãng, a-xít boric được cho là an toàn khi bôi lên vết xước và điều trị nhiễm khuẩn âm đạo. Tuy nhiên nó có thể gây kích ứng mạnh trên da và mắt nếu không được pha loãng đúng cách.
    • Ngoài ra, có một vài trường hợp ghi nhận sự bùng phát mụn trứng cá trên bệnh nhân sử dụng thuốc mỡ có chứa a-xit boric.[10]
    • Lưu ý rằng a-xít boric là thuốc trừ sâu và gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh nếu trẻ hít hoặc nuốt phải.[11]
  3. Dùng i-ốt và muối Epsom. Phương pháp này được cho là giúp kéo cặn dầu và da chết ra khỏi lỗ chân lông. Muối Epsom có thể sử dụng như chất lột da hiệu quả.[12] Cho một thìa cà phê muối Epsom với 4 giọt i-ốt vào 120 ml nước nóng. Khuấy đều cho đến khi muối tan và nhiệt độ giảm xuống đôi chút.[8] Khi dung dịch đã nguội đến mức an toàn, dùng bông thoa lên mặt và để khô. Sau đó rửa sạch và thấm khô mặt.
    • Phương pháp này cũng không có bằng chứng chứng thực là có hiệu quả loại trừ mụn đầu đen. Nếu lưu lại trên da quá lâu hoặc quá lạm dụng, i-ốt có thể gây phản ứng da nghiêm trọng hoặc dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cường giáp.[13][14]

Xông hơi và các phương pháp khác[sửa]

  1. Xông hơi để làm nở lỗ chân lông. Trước khi nghĩ đến việc nặn hoặc cậy mụn, bạn cần làm lỏng lỗ chân lông. Mụn đầu đen bám rất chặt và không dễ bị đánh bật ra, nhưng bạn sẽ có cơ hội thành công nếu làm lỏng lỗ chân lông. Một cách rất hiệu quả để thực hiện việc này là xông hơi nước trong khoảng 10-15 phút bằng cách để mặt trên bát nước nóng bốc hơi, cách xa ít nhất 30 cm - khoảng cách gần hơn có thể khiến bạn bị bỏng.
    • Trùm khăn lên đầu để hơi nước không thoát ra ngoài.
    • Bạn sẽ cảm thấy hơi nước bắt đầu giúp làm lỏng lỗ chân lông.
    • Bạn cũng có thể nhúng khăn mặt vào nước nóng và đắp lên mặt.
  2. Dùng dụng cụ nặn mụn. Dụng cụ nặn mụn thường được bác sĩ da liễu và chuyên gia thẩm mỹ sử dụng để loại bỏ mụn đầu đen, tuy nhiên bạn cũng có thể dùng ở nhà. Dụng cụ này dễ sử dụng và ít rủi ro hơn nhiều so với việc bạn dùng tay nặn mụn.
    • Sau khi rửa mặt sạch, đặt vòng nặn mụn lên mụn đầu đen, ấn nhẹ và kéo dụng cụ xuống. Mụn sẽ bật ra khỏi lỗ chân lông.[15]
    • Không ấn quá mạnh. Nếu mụn đầu đen không chịu bật ra với lực ấn nhẹ, bạn hãy xử lý bằng kem bôi lên da. Lực ấn quá mạnh có thể gây tổn thương da.[15]
    • Nhớ rửa sạch da và dụng cụ sau khi nặn mụn để tránh lây lan vi khuẩn và có thể làm bít lỗ chân lông.[15]
  3. Dùng miếng dán lột mụn để loại bỏ mụn đầu đen. Bạn có thể sử dụng miếng dán đặc biệt để kéo mụn đầu đen ra khỏi da. Phương pháp này ít có khả năng gây kích ứng da. Đây chỉ là giải pháp tạm thời nhưng là thứ bạn cần trong trường hợp khẩn cấp.[16] Bạn có thể kết hợp thỉnh thoảng dùng miếng dán lột mụn với chế độ làm sạch và lột da.
    • Để có kết quả tốt nhất, bạn nên thoa kem vài đêm để làm lỏng lỗ chân lông trước khi dùng miếng dán lột mụn.[17]
  4. Tránh nặn mụn. Không bao giờ nên nặn, cậy hoặc bóp mụn đầu đen. Hành động này có thể gây viêm và nhiễm trùng, và chắc chắn là chẳng thể ngăn mụn đầu đen quay trở lại.[3]

