Vài ý kiến về ý tưởng cải tạo tiếng Việt của diễn đàn Tiếng Việt VNY2K

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Một nhóm tác giả trên diễn đàn VNY2K 1 và tác giả của bài viết Ngôn ngữ và trí tuệ 2 đã nêu lên một ý tưởng nghiên cứu ảnh hưởng của ngôn ngữ tới trí tuệ và qua đó cải tạo lại hệ thống tiếng Việt trên hai phương diện chữ viết và dẫn đến một số thay đổi trong cách phát âm. Đây là một ý tưởng rất nghiêm túc và đáng trân trọng. Tôi cũng đã có một cảm nhận về ảnh hưởng của ngôn ngữ tới trí tuệ và cũng có dự định một lúc nào đó nghiên cứu về vấn đề này. Vì vậy khi Tác giả nêu ý tưởng này tôi thấy vấn đề đã được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, mục đích của tôi không phải như Tác giả là cải tạo ngôn ngữ mà chỉ là tìm hiểu xem ưu thế và nhược điểm của mỗi hệ thống ngôn ngữ nằm ở đâu, mức độ ảnh hưởng của nó tới trí tuệ như thế nào và tìm cách hạn chế nhược điểm, phát huy ưu điểm. Mỗi hệ thống ngôn ngữ trên thế giới đều được hình thành trong những điều kiện nhất định. Tôi cho rằng điều kiện thời tiết nóng hay lạnh có ảnh hưởng nhiều đến cách phát âm của từng tộc người sống trong những vùng địa lý chịu ảnh hưởng của khí hậu đó và về sau có những biến đổi thông qua quá trình giao lưu. Đây có thể là nguyên nhân của cách nói đơn âm hay đa âm, nhiều âm gió hay dùng nhiều phụ âm đầu. Một hệ thống ngôn ngữ hay tiếng nói của mỗi tộc người đã hình thành sau hàng trăm ngàn năm, nhưng nó có thể biến mất sau chỉ hai hoặc ba thế hệ, chúng là những di sản văn hoá không chỉ của tộc người sở hữu chúng mà còn là của cả nhân loại. Vì vậy khi thấy Tác giả đặt vấn đề cải tạo lại hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt, tôi thấy mừng thì ít mà lo thì nhiều. Lo không chỉ về việc làm biến mất tiếng Việt trên bản đồ thế giới nếu công trình của Tác giả thành công. Rồi đây những văn tự, những tuyệt tác thơ văn, những ca khúc bất hủ được viết trong thế kỷ 20 và 21 bằng tiếng Việt và chữ quốc ngữ sẽ không còn ai đọc được, nghe được và hiểu được trong thế ký 22 khi hệ thống ngôn ngữ và chữ viết tiếng Việt đã được cải cách. Chúng ta đã phải tốn nhiều công sức và tiền của khi chuyển ngữ các văn tự cổ từ chữ nho, chữ nôm ra quốc ngữ. Không có nhiều người Trung quốc ngày nay đọc và hiểu được các văn tự cổ mặc dù chỉ có thay đổi về chữ viết. Mục tiêu của Tác giả là cải tạo lại toàn bộ hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt, bao gồm cả tiếng nói và chữ viết. Không thể một trong hai bởi chúng ở trong cùng một hệ thống. Một mục tiêu lớn và có thể nói là rất lớn. Chính vì vậy sự thành công tôi e rằng ra rất nhỏ. Tôi xin nêu một vài lý do của sự e ngại này:

