Viết sách thiếu nhi

Từ VLOS
(đổi hướng từ Viết Sách Thiếu nhi)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn có nhớ cảm giác cuộn tròn đọc cuốn sách mình yêu thích khi còn nhỏ, được hoàn toàn đắm chìm trong thế giới của câu chuyện không? Chúng ta viết truyện cho thiếu nhi để dạy trẻ em những bài học mà chúng ta đã trải qua, đem lại cho trẻ niềm vui và cảm hứng – và có lẽ cũng để đánh thức cảm giác của chính chúng ta. Bài viết này sẽ cung cấp dàn ý các bước thực hiện để bạn có thể viết một cuốn sách thiếu nhi, từ việc lên ý tưởng cho đến chuyển bản thảo hoàn thiện đến nhà xuất bản.

Các bước[sửa]

Tìm kiếm và Lên ý tưởng[sửa]

  1. Đọc càng nhiều sách thiếu nhi càng tốt. Khi bạn bắt đầu suy nghĩ về ý tưởng cho cuốn sách thiếu nhi của riêng mình, tốt nhất là bạn nên đọc tác phẩm của những tác giả khác. Hãy đến thư viện hoặc nhà sách thiếu nhi, dành vài giờ để tìm kiếm. Suy nghĩ xem cuốn sách nào bạn thấy thu hút nhất và tại sao.
    • Bạn thích sách có minh họa hay chỉ truyện chữ thôi?
    • Bạn thích viết về giả tưởng hay phi giả tưởng. Sách phi giả tưởng hoặc sách dạng thông tin yêu cầu bạn phải nghiên cứu hoặc có kiến thức về chủ đề định viết và sẽ là lợi thế nếu bạn đã là một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó như nghiên cứu khủng long, sao băng hay máy móc.
    • Để có cảm hứng cho sách giả tưởng, bạn nên đọc thêm các sách cổ điển. Đừng giới hạn mình trong những tác phẩm hiện hành – hãy quay ngược thời gian và tìm đọc những câu chuyện đã trường tồn thách thức thời gian và thử tự mình tìm hiểu xem điều gì ở cuốn sách giúp nó được đón nhận lâu dài đến vậy. Ví dụ, bạn có thể tìm đọc các cuốn sách như: “Goodnight Moon” (Chúc ông trăng ngủ ngon), “Where the Wild Things Are” (Chốn hoang dã ở đâu), “The Polar Express” (Chuyến phiêu lưu vùng cực) và những tựa sách được yêu thích khác.
    • Hãy đọc cả những câu chuyện cổ tích. Ngành công nghiệp giải trí hiện nay đang quay lại với tình yêu dành cho những câu chuyện cổ tích và biến chúng trở nên hiện đại. Vì đại đa số truyện cổ tích đều không có tác giả cụ thể, bạn có thể tự do lấy nhân vật và cốt truyện rồi mang chúng đến những vùng đất mới với cách nhìn nhận hoàn toàn mới!
  2. Cân nhắc nhóm lứa tuổi bạn hướng tới. Cụm từ “sách thiếu nhi” bao trùm mọi thứ từ sách dạng bảng in với một chữ một trang cho đến các loại sách có nhiều chương, tiểu thuyết và cả các sách về sự việc thực tế viết cho trẻ ở độ tuổi trung học cơ sở và thiếu niên (thanh thiếu niên). Cốt truyện, nội dung và chủ đề của cuốn sách cần phù hợp với độ tuổi của độc giả bạn hướng đến để có thể thu hút chúng (hãy nhớ rằng cha mẹ là những người có tính chất quyết định cho con cái họ đọc sách của bạn hay không).
