Voi
Họ Voi (danh pháp khoa học: Elephantidae) là một họ các động vật da dày, và là họ duy nhất còn tồn tại thuộc về bộ có vòi (hay bộ mũi dài, danh pháp khoa học: Proboscidea). Họ Voi hiện có ba loài còn tồn tại là: voi đồng cỏ châu Phi và voi rừng châu Phi (có thể được hiểu chung là voi châu Phi) và voi châu Á (ngày trước được hiểu như là voi Ấn Độ). Chúng phân bố ở châu Phi, Ấn Độ và vùng Tây Nam Á. Có một loài nữa là voi ma mút (là loài động vật trên cạn lớn nhất thế giới) cũng được biết đến nhưng đã bị tuyệt chủng ở thời kỳ băng hà cách đây chừng 10.000 năm.
Voi là động vật có vú lớn nhất còn sinh sống trên mặt đất ngày nay. Con voi nặng nhất được công nhận là con voi bị bắn hạ tại Angola năm 1974. Nó là một con voi đực, nặng 12.000 kg (26.400 pao). Các loài voi nhỏ nhất, với kích thước chỉ cỡ con bê hay con lợn lớn, là các loài voi tiền sử đã sinh sống trên đảo Crete cho tới khoảng năm 5000 TCN, và có thể là tới những năm khoảng 3000 TCN. Các hộp sọ còn sót lại, nằm rải rác của chúng, với lỗ vòi lớn duy nhất đặc trưng ở phía trước, có lẽ là cơ sở của niềm tin về sự tồn tại của những người khổng lồ một mắt (cyclops) trong Odyssey của Homer.
Các nghiên cứu gần đây về các di tích động vật tại miền trung Trung Quốc cho thấy người tiền sử ăn thịt voi. Trong lịch sử, việc săn voi là phổ biến để bắt và sử dụng voi ở châu Á, riêng ở châu Phi việc săn bắt voi lấy ngà được thực hiện bởi những tên thực dân phương Tây và ngà voi là mặt hàng buôn bán nhộn nhịp. Voi hiện nay là động vật được bảo vệ, và việc nuôi nhốt như là động vật cảnh bị cấm trên toàn thế giới.
Mục lục
Hệ thống phân loại[sửa]
Voi thuộc họ Elephantidae, họ duy nhất còn tồn tại trong hệ thống Bộ có vòi. Họ hàng gần nhất còn tồn tại là loài thuộc bộ Bò biển (Lợn biển và Cá cúi) và loài thuộc bộ Đa man
Đặc điểm[sửa]
Cơ thể voi đồ sộ được đỡ trên 4 chân to sừng sững như cái cột. Đầu to có vòi và ngà. Ngà voi là do hai răng cửa hàm trên biến thành, được dùng để trưng diễn, tự vệ và đào đất kiếm ăn. Răng hàm kiểu mào để nghiền thức ăn. Tai to, vẫy được để quạt mát hoặc giao tiếp. Máu được làm mát đi khi lưu chuyển qua tai chúng. Voi cái có một đôi vú ở ngực giữa hai chân trước.
Voi chủ yếu đi lại bằng đầu ngón chân, gót chân nhấc khỏi mặt đất. Xương bàn chân được bảo vệ bởi một lớp đệm gan bàn chân phẳng và dày chứa các sợi đàn hồi giúp bàn chân của chúng bè ra chống đỡ sức nặng của cơ thể và đi lại không gây ra tiếng động.
Vòi[sửa]
Cũng như trọng lượng của nó, 2 thứ làm cho voi khác với các loài động vật khác là vòi và ngà voi. Vòi voi là mũi của voi, nó không có xương sống nhưng lại có các mô cơ và có 1 hoặc 2 mô cơ giống như ngón tay ở đầu vòi. Vòi được dùng để thở, uống nước bằng cách hút nước lên rồi thổi vào miệng. Vòi có tới 4 vạn cơ bắp nên rất khéo léo, nó cũng có thể được dùng như cánh tay, đủ sức bẻ cành cây để ăn lá hoặc khéo léo bẻ những quả nhỏ như cỗ trái mâm xôi. Vòi voi rất nhạy cảm, voi đực dùng nó dùng để ve vãn voi cái, voi cái dùng nó để vuốt ve con. (những cái vuốt ve của con voi mẹ rất quan trọng trong việc phát triển của voi con)
Vòi voi rất dẻo, do mũi và môi kéo dài mà thành. Đầu vòi có 1 hoặc 2 ngón rất nhạy cảm để cầm nắm thức ăn và những đồ vật nhỏ. Ngoài tác dụng lấy thức ăn, vòi còn dùng để hút nước, phun nước khi tắm, để giao tiếp bằng xúc giác và khứu giác, để chào nhau, để khuếch đại tiếng ré hoặc để thể hiện rõ thái độ tức giận.
Ngà[sửa]
Ngà voi là cặp răng cửa trên của voi. Khi ngà bắt đầu mọc, nó có một lớp men bao ngoài như răng con người. Tuy nhiên, ngà càng lớn thì những lớp men này càng bị mỏng đi. Cấu tạo chính của ngà là xương răng. Ngà giúp voi tự vệ và ăn uống. Ngà sẽ tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời của voi, tức là voi càng già thì ngà càng to. Voi cái thường có ngà nhỏ hơn voi đực, ngà voi châu Á nhỏ hơn ngà voi châu Phi.
Tai voi[sửa]
Tai voi có kích thước lớn, tuy nhiên nó lại ít dùng để nghe, mà lại để thích ứng nhiệt độ trong cơ thể. Trên tai voi có nhiều mạch máu, độ chênh lệch với cơ thể lên đến 7 độ C. Nó thường dùng để phe phẩy tạo mát cho nó, đồng thời trong trường hợp nguy cấp, với các loài voi sống trên sa mạc, chiếc tai rất cần trong việc điều hoà nhiệt độ. Tai voi châu Phi lớn hơn rất nhiều so với voi châu Á.
Da voi[sửa]
Da voi dù rất dày nhưng lại nhạy cảm. Da voi cũng thường bị những con bọ kí sinh tấn công do đó chúng hay thích tắm bùn để gột rửa những con bọ này. Bụi bẩn bám trên da voi thành từng mảng hạn chế nắng mặt trời chiếu vào da và tránh các sinh vật ký sinh.
Tập tính[sửa]
Hằng ngày, voi dành khoảng 16 tiếng đồng hồ để tìm kiếm thức ăn và chỉ ngủ khoảng từ 3 đến 5 tiếng. Voi trưởng thành ngủ đứng. Voi con đôi khi ngủ nằm. Voi tuy to lớn, nhưng điều đó không ngăn cản chúng trở thành những tay bơi giỏi. Chúng rất thích bơi và thậm chí có thể bơi ở biển. Thời gian ưa thích trong ngày của chúng là khi tắm bùn. Bùn bảo vệ voi khỏi bị ánh nắng thiêu đốt và giữ cho voi được mất mẻ, tránh được những con bọ khó chịu.
Ăn uống[sửa]
Kích thước của một con voi có ý nghĩa là khi nó phát triển hoàn toàn thì ngoài con người ra, nó an toàn trước tất cả các loài thú ăn thịt. Và để nuôi sống cơ thể vĩ đại của mình, nó phải cần rất nhiều thức ăn. Mỗi con voi trưởng thành ăn khoảng 150 kg (300 lb) cỏ, cành nhỏ, lá cây, trái cây,... mỗi ngày. Những thức ăn như vậy cần được nhai kĩ càng. Voi có những răng nghiền phía sau ở cửa miệng, đây là vị trí mà các răng có lực mạnh nhất, nhưng nó cũng bị mòn đi. Khi đó răng mới sẽ được mọc lên ở phía dưới rồi đẩy răng cũ ra ngoài. Do đó, voi mọc răng trong suốt cuộc đời, tổng cộng có 6 bộ răng nghiền, nhưng khi bộ răng cuối cùng bị mòn thì khi đó voi đã sống đến 55 tuổi. Nó trở nên yếu đi vì thiếu thức ăn và sẽ chết vì đói nhiều hơn là về bệnh tật.
Voi dùng vòi để quặp thức ăn và đưa vào miệng. Thức ăn chủ yếu của chúng là cỏ và các loại cây khác trên mặt đất. Voi dùng vòi để kéo lá cây, thân cây và cành cây từ trên cao xuống. Khi thức ăn khan hiếm, voi dùng ngà để húc đổ cây. Khi khát, voi tập trung bên bờ sông hoặc các vũng nước, thậm chí dùng vòi để đào sâu xuống để hút nước. Voi uống nước bằng cách hút nước vào vòi rồi phun vào trong miệng. Mỗi ngày voi tiêu thụ 160-300 lít nước. Voi cũng phun nước lên lưng để làm mát da.
Mỗi ngày voi con trưởng thành thải ra một lượng chất thải nặng hơn trọng lượng của một cậu bé. Phân voi chứa những hạt cây mà voi đã nuốt sẽ mọc lên thành cây mới thay thế cho những cây mà chúng đã ăn hoặc húc đổ. Hiện nay ở một số nước đang nuôi voi, nghiên cứu và đi vào thử nghiệm chế biến phân voi thành giấy (vì phân voi khá sạch, không mùi do chúng chỉ ăn thực vật và uống nước).
Lãnh thổ[sửa]
Thực ra, voi không bảo vệ lãnh thổ riêng của nó, thay vào đó, nó thích hòa nhập vào đàn sống bên cạnh, trong đó con voi đầu đàn là con voi cái già nhất sẽ giữ vai trò làm chủ. Nó dẫn cả đàn tìm đến những nơi có nước và thức ăn. Theo sau con voi này là những chú voi con và những con voi cái trưởng thành. Voi sống chung một đàn qua nhiều năm. Các thành viên trong đàn luôn sống cạnh nhau, chăm sóc cho nhau, thậm chí sẵn sàng cho bất kỳ chú voi con nào bú nếu cần thiết. Đôi khi đàn bị tách ra, một số con voi trẻ hơn rời đàn cùng những con voi khác. Nhưng đàn nhỏ này vẫn có mối quan hệ chặt chẽ với gia đình gốc của chúng và có thể quay lại trong một thời gian rất ngắn.
Voi đực non (khoảng 12 tuổi) sống đơn độc hoặc sống cùng các voi đực khác. Số thành viên trong đàn chúng lập ra rất hay thay đổi. Khi các gia đình voi tập hợp lại sẽ trở thành bầy voi gồm hàng trăm thành viên. Voi giao tiếp bằng xúc giác, khứu giác, hoặc dùng vòi, tai ra hiệu. Tiếng ré của voi vang rất xa, voi ré lên để gọi nhau tập hợp thành bầy.
Sinh sản[sửa]
Tập tính sinh sản của voi cũng rất đặc biệt. Voi không có mùa giao phối riêng, nhưng nếu một con cái giao phối thì chúng sẵn sàng gia nhập đàn mặc dù chúng có thể có mặt không thường xuyên cho lắm. Chu kỳ mang thai của voi là 22 tháng, dài nhất trong số các động vật sống trên mặt đất. Voi con mới sinh cân nặng khoảng 120 kg (265 pao). Vừa mới sinh voi con trông rất lem luốc nên chúng được voi mẹ lau sạch trước khi chúng đứng lên được. Chúng thường sinh vào mùa xuân. Sau khi voi con ra đời, chúng được những voi khác ở bên để bảo vệ cho tới khi nó đủ cứng cáp để có thể đi được. Cũng như các loài thú có tuổi thọ dài khác, voi dành rất nhiều năm để chăm sóc con. Voi trưởng thành quá to lớn nên không có mấy kẻ thù, nhưng voi con có nguy cơ bị tấn công. Voi con bú sữa mẹ trong vòng năm năm và voi đực rời đàn khi đủ mười ba tuổi. Voi lớn lên rất chậm và chúng có thể sống được 60 năm hoặc thậm chí 80 năm.
Chi và loài[sửa]
-
Elephas
- Elephas antiquus †
- Elephas beyeri †
- Elephas celebensis †
- Elephas ekorensis †
- Elephas falconeri †
- Elephas maximus: Voi châu Á hay còn gọi là voi Ấn Độ (xem thêm: Voi Việt Nam)
- Elephas planifrons †
- Elephas platycephalus †
- E. recki †
- Loxodonta: Voi châu Phi
-
Mammuthus
†:
Voi
ma
mút
- Mammuthus columbi: Voi ma mút Columbia
- Mammuthus exilis: Voi ma mút lùn
- Mammuthus jeffersonii: Voi ma mút Jefferson
- Mammuthus lamarmorae: Voi ma mút lùn Sardinia
- Mammuthus meridionalis:
- Mammuthus primigenius: Voi ma mút lông xoăn
- Mammuthus trogontheri: Voi ma mút thảo nguyên
-
Stegodon:
†
- Stegodon elephantoides: Myanma, Java
- Stegodon sompoensis: Sulawesi, Indonesia
- Stegodon aurorae: Nhật Bản
- Stegodon ganesha: Ấn Độ, Pakistan
- Stegodon insignis: Pakistan
- Stegodon zdanski: Trung Quốc
- Stegodon orientalis: Trung Quốc, Nhật Bản
- Stegodon shinshuensis: Nhật Bản
- Stegodon trigonocephalus: Java, Indonesia
- Stegodon sondaari: Flores, Indonesia
- Stegodon florensis: Flores, Indonesia
Trong đời sống[sửa]
- Xem chi tiết: Voi trong biểu tượng văn hóa
Voi đã thuần hóa là con vật nuôi có ích và rất thân thiện với con người. Từ hàng nghìn năm nay, những chú voi đã được thuần dưỡng để làm những công việc như kéo gỗ, kéo cày, kéo cây và để biểu diễn trong các lễ hội. Voi là động vật thông minh nên có thể học và ghi nhớ rất nhanh các kỹ năng đơn giản. Người dân vùng Đông Á thường dùng voi để kéo các cây gỗ lớn mà xe ủi hoặc xe kéo không làm được. Người châu Á cũng dùng voi để làm loài vật chiến đấu như voi chiến hay voi trận như Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia... Ở Việt Nam có Bản Đôn - Đắk Lắk là một nơi có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Voi ở đây còn được sử dụng như một sản phẩm du lịch ăn khách. Ở đây còn có huyền thoại về vua voi và nhiều di tích, kỉ vật về ông còn được lưu giữ.
Trong văn hóa Việt Nam, voi được nhiều lần nhắc đến qua những câu chuyện, câu thành ngữ, tục ngữ. Ví dụ:
- Mười voi không bằng bát nước xáo: Chỉ những người huênh hoang khoác lác nhưng chẳng có thực chất
- Tránh voi chẳng xấu mặt nào: Chỉ cách ứng phó, đối nhân xử thế, không chấp nhất
- Thầy bói xem voi: Câu chuyện dân gian
- Được voi đòi tiên: Chỉ sự tham lam, đòi hỏi quá đáng
- Voi giày ngựa xé: Liên tưởng đến một hình phạt tàn khốc
- Đầu voi đuôi chuột: Chỉ về sự việc làm không đến nơi, đến chốn, mang tính khoa trương
-
Srepok Ban Don.JPG
Voi đưa du khách sang sông Serepôk
-
Bandon04.JPG
Mộ vua voi ở Bản Đôn
-
Bandon10.JPG
Chiếc mâm đồng kỉ vật của Vua Voi Bản Đôn
-
Yokdon02.JPG
Voi và Kiểm lâm ở vườn quốc gia Ýok Đôn
Tham khảo[sửa]
Liên kết ngoài[sửa]
- Bản mẫu:TĐBKVN
- Thông tin về loài voi trên trang web Sinh vật rừng Việt Nam
- Bản mẫu:Britannica
- Bản mẫu:Eol
- Bản mẫu:NCBI
- Bản mẫu:ITIS
- Elephantidae trong Mammal Species of the World.
|
Bài
viết
hoặc
đoạn
này
cần
thêm
chú
thích
nguồn
gốc
để
có
thể
kiểm
chứng
thông
tin. Những nội dung không có nguồn có thể bị đặt vấn đề và xóa bỏ. Mời bạn bổ sung chú thích từ các nguồn đáng tin cậy để giúp cải thiện bài viết. |