  • Tác giả chưa tìm hiểu kỹ ảnh hưởng của ngôn ngữ tới trí tuệ, có thể Tác giả thấy những nhược điểm mà không thấy những ưu điểm, do đó Tác giả có thể đánh mất những uu điểm đó. Đây sẽ là một hậu quả nghiêm trọng nếu điều này xảy ra.
  • Tác giả tìm cách giải quyết ngược vấn đề. Cách giải quyết ngược hay sự đảo lộn vấn đề nhiều khi cũng đưa đến thành công. Nhưng sự đảo lộn này nằm trong tư duy để tìm ra ccs vấn đề chứ không phải giải quyết trong thực tế bởi các quá trình trong tự nhiên đều diễn biến theo quy luật và trình tự thời gian. Loài người đã hình thành nên tiếng nói từ rất lâu trước khi tìm ra chữ viết và học nói trước khi học viết, nay Tác giả bắt đầu từ cách viết chữ để tìm cách xây dựng hệ thống tiếng nói mới. Đây là cách biến ngôn ngữ của mình thành ngoại ngữ. Để tư duy tốt, con người cần nắm chắc và sử dụng thành thạo một thứ ngôn ngữ nào đó. Muốn có trí tuệ, muốn tư duy tốt nhưng phải mất từ ba mươi đến bốn mươi năm của cuộc đời để chỉ dành cho việc nắm chắc ngôn ngữ thì còn được bao nhiêu thời gian cho trí tuệ. Nếu một người nói thông viết thạo tiếng Việt trong khi tiếng Anh của người đó chưa hoàn hảo thì họ sẽ dùng thứ ngôn ngữ nào để tư duy mặc dù theo như Tác giả tiếng Anh giúp người đó có trí tuệ tốt hơn?
  • Tác giả so sánh một cách khập khiễng giữa cách ghi nhớ và sử dụng sự ghi nhớ giữa máy tính điện tử và bộ não. Nguyên nhân của vấn đề này là Tác giả chưa hiểu nhiều về bộ não mặc dù Tác giả đã có rất nhiều tài liệu quý nghiên cứu về não. Tôi lấy ví dụ về cụm từ “Trường đại học” mà Tác giả nêu trên đây. Với máy tính điện tử thì các từ trên đây được xác định bằng số bít hay một đại lượng vật lý khô khan. Máy tính chỉ phân biệt cụm từ này với cụm từ khác, ví dụ “Trường phổ thông” bằng số bít, ngoài ra nó chẳng hiểu gì thêm nữa. Nhưng với con người thì cụm từ đó không chỉ mang tính thông tin, mà nó còn mang nhiều ý nghĩa. Cụm từ đó không chỉ là các đơn vị thông tin mà chúng còn là các khái niệm. Đây là một điều rất quan trọng đã làm nên cái được gọi là con người. Con người hiểu được các khái niệm và do đó có tư duy, còn máy tính thì chẳng biết gì về khái niệm. Lượng thông tin mà máy tính nhận được đúng bằng lượng thông tin khi nhập vào, còn bộ não thì không. Bộ não có thể loại bớt hay bổ xung thêm lượng thông tin do các giác quan đem tới (đây là điều mà Tác giả nói trên đây). Do đó định lượng thông tin bằng số bít cho bộ não chẳng còn ý nghĩa. Vậy mà Tác giả lại có ý định sử dụng cách thức ghi nhớ của máy tính điện tử cho não. Phải chăng Tác giả đang định biến bộ não người thành bộ vi xử lý của chiếc máy tính vô tri?
  • Một đặc điểm quan trọng trong sự ghi nhớ của bộ não là sự hình thành các phần tử ghi nhớ và liên kết giữa các phần tử đó. Phần tử ghi nhớ có thể là một nơron hoặc nhiều nơron chỉ ghi nhớ về một chi tiết nào đó. Việc hiển thị những cái đã ghi nhớ của bộ não không phải là dùng đầu đọc để quét qua các phần tử ghi nhớ mà là kích hoạt sự hoạt động của các phần tử ghi nhớ thông qua các liên kết thần kinh. Nếu các phần tử ghi nhớ không được kích hoạt hoặc không có liên kết thần kinh thì sự ghi nhớ đã có cũng không được tái hiện. Hệ thần kinh không đi tìm điểm ghi nhớ thích hợp như máy tính mà tạo kích thích thần kinh để các phần tử ghi nhớ lên tiếng. Do đó có thể bộ não tìm được câu trả lời hoặc không, tìm được một hoặc có thể nhiều câu trả lời, có câu trả lời đúng và có thể có câu sai, còn máy tính thì luôn tìm được một câu trả lời đúng và đủ khi câu trả lời đó chắc chắn được ghi nhớ trong máy và hệ điều chạy bình thường. Các liên kết đóng vai trò quan trọng cho tư duy của bộ não. Số lượng các mối liên kết được thiết lập càng nhiều trên cùng một lượng phần tử ghi nhớ thì khả năng tư duy càng cao. Vấn đề này đã được Tác giả đã nêu ví dụ về bộ não của Einstein trên đây. Đương nhiên là khi lượng tri thức càng nhiều thì số lượng các liên kết được thiết lập càng lắm và cơ hội cho tư duy cũng tăng lên. Nhưng vấn đề đặt ra là tính chất của các liên kết đó như thế nào bởi tính chất của các liên kết thần kinh quyết định năng lực tư duy chứ không phải khả năng ghi nhớ quyết định năng lực tư duy. Tác giả cũng nêu thí nghiệm về việc ghi nhớ các con số mà Tác giả cho là “mẹo vặt” để nhớ nhanh. Thực ra đây không phải là mẹo vặt mà là minh chứng cho sự tồn tại của yếu tố thứ hai trong sự ghi nhớ của hệ thần kinh, đó là liên kết ghi nhớ. Khi các phần tử ghi nhớ được liên kết với nhau thì sự tái hiện ghi nhớ sẽ dễ dàng hơn.
