Trở nên cảm thông

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sự cảm thông liên quan đến quá trình cố gắng thấu hiểu vấn đề của một người nào đó dưới một góc độ khác thay vì dựa trên quan điểm của bản thân. Ngay cả khi bạn đang gặp khó khăn trong quá trình này, bạn có thể hỗ trợ bạn bè và người thân yêu của mình thông qua việc học cách để bộc lộ sự thông cảm. Bạn có thể tiến hành theo những bước sau đây để thực hiện điều này, cùng với việc giữ kín sự hoài nghi hoặc phản ứng tiêu cực của chính mình, bạn sẽ nhận ra rằng bạn có thể phát triển cảm giác cảm thông chân thành hơn mong đợi.

Các bước[sửa]

Bộc lộ Sự cảm thông[sửa]

  1. Tạo cơ hội để đối phương có thể nói về cảm xúc của mình. Bạn nên yêu cầu được lắng nghe về cảm xúc của họ, hoặc về cách mà họ đang cố gắng đối phó với vấn đề của bản thân. Bạn không cần phải có sẵn giải pháp cho vấn đề của họ. Đôi khi, lắng nghe với sự cảm thông cũng chính là phương pháp giúp đỡ tuyệt vời.
  2. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể để bày tỏ sự cảm thông. Ngay cả khi bạn đang lắng nghe đối phương, bạn có thể cho họ thấy rằng bạn thật sự chú tâm và thông cảm với họ thông qua ngôn ngữ cơ thể. Bạn nên quay mặt về phía đối phương thay vì về một hướng khác.[1][2]
    • Không nên cố gắng làm nhiều việc cùng một lúc, và tránh xa mọi tác nhân gây xao nhãng trong suốt cuộc trò chuyện. Nếu có thể, bạn nên tắt điện thoại để tránh gây gián đoạn.[3]
    • Duy trì ngôn ngữ cơ thể cởi mở bằng cách không khoanh chân hoặc khoanh tay. Bạn có thể thả lỏng tay sang hai bên người.[2] Phương pháp này sẽ giúp truyền đạt thông điệp rằng bạn đang tập trung lắng nghe đối phương.
    • Nghiêng người về phía người đó. Hành động này sẽ khiến họ cảm thấy thoải mái hơn khi trò chuyện với bạn.[1]
    • Gật đầu khi người đó đang nói. Gật đầu và thực hiện những cử chỉ khích lệ khác sẽ giúp đối phương cảm thấy thoải mái hơn trong suốt cuộc trò chuyện.[1]
    • Bắt chước ngôn ngữ cơ thể của đối phương. Điều này không có nghĩa là bạn cần phải sao chép chính xác mọi hành động của người đó, nhưng là hình thành dáng điệu cơ thể tương tự như người đó (ví dụ, đối mặt với người đó khi họ đang đối mặt với bạn, giữ cho đôi chân của bạn hướng về cùng một phía với người đó) sẽ giúp hình thành bầu không khí của sự cảm thông.[1]
  3. Lắng nghe trước và góp ý sau. Trong nhiều trường hợp, người đó chỉ cần bạn lắng nghe khi họ tiến hành khám phá cảm xúc và suy nghĩ của mình. Đây là hành động thể hiện sự thông cảm, ngay cả khi bạn không cảm thấy rằng nó tích cực và hữu ích.[3] Thông thường, nếu bạn đưa ra lời khuyên khi người khác không hỏi, bạn có nguy cơ khiến người đó cảm thấy như thể bạn đang cố gắng biến trải nghiệm của họ thành của riêng bạn.[4]
    • "Lắng nghe mà không đưa ra giải pháp", theo như tác giả Michael Rooni đã nói, sẽ cho phép bạn cung cấp cho đối phương nơi an toàn để trút bầu tâm sự và xử lý cảm xúc của bản thân. Bạn không cần thiết phải khiến họ cảm thấy bị ép buộc trong việc thực hiện theo lời khuyên của bạn, hoặc như là bạn đang "tiếp quản" vấn đề hoặc tình huống của họ.
    • Nếu nghi ngờ, bạn có thể hỏi rằng: "Tôi muốn giúp đỡ bạn khi bạn cần. Bạn có muốn tôi giúp bạn giải quyết vấn đề không, hay là bạn chỉ cần nơi để trút bầu tâm sự? Vì cho dù là như thế nào thì tôi cũng sẽ luôn có mặt bên bạn".[3]