    • Sách với hình minh họa phù hợp với những trẻ nhỏ. Trẻ em thường thích các loại sách nhiều màu sắc, và vì thế giá thành in ấn cũng tốn kém hơn nên bạn cần cân nhắc. Thêm một điểm nữa, sách tranh thường khá ngắn nên văn phong của bạn khi đó cũng phải xuất sắc để vừa có thể tạo hứng thú cho trẻ lại vừa ngắn gọn súc tích.
    • Các sách dài chia chương và sách viết về sự việc thực tế/sách thông tin lại dành cho những trẻ lớn hơn. Bắt đầu với những độc giả dễ tính cho đến những tiểu thuyết dành cho lứa tuổi thiếu niên, có rất nhiều đề tài cho bạn viết nhưng bạn cũng phải viết nhiều hơn và có thể phải tìm hiểu thêm.
    • Đừng bỏ qua ý tưởng về sách thơ hoặc các câu chuyện ngắn. Nếu bạn viết cả hai loại, bạn sẽ hiểu rằng trẻ thích cả hai thể loại sách này.
  3. Quyết định cuốn sách của bạn sẽ chủ yếu là dạng chữ, nhiều tranh hay pha trộn giữa tranh và chữ. Nếu độc giả mục tiêu của bạn là trẻ nhỏ, bạn sẽ cần có nhiều hình ảnh minh họa trong tác phẩm. Nếu bạn có năng khiếu hội họa, bạn có thể tự vẽ minh họa của cuốn sách của mình – rất nhiều tác giả viết sách thiếu nhi đều tự vẽ minh họa cho cuốn sách của họ. Nếu bạn không thể tự vẽ, bạn có thể cần thuê một người chuyên vẽ tranh minh họa. Với những trẻ lớn hơn, sách có biểu đồ, hình vẽ và đôi khi là những hình ảnh tươi sáng là đã đủ hấp dẫn, nhưng có những trường hợp sách không có hình ảnh minh họa vẫn rất hiệu quả.
    • Trước khi tìm người vẽ minh họa, hãy phác họa ý tưởng về những hình ảnh bạn muốn đưa vào từng trang sách của mình. Nó sẽ giúp ích cho bạn trong giai đoạn biên tập tiếp theo, bạn có thể chỉ cần đưa phác họa cho người vẽ minh họa và chia sẻ thêm với họ về ý tưởng bạn muốn họ thực hiện.
    • Mỗi người vẽ tranh minh họa đều có những phong cách vẽ khác nhau, nên bạn phải tìm hiểu kỹ càng trước khi đưa ra lựa chọn. Hãy tìm hiểu trên mạng những người có thể vẽ tranh minh họa và xem các tác phẩm của họ. Nếu bạn thuê một chuyên gia vẽ minh họa vượt quá túi tiền, bạn có thể nhờ bạn bè hoặc một thành viên nào đó trong gia đình có năng khiếu hội họa vẽ minh họa cho tác phẩm của bạn.
    • Hãy cân nhắc ý tưởng đưa ảnh vào tác phẩm của mình. Nếu bạn thích chụp ảnh, bạn có thể sử dụng những ảnh chụp cảnh vật thực tế, nhưng vẫn sử dụng đồ vật và thú nhồi bông, v.v. Bạn cũng có thể sử dụng chương trình ảnh kỹ thuật số để chèn ảnh vào câu chuyện của mình trong trường hợp bạn không thể dùng ảnh chụp.

Chuẩn bị Nội dung cho Cuốn sách[sửa]

