Vượt qua cái chết của người bạn yêu thương

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cái chết, cho dù đã được dự đoán từ trước hay đột ngột xảy ra, thì vẫn luôn không công bằng. Nó không công bằng với người đã mất và tất cả những người còn sống. Nếu bạn đang hồi phục lại sau cái chết của người bạn yêu thương, có thể đó sẽ là trải nghiệm khó khăn nhất trong suốt cuộc đời của bạn. Dù bạn sẽ vẫn luôn nhớ tới người bạn yêu thương, nhưng vẫn có một số cách giúp bạn bước tiếp để bạn vừa có thể tưởng nhớ người đó vừa sống trọn vẹn cuộc sống của mình.

Các bước[sửa]

Vượt qua Sự đau buồn[sửa]

  1. Tự nói với bản thân rằng đau buồn là điều bình thường. Đây là một quá trình vô cùng đau khổ. Tuy nhiên, vượt qua nỗi đau này là điều cần thiết để vết thương lành lại và bước tiếp sau mất mát lớn. [1] Cố gắng chống lại cảm giác muốn buông xuôi, chết lặng hay giả vờ như người thân yêu vẫn còn sống. Đừng phủ nhận điều gì đó tồi tệ xảy ra với bạn và rằng bạn đang đau khổ. Đau buồn là việc tốt: Nó không phải tín hiệu của sự yếu đuối.[2]
  2. Hãy hiểu rằng có thể bạn sẽ trải qua năm giai đoạn đau buồn. Mỗi người đều sẽ đau buồn theo những cách khác nhau nhưng thường sẽ một vài bước chung. Mặc dù không phải tất cả các nhà tâm lý học đều đồng tình với giả thuyết về các giai đoạn đau buồn nhưng những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nó thật sự khắc họa được trải nghiệm của hầu hết những người đang đau khổ.[3] Nếu bạn tìm hiểu về những giai đoạn đau buồn này, bạn sẽ được chuẩn bị sẵn sàng cho những cảm xúc mạnh khi chúng xuất hiện. Biết trước về những giai đoạn này sẽ không khiến nỗi đau của bạn biến mất, nhưng nó có thể giúp bạn chuẩn bị kỹ càng hơn để đối diện với nỗi đau.
    • Lưu ý rằng có thể bạn sẽ không trải qua những giai đoạn này theo thứ tự thông thường. Bạn có thể trải qua một giai đoạn nào đó nhiều lần hoặc trong một thời gian dài, trải qua nhiều bước cùng một lúc hoặc trải qua các giai đoạn theo trình tự hoàn toàn khác. Cũng có đôi khi những người mất đi người họ yêu thương có thể vượt qua rất nhanh mà không phải trải qua bất cứ giai đoạn nào. [4] Hãy nhớ rằng mỗi người có một cách đau buồn khác nhau. Nhưng xác định các giai đoạn đau buồn sẽ vẫn có thể giúp bạn hiểu được trải nghiệm của bản thân. [5]
  3. Chuẩn bị sẵn cho việc phủ nhận và hoài nghi. Ngay sau khi người thân yêu qua đời, có thể bạn sẽ cảm thấy như chết lặng. Có lẽ bạn sẽ không thể tin được rằng người bạn yêu đã thật sự không còn trên đời này nữa. [6] Những cảm xúc này thường phổ biến hơn đối với những người đang đau khổ bởi một ai đó qua đời đột ngột.[3] Bởi vì lý do này, có lẽ bạn sẽ không thể khóc hay bộc lộ nhiều cảm xúc. Đây không phải tín hiệu thể hiện rằng bạn không quan tâm: thực ra, đây là tín hiệu chứng tỏ bạn vô cùng quan tâm tới nó. Phủ nhận có thể giúp bạn vượt qua những ngày đầu tiên của quá trình đau khổ bằng việc cho phép bạn lên kế hoạch cho đám tang, liên lạc với người thân hoặc giải quyết vấn đề tài chính. [7] Thông thường thì lễ truy điệu và lễ tang có thể giúp bạn nhận thức rõ hơn về cái chết của ai đó. [7]
    • Nếu bạn đã chuẩn bị sẵn tinh thần đón nhận cái chết của người bạn yêu trong một thời gian dài, có lẽ bạn sẽ không còn phủ nhận hay hoài nghi về điều đó. Ví dụ như người bạn yêu thương đã mắc phải một căn bệnh nan y, có thể bạn sẽ trải qua giai đoạn phủ nhận từ trước khi người đó qua đời.[3]
  4. Hiểu rằng có thể bạn sẽ cảm thấy tức giận. Sau khi hiện thực đau khổ bắt đầu, bạn sẽ cảm thấy giận dữ. Có thể bạn sẽ hướng cơn giận của mình tới bất cứ ai: bản thân bạn, gia đình, bạn bè, những người chưa từng trải qua mất mát, bác sỹ, người quản lý nhà tang lễ hoặc thậm chí là tới người đã khuất.[8] Đừng cảm thấy tội lỗi vì điều đó. Đây là việc hoàn toàn bình thường và lành mạnh.
  5. Hiểu rằng có thể bạn sẽ cảm thấy tội lỗi. Nếu bạn vừa mới mất đi người bạn yêu, có thể bạn sẽ mơ tưởng về mọi thứ bạn có thể làm để ngăn chặn điều đó xảy ra.[6] Có thể bạn sẽ cảm thấy hối hận và cố gắng đưa ra thỏa thuận để người bạn yêu sống lại. Nếu bạn có suy nghĩ rằng: “Giá mình làm một điều gì đó khác”, hoặc “Tôi thề rằng tôi sẽ trở thành một người tốt hơn nếu người tôi yêu sống lại”, vậy có lẽ bạn đang trải qua giai đoạn đau buồn này. Hãy nhớ rằng cái chết của người bạn yêu không phải là hình phạt dành cho bạn: bạn không làm bất cứ điều gì để xứng đáng nhận lấy nỗi đau này. Cái chết có thể xảy ra với bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào và không theo một lẽ thông thường nào cả.
  6. Chuẩn bị sẵn tinh thần rằng bạn sẽ cảm thấy buồn bã và tuyệt vọng. Giai đoạn này có thể sẽ là giai đoạn kéo dài nhất trong quá trình đau buồn. Nó có thể đi kèm với một số triệu chứng như chán ăn, mất ngủ và khóc lóc không ngừng. Có lẽ bạn sẽ cảm thấy cần cô lập bản thân mỗi khi khóc lóc hay vật lộn với nỗi buồn.[6] Buồn bã và tuyệt vọng là hết sức bình thường, nhưng nếu bạn thấy mình có những hành vi tự làm tổn thương bản thân hoặc đánh mất khả năng hoạt động, bạn sẽ cần phải nói chuyện với bác sỹ hoặc chuyên gia tâm lý.[1]
  7. Học cách chấp nhận cái chết của người bạn yêu. Đây thường là giai đoạn cuối cùng trong quá trình đau khổ và nó đồng nghĩa với việc bạn đã học được cách sống mà không có người bạn yêu bên cạnh. Mặc dù bạn sẽ luôn cảm thấy trống vắng nhưng bạn sẽ vẫn có thể thiết lập một cuộc sống “bình thường mới” không còn sự hiện diện của người bạn yêu. Đôi lúc, mọi người sẽ cảm thấy tội lỗi về việc họ có thể thiết lập lại cuộc sống bình thường sau khi người họ yêu thương qua đời và cho rằng ở một khía cạnh nào đó thì bước tiếp đồng nghĩa với phản bội.[1] Tuy nhiên, hãy nhớ rằng người bạn yêu cũng không muốn bạn mãi sống trong tuyệt vọng. Điều quan trọng là bạn phải sống cuộc sống của riêng mình và nó chính là cách bạn thể hiện sự kính trọng đối với những kỷ niệm và quà tặng mà người bạn yêu đã trao cho bạn trước khi họ qua đời.
  8. Đừng ép buộc một khung thời gian cho bản thân. Nhiều quá trình đau buồn sẽ kéo dài hơn một năm. Tuy nhiên, nỗi đau vẫn có thể xuất hiện vào một khoảnh khắc nào đó rất nhiều năm sau khi người bạn yêu qua đời: vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm hoặc thậm chí là vào những ngày đặc biệt buồn.[9] Luôn nhớ rằng bạn không thể vượt qua quá trình đau buồn theo một lịch trình định sẵn. Mỗi người sẽ trải qua quá trình đau buồn một cách khác nhau và có lẽ bạn sẽ vẫn mang theo nỗi buồn đó trong suốt cả cuộc đời.
    • Mặc dù việc cảm thấy đau khổ và buồn bã sau nhiều năm kể từ ngày người bạn yêu qua đời là hoàn toàn bình thường, nhưng những cảm xúc này không nên ngăn cản bạn sống cuộc sống của mình. Nếu bạn không thể làm gì bởi quá đau buồn – sau nhiều năm trời – có thể bạn nên cân nhắc tới việc tìm tới người tư vấn hoặc nhà trị liệu. Nỗi buồn này sẽ luôn là một phần cuộc sống của bạn nhưng nó không nên ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống của bạn.[1]
  9. Tìm đến những người có cùng nỗi buồn giống bạn để được giúp đỡ. Rất nhiều giai đoạn đau buồn khiến bạn chỉ muốn biệt lập hoặc ở một mình. Mặc dù đây là quá trình đơn độc nhưng bạn sẽ vẫn có thể tìm thấy niềm an ủi khi ở bên những người cũng nhớ thương người bạn yêu giống như bạn. Hãy chia sẻ với họ những cảm xúc đau buồn cũng như những kỷ niệm êm đẹp của người đã khuất. [10] Họ có thể thấu hiểu được nỗi đau của bạn theo cách không ai khác có thể làm được. Cùng nhau chia sẻ nỗi buồn sẽ giúp tất cả mọi người cùng có thể bắt đầu bước tiếp.
  10. Nhờ tới sự giúp đỡ của những người không đau buồn vì điều đó. Những người có nỗi buồn giống bạn sẽ có thể giúp bạn chia sẻ nỗi đau. Nhưng những người không đau buồn vì điều đó sẽ có thể giúp bạn quay trở lại với cuộc sống thường nhật. Đừng ngại ngần tìm đến họ nếu bạn cần giúp đỡ chăm sóc con cái, nhà cửa hoặc khiến bạn quên đi muộn phiền.[7]
    • Hãy thoải mái nói về những thứ bạn cần một cách cụ thể. Nếu tủ lạnh của bạn không còn thức ăn, hãy nhờ bạn bè mang qua một chút. Nếu bạn không thể đưa con cái của bạn tới trường, hãy nhờ hàng xóm. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy có biết bao người luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn.
    • Đừng xấu hổ vì nỗi buồn của chính mình. Có thể bạn sẽ thấy mình bỗng dưng bật khóc, kể đi kể lại những câu chuyện giống nhau hay nổi cơn tam bành trước mặt người khác. Đừng cảm thấy xấu hổ vì điều đó: chúng hoàn toàn bình thường và những người yêu thương bạn sẽ hiểu.[7]
  11. Tìm đến sự giúp đỡ của những người có chuyên môn. Mặc dù hầu hết mọi người đều có thể tự mình vượt qua quá trình đau buồn với sự giúp đỡ của bạn bè và gia đình, nhưng vẫn có khoảng 15-20% trong số đó tìm tới sự giúp đỡ khác. [10] Nếu bạn cảm thấy cô độc, nếu bạn sống xa gia đình và bạn bè, hoặc bạn cảm thấy quá khó khăn để làm bất cứ điều gì, có thể bạn sẽ cần tới sự giúp đỡ của những người có chuyên môn.[7] Nhờ bác sỹ của bạn giới thiệu một cố vấn, nhóm hỗ trợ hoặc nhà trị liệu có thể giúp bạn vượt qua quá trình đau buồn.
    • Nếu bạn theo đạo hoặc tin vào tâm linh, hãy cân nhắc tới việc liên lạc với một tổ chức tôn giáo để xin chỉ dẫn. Rất nhiều người lãnh đạo tinh thần có kinh nghiệm tư vấn cho những người có người thân qua đời và bạn có thể nhận được sự an ủi từ họ.

Điều chỉnh Cuộc sống không có Người bạn Yêu thương bên cạnh[sửa]

  1. Chăm sóc bản thân. Trong những ngày và những tuần ngay sau cái chết của người bạn yêu, việc chăm sóc sức khỏe của bạn sẽ có thể bị gián đoạn. Bạn sẽ gặp vấn đề với việc ăn uống, ngủ nghỉ và tập thể dục. Sau một thời gian, bạn sẽ cần phải tái thiết lập các thói quen lành mạnh để đưa cuộc sống trở lại quỹ đạo bình thường.
  2. Ăn đủ ba bữa mỗi ngày. Cho dù bạn không cảm thấy đói, hãy cố gắng ăn đủ bữa theo thời gian biểu thường ngày. [11] Ăn thức ăn dinh dưỡng đều đặn sẽ giúp bạn cải thiện tâm trạng và thiết lập lại trạng thái bình thường sau sự việc đau buồn.
    • Chống lại ham muốn tự xoa dịu bản thân bằng rượu và thuốc kích thích. Mặc dù chúng có thể khiến bạn cảm thấy khuây khỏa nhưng về lâu về dài, chúng sẽ khiến bạn khó lòng hồi phục hơn. Những thói quen lành mạnh sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc giúp bạn sống tiếp cuộc sống của mình.[11]
  3. Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục có thể giúp bạn tạm thời quên đi nỗi buồn. Bằng việc tập trung vào cơ thể, tâm trí bạn sẽ cần nghỉ ngơi lâu hơn – cho dù chỉ là một vài phút. [11] Tập thể dục cũng có thể giúp tâm trạng của bạn được cải thiện, đặc biệt là nếu bạn tập ngoài trời vào những ngày nắng đẹp.[12]
  4. Ngủ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm. Mặc dù có thể trong giai đoạn đau buồn, bạn sẽ khó ngủ nhưng vẫn có một vài cách có thể giúp bạn ngủ ngon và thiết lập lại chế độ ngủ lành mạnh.[11]
    • Cố gắng ngủ ở một nơi tối và mát mẻ.
    • Tránh nhìn màn hình sáng trước giờ đi ngủ.
    • Thành lập thói quen trước khi ngủ như đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ.
    • Tránh uống café và rượu vào buổi tối.
    • Nếu người bạn yêu ngủ cùng giường với bạn, thử cân nhắc tới việc nằm ngủ ở bên phía giường của họ trong một thời gian. Bạn sẽ cảm thấy kết nối với họ và không bị giật mình khi nhận ra phía giường nơi họ nằm bị trống.[13]
  5. Thành lập thói quen mới. Nếu thói quen cũ của bạn khiến bạn khó lòng sống tiếp cuộc sống của mình hơn, hãy tìm một vài thói quen mới trong một thời gian. Điều này không đồng nghĩa với việc bạn đang bỏ rơi người bạn yêu. Thay vào đó, nó có nghĩa là bạn đang lên kế hoạch cho tương lai của mình.[14]
    • Nếu bạn cảm thấy bạn không thể bước tiếp bởi tất cả mọi thứ trong nhà đều gợi nhớ bạn về người đã khuất, hãy cân nhắc tới việc sắp xếp lại đồ đạc trong nhà.
    • Nếu bạn từng xem một chương trình ti vi với người bạn yêu, hãy cố gắng tìm một người bạn cùng xem nó với bạn.
    • Nếu một góc phố đặc biệt nào đó luôn gợi nhớ bạn về người bạn yêu, hãy tìm một con đường khác.
    • Luôn nhớ rằng bạn hoàn toàn có thể quay trở lại với các hoạt động cũ khi nỗi buồn của bạn đã nguôi ngoai. Không phải bạn đang lãng quên người bạn yêu. Thay vào đó, bạn chỉ đang cho phép bản thân được bước tiếp. Điều này sẽ khiến những ký ức của người bạn yêu mang lại cho bạn niềm vui thay vì nỗi buồn dai dẳng.
  6. Quay trở lại với những hoạt động yêu thích của bản thân. Sau nỗi đau và mất mát ban đầu, hãy cố gắng đưa các thói quen và hoạt động thường ngày trở lại với cuộc sống của bạn. Những điều này sẽ giúp bạn tạm quên đi nỗi đau và cho phép bạn bước vào một cuộc sống “bình thường theo một cách mới”. Những hoạt động này đặc biệt quan trọng nếu chúng có thể mang đến cho bạn những người bạn, những người đồng hành mới.
  7. Quay trở lại công việc. Sau một thời gian, có lẽ bạn sẽ muốn quay trở lại với công việc của mình. Có thể bạn muốn quay trở lại làm việc bởi bạn yêu thích nó hoặc có thể bởi lý do tài chính. Mặc dù lúc đầu mọi việc sẽ rất khó khăn, nhưng quay trở lại với công việc cũng cho phép bạn nghĩ tới tương lai thay vì quá khứ.
    • Hỏi cấp trên xem liệu thời gian đầu bạn có thể có thời gian biểu nhẹ nhàng được hay không. Có khả năng bạn sẽ không phải đảm đương toàn bộ khối lượng công việc ngay lập tức. Có lẽ bạn sẽ có thể làm việc nửa ngày hoặc giảm lượng việc trong một thời gian. Nói chuyện với phía công ty để họ có thể tạo điều kiện.[15]
    • Nói chuyện với đồng nghiệp về nhu cầu của bạn. Nếu bạn không muốn nói về người mình yêu tại nơi làm việc, bạn có thể yêu cầu đồng nghiệp của mình tránh chủ đề đó. Còn nếu bạn muốn nói về người mình yêu, một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực giải quyết nỗi đau buồn có thể hướng dẫn cho đồng nghiệp của bạn cách phù hợp để thảo luận về một vấn đề nhạy cảm như vậy.[15]
  8. Đừng đưa ra những quyết định thay đổi cuộc sống mang tính lâu dài ngay lập tức. Có thể bạn sẽ muốn bán nhà hoặc chuyển tới thành phố khác sau mất mát đó. Tuy nhiên, đây không phải là những điều có thể tùy tiện quyết định, đặc biệt là nếu bạn đang trong tình trạng rối loạn cảm xúc. Trước khi đưa một quyết định quan trọng mang tính lâu dài, hãy dành thời gian để cân nhắc kỹ càng hậu quả của những quyết định đó. Ngoài ra, bạn cũng nên suy nghĩ tới việc thảo luận chúng với chuyên gia trị liệu của mình.
  9. Thử những trải nghiệm mới. Nếu có một nơi nào đó mà bạn vẫn luôn mong muốn được đặt chân tới hoặc một sở thích mà bạn muốn thử từ rất lâu rồi, bây giờ chính là thời điểm tuyệt vời để bắt đầu một điều gì đó mới lạ. Những trải nghiệm này sẽ không thể xóa nhòa nỗi đau của bạn nhưng chúng cho phép bạn được gặp gỡ nhiều người bạn mới và tìm ra những con đường mới dẫn tới hạnh phúc.[16] Bạn cũng có thể cân nhắc tới việc tham gia một vài hoạt động cùng với những người có hoàn cảnh giống bạn, để các bạn có thể cùng nhau vượt qua nó.
  10. Tha thứ cho bản thân. Sau mất mát, có thể bạn sẽ thấy mình dần xao nhãng, mắc nhiều sai lầm trong công việc hoặc làm rơi vỡ đồ vật trong nhà. Hãy tha thứ cho bản thân vì những lỗi lầm đó. Chúng hoàn toàn bình thường và dễ hiểu. Bạn sẽ không thể giả vờ như chẳng có chuyện gì xảy ra và có thể sẽ mất một khoảng thời gian dài để cảm thấy bình thường trở lại sau mất mát. Hãy cho bản thân thời gian để hồi phục.[17]
  11. Hiểu rằng nỗi buồn sẽ không biến mất hoàn toàn. Thậm chí sau khi bạn đã tái thiết lập cuộc sống của mình sau mất mát, nỗi buồn của bạn vẫn có thể trở lại vào những lúc bạn không ngờ tới. [18] Hãy xem nỗi buồn như một con sóng, có lúc trôi đi có lúc trở lại.[11] Để cho bản thân cảm nhận những cảm giác đó khi chúng xuất hiện, tìm đến bạn bè của mình khi bạn cần.

Tưởng niệm những Ký ức của Người đã mất[sửa]

  1. Tham dự các buổi lễ tưởng niệm chung. Nó không chỉ để tưởng niệm về người đã mất mà còn cho phép những người còn sống chấp nhận mất mát đó. Rất nhiều lễ tưởng niệm diễn ra trong lễ tang hoặc lễ truy điệu. Ví dụ như, mặc quần áo có màu nhất định hoặc đọc thuộc lời cầu nguyện có thể cho phép mọi người cùng bộc lộ nỗi buồn. Không quan trọng văn hóa của bạn hay người bạn yêu là gì, một lễ tưởng niệm sẽ có thể giúp bắt đầu quá trình hồi phục.
  2. Thành lập thói quen tưởng niệm riêng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc duy trì thói quen tưởng niệm có thể giúp gia quyến người đã mất tiếp tục sống cuộc sống của mình, đặc biệt là khi những thói quen này được thực hiện sau lễ tang. [19] Những hành động này thường khác biệt đối với mỗi người nhưng chúng có thể là một cách rất quan trọng để vừa tưởng niệm những ký ức của người đã mất vừa xoa dịu người còn sống. [20] Bạn có thể cân nhắc tới một số lễ nghi riêng như:
    • Chạm vào một đồ vật của người bạn yêu mỗi khi bạn buồn.
    • Ngồi trên chiếc băng ghế ưu thích của người bạn yêu trong công viên mỗi tuần một lần.
    • Nghe album ưa thích của người bạn yêu khi bạn nấu ăn.
    • Nói chúc ngủ ngon với người bạn yêu mỗi đêm trước khi đi ngủ.
  3. Lưu giữ ký ức về người bạn yêu thương. Khi bạn bước tiếp với cuộc sống của mình, có lẽ bạn sẽ nghĩ tới người bạn yêu và cảm thấy hạnh phúc thay vì buồn bã hay đau khổ. Hãy ghi nhớ cảm giác hạnh phúc và vui vẻ, và nghĩ về tất cả những món quà mà người đó mang đến cho bạn. Để giúp ký ức của bạn trở thành hạnh phúc thay vì đau buồn, cân nhắc tới việc tìm ra cách để lưu giữ ký ức cuộc sống của người mà bạn yêu thương. Sau đó bạn có thể xem lại chúng và chia sẻ chúng với những người khác.
  4. Tạo một cuốn sổ kỷ niệm của người bạn yêu. Nói chuyện với bạn bè và thành viên trong gia đình về những ký ức tuyệt vời mà họ trải qua cùng người đó. Có bất cứ chuyện vui nào về người đó để nói không? Có bức ảnh nào chụp lại nụ cười của người đó? Hãy tập hợp tranh ảnh, ký ức và lời trích dẫn trong một cuốn sổ kỷ niệm. Vào những ngày đặc biệt buồn, bạn có thể đọc cuốn sổ đó và nhớ về niềm vui mà người bạn yêu thương đã mang đến cho thế giới này.
  5. Treo ảnh của họ. Cân nhắc tới việc treo một bức ảnh của bạn cùng người bạn yêu lên tường hoặc để trong album. Nhắc nhở bản thân rằng cái chết của họ không phải là khoảnh khắc minh định cuộc sống của họ. Thời gian mà họ ở bên bạn quan trọng hơn thế rất nhiều.
  6. Tập hợp bạn bè và người thân để cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm đã qua. Bạn không nhất thiết phải cần đến một đồ vật cụ thể để lưu giữ những ký ức về người bạn yêu thương. Thay vào đó, bạn có thể cùng họp mặt với tất cả những người quan tâm đến người đó và chia sẻ với nhau những kỷ niệm đẹp. Nhớ về những lúc vui vẻ, tiếng cười và kiến thức mà người bạn yêu để lại.
  7. Viết nhật ký. Mỗi khi nghĩ tới người bạn yêu, hãy viết ra những suy nghĩ và kỷ niệm của hai bạn vào nhật ký. Có lẽ bạn sẽ nhớ về một ký ức đẹp đẽ mà bạn đã quên đi trong suốt một thời gian dài. Hoặc có lẽ bạn sẽ nhớ đến một lúc nào đó khi bạn tức giận với người bạn yêu và bạn cần xử lý cơn giận đó. Đừng ép buộc bản thân gạt bỏ những suy nghĩ về người đã khuất: hãy gắn liền những ký ức đó như một phần cuộc sống và tương lai của bạn.
    • Nếu bạn cảm thấy quá tải bởi suy nghĩ viết nhật ký, hãy tự tạo cho mình một cấu trúc nhất định. Ví dụ như, mỗi ngày dành 10 phút để viết, sử dụng giấy hướng dẫn để sắp xếp suy nghĩ của bản thân và bắt đầu bằng việc viết danh sách thay vì câu đầy đủ.[21]
  8. Nghĩ về tương lai. Hơn tất cả, hãy tiếp tục bước về phía trước và tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Người bạn yêu cũng sẽ không muốn bạn mãi đắm chìm trong vòng quay tuyệt vọng. Hãy đau buồn, vượt qua và sống tiếp cuộc sống của mình. Bạn có thể sẽ có một tương lai tương sáng và hạnh phúc và hãy mang tất cả những kỷ niệm với người đó theo cùng.

Lời khuyên[sửa]

  • Vượt qua cái chết của người mà bạn yêu thương không đồng nghĩa với việc bạn bỏ rơi họ. Đúng hơn thì nó đồng nghĩa với việc bạn giữ lấy cuộc sống của họ thay vì cái chết.
  • Thậm chí nếu bạn cảm thấy như thể bạn đã chấp nhận cái chết của họ, nỗi đau buồn vẫn có thể trở lại bất cứ lúc nào, vào những thời điểm mà bạn không thể đoán trước được. Đây là một việc hoàn toàn bình thường.
  • Hãy tìm đến bạn bè, người thân, nhà thờ hoặc cộng đồng tín ngưỡng và bác sỹ chuyên khoa của bạn trong thời gian đặc biệt khó khăn.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn liên tục có suy nghĩ làm tổn thương bản thân hoặc người khác, hãy liên hệ ngay với đơn vị hỗ trợ khẩn cấp hoặc bác sỹ. Trong quá trình đau khổ, cảm giác buồn bã là hoàn toàn bình thường nhưng những suy nghĩ về việc tự tử hay bạo lực thì cần phải được điều trị ngay lập tức.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 http://www.twu.edu/downloads/counseling/E-14_Grief_and_Loss.pdf
  2. http://kidshealth.org/teen/your_mind/emotions/someone_died.html
  3. 3,0 3,1 3,2 http://jama.jamanetwork.com/article.aspx?articleid=205661
  4. https://www.psychology.org.au/publications/inpsych/2011/december/hall/
  5. http://www.cpa.ca/docs/File/Publications/FactSheets/PsychologyWorksFactSheet_GriefInAdults.pdf
  6. 6,0 6,1 6,2 http://www.webmd.com/mental-health/mental-health-coping-with-grief
  7. 7,0 7,1 7,2 7,3 7,4 http://www.rcpsych.ac.uk/healthadvice/problemsdisorders/bereavement.aspx
  8. http://psychcentral.com/lib/the-5-stages-of-loss-and-grief/
  9. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/end-of-life/in-depth/grief/art-20045340
  10. 10,0 10,1 http://www.grief.org.au/grief_and_bereavement_support/understanding_grief/about_grief
  11. 11,0 11,1 11,2 11,3 11,4 http://kidshealth.org/teen/your_mind/emotions/someone_died.html#
  12. http://www.apa.org/monitor/2011/12/exercise.aspx
  13. http://www.griefhealingblog.com/2010/11/tips-for-coping-with-sleeplessness-in.html
  14. http://www.everydayhealth.com/news/when-grieving-lingers/
  15. 15,0 15,1 http://americanhospice.org/the-bereaved-employee-returning-to-work/
  16. http://www.wsj.com/articles/SB10001424052702304610404579402940770172268
  17. http://www.huntsvillehospital.org/images/PDFs/UnderstandingGrief.pdf
  18. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/end-of-life/in-depth/grief/art-20045340?pg=2
  19. http://www.theatlantic.com/health/archive/2014/03/in-grief-try-personal-rituals/284397/
  20. http://www.hbs.edu/faculty/Publication%20Files/norton%20gino%202014_e44eb177-f8f4-4f0d-a458-625c1268b391.pdf
  21. http://journaltherapy.com/wp-content/uploads/2011/01/Article-KA-Managing-Grief-through-Journal-Writing.pdf

Liên kết đến đây