  • Tư duy của bộ não không chỉ có bằng tiếng nói, lời văn mà còn bằng hình tượng. Tư duy bằng hình tượng không chịu ảnh hưởng của hệ thống ngôn ngữ. Hình tượng có thể chuyển thành ngôn ngữ. Khi hệ thống ngôn ngữ không đủ thì tư duy hình tường sẽ thay thế. Hệ thống ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao, chuyển tải và phổ biến tư duy nhưng nó không có ý nghĩa quyết định. Có những nông đan chỉ có trình độ văn hoá lớp ba nhưng chế tạo được cả chiếc máy gặt đập liên hợp trong khi có những kỹ sư cơ khí chỉ có thể thiết kế được các chi tiết của chiếc máy đó khi được chỉ dẫn các thông số kỹ thuật. Lượng ngôn ngữ trong não của kỹ sư cơ khí chắc chắn là nhiều hơn hẳn người nông dân, nhưng năng lực tư duy lại kém hơn. Lượng ngôn ngữ chỉ mang yếu tố trình độ, tư duy thể hiện năng lực cá nhân và trong nhiều trường hợp nó thay thế cho trình độ. Ghi nhớ thông tin loại nào để phát triển năng lực tuy duy quan trọng hơn lượng thông tin buộc hệ thần kinh phải ghi nhớ.
  • Tác giả có đặt câu hỏi là tại sao các nước nói theo ngôn ngữ đơn âm ở khu vực đông nam Á thường là nghèo còn các nước nói theo ngôn ngữ đa âm mà cụ thể là các nước Tây Âu có nền khoa học và kinh tế phát triển. Không biết các tác giả đã có thống kê cụ thể là có bao nhiêu nước trên thế giới sử dụng hệ thống ngôn ngữ đa âm có nền kinh tế kém phát triển và bao nhiêu nước sử dụng hệ thống ngôn ngữ đa âm có nên kinh tế phát triển. Trong thực tế sự giàu nghèo của mỗi quốc gia phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ vị trí địa lý, thời tiết, khí hậu, nguồn tài nguyên, nguồn lực con người đến chính sách phát triển. Có thể ngôn ngữ có ảnh hưởng đến sự phát triển của khoa học kỹ thuật và do đó ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế. Nhưng sự ảnh hưởng đó là như thế nào và có thực sự ảnh hưởng đó có ảnh hưởng chính hay không thì các tác giả không đưa ra được cơ sở và trên thế giới cũng chưa có công trình khoa học và sự khẳng định nào về vấn đề này. Trung quốc, Nhật bản, Hàn quốc đâu có sử dụng hệ thống ngôn ngữ đa âm và nối âm, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều tiên và Hàn quốc cùng nói chung một thứ tiếng, viết cùng một thứ chữ nhưng nền kinh tế phát triển ở mức độ khác nhau. Không biết các nước này sẽ làm cách nào để viết liền các âm trong một từ khi chữ viết là chữ tượng hình? Nghiên cứu ảnh hưởng của ngôn ngữ tới tư duy và trí tuệ là việc đáng làm, nhưng kết luận hệ thống ngôn ngữ đơn âm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế và cải thiện đời sống, đến trí tuệ là không thỏa đáng. Đặt mục tiêu cải tạo tiếng Việt theo hướng viết liền và đọc nối âm theo kiểu châu Âu của Tác giả VNY2K theo tôi là không thực tế.
  • Tôi đã đọc thử các viết liền các âm trong một từ nhưng tốc độ đọc chậm hơn bình thường bởi bộ não chưa quen nên phải tìm chỗ phân cách giữa các âm. Trong thực tế thì khi nghe phát âm chữ viết liền hay viết cách đều như nhau chỉ giải quyết vấn đề viết liền nhau thì không giải quyết được nhiều vấn đề mà còn gây khó khăn cho người đọc. Ngoài ra khả năng của mắt có thể tiếp nhận một lúc nhiều loại thông tin khác nhau nên nó chẳng khó khăn gì khi tiếp nhận hai hay ba luồng thông tin vì vậy không cần thiết phải dặt vấn đề viết liền hay viết cách các âm của một từ.

Những ý kiến trên đây không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn ý tưởng của Tác giả mà chỉ là những đóng góp nhỏ cho một ý tưởng lớn. Xin được giao lưu cùng với Tác giả ý tưởng để giúp cho tiếng Việt được hoàn thiện và góp phần vào sự phát triển của trí tuệ đúng như mong ước của Tác giả. Xin cảm ơn những thông tin bổ ích mà tác giả cung cấp trong bài viết.


 1http://www.vny2k.com - Diễn đàn cải cách tiếng Việt VNY2K

 2Ngôn ngữ và trí tuệ, VNY2K

Liên kết đến đây