  1. Quyết định cuốn sách của bạn gồm những phần chính nào. Viết ra ý tưởng vào một cuốn sổ. Một số điểm bạn luôn phải ghi nhớ đó là:
    • Dù câu chuyện hướng đến trẻ em hay người lớn, thì những câu chuyện tuyệt vời nhất đều có một số điểm chung cơ bản như sau: Một nhân vật chính, các nhân vật phụ, bối cảnh thú vị và một cốt truyện có mâu thuẫn chính, diễn biến trắc trở, đỉnh điểm và nút mở.
    • Với những cuốn sách phi giả tưởng hoặc sách dạng thông tin: Cuốn sách phải cung cấp cho người đọc thông tin về lịch sử, nhân vật, sự kiện, những chi tiết thực tế hoặc những hướng dẫn về phương pháp.
    • Sách tranh: Những cuốn sách dạng này cần nhiều hình minh họa, thường là hình màu, do đó làm tăng chi phí in ấn. Các đoạn văn bản thường hạn chế nhưng phải thực sự chất lượng và độc đáo – vì hình ảnh chiếm đa số so với các đoạn kể chuyện và xuyên suốt cả cuốn sách.
  2. Hãy cân nhắc gửi gắm một thông điệp trong các tác phẩm giả tưởng. Rất nhiều cuốn sách thiếu nhi đều mang thông điệp tích cực, từ những phẩm chất giản dị, như “chia sẻ với người khác” cho đến những bài học phức tạp hơn trong cuộc sống về những chủ đề như vượt qua cảm xúc mất mát sau khi người thân qua đời, hay cách tư duy về những vấn đề lớn hơn như chăm lo đến môi trường hay tôn trọng các nền văn hóa khác. Bạn không cần phải đưa thông điệp một cách trực diện, cho nên đừng ép buộc gắn thông điệp vào câu chuyện – nếu bạn cứ cố đưa vào tác phẩm của mình, thì bài học đó có thể trở nên quá nặng nề và không thể thu hút được độc giả nhỏ tuổi.
  3. Hãy thực sự sáng tạo. Nếu bạn viết sách giả tưởng, bạn có cơ hội được viết về những điều xuẩn ngốc, kỳ lạ, tầm thường, ảo tưởng. Điều gì đã từng cho bạn cảm hứng khi bạn còn nhỏ? Hãy đi đến thế giới đó, khám phá những ý tưởng. Tuy nhiên không có nghĩa là bạn nên đắm chìm vào những điều điên rồ mà chẳng có lý do gì cả. Hãy đắm chìm vào cảm xúc chân thực và hành động có ý nghĩa với nhân vật của bạn. Người đọc có thể ngay lập tức dừng lại trước những dòng chữ phi lý và đó là lúc họ sẽ đặt ngay cuốn sách xuống. Nếu viết về đề tài phi giả tưởng, bạn sẽ lại có cơ hội chia sẻ những kiến thức và những gì mình tìm hiểu được cho thế hệ đầu bếp, kỹ sư và nghệ sĩ tương lai! Quan trọng là bạn cần sáng tạo nhưng hãy đảm bảo luôn cung cấp thông tin chính xác – phải có sự cân bằng giữa những dòng chữ tươi sáng và nội dung đảm bảo đã được kiểm tra kỹ càng và dễ hiểu và dễ áp dụng cho trẻ nhỏ.

Viết Bản thảo Câu chuyện[sửa]