Dùng liệu pháp y khoa[sửa]

  1. Đến bác sĩ nếu tình trạng mụn đầu đen vẫn dai dẳng. Nếu thực sự khổ sở với làn da xấu và mụn đầu đen, bạn hãy đến bác sĩ da liễu để có vài lời khuyên. Bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng loại da của bạn và đưa ra liệu pháp thích hợp nhất, bất kể là dùng sản phẩm mua ở cửa hàng, hiệu thuốc hay thậm chí là liệu pháp tự nhiên.
  2. Cân nhắc dùng sản phẩm mua theo toa bác sĩ. Có một số sản phẩm mà bác sĩ có thể kê toa cho bạn nếu tình trạng mụn đầu đen không được cải thiện với các sản phẩm không kê toa. Các sản phẩm này không dùng cho người chỉ thỉnh thoảng có vài nốt mụn trên mũi.
    • Bác sĩ có thể kê toa benzoyl peroxide. Benzoyl peroxid có đặc tính ngăn ngừa mụn (mở lỗ chân lông), kháng viêm và cũng đã được chứng minh có tác dụng giảm vi khuẩn được cho là gây nổi mụn.
  3. Chuẩn bị cho liệu pháp uống kháng sinh và bôi thuốc. Có khả năng bác sĩ sẽ cho bạn uống một đợt kháng sinh kèm với thuốc bôi nếu bạn có các thương tổn do mụn bị viêm kèm với mụn đầu đen.[18] Liệu pháp này chỉ được sử dụng cho các trường hợp nặng nhất.

Lời khuyên[sửa]

  • Mỗi lần chỉ thử một liệu pháp, và nên thao tác nhẹ nhàng. Việc chà xát, dùng các hóa chất mạnh và rửa mặt quá nhiều thực ra có thể khiến tình trạng mụn đầu đen "nặng hơn". Bạn nên nhẹ nhàng!
  • Luôn luôn dùng kem dưỡng ẩm không chứa dầu - chắc hẳn là bạn không muốn làm bít lỗ chân lông thêm nữa.
  • Giữ tóc sạch. Có thể bạn giữ được gương mặt sạch, nhưng dầu từ tóc có thể chảy xuống mặt và làm bít các lỗ chân lông.
  • Rửa mặt ít nhất mỗi ngày một lần, nhưng nên cố gắng rửa hai lần nếu có thể - một lần vào buổi sáng và một lần buổi tối.
  • Rửa mặt hàng ngày bằng xà phòng nhẹ dịu hoặc sữa rửa mặt.
  • Thay áo gối thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa mụn tái phát.
  • Không quá mạnh tay khi nặn mụn đầu đen. Hãy nhẹ nhàng và đảm bảo rửa tay sạch.
  • Cố gắng không sờ tay lên mặt quá nhiều để ngăn ngừa dầu từ tay lan sang mặt.
  • Giữ móng tay sạch sẽ. Điều này giúp ngăn ngừa bụi bẩn và vi khuẩn không lan từ tay sang mặt, nhất là khi nặn mụn.
  • Dùng sản phẩm lột da mặt loại tốt. Nếu có làn da nhạy cảm, bạn nên tránh dùng các sản phẩm lột da, hoặc dùng sản phẩm nhẹ dịu ít nhất một hoặc hai lần một tuần. Việc lột da quá mức có thể lấy đi chất dầu có tác dụng giữ ẩm tự nhiên trên mặt và ngăn ngừa mụn đầu đen, mẩn đỏ hoặc các mụn đỏ.

Cảnh báo[sửa]

  • Các liệu pháp quá mạnh có thể khiến tình trạng mụn đầu đen nặng thêm. Hậu quả có thể là mụn sưng đỏ, rớm máu, dù trước đó chỉ là một nốt mụn đầu đen mà chỉ có bạn mới thấy!
  • Nếu bị kích ứng với bất kỳ sản phẩm nào, bạn hãy liên hệ với đường dây có liên quan đến sản phẩm đó (thường ghi ở mặt sau sản phẩm) và ngay lập tức ngưng sử dụng.
  • Đảm bảo đọc cảnh báo trên nhãn hàng khi sử dụng sản phẩm có AHA.
  • Tránh để bất cứ chất nào dính vào mắt hoặc quanh mắt. Nếu điều này xảy ra, ngay lập tức dùng nước rửa sạch.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]