    • Nếu bạn đã từng gặp phải trải nghiệm tương tự, bạn có thể giúp đỡ đối phương bằng cách đưa ra lời khuyên thực tiễn hoặc phương pháp để đối phó. Bạn nên trình bày về lời khuyên của mình như thể đây là trải nghiệm cá nhân chứ không phải là một mệnh lệnh. Ví dụ: "Tôi rất lấy làm tiếc vì bạn bị gãy chân. Tôi biết rõ điều này sẽ tệ hại như thế nào vì tôi cũng đã từng bị vỡ mắt cá chân một vài năm trước. Bạn có muốn tôi chia sẻ về cách mà tôi đã thực hiện để đối phó với nó hay không?"
    • Hãy chắc chắn rằng bạn không tỏ thái độ như đang ra lệnh cho người đó thực hiện phương án hành động cụ thể nào đó. Nếu bạn muốn đưa ra lời khuyên và đối phương hào hứng muốn biết về nó, bạn có thể diễn đạt nó dưới dạng một câu hỏi thăm dò, chẳng hạn như "Bạn có từng cân nhắc về việc_____?" hoặc "Bạn có nghĩ là sẽ tốt hơn nếu bạn_____?". Những loại câu hỏi này sẽ bày tỏ sự nhìn nhận về khả năng đưa ra quyết định của đối phương và trông có vẻ ít có vẻ hống hách hơn câu nói "Nếu tôi là bạn, tôi sẽ______."[5]
  4. Sử dụng hành động tiếp xúc thể chất phù hợp. Tiếp xúc thể chất có thể đem lại sự an ủi khá lớn, nhưng chỉ khi nó phù hợp với phạm vị mối quan hệ của bạn. Nếu bạn quá quen với việc ôm lấy người đang cần sự đồng cảm, bạn có thể tiến hành. Nếu một trong cả hai không cảm thấy thoải mái với điều này, bạn chỉ cần chạm nhẹ vào cánh tay hoặc vai của người đó.[6]
    • Bạn nên nhớ rằng một vài người có thể đang cảm thấy dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc hoặc đau đớn đến mức không thể tận hưởng cảm giác của một cái ôm ngay lúc đó, ngay cả khi ôm là hành động khá phổ biến trong sự tương tác của cả hai. Bạn nên chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của đối phương và phán xét xem liệu họ có đang cởi mở hay không. Bạn cũng có thể hỏi rằng "Một cái ôm liệu có giúp bạn cảm thấy khá hơn không?".
  5. Đề nghị được giúp đỡ người ấy trong công việc hằng ngày. Một người nào đó đang phải trải qua khoảng thời gian khó khăn trong cuộc sống chắc chắn sẽ rất biết ơn sự hỗ trợ của người khác với công việc hằng ngày của mình. Ngay cả khi người đó có vẻ xử lý chúng khá tốt, cử chỉ này sẽ biểu lộ rằng bạn luôn sẵn sàng có mặt để giúp đỡ họ. Bạn có thể yêu cầu họ cho phép bạn đem thức ăn mà bạn nấu từ nhà hoặc mua từ nhà hàng đến nhà họ. Hỏi ý kiến họ xem liệu bạn có thể giúp họ đón lũ trẻ khi tan trường hay không, hoặc là tưới vườn cây cho người đó, hoặc hỗ trợ họ theo cách khác.[7]
    • Đề cập đến một thời điểm cụ thể mà bạn sẽ có mặt để trợ giúp người đó, thay vì hỏi xem liệu khi nào thì họ sẽ cần đến bạn. Điều này sẽ giúp họ bớt phải suy nghĩ và đưa ra quyết định trong khoảng thời gian căng thẳng.
    • Hỏi ý kiến trước khi gọi thức ăn. Trong một vài nền văn hóa cụ thể hoặc sau tang lễ, người đó có thể sẽ còn khá nhiều thức ăn trong nhà. Tốt hơn hết là bạn nên giúp họ thực hiện công việc khác.
  6. Dựa vào tôn giáo mà cả hai cùng chia sẻ. Nếu cả hai đều có cùng tôn giáo với nhau hoặc chia sẻ quan điểm chung về đời sống tâm linh, bạn có thể sử dụng yếu tố này để xây dựng sự gắn kết với người đó. Đề nghị được cầu nguyện cho người đó hoặc tham dự buổi lễ nào đó với họ.
    • Không nên nhắc đến quan điểm tôn giáo của bản thân trong quá trình bày tỏ sự cảm thông đối với người không cùng chia sẻ điều tương tự.

