Vượt qua các vấn đề về lòng tin trong mối quan hệ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sự thiếu lòng tin trong mối quan hệ có sức hủy hoại ghê gớm. Thật khó mà yên tâm khi không có lòng tin, và có thể trong lòng bạn luôn đặt câu hỏi liệu người kia có trung thành, chân thật hoặc đáng tin cậy hay không. Cho dù là trong tình cảm yêu đương, trong quan hệ công việc hoặc xã hội, lòng tin là một điều vô cùng quan trọng. Nếu bạn gặp vấn đề về lòng tin thì điều cần thiết là tìm hiểu những giải pháp hiệu quả để vượt qua trước khi mối quan hệ bị tổn hại.

Các bước[sửa]

Điều gì khiến bạn mất lòng tin?[sửa]

  1. Suy nghĩ xem điều gì đã khiến bạn không tin tưởng người khác. Một số người vốn khó lòng tin tưởng người khác, thông thường là do các trải nghiệm trong quá khứ, do những nỗi thất vọng mới xảy ra hoặc thậm chí do cách bạn được nuôi dạy từ thời thơ ấu. Nếu có ai đó đã từng làm bạn thất vọng, bỏ rơi bạn hoặc ngoảnh mặt khi bạn cần sự giúp đỡ của họ, bạn sẽ cảm thấy khó mà tin tưởng được ai. Ngược lại, nếu bạn từng được ai đó ủng hộ, đưa bạn vượt qua những tình huống khó khăn và giúp bạn học cách đối phó với sự thất vọng, bạn sẽ có nhiều khả năng học được cách tin tưởng người khác. Nếu bạn thực sự thấy khó có lòng tin thì một số vấn đề sau đây có thể là những vật cản đối với bạn:
    • Bạn cảm thấy mọi người không đáng tin; bạn áp đặt điều này với bất cứ ai bạn gặp, dù cho họ có cam đoan như thế nào đi nữa.
    • Bạn cảm thấy cần phải tự vệ để khỏi bị tổn thương bằng cách dựng lên một hàng rào phòng thủ, thậm chí trước cả khi cho người khác một cơ hội.
    • Bạn không muốn nhờ ai giúp đỡ và cảm thấy như phải tự tay làm mọi việc mới yên tâm.
    • Bạn không giỏi xét đoán tính cách của người khác và có vẻ như rốt cục cuộc đời bạn hay gặp phải những người không đáng tin.
    • Đôi khi bạn khá cả tin và dường như những người khác thường lợi dụng sự rộng lượng hoặc lòng tốt của bạn.
  2. Nghĩ về điều mà bạn chờ đợi từ những người khác. Có lẽ bạn thường đòi hỏi cao ở người khác, thậm chí là quá cao. Một số yếu tố sau đây có thể làm nảy sinh các vấn đề về lòng tin trong các mối quan hệ:
    • Có phải bạn trông chờ người khác phải "biết" những điều bạn muốn hoặc "đọc được ý nghĩ" của bạn? Điều này thường khiến bạn thiếu lòng tin vào người khác vì họ không làm những điều mà bạn nghĩ rằng họ cần phải làm, tuy nhiên bạn lại không chịu nói rõ.
    • Bạn mong đợi người khác đáp lại bạn tương đương với những thứ bạn đã cho họ. Những thứ chúng ta cho nhau trong mối quan hệ không nên đong đếm rằng ai đã cho đi những gì. Nếu bạn không cho đi một cách vô điều kiện mà lại chờ đợi được trả ơn, bạn sẽ cảm thấy thiếu lòng tin nếu người kia không đáp lại.
    • Bạn luôn luôn nhìn thấy điều tiêu cực ở những người khác. Nếu là như vậy, bạn thật khó mà tin tưởng bất cứ ai.
    • Trong chuyện tình cảm hoặc mối quan hệ thân thiết, bạn đòi hỏi người kia không được rời bạn nửa bước. Điều này có thể khiến mối quan hệ trở nên ngột ngạt và thậm chí dẫn đến hành vi lén lút theo dõi nếu mọi việc trở nên quá mức.

Vượt qua những vấn đề về lòng tin[sửa]