  1. Hãy viết bản nháp đầu tiên. Đừng lo lắng nó sẽ như thế nào – bạn vẫn chưa hề chia sẻ nó với ai cả. Tập trung viết ra câu chuyện hoặc dàn ý của cuốn sách ra giấy, đừng lo lắng về việc trau chuốt sau đó. Nhiều cuốn sách đã không thể đi đến giai đoạn hoàn thiện chỉ vì chủ nghĩa hoàn hảo sai lầm – hãy dùng bút đỏ chỉnh sửa chỉ “sau khi” tất cả những ý tưởng của bạn đã nằm trên giấy.
  2. Hãy xác định lứa tuổi độc giả mà bạn hướng đến. Vốn từ, cấu trúc câu và độ dài câu phải thích hợp với nhóm tuổi bạn đang viết. Nếu bạn vẫn chưa chắc chắn, hãy nói chuyện với nhiều trẻ em thuộc nhóm tuổi mục tiêu và chia sẻ một số từ bạn thích dùng để xác định được phạm vi nhận thức của trẻ. Mặc dù giúp trẻ học tập một chút qua cuốn sách là điều tốt, nhưng không nên viết sách theo kiểu bắt trẻ tra từng từ mới hiểu.
    • Hãy viết những câu súc tích có thể trình bày rõ ràng những ý tưởng bạn muốn chia sẻ. Đây là quy tắc cơ bản với một tác phẩm viết cho bất kỳ lứa tuổi nào. Điều này càng đặc biệt quan trọng khi viết cho trẻ em đang ở lứa tuổi học tập để tìm hiểu ý nghĩa của những sự việc càng ngày càng phức tạp.
    • Đừng đánh giá quá thấp nhận thức của độc giả mục tiêu của bạn. Trẻ em cực kỳ thông minh, và nếu bạn mắc lỗi viết về những điều “đánh giá thấp” chúng, chúng sẽ ngay lập tức cảm thấy tẻ nhạt khi đọc cuốn sách của bạn.
    • Hãy luôn cập nhật. Đừng chỉ vì những sự kiện bạn không có hứng thú hay quá kỹ thuật mà lảng tránh nó. Trẻ em muốn đọc về những sự kiện hiện tại được thể hiện trong ngôn ngữ và ý tưởng, nên cho dù điều đó có nghĩa là bạn phải tìm hiểu sâu những kiến thức về lập trình hay tiếng lóng dùng trong văn viết thì câu chuyện hoặc thông tin của bạn mới được truyền tải một cách tài tình và mang đến cơ hội học hỏi với niềm ham thích cho độc giả!
  3. Hãy đưa ra nút mở hoặc kết quả thực tế ở cuối mỗi cuốn sách giả tưởng. Kết thúc không cần phải lúc nào cũng cần có hậu – dù nó có ảnh hưởng thực tế đối với một thanh niên trẻ tuổi, nhưng cuộc sống vốn dĩ không phải lúc nào cũng chỉ có những kết thúc có hậu. Phần kết thúc cũng cần thuyết phục như mọi phần khác của câu chuyện mà không mang đến cảm giác hụt hẫng hay không liền mạch. Đôi khi bạn cần nghỉ ngơi và quay trở lại với cuốn sách sau đó, hoặc đối với những người khác, phần kết chuyện đã được biết trước ngay cả khi cuốn sách ra đời!
    • Với thể loại sách phi giả tưởng, bạn luôn phải đưa ra kết luận ở một dạng nào đó để kết thúc cuốn sách một cách súc tích. Có thể là quan sát xem liệu chủ đề này sẽ được phát triển như thế nào trong tương lai, hoặc tóm tắt về những điểm chính có thể rút ra từ cuốn sách hoặc có thể là nhận xét khác thường nào đó về những gì độc giả có thể muốn thực hiện/đọc thêm/tìm hiểm thêm sau đó. Dù đích đến của bạn có là gì, hãy luôn ngắn gọn, độc giả nhỏ tuổi không muốn đọc bất cứ thứ gì dài quá nửa trang giấy ở cuối một sách phi giả tưởng.

Đọc lại để Chỉnh sửa[sửa]