Tránh xa Một số Sai lầm Phổ biến[sửa]

  1. Tránh tuyên bố rằng bạn biết rõ hoặc hiểu rõ vấn đề mà người đó đang trải qua. Ngay cả khi bạn đã từng có trải nghiệm tương tự, bạn nên nhớ rằng mỗi người sẽ có phương pháp đối phó khác nhau. Bạn có thể mô tả về cảm giác của bạn trong trải nghiệm đó hoặc đưa ra lời khuyên hữu ích, nhưng bạn nên nhớ rằng người đó có thể đang gặp phải khó khăn khác bạn.[7]
    • Thay vì vậy, bạn nên nói một điều gì đó như "Tôi chỉ có thể cố gắng tưởng tượng về sự khó khăn mà điều này đang gây nên cho bạn. Tôi đã từng rất buồn khi chú chó nhà tôi qua đời".
    • Quan trọng nhất là không bao giờ được tuyên bố rằng vấn đề của bạn nghiêm trọng hơn của người đó (ngay cả khi bạn thật sự cảm thấy như vậy). Bạn có mặt là để hỗ trợ người đó.
  2. Tránh nói giảm hoặc bác bỏ cảm xúc của đối phương. Bạn cần phải nhận thức được rằng vấn đề mà họ đang gặp phải là sự thật. Tập trung vào việc lắng nghe về chúng và giúp đỡ họ trong việc đối phó với chúng, chứ không phải là nói với họ rằng chúng không đáng để quan tâm.[8]
    • Cố gắng không nên vô tình nói giảm hoặc bác bỏ trải nghiệm của người đó. Ví dụ, nếu bạn đang an ủi một người bạn đã mất đi vật cưng của mình bằng cách nói rằng "Tôi rất tiếc vì bạn đã mất đi chú chó của bạn. Ít ra thì mọi chuyện cũng không quá tồi tệ - bạn có thể đã mất đi người thân trong gia đình đó chứ", bạn đang bác bỏ sự đau buồn mà người đó dành cho vật nuôi của họ, ngay cả khi bạn không có ý như vậy. Hành động này có thể khiến họ trở nên do dự trong việc chia sẻ cảm xúc với bạn, hoặc thậm chí là cảm thấy xấu hổ về bản thân.[9]
    • Một ví dụ khác của sự chối bỏ đó chính là câu nói có ý tốt theo kiểu "Đừng nghĩ vậy". Ví dụ, nếu bạn của bạn đang gặp rắc rối với hình ảnh cơ thể của mình sau khi trải qua một cơn bệnh nào đó và nói với bạn rằng họ cảm thấy rằng họ không hấp dẫn, bạn không nên hồi đáp bằng câu nói: "Đừng nghĩ vậy chứ! Bạn vẫn xinh đẹp lắm". Điều này sẽ khiến cho người đó nghĩ rằng họ đã "sai" hoặc "tệ hại" vì đã có suy nghĩ này. Bạn có thể thừa nhận cảm xúc của họ mà không đồng ý với nó. Ví dụ: "Tôi nghe bạn nói rằng bạn không thấy bản thân hấp dẫn, và tôi rất tiếc vì điều này đã khiến bạn đau lòng. Chắc phải tồi tệ lắm. Nhưng tôi thật lòng nghĩ rằng bạn trông vẫn rất lôi cuốn".[8]
    • Tương tự, không nên nói rằng "ít ra thì cũng không quá tồi tệ như những điều khác mà bạn đang gặp phải".[10] Câu nói này sẽ được nhìn nhận như là lời bác bỏ vấn đề của người đó và đồng thời cũng là lời nhắc nhở về các vấn đề khác mà người đó đang phải đối mặt trong cuộc sống.