  1. Xác định xem liệu bạn mong muốn một cuộc sống tràn đầy tin tưởng hay bị vẩn đục vì những nghi ngờ. Nghĩ về hậu quả sâu xa nếu cuộc sống của bạn thiếu lòng tin vào mọi người. Nó sẽ lấy đi nhiều năng lượng của bạn, cô lập bạn và để lại cho bạn sự hoài nghi và thất vọng. Lối sống đó có đem lại cho bạn niềm vui sướng không? Có lẽ là không. Hãy nhìn xa hơn và nghĩ rằng sự tin tưởng thường sẽ đem lại những kết quả tích cực vượt xa những lần bạn có suy nghĩ tiêu cực về người khác.
  2. Nhận định một cách sáng suốt thay vì nghi ngờ. Lòng tin không giống như sự cả tin khờ dại; trực giác và sự phân tích phản biện vẫn là những yếu tố cần thiết trong cách nhìn nhận cuộc sống. Khi cảm thấy có điều gì đó khả nghi, bạn hoàn toàn có thể thay đổi cách xử trí và tìm hiểu thêm các thông tin trước khi đặt lòng tin vào một người hoặc một thỏa thuận nào đó. Nhưng kết quả sẽ rất xứng đáng khi bạn suy nghĩ sáng suốt, khi bạn nhận ra rằng hầu hết mọi người đều có ý định tốt và muốn mọi việc tốt đẹp chẳng kém gì bạn.
  3. Cho mọi người không gian riêng. Cho dù là trong chuyện tình cảm, công việc hoặc quan hệ xã hội, không ai lại muốn bị quản thúc bởi một người luôn đòi hỏi phải biết nhất cử nhất động của mình. Một con thú bị dồn đến chân tường sẽ chống trả quyết liệt để tự vệ, và bạn có thể chờ đợi hành vi giống hệt như vậy ở một người bị theo dõi, theo đuổi và bị nghi ngờ. Khi bước lùi lại và để cho người khác ”dễ thở” là bạn đang tạo ra một không gian của lòng tin và chia sẻ.
    • Nếu bạn thường lục lọi đồ đạc của người khác, xem trộm ghi chép (nhật ký) hoặc theo dõi ai đó thì hãy dừng lại ngay. Rất có thể là họ đã biết việc bạn đang làm hoặc không sớm thì muộn họ cũng sẽ biết. Đó là hành vi lén lút, kiểm soát và có thể hủy hoại lòng tin của họ vào bạn. Sự mất lòng tin từ cả hai phía sẽ không thể sửa chữa được vấn đề tổng thể.
  4. Đối phó với nỗi đau trong quá khứ. Những tan vỡ trong tình yêu, mất mát trong tình bạn, thất bại trong hợp tác kinh doanh – tất cả đều được lưu lại trong ký ức. Tuy vậy chúng vẫn là một phần của cuộc sống. Đôi khi những điều không may sẽ xảy ra, nhưng điều quan trọng là cách phản ứng của chúng ta. Cố gắng thôi day dứt về những chuyện buồn trong quá khứ, thay vào đó là xem xét những điều bạn học được từ trải nghiệm đó.
    • Hiểu rằng khi bạn càng xoáy vào những điều tiêu cực trong quá khứ thì chúng càng được phóng đại sau mỗi lần kể lại. Những chuyện đó thực sự đem lại cho bạn điều gì? Thông thường nó sẽ trở thành câu chuyện an toàn của riêng bạn hơn là bức tranh thực tế. Dần dần những lần kể lể như vậy sẽ bào mòn sự kiên nhẫn của những người mà lẽ ra có thể ủng hộ bạn và giúp bạn có những lựa chọn tích cực hơn, lạc quan hơn. Hãy cố gắng buông bỏ những câu chuyện mà bạn vẫn thường tự kể lại với chính mình.
  5. Quyết định tìm các giải pháp mang tính xây dựng hơn để đối phó với sự bội tín. Không có gì đảm bảo rằng lòng tin của bạn không bị đổ vỡ lần nữa trong cuộc sống này. Nhưng bạn có thể xử lý những sự cố đó sao cho chúng không khiến bạn có cái nhìn bi quan hơn về cuộc sống. Ví dụ:
    • Hiểu rằng có một số người thiếu trung thực, nhưng không phải ai cũng vậy. Vì thế bạn hãy tiếp tục tìm kiếm và tin vào những điều tốt đẹp.
    • Rút ra bài học kinh nghiệm từ tình huống bạn đã trải qua. Bạn có thể làm gì để lần sau mọi việc sẽ tốt hơn? Liệu bạn có lỗi phần nào trong việc mất lòng tin này không? Chẳng hạn như, có thể bạn đã không chú ý đến những dấu hiệu hoặc không kiểm tra những manh mối mà lẽ ra vấn đề đã được nhận ra sớm hơn.
    • Tha thứ cho người đã khiến bạn thất vọng. Nếu không, gánh nặng này sẽ theo bạn vào tương lai và lấy đi rất nhiều năng lượng của chính bạn.
  6. Ngừng chờ đợi người khác phải biết những điều bạn muốn. Trừ khi bạn sẵn sàng nói rõ những điều mình mong muốn, bạn không thể trông chờ người khác đọc được suy nghĩ của mình. Bạn nên học cách truyền đạt rõ ràng, quả quyết về những nhu cầu của mình và bảo vệ những điều có ý nghĩa đối với bạn. Thật không công bằng khi bắt lỗi ai đó đã làm bạn thất vọng nếu bạn không nói rõ bạn mong muốn điều gì ở họ.
    • Đặt ra các nguyên tắc chung trong quan hệ công việc và tình cảm, những điều không chỉ có lợi cho riêng bạn mà cho cả hai bên. Bạn sẽ thiết lập được các ranh giới rõ ràng và sự thấu hiểu khi cả hai đều biết những gì cần tuân theo.