  1. Đọc lại bản thảo của bạn. Bước này nên được lặp lại liên tục cho đến khi bản thảo của bạn đã hoàn toàn trau chuốt. Bạn có thể phát hiện ra rằng toàn bộ các phần trong câu chuyện của mình đều vô dụng, hoặc rằng bạn cần phải viết trong vai một nhân vật mới. Nếu bạn đang hợp tác với người vẽ minh họa, bạn sẽ phát hiện ra rằng việc thêm hình minh họa có thể làm thay đổi toàn bộ nhịp điệu của câu chuyện. Hãy đọc lại nhiều lần trước khi cho ra đời bản thảo sẵn sàng có thể chia sẻ với mọi người.
    • Có thể việc từ bỏ tác phẩm bạn đã dành hàng giờ để trau chuốt, và rồi phát hiện ra nó không phù hợp hoặc vô dụng là rất khó khăn, nhưng đó là một phần của nghề viết. Nhận thức được nên từ bỏ những gì là một phần quan trọng trong nghệ thuật viết lách. Để có được tính khách quan, hãy bỏ lại tác phẩm của mình một thời gian sau đó trở lại với một tâm thái hoàn toàn mới mẻ.
    • Kiểm tra lỗi đánh máy và ngữ pháp khi bạn xem lại. Mỗi lần chọn lọc sẽ giúp cải thiện chất lượng cuối cùng cho cuốn sách của bạn.
  2. Chia sẻ bản thảo của bạn với những người khác. Bắt đầu từ những thành viên trong gia đình và bạn bè của bạn. Không dễ gì có được phản ánh thẳng thắn từ những người thân thiết, những người muốn bảo vệ cảm xúc cho bạn, cho nên hãy cân nhắc tham gia một hội thảo viết truyện hoặc lập một nhóm những người viết truyện để bạn có thể nhận được những phản hồi chân thực về bản thảo của mình.
    • Hãy luôn nhớ chia sẻ bản thảo của bạn cho những độc giả chính của cuốn sách: trẻ em. Hãy đọc bản thảo đó cho những đứa trẻ và để ý xem chúng có “hào hứng” không, những phần nào khiến chúng không hứng thú, v.v.
    • Cân nhắc xem cuốn sách liệu có thu hút đối được phụ huynh, giáo viên và những người làm công tác thư viện không. Họ là những người sẽ mua sách của bạn, cho nên họ cũng phải cảm thấy có hứng thú với cuốn sách của bạn.
    • Khi bạn đã có được phản hồi từ nhiều nguồn rồi, hãy chỉnh sửa lại bản thảo một lần nữa.

Xuất bản Sách[sửa]

  1. Tự xuất bản. Đây là một lựa chọn khả thi và nên được tôn trọng trong ngành xuất bản ngày nay. Hãy thử tìm kiếm trên mạng những công ty có thể giúp bạn tự xuất bản cuốn sách của mình. Bạn có thể muốn làm ebook (sách điện tử) hoặc in sách. Bạn có thể tiêu tốn nhiều hay ít tiền tùy thuộc vào bản thân khi quyết định tự xuất bản, và bạn còn tránh được quá trình xuất bản rườm rà với cách thức xuất bản truyền thống.
    • Một số công ty tự xuất bản sách có thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn những công ty khác. Trước khi chọn một công ty, hãy xem xét loại giấy họ sử dụng và lấy vài mẫu cuốn sách khác mà họ từng xuất bản.
    • Khi bạn tự xuất bản sách, bạn vẫn có thể hiểu được quá trình xuất bản sách qua nhà xuất bản truyền thống lâu đời. Trên thực tế, bạn sẽ nhận được mẫu sách hoàn thiện của nhà xuất bản. Nếu trông mẫu sách ưng ý, đó sẽ là một lợi thế cho bạn.
  2. Hãy tìm một cơ quan phát hành sách. Nếu bạn muốn xuất bản sách tại những nhà xuất bản truyền thống, tốt nhất bạn nên tìm một cơ quan phát hành sách để giúp bạn xử lý các thủ tục. Tìm hiểu những cơ quan hoạt động trong lĩnh vực sách thiếu nhi tại Mỹ tại địa chỉ www.writersmarket.com (nếu bạn sinh sống tại Mỹ). Những tổ chức tương tự như vậy cũng có mặt ở những quốc gia khác.
    • Gửi cho cơ quan phát hành một lá thư ngỏ ý và bản tóm tắt cuốn sách. Nếu có hứng thú, họ sẽ trả lời bạn kèm yêu cầu xem bản thảo. Bạn có thể mất vài tuần hoặc vài tháng mới nhận được câu trả lời của họ.
    • Nếu sách của bạn không được cơ quan đó chọn, bạn có thể gửi thư ngỏ và bản tóm tắt trực tiếp đến nhà xuất bản và chấp nhận để lộ bản thảo. Tìm hiểu về các công ty đã từng xuất bản những cuốn sách như của bạn trước khi liên hệ.
    • Nếu sách của bạn được một cơ quan phát hành chọn, họ có thể yêu cầu bạn chỉnh sửa lại bản thảo để nó hấp dẫn hơn với những nhà xuất bản tiềm năng. Khi đã sẵn sàng, công ty đó sẽ gửi lời ngỏ đến nhà xuất bản có tiềm năng phù hợp. Một lần nữa, quá trình này có thể mấy vài tháng, và không có gì đảm bảo rằng cuốn sách của bạn sẽ được xuất bản.
  3. Chỉ xuất bản cho thị trường địa phương. Viết sách thiếu nhi đã là một cảm giác tự hài lòng lớn. Không cần phải có xuất bản rộng rãi nếu bạn không muốn. Đôi khi sẽ riêng tư hơn khi bạn chỉ chia sẻ với những ai quan tâm. Hãy cân nhắc in bản thảo ở cửa hàng in và để lại bản in để gửi cho bạn bè hoặc trẻ nhỏ trong gia đình. Rất nhiều cửa hàng có dịch vụ cho phép bạn in và đặt những tờ quảng cáo rực rỡ nhưng lại nhìn cực kỳ chuyên nghiệp.

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy tung hứng với ngôn ngữ. Trẻ nhỏ không sợ thể hiện tính sáng tạo và hài hước của chúng, cho nên hãy sử dụng những từ ngữ và cụm từ hài hước và giữ chúng luôn hào hứng với câu chuyện.
  • Hãy thể hiện những gì trẻ nhỏ yêu thích trong cuốn sách của bạn. Nếu bạn đã có con nhỏ, hãy hỏi chúng xem chúng thích những câu chuyện như thế nào, vào nếu bạn muốn, hãy dựa theo đó. Việc này có thể sẽ rất thú vị.
  • Hãy suy nghĩ kỹ về vấn đề thuyết hình người (thuyết đem gán những thuộc tính của con người cho những đối tượng không phải con người). Những người biên tập nhận được rất nhiều câu chuyện nói về củ cải, cá hồi và sưu tập khoáng vật, cho nên sử dụng phương thức này khiến việc tiêu thụ sách rất khó trừ khi được thực hiện đúng cách.
  • Sách thiếu nhi thường là sản phẩm của những nỗ lực hợp tác. Nếu bạn có thuê người vẽ tranh minh họa, hãy luôn chuẩn bị cả vấn đề phải chia sẻ lợi nhuận.
  • Thơ, đặc biệt là thơ có vần, có thể tạo hiệu ứng tuyệt vời. Nhưng thường rất khó. Nếu bạn không thể kể câu chuyện theo một cách khác, thì làm thơ có vần có thể thích hợp hơn. Nếu bạn muốn gieo vần, hãy làm thơ tự do. Nếu bạn định làm thơ có vần, hãy dùng từ điển gieo vần (Xem “Từ điển gieo vần hoàn thiện” do Clement Wood biên soạn).
  • Nhận biết nhóm tuổi bạn muốn viết sách, có thể là trẻ nhỏ hoặc trẻ lớn.
  • Luôn viết sách phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ đừng dùng những từ thô tục trong sách thiếu nhi, hoặc dùng những từ dùng nói với trẻ nhỏ trong tiểu thuyết dành cho người lớn.

Cảnh báo[sửa]

  • Rất ít người có thể kiếm sống từ việc viết sách thiếu nhi. Đó là một ngành công nghiệp chật vật nếu coi đó là nghề để nuôi sống bản thân, và nếu có thể, đừng bao giờ bỏ việc bạn vẫn đang làm. Đó là một sở thích đáng yêu hoặc một trò tiêu khiển, nếu bạn có thể mở rộng lượng độc giả và kiếm được một khoản kha khá, thì bạn có thể nghĩ đến khả năng phát triển nghề nghiệp này trong tương lai.

Liên kết đến đây