  3. Tránh bày tỏ niềm tin cá nhân mà đối phương không cùng chia sẻ. Người đó có thể sẽ không cảm thấy thoải mái với câu nói kiểu này, hoặc họ sẽ có cảm giác như bị xúc phạm. Họ thường sẽ cảm thấy vô cảm hoặc “mất tự do”. Sẽ tốt hơn nếu bạn duy trì sự tập trung vào người mà bạn đang tương tác và hành động mà bạn có thể thực hiện cho họ.[7]
    • Ví dụ, bạn có thể là người có niềm tin tôn giáo khá mạnh mẽ và bạn tin tưởng vào kiếp sau, nhưng người đó thì không. Bản năng của bạn có thể sẽ muốn nói một điều gì đó chẳng hạn như "Ít ra thì bây giờ, người mà bạn yêu thương cũng đã đến một nơi tốt đẹp hơn", nhưng người đó có thể sẽ không nhận được sự an ủi từ điều này.
  4. Không nên ép buộc người đó sử dụng giải pháp mà bạn đưa ra. Bạn có thể nêu lên phương hướng hành động mà bạn nghĩ rằng có thể khá hữu ích cho người đó, nhưng bạn không nên gây căng thẳng cho người đó bằng cách không ngừng nhắc về nó. Có thể bạn nghĩ rằng đây là giải pháp khá rõ ràng và dễ dàng, nhưng bạn cũng nên hiểu rằng đối phương có thể sẽ không đồng ý với chúng.
    • Một khi bạn đã trình bày quan điểm của mình, đừng lặp lại nó. Bạn có thể nhắc đến nó một lần nữa khi một thông tin mới mẻ nào đó xuất hiện. Ví dụ, "Tôi biết rằng bạn không muốn sử dụng thuốc giảm đau, nhưng tôi có từng nghe nói về một loại thuốc an toàn và ít gây tác dụng phụ hơn mà bạn có thể dùng. Bạn có muốn biết tên của nó để bạn có thể tự mình nghiên cứu thêm hay không?". Nếu người đó từ chối, không nên tiếp tục nói về nó.
  5. Duy trì sự bình tĩnh và tử tế. Bạn có thể sẽ nghĩ rằng vấn đề của người đó khá tầm thường và không nghiêm trọng như của bạn. Bạn thậm chí có thể sẽ trở nên ghen tị với một ai đó vì vấn đề của họ quá nhỏ nhặt. Đây không phải là thời điểm phù hợp để nêu lên vấn đề này, và bạn sẽ không bao giờ có cơ hội để làm vậy. Tốt nhất là bạn nên lịch sự chào tạm biệt đối phương và rời khỏi nơi đó, thay vì bộc lộ sự khó chịu của bạn.
  6. Không nên tỏ thái độ khó khăn hoặc không quan tâm. Nhiều người nghĩ rằng "yêu cho roi cho vọt" là kỹ thuật trị liệu hiệu quả, nhưng đây là hành động hoàn toàn trái ngược với việc thể hiện sự cảm thông. Nếu một ai đó đau khổ hoặc buồn bã trong một khoảng thời gian dài, họ có thể trở nên trầm cảm. Trong trường hợp này, người đó nên đến gặp bác sĩ hoặc nhà trị liệu; cố gắng giúp họ trở nên "cứng rắn hơn" hoặc "tiến bước" sẽ không phải là hành động phù hợp.[11]
  7. Không xúc phạm người đó. Điều này trông có vẻ khá dễ hiểu, nhưng trong giai đoạn căng thẳng, bạn có thể dễ dàng mất kiểm soát trước cảm xúc của mình. Nếu bạn nhận thấy bản thân đang tranh cãi với người đó, lăng mạ người đó, hoặc chỉ trích hành vi của họ, bạn nên rời khỏi nơi đó và xin lỗi họ một khi bạn đã bình tĩnh lại.
    • Bạn cũng không nên đùa vui theo kiểu xúc phạm đến người đang cần sự cảm thông. Họ có thể sẽ cảm thấy yếu đuối và dễ bị tổn thương.

Sử dụng Từ ngữ Hữu ích[sửa]

  1. Nhận thức rõ sự kiện hoặc vấn đề nào đó. Sử dụng những câu nói sau để giải thích lý do vì sao bạn lại tiếp cận người đang cần đến sự đồng cảm nếu bạn biết về vấn đề này từ một người khác. Nếu người đó bắt đầu cuộc trò chuyện, bạn có thể hồi đáp bằng câu nói thể hiện sự nhận thức của bạn trước cảm giác của họ.
    • "Tôi rất lấy làm tiếc".
    • "Tôi nghe rằng bạn đang gặp khó khăn".
    • "Điều đó nghe thật đau lòng".
  2. Hỏi thăm người đó về quá trình đối phó với vấn đề của họ. Một vài người phản ứng trước căng thẳng hoặc đau buồn bằng cách khiến bản thân bận rộn hơn. Họ có thể đã không dành thời gian để suy nghĩ về trạng thái cảm xúc của mình. Hãy nhìn vào mắt họ và sử dụng câu nói diễn đạt rõ ràng rằng bạn đang hỏi thăm về cảm giác của họ, chứ không phải là về cuộc sống hằng ngày của họ:
    • "Bạn cảm thấy như thế nào?"
    • "Mọi việc đang diễn ra như thế nào?"
  3. Bộc lộ thái độ hỗ trợ. Bạn nên trình bày rõ rằng bạn sẽ luôn ở bên người đó. Đề cập đến bạn bè hoặc người thân có thể giúp đỡ họ, nhắc họ nhớ rằng mọi người sẽ luôn có mặt khi họ cần đến:
    • "Tôi luôn suy nghĩ về bạn".
    • "Tôi sẽ luôn có mặt mỗi khi bạn cần".
    • "Tôi sẽ liên lạc với bạn vào cuối tuần này để giúp bạn về việc _____".
    • Tránh sử dụng câu nói phổ biến "Bạn nhớ cho tôi biết nếu bạn cần tôi thực hiện bất kỳ điều gì". Câu nói này sẽ khiến đối phương phải suy nghĩ về một điều gì đó mà họ có thể trông cậy ở sự giúp đỡ của bạn và họ có thể sẽ không có khả năng thực hiện điều này khi đang trong giai đoạn khó khăn.
  4. Cho đối phương biết rằng bộc lộ cảm xúc là điều hoàn toàn phù hợp. Nhiều người thường gặp khó khăn trong việc bộc lộ cảm xúc, hoặc cảm thấy như họ đang trải nghiệm cảm xúc "sai trái". Bạn có thể sử dụng những cụm từ sau để cho họ biết rằng đây là điều hoàn toàn bình thường:
    • "Bạn có thể khóc nếu bạn muốn".
    • "Bạn có thể thực hiện bất kỳ điều gì mà bạn muốn ngay lúc này".
    • "Bạn hoàn toàn có thể cảm thấy có lỗi" (hoặc tức giận, hoặc bất kỳ một cảm xúc nào mà người đó vừa mới bộc lộ).

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu bạn không có kỹ năng trong việc bày tỏ cảm xúc hoặc sự thông cảm, chỉ cần cố gắng cũng có thể cho người mà bạn yêu thương biết rằng bạn đang nỗ lực hết mình vì họ.
  • Đồng cảm hoàn toàn khác với thông cảm. Khi bạn bày tỏ sự cảm thông, bạn đang cung cấp sự quan tâm và lo lắng trước sự đau khổ của đối phương, nhưng bạn không nhất thiết phải cảm nhận được nó. Khi bạn thông cảm, bạn đang tích cực hình dung rằng bạn đang trong tình cảnh của người đó – về cơ bản, bạn đang cố gắng để "đặt mình vào tình thế của đối phương". Bạn có thể cố gắng để tưởng tượng về cảm giác của người đó để có thể hiểu rõ hơn về chúng.[12] Không điều nào là "tốt hơn" điều nào, nhưng nhận biết sự khác biệt sẽ giúp ích được cho bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây